Thông tin thị trường giá cả số 15/2020

09:00 AM 09/04/2020 |   Lượt xem: 3643 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Tiêu điểm

Hải Dương được cấp 23 mã vùng trồng vải xuất khẩu

Mới đây, Hải Dương đã được Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp 23 mã vùng trồng vải xuất khẩu sang: Nhật Bản, Mỹ, Australia với tổng diện tích 198,7 héc-ta tại huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh.

Hiện nay, tại các vùng được cấp mã số vùng trồng, bà con nông dân đang tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Theo nhận định chung, vải đang trong giai đoạn nở hoa và quả non, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Đến thời điểm này, trà vải sớm ra hoa đạt trên 90%, cao hơn 10% so với niên vụ vải năm 2019; trà vải thiều ra hoa 65 - 70%. Theo đánh giá, năm nay, tỷ lệ vải thiều ra hoa cao gấp 3 - 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, trà vải sớm sẽ cho thu hoạch từ ngày 10 - 30/5/2020 và vải thiều thu hoạch từ ngày 1 - 30/6/2020.

Để đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật của quả vải đối với các nước nhập khẩu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đề nghị huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh chỉ đạo cơ quan chuyên môn và cấp xã tăng cường phổ biến các quy định của Nhật Bản, Mỹ và Australia đối với quả vải. Đồng thời, phân công cán bộ bám sát vùng trồng, tập huấn, hướng dẫn nông dân chăm sóc vải theo đúng quy định. Đối với các vườn vải thiều, bà con phải dọn vườn sạch sẽ, thu gom túi nylon và bao bì thuốc bảo vệ thực vật về đúng nơi quy định. Đặc biệt, bà con không thả gia súc, gia cầm trong vườn vải.

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh có nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp có vùng trồng và cơ sở đóng gói vải xuất khẩu các quy định của Nhật Bản và tiêu chuẩn của các thị trường khác như Mỹ, Australia, EU, Trung Quốc. Ký cam kết với các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhất là ở những vùng được cấp mã số và vùng vải VietGAP. Đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức 3 cuộc tập huấn cho cán bộ chính quyền các địa phương về triển khai quy định xuất khẩu vải đi các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã xây dựng quy trình hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân ở các địa phương được cấp mã số vùng trồng. Chú trọng công tác dự báo về các đối tượng sâu bệnh hại vải, đặc biệt là các loại ruồi đục quả phương đông, sâu đục cuống quả, bệnh thán thư, bệnh sương mai. Tăng cường thanh kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng hoặc ngoài danh mục cho phép.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cũng đã xây dựng Kế hoạch mở rộng vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn quốc tế và hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản năm 2020. Theo đó, Hải Dương sẽ lựa chọn, xây dựng 23 vùng trồng vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích 220 héc-ta. Tập trung đào tạo, tập huấn về quản lý, giám sát và duy trì mã số vùng trồng cho cán bộ cơ sở, chủ cửa hàng kinh doanh vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nông dân vùng trồng; vận hành hệ thống tiêu chuẩn OTAS trong quản lý mã số vùng trồng vải theo tiêu chuẩn quốc tế…

Tỉnh Hải Dương hiện có trên 10.000 héc-ta vải, tập trung ở huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh; 80% vải Hải Dương đã được sản xuất theo quy trình VietGAP. Trong đó, huyện Thanh Hà có 3.503 héc-ta vải; trong đó, vải thiều chính vụ khoảng hơn 1.900 héc-ta. Đến nay, Thanh Hà đã có 400 héc-ta vải cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian qua, Thanh Hà đã làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền cho bà con nông dân áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất để đảm bảo nông sản sạch, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Bà Rịa - Vũng Tàu:

Giá dưa lưới giảm, tiêu thụ chậm

Xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc là vùng chuyên canh trồng dưa lưới lớn nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện dưa đang đến kỳ thu hoạch nhưng giá giảm, sức tiêu thụ chậm khiến bà con
đứng ngồi không yên.

Từng là loại dưa mang lại thu nhập cao cho người dân xã Phước Thuận nhưng vụ này, dưa lưới không bán được do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Sức mua giảm mạnh khiến hàng chục héc-ta dưa lưới ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang đến kỳ thu hoạch bị hư thối tại vườn. Bà con trồng dưa chấp nhận lỗ, bán với giá rẻ nhưng vẫn không có nhiều thương lái thu mua. Các vụ trước, người trồng có thể bán được với giá 20.000 - 22.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 10.000 đồng/kg.

Theo người dân, ngoài việc nắng hạn kéo dài từ nhiều tháng nay khiến năng suất giảm thì vấn đề dịch COVID-19 đang bùng phát là nguyên nhân chính khiến lượng tiêu thụ giảm mạnh, người trồng dưa lưới chịu ảnh hưởng nặng nề. Các vụ trước, được giá, thu lãi cao nên nhiều nông dân đã vay vốn để tăng diện tích, đầu tư hệ thống tưới tiêu, kênh thoát nước bài bản. Đến nay, dưa không tiêu thụ được, nhiều hộ lại lâm vào cảnh nợ nần.

Toàn xã Phước Thuận hiện có khoảng hơn 40 héc-ta dưa lưới đang đến kỳ thu hoạch. Đây là loại cây trồng truyền thống của bà con nông dân trên địa bàn xã Phước Thuận, mang lại hiệu quả kinh tế cao và giải quyết công ăn, việc làm cho lao động của xã.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang làm việc với Sở Công Thương bàn về chương trình hỗ trợ tiêu thụ. Về lâu dài, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân không sản xuất ồ ạt để tránh tình trạng dư thừa nguồn hàng. Bên cạnh đó, tập trung hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phương pháp canh tác phù hợp với thời tiết; ứng dụng khoa học, công nghệ vào trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Đặc biệt, ngành nông nghiệp sẽ chú trọng đầu tư phát triển mạnh mô hình du lịch vườn. Qua đó, không chỉ hứa hẹn có thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách mà còn phát triển nông nghiệp một cách bền vững.

Sơn La:

Nhân rộng mô hình trồng sa nhân dưới tán rừng

Với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã đưa cây sa nhân vào trồng thử nghiệm dưới tán rừng. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, cây sa nhân phát triển tốt và cho thu hoạch ổn định.

Đây cũng là cây trồng giúp đồng bào dân tộc ở Phổng Lái thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời, góp phần bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng trên địa bàn xã. Cây sa nhân thuộc loại cây dược liệu, trồng xen dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá bán cao. Quả sa nhân là một vị thuốc có giá trị, được các tiểu thương thu mua thường xuyên. Hiện giá bán ra thị trường khoảng 500.000 - 700.000 đồng/kg quả khô. Theo y học cổ truyền, cây sa nhân là cây thuốc quý vì có giá trị dược liệu cao, ngoài ra, quả sa nhân còn dùng chiết xuất tinh dầu làm hương liệu gia vị thực phẩm, nước hoa, dầu gội thảo dược.

Mô hình trồng cây sa nhân trên địa bàn xã Phổng Lái đã mang lại lợi ích kép, vừa tăng thu nhập vừa góp phần bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Qua đó, góp phần duy trì và phát triển diện tích rừng, tăng khả năng bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, tạo sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc. Để hướng đến phát triển bền vững, xã đang tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sa nhân, gắn với thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng theo hướng hiệu quả, bền vững, để người dân thực sự gắn bó và có thu nhập ổn định từ nghề rừng.

Thời gian tới, địa phương sẽ nhân rộng mô hình này trên một số địa bàn có đông đồng bào dân tộc.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Quảng Nam:

Ngư dân trúng mùa cá cơm

Những ngày này, từ sáng sớm, cảng cá An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã đón nhiều thuyền lớn, thuyền nhỏ tấp nập cập cảng với những khoang chứa đầy cá cơm vươn khơi. Theo nhiều ngư dân, trung bình một tàu có thể đánh bắt được từ 1 - 1,5 tấn cá/đêm, giá bán lẻ tại cảng dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Mùa đánh bắt cá cơm bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài cho tới tháng 9. Năm nay, cá cơm được mùa và giá cũng cao hơn so với mọi năm.

Cá cơm khi được đưa lên bờ sẽ được cho vào túi nylon chứa nước biển để bảo quản và giúp cá luôn được tươi ngon. Ngoài ra, cá cơm còn được rửa sạch vận chuyển về nhà để phơi khô. Một số khác được sơ chế ngay trên tại cảng bằng cách tẩm muối để làm nước mắm. Nước mắm cá cơm thơm ngon nổi tiếng, được tiêu thụ mạnh trên thị trường.

Cư M’gar (Đắk Lắk):

Điều mất mùa, rớt giá

Hơn 1 tháng qua, nông dân tại một số vùng trên địa bàn huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đã vào vụ thu hoạch điều. Tuy nhiên, năng suất kém cộng với giá điều giảm sâu khiến thu nhập của người nông dân giảm đáng kể. Giá điều tươi được các thương lái thu mua tại vườn hiện chỉ còn 20.000 - 21.000 đồng/kg, giảm 6.000 đồng/kg so với đầu vụ. Với giá điều như hiện nay, người trồng điều không lãi nhiều. Theo nhận định của cơ quan chức năng, nguyên nhân giá điều giảm là do thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hạt điều chính lại đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mặt khác, hạt điều thô được các doanh nghiệp trong nước mua từ các nước châu Phi, Ấn Độ, Campuchia... còn tồn đọng khá lớn.

Huyện Cư M’gar hiện có 2.200 héc-ta điều. Vụ điều năm nay, hầu hết các hộ trồng điều trong huyện đều bị giảm năng suất do thời tiết bất lợi. Để cây điều phát triển bền vững, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã hỗ trợ 33.000 gốc điều giống mới cung ứng cho người dân; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý dịch bệnh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật... nhằm hướng tới thay thế toàn bộ giống điều cũ để bảo đảm năng suất ổn định cho vườn cây, tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Hậu Giang:

Sức mua mì gói, gạo tăng từ 10 - 30%

Sở Công Thương Hậu Giang cho biết, qua kiểm tra hàng hóa, lương thực, thực phẩm tại các chợ, siêu thị, cửa hàng bách hóa đa dạng về chủng loại, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của bà con, nhất là các địa phương vùng đồng bào dân tộc, miền núi. Đặc biệt, hàng hóa nội địa, hàng hóa sản xuất truyền thống địa phương được lựa chọn nhiều. Sức mua hàng hóa thiết yếu trong tháng 3 tăng nhẹ. Riêng mì gói, gạo có sức mua tăng từ 10 - 30% so với thời điểm trước do tâm lý của một số người dân muốn dự trữ hàng hóa trong thời điểm dịch bệnh.

Nhìn chung, tình hình giá cả thị trường hàng hóa, lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác đều ổn định, biến động không nhiều. Riêng mì gói tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/thùng 30 gói; gạo tăng từ 500 - 1.000 đồng/kg tùy loại. Hầu hết các đơn vị kinh doanh đều thực hiện tốt các quy định về niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết. Qua kiểm tra chưa phát hiện hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; chưa phát hiện buôn bán hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đồng bằng sông Cửu Long:

Lúa đông xuân được mùa, được giá

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân. Nhiều diện tích được tổ chức sản xuất tốt, tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp, chủ động ứng phó với hạn hán và mặn xâm nhập đã và đang thu về mùa vụ bội thu. Thậm chí có diện tích thu về lợi nhuận 35 - 40 triệu đồng/héc-ta. Đối với giống lúa ST24, hiện bà con bán 7.500 đồng/kg, thu lợi nhuận trên 5 triệu đồng mỗi công (1.000m²). Giống lúa OM4900, giá 5.000 - 5.200 đồng/kg, ước tính bà con lãi 30%. Nhìn chung, với giá thu mua lúa hiện nay, dù không lãi nhiều như vụ đông xuân năm ngoái nhưng nông dân vẫn đảm bảo có lãi không dưới 30%. Để có được vụ mùa bội thu như năm nay, ngành nông nghiệp ĐBSCL đã đưa ra một số giải pháp ngay từ đầu vụ. Giải pháp đầu tiên là cơ cấu giống nào chịu được hạn, mặn, năng suất đảm bảo cũng như là đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thứ hai là tính toán đến lịch thời vụ để xuống giống sớm hơn những năm trước. Thứ ba là trong quá trình bà con xuống giống và sản xuất phải  phối hợp với trạm quản lý thủy nông nghiệp để có phương án vận hành cống một cách chủ động nhất.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Huyện Ia Grai (Gia Lai):

Mở rộng quy mô nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện

Ia Grai có hơn 400 héc-ta mặt nước thuộc các công trình thủy điện, hồ đập thủy lợi, ao, hồ. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản.

Những năm gần đây, nhờ tận dụng lợi thế diện tích mặt nước từ công trình thủy điện, nhiều hộ dân đã đầu tư nuôi cá lồng. Bước đầu, mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, nâng cao đời sống của bà con và mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Do đó, hiện nay, người dân tại các xã Ia O, Ia Tô, Ia Grăng và thị trấn Ia Kha đang phát triển mô hình nuôi cá lồng.

Ia Grăng là một trong những xã khó khăn của huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Để giúp người dân tiếp cận với nghề nuôi trồng thủy sản, nâng cao đời sống, tháng 10/2019, UBND huyện Ia Grai đã phê duyệt dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Ia Grăng 1 tại làng Hlũ; thời gian thực hiện từ năm 2019 đến 2020. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 1,53 tỷ đồng. Tham gia mô hình có 26 thành viên của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Ia Grăng. Hiện tại, HTX Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Ia Grăng đang nuôi cá diêu hồng, trắm cỏ trong 7 ô lồng với tổng diện tích mặt nước khoảng 250 m2. Lứa đầu tiên, HTX thu hoạch được khoảng 30 tấn cá thương phẩm. Với giá khoảng 40.000 đồng/kg cá diêu hồng, sau khi trừ chi phí đầu tư, HTX lãi hơn 300 triệu đồng/vụ. Từ năm 2019 đến nay, mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn xã Ia Grăng có bước phát triển về quy mô diện tích, số hộ tham gia cũng nhiều hơn trước. Đây là hướng đi mới, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã.

Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng trên địa bàn huyện Ia Grai hàng năm khoảng 260 tấn. Nếu so sánh với các cây trồng, vật nuôi khác thì nuôi cá lồng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây sẽ là hướng đi mới cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của bà con trong thời gian tới.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Phân biệt khẩu trang y tế thật – giả

Khẩu trang y tế đang là mặt hàng được người tiêu dùng sử dụng nhiều trong phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, nếu sử dụng khẩu trang có chất lượng kém, xuất xứ không rõ ràng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Để tránh mua phải khẩu trang giả, khẩu trang kém chất lượng, người tiêu dùng cần chú ý đến các tiêu chí sau: 

- Kiểm tra chất lượng: Đầu tiên, người tiêu dùng có thể ngâm khẩu trang vào nước. Khẩu trang y tế thật sẽ không hề bị thấm nước. Còn khẩu trang y tế giả sẽ bị ướt và thấm nước ngay.  Sau đó, xé chiếc khẩu trang đã ngâm nước ra: Khẩu trang thật có lớp giấy bên trong nguyên vẹn, còn khẩu trang giả lớp giấy bên trong bị rã. Rạch lớp ngoài cùng của khẩu trang, sau đó, lấy tay cầm lớp ở giữa của khẩu trang kéo thật mạnh. Nếu là khẩu trang tốt, lớp ở giữa sẽ không bị rách và dai vì được làm bằng vải kháng khuẩn hoặc giấy kháng khuẩn. Còn khẩu trang nhái, kém chất lượng, lớp ở giữa bị rách ngay khi kéo thì lớp đó là giấy vệ sinh hay lớp giấy rẻ tiền không có tác dụng diệt khuẩn. 

- Độ sát mặt của khẩu trang y tế: Đây là tiêu chí quan trọng nhất khi đeo khẩu trang, giúp cho không khí bẩn không chui vào phía trong. Khẩu trang cần ôm sát mặt, cho phép tối đa 5% không khí đi qua các khoảng trống. Nếu khẩu trang không ôm sát mặt thì không nên mua. 

- Độ thoáng của khẩu trang: Dù khẩu trang ôm sát mặt nhưng vẫn đảm bảo có độ thoáng, giúp người dùng thấy thoải mái khi đeo, hô hấp bình thường mới là khẩu trang chất lượng. Nếu khẩu trang y tế gây bí thở, khó chịu thì không đảm bảo chất lượng, không nên dùng. 

Tốt nhất, để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng nên mua khẩu trang tại các siêu thị, cửa hàng thiết bị vật tư y tế có uy tín…

HÀNG VIỆT

Điện Biên:

Huyện vùng cao xây dựng sản phẩm OCOP

Mường Nhé là huyện vùng cao nghèo nhất trong 62 huyện nghèo của cả nước. Toàn bộ 16 xã của huyện Mường Nhé đều thuộc diện xã đặc biệt khó khăn nằm trong Chương trình 135 giai đoạn II. để phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc trong xây dựng nông thôn mới, Mường Nhé đang tích cực triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại các xã.

Ưu tiên chuẩn hóa các sản phẩm địa phương

Với tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, Mường Nhé có nhiều sản phẩm đặc trưng, thế mạnh có thể phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP như: Gạo tẻ đỏ, quả sa nhân, mận tam hoa, các sản phẩm về du lịch trải nghiệm. Ðể triển khai Chương trình OCOP, Mường Nhé đã xây dựng Ðề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 với tổng kinh phí 214 triệu đồng. Trong đó, ưu tiên chuẩn hóa các sản phẩm nông sản là đặc sản mang đặc trưng của địa phương. Năm 2019, huyện Mường Nhé lựa chọn sản phẩm cam quả tươi (xã Mường Nhé) và du lịch cộng đồng tại bản Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu) để tham gia Chương trình OCOP. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp một số khó khăn, bất cập. Đối với sản phẩm cam quả tươi, việc sản xuất, mở rộng diện tích trồng cam của nông dân còn manh mún, nhỏ lẻ. Ước tính toàn huyện Mường Nhé có gần 20 héc-ta trồng cam, chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Ðặc biệt, các sản phẩm được sản xuất thủ công, chưa có bao bì, nhãn mác riêng. Thậm chí, nhiều sản phẩm chưa có chỉ dẫn địa lý, chưa xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng. Nhận thức của các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất bước đầu còn hạn chế, chưa xác định được vai trò, lợi ích khi tham gia Chương trình. Ðối với sản phẩm du lịch cộng đồng tại bản Tả Kố Khừ, mặc dù đã được đầu tư, thu hút được du khách đến tham quan, trải nghiệm phong cảnh, bản sắc văn hóa truyền thống người Hà Nhì. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy để xây dựng sản phẩm Du lịch cộng đồng tại bản Tả Kố Khừ trở thành sản phẩm OCOP còn rất nhiều việc phải làm. Bởi đặc thù là xã biên giới, chủ yếu là nơi sinh sống của bà con dân tộc thiểu số nên nhận thức còn hạn chế. Mặc dù xã đã đẩy mạnh tuyên truyền nhưng để thay đổi nhận thức của bà con từ canh tác nhỏ lẻ sang phát triển các mô hình làm du lịch một cách bài bản đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Hơn nữa, là xã nghèo, ngoài du lịch trải nghiệm, khám phá, việc huy động các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị (cơ sở lưu trú, nhà hàng...) còn rất hạn chế, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh.

Nâng cao nhận thức của bà con

Từ những hạn chế, khó khăn trên, Mường Nhé đã rút ra được bài học kinh nghiệm. Đó là, để xây dựng thành công sản phẩm OCOP phải có chiến lược lâu dài, thu hút, tập hợp được bà con tham gia hưởng ứng. Qua đó, nâng cao nhận thức của bà con trong phát triển kinh tế, xây dựng sản phẩm mang thương hiệu của địa phương. Trước hết, bản thân địa phương phải lựa chọn được những sản phẩm chủ lực để dồn lực tập trung và hoàn thiện dần quy trình sản xuất. Từ đó, giúp cho bà con liên kết với nhau, nâng cao chất lượng để tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn. Huyện cũng xác định, để xây dựng thành công các sản phẩm OCOP, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế sẵn có sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, đồng bộ và cụ thể hóa các chính sách. Cụ thể, thời gian tới, huyện sẽ ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư sản xuất nông nghiệp. Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại... Ðồng thời, vận dụng linh hoạt, lồng ghép các chính sách, nguồn vốn khác nhau để tập trung phát triển cho từng chủ thể, sản phẩm cụ thể… Tăng cường các lớp tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực OCOP cho cán bộ quản lý cấp huyện, cấp xã. Dự kiến năm 2020 tổ chức cho cán bộ, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các tỉnh.

Hy vọng việc thực hiện thành công Chương trình OCOP sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con và thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Mường Nhé.