Thông tin thị trường giá cả số 49/2020

10:56 AM 09/12/2020 |   Lượt xem: 4006 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Sóc Trăng:

Vào vụ thu hoạch vú sữa đầu mùa

Thời điểm này, nhiều tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch vú sữa. Nhìn chung, giá vú sữa đầu vụ đang thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 20% khiến nhà vườn kém vui.

Nếu như năm ngoái, vú sữa đầu mùa được thương lái thu mua tại vườn từ 25.000 -  30.000 đồng/kg thì hiện nay đã giảm chỉ còn trên dưới 20.000 đồng/kg. Neo vườn để chờ giá đang là giải pháp mang tính may rủi mà rất nhiều nhà vườn đang áp dụng. Riêng tại huyện Kế Sách, địa phương chiếm hơn 80% diện tích trồng cây vú sữa của toàn tỉnh Sóc Trăng, bà con vẫn hăng hái tiến hành thu hoạch khi trái vừa đủ độ chín. Bởi kể từ khi được ký kết hợp đồng xuất khẩu với doanh nghiệp, bà con có thể ước tính được lợi nhuận sản xuất ngay từ đầu vụ mà không cần phải quan tâm, lo ngại về giá cả thị trường như nhiều năm về trước. Các hộ tham gia hợp tác xã được ký kết tiêu thụ với giá ổn định 30.000 đồng/kg. Tính đến nay, toàn huyện Kế Sách đã có 3 hợp tác xã có công ty liên kết tiêu thụ và 1 hợp tác xã đang trong giai đoạn đàm phán kí kết. Nhằm đảm bảo số lượng trái vú sữa được ký kết tiêu thụ xứng tầm với sản lượng thu hoạch hằng năm, huyện cũng phân thành nhiều phân khúc khác nhau để có thể đưa trái vú sữa vào trong siêu thị, các chợ đầu mối.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Sóc Trăng, nếu như liên kết hợp tác là xu thế tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững trong thời hội nhập thì tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm lại là vấn đề cần đặt lên hàng đầu. Bởi việc xây dựng vùng vú sữa sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được bắt đầu từ hợp tác xã. Tín hiệu lạc quan từ liên kết hợp tác cũng giúp nông dân trồng vú sữa có ý thức hơn trong mọi khâu canh tác như thực hiện mã code vùng trồng, kỹ thuật bao trái, bón phân, tuân thủ đúng quy trình VietGAP trong canh tác. Hiện diện tích trồng vú sữa toàn tỉnh gần 1.900 héc-ta, sản lượng thu hoạch hằng năm trên 28.000 tấn. Để nâng tầm chất lượng trái vú sữa Sóc Trăng, hướng đến mục tiêu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, Ban Quản lý Dự án cây ăn trái đặc sản của tỉnh cũng đã xây dựng 62,3 héc-ta trồng vú sữa VietGAP tại xã Xuân Hòa và Trinh Phú của huyện Kế Sách; đồng thời cấp 19 mã code cho 140 hộ với diện tích 125,49 héc-ta. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn cũng như một số đầu mối tiêu thụ để có thể tiêu thụ trái vú sữa cả trong và ngoài nước.

Một khi liên kết trong sản xuất thật sự chặt chẽ và chữ tín giữa nông dân với doanh nghiệp được đề cao thì nhà vườn mới có thể tự hạch toán được giá trị sản phẩm; và khi đó, giá tiêu thụ cũng sẽ không do tư thương quyết định. Câu chuyện bảo toàn được lợi nhuận kinh tế trước tình trạng biến động về giá đối với trái vú sữa của các hợp tác xã sản xuất vú sữa trên địa bàn huyện Kế Sách là một minh chứng rõ nhất về lợi ích của mô hình phát triển kinh tế tập thể và liên kết tiêu thụ. Chỉ khi cùng hợp sức, người nông dân mới có thể làm chủ được thị trường và câu chuyện được mùa mất giá hay được giá mất mùa sẽ không còn là điều đáng bận tâm vào mỗi mùa vụ.

Chư Prông (Gia Lai):

Dưa hấu mất mùa, mất giá

Thời điểm này, bà con nông dân huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đang vào vụ thu hoạch dưa hấu. Tuy nhiên, nông dân phải chịu thiệt hại kép vì mất mùa, mất giá.

