Thông tin thị trường giá cả số 25/2021

07:58 AM 20/06/2021 |   Lượt xem: 7685 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa dịch

Xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tăng cường các kênh tiêu thụ… là các hoạt động đang được Bộ Công Thương và nhiều địa phương nỗ lực thực hiện nhằm tiêu thụ nông sản hiệu quả ngay trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp.

Đối diện với nguy cơ khó tiêu thụ

Tháng 5 – dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ tư – cũng chính là thời điểm thu hoạch của nhiều loại nông sản như: Mơ, đào, mận, vải, xoài, dứa, vải, dưa hấu, thanh long, sầu riêng. Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên các loại quả này đều được mùa với sản lượng tương đối lớn.

Trong niềm vui được mùa, nông dân các vùng trồng trái cây như “ngồi trên đống lửa” khi hay tin một số địa phương bị giãn cách, nhiều chuyến xe vận tải tạm dừng hoạt động, nhu cầu tiêu thụ sẽ giảm do các hoạt động hội hè, đình đám, cưới hỏi, sự kiện đông người phải tạm dừng. Nhiều nông dân hoang mang khi tưởng tượng tới tình trạng nông sản phải bỏ thối ngoài ruộng hoặc tiêu thụ với giá rẻ giống như hành tỏi, cà rốt, su hào của nông dân Hải Dương thời điểm địa phương này bị giãn cách vì COVID-19 (tháng 1, 2/2021).

Tìm đường đi giữa dịch bệnh

Trước nguy cơ dịch bệnh COVID-19 có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, Bộ Công Thương đã sớm chủ động cùng các nhà phân phối và các địa phương có sản lượng trái cây lớn tích cực vào cuộc tìm giải pháp tháo gỡ.

Trong đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, Sở Công Thương, các doanh nghiệp phân phối bán buôn, bán lẻ (BigC, Coop.Mart, Vinmart…) đẩy mạnh tiêu thụ trong nước các mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao. Về khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa, trước đó, ngày 1/3/2021, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản 1083 hướng dẫn thu mua nông sản, hàng hóa vùng đang có dịch; đồng thời tiếp tục có văn bản gửi các địa phương (đặc biệt là địa phương tiếp giáp với Trung Quốc, như: Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh…), đề nghị Sở Công Thương các tỉnh này phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, Hải quan địa phương giải quyết nhanh nhất các thủ tục xuất khẩu để các thương nhân đưa hàng lên biên giới, xuất khẩu sang nước bạn kịp thời, đúng quy định. Song song với đó, Bộ Công Thương cũng đã triển khai hàng loạt các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại hướng tới việc tiêu thụ trái cây cho các địa phương. 

Cùng với Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải các địa phương hướng dẫn chi tiết doanh nghiệp vận tải vừa đáp ứng nhu cầu vận chuyển vừa đảm bảo phòng chống dịch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo ngành dọc ở địa phương phối hợp giúp đỡ các doanh nghiệp thu mua, tạo điều kiện cấp giấy thông hành nhanh (kiểm dịch) để có thể vận chuyển xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước.

Là địa phương sản lượng vải lớn (năm 2021 ước đạt 180.000 tấn), tỉnh Bắc Giang đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều tại 30 điểm cầu trong nước và quốc tế. Đồng thời, khai trương “Gian hàng vải thiều trên sàn Alibaba.com, Amazon và các sàn thương mại điện tử”. Các hoạt động này đến nay đã giúp vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ rộng rãi trên các trang thương mại điện tử, hệ thống siêu thị lớn, chợ đầu mối lớn trong nước.

Cùng với quả vải Bắc Giang, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều địa phương đưa mận Bắc Hà, xoài và mận hậu Sơn La… lên tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử postmart.vn thay vì các kênh truyền thống. Các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đều được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm. Với địa phương có sản lượng thanh long lớn nhất nước như Bình Thuận, Sở Công Thương tỉnh này cũng đã đề nghị các đối tác là các sàn thương mại điện tử (Shoppe, Tiki, Sendo, Lazada...) hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trái thanh long.

Cuối tháng 6 và tháng 7, tháng 8 tới đây, nhiều địa phương trên cả nước sẽ liên tiếp thu hoạch na, nhãn, chôm chôm, măng cụt… Hy vọng, từ những kênh tiêu thụ được mở ra để đối phó với điều kiện dịch bệnh, việc cung ứng, tiêu thụ trái cây nói riêng và nông sản nói chung sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn, góp phần vào việc nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Đắk Nông:

Diện tích hồ tiêu tăng bất chấp khuyến cáo

Năm 2021, giá hồ tiêu tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây khiến người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mở rộng diện tích hồ tiêu, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Nhận thấy giá cả hồ tiêu tăng cao và tương đối ổn định trong thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn các huyện Đắk Mil, Krông Nô, Đắk Song, Tuy Đức… chạy đôn, chạy đáo đi mua trụ để chuẩn bị mở rộng diện tích hồ tiêu. Một số hộ dân khó khăn hơn thì đổ trụ bê tông để kịp phát triển diện tích hồ tiêu trước khi kết thúc mùa mưa. Với giá bán hiện tại dao động trên dưới 70.000 đồng/kg, các hộ gia đình có lãi khoảng 150 triệu đồng/héc-ta hồ tiêu sau khi trừ chi phí.

Toàn huyện Krông Nô có hơn 1.000 héc-ta hồ tiêu, trong đó phần lớn đã cho thu hoạch. Từ đầu mùa vụ tới nay, mặt bằng giá hồ tiêu tăng hơn mọi năm nên người dân đã mở rộng diện tích loại cây trồng này. Tuy nhiên, điều này sẽ đối diện nhiều rủi ro, thậm chí tái diễn tình trạng “cung vượt quá cầu”. Trước thực trạng trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô đã khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, trong thời điểm này chưa nên mở rộng diện tích hồ tiêu. Bởi vì dịch bệnh ở hồ tiêu vẫn chưa được kiểm soát, thị trường được dự báo vẫn còn nhiều bấp bênh. Trước đây, có nhiều vườn tiêu bị chết do dịch bệnh, chủ vườn đào trụ lên bán lại. Lúc này, mầm bệnh vẫn tồn tại trên trụ tiêu, nếu không được xử lý kỹ, nông dân rất dễ gặp rủi ro.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, nhu cầu về hồ tiêu trên thế giới vẫn chưa có sự gia tăng đột biến. Tình hình thực tế cho thấy, nguồn cung hồ tiêu vẫn đang tiếp tục vượt cầu. Do vậy, có thể nhận định, giá tiêu tăng cao như hiện nay chưa phản ánh đúng diễn biến thực tế của thị trường thế giới. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 33.000 héc-ta hồ tiêu. Về lâu về dài, để bảo đảm cân đối cung, cầu, tỉnh quy hoạch và giữ mức diện tích hồ tiêu ổn định khoảng 27.000 héc-ta. Vì vậy, người dân không nên tiếp tục phát triển hồ tiêu mà cần tập trung chăm sóc những vườn hồ tiêu khỏe mạnh, phù hợp để ổn định sản xuất. Những diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh và chết, người dân không nên tái canh mà chuyển sang trồng các loại cây trồng khác để bảo đảm cuộc sống.

Bà Rịa - Vũng Tàu:

Trái cây mất mùa, rớt giá

Vụ thu hoạch trái cây hè năm nay, các nhà vườn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gặp nhiều khó khăn vì vừa mất mùa vừa rớt giá, thương lái không thu mua khiến nhiều nhà vườn lo lắng.

Châu Đức là địa phương có diện tích trồng trái cây lớn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với hơn 3.800 héc-ta chủ yếu là các loại chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, bơ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên các loại trái cây chôm chôm, măng cụt đều trễ vụ so với mọi năm và đến thời điểm này vẫn đang thu hoạch. Giá sầu riêng thường bán tại vườn chỉ còn từ 27.000 - 29.000 đồng/kg; sầu riêng hạt lép Ri6 còn 50.000 đồng/kg, bơ 15.000 đồng/kg. Mặc dù giá thấp nhưng không có thương lái thu mua do sức tiêu thụ các mặt hàng trái cây tươi gặp khó ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài nên tỷ lệ trái loại 1 rất thấp, đa số là hàng loại 2, loại 3 thường có giá thấp hơn so với hàng tuyển.

Tại huyện Xuyên Mộc, hơn một tháng nay, các vườn xoài chín đỏ vườn và tự rụng vì giá bán quá thấp, thu hoạch không đủ bù chi phí đầu tư, công thu hái. Hiện giá xoài cát Hòa Lộc tại vườn chỉ 12.000 đồng/kg, giảm gần 10.000 đồng/kg so với năm ngoái; xoài Đài Loan, xoài ghép chỉ 1.500 đồng/kg thay vì 10.000 đồng/kg như mọi năm. Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có trên 12.000 héc-ta cây ăn trái với nhiều loại trái cây. Trong đó, trái cây vụ hè cho sản lượng trung bình 80.000 tấn mỗi năm. Bên cạnh đó, diện tích trồng trái cây trên địa bàn tỉnh 3 năm trở lại đây liên tục tăng mà chưa tính đến bài toán liên kết với đầu ra.

Về giải pháp hỗ trợ cho người nông dân trong tình hình dịch bệnh diễn  biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tỉnh cơ cấu lại thời gian giãn nợ cho cơ sở đang vay, đáo hạn, vay mới; giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, cơ sở để có nguồn vốn phục vụ tái sản xuất, duy trì sản xuất trong thời gian dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng tăng cường hỗ trợ nông dân bán hàng qua các kênh thương mại điện tử trong thời kỳ dịch bệnh xảy ra phức tạp.

Điện Biên:

Mùa gặt lúa thuê

Thời điểm này, bà con nông dân vùng lòng chảo Điện Biên đã vào vụ thu hoạch lúa chiêm xuân. Đây cũng là dịp mưu sinh của những người làm nghề gặt lúa thuê với mức thu nhập  từ 250.000 - 300.000 đồng/buổi. Những người gặt thuê thường đi theo từng nhóm, đội từ 5 - 10 người. Họ là anh em, họ hàng hoặc bạn bè cùng thôn, bản. Sau khi thỏa thuận tiền công với chủ ruộng, đội gặt thuê sẽ bắt tay gặt lúa. Công việc tuy vất vả nhưng bù lại có thêm một khoản tiền để lo cho sinh hoạt gia đình, dành đóng tiền học cho con cái năm học mới... Những năm gần đây, khi máy gặt đập liên hợp xuất hiện ngày càng nhiều trên các cánh đồng, những người gặt lúa thuê không còn nhiều việc để làm. Tuy nhiên không phải khu ruộng nào cũng sử dụng được máy gặt, nhất là những chân ruộng sâu, hoặc lúa bị đổ do mưa gió thì chủ ruộng bắt buộc phải gọi những người gặt lúa thuê.

Quảng Nam:

Dầu lạc bán chạy

Lạc là cây trồng truyền thống của tỉnh Quảng Nam với diện tích đứng thứ ba, sau cây lúa và ngô. Thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6, người dân nơi đây thường phơi khô lạc rồi đưa đến các cơ sở ép lấy dầu để sử dụng là chính. Một số hộ ép nhiều sẽ bán giá trên dưới 120.000 đồng/lít. Dầu lạc bán khá chạy và được các cơ sở thu mua nhiều. Dầu lạc để quanh năm không hư hỏng, không có chất bảo quản. Hầu hết người dân địa phương đều sử dụng dầu lạc truyền thống, không mua dầu công nghiệp dù giá rẻ hơn. Hiện nay, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nên năng suất cây lạc đạt cao, tiêu thụ tốt. Với giá trị kinh tế đạt cao hơn so với những cây màu khác, thời gian tới, Quảng Nam tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con các thôn mở rộng diện tích nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Vĩnh Long:

Giá khoai lang tăng nhẹ

Sau khi được hỗ trợ tiêu thụ, giá khoai lang đã tăng lên 180.000 - 200.000 đồng/tạ so với giá bán xô tại ruộng chỉ 30.000- 40.000 đồng/tạ (60kg) của thời điểm trước. Với mức giá này nông dân vẫn còn lỗ nhưng đã có những tín hiệu vui cho người trồng khoai. Những ngày qua, các đơn vị đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ khoai lang khoảng 100 tấn nhưng không thấm vào đâu so với sản lượng khoai hàng chục ngàn tấn còn trên đồng. Thông tin mới nhất, Trung Quốc đồng ý xem xét cho Việt Nam xuất khẩu tạm thời khoai lang sang thị trường này với điều kiện toàn bộ vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói được kiểm tra và triển khai các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo không nhiễm 10 loại sinh vật gây hại. Cục Bảo vệ thực vật sẽ liên hệ với các địa phương trồng khoai lang như Vĩnh Long, Đắk Lắk, Đắk Nông triển khai các nội dung liên quan đến kỹ thuật để đảm bảo hoàn thiện bộ hồ sơ kỹ thuật gửi sang Trung Quốc.

Bình Định:

Giá bí đao ổn định

Hiện nay, bà con xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đang thu hoạch bí đao khổng lồ - sản phẩm đặc trưng của xã Mỹ Thọ. Năm nay, bí đao đạt trọng lượng khá, giá ổn định, nông dân có thu nhập khá. Mỗi quả bí đao có trọng lượng từ 30 - 50 kg và được Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Bình Long và một số thương lái đặt mua bí với giá 5.000 đồng/ kg, khá ổn trong tình hình hiện tại. Trồng bí đao, bà con không chỉ thu hoạch quả bí mà còn bán đọt non, trái bí non trong quá trình tỉa chọn trái đẹp nhất, sau cùng là nước bí từ dây bí sau thu hoạch. Bí đao Mỹ Thọ không chỉ nổi tiếng ở độ to, ngon mà còn có nhiều công dụng khác. Trái bí dùng để nấu súp, làm mứt bí đao, phơi khô làm nước bí đao, trà bí đao, đều cho chất lượng cao hơn so với các giống bí ở nơi khác. Thậm chí, các năm trước đây vào thời điểm thu hoạch bí đao, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ du lịch Bình Long thường đưa các đoàn khách về tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm và thưởng thức các món đặc sản làm từ bí đao khổng lồ. Khách du lịch tỏ ra rất thích thú với các vườn bí. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các vườn bí vắng khách.

Tây Sơn (Bình Định):

Điều được mùa, được giá

Nông dân ở các xã trên địa bàn huyện Tây Sơn đang tập trung thu hoạch điều. Ai nấy cũng đều phấn khởi vì điều được mùa, được giá. Giá điều hiện tại là 22.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với năm ngoái. Thậm chí có thời điểm giá điều lên đến 36.000 đồng/kg, người trồng điều rất phấn khởi. So với các loại cây công nghiệp khác, điều là cây trồng ít cần đầu tư, chăm sóc, hàng năm chỉ cần phát dọn thực bì; cây chịu hạn, chịu đất bạc màu, kém dinh dưỡng. Thời gian thu hoạch kéo dài hơn 2 tháng, chia làm nhiều đợt, rộ là vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 hàng năm. Thương lái thường đến thu mua tại vườn (nếu số lượng lớn), hoặc thu mua tại nhà.

Ea Súp (Đắk Lắk):

Thu mua nguyên liệu thuốc lá đúng tiến độ

Niên vụ 2020 - 2021, toàn huyện Ea Súp gieo trồng được gần 400 héc-ta cây thuốc lá, chủ yếu tập trung ở các xã Ya Tờ Mốt, Ea Lê và Ea Rốk. Dự kiến cuối tháng 6, các doanh nghiệp sẽ hoàn thành việc thu mua nguyên liệu thuốc lá theo đúng tiến độ, kế hoạch thu hoạch của bà con.

Hầu hết diện tích trồng cây thuốc lá ở Ea Súp được nông dân sử dụng nguồn giống do Công ty TNHH Long Hà chi nhánh Đắk Lắk và Công ty Khatoco Khánh Hòa cung cấp. Ngoài tập huấn kỹ thuật cho bà con, các doanh nghiệp còn hỗ trợ giá phân bón với mức 1.200 đồng/kg. Đồng thời, phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn kịp thời hướng dẫn về kỹ thuật gieo ươm. Các doanh nghiệp cũng cam kết bao tiêu 100% sản phẩm với các mức giá thu mua trung bình 43.500 đồng/kg tùy thời điểm. Ngoài ra, nông dân tham gia trồng thuốc lá còn được hưởng chính sách bảo hiểm sản xuất nên có thể yên tâm sản xuất mà không lo thiệt hại do thiên tai, mất giá. Vì vậy, trong những năm gần đây, cây thuốc lá đã trở thành loại cây xóa đói, giảm nghèo hiệu quả tại huyện Ea Súp. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích trồng màu kém hiệu quả sang trồng thuốc lá với hy vọng thu lợi nhuận cao.

Nguyên liệu thuốc lá năm nay trúng mùa, được giá nên bà con rất phấn khởi. Năng suất trung bình của vụ thuốc lá này đạt từ 3,5 - 4,5 tấn/héc-ta, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 0,5 - 1 tấn/héc-ta. Hiện giá nguyên liệu thuốc lá được các công ty bao tiêu theo hợp đồng ở mức 44.000 – 55.000 đồng/kg đối với nguyên liệu thuốc lá loại A và khoảng 32.000 – 43.000 đồng/kg đối với nguyên liệu thuốc lá loại B, cao hơn so với thời điểm năm ngoái từ 6.000 - 7.000 đồng/kg... Theo tính toán, sau khi trừ chi phí, mỗi hộ trồng cây thuốc lá có thể lãi từ 10 - 12 triệu đồng/sào.

Tại các địa bàn khác trong huyện như xã Ea Bung, Cư Kbang, Ea Rốk, các hộ trồng cây thuốc lá cũng rất phấn khởi vì có một mùa bội thu. Dự kiến khoảng cuối tháng 6, các doanh nghiệp sẽ hoàn thành việc thu mua nguyên liệu thuốc lá theo đúng tiến độ, kế hoạch thu hoạch của bà con.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Mạo danh công ty Ðiện lực lừa đảo khách hàng

Trước tình trạng các cuộc gọi giả mạo ngành Điện xuất hiện trên cả nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Tổng công ty Điện lực tiếp tục cảnh báo đến khách hàng sử dụng điện cần nêu cao tinh thần cảnh giác.

Theo thống kê của các đơn vị Điện lực, chỉ riêng từ đầu tháng 5 đến nay, đã có hàng trăm trường hợp khách hàng phản ánh việc có nhiều số điện thoại lạ tự xưng là “nhân viên Điện lực”, “Tổng đài ngành Điện”, “Điện lực Việt Nam” để yêu cầu khách hàng nộp tiền điện, thậm chí dọa cắt điện nếu không nộp. Khi biết được thông tin khách hàng đã thanh toán tiền điện, thì các đối tượng lập tức ngắt máy.

Cụ thể, khách hàng nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, thậm chí có đầu số không phải ở Việt Nam, gọi đến với nội dung: “Bạn đang sử dụng điện cao bất thường, chúng tôi sẽ cắt điện trong thời gian tới, vui lòng bấm số 9 để được gặp nhân viên điện lực tư vấn”. Sau khi khách hàng bấm số 9, đầu máy bên kia đề nghị cung cấp tên và địa chỉ để kiểm tra. Sau đó, người này tiếp tục thông tin khách hàng đang nợ tiền điện và dọa sẽ gửi hồ sơ sang Công an và yêu cầu cho biết tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, cho biết số tài khoản nhân hàng… Khi khách hàng nhẹ dạ để lộ dần các thông tin cá nhân, mật khẩu tài khoản ngân hàng hoặc nghe kẻ lừa đảo hướng dẫn kích chuột vào một đường linh mà chúng gửi đến… toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng của khách hàng sẽ tự động chuyển qua tài khoản của kẻ lừa đảo, rất có thể tài khoản đó ở ngân hàng Lào, Campuchia, Trung Quốc… mà cơ quan công an rất khó hoặc không thể điều tra, bắt giữ. Không chỉ hoạt động lừa đảo tại các thành phố lớn, các đối tượng này đã mở rộng hoạt động đến một số địa phương miền núi, bà con cần hết sức cảnh giác.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Tổng công ty Điện lực cảnh báo: Nếu nhận được cuộc gọi mạo danh “điện lực” hoặc xưng danh là “công ty điện lực” nhưng không nói rõ tên, địa bàn quản lý của công ty điện lực, hoặc thông tin không rõ ràng, minh bạch thì khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân của mình, không thực hiện yêu cầu chuyển tiền. Đồng thời, cần thông báo ngay cho ngành Điện qua các kênh Chăm sóc khách hàng để có biện pháp xử lý kịp thời.

HÀNG VIỆT

Từ đặc sản chè địa phương đến sản phẩm OCOP

Tháng 9/2020, sản phẩm chè Shan tuyết của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Đây là sự ghi nhận cho sự nỗ lực của các thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông trong hành trình nâng cao giá trị sản phẩm chè Shan tuyết của địa phương.

Chúng tôi đến bản Púng Luông (xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) khi trời đã về chiều. Tại gia đình anh Lù A Câu và chị Thào Thị Nu (cũng chính là trụ sở của HTX Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông) nhiều đồng bào dân tộc Mông đang mang chè búp tươi đến bán. Cầm trên tay số tiền 190.000 đồng sau khi bán 19kg chè búp tươi, mẹ con chị Thào Thị Chư (bản Đề Chờ Chua B) rất phấn khởi: “Đi hái trên nương cao lắm, từ 7h sáng đến 4h chiều. Có HTX thu mua chè với giá ổn định, gia đình cũng có thêm tiền để mua đồ ăn, thức uống”. Sau chị Chư, lần lượt có thêm rất nhiều hộ khác, người chở xe máy, người gùi trên lưng đi bộ đến bán chè… anh Câu và chị Nu tíu tít làm không hết việc.

Vừa cân chè, tính tiền và trả tiền cho người bán, chị Nu vừa khéo léo nhắc bà con chỉ hái búp chè theo tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá, không được ham số lượng mà hái chè già, vừa tốn công chọn lựa, vừa ảnh hưởng tới sản phẩm chè sản xuất ra. Bên những chiếc máy sao chè đang đợi giờ để đỏ lửa, anh Câu cho hay: Anh sinh ra và lớn lên ở Púng Luông.  Quan sát những nương chè Shan tuyết nhiều chục năm tuổi ở trong địa bàn xã và nhận thấy nhu cầu sử dụng chè (đặc biệt là chè an toàn) ngày một cao, anh Câu chợt nghĩ: “Púng Luông có giống chè ngon đến vậy, tại sao mình lại không tận dụng lợi thế này để vừa nâng cao giá trị cho cây chè, vừa phát triển kinh tế, khi mà đất canh tác đang ngày càng ít đi”.

Ý tưởng này đã dẫn dắt anh Câu tới việc thành lập cơ sở sản xuất chè Shan tuyết Púng Luông vào tháng 5/2019. Mặc dù năm đầu tiên đi vào sản xuất, quy mô, nhà xưởng, máy móc đều nhỏ bé và thô sơ, nhưng đến cuối năm 2019, cơ sở của anh Câu đã bắt đầu cho lợi nhuận. Phấn khởi, anh Câu đến tận các vùng chè ở Thái Nguyên, Sơn La để tìm hiểu về cách sản xuất, chế biến ra các sản phẩm chè thơm ngon, an toàn từ chính những đồi chè đang khai thác ở quê hương.

Tháng 7/2020, thực hiện cuộc vận động “Mỗi xã một sản phẩm” do huyện Mù Cang Chải phát động, anh Câu mạnh dạn đăng ký xây dựng chè Shan tuyết Púng Luông trở thành sản phẩm OCOP và thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông với mục tiêu là kinh doanh các mặt hàng nông nghiệp, trước mắt là sản xuất, chế biến chè xanh. HTX có 7 thành viên, do chính anh Câu làm chủ.

Nhận thấy kế hoạch phát triển nhiều triển vọng của HTX Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông, Chương trình khuyến công địa phương đã hỗ trợ HTX 110 triệu đồng để mua sắm thiết bị. Từ số tiền này, cùng với 120 triệu đồng do các thành viên HTX đóng góp, anh Câu đã mua máy vò, máy sao chè cỡ lớn, đồng thời, mở rộng quy mô nhà xưởng. Có máy móc, lại có nguồn chè an toàn thu mua trong dân, các thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông ngày càng tin tưởng vào hướng phát triển của HTX, từ đó quyết tâm để có được những sản phẩm tốt nhất. Không phụ công của anh chị em trong HTX, tháng 9/2020, chè Shan tuyết của HTX đã được UBND tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao năm 2020.

“HTX đã phải qua rất nhiều bước để được chứng nhận sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, rồi đăng ký mã số mã vạch, vượt qua các khâu kiểm tra; thiết kế bao bì, mẫu mã. Đang làm theo kiểu truyền thống, tự phát, giờ làm theo quy chuẩn đúng là không đơn giản. Nhưng chúng tôi rất vui vì có chứng nhận OCOP, sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến hơn, sức tiêu thụ tốt hơn, giá bán đã tăng 10 - 20% so với trước kia. Hiện mỗi năm HTX sản xuất được khoảng 7 - 8 tấn chè khô, tương đương với 30 - 40 tấn chè búp tươi nguyên liệu” - anh Câu phấn khởi chia sẻ.

Trời sập tối, thời tiết vùng núi cao Mù Cang Chải bắt đầu se lạnh. Cảm giác ấm áp chợt đến khi tôi nhấp chén trà tỏa hương do anh Lý A Câu tự chế biến, tự tay anh pha mời khách. Những mong, vị trà thơm ngon riêng có của chè Púng Luông sẽ được nhiều người dùng chè biết tiếng, để những đồng bào dân tộc Mông một đời gắn bó với cây chè có thêm niềm vui và hy vọng vào những búp chè xanh mát.