Thông tin thị trường giá cả số 10/2020

10:05 AM 11/03/2020 |   Lượt xem: 4351 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Vùng Lục Khu (Cao Bằng):

Đổi đời từ gừng

Lục Khu là tên gọi chung của 12 xã đặc biệt khó khăn của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Tuy khó khăn về nước sinh hoạt, bốn bề là núi đá vôi, song vùng Lục Khu có nhiều tiềm năng nông nghiệp, trong đó cây gừng được xem là hướng đi mới cho phát triển kinh tế. 

Với địa hình chia cắt bởi những dãy núi đá cao, điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, nơi đây từng được mệnh danh là “vùng đất khát” của Cao Bằng. Thế nhưng, sau nhiều năm gieo trồng đại trà, đến nay, Lục Khu đã phát triển gần 200 héc-ta gừng trâu xuất khẩu. Người dân vùng cao đã có của ăn của để từ… gừng.

Tại xóm Lũng Rẩu, xã Vân An, hơn chục hộ gia đình đã tiến hành tổng kết mô hình gừng trâu hữu cơ năm 2019. Sau khi được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hầu hết các hộ bà con ở Lũng Rẩu đều gieo trồng đúng thời vụ, chăm sóc đúng quy trình, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học mà chỉ bón phân vi sinh, ủ phân chuồng, phân xanh chăm bón cây trồng. Đây là bước tiến mới để thay đổi tư duy của bà con, giúp tăng diện tích gieo trồng. Tổng sản lượng gừng vụ mùa năm nay của xã Vân An ước đạt hơn 700 tấn. Bình quân mỗi héc-ta có thu nhập 360 triệu đồng, giá trị kinh tế tăng gấp 10 lần so với trồng ngô, đỗ tương.

Tổng kết vụ gừng năm 2019, huyện Hà Quảng đạt năng suất bình quân từ 35 - 40 tạ/héc-ta. Toàn bộ diện tích gừng do 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Tư vấn môi trường (DACE) Hà Nội và Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Đức Chung ký kết với nông dân bao tiêu sản phẩm với giá thu mua 9.000 đồng/kg. Trong đó, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Đức Chung bao tiêu sản phẩm gừng cho 2 xã Vân An và Cải Viên. Công ty TNHH DACE Hà Nội đảm nhiệm thu mua gừng tại các xã Thượng Thôn, Nội Thôn, Lũng Nặm, Kéo Yên, Tổng Cọt.

Gừng là cây trồng truyền thống ở các xã Lục Khu nhưng trước đây người dân trồng tự phát, chủ yếu là tự cung tự cấp. Sau khi thực hiện thí điểm thành công, nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây gừng, các doanh nghiệp đã ký kết với nông dân để bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị. Doanh nghiệp tập huấn, hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả và chất lượng gừng. Trong 2 năm vừa qua, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Đức Chung đã phối hợp với Dự án Hỗ trợ kinh doanh nông hộ Cao Bằng tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con huyện Nguyên Bình và Thông Nông trồng hơn 10 héc-ta gừng tại một số xã vùng cao. Mô hình sản xuất và tiêu thụ gừng theo hướng xuất khẩu đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây là bài toán giảm nghèo bền vững khi nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Thực tế 2 năm vừa qua đã xuất hiện gừng non thối củ, héo lá gây mất mùa một số diện tích. Để giải quyết tình trạng này, 2 doanh nghiệp đang hợp đồng với bà con để thu mua gừng non với giá thị trường. Cách làm này đã hỗ trợ, khuyến khích người dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng gừng. Gừng đã trở thành cây mũi nhọn để thoát nghèo ở vùng cao.

Đến nay, ngoài xã Vân An, các xã Thượng Thôn, Cải Viên, Nội Thôn, Lũng Nặm, Kéo Yên, Tổng Cọt, mỗi xã trồng từ 10 đến 20 héc-ta, nâng tổng diện tích gừng trâu vùng Lục Khu lên 200 héc-ta, sản lượng ước đạt hơn 2.000 tấn.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Quảng Nam:

Tập trung phát triển giống quế Trà My

Quế là cây trồng truyền thống ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là nguồn thu nhập chính, giúp đồng bào các dân tộc Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Vì vậy, bên cạnh việc hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến, công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con nâng cao chất lượng sản phẩm cũng đang được huyện quan tâm phát triển. Theo đó, huyện đã xây dựng Đề án đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây quế với diện tích hơn 2.864 héc-ta. Đề án sẽ được triển khai tại 10/10 xã. Trong đó, vai trò của Đảng ủy, UBND các xã được thể hiện rõ nét thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn bà con trồng, phát triển cây quế Trà My. Đồng thời, phân tích hiệu quả kinh tế từ việc trồng quế để bà con có sự so sánh lợi nhuận. Từ đó, chuyển diện tích trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng quế. Tạo cơ sở hình thành vùng quế nguyên liệu tập trung. Huyện phấn đấu đến năm 2021, tăng diện tích trồng quế Trà My lên 6.000 héc-ta, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở thu mua, chế biến sản phẩm quế, góp phần vào việc tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn giống quế, nhất là giống do người dân tự mua trồng không rõ nguồn gốc, tránh việc du nhập giống quế ngoại lai làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như uy tín của quế Trà My. Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện tiến hành rà soát các diện tích được tỉnh quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển quế từng năm, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn trong quá trình triển khai thực hiện; quản lý tốt chất lượng giống quế, kiểm soát chặt chẽ giống quế người dân tự mua trồng.  Phòng Văn hóa - Thông tin tiến hành sưu tầm tài liệu liên quan đến quế Trà My để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua kênh điều hành của huyện để nhân dân được biết...

 

Quảng Trị

Thu hoạch ngô vụ đông xuân

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, hiện nay, nông dân xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị khẩn trương thu hoạch ngô vụ đông xuân 2019 - 2020.

Đến thời điểm này, người dân đã thu hoạch được khoảng 1/3 tổng diện tích ngô, năng suất ước đạt từ 70 - 72 tạ/héc-ta, cao hơn các năm trước từ 3 - 4 tạ/héc-ta. Theo tính toán của nông dân Triệu Long, bình quân 1 héc-ta ngô cho thu nhập 90 triệu đồng/vụ. So với vụ trước, vụ ngô này chất lượng và sản lượng cao hơn, đặc biệt là giá vượt trội nên nông dân trong xã rất phấn khởi.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, gần 10 năm trở lại đây, xã Triệu Long đã chuyển đổi 68 héc-ta đất trồng sắn và giống ngô địa phương ở bãi bồi ven sông Thạch Hãn sang trồng 2 giống ngô HN 88 và HN 68. Ưu điểm của các giống ngô này là có thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao, giá trị kinh tế lớn hơn các giống ngô truyền thống. Nhờ tuân thủ đúng khung lịch thời vụ, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây ngô sinh trưởng và phát triển tốt. Ngô Triệu Long dẻo, thơm ngon nên được nhiều người ưa chuộng. Vì thế, thương lái về tận ruộng thu mua nên người dân không phải lo lắng đầu ra của sản phẩm.

Năm nay, ngô được mùa, được giá nên nông dân rất phấn khởi. Nhờ trồng ngô nhiều hộ dân có thêm thu nhập khá, nâng cao đời sống gia đình. Thời gian tới xã sẽ động viên người dân vừa mở rộng diện tích trồng ngô vừa tiến hành trồng cả 2 vụ đông xuân và hè thu.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Nghệ An:

Giá hành tăm giảm

Thời điểm này, bà con nông dân huyện Nghi Lộc đang tập trung xuống đồng thu hoạch hành tăm. Nhờ thời tiết thuận lợi, hành tăm vụ này đạt năng suất tốt, sản lượng cao. Tính trung bình, hành tăm đạt năng suất 7 tạ/sào, cao hơn các năm trước. Mặc dù vậy, do ảnh hưởng của thị trường mùa dịch bệnh nên giá hành tăm hiện đang giảm dần. Nếu như đầu vụ hành có giá 40.000 đồng/kg thì hiện nay chỉ khoảng 25.000 đồng/kg.

Huyện Nghi Lộc là địa phương có diện tích hành tăm lớn nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An với 160 héc-ta, tập trung chủ yếu tại các xã Nghi Lâm, Nghi Thuận, Nghi Văn, Nghi Kiều... Mặc dù mới được trồng đại trà chưa lâu nhưng hành tăm được khẳng định là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập ổn định cho bà con.

Đồng Tháp:

Nông dân trúng giá vụ lúa đông xuân

Hiện nông dân huyện biên giới Hồng Ngự (Đồng Tháp) đang thu hoạch vụ lúa đông xuân năm 2020 trong tâm thế vui tươi, phấn khởi vì lúa vượt năng suất dự kiến, giá bán cao. Với giá lúa hiện tại là 5.200 đồng/kg, tính sơ bộ, lợi nhuận của các hộ khoảng 2,5 triệu đồng/công (1.000m2).

Vụ lúa đông xuân 2020, nông dân huyện biên giới Hồng Ngự đặt nhiều kỳ vọng vào vụ mùa bội thu, bởi trước đó huyện đã thực hiện việc xả lũ lấy phù sa cho khoảng 9.000 héc-ta đất lúa. Vụ lúa đông xuân năm nay, toàn huyện Hồng Ngự sản xuất khoảng 11.000 héc-ta, chủ yếu là giống lúa Đài Thơm 8. Hiện các diện tích lúa trên địa bàn huyện đang bước vào mùa thu hoạch. Các thương lái thu mua lúa tại ruộng đối với giống Đài Thơm 8 là 5.200 đồng/kg; IR 50404 đạt 4.600 đồng/kg. Với giá bán này, cộng với năng suất cao, đa phần nông dân làm lúa đều có lợi nhuận.

Phụng Hiệp - Hậu Giang:

Năm 2020 sẽ chuyển đổi 600 héc-ta mía

Năm 2020, huyện Phụng Hiệp sẽ tiếp tục vận động người dân chuyển đổi khoảng 600 héc-ta mía kém hiệu quả ở khu vực ngoài đê bao sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn như: Chanh không hạt, khóm MD2, xoài cát chu, lúa và các loại rau màu. Những diện tích vận động chuyển đổi sẽ được ngành nông nghiệp huyện liên kết với các công ty, doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho người dân. Năm 2019, huyện Phụng Hiệp đã chuyển đổi hơn 1.000 héc-ta mía sang các loại cây trồng khác. Hiện toàn huyện còn khoảng 6.000 héc-ta đất trồng mía. Mục tiêu huyện đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025 là sẽ giảm khoảng 3.000 héc-ta mía.

Do những khó khăn của nghề trồng mía trong những năm gần đây nên người dân đã chủ động áp dụng đồng bộ các giải pháp để giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận; cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ mía sang các loại cây trồng khác ở những khu vực trồng mía năng suất thấp, sản xuất kém hiệu quả.

Về lâu dài, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã đề xuất một số phương án tháo gỡ khó khăn, tạo sự ổn định cho người trồng mía. Theo đó, tỉnh sẽ rà soát lại quy hoạch vùng có năng suất, chất lượng, có đê bao mới tổ chức sản xuất; vùng ngoài đê bao, không đạt năng suất và chất lượng sẽ tiếp tục chuyển đổi dần sang các loại cây trồng khác có hiệu quả.

Bình Định:

Ớt rớt giá, nông dân thua lỗ

Thời gian qua, giá ớt trên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục giảm mạnh, khiến nông dân thua lỗ. Thời điểm này, giá ớt tại đại lý chỉ ở mức 9.500 - 10.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá ớt giảm từ 5 - 6 lần. Nguyên nhân khiến giá ớt giảm mạnh là do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang “đóng băng” vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hiện hầu hết các đại lý chỉ gom mua ớt ở mức cầm chừng, số lượng ít để tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Theo tính toán của nông dân, với giá ớt như hiện nay, người trồng ớt đang chịu lỗ hơn 5.000 đồng/kg. Nhiều năm nay, người trồng ớt trên địa bàn tỉnh thường xuyên gặp rủi ro do giá cả bấp bênh, đầu ra sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Long An:

Thanh long thiếu nước tưới cục bộ

Hiện nay, hàng ngàn héc-ta thanh long ở Long An đang vào vụ xông đèn. Tuy nhiên, tình hình khô hạn liên tiếp diễn ra khiến nhà nông khó khăn trong việc điều tiết nước.

Tại huyện Châu Thành, tình hình thiếu nước tưới cho thanh long đang diễn ra khá gay gắt do sông Tầm Vu dần cạn nước. Thậm chí, mương rạch nội đồng đã trơ đáy. Thời điểm này, nông dân đang đồng loạt xông đèn để thanh long ra trái chuẩn bị vụ tới. Nếu thiếu nước tưới, chất lượng trái thanh long sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do khu vực trồng thanh long nằm gần biển nên trước khi tình hình hạn mặn diễn ra địa phương đã cho đóng khoảng chục cống ngăn mặn để trữ nước ngọt cho bà con trồng thanh long. Nhưng sắp tới nếu không có mưa, tình hình nước tưới cho thanh long ở Châu Thành sẽ thiếu nghiêm trọng. Lúc đó, các cánh đồng thanh long đang xông đèn sẽ đồng loạt ra trái. Vì vậy, huyện Châu Thành khuyến cáo bà con trồng thanh long phải dùng rơm ủ gốc, bón phân để giữ nước cho cây. Tưới nước tiết kiệm khoảng tuần/lần, mỗi lần 5 - 7 lít nước/gốc.

Toàn tỉnh Long An hiện có 12.000 héc-ta thanh long. Riêng huyện Châu Thành - “thủ phủ” trồng thanh long của tỉnh, có 9.700 héc-ta. Toàn bộ diện tích trồng thanh long của huyện Châu Thành đều nằm trong diện bị ảnh hưởng của hạn mặn năm nay. Hiện Long An đang tập trung chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực thường xuyên xảy ra khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn. Qua đó, thực hiện các giải pháp công trình như nạo vét, đắp đập tạm. Tiến hành đặt các trạm bơm dã chiến tại các cống đầu mối để bơm nước vào đồng khi kiểm tra độ mặn đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Kiểm tra các tuyến đê bao xung yếu, cống đầu mối để kịp thời phát hiện sự cố và sửa chữa, khắc phục ngay không để nước mặn rò rỉ vào nội đồng ảnh hưởng chất lượng nguồn nước ngọt. Đóng cống nhiều tuyến kênh ngăn không cho nước nhiễm mặn ngoài sông xâm nhập sâu vào nội đồng.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Đồng Nai:

Xử phạt nhiều doanh nghiệp kinh doanh phân bón giả

Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đang tiến hành kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi trên địa bàn. Bước đầu đã phát hiện và xử phạt nhiều doanh nghiệp kinh doanh phân bón có dấu hiệu là hàng giả.

Tại huyện Định Quán, cơ quan chức năng đã xử phạt Cửa hàng vật tư nông nghiệp Bình Lộc về hành vi kinh doanh phân bón giả. Cửa hàng Bình Lộc đã bán một số sản phẩm phân bón có chất lượng dưới 70% so với hồ sơ công bố. Đó là sản phẩm phân bón Bioted 603 super do Công ty PTKT Vĩnh Long sản xuất ngày 4/6/2018; phân bón Tiến Nông NPH Si do Công ty CP Nông nghiệp Tiến Nông sản xuất ngày 23/2/2019. Với sai phạm về hành vi kinh doanh phân bón giả, cơ quan chức năng đã xử phạt cửa hàng trên 20 triệu đồng. Tại Cửa hàng vật tư nông nghiệp Tuyết Hùng, cơ quan chức năng cũng phát hiện sản phẩm phân bón trung lượng Vino Super canxi lân do Công ty TNHH SXTMDV Vino sản xuất ngày 10/9/2018; sản phẩm phân vi lượng BTCVN 026 siêu xanh do Công ty TNHH xuất nhập khẩu BTC Việt Nam sản xuất ngày 20/8/2018 có chất lượng đạt dưới 70%. Với hành vi kinh doanh phân bón giả, cửa hàng Tuyết Hùng bị xử phạt 7,4 triệu đồng.

Tại huyện Vĩnh Cửu, cơ quan chức năng cũng phát hiện Cửa hàng vật tư nông nghiệp Minh Hường có hành vi kinh doanh phân bón có chất lượng không đạt so với hồ sơ công bố. Đó là sản phẩm phân bón lá đạm trung lượng RVACFOFER – X2 do Công ty TNHH SX và TM RVAC sản xuất ngày 8/8/2018. Cơ quan chức năng đã xử phạt cửa hàng Minh Hường 15 triệu đồng. Tại huyện này, lực lượng chức năng cũng xử phạt Cửa hàng vật tư nông nghiệp Chín Tình số tiền 21 triệu đồng về hành vi kinh doanh phân bón có chất lượng đạt dưới 70%. Cửa hàng Chín Tình bị phát hiện kinh doanh phân bón hữu cơ vi lượng cá Rapid Times do Công ty CP sản xuất và XNK Quang Dũng sản xuất ngày 8/3/2019.

Điểm b, khoản 8, điều 3 Nghị định 185/2013 NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng quy định rõ “Hàng giả” gồm: Hàng hoá có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính cơ bản kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký; công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hoá.

HÀNG VIỆT

Hàng Việt

Quảng Trị:

Phát triển mới 15 sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Trị có 35 sản phẩm có thế mạnh tham gia Chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm” (OCOP). Ngoài ra, tỉnh còn có gần 100 sản phẩm, vật phẩm tiềm năng có thể tham gia chương trình này.

Năm 2020, Quảng Trị phấn đấu hoàn thiện, nâng cấp và tiêu chuẩn hóa 35 sản phẩm thế mạnh; phát triển mới 15 sản phẩm; có ít nhất 3 sản phẩm đạt “5 sao” cấp tỉnh, 1 sản phẩm đạt “5 sao” cấp quốc gia. Đồng thời, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với hợp tác xã, doanh nghiệp. Kinh phí để thực hiện mục tiêu trên là trên 98 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương gần 18 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và nguồn khác.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, tỉnh cũng tiến hành đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho khoảng 400 cán bộ quản lý nhà nước cấp huyện, xã và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cũng phân hạng 19 sản phẩm cấp tỉnh thuộc Chương trình OCOP đạt “3 sao” trở lên; trong đó có 2 sản phẩm đạt “4 sao”, 17 sản phẩm đạt “3 sao”. Hầu hết các sản phẩm đạt “3 sao” là đặc sản nổi tiếng của các địa phương như: Hạt tiêu Cùa, cao cà gai leo, cao chè vằng, dầu mè nguyên chất của các xã ở huyện Cam Lộ; măng muối chua, măng dầm tỏi ớt, cà phê Khe Sanh của huyện Hướng Hóa... Trong đó, gạo sạch Triệu Phong của Hợp tác xã Nông sản sạch Triệu Phong là một trong hai sản phẩm đạt “4 sao” đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Từ năm 2015, Hợp tác xã Nông sản sạch Triệu Phong đã triển khai mô hình ứng dụng các chế phẩm vi sinh vào sản xuất lúa gạo sạch ở các xã: Triệu Tài, Triệu Trung, Triệu Trạch, Triệu Sơn, Triệu Thượng thuộc huyện Triệu Phong. Khi mới thực hiện mô hình này, chỉ có 70 hộ nông dân tham gia, hiện nay đã có gần 500 hộ tham gia sản xuất 30 héc-ta lúa sạch.

Cà Mau:

Dành 30 tỷ đồng triển khai OCOP

Cà Mau sẽ dành kinh phí hơn 30 tỷ đồng để triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu năm 2020, Cà Mau sẽ xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành chương trình OCOP; xây dựng hệ thống xúc tiến đồng bộ, hoạt động hiệu quả; thương hiệu sản phẩm OCOP Cà Mau được lan rộng và phổ biến trên toàn quốc. Theo đó, tỉnh sẽ triển khai chương trình quảng bá OCOP thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm, chuyên mục, chuyên trang, các kênh mạng xã hội… Tổ chức ngoại khóa OCOP cho sinh viên, học sinh trên địa bàn tỉnh; xây dựng điểm trưng bày sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng OCOP… Đồng thời, tiêu chuẩn hóa ít nhất 25 sản phẩm, dịch vụ hiện có của tỉnh Cà Mau; công nhận chứng nhận 2 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao và ít nhất 10 sản phẩm đạt 3 - 4 sao; phát triển nâng cấp ít nhất 22 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP và đào tạo 100% cán bộ OCOP các cấp, 100% cán bộ lãnh đạo đương nhiệm các chủ thể OCOP.

Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, Cà Mau tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện chương trình OCOP. Đồng thời, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài để huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia thực hiện. Chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP. Tăng cường phát triển các sản phẩm và nghiên cứu, nâng cấp sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Gắn kết chương trình OCOP với các chương trình, dự án khác để hỗ trợ các chủ thể sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm dịch vụ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao… Hiện tại, tỉnh Cà Mau có 50 sản phẩm và 38 chủ thể dự kiến tham gia chương trình OCOP tỉnh.