Thông tin thị trường giá cả số 45/2020

02:49 PM 04/11/2020 |   Lượt xem: 3896 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Lạc Dương (Lâm Đồng):

Liên kết sản xuất cà phê bền vững

Là huyện miền núi của tỉnh Lâm Đồng, Lạc Dương có hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số. Thời gian qua, nhiều hộ đồng bào nơi đây đã liên kết với Công ty A.COM để sản xuất cà phê bền vững.

Hiện nay, hơn 600/800 héc-ta diện tích cà phê của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã liên kết cùng nhau sản xuất cà phê bền vững với Công ty A.COM. Qua mô hình liên kết này, thu nhập và tư duy sản xuất của các hộ đồng bào đã thay đổi rõ rệt.

Từ trước đến nay, cà phê vẫn là cây kinh tế chủ lực của huyện Lạc Dương do đặc thù địa hình nhiều đồi dốc, khó chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Trong đó, cà phê Đưng K’Nớ được xác định là một trong những nguồn nguyên liệu chính, có chất lượng của thương hiệu cà phê Lang Biang, hướng tới vùng nguyên liệu sạch nhờ vào điều kiện tự nhiên và không lạm dụng thuốc hóa học. Để hỗ trợ bà con, từ năm 2017, Đưng K’Nớ đã thành lập 4 tổ hợp tác với 48 tổ viên, sản xuất gần 100 héc-ta cà phê. Đến nay, tổ hợp tác tăng thêm 7 tổ với hơn 100 thành viên. Nhờ đó, hoạt động sản xuất cà phê của người dân trên địa bàn ngày càng đi vào quy củ.

Qua 3 năm tham gia tổ hợp tác, cái lợi lớn nhất của các tổ viên là học được kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây cà phê hiệu quả, từ đó nâng cao thu nhập cho gia đình. Đây là động lực chính giúp người dân yên tâm sản xuất, tiếp tục bám vào cây cà phê và sống tốt từ cây trồng chủ lực này. Bên cạnh đó, việc tập huấn, đào tạo kỹ thuật canh tác đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất, nhằm hướng đến sản xuất cà phê sạch, giữ được vùng cà phê bền vững. Ngoài ra, khi tham gia liên kết, công ty cũng thu mua với giá cao hơn thị trường từ 2 - 3 giá, đầu tư phân bón cho nông hộ chăm sóc cây và không tính lãi suất. Nông dân thu hoạch cà phê đến đâu, xe của công ty tới tận vườn thu mua trái tươi đến đó, không phải tốn thêm công phơi sấy cà phê.

Từ hiệu quả của xã Đưng K’Nớ, người dân ở các xã trong huyện thấy rằng, nhờ liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mà cà phê tại địa phương có điều kiện khó khăn hơn lại được thu mua giá cao hơn. Đây là thành công lớn của huyện cho chiến lược phát triển thương hiệu cà phê Arabica Lang Biang. Toàn huyện Lạc Dương có hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số. Phần lớn trong số này là hộ nghèo và cận nghèo, phương thức sản xuất lạc hậu. Vì vậy, việc tiếp cận với cách thức sản xuất an toàn cũng như cơ hội cải thiện thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao nguyên này sẽ gặp trở ngại nếu các ngành chức năng không hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Bởi những năm trước, khi chưa có sự liên kết sản xuất cà phê với Công ty A.COM, bà con nông dân chủ yếu tập trung sản xuất và bán cà phê tươi hoặc cà phê nhân cho các tư thương địa phương, thường xuyên bị đối tác đánh giá chất lượng thấp, ép giá. Thời gian qua, nhờ được công ty chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc nên năng suất cây cà phê năm qua cao hơn hẳn, giá bán cũng cao hơn.

 

Quế Sơn (Quảng Nam):

Sắn tồn ứ nhiều

Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn vừa qua, nhiều diện tích sắn ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam bị hư hỏng. Hiện bà con đang cố gắng thu hoạch nhằm vớt vát lại phần nào công sức, vốn liếng đã đầu tư.

Tại các xã Quế Mỹ, Quế Thuận và thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, diện tích cây sắn bị hỏng do ngập lụt khá lớn. Nhiều hộ dân đã thu hoạch sắn nhưng không có người mua hoặc chở đến nhà máy mà không bán được phải đổ bỏ. Dọc tuyến đường vào các khu dân cư, từng đống sắn để dọc đường đã hư hỏng và bốc mùi nồng nặc. Để bớt mùi hôi từ các đống sắn bốc ra, người dân phải thuê nhân công mang sắn hư hỏng đổ xuống ruộng. Một số hộ đã thu hoạch xong, đóng sắn vào bao chờ cân nhưng không liên lạc được với thương lái, bà con cũng đành đổ bỏ.

Những ngày này, do lượng sắn bà con thu hoạch quá lớn nên tại nhà máy thu mua sắn ở xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn ùn ứ lượng sắn rất lớn. Có xe phải nằm lại tại nhà máy từ một vài ngày mới nhập được sắn. Nhiều xe chở sắn bốc mùi hôi do sắn hư hỏng.

Năm nay, nông dân huyện Quế Sơn trồng hơn 2.000 héc-ta sắn, đến nay đã thu hoạch hơn 70% diện tích. Những ngày qua, mưa lũ kéo dài, sắn vừa thu hoạch bị ứ đọng tại các nhà máy chế biến khá nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do bà con trồng sắn tự phát và trồng ở đất ruộng nên chỉ cần mưa kéo dài sẽ gây hư hỏng ngay. Sắn là cây trồng phù hợp với vùng đất Quế Sơn trong bối cảnh chuyển đổi từ trồng cây lúa kém hiệu quả. Tuy nhiên, để tránh tình trạng như hiện nay, địa phương cần quy hoạch cánh đồng tập trung tạo thành vùng nguyên liệu hàng hóa. Đồng thời, tạo điều kiện cần thiết và thuận lợi cho việc liên kết giữa doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, để hình thành nền nông nghiệp hàng hoá phù hợp với nhu cầu thị trường cần thành lập tổ hợp tác sản xuất, nhóm hộ sản xuất, đảm nhiệm vai trò cầu nối giữa người nông dân và doanh nghiệp, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất sắn bền vững.

 

Kbang (Gia Lai):

Liên kết sản xuất cây ăn quả

Là huyện miền núi của tỉnh Gia Lai, Kbang có 7 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trong đó, dân tộc Bahnar chiếm gần 40% trong tổng số 20 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn.

Những năm qua, huyện Kbang được quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho bà con. Từ năm 2010 đến nay, hàng nghìn tỷ đồng từ chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới được hỗ trợ đến tận vùng khó khăn nhất của địa phương. Đặc biệt, từ nguồn vốn chương trình nông thôn mới, huyện đã thực hiện dự án liên kết sản xuất cây ăn quả với tổng diện tích 34,8 héc-ta tại các xã phía Nam.Theo thống kê, toàn huyện có gần 1.130 héc-ta cây ăn quả các loại: Mít Thái, na, chanh không hạt, bưởi da xanh, ổi… Thời gian qua, huyện đã tích cực hỗ trợ, vận động người dân sản xuất theo hướng hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bởi trên thực tế, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang là hướng đi đúng được nhiều người dân lựa chọn. Từ đây cho ra những sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững, đem lại thu nhập cao hơn cho người dân.

Tuy nhiên, khu vực này rất khó khăn về nước tưới, các hộ chủ yếu tận dụng nguồn nước từ khe suối, ao, giếng… để sản xuất. Vào mùa khô, nguồn nước tưới không đảm bảo, việc chăm sóc cây trồng gặp khó khăn. Do đó, địa phương khuyến cáo các hộ dân chỉ trồng cây ăn quả trên những diện tích chủ động nguồn nước tưới, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh trái cây để ổn định đầu ra cho sản phẩm.

 

Xuất cấp hạt giống cây trồng hỗ trợ hai địa phương

Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp hạt giống cây trồng từ nguồn dự trữ quốc gia cho 2 tỉnh Hà Giang, Ninh Thuận để hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai và ảnh hưởng hạn hán vụ hè - thu 2020. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp không thu tiền 15 tấn hạt giống lúa; 25 tấn hạt giống ngô; 4,5 tấn hạt giống rau từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Hà Giang để hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại do ảnh hưởng thiên tai 7 tháng của năm 2020. Đồng thời, xuất cấp không thu tiền 37 tấn hạt giống ngô; 2 tấn hạt giống rau và 600 tấn hạt giống lúa từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận bị thiệt hại do ảnh hưởng hạn hán vụ hè - thu 2020.

Đồng bằng sông Cửu Long:

Bưởi da xanh hút hàng, tăng giá

Hiện nay, bưởi da xanh ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng giá khá mạnh. Hiện bưởi da xanh loại 1 được thu mua vào từ 40.000 - 49.000 đồng/kg, tăng bình quân khoảng 10.000 - 14.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân bưởi da xanh hút hàng, tăng giá là do thị trường nội địa đang tiêu thụ mạnh, hàng xuất sang thị trường Trung Quốc tăng trong khi nhiều địa phương như Sóc Trăng, Vĩnh Long… nông dân không còn bưởi để bán bởi ảnh hưởng của đợt hạn mặn vừa qua kéo dài, buộc nhiều hộ phải hái bỏ bưởi non nhằm bảo dưỡng cho cây không bị chết.

Với giá bưởi da xanh hiện nay, người trồng thu lãi khá. Tuy nhiên, số hộ có bưởi để bán lúc này không còn nhiều. Mục tiêu quan trọng là tập trung chăm sóc các vườn bưởi thật tốt để cung ứng cho thị trường tết sắp tới. Dự báo, tình hình thiếu hụt bưởi da xanh còn kéo dài hơn 1 tháng nữa.

Tân Phú Đông (Tiền Giang):

Dừa khô tăng giá gấp đôi

Tại huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, giá dừa hiện nay đứng ở mức cao, gấp 2 - 3 lần so với trước đây nên người trồng có thu nhập ổn định, cuộc sống khấm khá. Hiện giá dừa khô đạt 75.000 - 85.000 đồng/chục (12 trái). Nhờ nguồn lợi từ cây dừa kết hợp chăn nuôi trong mô hình VAC, nhiều năm nay, các hộ gia đình nơi đây đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đáng mừng là dừa khô tiêu thụ thuận lợi, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.

Là huyện cù lao nhiễm mặn nằm ở hạ lưu sông Tiền, huyện Tân Phú Đông có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, thường xuyên bị hạn mặn và thiên tai gây hại. Trong mùa khô 2020 vừa qua, hạn hán và xâm nhập mặn trên diện rộng đã gây thiệt hại nặng nề, cuộc sống nhân dân địa phương gặp nhiều khó khăn.

Lâm Đồng:

Chanh leo ngọt bán chạy

Chanh leo hay còn gọi là chanh dây là một trong những trái cây đặc sản của Lâm Đồng. Thời gian gần đây, loại chanh này được người tiêu dùng ưa chuộng và bán khá chạy. Hiện giá thu mua chanh leo ngọt dao động từ 100.000 – 120.000 đồng/kg tùy loại. Đặc biệt, khách hàng sành ăn rất ưa chuộng chanh leo ngọt vì dinh dưỡng cao, giàu vitamin, vị lại ngọt, thơm, khi uống không cần thêm đường như chanh leo chua bình thường. Dự báo, nhu cầu sử dụng nông sản chất lượng cao rất lớn và sẽ ngày càng phát triển. Nhiều nông hộ đã bắt đầu nhân giống, trồng chanh leo ngọt cung cấp cho thị trường.

 

Hậu Giang:

Trồng cây phòng sạt lở đất

Mô hình rào tre, bao lưới, thả lục bình, sau đó trồng cây bần để phòng chống sạt lở đất đang được Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang triển khai, nhân rộng. Mô hình này không chỉ dễ thực hiện, hiệu quả cao mà còn thích ứng với biến đổi khí hậu.

Huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang có sông ngòi chằng chịt, nhiều kênh rạch với dòng nước chảy xiết nên dễ bị sạt lở đất cả mùa mưa lẫn mùa khô. Hiện tượng sạt lở bờ sông diễn ra rộng khắp, từ tuyến sông chính đến hệ thống kênh rạch. Thời gian qua, Hội Nông dân huyện cùng hội viên nông dân triển khai mô hình làm rào tre, bao lưới, thả lục bình, rồi trồng cây bần để phòng chống sạt lở đất. Mô hình này được người dân đồng tình ủng hộ. Tất cả kinh phí, giống cây bần (loại cây chắn sóng, giữ đất, chống sạt lở) chủ yếu vận động bà con đóng góp.

Theo Hội Nông dân huyện Châu Thành, kết quả bước đầu rất khả quan, được người dân tin cậy và ứng dụng bởi chi phí đầu tư thấp. Hiện toàn huyện Châu Thành đã và đang triển khai 4 mô hình như vậy. Hướng tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục nhân rộng mô hình này; tăng cường phòng ngừa tại những điểm nguy cơ sạt lở. Riêng đối với những điểm đã gia cố, sẽ tiếp tục trồng thêm cây bần để bảo dưỡng lâu dài. Nhờ mô hình trồng bần mà phần đất ven bờ sông khá ổn định, cây lớn lên đã tạo bóng mát nhìn đẹp mắt.

Nếu như trước đây xử lý những đoạn sạt lở đất, Nhà nước phải bỏ ra hàng tỷ đồng, giờ đây, xuất hiện mô hình kết hợp trồng cây bần phòng chống sạt lở nên kinh phí không đáng kể. Trồng bần phòng chống lở đất đã mang lại hiệu quả thiết thực, vì vậy, hội nông dân các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đang nhân rộng mô hình này.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Đắk Lắk:

Dán áp phích cảnh báo buôn lậu thuốc lá điếu

Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, thuốc lá nhập lậu vẫn là một trong những mặt hàng trọng điểm kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng cả nước. Thời gian qua, nhiều giải pháp đã được quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh thực hiện nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Trong đó,  ngay từ quý II/2020, lực lượng QLTT tỉnh Đắk Lắk đã đồng loạt ra quân triển khai dán áp phích cảnh báo việc buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ thuốc lá điếu nhập lậu tại các địa điểm công cộng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Nội dung áp phích cảnh báo người dân: Việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu ngoại nhập lậu là hành vi vi phạm pháp luật với khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù giam. Dấu hiệu để nhận biết thuốc lá điếu nhập lậu là: Không có tem thuốc lá nhập khẩu; không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá.

Mục đích nhằm tuyên truyền để nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là bà con khu vực giáp biên hiểu rõ hậu quả pháp lý của việc buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ thuốc lá ngoại nhập lậu. Từ đó, vận động bà con tham gia tố giác tội phạm, cùng chung tay với lực lượng QLTT phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu thuốc lá.

Song song với việc dán áp phích cảnh báo, các Đội QLTT cũng đã triển khai để các cơ sở kinh doanh ký cam kết “Nói không với hàng lậu”, đặc biệt là thuốc lá điếu nhập lậu. Đồng thời, tăng cường quản lý, tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn việc nhập lậu, tàng trữ, vận chuyển và kinh doanh trái phép thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, đặc biệt chú trọng các tuyến, khu vực biên giới, cửa khẩu, địa bàn trọng điểm…

HÀNG VIỆT

Đặc sản cao nguyên đá:

“Xếp hàng” tham gia OCOP

Sau 2 năm triển khai, Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (Chương trình OCOP) của Hà Giang bước đầu đã tạo được sức lan tỏa rộng rãi khi có sự “góp mặt” của những đặc sản nức tiếng vùng Cao nguyên đá.

Đến nay, Hà Giang đã có 7 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý; đánh giá, phân hạng 82 sản phẩm đạt 3 sao, 36 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Trong đó phải kể đến các sản phẩm tiêu biểu như: Sản phẩm bạch trà của HTX Chế biến chè Phìn Hồ (huyện Hoàng Su Phì); lạp sườn và thịt treo gác bếp lợn đen vùng cao của HTX Hải Khang (huyện Bắc Quang); rượu ngô Chí Sán của HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng (huyện Mèo Vạc); chè chất lượng cao Minh Quang của HTX Minh Quang (huyện Quang Bình); tinh bột nghệ vàng của HTX Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Ngọc Sơn (huyện Bắc Mê)… Đặc biệt, Trà xanh và Hồng trà của HTX Chế biến chè Phìn Hồ đang được gửi hồ sơ lên Hội đồng cấp Quốc gia đề xuất xếp hạng 5 sao.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang, hiện nay, hàng hóa giả, kém chất lượng trà trộn đang ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu, chất lượng sản phẩm của nhiều mặt hàng do đồng bào Hà Giang sản xuất. Chính vì vậy, chương trình OCOP sẽ tạo ra những bước đi vững chắc để hàng hóa của Hà Giang gia tăng chất lượng và giá trị; mở ra cơ hội để các sản phẩm nông nghiệp của đồng bào dân tộc ở Hà Giang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa mang tính cạnh tranh cao, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đây cũng là lý do để ngày càng có nhiều hơn những cơ sở sản xuất ở Hà Giang tích cực đăng ký tham gia Chương trình OCOP.

 Đáng mừng là sau 2 năm triển khai Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP của Hà Giang đã có mặt trên kệ của các hệ thống siêu thị uy tín trong cả nước, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.

Mới đây, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, Triển lãm các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và trưng bày giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hà Giang đã đươc tổ chức tại Quảng trường 26/3 thành phố Hà Giang. Với quy mô 14 gian hàng trưng bày, quảng bá 10 nhóm ngành hàng tiêu biểu và 1 không gian giới thiệu, tôn vinh các thành tựu phát triển của Hà Giang giai đoạn 2015 – 2020..., triển lãm đã thu hút được đông đảo nhân dân và du khách tới thăm quan, mua sắm. Từ triển lãm lần này, thêm một lần nữa, thế mạnh của nông nghiệp Hà Giang lại được khẳng định bằng chính những sản phẩm OCOP đẹp về mẫu mã, chất lượng cao.