Thông tin thị trường giá cả số 50/2021

03:38 PM 10/12/2021 |   Lượt xem: 22891 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Đồng bằng sông Cửu Long:

Tái đàn chăn nuôi phục vụ thị trường cuối năm

Hiện nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tăng tốc tái đàn chăn nuôi phục vụ thị trường cuối năm. Ở các tỉnh có thế mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm như: Tiền Giang, Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh, Bến Tre… đang có sự dịch chuyển với xu hướng chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi công nghiệp hoặc bán công nghiệp có kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm (ATTP).

Tăng cường kiểm soát dịch bệnh

Trong hơn 3 tháng vừa qua, hoạt động chăn nuôi, nhất là đối tượng nông hộ chăn nuôi quy mô gia đình, nhỏ lẻ chịu ảnh hưởng nặng nề khi phải đối mặt cùng lúc 3 khó khăn lớn: Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, sản phẩm tiêu thụ chậm, giá thấp và ẩn họa dịch bệnh. Hiện nay, hoạt động chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đã khởi sắc nhưng nỗi lo lớn nhất vẫn là diễn biến dịch bệnh động vật còn phức tạp, một số địa phương vẫn còn xảy ra các ổ dịch nhỏ lẻ. Theo Chi cục Thú y vùng VII, bệnh dịch tả heo Châu Phi nửa cuối tháng 10/2021 vẫn còn xảy ra tại 74 xã, 32 huyện thuộc 7 tỉnh, thành phố ở ĐBSCL như Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh và Cần Thơ. So với cùng kỳ năm 2020, bệnh dịch tả heo Châu Phi trong 10 tháng đầu năm 2021 tăng về số xã có dịch hơn gấp 2 lần. Đối với gia cầm, hiện toàn vùng không có phát sinh dịch bệnh cúm gia cầm H5N1. Bệnh cúm gia cầm trong 10 tháng qua giảm về số xã có dịch trên 78% so với cùng kỳ năm 2020. Bệnh lở mồm long móng, bệnh tai xanh không có phát sinh dịch bệnh. Tuy vậy, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò đang xảy ra tại 107 xã, 22 huyện, 6 tỉnh, thành phố trong vùng.

Chuyển sang chăn nuôi an toàn sinh học

Trước tình hình này, các hộ chăn nuôi có xu hướng áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Trong đó, Sóc Trăng là một trong những tỉnh có thế mạnh về chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tỉnh triển khai dự án quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và dự án phát triển đàn bò (bò thịt, bò sữa) trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, nhờ các dự án nông nghiệp cacbon thấp, tỉnh đã đề xuất chính sách hỗ trợ vốn, có chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ... Đồng thời, hỗ trợ và tiếp tục nâng cao hoạt động của Hợp tác xã Nông nghiệp Evergrowth nhằm góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, nhất là trong đồng bào Khmer. Hiện các trại chăn nuôi heo tại Sóc Trăng đã có kế hoạch sản xuất đến cuối năm, đảm bảo nguồn cung heo ra thị trường tết nếu nhu cầu tăng cao.

Những năm qua, Cần Thơ đã tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại, tái cấu trúc ngành chăn nuôi, dịch chuyển dần từ các quận về các huyện và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ đã thực hiện hỗ trợ chứng nhận VietGAHP cho 4 mô hình chăn nuôi (3 mô hình chăn nuôi heo và 1 mô hình chăn nuôi vịt) để tham gia chuỗi cung ứng và xác nhận thực phẩm an toàn. Hiện nay, sản lượng chăn nuôi cung ứng khoảng 70% nhu cầu thị trường của thành phố, phần thiếu hụt được cân đối nhập từ các tỉnh, thành khác để cung ứng đủ cho người tiêu dùng.

Tại Trà Vinh, thời gian gần đây, tỉnh chủ trương giảm tỷ trọng đàn lợn, tăng tỷ trọng đàn gia cầm và gia súc ăn cỏ; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn quy mô trang trại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng gắn xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi, phát triển giống chất lượng cao, giống đặc sản. Tỉnh cũng khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư và liên kết, hợp tác phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học và giết mổ tập trung, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Tuần Giáo - Điện Biên:

Phát triển kinh tế từ cây cà phê

Xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên có gần 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống rải rác từ lưng chừng đèo lên đến đỉnh đèo Pha Đin. Những năm qua, bà con đã tích cực khai hoang và chuyển đổi diện tích trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cà phê.

Xã Tỏa Tình nằm ở vị trí địa lý với điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp với việc phát triển cây cà phê. Đây cũng là vùng trồng cây cà phê lớn nhất của huyện Tuần Giáo. Đặc biệt, từ năm 2012 trở về đây, bà con đã tích cực chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn, lúa nương sang trồng cà phê. Nhờ chăm sóc tốt, cà phê cho năng suất cao và tìm được đầu ra ổn định đã giúp người dân vùng cao Tỏa Tình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế.  Đặc biệt, xã Tỏa Tình đã đồng hành cùng bà con trong phát triển cây cà phê; hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất phù hợp nhằm mang lại năng suất cao. Năng suất cà phê hiện tại đạt khoảng 7 tấn quả tươi/héc-ta với giá bán 10.000 đồng/kg quả tươi. Hiện có nhiều doanh nghiệp từ Sơn La và Điện Biên thu mua cà phê nên người dân không khó khăn trong việc tìm đầu ra. Thậm chí, vụ thu hoạch cà phê vừa qua, bà con chỉ cần thu hái, tập kết ở bên đường là có thương lái đến tận vườn thu mua.

Tuần Giáo định hướng sẽ đưa Tỏa Tình trở thành vùng trồng cây cà phê chủ lực của huyện. Bởi vậy, việc phát triển cây cà phê theo hướng bền vững là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Hiện nay, dù nguồn đầu ra cho quả cà phê sau thu hái của người dân vẫn được đảm bảo nhưng chỉ do tư thương tiến hành thu mua chứ chưa có chuỗi liên kết khép kín để đảm bảo về lâu dài. Để phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn, địa phương đang xây dựng chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; trong đó, tiến hành lập hợp tác xã sản xuất cà phê, liên kết với Công ty cổ phần Cà phê Hồng Kỳ Quốc tế là đơn vị đã có sản phẩm cà phê được công nhận sản phẩm OCOP để xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, giúp người trồng có đầu ra ổn định, bền vững.

Hàm Thuận Nam - Bình Thuận:

Thêm 3 dự án liên kết theo chuỗi giá trị thanh long

Thanh long là loại cây chịu nắng hạn, dễ trồng, phù hợp với vùng đất Bình Thuận. Thời gian qua quả thanh long đã, giúp bà con huyện Hàm Thuận Nam xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.

Để hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm, huyện Hàm Thuận Nam đã triển khai 3 dự án liên kết cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long. Quy mô liên kết sản xuất các dự án là 90 héc-ta/95 hộ dân tham gia, sản lượng bao tiêu sản phẩm khoảng 2.700 tấn. Cụ thể, tại xã Mương Mán, dự án liên kết cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long của Cơ sở thu mua thanh long Triều Bảo. Cơ sở thu mua này liên kết tiêu thụ sản phẩm với Tổ hợp tác VietGAP với diện tích 25 héc-ta/25 hộ tham gia. Dự án này đưa vào hoạt động từ tháng 10/2021 với tổng kinh phí là 4,374 tỷ đồng. Đối với dự án liên kết cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long của Cơ sở thu mua thanh long Bối Trác triển khai tại xã Thuận Quý cũng khá thành công. Cơ sở thu mua thanh long Bối Trác liên kết tiêu thụ sản phẩm với Hợp tác xã (HTX) Phú Cường với diện tích 30 héc-ta/30 hộ dân tham gia, kinh phí thực hiện dự án là 4,986 tỷ đồng. Còn dự án liên kết cung ứng vật tư, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long của HTX dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh 30 được thực hiện tại xã Hàm Minh. Công ty TNHH TM Đối ngoại TFHD tại thị trấn Thuận Nam liên kết tiêu thụ sản phẩm với HTX dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh 30 với diện tích 35 héc-ta/40 hộ dân tham gia, kinh phí thực hiện dự án là 4,951 tỷ đồng.

Ngoài ra, huyện đang xây dựng, hình thành các dự án liên kết sản xuất khác trên địa bàn như: Dự án liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế gắn với tiêu thụ sản phẩm thanh long an toàn, theo hướng GlobalGAP tại HTX dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Kiệm với diện tích 103,6 héc-ta; hướng dẫn HTX Thuận Minh Phát, xã Hàm Cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm…       

Bình Thuận:

Tiêu tăng giá, nông dân phấn khởi

Mấy ngày gần đây, giá tiêu liên tục tăng từ 60.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg. Nông dân trồng hồ tiêu đang phấn khởi và hy vọng giá tiêu giữ ở mức cao, bù cho những năm trước giá thấp khiến người trồng tiêu gặp khó. Hiện nông dân huyện Đức Linh đã sáng tạo xây hồ chứa nước để dự trữ tưới cây cho mùa khô. Nhiều hộ tự sáng tạo làm theo mô hình mới là đặt vòi nước phun nhỏ giọt tự động, mỗi trụ cách nhau 3m, được vun gốc cao để xử lý thoát nước, tránh bị úng hoặc lây bệnh như những vườn khác.

Đồng bằng sông Cửu Long:

Giá mít Thái giảm mạnh

Những ngày qua, giá mít Thái tại ĐBSCL giảm rất mạnh và tiêu thụ chậm. Hiện mít Thái loại 1 (trái đẹp từ 9 kg/trái trở lên) chỉ còn từ 12.000 - 14.000 đồng/kg; mít loại 2 (từ 7 - 9 kg/trái) giá dao động chỉ có 5.000 - 6.000 đồng/kg; mít loại 3 (dưới 7 kg/trái) giá khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg… Mức giá này rất thấp trong khoảng 3 tháng gần đây. Thời gian qua, diện tích trồng mít Thái ở ĐBSCL tăng nhanh. Nhiều nơi, bà con bỏ ruộng lúa, chuyển đổi một số loại cây kém hiệu quả sang trồng mít Thái. Ước tính toàn vùng ĐBSCL có khoảng 30.500 héc-ta mít Thái, sản lượng khoảng 330.000 tấn mỗi năm. Do mít Thái phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, vì vậy giá cả lên xuống thất thường, không ổn định. Mỗi khi phía Trung Quốc thu mua mạnh thì giá mít tăng cao. Ngược lại, khi họ giảm thu mua thì giá rớt. Chính vì thế, chính quyền các địa phương ở ĐBSCL luôn khuyến cáo nông dân thận trọng trong việc ào ạt trồng mít Thái, khi thị trường xuất khẩu chưa được mở rộng.

Nông dân trúng mùa ớt chỉ thiên

Hiện nay, nông dân trồng ớt chỉ thiên ở thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang rất phấn khởi vì thương lái thu mua với giá 25.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với cách nay khoảng một tháng. Theo tính toán của nông dân, một công ớt chỉ thiên (3.000 cây), nếu chăm sóc tốt, với giá bán như hiện nay, sau khi trừ chi phí sản xuất còn lãi 20 triệu đồng/công/đợt thu hoạch. Thời gian trồng ớt chỉ thiên khoảng 2,5 tháng là cho thu hoạch đợt đầu kéo dài một tháng. Tùy vào cách chăm sóc, nông dân có thể thu hoạch ớt 2 - 3 đợt/vụ.

