Thông tin thị trường giá cả số 38/2020

09:40 AM 17/09/2020 |   Lượt xem: 3897 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Chi Lăng mùa na ngọt

Huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn là vùng trồng na lớn nhất các tỉnh miền núi phía Bắc. Mùa thu hoạch na năm nay, bà con dân tộc Nùng trên đất ải Chi Lăng vui mừng vì vụ na được mùa, được giá.

Trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP

Ngay từ tờ mờ sáng, các hộ đồng bào ở thôn Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ, xã Chi Lăng, Y Tịch… đã lên núi hái na, đến 9 - 10 giờ mới gánh na về đến chợ kịp giao cho tư thương. Na được hái buổi sáng, hơi sương vẫn còn đọng trên quả nên bán lúc nào cũng được giá. Với giá bán dao động từ 20.000 đồng/kg (loại 8 - 10 quả/kg) đến 70.000 đồng/kg (loại 2 - 3 quả/kg), trừ mọi chi phí, các gia đình thu lãi khá. Để nâng cao giá trị sản phẩm, những năm gần đây, huyện Chi Lăng chú trọng các giải pháp sản xuất na theo hướng an toàn. Đến nay, huyện đã triển khai sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap đạt hơn 406 héc-ta; còn lại khoảng 1.430 héc-ta sản xuất na an toàn thực phẩm. Có được kết quả này là do thời gian qua, địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung vào các giải pháp: Tuyên truyền, tập huấn kiến thức về trồng na; tổ chức tập huấn kỹ thuật; xây dựng 7 vườn mẫu tại các xã có na; xây dựng mô hình vườn mẫu, hỗ trợ bẫy bả ruồi vàng; tổ chức ký cam kết với người dân thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn na an toàn... Đặc biệt, nhằm xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, huyện Chi Lăng đã hỗ trợ bao bì đóng gói sản phẩm na Chi Lăng; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm... Những năm gần đây, na Chi Lăng không chỉ tiêu thụ trong nước mà bước đầu đã xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Mùa na năm nay, tại chợ bờ sông Kỳ Cùng, nhiều hộ trồng na ở xã Mai Sao, Chi Lăng đã trực tiếp vận chuyển na giao bán cho các tư thương để xuất khẩu tiểu ngạch sang biên giới.

Trao chứng nhận mã số vùng trồng

Với sự đầu tư theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt, sản phẩm na Chi Lăng được người dân xứ Lạng ví như viên ngọc quý của núi rừng. Nhiều năm liền, sản phẩm được Tổng Hội Nông nghiệp Việt Nam trao danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”. Năm 2011, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy đăng ký nhãn hiệu “Na Chi Lăng”. Đến năm 2013, na Chi Lăng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đưa vào danh sách 50 cây đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 20/8/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn phối hợp với UBND huyện Chi Lăng đã trao chứng nhận mã số vùng trồng na tại huyện Chi Lăng.

Theo đó, trên cơ sở đề nghị cấp giấy chứng nhận mã số vùng trồng na bằng hệ thống tiêu chuẩn OTAS của UBND thị trấn Đồng Mỏ, UBND xã Y Tịch; căn cứ báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá vùng trồng của đoàn chuyên gia, dữ liệu vùng trồng đã được chuẩn hóa trên hệ thống OTAS, chuyên gia của Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tiến hành thẩm định, thực hiện cấp chứng nhận mã số vùng trồng na cho 4 vùng trồng na tại thôn Lũng Than (thị trấn Đồng Mỏ) và Giáp Thượng 2 (xã Y Tịch). Dựa trên mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp, Công ty Cổ phần OTAS thiết kế tem mã số vùng trồng dán trên sản phẩm giúp truy xuất nguồn gốc, xác thực nguồn gốc và cấp phát cho các hộ nông dân trong vùng trồng. Việc chuẩn hóa dữ liệu cấp mã số vùng trồng na nhằm quản lý và phục vụ xuất khẩu theo yêu cầu bắt buộc của thị trường; ngăn ngừa sự giả mạo mã số vùng trồng, nguồn gốc xuất xứ của vùng trồng na. Qua đó, cung cấp sản phẩm có chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có trên 3.300 héc-ta na, sản lượng ước đạt 30.000 tấn/năm. Để phát triển trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, na an toàn, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung kết nối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng các vườn mẫu để tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm; vinh danh người dân sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP.

