Thông tin thị trường giá cả số 05/2020

03:24 PM 04/02/2020 |   Lượt xem: 3726 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Bình Phước:

Mô hình câu lạc bộ sản xuất tiêu bền vững

Dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” được triển khai từ năm 2013. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất tiêu thông qua việc hình thành các tổ, nhóm, câu lạc bộ nông hộ sản xuất tiêu bền vững. Sau gần 7 năm với 3 giai đoạn thực hiện, đến nay, dự án đem lại hiệu quả cao cho người trồng tiêu ở Bình Phước.

Sản xuất tiêu bền vững, an toàn

 Đây là dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước phối hợp Tổ chức Phát triển Hà Lan và Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam triển khai thực hiện với mục tiêu sản xuất các sản phẩm hạt tiêu sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ và các thị trường khó tính khác. Tham gia dự án, bà con nông dân được tập huấn các kiến thức về sản xuất tiêu bền vững theo tiêu chuẩn R.A và phát triển sự hợp tác lâu dài giữa nông dân với nhà chế biến xuất khẩu Nedspice. Nhiều nông hộ ở Bình Phước đã chăm sóc vườn tiêu theo hướng sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP. Để có sản phẩm sạch xuất khẩu, bà con không lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có độc tố cao; không dùng các hoạt chất cấm sử dụng và ưu tiên phòng trừ nấm, sâu rầy, rệp bằng nấm đối kháng. Bên cạnh việc được hỗ trợ phân tích đất, nước, dự báo lượng mưa để hiểu rõ về nhu cầu dinh dưỡng của cây tiêu, nông dân còn được tư vấn cách chăm sóc, phân bón, thuốc phù hợp. Đặc biệt, công ty áp dụng nhiều sự hỗ trợ khác nên giá thu mua cao hơn thương lái từ 4.500 - 9.500 đồng/kg.

Hiện toàn tỉnh Bình Phước có hơn 70 câu lạc bộ, tổ, nhóm phát triển tiêu bền vững, với 2.000 hộ dân tham gia, diện tích khoảng 2.000 héc-ta đạt chứng nhận R.A. Bên cạnh hiệu quả của việc thu mua sản phẩm, dự án còn tác động tích cực đến nhận thức của nông dân. Người trồng tiêu đã chuyển từ canh tác truyền thống sang canh tác có trách nhiệm, ưu tiên đến môi trường và sức khỏe lao động, người tiêu dùng. Đến nay, các nông hộ tham gia dự án đã hình thành thói quen canh tác an toàn, kiểm soát lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thông qua sổ nhật ký nông hộ. Bà con nông dân cũng đã có ý thức trong sử dụng các loại thuốc không gây độc hại cho người và môi trường sinh thái.

Cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp

Nedspice Việt Nam là công ty 100% vốn của Hà Lan. Đây là 1 trong 3 tập đoàn sản xuất gia vị hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, Nedspice thu mua bình quân khoảng 17.000 tấn tiêu khô/năm để sản xuất tiêu bột cung cấp cho hệ thống siêu thị ở các nước châu Âu. Công ty Nedspice Việt Nam có thị trường truyền thống lâu đời nên rất cần vùng nguyên liệu ổn định, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, Nedspice cam kết thực hiện chuỗi giá trị cung ứng tiêu trên địa bàn Bình Phước mang tính bền vững lâu dài, bảo đảm lợi ích kép cho cả doanh nghiệp và nông dân. Niên vụ 2018 - 2019, công ty đã thu mua hơn 10.000 tấn hạt tiêu từ dự án tiêu sạch bền vững tại Bình Phước.

Sau gần 7 năm thực hiện, Dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” đã góp phần nâng cao điều kiện sản xuất, tác động đến quá trình canh tác thu hoạch và nhận thức của nông dân. Người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh đã quen thuộc với khái niệm trồng tiêu sạch, sản xuất có trách nhiệm đi đôi với quyền lợi. Đến nay, hạt tiêu Bình Phước được các khách hàng, nhà thu mua đánh giá là có chất lượng tốt nhất hiện nay. Hiệu ứng tích cực của dự án đã lan tỏa và là tiền đề cho các chương trình, dự án khác trong liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Bắc Kạn:

Ký hợp đồng tiêu thụ nông sản với Big C

Nhằm tiêu thụ sản phẩm nông sản của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn, Big C đã ký hợp đồng hợp tác thương mại với 9 nhà cung cấp địa phương. Qua đó, tạo sinh kế ổn định cho 200 hộ nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể, 9 đơn vị tham gia ký kết hợp đồng với Big C tại Bắc Kạn gồm: HTX Mai Lạp (măng nứa tép Mai Lạp); hộ nông dân Bàn Tiến Trung (măng ớt đỉnh đèo gió); HTX trồng cây ăn quả thôn Khuổi Nằn II, xã Lương Hạ (cam đường canh); HTX Nông nghiệp Thanh Niên Như Cố (trà mướp đắng rừng Bắc Kạn); HTX Khẩu Nua Lếch (gạo nếp Khẩu nua lếch Ngân Sơn); cơ sở sản xuất bánh kẹo Thanh Yên (bánh gạo nương Thanh Yên); hộ kinh doanh Nông Hồng Quyên (cơm cháy gạo nếp nương); hộ kinh doanh Đặng Thị Huyền (nấm hương khô Bắc Kạn); HTX bún phở Quỳnh Niên (phở khô Quỳnh Niên).

Đây là kết quả của biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Central Retail Việt Nam và Trung tâm khuyến nông tỉnh Bắc Kạn cách đây 2 tháng. Theo nội dung hợp tác, Big C và Trung tâm khuyến nông tỉnh Bắc Kạn phối hợp triển khai dự án sinh kế cộng đồng tại 6 huyện của tỉnh Bắc Kạn, gồm: Na Rì, Chợ Đồn, Ngân Sơn, Bạch Thông, Chợ Mới và Ba Bể với hơn 200 hộ nông dân đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ thuộc 10 nhóm hợp tác xã/tổ hợp tác để tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống 17 siêu thị Big C khu vực phía Bắc. Trong thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục phối hợp cùng Big C liên kết doanh nghiệp vừa và nhỏ để đẩy mạnh bao tiêu các đặc sản địa phương.

Dự án sinh kế cộng đồng tại Bắc Kạn là dự án thứ 6 trong chương trình sinh kế cộng đồng do Central Retail Việt Nam phát động từ đầu năm 2018. Mục đích nhằm hỗ trợ quảng bá, kích cầu, tạo giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu cho nông sản, đặc sản vùng miền, địa phương của Việt Nam.

 

Chiêm Hóa - Tuyên Quang:

Liên kết bao tiêu dược liệu

Thực tế hiện nay, trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang có các loại cây thảo dược bản địa quý, có giá trị kinh tế cao như: Khôi nhung, sâm cau, ba kích, giảo cổ lam... Tuy nhiên, việc trồng, khai thác với quy mô nhỏ lẻ, chưa mang lại giá trị kinh tế cao và bền vững cho người nông dân.

Trước tình hình này, huyện Chiêm Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong việc cung cấp, bao tiêu sản phẩm. Từ đó mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con nông dân trên địa bàn.

Điển hình là mô hình do UBND xã Hùng Mỹ xây dựng “Dự án liên kết trồng cây khôi nhung dưới tán rừng” với diện tích 2 héc-ta tại 3 hộ thôn Thắm. Mô hình được thực hiện giữa Công ty Cổ phần tư vấn phát triển nông thôn Xuân Mai, Trung tâm Đào tạo nghề nông nghiệp và tư vấn phát triển nông thôn, Trường Cao đẳng nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc bộ trong việc cung ứng cây giống, công nghệ trồng, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm theo chuỗi khép kín từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Dự án bước đầu đã mở ra một hướng sản xuất mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Qua đó, vừa tạo ra việc làm có thu nhập cao cho người dân, vừa thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Góp phần tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho bà con. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, xu hướng trồng cây dược liệu bắt đầu phát triển mạnh, đặc biệt từ khi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được triển khai sâu rộng tại các địa phương. Hiện nay, ngoài những cây dược liệu như: Cà gai leo, khôi nhung, xạ đen... một số doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đưa vào nhiều cây trồng mới như sachi, một số nơi khôi phục lại cây sả... Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo, những cây trồng không nằm trong danh mục cây trồng chính của tỉnh, bà con nên thận trọng trong việc mở rộng diện tích.

 

Xây dựng chuỗi liên kết giá trị sâm Ngọc Linh

Chỉ thị số 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình số 31 của UBND tỉnh Kon Tum về triển khai 3 lĩnh vực đột phá phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 xác định, bảo tồn, đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác gắn với xây dựng chuỗi liên kết giá trị và phát triển thương hiệu là đòn bẩy tạo đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phát triển vùng nguyên liệu

Theo đó, Kon Tum đã xây dựng và triển khai đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn. Đến nay, tỉnh đã giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng để triển khai các dự án đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu và chế biến dược liệu đối với 10 doanh nghiệp, tổng diện tích khoảng 7.660 héc-ta. Phần lớn trong số này là diện tích cho thuê rừng để trồng sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Đắk Glei, Tu Mơ Rông. Tại huyện Tu Mơ Rông, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện và các xã rà soát, bố trí trên 600 héc-ta đất để liên canh các loại cây dược liệu, trong đó ưu tiên trồng sâm dây. Huyện cũng đã giới thiệu khoảng 1.000 héc-ta đất cho các doanh nghiệp lập thủ tục đầu tư, phát triển cây dược liệu.

Phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên và tranh thủ các nguồn đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS khó khăn, bước đầu, bà con nông dân các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) đã trồng được 40 héc-ta sâm dây, 27 héc-ta cây đương quy, hơn 17 héc-ta sâm Ngọc Linh, hơn 6 héc-ta các loại cây sơn tra, ngũ vị tử, sa nhân.

Trong tháng 6/2019, Chương trình phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, đáng chú ý là xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” và nhãn hiệu sâm Ngọc Linh ra nước ngoài cho các sản phẩm sâm Ngọc Linh xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh Kon Tum, mà trọng tâm là quản lý chặt chẽ nguồn gốc, tiêu chuẩn sâm giống; hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất sâm Ngọc Linh theo chuỗi giá trị. Đặc biệt là công tác xúc tiến chuẩn bị các điều kiện để sớm hình thành 3 trung tâm dược liệu tại 3 vùng trọng điểm: Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đắk Glei.   

Song song với đầu tư hình thành 3 vườn ươm giống dược liệu, UBND tỉnh còn xác định tập trung hình thành ít nhất 2 cơ sở sản xuất giống sâm Ngọc Linh tại Tu Mơ Rông, 1 cơ sở sản xuất giống dược liệu khác tại Kon Plông; lựa chọn xây dựng thành công các thương hiệu sản phẩm dược liệu chủ lực trên địa bàn tỉnh, mà trước mắt là sâm Ngọc Linh và sâm dây.

Tạo ra chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh

Ðể phát triển chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh, cần đầu tư đồng bộ, từ cơ sở hạ tầng, cho đến giống sâm, di thực sâm và các sản phẩm từ sâm. Trước hết là tháo gỡ khó khăn về giống, bởi hiện chưa có nguồn giống chuẩn phục vụ trồng tạo vùng nguyên liệu hàng hóa. Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng chiến lược về thương hiệu, quy trình quản lý, chứng nhận chất lượng về phát triển vùng dược liệu nói chung và cây sâm Ngọc Linh nói riêng nhằm tạo đà cho phát triển kinh tế bền vững vùng đồng bào DTTS. Trước mắt, các địa phương có lợi thế cần tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, gắn với xây dựng nhà máy chế biến, tạo ra các dòng sản phẩm chất lượng cao, đưa sâm Ngọc Linh vươn ra thị trường thế giới.

Việc đầu tư phát triển chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế đơn thuần mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vùng đồng bào DTTS. Qua đó, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi, miền xuôi và góp phần phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, để việc xây dựng, tạo chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh đạt kết quả như mong muốn, trước hết cần phát triển trồng trọt, đầu tư cho nghiên cứu khoa học, bảo đảm nguồn gien. Và phải có sự hợp tác giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân dưới sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước.

Nhằm phát triển các chuỗi giá trị liên kết gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực, dược liệu và sâm Ngọc Linh, Kon Tum xác định lấy doanh nghiệp làm trụ cột, hợp tác xã là hạt nhân, người dân là chủ thể.

 

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Đồng Nai:

Hướng dẫn sản xuất hồ tiêu đạt chuẩn xuất khẩu

Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Đồng Nai đã có văn bản gửi các địa phương về việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hồ tiêu xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có khoảng 18.000 héc-ta hồ tiêu. Tuy nhiên, chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay đã có trên 4.000 héc-ta hồ tiêu bị dịch bệnh, trong đó chủ yếu là nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm... Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Đồng Nai đã có văn bản gửi các địa phương về việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hồ tiêu xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Theo đó, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến từng hộ sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh phải ứng dụng quy trình sản xuất hồ tiêu theo hướng tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ; lựa chọn sử dụng các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép và đúng nguyên tắc về liều lượng, thời gian cách li. Không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa các hoạt chất Chlorpyrifos ethyl và Chlorpyrifos methyl (2 loại chất cấm) để phòng trừ sâu hại. Đồng thời, tăng cường tập huấn quy trình sản xuất an toàn cho nông dân, nhất là thông tin đến người sản xuất những quy định của thị trường châu Âu; lấy mẫu kiểm tra dư lượng các hoạt chất cấm vào thị trường này, đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu.

Mặc dù hiện nay, sản phẩm tiêu của nước ta đang phải cạnh tranh gay gắt với tiêu từ các nước khác như: Brasil, Indonesia… nhưng đầu ra cho hồ tiêu thông qua kết nối thị trường châu Âu vẫn rất tốt. Vấn đề chính là bà con cần thay đổi phương pháp sản xuất theo hướng sạch, an toàn và nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, có đầu ra bền vững. Các chuyên gia trong ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo, để nâng cao giá trị hồ tiêu, các địa phương cần kiểm soát tốt diện tích hồ tiêu, tuyên truyền để nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tránh tình trạng chạy theo năng suất mà bỏ qua chất lượng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết trong trồng - chế biến - tiêu thụ.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Phân biệt nước mắm Phan Thiết

Phan Thiết không chỉ nổi tiếng bởi du lịch mà có một loại đặc sản trứ danh là nước mắm từ hơn 100 năm qua. Nước mắm Phan Thiết đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận với tên gọi riêng là “nước mắm Phan Thiết” kèm theo quy chuẩn sản xuất nghiêm ngặt.

Nguyên liệu chính để làm nước mắm Phan Thiết là cá cơm hoặc cá nục. Thời gian ủ, chượp cá cho đến khi lấy nước mắm thành phẩm phải từ 12 - 15 tháng. Trong khi đó, phần lớn nước mắm giả, nhái đều được làm từ cá tạp, thời gian ủ, chượp được rút ngắn, chỉ còn dưới 6 tháng. Nước mắm giả thương hiệu không đảm bảo chất lượng nên thường được pha thêm hóa chất để tạo màu và hương vị. Đặc biệt, nước mắm giả nước mắm Phan Thiết không để lâu ngày được và thường bị biến chất. Để phân biệt nước mắm Phan Thiết thật, giả, bà con cần lưu ý đến một số đặc điểm sau:

- Trên bao bì và trên chai nước mắm Phan Thiết thật có logo với hình tháp nước và 3 con cá trên nền màu vàng nâu. Nước mắm giả không có logo này.

- Phía dưới logo nước mắm Phan Thiết thật có mã số của nhà sản xuất được Nhà nước cấp trong khi nước mắm giả không có.

- Nước mắm Phan Thiết thật có màu nâu cánh gián nếu làm bằng cá nục, màu vàng rơm nếu sản xuất bằng cá cơm. Còn nước mắm giả chỉ có màu nâu nhạt hoặc đen xám.

- Nước mắm Phan Thiết thật có mùi thơm nồng đặc trưng của cá nục hoặc cá cơm trong khi nước mắm giả có mùi hóa chất.

- Khi nêm nếm, nước mắm Phan Thiết thật có vị ngọt của cá còn nước mắm giả có vị ngọt của hóa chất.

HÀNG VIỆT

Lai Châu:

Phát triển thương hiệu gạo tẻ râu

Gạo tẻ râu là loại gạo địa phương đặc trưng của tỉnh Lai Châu. Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này, Lai Châu đã nhân rộng giống lúa tẻ râu và triển khai một số mô hình trồng trọt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ mô hình Nhóm thanh niên lập nghiệp

Được sự hỗ trợ của cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy, năm 2018, nhóm thanh niên 2 bản Nà Giang và Thèn Thầu (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đã thành lập Nhóm Thanh niên phát triển kinh tế. Mục đích của nhóm là liên kết trong sản xuất, thu mua và tiêu thụ các sản phẩm nông sản địa phương theo chuỗi giá trị.

Sau khi tiến hành khảo sát nhu cầu của khách hàng, Nhóm Thanh niên phát triển kinh tế nhận thấy người tiêu dùng có mong muốn được sử dụng sản phẩm sạch, an toàn không chứa chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ sức khỏe. Từ những ý kiến đó, nhóm tập trung vào việc khai thác tiềm năng, thế mạnh và điều kiện sẵn có ở địa phương, phát triển thương hiệu gạo tẻ râu.

Để thực hiện mô hình lúa tẻ râu, đảm bảo các yêu cầu về sản phẩm an toàn ngay từ khi gieo cấy đến khâu chế biến thực phẩm, nhóm đã vận động 30 hộ gia đình dân tộc thiểu số ở bản Nà Giang có đất ruộng gần nhau tham gia với diện tích 3 héc-ta. Nhằm đảm bảo tính bền vững của mô hình, đồng thời giúp bà con yên tâm sản xuất, nhóm đã thực hiện ký cam kết bao tiêu sản phẩm. Sau khi thu hoạch lúa, Nhóm mua thóc của bà con với giá 13.000 đồng/kg, mức giá này được áp dụng ngay cả khi giá ngoài thị trường thấp hơn. Đối với người nông dân, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đảm bảo chất lượng sản phẩm, khi làm đất, không được sử dụng thuốc diệt cỏ, thay vào đó là dùng dao phát cỏ, hoặc khi cỏ mọc trong ruộng lúa phải làm bằng phương pháp thủ công dọn cỏ. Dùng các loại phân chuồng, phân xanh bón lúa. Những công đoạn này đều có sự giám sát của các thành viên trong nhóm. Khi phơi thóc tẻ râu, bà con phơi trong nửa ngày nắng, không được phơi nắng nhiều ngày bởi khi xát thóc, hạt gạo sẽ có màu trắng đục, hạt dễ gẫy, ăn không ngon; còn phơi thóc không khô thì không xát được. Để gạo không bị mốc, mùi hôi, nhóm không xát nhiều mà bán đến đâu, xát đến đó.

… đến xây dựng thương hiệu “Gạo tẻ râu Phong Thổ”

Để hoạt động kinh doanh đúng với quy định của pháp luật, đồng thời giúp khách hàng chọn mua sản phẩm không bị nhầm lẫn, nhóm thống nhất lấy tên sản phẩm là “Gạo tẻ râu Phong Thổ” còn gọi là Khẩu Chắp Hang. Trên bao bì có ghi đầy đủ các thông tin về sản phẩm. Qua kiểm nghiệm chất lượng gạo, các chỉ tiêu hình thái, cảm quan về màu sắc, mùi vị, kích thước hạt gạo đạt chất lượng. Các chỉ tiêu lý hóa như: Tinh bột, protein, amylose... đảm bảo uy tín và an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, sản phẩm gạo tẻ râu Phong Thổ được nhiều khách hàng ưa chuộng. Trên địa bàn tỉnh, sản phẩm gạo tẻ râu Phong Thổ được Nhóm Thanh niên phát triển kinh tế bán với giá 25.000 đồng/kg, còn khi vận chuyển về Hà Nội thì bán với giá 30.000 đồng/kg. So với giống khác thì gạo tẻ râu có giá trị gấp đôi, lại là giống bản địa nên ít bị sâu bệnh. Để đảm bảo giống tẻ râu cho lần gieo cấy tiếp theo, vụ thu hoạch lúa vừa qua, các thành viên trong nhóm đã lựa chọn từng bông lúa trên ruộng để lấy giống chuẩn.

Nhận thấy hiệu quả tích cực của mô hình, hiện nay, nhiều gia đình trong bản đã chủ động đăng ký tham gia trồng lúa tẻ râu cung cấp thóc cho nhóm. Hy vọng, lợi ích bước đầu của mô hình sẽ giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời là cơ hội để thanh niên nông thôn tìm ra hướng làm kinh tế mới.