Thông tin thị trường giá cả số 48/2019

02:14 PM 03/12/2019 |   Lượt xem: 5271 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Đồng bằng sông Cửu Long:

Nguồn cung phân bón dồi dào, giá giảm

Mặc dù mới vào đầu vụ đông xuân 2019 - 2020 nhưng giá các loại phân bón tại thị trường các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm. Xu hướng này khiến bà con nông dân bớt lo lắng bởi dự báo vụ này sẽ gặp một số yếu tố bất lợi do thời tiết và sâu bệnh.

Hiện nhu cầu tiêu thụ phân bón bắt đầu tăng do nhiều địa phương bước vào vụ sản xuất đông xuân. Tuy nhiên, giá nhiều loại phân bón giảm đáng kể so với một vài tháng trước. Vào thời điểm đầu vụ đông xuân 2018 - 2019, giá nhiều loại urê ở mức 430.000 - 440.000 đồng/bao, nhưng nay chỉ còn ở mức 320.000 - 335.000 đồng/bao. Giá DAP Hồng Hà -Trung Quốc và DAP (Hàn Quốc) từ mức 690.000 - 710.000 đồng/bao, nay cũng giảm xuống còn 585.000 - 610.000 đồng/bao. Riêng DAP do các doanh nghiệp trong nước sản xuất (như DAP Đình Vũ) đang ở mức 455.000 - 565.000 đồng/bao. Giá NPK 16-16-8 Việt Nhật tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở mức 475.000 - 480.000 đồng/bao; kali (Nga, Canada, Israel) 390.000 - 400.000 đồng/bao… Tính trung bình, giá nhiều loại phân bón trên thị trường như: Urê, DAP, NPK, Kali… giảm ít nhất từ 40.000 - 110.000 đồng/bao (50kg) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khiến giá các loại phân bón đang ở mức thấp là do nguồn cung dồi dào và có sự cạnh tranh của nhiều thương hiệu phân bón trong và ngoài nước. Những năm gần đây, năng lực sản xuất các loại phân bón Urê của các nhà máy đã được tăng cường, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu. Mặt khác, các loại phân bón nhập khẩu cũng ngày càng đa dạng về chủng loại và có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều nước trên thế giới, giá cả cạnh tranh, nhất là khi nước ta đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia và đối tác trên thế giới. Ngoài ra, sức mua phân bón trên thị trường vẫn còn tăng chậm do nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới bắt đầu bước vào gieo sạ lúa đông xuân, nhu cầu phân bón chưa cao. Thêm vào đó, năm nay, lũ tuy không cao nhưng đồng ruộng cũng được bồi lắng một lượng phù sa, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lúa. Đặc biệt, nước lũ rút khá nhanh nên bà con không tốn chi phí bơm tát nước đầu vụ để chuẩn bị gieo sạ lúa.

Đón đầu vụ xuân, hầu hết các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đã chuẩn bị một lượng phân bón dồi dào để phục vụ cho nhu cầu của bà con. Tuy nhiên, vụ đông xuân năm nay, đồng ruộng bồi bổ phù sa nên nông dân cũng giảm sử dụng phân bón so với các vụ lúa khác. Vì vậy, dự báo trong ngắn hạn, giá nhiều loại phân bón trên thị trường rất khó tăng.

Bên cạnh đó, thời gian qua, hệ thống các cửa hàng bán vật tư nông nghiệp ngày càng phát triển và có mặt khắp các nẻo vùng quê để phục vụ người tiêu dùng. Muốn thu hút và giữ chân khách hàng, các cửa hàng kinh doanh phân bón phải cố gắng bình ổn giá và có cách phục vụ tốt. Đặc biệt, những người bán vật tư nông nghiệp đã tích cực tư vấn, hỗ trợ nông dân lựa chọn, mua loại phân bón có chất lượng và giá cả phù hợp, cũng như cho khách mua thiếu (nợ) và phải chủ động được nguồn phân bón có chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Để bình ổn giá cả và đảm bảo chất lượng các loại phân bón, vật tư nông nghiệp bán trên thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc sở và ngành nông nghiệp các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngăn ngừa tình trạng cung cấp hàng giả, hàng kém chất lượng, tạo khan hiếm giả, tăng giá thuốc trong thời gian dịch bệnh phát triển. Đồng thời, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Bắc Kạn:

