Thông tin thị trường giá cả số 38/2021

02:16 PM 16/09/2021 |   Lượt xem: 8155 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Thị trường sách, thiết bị học tập trầm lắng

Trên cả nước, các đơn vị kinh doanh sách và thiết bị trường học đang tập trung nguồn lực, bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu mua sắm để chuẩn bị cho năm học mới 2021 - 2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên năm học này, nhiều gia đình buộc phải thắt chặt chi tiêu hơn. Do vậy, thị trường sách, thiết bị học tập khá trầm lắng.

Đắk Nông: Nỗ lực cấp phát kịp tiến độ

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhu cầu mua sắm sách vở, dụng cụ học tập năm nay giảm so với năm ngoái. Vì vậy, để kích cầu tiêu dùng, một số cửa hàng văn phòng phẩm đã áp dụng các chương trình ưu đãi, giảm giá cho mỗi sản phẩm. Nhiều cửa hàng còn chủ động đặt hàng, ưu tiên nhập về những bộ sách nào có sẵn, phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của bà con. Nhìn chung, giá thiết bị học tập có tăng nhẹ. Bù lại, nhà sách áp dụng chương trình giảm giá 5 - 10% cho mỗi đơn hàng. Riêng đối với sách giáo khoa năm nay, do chương trình học của lớp 1, 2 và 6 có thay đổi nên giá các bộ sách này tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/bộ.

Cùng với việc cung ứng, Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Đắk Nông đã đẩy nhanh tiến độ cấp phát sách, thiết bị học tập cho các địa phương. Để chuẩn bị cho năm học mới 2021 - 2022, công ty đã nhập về khoảng 1,3 triệu bộ sách, cung ứng cho các nhà sách và đại lý trong toàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã cơ bản nhập đủ số lượng sách, vở, thiết bị học tập phục vụ cho năm học mới. Công ty đang thực hiện cấp phát hơn 22.000 bộ sách cho các đối tượng thuộc Nghị quyết số 31 của HĐND tỉnh. Mặc dù các đầu sách mới thuộc khối lớp 1, 2 và 6, do tình hình dịch bệnh nên số lượng về chậm hơn so với mọi năm nhưng công ty đã tích cực làm việc với Nhà xuất bản để cung ứng đủ nhu cầu của thị trường.

Đắk Lắk: Sức mua giảm

Đắk Lắk đã quyết định tạm thời lùi thời điểm bắt đầu năm học mới đến ngày 15/9 để tập trung vào công tác phòng, chống dịch. Đồng thời để ngành giáo dục và người dân có thời gian chuẩn bị thật tốt mọi điều kiện triển khai năm học mới. Tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án học trực tuyến cụ thể, chủ động, linh hoạt phù hợp với từng cấp học, từng khu vực, điều kiện thực tế của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để việc dạy học trực tuyến đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Bởi trên thực tế, việc dạy học trực tuyến sẽ gặp rất nhiều trở ngại bởi nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, học sinh thiếu thiết bị để học (điện thoại thông minh kết nối internet); nhất là học sinh lớp 1.

Về tình hình cung ứng hàng hóa, ngay từ đầu tháng 5/2021, các nhà sách đã chủ động nhập đầy đủ các mặt hàng, bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của các bậc phụ huynh và học sinh. Cùng thời điểm này mọi năm, sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho năm học mới đã bán hết 80%. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 sức mua ở nhà sách chỉ khoảng 30%. Nhiều bậc phụ huynh thay vì mua trọn bộ đồ dùng học tập như những năm trước thì năm nay chỉ chọn lựa mua những đồ dùng thiết yếu như: Vở, bút, thước kẻ, nhãn vở, giấy bọc sách vở, còn lại là tận dụng những đồ dùng học tập từ năm học trước.

Đồng Nai: Sách, vở là mặt hàng bình ổn giá

Hơn 10 năm qua, Đồng Nai đưa sách giáo khoa, vở học sinh vào nhóm mặt hàng bình ổn giá của tỉnh. Các đơn vị tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá được tạm ứng tiền ngân sách với lãi suất 0% để giảm giá 10% sách giáo khoa, vở cho học sinh. Năm nay, chương trình bắt đầu từ ngày 15/5 đến 30/11/2021. Phụ huynh, học sinh có thể mua sách giáo khoa, vở bình ổn giá tại trường học, các nhà sách, điểm bán có treo bảng điểm bán sách giáo khoa bình ổn giá. Đây là sự hỗ trợ, chia sẻ của tỉnh với các bậc phụ huynh, học sinh trong mùa tựu trường.

Những năm trước, đây là thời điểm thị trường sách giáo khoa và đồ dùng học tập sôi động hơn cả. Tuy nhiên, năm nay, thị trường này ảm đạm hơn hẳn bởi dịch bệnh Covid-19. Các nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm tạm đóng cửa, nhiều phụ huynh cũng dè dặt mua sắm đồ dùng học tập cho con. Hiện các nhà sách đều đóng cửa để phòng dịch. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh có thể đặt hàng trước thông qua hệ thống thư viện trường học, nhà sách và cửa hàng văn phòng phẩm, website hoặc số điện thoại của đơn vị kinh doanh.

Mường Khương - Lào Cai:

Chuối xuất khẩu gặp khó

Mường Khương được coi là “thủ phủ” trồng chuối của tỉnh Lào Cai. Thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc giao thương với các đối tác phía Trung Quốc ngừng trệ khiến hơn 1.000 tấn chuối của nông dân Mường Khương đứng trước nguy cơ không tiêu thụ được.

Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mường Khương, huyện có trên 1.300 héc-ta chuối, trong đó diện tích cho thu hoạch là 1.120 héc-ta. Dự kiến trong năm 2021, tổng sản lượng chuối của huyện đạt trên 28.000 tấn. Thị trường tiêu thụ chuối chủ yếu là Trung Quốc với 90% sản lượng được xuất khẩu chính ngạch. Nếu xuất sang Trung Quốc thuận lợi, giá bán chuối trung bình đạt 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vào thời điểm khó khăn do không xuất bán được như hiện nay, giá chuối giảm xuống chỉ còn từ 2.000 - 4.000 đồng/kg.

Hợp tác xã (HTX) Châu Thịnh Phong là đơn vị thu mua, xuất khẩu hầu hết sản lượng chuối của huyện Mường Khương. Để duy trì sản lượng chuối cung cấp cho đối tác, HTX Châu Thịnh Phong đã điều chỉnh thời vụ, để chuối cho thu hoạch đồng loạt vào thời điểm cuối vụ. Tuy nhiên, việc tạm dừng giao dịch với Trung Quốc khiến HTX thiệt hại nặng nề. Bởi chuối tại Mường Khương chủ yếu là chuối cấy mô, không phải loại phù hợp nhu cầu của thị trường nội địa nên khó tiêu thụ trong nước.

Trước mắt, huyện đã huy động các cơ quan chuyên môn nhằm kết nối, tìm thị trường tiêu thụ cho bà con. Về lâu dài, huyện có định hướng giảm dần diện tích trồng chuối do giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, thiếu ổn định. Thời gian qua, địa phương đã tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng đã có đầu ra ở thị trường nội địa, đặc biệt là cây chè.

Lâm Đồng:

Thiếu nhân công thu hái cà phê

Vụ thu hoạch cà phê tại Lâm Đồng sẽ kéo dài trong khoảng 3 tháng cuối năm nay. Tuy nhiên, hiện nay, lực lượng lao động tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 40 - 50%. Còn lại lực lượng lao động thu hái cà phê đến từ ngoại tỉnh như các năm trước đang thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo thống kê sơ bộ, vụ thu hoạch năm 2021, tỉnh Lâm Đồng có khoảng 173.660 héc-ta cà phê cho thu hoạch. Do đó, để đảm bảo nhân công cho vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các địa phương nói chung, đặc biệt là các huyện có diện tích cà phê lớn như: Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng… tiến hành rà soát, thống kê diện tích, dự báo sản lượng cà phê thu hoạch trên từng địa bàn để nắm chắc diện tích, sản lượng và nguồn lao động của từng hộ dân. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các hộ neo đơn, các hộ có người mắc kẹt ở vùng dịch không về được. Thành lập các tổ, đội, nhóm hộ để thực hiện đổi công. Rà soát lực lượng lao động trên địa bàn có nhu cầu thu hái cà phê để giới thiệu cho các hộ nông dân thỏa thuận, thuê mướn hợp lý, tránh việc lợi dụng tình hình khan hiếm lao động để đẩy giá nhân công lên cao. Huy động các tổ chức đoàn thể trên địa bàn thành lập các tổ, đội hỗ trợ các gia đình khó khăn thu hoạch…

Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ đặc thù, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản đề xuất sự phối hợp từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn các trung tâm giới thiệu việc làm có giải pháp hỗ trợ các địa phương. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và Tỉnh Đoàn phối hợp với các địa phương để huy động hội viên có các giải pháp hỗ trợ nhau trong công tác thu hoạch cà phê niên vụ 2021.

Lâm Đồng là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây cà phê. Tuy là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về diện tích (sau Đắk Lắk), song cà phê Lâm Đồng có năng suất bình quân và sản lượng cao nhất cả nước. Hiện tại, giá trị ngành cà phê chiếm 60% ngành nông nghiệp Lâm Đồng và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động.

Lạng Sơn:

50% na Chi Lăng đã được tiêu thụ

Mặc dù phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt về phòng, chống dịch Covid-19, việc thu hái, tiêu thụ na trên địa bàn đến thời điểm này cơ bản diễn ra thuận lợi, giá cả ổn định với nhiều phương thức khác nhau. Với giá bán bình quân từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, tiêu thụ được khoảng 50% sản lượng na toàn huyện. Các hình thức tiêu thụ chủ yếu là qua các sàn thương mại điện tử trên postmart, voso, qua mạng xã hội zalo, facebook và tiêu thụ theo phương pháp truyền thống (thương lái thu mua) vẫn là chủ yếu. Qua các kênh như sàn thương mại điện tử đã có hơn 10.000 tài khoản số trên postmart, voso… Mặc dù chưa bán được nhiều sản phẩm na trên các sàn này nhưng đây cũng là kênh để tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm na Chi Lăng.

Đồng Nai:

Giá lợn hơi giảm liên tiếp

Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi lợn - liên tiếp hứng chịu các đợt thua lỗ nặng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại các địa phương phía Nam hồi cuối tháng 5 vừa qua. Sức tiêu thụ thịt lợn trên thị trường giảm mạnh bên cạnh việc vận chuyển, giết mổ khó khăn khiến một số trại lợn chấp nhận lỗ để bán tháo đàn. Giá lợn tại trại vẫn trên đà giảm tiếp do sức tiêu thụ ở các kênh bán lẻ gặp khó khăn, người chăn nuôi không biết nên bán tháo hay tiếp tục nuôi. Giá lợn hơi giảm liên tục, từ mức hơn 70.000 đồng/kg vào tháng 5 xuống còn 54.000 - 56.000 đồng/kg vào đầu tháng 8 và thời điểm hiện tại chỉ ở mức 50.000 - 52.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành chăn nuôi lợn thời gian qua tăng khá cao, chi phí lên tới hơn 60.000 đồng/kg do giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y tăng khoảng 35% đã khiến người chăn nuôi lỗ nặng.

Tây Ninh:

Giá thu mua khoai mì giảm

Thông thường vào tháng 7, tháng 8 hàng năm là thời điểm các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì tấp nập thu mua nguyên liệu để chế biến. Tuy nhiên, năm nay vào thời điểm này, việc thu mua nguyên liệu khoai mì để chế biến của các nhà máy gặp khó khăn dù đang vào vụ mì. Nguyên nhân chính do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc thu hoạch, vận chuyển khoai mì về nhà máy của các thương lái chậm hơn trước. Hiện nay, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, khoảng 3 ngày mới gom đủ nguyên liệu khoai mì để chạy một lần. Tuy khan hiếm nguyên liệu nhưng giá thu mua mì nguyên liệu thấp, dao động từ 3.000 - 3.100 đồng/kg. Nguyên nhân chính là hiện nay đầu ra chỉ tập trung vào các khách hàng trong nước nhưng số lượng cũng không nhiều, còn việc xuất khẩu tinh bột khoai mì thì gần như rất ít do chi phí vận chuyển tăng cao.

Nam Bộ:

Giá gà lông trắng giảm mạnh

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, trong 7 tháng năm nay, Cục Chăn nuôi ghi nhận giá gà, giá lợn hơi giảm mạnh so với cùng thời điểm năm 2020. ở các tỉnh phía Nam, gà thịt lông màu hiện có giá 25.000 - 30.000 đồng/kg, ở các tỉnh phía Bắc khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg. Đáng chú ý, do đứt gãy chuỗi cung ứng giá gà thịt công nghiệp lông trắng có nơi chỉ còn 6.000 - 10.000 đồng/kg, trong khi ở các tỉnh phía Bắc khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp chăn nuôi phía Nam chỉ tiêu thụ được 5 - 10% gà công nghiệp lông trắng. Nguyên nhân khiến giá nhiều sản phẩm chăn nuôi xuống thấp là do nhiều nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dừng hoạt động, nhu cầu tiêu thụ giảm. Nhiều cơ sở giết mổ, chế biến, các chợ đầu mối, chợ truyền thống... đóng cửa.

Chợ Mới - Bắc Kạn:

Phát huy lợi thế của cây hồi

Những năm qua, cây hồi đã giúp cho nhiều hộ đồng bào huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn tăng thêm thu nhập. Đây cũng là một trong những cây trồng có thế mạnh trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của địa phương.

Với diện tích đồi rừng tương đối lớn, khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp nên các xã phía Đông của huyện Chợ Mới có nhiều điều kiện để phát triển lâm nghiệp, trong đó hồi là một trong những cây trồng thế mạnh. Phát triển cây hồi cũng chính là một trong những định hướng trong phát triển kinh tế của huyện. Thực tế tại một số xã trong huyện, cây hồi đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân. Nhiều hộ đồng bào dân tộc ở xã Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư và Tân Sơn đã có thu nhập ổn định nhờ trồng hồi. Tại huyện Chợ Mới ước tính tổng diện tích hồi gần 600 héc-ta, trong đó gần 80% diện tích đang cho thu hoạch. Năng suất bình quân ước đạt gần 28 tạ/héc-ta, sản lượng ước đạt 1.645 tấn. Hiện nay, quả hồi tươi đang được bán với giá từ 30.000 - 34.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với giá bán vụ đầu năm. Tuy nhiên, theo người dân trồng hồi, nếu giá bán ổn định từ 30.000 đồng/kg trở lên, cây hồi vẫn là cây trồng chủ lực. Bên cạnh trồng mới, người dân trồng hồi ở Chợ Mới đã chú trọng hơn trong việc chăm sóc, cắt tỉa, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Lợi thế của cây hồi là thu hoạch trong nhiều năm, một năm cho thu hoạch 2 vụ. Vì vậy, năng suất, sản lượng cũng ổn định, bền vững hơn so với nhiều cây trồng khác.

Từ hiệu quả thực tiễn, thời gian tới, huyện Chợ Mới tiếp tục tuyên truyền, tạo điều kiện để các hộ phát triển cây hồi, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp người dân giảm nghèo.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Sơn La:

Liên tiếp thu giữ sách giáo khoa giả

Triển khai Kế hoạch Kiểm tra chuyên đề đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xuất bản phẩm năm 2021, từ ngày 12/8/2021 đến 01/9/2021, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Sơn La đã kiểm tra 20 vụ, xử lý 14 vụ vi phạm, tịch thu, tiêu hủy 1.458 xuất bản phẩm các loại.

Điển hình, ngày 12/8/2021, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT Sơn La đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh sách giáo khoa Cảnh Oanh tại tiểu khu 40, thị trấn Nông Trường, huyện Mộc Châu. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện, tiến hành tạm giữ 212 xuất bản phẩm (sách giáo khoa) có dấu hiệu in giả của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Mới đây, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có công văn xác nhận 212 xuất bản phẩm Đội QLTT số 3 đang tạm giữ là sách in giả của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Lực lượng chức năng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng, tịch thu toàn bộ 212 cuốn sách in giả theo quy định của pháp luật.

Ngày 16/8/2021, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 3 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Vân Hồ tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cửa hàng kinh doanh sách giáo khoa ở bản Hang Trùng 1, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng có bày bán 734 cuốn sách Tiếng Anh các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, tài liệu chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng, tịch thu 734 cuốn sách giáo khoa trị giá trên 27 triệu đồng.

Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh Sơn La tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện Kế hoạch kiểm tra chuyên đề đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xuất bản phẩm năm 2021. Tăng cường công tác quản lý địa bàn, thu thập thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xuất bản phẩm. Đặc biệt là các hành vi in và tiêu thụ sách giáo dục giả trên địa bàn nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

HÀNG VIỆT

Thừa Thiên Huế:

Phát triển sản phẩm OCOP từ đặc trưng riêng

Là một trong những địa phương được chọn làm chỉ đạo điểm trong việc xây dựng Chương trình OCOP, Thừa Thiên Huế xác định, giai đoạn 2021 - 2025 là thời kỳ tập trung sâu với quan điểm phát triển kinh tế dựa trên những giá trị truyền thống, tri thức bản địa địa phương.

Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh phấn đấu ít nhất 100 sản phẩm được hoàn thiện, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa theo tiêu chí sản phẩm OCOP (20 sản phẩm/năm); phát triển từ 2 - 4 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP; 100% sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa tham gia Chu trình OCOP và tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm tại cấp huyện, tỉnh… Tỉnh cũng phấn đấu ít nhất 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao, phát triển theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ, quy mô lớn và ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị chất lượng, tham gia thị trường xuất khẩu; chu trình chuẩn OCOP được duy trì liên tục tại cấp tỉnh và cấp huyện. Ngoài ra, tỉnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho 100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP và lãnh đạo các doanh nghiệp/hợp tác xã tham gia OCOP; nâng cao kỹ năng phân phối, tiếp thị cho đội ngũ nhân lực tham gia vào hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP. Đặc biệt chú trọng đến định hướng phát triển các sản phẩm gắn với văn hóa du lịch của Cố đô Huế; sản phẩm du lịch nông thôn; nâng cao năng lực cho các hợp tác xã; xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP… Đây là tiền đề để tạo sự khác biệt của các sản phẩm OCOP. Trong đó nhấn mạnh, sản phẩm OCOP Huế phải được khai thác từ sự đặc trưng để tạo ra ưu thế của Huế; đồng thời phải phát huy giá trị nội sinh.

Triển khai Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo OCOP

Là một trong những địa phương được chọn làm chỉ đạo điểm trong việc xây dựng Chương trình OCOP, Thừa Thiên Huế đang xây dựng đề án triển khai Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo OCOP. Đây là trung tâm để đào tạo khởi nghiệp OCOP cũng là nơi cung cấp các dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp trong việc phát triển các sản phẩm OCOP có giá trị gia tăng cao, giới thiệu và xúc tiến thương mại hóa các sản phẩm OCOP trên cơ sở chuyển đổi số áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tư vấn phát triển dịch vụ du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP và sinh thái nông nghiệp. Trung tâm cũng là nơi tổ chức các sự kiện OCOP ở trong và ngoài nước theo chủ trương thành phố 4 mùa lễ hội của tỉnh.

Ngoài ra, Trung tâm Công nghệ Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (HUECIT) đang triển khai thực hiện xây dựng mô hình kiến trúc “Xã thông minh”. Trong đó, nông nghiệp thông minh hướng đến mục tiêu ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; tăng giá trị nông sản và mở rộng giao dịch trên mạng Internet. Đây cũng là cơ hội giúp các chủ thể nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ.