Thông tin thị trường giá cả số 33/2020

11:02 AM 12/08/2020 |   Lượt xem: 3942 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Quảng Trị: Tiêu hữu cơ xuất khẩu giá cao

Thông qua các chương trình, dự án, đến nay Quảng Trị đã phát triển được gần 170 héc-ta tiêu canh tác theo quy trình hữu cơ tại các huyện Vĩnh Linh và Gio Linh. Sản phẩm đã xuất khẩu sang các thị trường Âu, Mỹ và có giá cao hơn từ 20 - 25% so với canh tác theo kiểu cũ.

Tỉnh Quảng Trị hiện có hơn 2.500 héc-ta hồ tiêu, trong đó, diện tích khai thác khoảng 2.100 héc-ta, phần lớn đều canh tác theo kiểu cũ nên năng suất thấp hơn nhiều so với các vùng khác. Thời gian gần đây, bên cạnh việc tăng cường khuyến khích các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu giữa doanh nghiệp và nông dân, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh phát triển, mở rộng diện tích tiêu hữu cơ trên địa bàn. Đây được xem là giải pháp đột phá để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Tại huyện Gio Linh, những năm qua, hồ tiêu được xác định là loại cây truyền thống ở địa phương, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Nhờ lợi thế của vùng có diện tích đất đỏ ba-zan màu mỡ, hồ tiêu trồng tại đây cho sản phẩm hạt với chất lượng tốt nhất. Hiện nay, tại Gio Linh đã có 132 hộ nông dân liên kết với Công ty Organics More Co. Ltd để sản xuất và bao tiêu sản phẩm tiêu hữu cơ với quy mô 62,6 héc-ta. Bà con khi tham gia chương trình liên kết sẽ được công ty hỗ trợ làm các thủ tục kiểm định chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất tiêu theo các tiêu chuẩn EC834/2007 của Châu Âu, tiêu chuẩn NOP USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Mô hình đã được tổ chức đánh giá độc lập Châu Âu Control Union chứng nhận sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của châu Âu và Mỹ. Trong năm 2019, đã có 18 tấn tiêu hữu cơ được bán với giá 78.000 đồng/kg, cao hơn 18.000 - 20.000 đồng/kg so với mặt bằng giá thị trường tại Quảng Trị cùng thời điểm. Ngoài ra, hiện nay, một số đơn vị trên địa bàn huyện đã giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiêu Quảng Trị ra thị trường quốc tế như Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị, Công ty TNHH Duy Proster... xuất khẩu sang thị trường Mỹ được hơn 50 tấn tiêu với giá bán cao hơn 20% so với thị trường trong nước.

Xác định trồng tiêu hữu cơ là giải pháp trọng tâm, thời gian qua, huyện Vĩnh Linh đã tập trung cải tạo vườn và trồng mới hồ tiêu theo quy trình hữu cơ bền vững. Huyện đã thành lập Hợp tác xã sản xuất kinh doanh Hồ tiêu Vĩnh Linh với nhiệm vụ phát triển vườn tiêu mẫu với diện tích 1 héc-ta. Tiếp đến sẽ trồng thêm một vườn tiêu 1 héc-ta chuyên cung cấp giống cho việc trồng mới. Hàng ngày, các hội viên tham gia cẩn thận ghi chép từng quy trình, công việc trồng tiêu theo một hồ sơ rất khoa học để sau này thuận lợi cho việc trích xuất nguồn gốc sản phẩm.

Với những vườn tiêu lâu nay trồng theo cách truyền thống đang cho thu hoạch, huyện có chủ trương đẩy mạnh cải tạo theo mô hình hồ tiêu sạch, bền vững để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng. Xóa bỏ việc bón phân vô cơ, tập trung bón phân hữu cơ, khuyến khích bà con sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho hồ tiêu nhằm góp phần nâng cao chất lượng hạt tiêu khô, đảm bảo mặt hàng xuất khẩu ra các thị trường có tính cạnh tranh cao. Ngoài ra, bà con còn được hướng dẫn cách chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Việc triển khai mô hình trồng tiêu hữu cơ được bà con ủng hộ và nghiêm túc thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật quốc tế theo yêu cầu. Để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm tiêu sạch, các huyện cũng đã tiến hành liên kết, hợp tác với một số công ty nhằm thu mua và xuất khẩu tiêu hữu cơ. Trên cơ sở này, huyện sẽ thành lập các tổ hợp tác và tiến tới ký kết các hợp đồng lớn với doanh nghiệp thu mua sản phẩm.

Tân Uyên (Lai Châu): Chè búp tươi giảm giá

Xã Phúc Khoa là cửa ngõ của huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu - nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống và trồng chè. Bước vào vụ chè năm nay, giá chè giảm khiến cuộc sống của bà con bị ảnh hưởng.

Phúc Khoa có hơn 400 héc-ta chè Shan, mỗi năm sản xuất trên 4.000 tấn búp tươi. Đây cũng là vùng chè nổi tiếng của Lai Châu. Bước vào vụ chè năm nay, giá chè xuất khẩu đột nhiên giảm khiến cuộc sống của bà con bị ảnh hưởng. Đầu năm, thương lái thu mua giá 7.000 đồng/kg nhưng hiện giá thu mua chỉ dao động quanh ngưỡng 5.500 - 6.000 đồng/kg.

Cây chè được bà con trồng vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, đến nay tổng diện tích chè của Phúc Khoa có trên 401 héc-ta. Dọc các thôn Nà Lại, Ngọc Lại và Phúc Khoa là những đồi chè xanh ngát được trồng bằng giống chè Shan trên độ cao 700 – 800 mét so với mặt nước biển. Tiểu vùng khí hậu núi cao ngày nóng đêm lạnh nên chất lượng chè Phúc Khoa thơm ngon nổi tiếng, được khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Cây chè cũng là cây trồng chính, tạo nguồn thu chủ yếu của người dân. Những năm qua, chè Phúc Khoa sản xuất ra bao nhiêu đều bán hết bấy nhiêu. Các cơ sở, đại lý ở Phú Thọ, Hà Nội đặt địa phương thu mua chè thành phẩm ở đây, đóng gói và dán nhãn hiệu của họ.

Một hộ trồng chè người dân tộc Khơ Mú ở bản Nà Lại cho biết, gia đình anh trồng 7.000 m2 chè. Vụ này năm ngoái, anh thu hoạch được khoảng 7 tạ chè với giá bán 7.000 đồng/kg, cả nhà có thu nhập khá. Năm nay, giá bán giảm 1.000 – 1.500 đồng/kg nên thu nhập giảm, chỉ đủ trang trải chi phí đầu vào. Thậm chí, tại một số cơ sở chế biến vẫn còn tồn vài chục tấn chè khô chưa bán được. Dự báo, nếu tình hình giá cả thị trường trong nước và thế giới chưa thay đổi thì giá mua chè búp tươi khó nhích lên được.

Tiền Giang: Xúc tiến thương mại cho xoài cát Hòa Lộc

Là đặc sản nổi tiếng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xoài cát Hòa Lộc được người dân Nam Bộ nói riêng, trong nước nói chung ưa chuộng. Sản phẩm đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính và đầy tiềm năng như: Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Australia...

Hiện xoài cát Hòa Lộc được trồng nhiều tại 13 xã của huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Thời gian qua, huyện đã tích cực phối hợp các ngành chức năng triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, khẳng định thương hiệu... Năm 2009, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý xoài cát Hòa Lộc của UBND tỉnh Tiền Giang. Với tiền đề này, Tiền Giang tiếp tục áp dụng một số chính sách hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất xoài cát Hòa Lộc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân liên kết sản xuất; tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Cái Bè đã thành lập 2 hợp tác xã là Hợp tác xã Hòa Lộc, Hợp tác xã Mỹ Lương và 1 tổ hợp tác xoài Tân Thanh. Qua hơn 10 năm hoạt động, Hợp tác xã Hòa Lộc đã mở rộng quy mô với hơn 100 xã viên, được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP với diện tích trên 20 héc-ta. Hợp tác xã đã đầu tư cải tạo, mở rộng diện tích nhà xưởng sơ chế - đóng gói sản phẩm, trang bị một số thiết bị chuyên dụng như bồn rửa trái cây, bồn xử lý nhiệt, bàn phơi trái, kho mát... Nhờ đó, trái xoài cát Hòa Lộc đảm bảo về chất lượng, giảm bớt tổn thất sau thu hoạch và tăng thêm giá trị cũng như thời gian bảo quản. Đồng thời, việc thành lập các tổ chức sản xuất cũng tạo điều kiện thuận lợi để gắn kết với các siêu thị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chế biến và xuất khẩu. Từ đó, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp tăng thu nhập và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp huyện Cái Bè tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ người trồng xoài cát Hòa Lộc tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, gắn kết với doanh nghiệp để tạo nên chuỗi giá trị và đảm bảo đầu ra bền vững cho sản phẩm. Điều này góp phần khẳng định thương hiệu và mở ra nhiều triển vọng mới cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc.

Tiền Giang: Giá cây giống tăng 2 - 3 lần

Sau đợt hạn mặn lịch sử vừa qua, nhiều diện tích cây ăn trái ở tỉnh Tiền Giang bị chết trắng nên nhu cầu cây giống để khôi phục vườn cây rất lớn. Hiện nay, hầu hết các cơ sở kinh doanh cây giống đều bán giá cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 2 - 3 lần. Thậm chí, nhiều loại cây có khả năng thích ứng với hạn mặn giá tăng gấp 4 - 5 lần so với trước đây. Cụ thể như cây hồng xiêm, mít giá gần 100.000 đồng/cây giống; sầu riêng giá trên 120.000 đồng/cây giống; bưởi, nhãn, mãng cầu na, dừa xiêm giá từ 35.000 - 50.000 đồng/cây giống. Tuy giá cao nhưng cây giống rất hút hàng, nhiều cơ sở phải đến huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre thu mua về giao lại cho khách hàng. Giá cây giống tăng cao, ngoài nhu cầu trồng lại vườn cây ăn trái sau hạn mặn, còn do khô hạn kéo dài khiến nguồn nguyên liệu sản xuất cây giống gặp khó khăn, dẫn đến cầu vượt cung. Hiện nay, chính quyền và các ngành chuyên môn tỉnh Tiền Giang đang hỗ trợ nhà vườn khôi phục lại vườn cây đặc sản.

Cần Thơ: Người nuôi cá tra lỗ

Giá bán cá tra nguyên liệu tại ao đang dao động từ 17.500 - 18.500 đồng/kg (kích cỡ 700 - 800 gr/con) trong khi giá thành đầu tư bình quân 23.700 - 24.400 đồng/kg. Như vậy, với giá này, người nuôi lỗ 5.000 - 6.500 đồng/kg. Để ngành hàng cá tra tiếp tục phát triển, cần đẩy mạnh vùng nuôi áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP, ASC, SQF, BMP, Metro GAP. Qua đó, cung ứng sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Ðến nay, thành phố Cần Thơ có 2 HTX nuôi cá tra với diện tích 27 héc-ta. Có 35 hộ tham gia liên kết với các nhà máy chế biến với diện tích gần 100 héc-ta và 9 doanh nghiệp trực tiếp nuôi gần 130 héc-ta.

Giảm áp lực cho nguồn cung thịt heo

Hiện nay, giá heo hơi (lợn) tại miền Bắc giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg so với tuần trước. Cụ thể, tại Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái… giá heo hơi dao động từ 90.000 - 91.000 đồng/kg. Tại các tỉnh miền Trung, giá ghi nhận cao nhất ở mức 87.000 đồng/kg và thấp nhất là 81.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá heo hơi đang đứng, chờ thêm các thông tin mới từ thị trường, giao dịch trong khoảng 85.000 - 89.000 đồng/kg. Đồng Nai vẫn giữ mức cao nhất 91.000 đồng/kg. Để giảm áp lực cho nguồn cung thịt heo trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thúc đẩy nhập khẩu thịt heo và heo sống về Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể nhập khẩu được heo về giết thịt ngay và nuôi heo thịt từ các nước lân cận. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tổ chức tái đàn kết hợp với việc tăng cường tiêu độc, khử trùng, an toàn sinh học nhằm tránh dịch bệnh tái phát. Bộ Công Thương đảm bảo tốt khâu lưu thông; chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương yêu cầu doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ đẩy mạnh xây dựng chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo.

Giá phân bón ổn định ở mức thấp

Hiện nay, giá phân bón trên thị trường vẫn duy trì ở mức tương đối thấp so cùng kỳ các năm trước, mặc dù nhu cầu tăng khá mạnh do nông dân bước vào vụ lúa thu đông 2020. Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá urê sản xuất trong nước (urê Phú Mỹ, urê Cà Mau, urê Ninh Bình...) và urê nhập khẩu (Trung Quốc, Malaysia, Qatar...) ở mức 315.000 - 350.000 đồng/bao 50kg. DAP Cà Mau, DAP Phú Mỹ, DAP Ðình Vũ và nhiều DAP nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ có giá từ 550.000 - 630.000 đồng/bao. Giá phân NPK 16-16-8 Việt Nhật ở mức 440.000 - 450.000 đồng/bao… Nguyên nhân do nguồn cung dồi dào và cạnh tranh của nhiều thương hiệu phân bón trong và ngoài nước. Dự báo, giá nhiều loại phân bón tiếp tục duy trì ở mức thấp, thậm chí có khả năng giảm trong thời gian tới, nhất là khi bước vào mùa lũ.  

Bình Định: Diện tích cỏ tăng theo đàn bò

Tỉnh Bình Định phấn đấu đến năm 2025, đàn bò thịt chất lượng cao đạt 400.000 con. Để chủ động nguồn thức ăn xanh cho bò, bà con đang tăng diện tích trồng cỏ.

Khi Bình Định đẩy mạnh nâng cao chất lượng đàn bò thịt thì phong trào trồng cỏ nuôi bò ở địa phương cũng phát triển. Nhiều diện tích đất lúa không chủ động nước tưới trên địa bàn được bà con nông dân chuyển sang trồng cỏ. Nhiều mô hình trồng cỏ chất lượng cao, chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi và đầu tư chăn nuôi thâm canh được chuyển giao cho bà con. Bởi trên thực tế, tỉnh không trồng cỏ tập trung thành diện tích lớn như nhiều địa phương khác mà trồng theo nhu cầu của từng hộ gia đình chăn nuôi, ai nuôi nhiều trồng nhiều, nuôi ít trồng ít.

Bình Định đang chủ động tạo ra nguồn thức ăn thô xanh cho đàn bò nhằm bảo đảm số lượng lẫn chất lượng bằng giải pháp trồng các giống cỏ mới có năng suất, chất lượng cao và tận thu phụ phẩm trong nông nghiệp như: Rơm rạ, thân cây ngô, ngọn lá mía, thân lá mì, dây đậu phụng… dự trữ làm thức ăn cho bò. Đồng thời, áp dụng công nghệ chế biến thức ăn thô xanh để nâng cao giá trị dinh dưỡng, khả năng tiêu hóa và hấp thụ, bổ sung đạm cho bò…

Nhằm hỗ trợ bà con, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình thâm canh một số giống cỏ mới chất lượng cao và hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ đến người chăn nuôi. Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục chuyển giao đến bà con giống cỏ Mombasa. Đây là giống cỏ chất lượng cao được bò ưa thích. Tỷ lệ prô-tê-in trong cỏ Mombasa cao hơn so với cỏ voi nên bò ăn vào phát triển tốt hơn, lông da bóng mượt hơn. Đây là giống cỏ có khả năng chịu hạn, chịu rập tốt nên có thể trồng xen trong vườn cây hoặc dọc các kênh mương.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Cẩn trọng với khẩu trang y tế giả, nhập lậu

Với những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, người tiêu dùng cần lựa chọn khẩu trang đảm bảo chất lượng, giúp an toàn phòng chống dịch.

Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện khẩu trang, găng tay y tế giả, nhập lậu vào thị trường nội địa. Các loại khẩu trang giả, nhập lậu đều không đảm bảo về chất lượng và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong việc phòng, tránh dịch bệnh. Cụ thể, ngày 30/7, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổ công tác 368 và Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thiết bị Nam trên đường Lê Lăng, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, có hàng trăm thùng hàng đựng hơn 150 ngàn cái khẩu trang nhãn hiệu 3M, giả mạo nhãn hiệu khẩu trang 3M Company của Mỹ. Đây là vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ lớn nhất từ đầu năm đến nay về mặt hàng khẩu trang đã được bảo hộ tại nước ta.

Tại Quảng Bình, ngày 31/7, Đội QLTT số 7 thuộc Cục QLTT Quảng Bình đã phát hiện một đối tượng vận chuyển 18.950 hộp khẩu trang y tế (tương đương 947.500 chiếc) không có hóa đơn chứng từ, trị giá gần 1 tỷ đồng. Trong đó có 12.450 hộp khẩu trang y tế 4 lớp nhãn hiệu TATSU và 6.500 hộp khẩu trang y tế 4 lớp nhãn hiệu DALA MASK đều sản xuất ở Việt Nam. Toàn bộ tang vật vi phạm không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp.

Tại Lạng Sơn, ngày 02/8, Tổ công tác của Đồn biên phòng Tân Thanh phát hiện nhóm người vận chuyển một số bao tải, thùng hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam tại đường mòn mốc giới 1089 thuộc thôn Nà Han, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng. Thấy tín hiệu yêu cầu kiểm tra hành chính, nhóm người vứt lại các thùng hàng gồm 13.000 khẩu trang y tế, đồ gia dụng không rõ nguồn gốc, rồi tẩu thoát sang bên kia biên giới.

Trong thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tăng cường giám sát các hoạt động thu mua khẩu trang không rõ nguồn gốc, số lượng lớn, không để khẩu trang kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

HÀNG VIỆT

Yên Bái: Đặc sản vùng cao thành sản phẩm OCOP

Để nâng cao giá trị sản phẩm hướng tới tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, trong những năm qua, Yên Bái đã tiến hành triển khai chương trình xây dựng các sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP của Yên Bái tiêu biểu cho từng vùng kinh tế, tiểu vùng khí hậu có chất lượng cao.

Tinh hoa các vùng miền

Năm 2020, Yên Bái xây dựng 15 sản phẩm OCOP, trong đó có những sản phẩm nổi tiếng từ mấy chục năm qua: Gạo nếp Tú Lệ, cam Lục Yên, cá hồ Thác Bà, mật ong rừng Mù Cang Chải, Sơn tra Mù Cang Chải, cao Thiên Y…Những sản phẩm OCOP của Yên Bái vừa có giá trị kinh tế vừa có giá trị văn hóa bản địa, đậm đà bản sắc của các dân tộc vùng núi Tây Bắc. Trong đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cho các tiểu vùng khí hậu khác nhau đã được công nhận từ năm 2019. Tiêu biểu là: Chè Tuyết Sơn Trà của HTX Suối Giàng. Đây là sản phẩm chè được chế biến từ nguồn nguyên liệu của vùng chè cổ thụ Suối Giàng, mọc trên độ cao từ 1.300 - 1.800 mét, tuổi đời trên 300 năm. Vùng chè này mọc tự nhiên tiêu biểu cho sản phẩm núi cao nổi tiếng khắp thế giới từ thập niên 60 của thế kỷ trước, không sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Sản phẩm bưởi Đại Minh là sản phẩm OCOP 4 sao của HTX Bưởi đặc sản VietGap Đại Minh. Đây là vùng bưởi ngon nổi tiếng miền thượng du nằm bên bờ sông Chảy và được mệnh danh là vùng “bưởi tiến vua”. HTX Bưởi đặc sản VietGap Đại Minh thực hiện canh tác theo phương pháp VietGap được kiểm soát nghiêm ngặt về thuốc bảo vệ thực vật và thời gian thu hái và bảo quản. Do đó, nâng cao giá trị của quả bưởi. Hiện giá bưởi trung bình là 25.000 - 30.000 đồng/quả, thậm chí có thời điểm giá lên đến 50.000 đồng/quả. Gạo Séng cù là sản phẩm OCOP hạng 3 sao của Cty TNHH dịch vụ nông lâm thủy sản TNĐ. Gạo Séng cù được sản xuất trên cánh đồng Mường Lò, một vùng lúa gạo nổi tiếng của Tây Bắc. Bà con thường gọi gạo Séng cù là hạt ngọc trời cho do hạt gạo dài, hơi bầu, cơm dẻo và đậm. Công ty TNHH dịch vụ nông lâm thủy sản TNĐ mỗi năm chế biến chừng 100 - 150 tấn gạo thu mua từ những hộ dân sản xuất trên cánh đồng Mường Lò. Đáng chú ý, sản phẩm quế vỏ Văn Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn đăng ký địa lý. Sản phẩm này cũng được Thái Lan quan tâm và cùng đưa ra quyết định cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý trên đất nước này. Đây là một điều hiếm thấy, bởi ít có một quốc gia nào bảo hộ sản phẩm của nước khác trên đất nước mình. Điều này càng chứng minh, chất lượng sản phẩm quế Văn Yên đã và đang gây được tiếng vang ở thị trường nước ngoài.

Chuẩn hóa và nâng cấp sản phẩm OCOP

Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội, Yên Bái đã triển khai thực hiện Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2019 - 2020 là phấn đấu chuẩn hóa 20 sản phẩm OCOP; phát triển từ 1 - 2 mô hình du lịch nông thôn, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch. Riêng năm 2020 có 15 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao. Giai đoạn 2021 - 2025 đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các thành phần kinh tế khác; phát triển, nâng cấp 30 sản phẩm, trong đó đầu tư nâng cấp 20 sản phẩm thế mạnh. Giai đoạn 2026 - 2030 phát triển 60 - 80 sản phẩm OCOP, trong đó có 30 sản phẩm đạt chất lượng 3 - 5 sao…

Để thực hiện tốt và hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương bám sát các nội dung Đề án. Các địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện đúng lộ trình. Các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên, người dân, doanh nghiệp thực hiện tốt Chương trình OCOP. Các làng nghề, HTX, tổ hợp tác không chỉ đơn thuần sản xuất mà còn có nhiệm vụ nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thành tiêu chí OCOP. Đặc biệt, chú trọng tạo thêm nhiều việc làm, giúp nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương.