Thông tin thị trường giá cả số 04/2020

03:20 PM 04/02/2020 |   Lượt xem: 4114 |   In bài viết | 

Chứng nhận chỉ dẫn địa lý sản phẩm nhung hươu Hương Sơn:

Cơ hội vươn xa

Mùa xuân, khi vạn vật sinh sôi nảy nở, những hàng cây bắt đầu khoe lá non lộc biếc cũng là lúc người nuôi hươu ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh vào mùa cắt lộc nhung hươu. Nghề nuôi hươu truyền thống đã giúp người dân huyện miền núi Hương Sơn thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Là huyện miền núi nằm giáp biên giới Lào, Hương Sơn có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhưng bù lại được thiên nhiên ưu đãi, thổ nhưỡng phù hợp để nuôi hươu sao. Giống hươu sao và hươu nhung ở Hương Sơn ngày càng được người tiêu dùng tín nhiệm vì có lượng dinh dưỡng cao. Nhờ vậy, nghề nuôi hươu phát triển rộng khắp trên địa bàn huyện Hương Sơn với hơn 20 xã có đàn hươu lớn. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Hương Sơn hiện có gần 34.000 con hươu với sản lượng nhung trên 8 tấn, ước tính thu về hơn 80 tỷ đồng. Nhiều xã như: Sơn Lâm, Sơn Quang, Sơn Trung, Sơn Giang có đàn hươu trên dưới 3.000 con.

Từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay, người dân Hương Sơn đã mở rộng quy mô chăn nuôi, thành lập Hợp tác xã thương mại dịch vụ để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài chính sách của tỉnh, hàng năm, huyện Hương Sơn đã có nhiều chính sách hỗ trợ để tạo động lực cho người chăn nuôi mở rộng quy mô như: Hỗ trợ xây dựng chuồng trại, mua con giống, trồng cỏ. Đối với những hộ chăn nuôi mới từ 20 con hươu trở lên và trồng 0,1 héc-ta cỏ thâm canh được hỗ trợ 20 triệu đồng. Từ 100 con hươu trở lên và trồng 1 héc-ta cỏ thâm canh hỗ trợ 150 triệu đồng với điều kiện chủ mô hình có cam kết nuôi ổn định đàn ít nhất 3 năm kể từ ngày nghiệm thu. Nhờ chính sách kích cầu, từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay, người dân Hương Sơn đã biết mở rộng quy mô, liên kết sản xuất. Xác định đây là vật nuôi chủ lực, huyện Hương Sơn đang tiếp tục chỉ đạo phát triển và xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi hươu. Nhờ vậy, nhung hươu Hương Sơn không chỉ có mặt ở thị trường trong nước mà còn vươn ra những thị trường lớn như Mỹ, Canada…

Đặc biệt, ngày 28/2/2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhung hươu Hương Sơn. Trước đó tháng 12/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt dự án tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Hương Sơn” cho sản phẩm nhung hươu. Dự án nhằm mục đích xác định được nguồn gốc xuất xứ của nhung hươu gắn với ưu thế về địa lý, khí hậu và tập quán chăn nuôi lâu đời của người dân. Từ đó, xác định được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, tăng cường lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy phát triển sản phẩm quý hiếm, có giá trị, góp phần nâng cao kinh tế cho người chăn nuôi. Thành công của dự án là tiền đề để địa phương tiến hành mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý đối với vùng nuôi hươu lấy nhung trên địa bàn toàn huyện Hương Sơn. Ðồng thời, góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia và mở rộng sự nhận biết của cộng đồng quốc tế đối với sản phẩm truyền thống.

Nhung hươu Hương Sơn là chỉ dẫn địa lý thứ 2 được cấp sau bưởi Phúc Trạch của tỉnh Hà Tĩnh và cũng là chỉ dẫn địa lý thứ 72 của Việt Nam. Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý nhằm phát triển và quảng bá thương hiệu nhung hươu Hương Sơn, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Nhiều năm trở lại đây, khi nhung hươu được giá, nghề nuôi hươu đã giúp người dân huyện miền núi Hương Sơn làm giàu bền vững. Hươu cũng trở thành vật nuôi chủ lực của địa phương trong phát triển kinh tế.

 

Độc đáo chợ chuối vùng biên

Khoảng 10 năm trở lại đây, tại xã biên giới Tân Long (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) duy trì ngôi chợ mà sản phẩm được mua bán duy nhất là chuối Mật mốc.

Chợ chuối Tân Long nằm ngay ở ngã 3 giao nhau giữa tuyến QL9 nối TP. Đông Hà sang Lào và tuyến đường vào 7 xã vùng Lìa, thuộc địa phận xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Địa điểm này được xem là đắc địa, rất thuận tiện cho giao thương buôn bán. Đây cũng là khu vực đầu mối trao đổi, mua bán sản phẩm chuối giữa người dân các bản làng xa xôi của huyện Hướng Hóa, hay những nông dân nước bạn Lào với thương lái khắp nơi thu gom chuối xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chuối Mật mốc sau khi thu hoạch từ các vườn, rẫy được bà con nông dân vận chuyển bằng xe máy hay gánh bộ về chợ để bán lại cho các chủ đầu mối chuyên đánh hàng sang Trung Quốc hay các điểm thu mua nhỏ lẻ xung quanh khu vực chợ. Đặc biệt, vào các dịp Tết Nguyên đán, chuối Mật mốc Hướng Hóa là một trong những mặt hàng nông sản được tiêu thụ mạnh nhất tại địa phương. Vào thời điểm này, các thương lái tạm thời ngừng hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc để tập trung cho thị trường trong nước.

Những ngày này, từ sớm tinh mơ cho đến chiều tối, hàng đoàn xe máy của người dân trồng chuối khắp các bản làng nối đuôi nhau ken kín trên các tuyến đường đưa chuối vào khu vực chợ Tân Long. Hàng trăm thương lái các tỉnh, thành tập trung về đây thu mua rồi vội vã đưa hàng về xuôi, tạo khung cảnh náo nhiệt ngày cuối năm nơi vùng biên giới vốn thường ngày khá yên ả.

 

Di Linh - Lâm Đồng:

Mô hình tái canh cây cà phê giúp xóa đói, giảm nghèo

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Đây cũng là cây xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn này.

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cà phê thời gian qua, huyện Di Linh đã đẩy mạnh thực hiện tái canh những diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả. Đồng thời, triển khai nhiều mô hình tái canh cây cà phê cho các xã vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, giúp bà con nâng cao kiến thức nông nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt.

Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh đã thực hiện 5 mô hình trồng tái canh cây cà phê kết hợp với quản lý tuyến trùng và nấm hại rễ trong điều kiện không luân canh cho một số xã trong huyện. Trung tâm nông nghiệp huyện cũng vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa nâng cao hiệu quả tái canh, cải tạo cà phê. Trong đó, mô hình trồng tái canh kết hợp với quản lý tuyến trùng và nấm hại rễ cà phê trong điều kiện không luân canh ở xã Gia Bắc được triển khai thực hiện liên tục trong 3 năm gần đây và được áp dụng theo quy trình kỹ thuật tái canh của Cục Trồng trọt ban hành. Kết quả sau 2 năm thực hiện cho thấy, hầu hết cây cà phê đều sinh trưởng tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%... Đặc biệt, do xử lý tốt đất trước khi trồng nên đã hạn chế đáng kể mầm bệnh tuyến trùng và nấm gây hại. Các hộ đồng bào dân tộc khi tham gia mô hình đã nắm bắt được khoa học kỹ thuật từ việc làm đất, trồng, bón phân cho đến cách tỉa cành tạo tán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý tuyến trùng và nấm hại rễ. Nhờ vậy, cây cà phê sau tái canh phát triển tốt, cho năng suất cao. Thành công bước đầu của mô hình đã giúp thay đổi nhận thức của bà con, ý thức tự giác tái canh ngày càng cao hơn.

Trên thực tế, việc tái canh cây cà phê không đơn giản trong bối cảnh nguồn lực có hạn, kỹ thuật, cây giống và đặc biệt, vấn đề thiếu vốn là một bài toán nan giải cho nhiều hộ dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc. Do đó, theo kinh nghiệm của huyện Di Linh, đối với những vườn cà phê chưa đến mức tái canh thì phải trẻ hóa, mà muốn trẻ hoá phải tăng cường vệ sinh cho đất, sau đó cưa đi rồi mới trẻ hóa bộ phận trên.

Thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức giúp bà con tiếp cận với những quy trình kỹ thuật tái canh, huyện Di Linh sẽ tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tái canh, cải tạo hiệu quả những diện tích cà phê già cỗi, kém chất lượng.

Lâm Đồng là địa phương có diện tích tái canh cà phê lớn nhất vùng Tây Nguyên với khoảng trên 58.000 héc-ta và đang trên đà phát triển tốt. Tỉnh xác định, tái canh cà phê không chỉ là trách nhiệm của ngành nông nghiệp mà là nhiệm vụ của cả các cấp chính quyền, người dân. Để chương trình tái canh cây cà phê đạt hiệu quả cao, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện và quán triệt đến các huyện thị cần chú trọng đến công tác giống, kiểm soát chặt khâu giống để tạo ra cây chất lượng phục vụ tái canh. Đồng thời, kiểm soát chặt việc trồng xen để tránh cây xen làm ảnh hưởng đến cây thuần. Lâm Đồng cũng là tỉnh đầu tiên thử nghiệm thí điểm đăng ký mã số vùng trồng cho 8.500 nông hộ trong vùng cà phê Di Linh. Theo đó, mỗi nông hộ sẽ có một mã số riêng, các đối tác có liên quan có thể nắm được quy trình quản lý vườn cà phê thông qua thông tin vườn cây, tình trạng sinh trưởng, sử dụng giống, hiện trạng quản lý đất, nguồn nước, hệ thống tưới, việc trồng xen canh…, giúp quản lý và truy xuất nguồn gốc.

         

Giới thiệu đặc sản an toàn vùng Đồng bằng song Cửu Long

Vừa qua, tại An Giang, Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương An Giang và Siêu thị Tứ Sơn đã tổ chức Hội nghị kết nối nguồn hàng bảo đảm an toàn vào hệ thống phân phối.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra “Tuần lễ giới thiệu đặc sản an toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long” với sự tham gia của 25 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đến từ 5 tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng và An Giang. Các doanh nghiệp tham gia tuần lễ giới thiệu với các siêu thị, nhà phân phối đặc sản an toàn của địa phương như: Dừa, bánh pía, vú sữa tím, chôm chôm, nhãn; các sản phẩm đóng hộp, gạo, thuỷ sản…

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực được thiên nhiên ưu đãi với nhiều đặc sản trái cây nổi tiếng cùng với nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản phong phú, đa dạng. Chính vì vậy, việc xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành một vùng nông sản, thực phẩm an toàn để cung cấp các mặt hàng bảo đảm chất lượng tới người dân là thực sự cần thiết và có ý nghĩa.

Theo Sở Công Thương tỉnh An Giang, “Tuần lễ giới thiệu đặc sản an toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long” là sự kiện tiếp nối chuỗi các hoạt động kết nối tiêu thụ đặc sản an toàn do Bộ Công Thương khởi xướng từ năm 2018. Tuần lễ đã tạo cơ hội để các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu những đặc sản mới lạ, hấp dẫn và an toàn đưa vào các hệ thống siêu thị, các kênh phân phối lớn để giới thiệu với người tiêu dùng cả nước. Đây cũng là dịp kết nối cung cầu, khuyến khích sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tại các địa phương và hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa đặc sản, đặc trưng của các vùng miền.

“Tuần lễ giới thiệu đặc sản an toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long” là sự kiện rất ý nghĩa trong bối cảnh các ngành, các cấp, các doanh nghiệp nỗ lực đưa đặc sản an toàn vùng miền trong cả nước đến tay người dùng. Nhấn mạnh vai trò của các siêu thị trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm của các vùng miền, ông Tạ Minh Sơn - Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn cho biết, Tứ Sơn là một trong những siêu thị đi đầu trong việc phân phối, giới thiệu và bày bán các sản phẩm đặc sản vùng miền. Doanh nghiệp tư nhân Tứ Sơn cũng được đánh giá là một trong những doanh nghiệp phân phối có đóng góp lớn cho thành công của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với tỷ lệ hàng Việt Nam lên đến gần 100%. Dưới sự hỗ trợ của Sở Công Thương An Giang, doanh nghiệp đã triển khai xây dựng mô hình thí điểm Điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Riêng trong năm 2019, Sở Công Thương An Giang đã chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH Tứ Sơn - Châu Đốc tổ chức 3 phiên Chợ với chủ đề “An Giang đồng hành cùng hàng Việt" tại các huyện: Châu Thành, Chợ Mới và Phú Tân. Việc đưa hàng hóa thương hiệu Việt Nam đến với bà con vùng nông thôn đã đem lại nhiều hiệu quả, tác động tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sản xuất và mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; và là cơ hội giúp các doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng, nhu cầu của các nhà phân phối.

Tại Hội nghị kết nối nguồn hàng bảo đảm an toàn vào hệ thống phân phối, 5 tỉnh: Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng và An Giang cùng 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty TNHH Thảo Hương, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Gia Bảo đã ký kết hợp tác cung ứng - tiêu thụ sản phẩm vào hệ thống phân phối tại Siêu thị Tứ Sơn.