Hậu Giang:

Giá quýt đường tăng

Nếu như thời điểm đầu tháng 11, thương lái vào tận vườn mua quýt đường của nhà vườn trong tỉnh Hậu Giang với giá 20.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên 25.000 đồng/kg. Theo nhiều chủ vườn trồng quýt, hiện nay thị trường tiêu thụ quýt đường khá mạnh, một số thương lái ngoài tỉnh vào các vườn quýt ở huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ để thu mua nên nguồn cung lúc này cũng bị hạn chế. Ngoài ra, vừa qua đợt hái quýt đường nên sản lượng cũng ít hơn so với đầu vụ thu hoạch. Với tình hình giá tăng như hiện nay, các nhà vườn dự báo, giá quýt tết tới đây sẽ còn tăng cao hơn nữa. Nhiều người hy vọng, với đà tăng giá này sẽ đem lại nguồn lợi nhuận cao cho nhà vườn.

Trảng Bom - Đồng Nai:

Giá chuối xuất khẩu tăng cao

Huyện Trảng Bom là “thủ phủ” trồng chuối của Đồng Nai với diện tích trên 4,2 nghìn héc-ta. Hiện giá xuất khẩu chuối tại đây tăng gần gấp đôi so với 2 - 3 tháng trước.

Từ nhiều năm trước, chuối cấy mô đã trở thành cây trồng chủ lực của địa phương và được đầu tư phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng sản phẩm. Chuối cấy mô hiện tại chủ yếu được xuất bán sang Trung Quốc và tiêu thụ nội địa. Một số ít được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản thông qua các đơn vị ủy thác hoặc đối tác trung gian. Hiện tại các xã có diện tích chuối lớn đều đã thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tạo liên kết để mời gọi doanh nghiệp đầu tư và tìm kiếm đầu ra. Đặc biệt, hiện giá chuối đã tăng gấp đôi so với cách đây hai tháng nên người trống rất phấn khởi. Cụ thể, giá thu mua chuối đang ở mức 12.500 đồng/kg cho hàng xuất khẩu loại 1. Riêng với hàng loại 2, 3, giá ở mức 7.000 - 9.000 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá chuối tăng mạnh là do nhu cầu tiêu thụ và chế biến trong thời điểm cuối năm thường tăng cao nhằm phục vụ thị trưởng tết. Đặc biệt, Trung Quốc đang tăng cường thu mua chuối để phục vụ chế biến nên giá tăng nhanh.

Trước đó, do tác động của dịch Covid-19, giá chuối tại Đồng Nai liên tục giảm, có thời điểm chỉ còn 1.500 - 4.000 đồng/kg và không có thương lái thu mua. Nhiều xưởng chế biến chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí có xưởng ngưng vì gặp khó khăn trong tiêu thụ khiến người trồng chuối điêu đứng. Do đó, nay giá chuối tăng trở lại, người dân phần nào phấn khởi và giảm bớt được thua lỗ. Dự báo, các tháng cuối năm, thị trường chuối xuất khẩu sẽ sôi động, giá tương đối ổn định.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

An Giang:

Phát hiện khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc

Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang đã bắt quả tang một xe ô tô tải vận chuyển 265.000 khẩu trang y tế và số lượng lớn mỹ phẩm, phụ tùng xe mô tô không rõ nguồn gốc xuất xứ tại ấp Phú Hiệp, xã An Phú, huyện Tịnh Biên. Tất cả số hàng hóa trên có nhãn mác nước ngoài và không rõ nguồn gốc xuất xứ với trị giá khoảng 800 triệu đồng.

Thời gian gần đây lực lượng chức năng tỉnh An Giang liên tiếp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển với số lượng lớn hàng hóa gắn nhãn mác nước ngoài, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; do đó, các lực lượng chức năng khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác khi mua, sử dụng hàng hóa xuất xứ nước ngoài không rõ nguồn gốc nhằm tránh những hệ quả đáng tiếc, góp phần phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Lào Cai:

Bắt giữ pháo nổ và thuốc lá lậu

Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Lào Cai phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an và Công an thành phố Lào Cai bắt quả tang 6 đối tượng đang có hành vi vận chuyển số lượng lớn pháo nổ và thuốc lá lậu về xuôi. Tang vật thu giữ gồm 29 thùng carton, bên trong chứa 500kg pháo nổ, cùng 384 cây thuốc lá các nhãn hiệu Marlboro, Jinning, Mevius. Bước đầu, các đối tượng khai nhận được một người đàn ông không quen biết đặt mua pháo và một số hàng cấm khác. Một trong số 6 đối tượng nói trên sau đó đã liên hệ với một số chủ hàng bên phía Trung Quốc đặt mua pháo và thuốc lá, sau đó thuê người vận chuyển về Lào Cai, tập kết vào một nhà kho tại phường Bắc Cường.

HÀNG VIỆT

Vĩnh Long:

Phấn đấu 100 sản phẩm đạt 3 sao OCOP

Theo Đề án “Chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 - 2025”, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2025 phát triển mới từ 80 - 100 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao trở lên và hỗ trợ tạo điều kiện để các chủ thể tham gia chương trình OCOP đầu tư nâng cấp để có từ 2 - 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.

Đồng thời liên kết các làng nghề, các chủ thể tham gia chương trình OCOP với các điểm, khu du lịch trong và ngoài tỉnh để nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP. Riêng trong năm 2021, tỉnh có kế hoạch đầu tư hỗ trợ phát triển thêm 20 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ hạng 3 sao trở lên (cấp tỉnh hỗ trợ đầu tư 12 sản phẩm, cấp huyện hỗ trợ đầu tư 8 sản phẩm).

Đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Long có 50 sản phẩm của 38 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh được công nhận sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao, trong đó: 13 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 37 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Trong đó có nhiều sản phẩm là đặc sản của địa phương, được người tiêu dùng ưa chuộng như: Sầu riêng Ri 6 (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ), khoai lang sấy (xã Tân Bình, huyện Bình Tân), trà khổ qua xắt lát, trà khổ qua túi lọc (phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh), snack nấm bào ngư (xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít), gạo sản xuất theo hướng hữu cơ (xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm)…

Việc đạt 3 - 4 sao OCOP giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long trên thị trường; khuyến khích người dân, các cơ sở sản xuất phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, từng bước hiện đại. Nhằm quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hiện Vĩnh Long đang xúc tiến xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP.

Gia Lai:

Xây dựng 146 sản phẩm OCOP

Năm nay, Gia Lai phấn đấu có thêm 146 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao. Trong đó có 135 sản phẩm đăng ký thực hiện mới, 11 sản phẩm đã được chứng nhận trong các năm trước và năm nay tiếp tục được phát triển để nâng cấp thành 4 hoặc 5 sao.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới, năm nay, các địa phương đã đăng ký 146 ý tưởng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc triển khai thực hiện chương trình gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 42 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp huyện công nhận đạt 3 sao và gửi hồ sơ, sản phẩm lên Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh. Trong đó, huyện Mang Yang có 15 sản phẩm, Chư Pưh 10 sản phẩm, Chư Prông 10 sản phẩm, Ia Grai 6 sản phẩm và Ia Pa có 1 sản phẩm.

Năm nay, nhiều chủ thể gặp khó về thị trường tiêu thụ và thiếu vốn đầu tư. Đặc biệt, dịch Covid-19 đã gây khó khăn trong tư vấn, hướng dẫn các chủ thể xây dựng, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm. Dự kiến, năm nay có khoảng 82 sản phẩm đặc trưng của Gia Lai tham gia đánh giá, phân hạng. Trong đó, nhóm ngành thực phẩm tiếp tục được các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể ưu tiên chọn tham gia Chương trình OCOP.

Giai đoạn 2018 - 2020, Gia Lai có 149 sản phẩm được công nhận đạt 3 - 4 sao cấp tỉnh, trong đó, nhóm thực phẩm 122 sản phẩm, đồ uống 7 sản phẩm, thảo dược 18 sản phẩm, vải may mặc 1 sản phẩm và mỹ nghệ 1
sản phẩm.