Thông tin thị trường giá cả số 03/2020

03:17 PM 04/02/2020 |   Lượt xem: 4094 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Gia Lai:

Liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê

Cà phê là một trong những cây trồng mang lại nguồn thu chủ yếu cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, vào mùa thu hoạch cà phê, bà con thường bị thương lái ép giá, dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao.

Trước tình hình này, Hợp tác xã Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (HTX) đã chủ động triển khai một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã và các địa phương lân cận. Mô hình liên kết này bước đầu đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Do đặc thù của cây cà phê là cả năm mới thu hoạch một lần nên nhiều hộ đồng bào gặp khó khăn về vốn để đầu tư cho vườn cây. Mỗi khi đến đợt bón phân, phun thuốc bà con phải tìm chỗ vay mượn, lúc được lúc không nên sản lượng cà phê không ổn định. Nhờ tham gia tổ liên kết sản xuất, được HTX hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cung cấp cây giống… bà con đã yên tâm sản xuất.

Nhằm tạo vùng nguyên liệu ổn định, HTX đã tạo mô hình liên kết với các hộ đồng bào dân tộc thông qua các tổ. Theo đó, HTX đầu tư 100% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giao cho tổ trưởng, tổ phó quản lý, phân bổ cho các hộ căn cứ theo nhu cầu, chu kỳ sản xuất. Bên cạnh việc hỗ trợ chi phí đầu tư không lãi suất, HTX còn hỗ trợ máy móc, tư vấn kỹ thuật, tổ chức thu mua nông sản cho các hộ. Đến nay, mô hình này đã thu hút hơn 600 hộ đăng ký tham gia, địa bàn mở rộng từ xã Ia Mơ Nông đến các xã: Ia Ka, Ia Nhin và thị trấn Ia Ly. Sản phẩm thu hoạch được HTX bao tiêu nên không lo bị thương lái ép giá như trước. Nhờ đó, bà con yên tâm sản xuất, đến cuối vụ thu hoạch mới phải thanh toán một lần.

Năm 2019, huyện Chư Pah cũng đã phê duyệt dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cà phê trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019 - 2020. Dự án được giao cho HTX Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ và Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông thực hiện với tổng kinh phí hơn 6,8 tỷ đồng. Quy mô dự án là 121 héc-ta với sự tham gia của 121 hộ dân trên địa bàn xã Ia Mơ Nông và Ia Ka. Các hộ này được tập huấn kỹ thuật và được hỗ trợ một phần vật tư thiết yếu để chăm sóc cà phê. Sản phẩm cà phê sau thu hoạch sẽ được HTX bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn 3 - 5% so với thị trường. Ngoài ra, trong năm 2019, HTX còn triển khai xây dựng mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê từ nguồn vốn tài trợ của Dự án VnSAT với diện tích 4,5 héc-ta. Từ thành công của mô hình tưới tiết kiệm nước, hiện đã có trên 200 thành viên đăng ký tham gia.

Không chỉ liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê, để tạo thêm việc làm, gia tăng thu nhập xen kẽ trong năm cho người dân, HTX còn liên kết với bà con trồng mới 5.000 cây mãng cầu ta hạt lép, 50 héc-ta đậu phộng… Đồng thời, hỗ trợ bà con nguồn cây giống đảm bảo chất lượng, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và cam kết bao tiêu sản phẩm.

Mặc dù đang ở giai đoạn đầu nhưng mô hình liên kết tiêu thụ cà phê đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, thúc đẩy phong trào sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó sẽ hình thành chuỗi liên kết giữa nông hộ với HTX; từng bước hình thành vùng nguyên liệu bền vững; xây dựng, phát triển chuỗi giá trị sản xuất theo hướng cung cấp sản phẩm cà phê an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho bà con.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Lâm Đồng:

D’ran nhộn nhịp mùa quýt tết

Hiện nay, các nhà vườn trồng quýt tại thị trấn D’ran (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đang tất bật chăm sóc vườn, sẵn sàng đưa trái quýt đặc sản phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Được thiên nhiên ưu đãi khí hậu thuận lợi cộng với thổ nhưỡng phù hợp, tại thị trấn D’ran đã hình thành vùng trồng quýt đường chất lượng ngon, ngọt. Đặc biệt, loại quýt này chín rộ vào những tháng cận tết nên thường được bày trên mâm ngũ quả.

Hiện nay, D’ran có diện tích trồng quýt trên 30 héc-ta. Mùa thu hoạch quýt đường bắt đầu từ giữa tháng Chạp. Từ trên các triền núi, quýt được thu hái, bọc và đóng thùng, chuyên chở bằng xe xuống các điểm tập kết rồi tỏa đi các vùng miền. Thời điểm này, các nhà vườn chỉ hái tỉa để bán cho thương lái quanh vùng. Kể từ thời điểm ngày 20 âm lịch trở đi, vườn quýt bước vào vụ thu hoạch cao điểm. Thông thường, nhân lực tập trung hết vào thời điểm này để thu hoạch quýt. Tính trung bình, mỗi vườn phải huy động hơn chục công nhân thu hái và đóng hàng chục tấn quýt cung cấp cho thương lái, bạn hàng ở thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang và một số tỉnh miền Trung.

Theo chia sẻ của các nhà vườn, mùa quýt năm nay, sản lượng dự kiến sẽ tăng hơn năm trước do nhiều nhà vườn mở rộng diện tích và điều kiện thời tiết thuận lợi. Năm nay, quýt sai trái, to đẹp. Trước đó, để chuẩn bị hàng tết, các nhà vườn đã tập trung tưới nước, bón phân, tỉa cành, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng trừ sinh học cho sạch sâu bọ, côn trùng, tuyệt đối không bơm thuốc hoá học nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, phần lớn các chủ vườn đã biết cách xử lý quýt ra hoa đúng kỳ, kết hợp phân bón, thuốc, tưới nước phù hợp để đảm bảo chất lượng trái. Do vậy, quýt đạt chất lượng cao, hình thức cũng đẹp và đảm bảo an toàn.

Bà Rịa - Vũng Tàu:

Hình thành vùng sản xuất mãng cầu tập trung

Mãng cầu hay còn gọi là na là một trong những loại trái cây thường được bày trong mâm ngũ quả vào dịp tết với ước mong năm mới đủ đầy, sung túc. Để phục vụ nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, các nhà vườn đang tích cực chuẩn bị những khâu cuối để đưa ra thị trường những trái mãng cầu to, đẹp đúng dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Theo nhiều nhà vườn trồng mãng cầu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm nay là một năm khá thuận lợi do thời tiết ổn định nên tỷ lệ đậu trái cao. Tại huyện Đất Đỏ, hiện có khoảng 260 héc-ta mãng cầu, trong đó có 22 héc-ta trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Các hộ trồng mãng cầu lâu năm tại huyện Đất Đỏ cho biết, bình thường trái mãng cầu luôn bán được với mức giá cao, từ 25.000 – 35.000 đồng/kg. Vào dịp tết, nhu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều, nhất là dùng để chưng mâm ngũ quả nên giá bán có thể tăng gấp đôi. Hiện một số diện tích trồng mãng cầu đã được các thương lái đặt hàng, đặt cọc. Giá mãng cầu tăng mạnh từ 20 tháng Chạp âm lịch.

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có khoảng 1.800 héc-ta cây mãng cầu với sản lượng bình quân đạt 10.000 tấn/năm. Nhờ được xử lý tốt nên cây mãng cầu có thể cho thu hoạch 2 đến 3 vụ, cho lợi nhuận cao. Vài năm trở lại đây, cây mãng cầu dần được chuyển đổi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Để phát triển cây mãng cầu trở thành cây ăn quả chủ lực của tỉnh, hiện nay Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh mãng cầu với diện tích 1.700 héc-ta, tập trung tại TX. Phú Mỹ, Đất Đỏ và Xuyên Mộc. Theo định hướng, tất cả những vùng sản xuất tập trung này sẽ được trồng theo đúng quy chuẩn VietGAP, đáp ứng được các đơn đặt hàng lớn của siêu thị hoặc doanh nghiệp.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Sóc Trăng:

Vĩnh Châu được mùa củ cải trắng

Nông dân trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đang bước vào vụ thu hoạch củ cải trắng với niềm vui được mùa trong những ngày cận tết. Đây là loại cây trồng ngắn ngày, chi phí đầu tư ít, khi bán không bị thương lái ép giá. Nếu củ cải trắng được giá thì người dân sẽ bán ngay, còn nếu giá xuống thấp họ sẽ dự trữ lại, phơi khô làm củ cải muối. Đợi khi củ cải muối trên thị trường có giá thì bán ra, không sợ lỗ và không sợ tồn kho hay lo lắng về đầu ra như hành tím. Đặc biệt, mỗi năm, các hộ trồng củ cải trắng sẽ trồng được 2 vụ thay vì chỉ được một vụ như hành tím. Năm nay, một số hộ không bán củ cải tươi mà trữ lại làm củ cải muối để bán vì giá củ cải muối thường cao hơn. Ước tính giá củ cải muối từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, nông dân có thể thu lợi nhuận lên tới 10 - 15 triệu đồng/công, thậm chí là 20 triệu đồng/công.

Vụ củ cải trắng niên vụ 2019 - 2020 được mùa giúp bà con Vĩnh Châu có nguồn thu nhập ổn định.

An Giang:

Đặc sản xoài Bảy Núi vào mùa thu hoạch

Xoài đất núi có vị ngọt thanh, dẻ thịt, lại thích hợp với đất đai và khí hậu địa phương. Sản phẩm này cũng được xếp vào trái cây đặc sản ở Bảy Núi. Xoài được trồng chủ yếu trên các triền núi Dài, núi Cấm, núi Trà Sư, núi Voi với các giống xoài thơm, cát Hoà Lộc, Cát Chu, xoài bưởi. Cứ đến vụ thu hoạch, thương lái đến tận vườn thu mua xoài. Nhờ đó, bà con trồng xoài thu nhập khá. Hiện Hợp tác xã Bến Bà Chi, ấp Sóc Tức, xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là nơi có trên 60 héc-ta xoài đang vào vụ thu hoạch. Thương lái ở các tỉnh lân cận đến thu mua với giá khá cao, dao động từ 20.000 - 38.000 đồng/kg tùy loại. Thương lái rất chuộng xoài nơi đây, chủ yếu vận chuyển đến thị trường TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Tháp… tiêu thụ.

Bà Rịa - Vũng Tàu:

Giá gà tăng cao, người nuôi phấn khởi

Theo các hộ chuyên nuôi gà thả vườn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện giá gà thịt đang tăng khá cao. Cách đây khoảng 5 tháng, giá gà ta chỉ khoảng 50.000 đồng/kg, thì đến thời điểm này là 70.000 - 72.000 đồng/kg, nhiều hộ chăn nuôi rất phấn khởi. Tại huyện Châu Đức, thương lái thu mua gà lông trắng với giá trên 40.000 đồng/kg, tăng 14.000 - 16.000 đồng/kg so với gần 1 tháng trước. Gà lông màu cũng tăng giá từ 36.000 - 38.000 đồng/kg lên 56.000 - 65.000 đồng/kg. Như vậy, giá gà thời điểm này đã tăng gần gấp đôi so với tết năm ngoái.

Nguyên nhân giá gà thịt tăng mạnh là do việc thiếu hụt nguồn cung thời điểm cận tết. Ngoài ra, giá lợn tăng cao cũng là nguyên nhân khiến người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các loại thực phẩm thay thế, trong đó, thịt gà là ưu tiên hàng đầu. Dự báo, những ngày cận Tết Nguyên đán, nhu cầu sản phẩm chế biến từ thịt gà tăng cao nên giá gà thịt sẽ tiếp tục tăng.

Long An:

Giá khổ qua tăng 2 - 3 lần

Những ngày này, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đang tất bật chăm sóc vườn khổ qua phục vụ thị trường tết. Trong đó, một số diện tích đang cho thu hoạch, một số khác đang được “thúc” để kịp cung cấp cho thị trường rau, quả tết. Khổ qua rất sai trái, có thể cho thu hoạch 2 ngày/lần trong vòng 50 ngày/vụ, mang lại nguồn thu đều đặn cho bà con. Với giá bán sỉ từ 8.000 - 12.000 đồng/kg tại ruộng, người trồng khổ qua đã có lãi khá. Tuy nhiên, càng gần tết, giá sẽ càng tăng. Dự kiến vào thời điểm giáp tết, giá có thể lên đến 20.000 - 27.000 đồng/kg tại ruộng và giá bán ngoài chợ có thể tăng lên gấp 2 - 3 lần. Đặc biệt, từ nay đến tết Nguyên đán, các cửa hàng đầu mối ở chợ nông sản Hóc Môn, Bình Điền đều nhận tiêu thụ khổ qua với số lượng lớn.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Nghệ An:

Mở rộng diện tích gừng Kỳ Sơn

Nghệ An có đến 11 huyện, thị thuộc khu vực miền núi cao, trong đó có 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương rất thích hợp để phát triển cây gừng thành sản phẩm hàng hóa. Ở 2 huyện này, hàng năm bà con các dân tộc đã trồng khoảng 530 héc-ta gừng.

Ngày 15/11/2019 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gừng Kỳ Sơn. Đây là điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới phát triển diện tích gừng, mở hướng xuất khẩu trong tương lai.

Hiện đang vào mùa thu hoạch gừng của đồng bào dân tộc Mông bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Bà con ở đây rất vui mừng vì gừng bán được giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg tùy loại củ to, củ nhỏ. Đặc biệt, thương lái dưới xuôi lên thu mua nhiều, hàng bán chạy. Với giá này, vụ gừng năm nay mỗi gia đình trong bản Buộc Mú có thể thu nhập từ 40 - 45 triệu đồng, có khá nhiều gia đình thu nhập lên đến 70 - 80 triệu đồng. Trước đây, đời sống của bà con Na Ngoi còn nhiều khó khăn. Mấy năm nay, dân bản đã tập trung gieo trồng và thâm canh cây gừng. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều hộ đã chọn gừng là cây trồng chủ lực để tập trung phát triển. Gừng tiêu thụ tốt nên bà con có thu nhập ổn định, giảm bớt được khó khăn so với trước đây. Hiện Na Ngoi đang có kế hoạch tuyên truyền, quảng bá để có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Thực tế cho thấy, giống gừng ở Kỳ Sơn rất tốt, lại được trồng trên núi cao nên có vị cay đậm, được thị trường ưa chuộng. Năm 2020, huyện Kỳ Sơn sẽ phát động mỗi xã trồng thêm từ 50 - 100 héc-ta gừng, chủ yếu là giống gừng sừng trâu ở 3 xã: Na Ngoi, Nậm Cắn, Tây Sơn để từ đó tuyên truyền mở rộng diện tích trong toàn huyện vào các năm sau.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Kiên Giang:

Chú trọng địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại

Dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng cao. Đây là thời điểm và cũng là thời cơ để các đối tượng thực hiện các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.

Trước tình hình này, tỉnh Kiên Giang đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Theo đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các vấn đề về: Giá, chất lượng sản phẩm, quy định về an toàn thực phẩm, những hành vi đầu cơ, găm hàng… Tập trung tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phương tiện lưu thông trên các tuyến quốc lộ, đường biển, nhất là những phương tiện nghi vấn, có dấu hiệu vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Chú trọng địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại như: Vùng biển đảo, vùng biên giới Hà Tiên - Giang Thành tiếp giáp Campuchia, vùng tiếp giáp ranh giới với các tỉnh An Giang, Cà Mau, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ, địa bàn các huyện đảo, xã đảo. Đẩy mạnh thanh kiểm tra về điều kiện kinh doanh, chấp hành nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hóa, nhất là hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động bà con không sử dụng hàng cấm, không tiếp tay, bao che và kịp thời tố giác đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, thực hiện tích cực cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

HÀNG VIỆT

Làng nghề vào vụ tết

Hiện người dân các làng nghề sản xuất bánh tráng, bánh đa nem đang hối hả vào vụ sản xuất để phục vụ nhu cầu thị trường tết.

Làng nghề bánh tráng Tân An

Làng Tân An xưa kia còn gọi là Ba Phường hay là phường bún bánh, nay thuộc xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đến Quảng Thanh, du khách lại được nếm thử món bánh tráng thương hiệu Tân An, giòn tan, thơm nồng. Và cũng chỉ có làng quê nép bên dòng sông Gianh mới tạo nên vị ngọt, mặn đặc trưng đến thế. Thời điểm này, bánh tráng được người dân phơi trên khắp các ngõ đường, thôn xóm. Đặc biệt, người dân làng nghề bánh tráng luôn theo dõi sát sao dự báo thời tiết để hoạch định công việc. Thường thì xen giữa những đợt gió mùa là những ngày nắng ấm, đặc biệt là những ngày nắng to, các hộ dân sẽ tăng cường độ làm việc để sản xuất được nhiều bánh hơn. Họ thức dậy từ 2 - 3 giờ sáng để làm cho kịp nắng.  Nhờ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ mà bột sẽ được dạt thành những chiếc bánh tráng mỏng tròn đều. Bánh tráng Tân An thường không nêm gia vị nhưng mang hương vị đậm đà, dân dã của gạo, của vừng. Trong quy trình làm bánh, mỗi chiếc bánh được tráng lên nguyên vẹn chỉ mới thành công được phân nửa. Công đoạn phơi bánh mới thực sự công phu. Bánh đủ nắng là loại bánh vừa khô vừa dai, dậy mùi thơm; bánh quá nắng sẽ bị khô giòn, dễ vỡ. Ngược lại, bánh thiếu nắng sẽ không có mùi thơm, ỉu và dễ bị hỏng khi bảo quản. Vào những ngày nắng, khắp đường làng, ngõ xóm, sân nhà tràn ngập những phên bánh tráng cong tròn khoe dưới nắng. Dù công đoạn chế biến hơi lâu, nhưng bánh tráng Tân An dù được phơi khô vẫn giữ được độ dai, giòn vừa phải chứ không dẻo dù để hàng tháng. Đặc trưng của bánh tráng Tân An như hòa cùng cái nắng gió của vùng đất Quảng Bình khiến cho chiếc bánh tăng thêm vị dai và dậy mùi.

Làng nghề bánh đa nem Thiệu Châu

Càng gần đến ngày tết cổ truyền, làng nghề làm bánh đa nem xã Thiệu Châu (nay là xã Tân Châu), huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa càng trở nên nhộn nhịp. Bánh đa nem Thiệu Châu được người tiêu dùng biết đến bởi độ dẻo, dai và mang mùi vị đặc trưng. Cách đóng gói cũng rất tiện lợi với nhiều tập mỏng, dày tùy theo số lượng bánh mỗi tập. Bánh đa nem Thiệu Châu ngày thường có giá 30.000 - 35.000 đồng/100 cái, vào các tháng giáp tết giá cao hơn một chút, từ 40.000 - 50.000 đồng/100 cái. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh, bánh đa nem Thiệu Châu đã trở thành sản phẩm quen thuộc của tỉnh thành khác trong cả nước.

Những ngày này, các hộ sản xuất bánh đa nem tại Thiệu Châu đang huy động toàn bộ nhân lực chạy đua với thời gian để kịp các đơn hàng phục vụ nhu cầu của bà con trong và ngoài tỉnh dịp tết sắp tới. Bánh được sản xuất quanh năm, nhưng vào dịp giáp tết cổ truyền đơn hàng nhiều hơn, đòi hỏi các hộ dân làm nghề phải khẩn trương sản xuất để có đủ bánh đa nem phục vụ nhu cầu thị trường. Để chuẩn bị hàng cho dịp tết, mỗi năm, ngay từ tháng 9 âm lịch, các gia đình làm nghề bánh đa nem đã phải chuẩn bị sẵn nguyên vật liệu, trành phơi, nhân công để tăng sản lượng cho kịp các đơn hàng. Trước kia, người dân làm bánh đa nem trong xã tráng bánh bằng bếp củi, xay bột bằng tay nên hiệu quả không cao. Mấy năm gần đây, bà con đã chủ động đầu tư máy nghiền bột, bếp tráng điện nên năng suất cao hơn. Thu nhập từ nghề làm bánh đa nem vì thế cũng được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, các hộ làm bánh đa nem ở Thiệu Châu đều có ý thức giữ uy tín, chất lượng sản phẩm của địa phương, không sử dụng các chất phụ gia độc hại, bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, đầu ra của sản phẩm bánh đa nem Thiệu Châu khá thuận lợi, làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Nhờ đó, nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu.

Năm 2020, UBND xã Tân Châu sẽ huy động các nguồn lực để mở rộng quy mô làng nghề làm bánh đa, bánh đa nem và đăng ký thương hiệu sản phẩm để bà con làng nghề yên tâm sản xuất.