Thông tin thị trường giá cả số 21/2020

03:30 PM 20/05/2020 |   Lượt xem: 3785 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Đắk Lắk:

Khai thác lợi thế từ quả vải chín sớm

Những năm gần đây, cây vải được nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk lựa chọn để chuyển đổi cây trồng trên những vùng đất xấu hoặc những vườn cà phê, tiêu kém năng suất. Bước đầu, cây vải đã giúp các hộ dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng ở các huyện Ea Kar, Krông Pắc, Krông Năng, M’Đrắk… có thu nhập ổn định.

Xã Ea Dăh, huyện Krông Năng có gần 60% là đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn đồng bào di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào; tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 30%; hơn 90% dân số sản xuất nông nghiệp nhưng đất đai khô cằn, hiệu quả kinh tế kém. Sau khi vận động nông dân trồng thử nghiệm một số loại cây nhưng đều thất bại, hiện Ea Dăh đang triển khai dự án đưa cây vải thiều u hồng chín sớm của miền Bắc về làm cây trồng chủ lực của địa phương. Bước đầu dự án đã cho hiệu quả kinh tế cao, từng bước làm đổi thay miền quê nghèo. Theo các hộ đồng bào, trồng vải thiều không tốn nhiều công chăm sóc như cây cà phê, tuổi thọ của cây lại có thể kéo dài đến 20 - 30 năm nên thu nhập khá ổn định.

Tương tự xã Ea Dăh, vụ thu hoạch vải năm nay, các hộ trồng vải tại xã Ea Sar, huyện Ea Kar rất phấn khởi vì vải được mùa, năng suất cao. Tại các vườn vải, hàng nghìn lao động thời vụ đang tất bật thu hoạch, sơ chế, đóng thùng để giao hàng cho thương lái. Mặc dù giá bán thấp hơn so với thời điểm này năm ngoái từ 10.000 - 20.000 đồng/kg do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng nhờ lợi thế cây vải ở đây chín sớm hơn vải ở các tỉnh phía Bắc chừng 1 tháng nên lúc nào cũng bán được giá cao hơn. Xã Ea Sar hiện có 300 héc-ta vải, trong đó 160 héc-ta đã bước vào thời kỳ thu hoạch với năng suất trung bình 16 tấn/héc-ta. Với lợi thế chín sớm, vải l bán được giá cao, đầu ra thuận lợi, giúp nông dân thu về 450 – 500 triệu đồng/héc-ta mỗi năm, cao gấp vài chục lần so với trồng cà phê. Để hỗ trợ nông dân chuyển đổi từ cây cà phê, cây điều kém hiệu quả sang trồng vải, xã đã hỗ trợ cây giống cho 12 mô hình; phối hợp mở lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây vải; tổ chức các hội nghị gặp gỡ, kết nối giữa chính quyền, nông dân, doanh nghiệp nhằm tạo cơ hội tiêu thụ nông sản. Việc chuyển đổi cây trồng đã đem lại thu nhập cao và ổn định hơn cho bà con. Đặc biệt, cây vải chín sớm đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Tại huyện Krông Pắc, hiện có khoảng 40 héc-ta vải, năng suất bình quân đạt trên 10 tấn/héc-ta, được trồng chủ yếu tại các xã Ea Kly, Ea Kuăng và thị trấn Phước An. Huyện cũng đang có hướng mở rộng diện tích trồng vải tại một số vùng phù hợp, tạo thêm thế mạnh phát triển cây ăn trái.

Để phát huy lợi thế của cây vải, các huyện đều có định hướng và hướng dẫn nhà vườn canh tác theo hướng bền vững, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi. Như huyện Ea Kar là địa phương có diện tích trồng vải lớn nhất tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng được 15 héc-ta vải sản xuất theo hướng VietGAP, đồng thời thành lập được tổ hợp tác sản xuất vải tại xã Ea Sar. Huyện cũng đã tổ chức một số hội thảo kết nối thương mại giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với những vùng trồng vải trên địa bàn. Theo đó, đã có khá nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân để bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có 706 héc-ta vải, trong đó 635 héc-ta đang cho thu hoạch, với sản lượng hơn 3.631 tấn, gồm các giống vải: U hồng, Phúc Hòa, Hồng Quyết, Bình Khê… Có đến 80% vải Đắk Lắk tiêu thụ nội địa, 20% xuất khẩu sang Trung Quốc.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Yên Châu - Sơn La:

Xuất khẩu 30 tấn xoài chính ngạch

Trung tuần tháng 5/2020, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã xuất khẩu 30 tấn xoài đầu tiên trong năm nay sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch. Đây là tín hiệu tốt, tạo đầu ra ổn định cho bà con.

Xoài là cây trồng bản địa gắn với nghề làm vườn của các dân tộc ở Yên Châu. Đây cũng là cây ăn quả có vai trò quan trọng trong cơ cấu cây trồng ở vườn đồi, đem lại nguồn thu đáng kể cho kinh tế địa phương và góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình ở khu vực lòng chảo huyện Yên Châu.

Thống kê sơ bộ, hiện huyện Yên Châu có hơn 2.700 héc-ta xoài, trong đó hơn 170 héc-ta có mã vùng trồng và gần 130 héc-ta được cấp chứng chỉ VietGAP. Những năm trở lại đây, các hợp tác xã trồng xoài luôn xác định, tiêu chuẩn chất lượng là yếu tố hàng đầu để đưa quả xoài Yên Châu đến các siêu thị nội địa và hướng tới xuất khẩu ra các thị trường khó tính.

Năm nay, gần 900 héc-ta xoài của huyện Yên Châu sẽ cho thu hoạch, ước đạt gần 13.000 tấn quả, trong đó sẽ có hơn 3.200 tấn đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu. Với chất lượng đồng đều, quả to, dày, thơm ngọt, xoài da xanh Yên Châu được các doanh nghiệp đánh giá cao và thu mua để xuất khẩu đi Trung Quốc theo đường chính ngạch. Hiện các công ty đã kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu để cung cấp cho đơn hàng ở bên siêu thị Trung Quốc.

Thời gian qua, huyện Yên Châu nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tiêu thụ cả thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, thị trường được mở rộng, nhiều doanh nghiệp, bạn hàng đối tác trong và ngoài nước đã biết đến thương hiệu sản phẩm xoài Yên Châu. Từ đó, người dân và các hợp tác xã đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo công ăn việc làm ổn định và phát triển nông nghiệp hàng hoá chất lượng cao theo hướng bền vững.

Quảng Trị:

Dồn lực thu mua sắn cho bà con

Tại Quảng Trị, cây sắn không chỉ là cây lương thực mà đã trở thành nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến. Sắn là cây dễ trồng, ít kén đất và đầu tư ít được trồng chủ yếu tại các địa bàn miền núi, trung du như: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Vĩnh Linh…

Thực tế thời gian qua cho thấy, cây sắn không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, sự ra đời và đi vào hoạt động của các nhà máy chế biến tinh bột sắn đã góp phần quan trọng trong tiêu thụ sắn tươi cho bà con.

Năm nay, năng suất sắn đã được cải thiện, bình quân đạt 19 tấn/héc-ta. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tinh bột sắn khó tiêu thụ, xuất khẩu, tồn kho hiện lên tới 37.500 tấn, trong đó, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa (thuộc Tổng công ty thương mại tỉnh Quảng Trị) tồn kho 25.000 tấn. Thực tế này dẫn tới tất cả các kho bãi của nhà máy ở huyện Hướng Hóa, TP. Đông Hà và Lạng Sơn có thể sử dụng để chứa hàng đều đã quá tải.  Mặc dù rất khó khăn nhưng nhiều ngày qua, nhà máy vẫn mở cửa thu mua sắn tươi cho bà con trồng sắn tại 2 vùng nguyên liệu Đakrông và Hướng Hóa với giá ổn định 2.000 đồng/kg sắn tươi. Bên cạnh đó, nhà máy tiếp tục cho hoạt động hết công suất, nhân viên làm việc 3 ca/ngày nhằm giúp bà con có đầu ra cho nông sản, cải thiện thu nhập và giải phóng đất để trồng vụ sắn mới. Ngoài ra, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa còn triển khai cho nông dân trồng sắn vay tiền từ 5 - 10 triệu đồng/hộ không lấy lãi. Đến cuối vụ thu hoạch sắn, người dân sẽ trả lại. Bởi trên thực tế, ở huyện Đakrông và Hướng Hóa có 40.000 hộ dân trồng sắn và bán cho nhà máy. Hầu hết các hộ này là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn rất khó khăn.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Giá mận hậu giảm gần một nửa

Mận hậu Sơn La, Lào Cai đang vào mùa, giá rẻ bằng nửa năm ngoái, chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg. Đối với loại đẹp được chọn lựa, giá tại vườn là 30.000 đồng/kg, còn loại xô (bán nguyên vườn gồm cả loại lớn và nhỏ) chỉ 20.000 - 25.000 đồng/kg, giảm tới 60% so với năm ngoái. Mấy năm trước, thương lái tranh nhau mua xô nguyên vườn thì nay họ chỉ chọn loại mận đẹp. Bên cạnh đó, năm nay mưa lớn khiến sản lượng của các nhà vườn trồng mận giảm mạnh, người trồng mận có lãi rất ít. Không chỉ mận hậu mà mận tam hoa hiện nay bà con cũng chỉ bán với giá vài nghìn đồng một kg.

Ước tính, sản lượng mận hậu toàn tỉnh Sơn La năm nay ở mức 68.000 tấn. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La đang lên kế hoạch nhằm giúp bà con đẩy mạnh tiêu thụ mận hậu tốt hơn trong thời gian tới. 

Hậu Giang:

Cây giống tăng giá

Tại nhiều cửa hàng, đại lý bán cây giống tại tỉnh Hậu Giang, giá nhiều loại cây giống tăng khá cao do thiếu nguồn cung. Trong đó, giá giống cây mít Thái đã tăng hơn gấp đôi so với trước. Hiện cây mít Thái giống được bán với giá 50.000 - 60.000 đồng/cây, tăng hơn 25.000 đồng/cây so với tháng trước.

Tuy giá tăng cao nhưng bà con vẫn tìm mua và nhiều nơi không đủ số lượng mít giống cung cấp cho thị trường. Nguyên nhân khiến cây mít Thái giống không đủ nguồn cung dẫn đến tăng giá là do năm nay Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng hạn, mặn xâm nhập. Do đó, tại các tỉnh được xem là thủ phủ sản xuất giống như: Tiền Giang, Bến Tre… vì thiếu nguồn nước tưới nên không ươm, ghép được lượng cây giống dồi dào như trước. Trong khi đó, mít Thái là loại cây dễ trồng, mau thu hoạch nên gần đây được nông dân Hậu Giang chọn để trồng thay thế nhiều loại cây khác.

Hiện tỉnh Hậu Giang có gần 5.600 héc-ta mít Thái, trong đó có hơn 1.700 héc-ta đang thu hoạch, với năng suất đạt khoảng 23 tấn/héc-ta.

Quảng Nam:

Chợ sâm thu về gần 4 tỷ đồng

Đầu tháng 5/2020, phiên chợ sâm lần thứ 31 đã được huyện miền núi cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam tổ chức. Bà con và du khách đều rất hào hứng với việc mua - bán tại chợ. Sau 3 ngày mở cửa, có hơn 30kg sâm Ngọc Linh đã được bán ra thị trường, thu về gần 4 tỷ đồng.

Khác với các phiên chợ sâm trước đây, ngoài tổ thẩm định kiểm tra chất lượng sâm trước khi vào chợ, phiên chợ tháng 5 này, huyện Nam Trà My yêu cầu du khách cũng như người bán ở các gian hàng tham gia phiên chợ phải đeo khẩu trang. Đến đây, du khách còn được đội ngũ y tế đo thân nhiệt, hướng dẫn cách rửa tay sát khuẩn, phát khẩu trang y tế, tư vấn giữ khoảng cách và phiên chợ không được quá 30 người. Bà con Ca Dong, Xê Đăng tham gia mua bán sâm tại chợ phiên cũng chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch.

Cần Thơ:

Giá dâu xanh giảm 50%

Đầu vụ, giá trái dâu xanh được nông dân ở quận Bình Thủy và huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ bán cho thương lái và các vựa thu mua trái cây ở mức 10.000 đồng/kg, thì nay giá chỉ còn 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá dâu xanh bán lẻ tại chợ và điểm bán trái cây đang ở mức trên dưới 10.000 đồng/kg. Mức giá này đang thấp hơn ít nhất từ 5.000 - 6.000 đồng/kg so với cùng kỳ các năm trước. Riêng dâu bòn bon (dâu vàng) giá tại vườn chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg nhưng ít có người mua. Theo tiểu thương và vựa thu mua trái cây, giá dâu giảm mạnh do cung có dấu hiệu vượt cầu khi bước vào mùa thu hoạch rộ. Trong khi đó, trái dâu chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa ở dạng tươi thô, không bảo quản để lâu được. Ngoài ra, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trái dâu xanh trồng ở TP. Cần Thơ chủ yếu tiêu thụ tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ, ít được vận chuyển tiêu thụ ở các tỉnh, thành miền Trung, miền Bắc và xuất khẩu tiểu ngạch sang một số nước như các năm trước nên cũng góp phần làm giá giảm.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Đồng bằng sông Cửu Long:

nhãn xuồng cơm vàng được mùa, trúng giá

Hiện nay, tại một số tỉnh miền Tây, nhãn xuồng cơm vàng được bán gần như quanh năm do người trồng áp dụng các phương pháp cho trái nghịch mùa và liên tục. Mặc dù nhãn đầu mùa có giá cao nhưng vẫn được khách hàng ưa chuộng.

Đối với nhãn xuồng cơm vàng, khi vào chính vụ, sản lượng dồi dào thì giá bán lại bấp bênh. Vậy nên, mấy năm nay, nhiều bà con đã chọn cách xử lý cho nhãn ra trái nghịch mùa để có thể bán được giá cao. Năm nay, việc xử lý cho nhãn ra hoa vào đúng thời điểm thời tiết thuận lợi nên nhãn mùa nghịch đạt năng suất cao khoảng 800 kg/công. Hiện với giá bán dao động từ 55.000 - 65.000 đồng/kg, bà con thu được lợi nhuận khá cao.

Tại tỉnh Bạc Liêu, hiện bà con trồng nhãn đã tham gia vào các câu lạc bộ kết nối nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và áp dụng khá thuần thục những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Một số hộ dân đang thử nghiệm trồng loại nhãn xuồng cơm vàng loại lớn hay còn gọi là nhãn bắp cải. Loại nhãn này thường chỉ khoảng 25 - 30 trái/kg và có chất lượng thịt dày, giòn ngọt, với giá bán tại vườn dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg. Nếu phát triển thành công loại nhãn này, lợi nhuận thu được của nông dân trồng nhãn sẽ rất cao.

Tại huyện Châu Phú (An Giang) cũng đã thành lập Tổ hợp tác nhãn xuồng. Tổ hợp tác đã tập huấn cho nông dân kỹ thuật trồng nhãn, quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm nhằm hướng đến việc đăng ký mã vạch cho sản phẩm. Đặc biệt, để phát triển quy mô, nâng diện tích trồng nhãn, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú từng bước triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nhãn xuồng ứng dụng công nghệ cao. Khi dự án hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ vùng sản xuất nhãn xuồng cơm vàng theo hướng tập trung và đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mở ra hướng đi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

An Giang:

Buôn lậu đường cát giảm

Hiện nay, giá đường cát tại thị trường nội địa đang giảm xuống thấp hơn so với giá tại Campuchia. Vì vậy, buôn lậu đường qua biên giới An Giang có xu hướng giảm.

Từ 1/1/2020, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, trong đó, nội dung quan trọng nhất là việc giảm thuế nhập khẩu và xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường. Thông tin trên đã tác động khiến giá đường trong nước thấp hơn giá đường tại thị trường Campuchia. Hiện giá đường trên thị trường nội địa tại An giang dao động từ 12.800 - 13.100 đồng/kg, thấp hơn so với giá 14.400 đồng/kg tại Campuchia. Trong thời gian qua, tình hình buôn lậu đường cát qua biên giới đã lắng dịu. Cụ thể, tháng 4/2020, các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh An Giang đã bắt giữ gần 10 tấn đường cát nhập lậu, giảm 6,57% so tháng trước và giảm 62% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế đến tháng 4/2020, số đường lậu bắt giữ trên 142 tấn.

Theo đánh giá chung, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới An Giang trong 4 tháng qua vẫn còn nhưng về quy mô, mức độ hoạt động đã giảm đáng kể. Phần lớn các trường hợp bị phát hiện, bắt giữ là nhỏ lẻ, hàng hóa vô chủ. Tuy nhiên, đáng lo ngại là tình trạng các đối tượng đầu nậu buôn lậu thường không ra mặt mà lợi dụng người dân biên giới, đặc biệt là cả người già và trẻ em tham gia vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, các cấp, các ngành phải thường xuyên thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu; tăng cường thông tin, tuyên truyền để bà con hiểu tiếp tay cho buôn lậu là bất hợp pháp. Đồng thời, tích cực hỗ trợ bà con, cư dân biên giới trong đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm…

HÀNG VIỆT

Nước mắm Kỳ Anh

Phát huy tiềm năng, lợi thế của các xã vùng ven biển, bà con ngư dân huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào các mô hình chế biến nước mắm, tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để đưa sản phẩm vươn xa.

Ở Kỳ Anh, hiện có hàng chục hộ sản xuất nước mắm ở các xã vùng ven biển như: Kỳ Khang, Kỳ Phú, Kỳ Xuân… Trong đó, nhiều hộ sản xuất theo hướng hàng hóa, cung cấp sản phẩm cho khu du lịch. Để có thể sản xuất ra những chai nước mắm thơm ngon, chất lượng, tạo nên “thương hiệu”, người dân Kỳ Anh phải cẩn trọng lựa chọn loại cá tươi, ngon, chưa qua ướp đá, sử dụng muối sạch và đủ liều lượng. Bên cạnh đó, mỗi nhà đều có những bí quyết riêng để tạo nên hương vị, màu sắc riêng cho sản phẩm. Trước đây, hầu hết bà con ngư dân chỉ sản xuất quy mô nhỏ lẻ thì nay nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng mô hình sản xuất nước mắm ứng dụng công nghệ năng lượng. Đây là hướng đi mới giúp các làng nghề chế biến nước mắm Kỳ Anh vươn xa.

Khi tham gia OCOP, bà con được hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, còn được hỗ trợ nhận diện, quảng bá thương hiệu thông qua logo, tem – mác sản phẩm, tham gia hội chợ thương mại… Trong 10 sản phẩm tham gia OCOP năm 2019 của huyện Kỳ Anh thì có 4 đơn vị nước mắm được công nhận sản phẩm đạt 3 sao. Đây là cơ hội lớn trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nâng tầm thương hiệu đối với các cơ sở sản xuất.

Để thương hiệu nước mắm Kỳ Anh ngày càng được khẳng định, vươn xa, thời gian tới, ngoài việc hướng dẫn các hợp tác xã quy hoạch vùng sản xuất, tập trung áp dụng khoa học công nghệ, Kỳ Anh còn tập trung xây dựng nhãn hiệu OCOP, tiến tới thành lập Hiệp hội nước mắm Kỳ Anh. Đây sẽ là giấy thông hành để sản phẩm tiếp tục chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Tỏi tía Phù Yên

Tỏi tía Phù Yên là loại gia vị thơm ngon nức tiếng của tỉnh Sơn La. Không những thế, tỏi tía Phù Yên còn nằm trong danh sách 20 sản phẩm
OCOP của tỉnh.

Được trồng theo phương thức canh tác truyền thống, tỏi tía Phù Yên là loại nông sản sạch. Do điều kiện đất đai phì nhiêu, vùng đất Phù Yên rất thích hợp phát triển tỏi tía, tỏi có hương vị thơm ngon khác biệt với các loại tỏi khác. Sản phẩm tỏi tía đã trở thành đặc sản, được người tiêu dùng chọn làm gia vị trong các bữa cơm hàng ngày của gia đình. Đặc biệt, sau khi sản phẩm tỏi khô, tỏi đen được lựa chọn là 1 trong 20 sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La, tỏi Phù Yên ngày càng được nhiều người tin dùng.

Xác định tỏi tía là cây trồng chủ lực, huyện Phù Yên đã xây dựng lộ trình tăng dần diện tích, xây dựng vùng tỏi chất lượng cao, đảm bảo việc sản xuất tỏi gắn với thị trường… Đi đầu trong phong trào này là xã Tường Phù. Năm 2019, xã Tường Phù đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh tỏi Phù Yên đặt tại bản Bùa Thượng, xã Tường Phù. Tổ hợp tác có 10 hộ gia đình thành viên, tổng diện tích gieo trồng trên 6 héc-ta, năng suất tỏi bình quân đạt 6 - 8 tấn/héc-ta củ khô, thu nhập đạt 30 - 50 triệu đồng/hộ/héc-ta. Để nâng cao chất lượng và tạo thương hiệu cho tỏi tía vươn ra thị trường rộng lớn, các thành viên Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh Tỏi Phù Yên đã lựa chọn giống, trồng, chăm sóc đến thu hoạch rất nghiêm ngặt. Những củ tỏi tía khi thu hoạch đảm bảo củ chắc, không sâu, không thối. Sau đó, sơ chế, phơi khô rồi đóng vào các túi lưới. Đặc biệt, khi sơ chế tỏi cần tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vì sẽ làm hỏng và giảm lượng vitamin trong tỏi.