Thông tin thị trường giá cả số 31/2021

11:11 AM 30/07/2021 |   Lượt xem: 7076 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Đồng bằng sông Cửu Long:

Thu hoạch rộ lúa hè thu

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang thu hoạch rộ lúa hè thu 2021. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên số lượng doanh nghiệp đến thu mua lúa hè thu giảm so cùng kỳ. Hiện một số tỉnh ĐBSCL đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) giới thiệu doanh nghiệp thu mua lúa.

Ngay đầu mùa khô năm nay, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo ngành nông nghiệp các tỉnh vùng ĐBSCL linh hoạt mùa vụ trong sản xuất lúa hè thu nhằm hạn chế thiệt hại do hạn, mặn. Theo đó, một số địa phương ở vùng thượng nguồn như: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, TP. Cần Thơ và một phần tỉnh Hậu Giang đã tập trung xuống giống lúa hè thu sớm trong tháng 2 và tháng 3 với tổng diện tích đạt gần 310.000 héc-ta. Các vùng còn lại tập trung gieo sạ trong tháng 4 và tháng 5 với tổng diện tích gần 990.000 héc-ta, trên cơ sở tuân thủ theo dự báo nguồn nước đối với từng tiểu vùng cụ thể cho từng tỉnh. Riêng trong tháng 6 xuống giống khoảng 215.000 héc-ta cho các vùng cần nguồn nước mưa phục vụ sản xuất. Đặc biệt, trên cơ sở dự báo về tình hình tiêu thụ lúa gạo, các địa phương vùng ĐBSCL đã chủ động điều chỉnh diện tích các vụ lúa trong năm cho phù hợp và thích ứng với diễn biến của thời tiết cũng như yêu cầu thị trường.

Tại tỉnh Hậu Giang, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được 76.616 héc-ta lúa hè thu, tập trung chủ yếu trong tháng 4 và tháng 5. Đặc biệt, Hậu Giang có gần 9.000 héc-ta lúa hè thu được bà con gieo sạ sớm trong tháng 3 và đã thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 6 vừa qua. Tuy năng suất lúa hè thu từ đầu vụ đến nay đạt mức thấp hơn so với cùng kỳ nhưng bù lại nông dân bán được giá cao nên vẫn đảm bảo mức lợi nhuận 30%.

Tại TP. Cần Thơ, nông dân đã cơ bản thu hoạch dứt điểm vụ lúa hè thu với tổng diện tích 75.200 héc-ta, tăng 179 héc-ta so với cùng kỳ. Nhờ dịch chuyển mùa vụ sớm nên nhìn chung nguồn nước phục vụ cho sản xuất được đảm bảo tốt, tình hình sinh vật gây hại trên lúa ít và được kiểm soát tốt. Từ đó, năng suất lúa dao động từ 6.000 – 7.000 kg/héc-ta, giá bán từ 5.800 - 6.000 đồng/kg, mức lợi nhuận nông dân có được khoảng 15 - 20 triệu đồng/héc-ta. Dịch bệnh Covid-19 có phần ảnh hưởng nên giá lúa trên thị trường đang có chiều hướng giảm. Thậm chí có trường hợp thương lái bỏ cọc không mua do giá lúa giảm.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nhìn chung trong vụ lúa hè thu năm nay, các địa phương vùng ĐBSCL đã tập trung chỉ đạo giữ vững diện tích, năng suất, sản lượng nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của từng tỉnh và toàn vùng về lương thực; đồng thời, thời vụ xuống giống lúa sớm nên hạn chế rủi ro về thiên tai. Đặc biệt, nông dân sử dụng các giống lúa theo khuyến cáo của ngành chức năng và doanh nghiệp, trong đó, ưu tiên các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao và giống lúa thơm; giảm tỷ lệ các giống lúa chất lượng trung bình. Việc dịch chuyển cơ cấu giống lúa của người dân đã phù hợp với yêu cầu thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường EU. Đặc biệt, việc bà con áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong canh tác lúa theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nhất là ở khâu giảm lượng lúa giống trong gieo sạ đã kéo theo giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó giúp bà con giảm chi phí từ 2 - 3 triệu đồng/héc-ta so với canh tác theo tập quán truyền thống. Ngoài ra, việc tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận và nguyên chủng trên 75% cũng giúp năng suất và chất lượng lúa gạo hàng hóa tăng lên. Tuy nhiên, các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận với các mô hình mới, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Đồng thời, chủ động liên kết với các bên có liên quan để hình thành các chuỗi liên kết, hướng đến sản xuất tập trung, sản xuất theo đơn đặt hàng, cơ cấu lại các nhóm cây trồng, vật nuôi hiệu quả, phù hợp với vùng miền để mang lại giá trị kinh tế thật sự cho người nông dân.

Phú Bình - Thái Nguyên:

Gà đồi khan hàng, giá cao

Thời điểm này, giá gà thả đồi trên địa bàn huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đang được thương lái thu mua với giá cao gấp 1,5 - 2 lần so với thời gian trước. Nguyên nhân của việc tăng giá này là do khan hiếm nguồn cung.

Với địa hình đồi núi, thuận tiện cho phát triển chăn nuôi, thời gian qua, Phú Bình chú trọng phát triển hình thức chăn nuôi gà thả đồi. Hiện toàn huyện có trên 13.000 hộ chăn nuôi gà theo hình thức này, chủ yếu là các giống gà ta lò, gà lai mía, gà lai chọi tập trung nhiều ở các xã: Tân Khánh, Tân Kim, Bàn Đạt, Tân Hòa… Khi gà đạt trọng lượng xuất chuồng, thương lái ở các nơi tìm đến hộ chăn nuôi và đặt mua để tiêu thụ tại thị trường một số tỉnh lân cận. Hiện nay, giá gà tăng đến 95.000 đồng/kg nên bà con rất phấn khởi. Trước đây, có một số thời điểm giá gà tăng cao nhưng cũng chỉ đạt mức 70.000 - 80.000 đồng/kg.

Sở dĩ giá gà trên địa bàn huyện Phú Bình tăng cao như vậy là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ và vận chuyển sản phẩm nên bà con dè dặt trong việc tái đàn. Phần lớn các gia trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Bình đều giảm số lượng đàn vật nuôi hoặc tạm để trống chuồng nên gà thả đồi đến tuổi được bán hiện đang khan hàng, dẫn đến cung không đủ cầu.

Giá gà thịt tăng cao là tín hiệu vui đối với người chăn nuôi nhưng không mang tính ổn định và lâu dài bởi dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì thế, địa phương khuyến cáo các hộ chăn nuôi không nên tái đàn ồ ạt khiến cung vượt cầu, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ. Với tình hình thời tiết nắng nóng và dịch bệnh trên đàn vật nuôi như hiện nay, bà con cần có giải pháp chống nóng phù hợp kết hợp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để gà phát triển khỏe mạnh.

Long An:

Ðầu ra của khoai mỡ ổn định

Trong khi nhiều loại nông sản rớt giá và khó tiêu thụ vì ảnh hưởng dịch Covid-19 thì người trồng khoai mỡ ở huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An lại bán được giá cao và có đầu ra ổn định. 

Vụ khoai mỡ năm nay, nông dân huyện Thạnh Hóa xuống giống gần 2.700 héc-ta. Đến nay, nông dân thu hoạch gần 900 héc-ta, năng suất từ 13 - 15 tấn/héc-ta, sản lượng ước trên 12.000 tấn. Với những diện tích khoai mỡ thu hoạch sớm vừa qua, có lúc nông dân bán được giá 20.000 đồng/kg. Còn bình quân, thương lái thu mua từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, cao hơn gấp đôi so cùng kỳ năm 2020. Với những diện tích khoai đạt năng suất bình quân 15 tấn/héc-ta, trừ chi phí, nông dân còn lãi từ 100 - 120 triệu đồng/héc-ta. Vụ khoai năm nay bán giá cao và tiêu thụ dễ vì người dân hạn chế ra đường nên thường lựa mua những nông sản có thể bảo quản được lâu.

Khoai mỡ là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Thạnh Hóa. Nhờ khoai mỡ, nhiều nông dân có thu nhập ổn định. Đặc biệt, cây khoai mỡ thích hợp trồng ở các vùng đất phèn.

Những năm qua, khoai mỡ được xem là cây “hái ra tiền” của người dân nơi đây. Ngoài ra, trồng khoai mỡ còn tạo việc làm thường xuyên cho người dân quê. Vào vụ thu hoạch, từ 6 - 12 giờ, nhiều lao động nông nhàn thường đi làm thuê cho các ruộng khoai xung quanh với tiền công 200.000 đồng/người. Còn buổi chiều, họ lại  tranh thủ thời gian chăm sóc ruộng khoai của gia đình. Nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh của cây khoai mỡ, giúp nông dân sản xuất ổn định và bền vững, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng những mô hình thâm canh khoai mỡ đạt hiệu quả cao.

Sông Mã - Sơn La:

Xuất khẩu nhãn tươi sang EU

Mặc dù mới bước vào đầu vụ, huyện Sông Mã đã xuất khẩu 3 tấn quả nhãn tươi sang thị trường EU và Vương quốc Anh... Đây là tín hiệu tích cực cho việc tiêu thụ nhãn năm nay của bà con. Với giá xuất khẩu 40.000 đồng/kg, bà con trồng nhãn thu lợi nhuận lớn.

Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19, huyện Sông Mã đã chủ động các phương án tiêu thụ cho người dân. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban chuyên môn hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, người dân đổi mới bao bì, nhãn mác; đưa sản phẩm nhãn lên sàn giao dịch thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhãn và long nhãn đến nhiều người tiêu dùng hơn nữa.

Hậu Giang:

Bắp giảm giá

Những ngày gần đây, giá bắp (ngô) trái đang giảm mạnh, người trồng bắp không có lời. Với giá bán hiện nay, thương lái mua tại rẫy chỉ 1.000 đồng/trái bắp loại 1, còn loại 2 là 800 đồng/trái, giảm hơn 1.000 đồng/trái so tháng trước. Với mức giá này, sau khi trừ hết các khoản chi phí phân, thuốc, tiền thuê mướn người thu hoạch, người trồng bắp sẽ lỗ ít nhất mỗi công từ 1 - 2 triệu đồng. Nguyên nhân giá bắp trái giảm mạnh là do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều người mua bán bắp trái ở một số chợ đầu mối, cũng như người mua bán lẻ bắp trái nấu chín đã tạm thời ngưng mua để phòng chống dịch. Trong khi một số vùng lân cận như Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long… cũng đang vào vụ thu hoạch rộ bắp trái, dẫn đến tình trạng bị thừa hàng dội chợ, ít người mua nên giá bắp trái giảm.

Sơn La:

Dưa mèo bán chạy

“Dưa mèo” là giống dưa chuột khổng lồ của người Mông. Bản Cửa Rừng, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, mấy tuần nay đang vào cao điểm thu hoạch nên dưa bán khá chạy. Giá dưa mèo hiện tại dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, tùy từng loại. Một buổi sáng đi hái gùi được khoảng 25 - 30kg dưa. Mỗi ngày, nông dân kiếm được từ 200.000 - 300.00 đồng. Với những hộ đông người, trồng dưa xen lúa nương từ 8.000m2 đến 10.000m2, sau một vụ kiếm được 25 - 30 triệu đồng. “Dưa mèo” của bà con người Mông ở bản Cửa Rừng rất sạch và an toàn. Bởi người Mông ở đây làm nương theo phương pháp thủ công, từ khâu làm cỏ đến xới đất đều bằng tay, không phun thuốc trừ cỏ nên chất lượng quả dưa rất đảm bảo. Đặc biệt, đường xá đi lại thông thương thuận lợi nên “dưa mèo” đã được nhiều người biết đến và tìm mua. Vì vậy, diện tích trồng dưa đã được bà con mở rộng gấp 2 - 3 lần so với trước.

Mía chục giá cao

Đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh Hậu Giang đã thu hoạch được gần 600 héc-ta mía bán chục cho thương lái với giá cao. Khi bán mía chục thì bà con không phải tốn tiền thuê nhân công đốn và vận chuyển mía do khoản này thương lái tự chịu. Vì vậy, với chi phí đầu tư cho một ki-lô-gam mía trong vụ này dao động từ 700 - 750 đồng, trong khi giá bán mía chục đang ở mức từ 1.200 - 1.600 đồng/kg, tính ra sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng mía thu được lợi nhuận khoảng 50 đến hơn 80 triệu đồng/héc-ta.

Niên vụ mía 2020 - 2021 này, nông dân tỉnh Hậu Giang xuống giống được hơn 5.000 héc-ta, trong đó có khoảng 2.000 héc-ta được nông dân trồng mía bán chục. 

Hậu Giang:

Giá trầu giảm mạnh

Cây trầu bám rễ tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang hơn 60 năm. Trải qua bao thăng trầm nhưng chưa bao giờ người trồng trầu lại gặp khó như hiện nay do giá trầu giảm mạnh trong khi phân bón tăng cao.

Gần đây, đại dịch Covid-19 bùng phát, kinh tế khó khăn nên trầu cũng bị ảnh hưởng cả về giá và sản lượng thu mua. Hiện thương lái thu mua trầu lá tại vườn chỉ còn 3.000 đồng/ốp 40 lá đối với trầu vàng và 4.000 đồng/ốp 40 lá đối với trầu xanh. Thông thường, cứ 10 - 15 ngày là bà con tiến hành hái trầu, còn giờ phải đợi gần 1 tháng dẫn đến lá trầu bị hao hụt. Thêm vào đó, người trồng trầu đang phải đối mặt với giá phân bón tăng. Trong đó, phân hóa học có giá tăng cao nhất, riêng phân hữu cơ tăng nhẹ. Trầu Vị Thủy là giống trầu vàng, lá to, đều, hương vị cay nồng. Sau khi xuống giống sau 3 - 4 tháng, nếu đủ phân, nước, trầu sẽ cho thu hoạch. Cứ 10 bữa, nửa tháng lại hái một lần. Để lá trầu xanh và ngon, người trồng trầu chỉ chọn phân hữu cơ, đậy rơm ở gốc và làm giàn che chắn để lá trầu giữ được màu xanh, bán được giá. Theo tính toán của người trồng trầu, với giá thu mua từ 2.500 - 3.500 đồng/ốp, trung bình 1.000m2 trồng trầu cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm, gấp nhiều lần so với trồng lúa và góp phần giải quyết lượng lao động tại địa phương.

Nhằm đa dạng thị trường đầu ra cho lá trầu, trong thời gian tới, HTX Trầu Vàng Vị Thủy phối hợp với Công ty dược nghiên cứu chiết xuất tinh dầu từ trầu, làm thuốc trị bệnh hay dùng làm thuốc phòng trị sâu bệnh trên rau màu... Ngoài ra, kết hợp phát triển vườn trầu trở thành điểm du lịch hấp dẫn của địa phương. Đây được xem là hướng đi chủ lực của làng nghề trong thời gian tới, cũng là hướng để bà con phát triển kinh tế địa phương bền vững, vì cây trầu được xem là loại cây độc đáo mang bản sắc văn hóa dân tộc. Làng nghề truyền thống trồng trầu được UBND tỉnh Hậu Giang công nhận năm 2019.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Sóc Trăng:

Phát hiện hơn 7 tấn gạo nghi giả nhãn hiệu ST25

Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng) phối hợp Công an thị trấn Phú Lộc (huyện Thạnh Trị) và Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Sóc Trăng) đã tiến hành kiểm tra 1 vựa gạo có địa chỉ ở ấp Xa Mau 1 (thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng). Tại thời điểm kiểm tra phát hiện cơ sở kinh doanh hàng hóa là sản phẩm gạo ST25 có nhãn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa. Cụ thể: Không ghi địa chỉ, tên cơ sở sản xuất, hạn sử dụng của hàng hóa; chưa xuất trình được bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật... Lực lượng chức năng phát hiện số lượng trên 7 tấn gạo gồm: 236 bao sản phẩm gạo ST25 (loại 5kg), 67 bao sản phẩm gạo ST25 (loại 10kg), 215 bao sản phẩm gạo ST25 (loại 25kg), tổng trọng lượng là 7.225 kg. ST25 là loại gạo đặc sản của tỉnh Sóc Trăng và được mệnh danh là loại gạo ngon nhất thế giới.

Quảng Ninh:

Tiêu hủy hàng giả mạo thương hiệu

Tính từ đầu năm 2021 đến trung tuần tháng 7, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã xử lý tiêu hủy hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên 6,5 tỷ đồng. Trong đó, gần đây nhất, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy 1.265 đơn vị sản phẩm, trị giá hơn 524 triệu đồng gồm: 1.078 đơn vị sản phẩm hàng hóa (đồng hồ, kính mắt, mỹ phẩm, túi xách, dây lưng giả mạo các nhãn hiệu có uy tín) và 187 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm Lancome không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đây là lô hàng do Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với các lực lượng chức năng thu giữ tại Cửa hàng Thương trường Quốc tế Cát Vượng TP. Móng Cái. Toàn bộ hàng hóa được tiêu hủy theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo vệ sinh môi trường.

HÀNG VIỆT

Bố Trạch - Quảng Bình:

Phát triển OCOP vùng dân tộc

Bố Trạch hiện là địa phương dẫn đầu tỉnh Quảng Bình về số lượng sản phẩm “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đạt tiêu chuẩn. Trong đó có nhiều sản phẩm là của vùng dân tộc và miền núi.

Phấn đấu 7 - 10 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên

Qua hơn 3 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, toàn huyện Bố Trạch có 19 sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó có 18 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và 1 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao. Theo kế hoạch năm 2021, Bố Trạch phấn đấu sẽ có thêm 7 - 10 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.

Để thực hiện thành công kế hoạch này, thời gian qua, Bố Trạch đã tiến hành giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP tại các ngày hội lớn của huyện, tỉnh. Các sản phẩm đều được người dân địa phương và vùng lân cận tin dùng, đánh giá cao về mẫu mã và chất lượng.

 Ngay từ khi tham gia chương trình, Bố Trạch đã xác định đây là chương trình quan trọng, có ý nghĩa trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Vì vậy, huyện luôn chủ động tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các xã, nhất là các xã thuộc vùng dân tộc, miền núi tiếp tục lựa chọn, đăng ký các sản phẩm thế mạnh để tham gia Chương trình OCOP. Năm nay, sau khi tổ chức các đợt tập huấn tuyên truyền và hội nghị xét chọn ý tưởng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, toàn huyện Bố Trạch có 15 phiếu đăng ký sản phẩm và phương án sản xuất kinh doanh của các chủ thể tham gia thực hiện. Trong đó, có một số sản phẩm là sản vật đặc trưng của địa phương như: Măng khô (HTX Cà Roòng, xã Thượng Trạch), mật ong Tân Hội (Liên Trạch), nem chả Hà Thắng (Hải Phú), chả cá trắm sông Son (thị trấn Phong Nha), trà kim tiền thảo (Lý Trạch)…

Phát huy thế mạnh đặc sản địa phương

Vùng dân tộc miền núi của huyện Bố Trạch có 9 xã, thị trấn miền núi và 2 xã rẻo cao; trong đó có 4 xã đặc biệt khó khăn. Trong đó, Thượng Trạch là xã vùng biên đặc biệt khó khăn. Vậy nhưng Thượng Trạch vẫn tìm được “đặc sản” rất riêng và độc đáo để đưa thành sản phẩm OCOP. Đó là sản phẩm măng khô - một món ăn  quen thuộc với bà con dân tộc nơi đây. Hàng ngày, bà con vẫn đi hái măng rừng và nguồn măng rất dồi dào, sẵn có ở vùng biên Tân Trạch, Thượng Trạch. Măng khô cũng là món ăn được nhiều thực khách ưa chuộng và mua làm quà biếu mỗi khi đến xã biên giới Thượng Trạch. Nhận thấy tiềm năng phát triển măng khô thành sản phẩm OCOP, lãnh đạo xã Thượng Trạch đã định hướng để HTX Cà Roòng đầu tư sản xuất măng khô. Đồng thời, mạnh dạn đăng ký với huyện thực hiện sản phẩm OCOP măng khô Thượng Trạch. Thời gian tới, xã sẽ đồng hành, hỗ trợ HTX Cà Roòng hoàn thiện các quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, đóng gói để sản phẩm sớm đạt được OCOP trong năm nay. Nếu măng khô Thượng Trạch đạt OCOP trong thời gian tới, đời sống của đồng bào Ma Coong (dân tộc Bru -Vân Kiều) nơi đây sẽ được cải thiện.

Đến thị trấn Phong Nha thăm Di sản thiên nhiên thế giới, du khách được thưởng thức món ăn từ cá trắm nuôi lồng trên sông Son. Nắm bắt cơ hội này, HTX phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái Xuân Sơn đã cho ra đời món chả cá trắm. Chả cá là sự kết hợp của thịt cá và các loại gia vị, làm nên món ăn có hương vị mới đặc trưng, lại có thể bảo quản lâu để làm quà phục vụ thực khách ở xa. Nếu thực hiện được sản phẩm OCOP chả cá trắm bước đầu sẽ tạo được đầu ra, giải quyết một phần khó khăn cho người dân nuôi cá.

Để thực hiện chương trình OCOP đạt hiệu quả, thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện Bố Trạch sẽ chú trọng tập huấn, đào tạo kiến thức chuyên sâu cho cán bộ quản lý, phụ trách chương trình và hỗ trợ các chủ thể nâng cao năng lực, hoàn thiện các khâu để phát triển sản phẩm OCOP hoàn chỉnh. Tập chung chỉ đạo phòng chuyên môn hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp một số khâu như: Thiết kế và in ấn bao bì, nhãn mác; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; chứng nhận chất lượng; đăng ký sở hữu trí tuệ; xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm… Đặc biệt, với nguồn lực đất đai, tiềm năng sẵn có, huyện sẽ hỗ trợ các địa phương phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị để các sản phẩm của quê hương trở thành những đặc sản có giá trị.