9 hợp tác xã ký kết tiêu thụ nông sản vào Big C

Bắc Kạn là địa phương có nhiều sản phẩm đặc sản so với các địa phương khác. Tuy nhiên, nhiều năm qua, sản phẩm của bà con nông dân sản xuất ra còn khó khăn ở khâu tiêu thụ, đặc biệt là sản phẩm đặc sản của đồng bào dân tộc.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp Chuyên đề “Kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp vùng Trung du miền núi phía Bắc” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn tổ chức ngày 22/11 tại Bắc  Kạn, Central Retail Việt Nam và 9 nhà cung cấp của tỉnh Bắc Kạn đã ký kết thụ sản phẩm nông sản vào hệ thống siêu thị Big C. Việc Big C ký kết hợp đồng, hợp tác bao tiêu sản phẩm hàng hóa của tỉnh Bắc Kạn mang một ý nghĩa rất đặc biệt, bởi đây chủ yếu là các nhóm hộ nghèo, tham gia Dự án Sinh kế cộng đồng. Việc ký kết hứa hẹn góp phần tạo sinh kế ổn định cho 200 hộ nông dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn. Đồng thời, góp phần phát triển chuỗi cung ứng bền vững cho nông sản, từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, từng bước ổn định nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống của các hộ gia đình nông dân, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

9 đơn vị tham gia ký kết hợp đồng với Big C tại Bắc Kạn trong dịp này đều sản xuất các sản phẩm mang tính đặc trưng của vùng miền. Đó là: Măng nứa tép Mai Lạp, trà mướp đắng rừng Bắc Kạn, gạo nếp Khẩu nua lếch Ngân Sơn...

Chương trình Sinh kế Cộng đồng nhằm hỗ trợ cho phát triển sản xuất và đa dạng hoá sinh kế cho nhóm các hộ nông dân, ngư dân và các hộ gia đình nghèo sống ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc vùng duyên hải khó khăn và có mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng, ưu tiên cho nông dân đồng bào dân tộc thiểu số.

Bình Thuận:

Giá thanh long nghịch vụ giảm

Hiện tại, giá trái thanh long ở “thủ phủ” thanh long tỉnh Bình Thuận chỉ còn từ 6.000 - 7.000 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ chi phí người trồng thanh long ở Bình Thuận đang thua lỗ nặng.

Theo một số thương lái thu mua thanh long ở tỉnh Bình Thuận, cách đây khoảng một tháng, giá loại trái cây này vẫn giữ ở mức trên 10.000 đồng/kg, nhưng sau đó thì liên tục rớt giá. Nguyên nhân do thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc đang gặp khó khăn. Hiện các đơn vị thu mua bên Trung Quốc đặt hàng rất ít khiến giá trái thanh long giảm.

Trên thực tế, nếu là thanh long chính vụ thì với giá như hiện tại người dân vẫn có lợi nhuận. Tuy nhiên, thanh long nghịch vụ mà bán giá này thì người dân bị thua lỗ nặng vì chi phí đầu tư rất lớn, nhất là tiền điện dùng để chong thanh long. Một số người dân chuyên trồng thanh long cho biết, giá thanh long nghịch vụ phải trên 10.000 đồng/kg thì người trồng mới hòa vốn, còn dưới giá này thì lỗ nặng.

Không chỉ các hộ đang có thanh long chín, nhiều hộ đang chong đèn thanh long để bán vào vụ Tết Nguyên đán sắp tới cũng lo lắng. Dự báo nếu giá thanh long không cao hơn 15.000 đồng/kg thì xem như bà con không có tiền sắm tết.

Bình Thuận được mệnh danh là thủ phủ thanh long của Việt Nam với diện tích gần 30.000 héc-ta, tổng sản lượng trên 600.000 tấn/năm. Hiện nay, thanh long Bình Thuận xuất khẩu chủ yếu qua thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Ngoài ra, trái thanh long Bình Thuận còn được xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ…

Với giá thanh long thấp như hiện nay, nhà vườn mong muốn các ngành chức năng có giải pháp giúp ổn định giá. Đồng thời, mong muốn được liên kết, hợp tác để đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá trái thanh long, mở rộng thị trường tiêu thụ.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Hậu Giang:

Mãng cầu xiêm đầu vụ giá cao

Hiện nay, nhà vườn Hậu Giang đang bước vào thu hoạch trái mãng cầu xiêm. Trái mãng cầu xiêm được thu mua với giá tương đối cao khiến nhà vườn phấn khởi.

Hiện thương lái vào tận vườn thu mua mãng cầu xiêm loại 1 ở mức 18.000 - 20.000 đồng/kg, loại 2 ở mức 14.000 - 15.000 đồng/kg, bình quân tăng hơn 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Với giá này, cùng với năng suất dao động từ 25 - 30 tấn/héc-ta, sau khi trừ hết chi phí, nhà vườn Hậu Giang thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/héc-ta. Giá mãng cầu xiêm hiện nay đang ở mức cao là do mới vào vụ thu hoạch, sản lượng ít. Khi vào thu hoạch rộ, giá thường giảm khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg. Tuy nhiên chỉ cần mãng cầu được thương lái thu mua xô ở mức 10.000 đồng/kg là nhà vườn đã có lợi nhuận.

Vài năm trở lại đây, cây mãng cầu xiêm phát triển mạnh trên vùng đất Hậu Giang bởi đây là loại cây ăn trái dễ trồng, ít phải chăm sóc.

Tây Nguyên:

Giá hạt tiêu tăng trở lại

Sau gần 2 tháng giảm xuống dưới 40.000 đồng/kg, trong những ngày qua, giá hạt tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên đã tăng lên và đạt từ 40.000 đồng/kg trở lên. Hiện tại, giá hạt tiêu thấp nhất là tại Chư Sê (Gia Lai) và Đồng Nai ở mức 40.000 đồng/kg. Tại Đắk Lắk và Đắk Nông, giá hạt tiêu đều ở mức 40.500 đồng/kg. Ở Bình Phước, giá hạt tiêu ở mức 41.000 đồng/kg. Giá hạt tiêu cao nhất là tại Bà Rịa - Vũng Tàu với mức 42.000 đồng/kg. Như vậy, tại các vùng trồng tiêu trọng điểm, giá hạt tiêu đều đã đạt từ 40.000 đồng/kg trở lên.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hạt tiêu đạt hơn 250.000 tấn, trị giá 634 triệu đô-la Mỹ, tăng tới 20,6% về lượng nhưng giảm 6,6% về giá trị so với cùng kỳ 2018.

Thừa Thiên Huế:

Cau tươi rớt giá

Năm nay, người trồng cau huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế lao đao khi giá cau chỉ bằng 1/10 những năm trước. Hiện tại, quả cau đang được thương lái thu mua tại vườn chỉ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg; tại các lò sấy giao động từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thu mua năm 2018 có thời điểm gần 30.000 đồng/kg.

Theo thống kê, tổng diện tích trồng cau trên địa bàn huyện Nam Đông khoảng 160 héc-ta. Trước đây, toàn huyện có 6 lò sấy cau được đầu tư quy mô, hiện đại hoạt động hết công suất, nhưng hiện nay chỉ còn 4 lò hoạt động cầm chừng. Cây cau là một trong những cây trồng cho thu nhập tương đối cao và ổn định song với thị trường phần lớn phụ thuộc vào Trung Quốc như hiện nay, bà con cần cân nhắc trước khi mở rộng diện tích để tránh thiệt hại do biến động của thời tiết, giá cả và đầu ra của sản phẩm. Nguyên nhân dẫn đến điệp khúc “được mùa mất giá” chủ yếu là bởi sự mất cân đối cung cầu, phụ thuộc vào một thị trường nhất định và chưa có một doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm.