Kiên Giang: Giá chuối bất ngờ tăng cao

Huyện U Minh Thượng là địa phương có diện tích trồng chuối xiêm lớn nhất tỉnh Kiên Giang. Từ đầu tháng 8 đến nay, chuối trái bất ngờ hút hàng trở lại do có nhiều thương lái thu mua, đẩy giá tăng cao, người trồng chuối phấn khởi.

Toàn huyện U Minh Thượng có trên 1.500 héc-ta chuối, chủ yếu tập trung ở các xã vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng là Minh Thuận và An Minh Bắc. Từ giữa tháng 8 đến nay, giá chuối xiêm bất ngờ tăng trở lại, lên mức 9.000 - 10.000 đồng/nải, tăng gấp 5 lần so với thời điểm xuống thấp nhất. Không chỉ chuối trái, mà bắp chuối hiện cũng được giá, khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg, mỗi bắp đạt trọng lượng từ 1 - 1,5 kg. Với giá này, nông dân trồng chuối rất phấn khởi vì có thu nhập cao, bù đắp phần nào nguồn thu nhập bị giảm do mất giá kéo dài. Nguyên nhân khiến giá chuối tăng cao là do thương lái đẩy mạnh thu mua trong bối cảnh nguồn cung hạn chế. Thời gian qua, giá chuối giảm mạnh khiến người trồng không quan tâm chăm sóc. Hơn nữa, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 vừa qua, mưa lớn kèm gió lốc đã làm nhiều vườn chuối của người dân nơi đây bị dập lá, đổ ngã, gây thiệt hại lớn.

Trên thực tế, chuối là loại dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng vùng đệm U Minh Thượng. Loại cây này cũng ít sâu bệnh, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư không đáng kể nên cho thu nhập khá. Với diện tích 1.409 héc-ta, huyện U Minh Thượng cung ứng cho thị trường gần 50.000 tấn chuối mỗi năm. Tuy nhiên, do không có nhà máy chế biến, toàn bộ chuối bán chủ yếu cho thương lái và giá cũng lên xuống thất thường khiến người trồng chuối không an tâm. Thời gian qua, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, địa phương đã vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật chuyển đổi từ mô hình độc canh cây chuối sang các mô hình chuối - cá đồng, chuối - cây ăn trái và chuối - rau màu phù hợp từng vùng quy hoạch, giúp người dân tăng thu nhập trên cùng diện tích. Một số địa phương đã vận động người dân tham gia hợp tác xã trồng chuối, làm tiền đề liên kết với doanh nghiệp sản xuất, chế biến tại địa phương. Hy vọng đây sẽ là bước đi mang tính chiến lược, hướng tới sự phát triển bền vững hơn.

An Lão (Bình Định): Vùng chuyên canh bưởi da xanh

Mấy năm gần đây, người dân huyện An Lão, tỉnh Bình Định đã chuyển đổi nhiều diện tích trồng mì, bắp... kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Đây là loại cây trồng được kỳ vọng sẽ giúp bà con nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Dự án trồng bưởi da xanh thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, được triển khai trên địa bàn xã An Hòa, An Tân. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ 100% kinh phí chuyển đổi. Trong đó, nhiều hộ đang trồng cây keo lai đã chuyển đổi một phần diện tích rừng keo sang trồng bưởi da xanh. Thời gian qua, cây keo lai là cây công nghiệp chủ lực trong phát triển kinh tế ở An Lão. Tuy nhiên, thời gian trồng kéo dài từ 5 - 6 năm mới cho thu hoạch, trong khi bưởi là loại cây có thể cho thu hoạch sau 3 năm. Do nguồn lợi từ hai loại cây này đều rất khá nên một số hộ gia đình đã trồng xen cả 2 loại để nâng cao giá trị kinh tế. Toàn huyện An Lão hiện có gần 80 héc-ta cây bưởi da xanh, trong đó vườn bưởi ở các xã: An Toàn, An Tân, An Hòa, thị trấn An Lão đã cho thu hoạch. Với giá bán ổn định từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, bước đầu cây bưởi đã đem lại nguồn thu khá.

Hiện An Lão đang khuyến khích người dân đầu tư hình thành các vùng chuyên canh bưởi da xanh tập trung. Đồng thời, hỗ trợ bà con áp dụng các tiến bộ Khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần giúp bà con nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững. Thực tế cho thấy, dự án trồng bưởi da xanh đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của bà con. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn và tự chủ hơn trong các quyết định đầu tư phát triển cây bưởi, chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên. Hiện địa phương đang huy động các nguồn lực đầu tư tổ chức sản xuất và tiêu thụ bưởi da xanh theo hướng bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài cho bà con.

Hậu Giang: Giá mía chục giảm mạnh

Tuần qua, giá bán mía chục (mía dùng làm nước giải khát) tại tỉnh Hậu Giang đã giảm hơn 500 đồng/kg so với đầu vụ. Hiện tại huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) - nơi có vùng mía nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL, thương lái cân mía chục tại rẫy cho nông dân chỉ còn 800 - 900 đồng/kg. Nguyên nhân giá mía chục giảm là do đang vào mùa mưa, nhu cầu tiêu thụ nước giải khát giảm mạnh. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của bão số 2 vào đầu tháng 8 vừa qua đã làm cho cây mía bị xiêu vẹo, gãy đổ nên mẫu mã không đẹp. Theo người trồng mía ở huyện Phụng Hiệp, tuy giá mía chục giảm nhưng vẫn có lợi nhuận so với bán mía nguyên liệu cho nhà máy đường, bởi khi bán mía chục, nông dân không phải tốn chi phí thuê nhân công thu hoạch, chi phí vận chuyển, việc kiểm tra chữ lượng đường… Với giá mía như hiện nay, nếu năng suất mía đạt khoảng 10 - 12 tấn/công, thì sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng mía có lợi nhuận từ 6 - 7 triệu đồng/công. Những năm gần đây, do giá mía nguyên liệu bán cho nhà máy đường không ổn định nên nhiều nông dân ở Hậu Giang đã chuyển sang trồng mía bán chục.

Đồng bằng sông Cửu Long: Nhãn tăng giá trở lại

Giá nhãn Ido và nhãn xuồng cơm vàng tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng trở lại từ 5.000 - 8.000 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tuần. Hiện giá nhãn xuồng loại đẹp được nông dân bán cho thương lái và các vựa thu mua trái cây ở mức 32.000 - 35.000 đồng/kg; nhãn Ido có giá 19.000 - 22.000 đồng/kg; nhãn tiêu da bò có giá khoảng 13.000 - 16.000 đồng/kg. Giá nhãn tăng do nguồn cung giảm vì thời điểm này nhiều vườn nhãn đã hết lứa thu hoạch. Dự báo, giá một số loại nhãn có khả năng còn tăng trong thời gian tới do nguồn cung giảm vì bước vào nghịch mùa thu hoạch, nhất là nhãn xuồng. Đối với nhãn tiêu da bò và nhãn Ido đã được nông dân xử lý cho ra trái nghịch mùa, rải vụ quanh năm, nếu dịch COVID-19 sớm được khống chế và đầu ra xuất khẩu được đẩy mạnh, nhiều khả năng giá sẽ còn tăng.

Trà Vinh: Giá lúa tươi tăng

Cụ thể, giá lúa hầu hết các giống chất lượng cao như OM 5451, OM 4900, OM 18 đều tăng 700 - 1.000 đồng/kg; giống lúa thường IR 50404 tăng hơn 500 đồng/kg và Ma Lâm 202 tăng 1.000 đồng/kg. Tuy giá lúa các loại đều tăng nhưng bà con nông dân thu lãi không nhiều do năng suất kém và chi phí đầu tư cao. Nguyên nhân là ảnh hưởng của hạn, mặn vụ Đông Xuân 2019 - 2020 với nồng độ mặn cao, thời gian đất bị nhiễm mặn lâu, mùa mưa đến trễ nên không đủ lượng nước rửa phèn, mặn ngay đầu vụ Hè Thu. Vì vậy, nhiều diện tích lúa bị ngộ độc mặn và phèn, cây lúa phát triển kém, các dịch bệnh như bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá, cháy lá tấn công khiến chi phí sản xuất vụ này tăng mạnh. Trước ảnh hưởng của hạn, mặn mùa khô 2019 - 2020, ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp tỉnh đã lưu ý các địa phương phải đảm bảo việc rửa mặn, phèn, cung cấp đủ nước cho cây lúa. Đồng thời, khuyến cáo các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng hạn, mặn, thiếu nước tưới vào mùa khô không trồng lúa vụ này, nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, diện tích chuyển đổi cây trồng ở các địa phương trên vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.

Đắk Lắk: Bơ booth mất mùa, mất giá

Thời điểm này, các vườn bơ booth trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk đã vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay, nhiều diện tích bơ booth mất mùa, giá giảm mạnh khiến nhà vườn lao đao. Hiện thương lái thu mua bơ với giá 7.000 – 8.000 đồng/kg đối với trái to, đẹp và 2.000 – 3.000 đồng/kg trái nhỏ. Mức giá này đã giảm đến 60% so với năm trước.

Toàn thị xã Buôn Hồ có khoảng 400 héc-ta booth trồng xen trong vườn cà phê, tiêu, cây ăn trái… Nhiều năm nay, bơ booth liên tục mất mùa, giá cả cũng giảm dần. So với mọi năm thì năm nay người trồng bơ không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Thương lái thu mua bơ trên địa bàn cũng vắng hơn mọi năm. Với giá cả như hiện nay, người dân có hướng giữ quả trên cây, chờ giá lên mới cắt bán nhờ bơ booth có ưu điểm là dù đã đến thời kỳ thu hoạch, nhưng người dân vẫn có thể giữ được quả trên cây cả tháng mới cắt mà không bị hư hại gì. Tuy nhiên, nếu để quá lâu, quả sẽ bị nấm, thối và rụng dần.         

Mường Bang đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc

Với lợi thế có bãi chăn thả rộng, nhiều sườn đồi cỏ mọc tự nhiên, những năm qua, người dân xã Mường Bang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa.

Đây là hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định. Mường Bang đã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi đất trồng bạc màu, độ dốc lớn, kém hiệu quả sang trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng các mô hình nuôi nhốt gia súc, xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Đội ngũ cán bộ thú y, khuyến nông xã thường xuyên sát cánh cùng bà con, hướng dẫn bà con theo dõi tình hình dịch bệnh ở trâu, bò; cách làm chuồng nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tiêm phòng bệnh, đỡ đẻ cho gia súc; dự trữ rơm rạ, cây ngô làm thức ăn khô, không để tình trạng trâu, bò bị đói, rét vào mùa đông... Chăn nuôi phát triển, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã từ 3 - 5%/năm.

Bản Chùng là một trong những bản đi đầu trong phát triển đàn gia súc ở Mường Bang. Cả bản hiện có 480 con trâu, bò, được nuôi theo hình thức bán chăn thả tại các bãi có rào chắn, dựng lán có mái che cho gia súc tránh mưa gió. Hằng năm, bản đã phối hợp với cán bộ thú y xã tổ chức tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; vận động bà con làm chuồng nuôi nhốt gia súc trong thời gian rét đậm, rét hại. Người dân trong bản đã chuyển đổi gần 2 héc-ta đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ voi để chủ động thức ăn cho đại gia súc. Từng bước thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi từ nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, cùng với sự quan tâm hỗ trợ, định hướng kịp thời, hiệu quả của chính quyền xã, huyện, việc phát triển chăn nuôi đại gia súc ở Mường Bang đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững và nâng cao thu nhập, giảm nhanh số hộ nghèo trong xã.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Quảng Trị: Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Trị, hiện nay, trên tuyến biên giới và Quốc lộ 9 thuộc địa bàn tỉnh, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Trong tháng 8/2020, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã đấu tranh, phát hiện bắt giữ và xử lý 177 vụ, trong đó có 80 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, 92 vụ gian lận thương mại, 5 vụ hàng giả. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 117 vụ, xử lý hình sự 15 vụ. Đáng chú ý, thực hiện Kế hoạch đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ Lào về Việt Nam qua địa bàn biên giới tỉnh Quảng Trị, ngày 6/9/2020, tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Trị, Đồn Biên phòng phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo phối hợp với Đồn Công an Cửa khẩu quốc tế Densavan, tỉnh Savannakhet (Lào) điều tra, bắt giữ 8 đối tượng mang quốc tịch Lào đang có hành vi mua bán và vận chuyển trái phép một lượng lớn ma túy từ Lào về Việt Nam tiêu thụ. Hiện BĐBP Quảng Trị đang phối hợp với Công an Lào tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định. Trong những tháng còn lại của năm 2020, các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu trên tuyến biên giới và Quốc lộ 9, ra quân trấn áp, triệt phá các đường dây dùng xe hạ tải vận chuyển hàng lậu trên tuyến Quốc lộ 9.

HÀNG VIỆT

Đưa hàng Việt ra Côn Ðảo

Trước đây, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu vừa thiếu thốn, vừa đắt đỏ. Nhưng tới nay, nhờ giao thông thuận tiện và các chính sách hỗ trợ của ngành Công Thương, người dân Côn Đảo dễ dàng mua sắm nhờ hàng hóa phong phú về chủng loại, giá lại rẻ.

