Thông tin thị trường giá cả số 24/2021

07:51 AM 20/06/2021 |   Lượt xem: 7305 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Mường La (Sơn La):

Xuất khẩu xoài tượng da xanh

Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện miền núi Mường La (Sơn La) đã tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, đem lại nguồn thu nhập cao. Trong đó, cây xoài mang lại hiệu quả tích cực và được xuất khẩu.

Vụ xoài năm nay, 60 tấn xoài tượng da xanh của nông dân huyện Mường La đã được thu hái và đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây là niềm vui đối với người nông dân trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh Covid-19.

Hàng chục hộ nông dân ở xã Tạ Bú, huyện Mường La phấn khởi thu hái xoài. Những quả xoài tượng da xanh được đóng gói gọn gàng, vận chuyển bằng xe container để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Do áp dụng quy trình sản xuất an toàn nên mẫu mã và chất lượng xoài ở Mường La được đánh giá cao hơn năm trước. Đặc biệt, chất lượng đồng đều, quả to, thơm ngọt nên được người tiêu dùng ưa chuộng, ngay cả tại những thị trường khó tính.

Toàn huyện Mường La có khoảng 2.600 héc-ta xoài, trong đó 1.700 héc-ta đang cho thu hoạch với sản lượng ước tính năm nay khoảng 6.800 tấn, dự kiến sẽ xuất khẩu 1.100 tấn. Để hỗ trợ người nông dân trồng, tiêu thụ xoài trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm, huyện đã có phương án, kế hoạch cụ thể. Đồng thời, tích cực xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tiêu thụ cả thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, người dân và các hợp tác xã cũng không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo công ăn việc làm ổn định và phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao theo hướng bền vững. Với sản lượng xoài hiện còn khoảng 6.000 tấn, huyện sẽ tập trung hỗ trợ bà con phát triển thị trường cũng như mở rộng tiêu thụ ở các chợ đầu mối. Ngoài ra, huyện cũng đã kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu từ những năm trước để tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Đây là năm thứ 4 liên tiếp sản phẩm xoài của huyện Mường La được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng xoài trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh Covid-19. Mường La cũng đẩy mạnh hướng dẫn các hợp tác xã, hộ gia đình kỹ thuật sản xuất theo quy trình VietGAP, đảm bảo năng suất, chất lượng và yêu cầu từ các đối tác xuất khẩu. Chính vì vậy, xoài được xuất khẩu đi các siêu thị lớn trên toàn quốc như Vincom, Big C hay xuất khẩu đi các nước trên thế giới đều được khách hàng đánh giá cao.

Thời gian qua, để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con, Mường La chú trọng đến xuất khẩu sang một số thị trường các nước Châu Âu, Châu Mỹ. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu xoài là minh chứng về những bước tiến mới trong việc đưa nông sản Mường La vươn ra thị trường quốc tế. Đây cũng là tiền đề để nông sản của tỉnh Sơn La nói chung, Mường La nói riêng phát huy những lợi thế để xuất khẩu các sản vật địa phương. Tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường tiêu thụ hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế tại địa phương, xóa nghèo bền vững.

Trảng Bom (Đồng Nai):

Phát triển các dự án, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ

Trảng Bom là một trong những huyện tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai đã chú trọng xây dựng và phát triển các dự án, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Tính đến nay, toàn huyện Trảng Bom có 2 cánh đồng lớn và 12 chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Các mô hình này đã tạo được mối liên kết ổn định giữa người sản xuất hàng hóa và doanh nghiệp thu mua sản phẩm; góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và hoàn thiện các hạ tầng cơ sở vùng nông thôn. Vùng đất khô hạn, cằn cỗi xã An Viễn trước đây là vùng trồng điều lớn của tỉnh Đồng Nai. Từ khi triển khai dự án “Cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ca cao xen điều”, vùng đất này đang dần thay đổi, thu nhập của bà con ngày càng cao. Thực hiện dự án này, huyện đã đầu tư mới 4 tuyến đường giao thông, 2 đường điện trung thế, 5 đường điện hạ thế và 3 trạm biến áp để phục vụ tưới tiêu và vận chuyển nông sản. Ngoài ra, huyện hỗ trợ nông dân 30% kinh phí mua cây giống, 30% chi phí lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm.

Một dự án liên kết chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp khác cũng được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân là” Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm” tại các xã: Bàu Hàm, Sông Thao, Cây Gáo… Khi tham gia dự án, các hộ sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và điều tiết liều lượng dùng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn nên đạt được cả 3 mục đích: Năng suất, chất lượng, lợi nhuận. Các chuỗi liên kết khác như: Chuỗi liên kết ca cao tại xã Trung Hòa của Tổ hợp tác ca cao Trung Hòa; chuỗi liên kết cây điều tại xã Tây Hòa của Tổ hợp tác điều Tây Hòa... cũng thu hút được nhiều nông dân tham gia và bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tuần Giáo (Điện Biên):

Chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa

Tận dụng lợi thế về địa hình nhiều đồi núi, có bãi chăn thả rộng, nguồn thức ăn dồi dào, nhiều hộ dân xã Nà Tòng, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đã chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa.

Những năm gần đây, xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, xã Nà Tòng đã quy hoạch vùng phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, vận động bà con tận dụng lợi thế, tiềm năng sẵn có để phát triển các mô hình kinh tế. Trước kia, bà con chủ yếu thả rông gia súc trên rừng. Đến nay, nhiều hộ đã đưa gia súc về nuôi nhốt, tận dụng diện tích xung quanh chuồng trại để trồng cỏ voi làm nguồn thức ăn tươi; tích trữ rơm, rạ làm thức ăn dự trữ và giữ ấm cho đàn vật nuôi vào mùa đông.

Để phát triển theo hướng bền vững, xã Nà Tòng cũng triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ về giống, vay vốn ưu đãi, khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi. Cán bộ nông nghiệp đến tận nhà hướng dẫn chăm sóc đàn vật nuôi, trồng cỏ voi, tiêm phòng bệnh nên đàn gia súc sinh trưởng, phát triển tốt. Đàn vật nuôi nếu sinh sản thì con cái để làm giống, con đực bán lấy tiền tiếp tục đầu tư nhân rộng.

Có thể thấy, mô hình phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa đã giúp bà con Nà Tòng có thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu.

Gia Lai:

Giá ớt giảm sâu

Thời điểm này, nông dân ở khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai bước vào vụ thu hoạch ớt. Mặc dù năng suất ớt đạt cao nhưng giá giảm sâu khiến người trồng lỗ nặng. Vụ đông xuân 2020 - 2021, bà con nông dân các huyện, thị xã phía Đông tỉnh Gia Lai trồng gần 1.225 héc-ta ớt. Tuy nhiên, hiện nay, giá ớt giảm còn 6.000 – 8.000 đồng/kg. Trong khi đó, mỗi sào ớt đầu tư hết khoảng 12 triệu đồng. Với giá bán như hiện nay, các hộ lỗ 5 - 6 triệu đồng/sào. Giải pháp mà các hộ đồng bào đang áp dụng là phơi ớt khô chờ tiêu thụ. Hiện nay, giá ớt khô dao động từ 30.000 – 50.000 đồng/kg, chủ yếu bán cho các công ty chế biến ớt bột.

Tiền Giang:

Mít Thái giảm giá

Các thương lái huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, mít Thái hiện đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Mít hàng chợ hiện chỉ còn 500 đồng/kg, mít kem là 2.000 - 3.000 đồng/kg, mít loại nhất, nhì và ba có giá lần lượt là 10.000 đồng/kg, 7.000 đồng/kg và 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi phân loại có đến 80 - 90% được xếp vào loại mít kem và hàng chợ, tức có giá chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg và 500 đồng/kg. Tiền bán mít thậm chí không đủ để nhà vườn đầu tư phân thuốc giúp vườn cây hồi phục sau chu kỳ cho trái. Mít Thái được tiêu thụ chính ở thị trường Trung Quốc nhưng do tình hình dịch bệnh nên việc vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu biên giới khó khăn, trong khi nguồn cung trong nước khá dồi dào, dẫn đến giá giảm. Thời gian qua, mít là loại cây trồng có tốc độ gia tăng về diện tích sản xuất và tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu khá ấn tượng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Gà tiêu thụ chậm, giá giảm

Giá gà công nghiệp bán hàng hơi tại các trại ở miền Bắc đạt từ 25.000 - 26.500 đồng/kg. Giá gà lai Hồ thả vườn bán buôn từ 58.000 - 63.000 đồng/kg. Giá gà thả vườn bán tại trại cho các cửa hàng thực phẩm sạch cao nhất đạt 120.000 đồng/kg. Giá gà gắn mác gà ta thả vườn từ 90.000 - 110.000 đồng/kg. Giá gà ác thương phẩm bán buôn cao nhất đạt 40.000 đồng/con. Mức giá này giảm nhẹ so với các tuần trước nhưng tình hình tiêu thụ chậm khiến người chăn nuôi lo lắng.

Thanh Hóa:

Vào vụ thu hoạch dưa hấu

Xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân là một trong những vùng trồng dưa hấu lớn nhất miền Tây xứ Thanh. Bất chấp cái nắng gay gắt, nóng hầm hập như phả lửa của ngày hè, bà con nông dân nơi đây vẫn phơi mình trên những cánh đồng để thu hoạch dưa hấu. Nhiều gia đình trồng dưa với diện tích lớn phải thuê thêm nhân công đến làm việc. Họ là người dân trong xã hoặc những vùng lân cận đến kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Không kể sáng sớm hay giữa trưa, hễ có thương lái tới thu mua dưa, những người này lại được chủ vựa dưa gọi tới làm việc. Công việc thu hoạch dưa tuy không yêu cầu nhiều về mặt kỹ thuật nhưng lại đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe tốt, sự dẻo dai và đặc biệt phải chịu được nắng nóng do đặc thù công việc phải làm ngoài trời. Sau khi được cắt, dưa sẽ chất thành đống ngay tại chỗ, sau đó từng người tới bốc, xếp vào sọt. Người này phụ người kia đỡ sọt dưa lên lưng rồi “cõng” tới xe tải của thương lái đậu ở bãi tập kết. Ở đó sẽ có người phụ trách xếp dưa vào thùng xe. Khó nhọc là vậy nhưng thu nhập của những người bốc dưa thuê không ổn định, phụ thuộc nhiều vào giá dưa ở thời điểm đó. Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc tiêu thụ dưa hấu trở nên khó khăn, dưa bán tại ruộng cho các thương lái chỉ được 3.500 đồng/kg trong khi giá dưa năm ngoái từ 9.000 - 10.000 đồng/kg. Do vậy, công thuê nhân công làm thời vụ cũng giảm 50% so với năm ngoái.     
Cư Jút (Đắk Nông):

Ðẩy mạnh trồng hồ tiêu hữu cơ

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều hộ nông dân huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông đã chuyển sang trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững, đồng thời, áp dụng kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt mang lại hiệu quả cao.

Thời gian qua, diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện Cư Jút phát triển ồ ạt do giá hồ tiêu tăng cao. Năm 2010, toàn huyện mới chỉ có khoảng 600 héc-ta hồ tiêu nhưng đến nay diện tích hồ tiêu đã tăng trên 3.000 héc-ta. Điều này dễ dẫn đến tình trạng phát triển nóng khiến đầu ra của sản phẩm khó tiêu thụ, nhất là những sản phẩm chất lượng kém, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Chính vì vậy, mấy năm trở lại đây, nhiều hộ ở Cư Jút dần chuyển sang chăm sóc vườn tiêu theo hướng hữu cơ. Theo đó, các hộ sử dụng các loại phân bón hữu cơ và thuốc sinh học để phòng, trừ bệnh hại trên cây. Đồng thời, chú trọng tưới tiêu bằng nguồn nước sạch, chăm sóc theo quy trình hữu cơ bền vững khiến đất đai tơi xốp, có độ ẩm cao và giun đất nhiều. Việc chăm sóc vườn tiêu hữu cơ giúp cây phát triển đồng đều, xanh tốt lâu hơn. Đặc biệt, chăm sóc tiêu theo hướng hữu cơ có thể giảm chi phí từ 30 - 40%. Bên cạnh đó, một số hộ có điều kiện kinh tế đã chủ động lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt trên diện tích trồng hồ tiêu. Qua đó, lượng nước tưới, phân bón tiết kiệm giảm được khoảng 1/3 so với trước và có thể điều khiển tưới tự động nên rất thuận lợi.

Thực tế cho thấy, trồng tiêu hữu cơ là một trong những hướng đi bền vững, không chỉ giúp vườn cây phát triển tốt, bảo đảm chất lượng sản phẩm mà còn tăng giá trị sản phẩm so với các loại tiêu trồng truyền thống. Tại địa phương, các doanh nghiệp ký hợp đồng mua tiêu trồng hữu cơ, bảo đảm chất lượng có giá bán cao hơn thị trường 2.000 - 3.000 đồng/kg. Đặc biệt, khi canh tác tiêu hữu cơ, chi phí sản xuất giảm nhiều, hạn chế dịch hại, chất lượng đạt chuẩn xuất khẩu.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật:

Tăng cường xử lý vi phạm

Trung tuần tháng 5/2021, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã ký Quy chế phối hợp giữa hai đơn vị trong việc kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Mục đích chính của công tác phối hợp nhằm tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin và tổ chức triển khai kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hai bên sẽ cùng nhau trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ cho việc đấu tranh chống nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không bảo đảm chất lượng trên thị trường. Phối hợp, hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ của hai bên trong công tác kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Phổ biến, tuyên truyền pháp luật để tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, không sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc. Phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Theo thống kê, hiện nay, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng khoảng 400 hoạt chất đơn, hàng nghìn hoạt chất hỗn hợp và khoảng 4.000 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật; gần 21.000 sản phẩm phân bón được công nhận lưu hành. Đây là số lượng quá lớn khiến cho người tiêu dùng rất khó lựa chọn và cũng chính là kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng nhằm kinh doanh bất chính. Thời gian qua, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhiều cơ sở, công ty sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, thậm chí làm giả, nhái thương hiệu đã bị phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

HÀNG VIỆT

Đắk Nông:

Sẽ tổ chức 3 phiên chợ hàng Việt về miền núi

Trong năm 2021, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức 3 phiên chợ hàng Việt về các huyện miền núi với tổng kinh phí là 450 triệu đồng từ nguồn xúc tiến thương mại cấp quốc gia do Bộ Công Thương phê duyệt.

Theo đó, Chương trình phiên chợ hàng Việt về miền núi tỉnh Đắk Nông sẽ được tổ chức tại các huyện: Đắk Mil, Đắk R’lấp và Tuy Đức. Thời gian dự kiến tổ chức vào quý III và IV/2021. Thông qua các phiên chợ sẽ giúp người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng tốt, giá thành hợp lý. Các doanh nghiệp tham gia sẽ được trưng bày, giới thiệu các sản phẩm sản xuất trong nước tới người dân vùng sâu, vùng xa và tìm kiếm thêm các kênh phân phối mới.

Phiên chợ hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa được xem là một trong những nội dung chính của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ngoài ra, thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, dưới sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông đã xây dựng nhiều Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn. Hàng hóa được bày bán tại Điểm bán hàng Việt phải là hàng hóa được sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm…

Trà Vinh:

Hỗ trợ phát triển 100 sản phẩm OCOP

Mục tiêu thực hiện chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP nhằm góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng nông thôn, hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo đó, các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP được hỗ trợ tập trung vào các khâu mang tính thiết yếu như: Đầu tư trang thiết bị, dây chuyền máy móc sản xuất; hỗ trợ sản xuất nâng cao hạng sao sản phẩm OCOP; giới thiệu quảng bá và bán hàng OCOP.

Cụ thể, Trà Vinh sẽ hỗ trợ 50% chi phí cho cơ sở hoặc dự án để mua trang thiết bị, dây chuyền máy móc sản xuất sản phẩm OCOP, tối đa không quá 300 triệu đồng/cơ sở hoặc dự án; hỗ trợ 100% chi phí thiết kế bao bì nhãn mác sản phẩm OCOP, không quá 10 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ 50 triệu đồng cho cơ sở thuê hoặc xây dựng mới cưa hàng kinh doanh sản phẩm OCOP; hỗ trợ 5 triệu đồng cho sản phẩm OCOP hạng 3 sao được nâng lên hạng 4 sao; hỗ trợ 10 triệu đồng cho sản phẩm OCOP từ hạng 3 hoặc 4 sao lên hạng 5 sao; trường hợp sản phẩm đạt dưới 3 sao nhưng được nâng lên hạng 5 sao ngay từ lần xét duyệt đầu tiên được hỗ trợ 20 triệu đồng/sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ triển lãm với mức hỗ trợ 100% chi phí trưng bày giới thiệu, tìm kiếm thị trường thông qua các hội chợ triển lãm trong nước, nước ngoài; hỗ trợ chi phí tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nhà phân phối để đưa các sản phẩm vào kênh phân phối.

Hiện Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh đang phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP với các hoạt động cụ thể như: Xây dựng, quản lý logo nhận diện, hỗ trợ đầu tư ứng dụng thiết bị công nghệ tiên tiến để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn hiệu, xây dựng quy trình đóng gói, đăng ký nhãn hiệu, áp dụng và công bố các tiêu chuẩn chất lượng, hỗ trợ xúc tiến thương mại…