Những ngày cuối tháng 11, các hộ trồng dưa hấu ở Chư Prông đang vào vụ thu hoạch. Những năm trước, mỗi héc-ta dưa hấu đầu tư bình quân 70 - 80 triệu đồng, sản lượng khoảng 25 - 35 tấn. Với giá bán tại ruộng 5.000 - 7.000 đồng/kg, mỗi héc-ta dưa hấu cho doanh thu gần 100 triệu đồng. Vụ dưa năm nay, thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất và thu nhập của người trồng dưa. Trung bình năng suất dưa năm nay chỉ đạt khoảng 15 - 17 tấn/héc-ta, thậm chí nhiều ruộng dưa năng suất chỉ đạt 7 - 10 tấn/héc-ta. Riêng các hộ trồng dưa tại các xã: Ia Lâu, Ia Púch, Ia Piơr và Ia Ga phải trồng 2 lần, chi phí gấp đôi nhưng năng suất giảm gần 50% so với năm ngoái. Nguyên nhân do thời tiết mưa nhiều gây ngập úng, dẫn đến tình trạng dưa hấu mất mùa khiến người trồng dưa gặp nhiều khó khăn. Với giá dưa chưa đến 4.000 đồng/kg, tính ra trung bình 1 sào dưa, người trồng lỗ gần 10 triệu đồng. Trước tình hình đó, chính quyền các xã đã vận động người dân tập trung thu hoạch dưa hấu để thu hồi vốn, kịp thời làm đất để gieo trồng vụ tiếp theo. Thời gian tới, xã sẽ chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn người dân trồng đúng thời điểm, nhằm hạn chế những rủi ro do thời tiết gây ra.

Cao Bằng:

Phát triển cây hà thủ ô đỏ

Hà thủ ô đỏ được nông dân trồng tập trung tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Loại thảo dược này bước đầu đem lại thu nhập gấp hàng chục lần trồng ngô, lúa; góp phần xóa nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Nhằm phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025, năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Cao Bằng đã thực hiện Dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình trồng và chế biến dược liệu hà thủ ô đỏ tại huyện Bảo Lạc”. Mục tiêu chính là nhân giống, trồng trọt, thu hoạch hà thủ ô đỏ theo tiêu chuẩn GACP-WHO, bảo quản, sơ chế, sản xuất cao và một số sản phẩm từ hà thủ ô đỏ huyện Bảo Lạc. Bởi theo Đông y, ngoài công dụng làm đen tóc, hà thủ ô đỏ còn có tác dụng bổ máu, an thần, dưỡng can, ích thận, cố tinh, nhuận tràng, chữa sốt rét… được người dân sử dụng để bồi bổ sức khỏe. Thị trường tiêu thụ sản phẩm này rất ổn định và có nhiều tiềm năng.

Công ty TNHH Quan Đạo là công ty tham gia dự án cho biết, thời gian qua, công ty chủ động ươm hơn 200.000 bầu giống thủ ô đỏ, xây dựng mô hình trồng hà thủ ô đỏ trình diễn tập trung tại các xã: Thượng Hà, Hồng Trị, Xuân Trường và thị trấn Bảo Lạc với quy mô 5 héc-ta. Ngoài ra, công ty còn triển khai trồng hà thủ ô đỏ phân tán tại các xã: Cô Ba, Phan Thanh, Khánh Xuân... để tăng nguồn cung sản phẩm và mở rộng vùng nguyên liệu. Các hộ dân tham gia sẽ được hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng hà thủ ô đỏ và được bao tiêu đầu ra sản phẩm.

Với địa hình chủ yếu là đồi, núi, thiên nhiên ưu đãi cho huyện Bảo Lạc có nhiều loại dược liệu quý sẵn có trong tự nhiên, trong đó có cây hà thủ ô đỏ. Dự án trồng hà thủ ô đỏ tại huyện Bảo Lạc sẽ mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho người dân. Nếu đầu ra ổn định như hiện nay, cây hà thủ đô đỏ sẽ đem lại lợi nhuận cao cho người trồng và góp phần xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Bát Xát (Lào Cai):

Thương lái thu mua củ sâm đất

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát, năm 2020 toàn huyện có khoảng 200 héc-ta sâm đất hay còn gọi là củ hoàng sin cô. Đến thời điểm này, người dân đã cơ bản thu hoạch xong củ và bán cho thương lái. Các thương lái đều tập trung thu mua củ ngay từ đầu vụ. Tổng sản lượng đảm bảo yêu cầu xuất bán đạt 2.200 - 2.500 tấn củ tươi, tập trung chủ yếu ở 3 xã: Trịnh Tường, A Lù, Y Tý. Năm nay, giá củ sâm đất tươi dao động từ 4.000 đồng/kg – 10.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm, từng chất lượng củ. Ước lượng củ bán ra thị trường đã đem về cho nông dân vùng cao Bát Xát hơn 10 tỷ đồng, tăng gần 9 tỷ đồng so với năm trước. Riêng Công ty TNHH Thạch rau câu Long Hải đã hợp đồng từ đầu vụ thu mua của nông dân 500 tấn củ. Tuy nhiên, năm nay, do thời tiết mưa nhiều nên ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng củ sâm đất của huyện Bát Xát. Ngoài lượng đã xuất bán, toàn huyện có khoảng 1.000 tấn củ bị thối hỏng không thể tiêu thụ.

Bà Rịa - Vũng Tàu:

Giá tiêu tăng nhẹ

Tuần đầu tháng 12/2020, giá tiêu ở Bà Rịa – Vũng Tàu là 58.500 đồng/kg, tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/kg so với cuối tuần trước. Hiện các vườn tiêu trên địa bàn tỉnh đang trong thời điểm nuôi trái nhưng tỷ lệ hạt tiêu rất thấp, chỉ lác đác, thưa thớt trên cây. Một điều bất thường là vụ tiêu năm nay có tình trạng tiêu ra hoa đợt 2 trong 1 vụ, điều này khiến cây tiêu suy yếu vì phải tiếp tục nuôi hoa trong khi đang phải nuôi trái; trong khi đó, hoa tiêu đợt này nếu đậu trái cũng sẽ bị lép. Chính vì vậy, nông dân buộc phải thuê nhân công ngắt bỏ hoa ra đợt 2 này, làm tăng thêm chi phí.

Những năm trước, khi giá tiêu ở mức cao thì người nông dân ồ ạt phá bỏ các vườn cây khác để chuyển qua trồng tiêu, khiến diện tích tiêu của Bà Rịa - Vũng Tàu tăng lên nhanh chóng, có thời điểm lên đến khoảng 13.000 héc-ta.

Tiền Giang:

Giá sầu riêng tăng mạnh

Trong những ngày qua, giá sầu riêng tại vùng chuyên canh tỉnh Tiền Giang đang tăng mạnh. Tại huyện Cai Lậy, thương lái đang lùng mua sầu riêng với giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng quả và địa bàn gần xa. Đây là mức giá cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và đạt kỷ lục từ trước đến nay. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng hạn mặn lúc mùa khô 2020 nên trong năm nay năng suất sầu riêng đạt thấp, bà con kém phấn khởi. Nguyên nhân, thời điểm này vùng chuyên canh sầu riêng đang vào vụ nghịch nhưng đa phần vườn sầu riêng bị ảnh hưởng đợt hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt trong mùa khô 2020 vừa qua nên chưa hồi phục, bị thất thu. Do vậy, nguồn cung sầu riêng trên thị trường trong những ngày cuối năm dương lịch 2020 chắc chắn thiếu hụt và giá tăng cao. Tiền Giang đã hình thành được vùng chuyên canh sầu riêng tại các huyện vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền: Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước với diện tích khoảng 14.000 héc-ta mang lại cho nông dân một nguồn thu nhập lớn, góp phần đổi mới nông nghiệp nông thôn.

Lý Sơn (Quảng Ngãi):

Nông dân vào vụ tỏi mới

Những ngày này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, nông dân Lý Sơn vừa cải tạo lại đất bị mưa bão cuốn trôi, vừa khẩn trương xuống giống sản xuất vụ tỏi đông xuân 2020 - 2021 theo lịch thời vụ. Vụ tỏi này, hầu hết các hộ gia đình phải đầu tư nhiều hơn những niên vụ trước bởi thiệt hại do mưa bão gây ra. Hiện nay, để sản xuất vụ tỏi mới, nông dân phải đầu tư từ 5 - 7 triệu đồng/sào mua phân bón, cát trắng cải tạo đất, đó là chưa kể chi phí mua tỏi giống. Theo lịch thời vụ, thời điểm này, nông dân phải cơ bản hoàn thành việc xuống giống sản xuất trên 330 héc-ta tỏi vụ đông xuân, nhưng năm nay do mưa bão dồn dập nên ảnh hưởng đến sản xuất của bà con. Mỗi năm, nông dân Lý Sơn chỉ gieo trồng được một vụ tỏi và 4 vụ hành cùng cây xen canh gối vụ. Do đó, sản xuất vụ tỏi được nông dân địa phương quan tâm chú trọng. Huyện cũng đang động viên nông dân nỗ lực vượt khó, khẩn trương hoàn thành sản xuất vụ tỏi theo kế hoạch đề ra.

Đắk Hà (Kon Tum):

Thiếu nhân công thu hoạch cà phê

Thời tiết không thuận lợi, khan hiếm nhân công thu hái và giá thu mua cà phê thấp đang là những khó khăn khiến người trồng cà phê ở huyện Ðắk Hà, tỉnh Kon Tum nản lòng.

Thời tiết là vấn đề được hàng nghìn hộ trồng cà phê ở huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum đặc biệt quan tâm khi mà trên 12.000 héc-ta cà phê kinh doanh đã bắt đầu vào vụ thu hoạch. Thời điểm gần giữa tháng 11 trời vẫn còn mưa do ảnh hưởng của các cơn bão khiến người trồng cà phê đứng ngồi không yên. Đặc biệt, thiếu nhân công đang là vấn đề người trồng cà phê phải đối mặt trong vụ thu hoạch cà phê năm nay. Để thu hoạch được 1 héc-ta cà phê với năng suất khoảng 15 tấn quả tươi cần 10 lao động làm việc trong vòng 10 ngày. Mỗi tấn cà phê nông dân ở huyện Đắk Hà phải trả cho nhân công thu hái từ 800.000 - 950.000 đồng. Với giá bán gần 6.000 đồng/kg quả tươi như hiện nay trừ các khoản đầu tư, người trồng cà phê chắn chắc lại thêm một vụ thu hoạch buồn.

Theo tính toán của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đắk Hà, bà con phải bán được giá 7.000 đồng/kg cà phê tươi, người trồng cà phê mới đảm bảo hòa vốn đầu tư. Cùng với nhiều năm liền giá thu mua thấp, thời tiết không thuận lợi, khó khăn trong việc thuê công thu hái, người trồng cà phê ở tỉnh Kon Tum đang bắt đầu vụ thu hoạch mới với chồng chất khó khăn.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Bình Phước:

Tiêu hủy hàng chục ngàn bao thuốc lá lậu

Chỉ trong 1 tuần qua, cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước đã tiến hành tiêu hủy gần 40 ngàn bao thuốc lá lậu các loại... Cụ thể: Công an huyện Bù Đốp tiến hành tiêu hủy 24.625 bao thuốc lá lậu gồm các nhãn hiệu: Hero, Jet, Cravea. Công an huyện Phú Riềng tổ chức tiêu hủy 10.470 bao thuốc lá nhập lậu. Trong đó, 6.570 bao thuốc lá hiệu Hero, 3.880 bao thuốc lá Jet và 20 bao Caraven. Toàn bộ số thuốc lá trên bị lực lượng chức năng phát hiện tịch thu trên địa bàn huyện Phú Riềng qua các đợt kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất tại các cơ sở kinh doanh, các dịp cao điểm, lễ, tết và bắt giữ tang vật từ các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu từ năm 2019 tới nay.

Việc tổ chức tiêu hủy nhằm đảm bảo việc xử lý tang vật theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức sản xuất, kinh doanh chân chính. Đồng thời, giáo dục, răn đe các đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Liên tiếp xử phạt các cửa hàng kinh doanh thuốc lá lậu

 hực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Quản lý thị trường Long An đã chỉ đạo các đội QLTT kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn. Tại thời điểm Đội 1 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An đi kiểm tra, có ít nhất 2 tiệm tạp hóa bày bán thuốc lá ngoại nhập lậu dù số lượng ít cũng đã bị xử lý. Cả 2 chủ tiệm tạp hóa trên đã bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, tịch thu hàng hóa. Theo quy định mới, các chủ tiệm tạp hóa này bị phạt hành chính tới 3 triệu đồng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tái phạm.

Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Long An đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu các cơ sở kinh doanh ký cam kết không buôn bán thuốc lá ngoại nhập lậu. Không chỉ Long An, các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ đều đang đồng loạt ra quân kiểm tra xử lý các cơ sở kinh doanh thuốc ngoại nhập lậu theo tinh thần của Nghị định 98.

HÀNG VIỆT

Khánh Hòa:

Tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, hải đảo

Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa là hoạt động trọng tâm trong kế hoạch xúc tiến thương mại của tỉnh Khánh Hòa. Sau nhiều năm thực hiện, chương trình đã được người dân đón nhận và nhiệt tình ủng hộ.

Đến nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức hơn 40 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, hải đảo. Nhiều doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp  địa phương thông qua phiên chợ đã thiết lập được những đại lý, chi nhánh phân phối ở khu vực nông thôn; đồng thời, người dân cũng biết được nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp  tham gia giới thiệu, quảng bá tại các phiên chợ. Trong đó, nổi bật là  phiên chợ hàng Việt về hải đảo diễn ra cuối tháng 9 tại đảo Bình Ba, xã Cam Bình (TP. Cam Ranh).  Sau thành công của lần đầu tổ chức vào năm 2017, phiên chợ hàng Việt lần này tại đảo Bình Ba được người dân háo hức đón nhận. Phiên chợ cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp  tham gia. Thông qua các phiên chợ, các công ty cũng tìm hiểu và nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người dân để điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp.

Tại huyện miền núi Khánh Sơn, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn năm nay được tổ chức kết hợp với lễ hội trái cây. Ngoài mục tiêu tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phiên chợ còn chú trọng giới thiệu, quảng bá nông sản Khánh Sơn. Dù sức mua, sức bán không mạnh như phiên chợ trước, nhưng người nông dân Khánh Sơn rất phấn khởi khi tham gia phiên chợ. Bởi họ chẳng những có cơ hội quảng bá nông sản đặc sản địa phương, mà còn có thể tiếp cận các nguồn thuốc bảo vệ thực vật chất lượng và đặc biệt là tham gia hội nghị kết nối cung - cầu.

Tuyên Quang:

Điểm bán hàng Việt thu hút người tiêu dung

Mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam” được Sở Công Thương Tuyên Quang triển khai từ năm 2015. Sau 5 năm triển khai, các điểm bán hàng Việt đã thu hút được đông đảo người dân đến tham quan, mua bán, nhất là người dân vùng nông thôn.

Điều đáng lưu tâm là các điểm bán hàng Việt đều được đặt ở khu vực chợ vùng nông thôn, khu tập trung đông dân cư, khu công nghiệp có đông người lao động. Việc xây dựng các điểm bán hàng góp phần đưa sản phẩm hàng hóa đến tay người tiêu dùng thuận tiện, giá cả phù hợp và sản phẩm chất lượng mang thương hiệu Việt. Trước đây, khi chưa xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam, do hàng hóa được bày lẫn vào nhau nên người dân khó khăn khi nhận biết đâu là hàng hóa Việt Nam. Sau này, khi xây dựng điểm bán hàng, hàng hóa đã được chia thành từng quầy rõ ràng. Nhờ đó, người dân dễ nhận biết hơn, tốc độ tiêu thụ hàng Việt ngày càng khả quan hơn.

Các điểm bán hàng Việt được hỗ trợ về quầy kệ, hướng dẫn cách thức trưng bày sản phẩm hàng Việt Nam để khách dễ thấy và bắt mắt. Hiện các điểm bán hàng Việt thu hút đông đảo người dân mua sắm bởi các sản phẩm được đảm bảo về mặt chất lượng, mẫu mã phong phú, giá cả phù hợp với thu nhập của người dân nông thôn. Đặc biệt, người dân miền núi thường có tâm lý ngại về trung tâm thành phố để mua hàng. Có điểm bán hàng Việt ngay tại xã, huyện, hàng hóa bán theo giá niêm yết đã giúp người dân dễ dàng lựa chọn hàng hóa phù hợp với nhu cầu và thu nhập của mình. Đặc biệt, Tuyên Quang đã xây dựng một điểm bán hàng Việt chuyên bán hàng đặc sản xứ Tuyên. Tất cả sản phẩm, hàng hóa bán ra tại cửa hàng đều là sản phẩm có nhãn mác và thương hiệu sản xuất tại Tuyên Quang. Đó là: Mật ong Phong Thổ, chè xanh Làng Bát, rượu men lá Na Hang, chè xanh Mỹ Lâm và sản phẩm mỹ nghệ của các nghệ nhân. Đây không chỉ là điểm bán hàng giới thiệu sản phẩm hàng hóa của tỉnh mà còn là điểm hội tụ những mặt hàng của các doanh nghiệp, các hợp tác xã trong tỉnh sản xuất.

Thực tế cho thấy, việc duy trì và nhân rộng mô hình điểm bán hàng Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu tiện lợi cho người tiêu dùng mà còn tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và khách hàng khi mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước.