Thông tin thị trường giá cả số 11/2020

10:08 AM 11/03/2020 |   Lượt xem: 3720 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Nghệ An:

Măng đắng vùng cao vào mùa thu hoạch

Măng đắng là đặc sản của các huyện miền núi Nghệ An. Mùa thu hoạch măng đắng thường bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Ở Nghệ An, măng đắng tập trung nhiều nhất ở huyện miền núi cao Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn.

Cuối tháng giêng hàng năm, đồng bào các dân tộc ở các huyện vùng cao Nghệ An lại cùng nhau mang gùi lên rừng lấy măng đắng, măng của một loài cây thuộc họ tre, nứa chỉ mọc ở các cánh rừng trên núi cao. Hiện nay, măng đắng không chỉ là thực phẩm trong bữa ăn thường ngày mà còn trở thành một món ăn đặc sản được người tiêu dùng miền xuôi ưa chuộng.

Đầu mùa, măng đắng tuy ít nhưng ngon và ngọt hơn măng cuối mùa. Để lấy được những củ măng non và ngọt đầu mùa, người dân vùng cao phải dùng cuốc, thuổng đào sâu vào lòng đất, khi những búp măng chưa kịp nhú lên khỏi mặt đất. Về cuối mùa, măng nhú càng cao càng đắng. Măng đắng cũng có nhiều loại, có loại nhỏ như ngón tay, có vị đắng pha lẫn vị ngọt khi ăn. Loại măng đắng này mọc nhiều trong vùng rừng núi cao không phải đào bới như các loại khác. Còn loại măng to như bắp chân người lớn thì phải đào sâu xuống lòng đất mới lấy được. Loại này có đặc điểm càng lên dần phía trên ngọn càng đắng còn phần nằm trong lòng đất ngọt hơn. Hầu hết các loại này người Thái đều gọi là “nỏ khốm”. “Nỏ khốm” có vỏ màu tím thì ít đắng hơn còn loại vỏ màu vàng. Do vậy, khi mua măng, người mua tùy theo sở thích của mình để chọn măng, nhưng tốt nhất lúc mua nên hỏi kỹ người dân loại nào đắng, loại nào không. Trước đây, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, măng đắng là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày của người dân nơi đây mùa giáp hạt. Với vị đắng nhạt pha lẫn vị ngọt giòn, hiện măng đắng đã trở thành đặc sản được nhiều người miền xuôi ưa chuộng. Đây cũng là mặt hàng được trao đổi mua bán trên thị trường mang lại thu nhập thời vụ cho người dân miền núi mỗi khi vào mùa.

Vào mùa măng đắng, đi dọc hai bên đường của thị trấn Hoà Bình, huyện Tương Dương, người dân bày bán măng đắng hai bên đường. Du khách đi qua tha hồ lựa chọn. Dọc Quốc lộ 7 từ địa bàn huyện Tương Dương lên đến Thị trấn Mường Xén của huyện Kỳ Sơn mùa này, dân bản cũng bày bán rất nhiều măng đắng. Giá măng đắng đầu mùa khoảng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, có thời điểm người dân bán được 20.000 - 30.000 đồng/kg. Có người mua về để ăn, có người mua về để làm quà cho bè bạn, khách phương xa. Măng đắng được người dân vùng cao chế biến thành nhiều món ăn như: Xào mỡ, nấu canh, luộc chấm với chẻo lạc hoặc mắm tôm… nhưng ấn tượng nhất vẫn là món măng đắng nướng trên lửa bếp. Măng vừa giữ được vị ngọt, vị đắng đặc trưng của loài tre non. Rời bản khi đã được thưởng thức đặc sản núi rừng, chúng tôi, mỗi người mua một ít măng đắng miền Tây xứ Nghệ về làm quà dưới xuôi cho người thân.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Quảng Trị:

Giá thu mua sắn ổn định

Từ đầu năm 2020 đến nay, Nhà máy chế biến tinh bột sắn An Thái (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) đã tiến hành thu mua khoảng 26.000 tấn sắn với mức giá tương đối ổn định khiến bà con yên tâm về đầu ra cho sản phẩm.

Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế hộ gia đình, cây sắn là lựa chọn hàng đầu của Cam Lộ. Đặc biệt, gần đây, nhờ thực hiện chính sách liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cùng với sự hình thành và hoạt động của Nhà máy tinh bột sắn An Thái mà sắn ở Cam Lộ có nơi thu mua với giá cả ổn định.

Hiện nay, sắn nguyên liệu đang được người dân ưu tiên trồng rất nhiều và không ngừng mở rộng diện tích. Với giá thu mua của nhà máy gần 1.900 đồng/kg, các hộ trồng sắn đã có thu nhập ổn định từ cây sắn. Hiện mức tiêu thụ bình quân của nhà máy đạt 407 tấn sắn tươi/ngày nên không xảy ra tình trạng dồn ứ sắn. Theo kế hoạch, nhà máy kéo dài thời gian thu mua và chế biến tinh bột sắn đến hết tháng 4/2020, tạo điều kiện cho nông dân giải phóng đất đai, chuẩn bị tốt kế hoạch trồng sắn nguyên liệu trong vụ tiếp theo.

 Nhà máy chế biến tinh bột sắn An Thái có công suất chế biến tối đa 500 tấn sắn tươi/ngày (tương đương 120 tấn sản phẩm tinh bột sắn/ngày). Những năm qua, nhà máy đã góp phần quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con, hạn chế được tình trạng tư thương ép giá. Không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương, nhà máy còn tạo việc làm gián tiếp cho hàng ngàn hộ nông dân trên địa bàn huyện Cam Lộ và các vùng lân cận khác thông qua trồng sắn nguyên liệu.

Địa phương cũng tăng cường hỗ trợ bà con đầu tư phân bón, giống, mở rộng diện tích trồng sắn nguyên liệu để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

 

Đồng bằng sông Cửu Long:

Gạo trúng mùa, được giá

Những ngày đầu tháng 3/2020, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bước vào thời điểm thu hoạch rộ lúa đông xuân. Tuy chịu tác động ít nhiều từ hạn mặn vùng ven biển nhưng phần lớn nông dân trúng mùa, giá lúa tăng so với đầu vụ.

Theo thống kê sơ bộ, năng suất vụ lúa đông xuân đạt khoảng 6,8 tấn/héc-ta. Dù một số vùng ven biển bị thiệt hại ít nhiều do hạn mặn gây ra nhưng các tỉnh trong vùng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nên hạn chế thiệt hại. Trong đó, việc nông dân tranh thủ xuống giống đầu vụ sớm để né hạn, tránh mặn đã phát huy hiệu quả. Ngoài ra, các địa phương cũng hoàn thành sớm nhiều dự án ngăn mặn trọng điểm để bảo vệ được diện tích sản xuất lúa.

Thời điểm đầu tháng 3/2020, các doanh nghiệp trong vùng mua lúa ướt của nông dân ĐBSCL tại ruộng với giá dao động 4.400 - 5.400 đồng/kg, cao hơn đầu vụ 300 - 500 đồng/kg; chỉ có giống lúa IR50404 tiêu thụ thị trường nội địa là giá thấp, khoảng 4.400 đồng/kg. Trong đó, giá lúa hạt dài cao hơn lúa thường 300 - 800 đồng/kg. Còn giá lúa thu mua tại kho của doanh nghiệp 5.400 - 6.400 đồng/kg, cao hơn mức bán lúa tươi tại ruộng của nông dân bình quân 1.000 đồng/kg. Đáng mừng là giá lúa đã tăng khi nông dân vào vụ thu hoạch rộ. Thậm chí, nhiều thương lái, doanh nghiệp đến tận ruộng của nông dân đặt cọc và ký hợp đồng bao tiêu thu mua lúa hạt dài với giá 5.000 - 5.200 đồng/kg. Riêng giống RVT là 6.000 - 6.100 đồng/kg, giống ST 24 lên đến 7.100 đồng/kg.

Hiện nay, tình hình hạn mặn không chỉ tác động đến diện tích lúa đông xuân còn lại mà có thể ảnh hưởng đến sản xuất vụ hè thu tới đây. Các doanh nghiệp e ngại, nếu xuống giống vụ hè thu trễ sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng gạo.

Theo Bộ NN-PTNT, hạn mặn còn kéo dài, vì vậy các địa phương vùng ĐBSCL không được chủ quan, cần tiếp tục triển khai các giải pháp quyết liệt để bảo vệ sản xuất của nông dân.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Vĩnh Long:

Nông dân thêm thu nhập từ bán rơm

Trước đây, rơm là phế phẩm bỏ đi, còn nay thì được các thương lái đến tận nơi thu mua. Vụ lúa đông xuân 2019 - 2020 này, tại nhiều nơi, thương lái đến thu mua rơm tại ruộng sau thu hoạch với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/công. Bình quân mỗi công lúa thu từ 25 - 30 cuộn rơm (tùy thuộc lúa ướt hay lúa khô).

Hiện nay, nhiều bà con đã chuyển sang kinh doanh rơm. Ngoài việc đầu tư những chiếc máy được cải tiến để cuộn rơm, bà con còn thuê máy móc, nhân công cuộn rơm vận chuyển về nhà dự trữ bán lại. Rơm sau đó bán cho người tiêu dùng dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/cuộn. Bà con mua rơm về thường để ủ gốc cây, làm thức ăn cho trâu, bò hay để trồng nấm rơm.

Bên cạnh việc tăng thu nhập cho nông dân, nghề thu mua rơm còn góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động từ khuân vác, vận chuyển; đồng thời hạn chế được tình trạng ô nhiễm không khí do khói đốt đồng từ rơm rạ.

Tây Nguyên:

Giá tiêu tăng

Tại các vùng trồng tiêu trọng điểm khu vực Tây Nguyên và miền Nam, giá tiêu đồng loạt tăng từ 500 - 1.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu là 39.500 đồng/kg (tăng 1.000 đồng), Bình Phước là 38.500 đồng/kg (tăng 500 đồng/kg); Đắk Nông (Gia Nghĩa) và Đắk Lắk (Ea H’leo) là 38.000 đồng/kg (tăng 500 đồng/kg); Gia Lai và Đồng Nai là 37.000 đồng/kg. Theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, năm 2020, tình trạng dư cung được dự báo sẽ tiếp diễn, gây áp lực lên giá hạt tiêu. Dự báo giá hạt tiêu toàn cầu sẽ duy trì ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm 2020. Bởi thời điểm này, các vườn tiêu trồng từ năm 2016 - 2017 ở các nước sản xuất lớn đã đến lúc cho thu hoạch với sản lượng cao. Tuy nhiên, cuối năm 2020, giá hạt tiêu có thể phục hồi khi cung - cầu trở về mức cân bằng do nhiều doanh nghiệp tăng cường mua tích trữ. Bên cạnh đó, chất lượng hạt tiêu và chi phí nhân công tăng cũng sẽ góp phần đẩy giá hạt tiêu tăng.

Quảng Nam:

Giá ớt giảm thấp

Hàng trăm héc-ta ớt tại Quảng Nam đang vào vụ thu hoạch rộ nhưng giá giảm thấp khiến người trồng ớt lo lắng. Thời điểm này năm trước, bà con đang hối hả thu hoạch vụ ớt xanh để xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Hàn Quốc. Năm nay vừa vắng bóng thương lái thu mua, giá lại thấp. Hiện giá ớt chỉ còn 3.500 đồng/kg trong khi các năm trước giá thấp nhất cũng 8.000 đồng/kg trở lên. Thông thường, bà con xuống giống vụ ớt này từ tháng 11/2019. Như những năm trước, đến thời điểm này bà con sẽ hái ớt xanh bán cho thương lái xuất khẩu với giá bán dao động từ 8.000 đồng/kg đến 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thị trường ớt hiện nay đang chững lại, các đại lý chỉ thu mua được vài tấn vì chỉ xuất bán ở thị trường trong nước.

Trước tình trạng trên, các ngành chức năng địa phương khuyến cáo người trồng thu hoạch và phơi bán ớt khô nhưng người dân không mấy mặn mà.

Đồng bằng sông Cửu Long:

Giá chanh tăng

Giá trái chanh tại nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long tăng từ 4.000 - 6.000 đồng/kg so với 2 tuần trước đây. Tại Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long… chanh được nông dân bán cho tiểu thương và các vựa thu mua trái cây ở mức 15.000 - 16.000 đồng/kg; giá bán lẻ trên thị trường ở mức trên dưới 25.000 đồng/kg. Giá chanh tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng cao vì bước vào mùa nắng nóng, người dân có nhu cầu mua chanh làm các loại nước uống để giải khát. Mặt khác, nhiều người cũng sử dụng chanh để tăng sức đề kháng cho cơ thể nhằm phòng tránh các loại bệnh, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Ngoài ra, chanh tăng giá còn do nguồn cung trái chanh tại nhiều địa phương hạn chế vì mùa này chanh cho trái ít.  

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Quảng Ngãi:

Mô hình nuôi cá bớp thu nhập khá

Tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, mô hình nuôi cá bớp đã mang lại nguồn thu lớn cho nhiều người dân trên đảo.

Đây là mô hình nuôi cá bớp thương phẩm bằng lồng bè trên biển với sự tham gia của 38 hộ ngư dân, quy mô trên 1.000 lồng. Nhờ nắm bắt được quy trình cũng như kỹ thuật nuôi, chăm sóc nên sản lượng cá xuất ra thị trường năm sau cao hơn năm trước. Năm 2019, các hộ dân nuôi trồng thủy hải sản ở Lý Sơn đã xuất bán 180 tấn cá bớp, vượt 60 tấn so với năm 2018, giá trị đạt trên 23 tỷ đồng.

Theo các hộ nuôi trồng thủy sản ở Lý Sơn, cá bớp là đối tượng nuôi có chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi, nhanh lớn, ít xảy ra dịch bệnh, ít rủi ro. Đặc biệt, thức ăn của cá bớp chủ yếu là cá tạp, tỷ lệ sống cao hơn so với các đối tượng khác. Mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình nuôi tôm hùm sang cá bớp thương phẩm bằng lồng bè, thu nhập của các hộ nuôi trồng thủy hải sản được cải thiện, cuộc sống khấm khá hơn.

Huyện đảo Lý Sơn có điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái biển lý tưởng và rất thuận lợi để phát triển nuôi các loài thủy hải sản, đặc biệt là nuôi cá bớp lồng trên biển. Trong những năm qua, địa phương đã hỗ trợ giống cá, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thủy hải sản cho người dân trên đảo. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có hướng hỗ trợ cho 10 hộ dân mở rộng dự án nuôi cá bớp. Ngư dân rất ủng hộ và tiếp tục mở rộng, phát triển nghề nuôi cá bớp.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Phân biệt khẩu trang y tế phòng nhiễm khuẩn

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8389:2010 về khẩu trang y tế.

Theo đó, khẩu trang y tế gồm 3 loại: Khẩu trang y tế thông thường; khẩu trang y tế phòng nhiễm khuẩn và khẩu trang y tế phòng độc hóa chất. Trong đó, khẩu trang y tế phòng nhiễm khuẩn có tác dụng ngăn cản và diệt 99,9% vi khuẩn ngay trên bề mặt khẩu trang. Khẩu trang y tế phòng độc hóa chất có tác dụng lọc khí độc và hơi độc, tạo luồng khí sạch sau khi đi qua lớp lọc than hoạt tính. Khẩu trang y tế thông thường áp dụng cho khẩu trang y tế (đã tiệt khuẩn và không tiệt khuẩn) sử dụng trong các cơ sở y tế theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7312: 2003 về phương tiện cá nhân bảo vệ cơ quan hô hấp - khẩu trang có tấm lọc bụi. Đối với khẩu trang y tế đã tiệt khuẩn, việc đưa các chất kháng khuẩn lên vải chủ yếu được thực hiện sau công đoạn tẩy trắng, nhuộm màu hoặc in hoa theo các cách khác nhau: Ngấm ép, tráng phủ hoặc phun… Xử lý theo phương pháp này, vải thành phẩm có khả năng diệt tới 90% khuẩn sau 1 giờ tiếp xúc và giảm còn 60 - 70% sau một số lần giặt (sau 10 hoặc 20 lần giặt tùy theo loại chất kháng khuẩn sử dụng). Chủng loại các chất kháng khuẩn sử dụng để sản xuất vải kháng khuẩn tại Việt Nam rất phong phú, bao gồm các chất kháng khuẩn tổng hợp và các chất kháng khuẩn tự nhiên. Hầu hết các chất kháng khuẩn tổng hợp sử dụng trên hàng dệt may đều là chất diệt khuẩn, có hoạt tính diệt khuẩn mạnh, có thể ứng dụng theo các phương pháp khác nhau, hiệu quả trên các loại xơ, sợi.

Hiện tại, Trung tâm Thí nghiệm dệt may thuộc Công ty Cổ phần Viện Nghiên cứu dệt may là đơn vị tại Việt Nam có khả năng thử nghiệm khả năng kháng khuẩn của vải theo tiêu chuẩn AATCC 100, ISO 20743 và AATCC 147 được công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 17025: 2017 và được thừa nhận quốc tế. 

HÀNG VIỆT

Lào Cai:

Quế hữu cơ Nậm Đét là sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2016 - 2020 của địa phương, xã Nậm Đét (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) đã tập hợp những tổ nhóm cùng sở thích trồng quế thành lập Hợp tác xã Quế hữu cơ Nậm Đét (HTX). HTX làm đầu mối thu mua toàn bộ sản phẩm quế hữu cơ trong xã, liên kết với các doanh nghiệp để xuất khẩu quế ra các thị trường quốc tế.

Đại diện Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà, đơn vị phối hợp sản xuất quế hữu cơ tại huyện Bắc Hà cho biết, hơn 700 héc-ta quế hữu cơ tại xã Nậm Đét vừa được đối tác khu vực Thái Bình Dương cấp chứng chỉ quế hữu cơ quốc tế, nâng tổng diện tích quế hữu cơ được cấp chứng chỉ tại địa phương này trên 1.300 héc-ta. Trước đó, vùng quế Nậm Đét đã có hơn 600 héc-ta được cấp chứng chỉ quế hữu cơ quốc tế. Nậm Đét là xã duy nhất của tỉnh có 1.323,5 héc-ta quế của 334 hộ được cấp chứng chỉ quế hữu cơ quốc tế, đạt 70,8% tổng diện tích quế trên địa bàn.

Việc được cấp chứng nhận quế hữu cơ quốc tế đã góp phần nâng cao giá trị từ cây quế, hình thành vùng sản xuất chuyên canh quế gắn với chuỗi giá trị của ngành hàng quế tại địa phương. Đặc biệt, vùng nguyên liệu sản xuất quế được quản lý từ khâu chọn giống, phương thức trồng, chăm sóc, khai thác quế bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển sự đa dạng sinh thái trong vùng trồng quế, hỗ trợ việc xây dựng và quản lý vùng quế hữu cơ được phát triển đảm bảo. Sản phẩm quế hữu cơ Nậm Đét cũng được xây dựng là sản phẩm OCOP trong chương trình của huyện Bắc Hà.

Những năm gần đây, diện tích quế Bắc Hà dần được mở rộng. Bằng việc xây dựng thương hiệu quế hữu cơ, sản lượng và doanh thu từ quế ngày càng tăng cao. Trong đó, HTX Quế hữu cơ Nậm Đét từng bước tạo đà để cây quế vươn xa, chinh phục thị trường quốc tế. Tham gia HTX, người trồng quế được hướng dẫn cách sơ chế làm quế cắt miếng, phương pháp giúp nâng giá trị sản phẩm quế Nậm Đét lên 40% so với giá thành hiện tại và tiết kiệm nhân công thay cho cách làm thu mua và bán trực tiếp vỏ quế thô cho thương lái như trước kia. HTX đã đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, ứng dụng công nghệ vào chế biến 12 loại sản phẩm quế chất lượng cao. Các mặt hàng chủ lực như: Quế ống điếu, quế ống sáo, quế thuốc lá, quế lát vuông, quế tăm, tinh dầu quế… được thị trường đón nhận. Các sản phẩm quế của HTX được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, một số nước Trung Đông và các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản với doanh thu cao.

Hiện diện tích quế của HTX trên 1.800 héc-ta; trong đó, khoảng 1.200 héc-ta đang cho thu hoạch, trên 500 héc-ta rừng quế được cấp chứng nhận quế hữu cơ. HTX đã xây dựng thành công chứng nhận “Quế hữu cơ quốc tế”. Đây được xem là “giấy thông hành” để các sản phẩm quế Nậm Đét vươn xa, chinh phục thị trường khó tính trong nước và quốc tế. Đi đầu trong mô hình liên kết, HTX đang liên kết sản xuất với gần 100 hộ gia đình, tạo động lực để các hộ đồng bào tham gia lao động, sản xuất.

Tương tự, các xã khu vực hạ huyện Bắc Hà đã phát triển mô hình hợp tác xã quế; trong đó, 3 xã gồm: Nậm Lúc, Cốc Lầu và Bản Cái đã thành lập và hoạt động có hiệu quả 18 tổ nhóm nông dân sản xuất – kinh doanh quế với hơn 700 hộ nông dân tham gia. Việc chia sẻ lợi nhuận với nông dân, sự hợp tác bền vững, các hợp tác xã đã và đang tạo động lực để đồng bào nơi đây thêm mặn mà với cây quế và gắn bó với đồng đất quê hương mình. Đây thực sự là mô hình kinh tế hợp tác xã nông nghiệp điển hình, phát huy nội lực trong xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Tại “Kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020”, UBND tỉnh Lào Cai xác định, nhiệm vụ trọng tâm là tạo bước đột phá trong xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ để nâng cao chất lượng và giá trị một số ngành nông sản đặc hữu của tỉnh, hướng tới xuất khẩu. Trong đó, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ quế hữu cơ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con dân tộc huyện Bắc Hà.