Cà Mau:

Khẩn trương xuống giống vụ dưa hấu tết

Hiện nay, nông dân ở các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh (Cà Mau) đang khẩn trương xuống giống vụ dưa hấu phục vụ Tết Canh Tý năm 2020. Để có quả dưa hấu to, ngon và đẹp, thu hoạch đúng dịp tết, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau khuyến cáo bà con nên chọn giống: Sugarbaby, An Tiêm, Tiểu Long 246, Hắc Mỹ Nhân 1430. Sau khi xuống giống 5 – 7 ngày, bà con tiến hành trồng dặm lại các cây bị hao hụt. Đặc biệt vào mùa nắng phải tưới nước đầy đủ. Nếu khô hạn kéo dài nên áp dụng phương pháp tưới rãnh, tưới 1 lần trong thời gian 3 – 5 ngày. Còn mùa mưa cần chú ý thoát nước tốt, không để nước ứ đọng lâu. Ngoài ra, bà con cũng cần chú ý sửa dây, tỉa nhánh, tuyển trái, bón phân đúng định kỳ để gặt hái vụ mùa bội thu.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Quảng Bình:

Đồng bào thoát nghèo nhờ nuôi bò thịt

Với lợi thế vùng miền núi đồng cỏ tự nhiên, thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã chú trọng phát triển đàn bò. Huyện cũng lồng ghép nhiều chương trình để tạo được nguồn vốn hỗ trợ ban đầu cho bà con.

Hiện trên địa bàn huyện Minh Hóa có trên 2.700 hộ đồng bào là dân tộc thiểu số, chiếm trên 20% số hộ toàn huyện. Những năm qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc đã cải tạo vườn đồi, trồng rừng kinh tế kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm tạo thành các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Đặc biệt, việc phát triển đàn bò đã từng bước giúp bà con thoát nghèo. Chỉ tính riêng trong năm nay, từ nguồn vốn các chương trình 30a, 135, UBND huyện đã phê duyệt hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo các xã trên địa bàn số tiền gần 6 tỷ đồng để thực hiện 32 dự án chăn nuôi bò lai Sind. Căn cứ vào nhu cầu của người dân, các xã hỗ trợ các hộ phát triển mô hình nuôi bò lai Sind với mức: Mỗi hộ nghèo không quá 10 triệu đồng, hộ cận nghèo không quá 8 triệu đồng và hộ mới thoát nghèo không quá 6 triệu đồng; số tiền còn lại người dân đối ứng. Việc hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo, cận nghèo mua bò giống có chất lượng để phát triển chăn nuôi không chỉ giúp bà con mạnh dạn thay đổi tư duy làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững mà còn là tiền đề để huyện Minh Hóa thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Với định hướng phù hợp dựa trên tiềm năng thế mạnh, đến nay, huyện Minh Hóa có tổng đàn trâu bò trên 20.000 con. Năm 2019, địa phương đã tập trung lồng ghép các nguồn vốn, hỗ trợ bà con mua các giống vật nuôi chất lượng, có giá trị kinh tế cao.

Ngoài ra, Minh Hóa còn chú trọng đến công tác tuyên truyền đến từng hộ để thay đổi nhận thức và cách làm trong chăn nuôi; chuyển đổi một số diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi để chủ động tạo nguồn thức ăn cho đàn gia súc.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

An Giang:

Tiêu hủy gần hai tấn thịt lợn nhập lậu

Trung tuần tháng 11/2019, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã tiêu hủy gần hai tấn thịt lợn nhập lậu từ Campuchia vào biên giới Việt Nam.

Theo đó, Tổ mật phục chống buôn lậu của Đồn Biên phòng Phú Hội phối hợp Đội đặc nhiệm, Phòng Phòng chống Ma túy và Tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang tổ chức mật phục tại khu vực cầu Chùa Cô thuộc ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, huyện An Phú theo dõi tình hình vận chuyển buôn lậu qua biên giới. Tổ công tác phát hiện một chiếc ghe đang từ hướng Campuchia chạy qua biên giới Việt Nam có dấu hiệu bất thường nên ra hiệu tài công dừng lại để kiểm tra. Qua kiểm tra, trên ghe chở 30 con lợn thịt và đàn lợn này có nhiều con rất yếu, có con da bị trầy xước, tím tái. Tất cả số lợn này đều không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Đồn Biên phòng Phú Hội đã lập biên bản vi phạm hành chính, tịch thu phương tiện, 30 con lợn với tổng trọng lượng gần hai tấn. Sau đó, Đồn Biên phòng Phú Hội đã phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện An Phú tiến hành lấy mẫu máu và tiêu hủy 30 con lợn nhập lậu qua biên giới.

Phát hiện điểm sản xuất bột ngọt A-one giả

Qua kiểm tra, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Nam đã phát hiện Lê Thị Thu Hằng (trú tại Quế Minh, huyện Quế Sơn) sản xuất bột ngọt A-one giả. Tang vật bị thu giữ gồm: 1 máy ép miệng bao nylon, 1 cân đồng hồ, 334 gói bột ngọt A-one (do Hằng tự đóng gói), khối lượng 453 kg; 10 bao bột ngọt thô (khối lượng 248 kg), 335 vỏ bao nylon ghi nhãn A-one… Đối tượng khai nhận đã mua bột ngọt A-one và bao bì giả không rõ nguồn gốc để đóng gói và bán lại cho các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn xã từ đầu năm 2019.

HÀNG VIỆT

Phiên chợ hàng Việt lên với huyện Tân Sơn

Quy mô 20 gian hàng với nhiều sản phẩm, hàng hóa phong phú như: Nước mắm từ Thanh Hóa, thủy sản chế biến phía Nam, hàng may mặc, đặc sản các địa phương… phiên chợ hàng Việt về miền núi diễn ra tại huyện Tân Sơn (Phú Thọ) đã tạo sức lan tỏa, thúc đẩy tiêu dùng, tiêu thụ hàng Việt.

Phiên chợ diễn ra từ ngày 21- 23/11/2019, thu hút đông đảo người dân huyện Tân Sơn đến tham dự, mua sắm hàng hóa. Phiên chợ hàng Việt về miền núi do Sở Công Thương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ, UBND huyện Tân Sơn phối hợp tổ chức. Phiên chợ thuộc Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2019 đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt.   

Ông Đặng Việt Phương – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ thông tin: Phú Thọ có định hướng phát triển thương mại dịch vụ theo hướng hiện đại hóa, gắn liền với quy mô, trình độ phát triển sản xuất gắn với tiến trình hội nhập. Hệ thống hạ tầng thương mại được định hướng phát triển theo hướng hài hòa, đồng bộ giữa hạ tầng thương mại hiện đại và truyền thống, giữa thị trường đô thị và nông thôn, giữa hệ thống bán buôn và bán lẻ hàng hóa… Tuy nhiên, tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa hiện nay hệ thống thương mại bán lẻ chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm của nhân dân. Hạ tầng thương mại truyền thống (chợ truyền thống) cơ sở hạ tầng rất hạn chế, số người kinh doanh tự phát tăng nhưng quy mô nhỏ và thiếu sự liên kết dài lâu. Ý thức người kinh doanh kém, còn hiện tượng trà trộn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Vì vậy, việc tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt lên miền núi có ý nghĩa quan trọng. Có thể nói dù quy mô các phiên chợ ở mức khiêm tốn nhưng các phiên chợ đã tạo sự lan tỏa, mang một ý nghĩa lớn. Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại Tân Sơn đã giới thiệu nhiều sản phẩm phong phú từ nông sản, hàng may mặc, đặc sản địa phương đến thủy hải sản chế biến, nước mắm... Ðây là những mặt hàng thiết thực với người dân vùng miền núi. Chị Hà Thị Ngân – người dân tộc Mường tại huyện Tân Sơn chia sẻ, khi biết có phiên chợ hàng Việt được tổ chức ở huyện, người dân rất háo hức. Nhiều người đến xem ca nhạc từ đêm khai mạc, những ngày diễn ra phiên chợ thì đến mua sắm hàng hóa. Hàng hóa tại phiên chợ rất nhiều, giá cả hợp lý. Đặc biệt, có nhiều hàng hóa tiêu dùng, hàng ăn uống người dân rất thích. Nếu thường xuyên tổ chức những phiên chợ như thế này để phục vụ bà con thì tốt quá…