Người dân được sử dụng hàng hóa thiết yếu giá rẻ

Chị Trần Thị Khuyên, giáo viên tiểu học ở Côn Đảo cho biết về nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu của gia đình hiện nay như vậy. Không riêng gia đình chị Khuyên, hơn 8.000 cư dân và trên dưới 300.000 du khách du lịch đến Côn Đảo mỗi năm cũng có chung cảm nhận này khi mạng lưới cung cầu hàng hóa đang được đầu tư và mở rộng tại đây. Ông Lê Văn Phong - Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo - cho biết, trong giai đoạn năm 2015 - 2020, huyện Côn Đảo đã được đầu tư hơn 1.418 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng cơ sở, hệ thống giao thông, mạng lưới thương mại, y tế  và giáo dục. Khi giao thông nối với đất liền thuận lợi, hàng hóa vận chuyển ra đảo ngày càng dễ dàng, nhờ đó, giá cả hàng hóa thiết yếu đã giảm mạnh so với trước.

Theo ông Lê Văn Phong, ngoài đường hàng không và các tàu vận chuyển khách bằng đường thủy từ trước, hiện đã có thêm 2 tàu khách hiện đại, mỗi ngày vận chuyển khách theo 2 tuyến từ TP. Vũng Tàu và tỉnh Sóc Trăng ra Côn Đảo và ngược lại với trên 600 khách mỗi chuyến. Cùng với khoảng 3.000 khách du lịch mỗi ngày, trên những chuyến tàu ra Côn Đảo còn chở theo nhiều hàng hóa thiết yếu, giúp cho mạng lưới thương mại không ngừng phát triển và hàng hóa có giá cạnh tranh hơn.

Theo ông Lê Mạnh Hậu - Trưởng Ban quản lý chợ Côn Đảo, tháng 9/2019, chợ Côn Đảo cũ đã được nâng cấp và có 247 tiểu thương đang kinh doanh cố định tại đây. Chợ Côn Đảo ngày nay bày bán đủ loại hàng hóa, từ các mặt hàng nông sản, hải sản, rau củ quả, đến hàng gia dụng, quần áo, mỹ phẩm có thương hiệu. Ngày trước, hàng hóa cung cấp cho tiểu thương buôn bán ở chợ phụ thuộc lớn vào tàu thuyền, ngày nay, bạn hàng sắm tàu lớn và tăng chuyến. Chủng loại hàng hóa cũng phong phú và đa dạng hơn do ngành Công Thương đã có kế hoạch cung ứng hàng hóa cho Côn Đảo từ đất liền nên chỉ trong ngày là hàng ra đến chợ.

Tổ chức 10 phiên chợ đưa hàng Việt ra Côn Đảo

Ông Trương Văn Thôi - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ năm 2014 đến hết tháng 6 năm 2020, Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thực hiện 75 phiên chợ hàng Việt; tổng doanh thu đạt hơn 41,7 tỷ đồng; thu hút gần 500.000 lượt khách tham quan, mua sắm và ủng hộ chương trình. Trong đó, đã tổ chức 10 phiên chợ đưa hàng Việt ra Côn Đảo, doanh thu đạt 20 tỷ đồng, với 326 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút khoảng 113.100 lượt khách tham quan mua sắm.

Để phát triển mạng lưới thương mại tại Côn Đảo, mỗi năm, ngành Công Thương tổ chức 2 lớp về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức thương mại và năng lực quản lý cho đội ngũ công nhân viên chức và người kinh doanh. Hiện tại cũng đã xây dựng được một mô hình phân phối đặc thù phục vụ sản xuất và tiêu dùng tại Côn Đảo với tên gọi là “Điểm phân phối và bán đặc sản Côn Đảo, các vùng miền”. Mô hình này đã cung cấp các mặt hàng đặc thù, đặc sản các vùng miền phục vụ khách du lịch cũng như nhu cầu tiêu dùng tại huyện Côn Đảo, tạo chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững.

Ông Thôi đánh giá, chương trình đưa hàng Việt ra Côn Đảo đã giúp người tiêu dùng ở đây tiếp cận được với nhiều loại hàng hóa thiết yếu với chất lượng, giá cả phù hợp. Chương trình còn tạo sự chuyển biến căn bản và thực chất trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ người sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam chân chính. “Tuy nhiên, do quy mô thị trường nhỏ, ít dân cư nên một số doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chưa thực sự quan tâm nhiều đến thị trường Côn Đảo”, ông Thôi chia sẻ thêm.