Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 14/8/2015

02:58 PM 15/08/2015 |   Lượt xem: 2228 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Khắc phục hậu quả mưa lũ lịch sử tại các tỉnh phía bắc: Phải kịp thời, công khai minh bạch và công bằng

Trận lũ lịch sử quét qua nhiều tỉnh miền Bắc vừa qua đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho người dân, đặc biệt là những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... Những hậu quả nặng nề ấy cần sớm được chung tay khắc phục quyết liệt, để nhanh chóng đưa cuộc sống của bà con trở lại bình thường.

Nghèo càng thêm nghèo

Những ngày mưa lũ vừa qua làm cho 12 hộ đồng bào dân tộc Dao ở Cốc Keng, thôn Lũng Pảng, xã Côn Minh, huyện Na Rì (Bắc Kạn) bị chia cắt hoàn toàn. Thung lũng Hợp Tác rộng mênh mông hoàn toàn chìm trong biển nước. Lúa mùa mới cấy, ngô chưa kịp thu hoạch của bà con bị mất trắng. Không sóng điện thoại liên lạc, khu dân cư Cốc Keng có 12 gia đình với 47 nhân khẩu đồng bào Dao bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.

Thôn Lũng Pảng chỉ là một trong những địa phương phải gánh chịu thiệt hại nặng nề sau cơn lũ được đánh giá là bất ngờ và nằm ngoài dự đoán vừa qua. Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, theo báo cáo nhanh của các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Bắc Giang, mưa lũ lịch sử những ngày qua đã làm hơn 3.500 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập nước; xấp xỉ 9.000 héc-ta lúa và hàng ngàn hoa màu bị ngập, thiệt hại; gần 11.600 gia súc, gia cầm bị chết.

Mưa lớn không những gây thiệt hại trước mắt, mà còn khiến bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiệt hại về lâu dài, do mất nhà, mất mùa, mất tài sản, khiến bà con miền núi vốn nghèo, nay lại càng nghèo hơn... Diện tích cây lâu năm bị úng ngập không những chỉ khiến cây dễ bị chết, còn làm giảm năng suất vào những năm tiếp theo. Lượng gia súc bị lũ cuốn trôi sẽ khiến người dân mất một thời gian khá dài để gây dựng lại đàn mới. Chưa kể, với vùng than như Quảng Ninh, bùn than sẽ làm mất đi thổ nhưỡng, vùng đất màu mỡ và vùng nuôi trồng thủy sản phải mất nhiều nhiều năm mới khôi phục lại được...

Khắc phục thiên tai yêu cầu phải khẩn trương nhất

Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, các cơ quan chức năng thống kê thiệt hại ban đầu đối với trận mưa lũ ở vùng Đông Bắc nước ta là trên 2.700 tỷ đồng, nhưng nguồn lực cần có để khắc phục sau bão là vô cùng khủng khiếp.
Do đó, việc khắc phục hậu quả sau thiên tai tại Quảng Ninh được xác định, cần đảm bảo giao thông thông suốt, dọn dẹp sạch các tuyến đường, tìm nguyên nhân và xử lý dứt điểm những khu vực thường xuyên ngập lụt. Đặc biệt, không chỉ khắc phục trước mắt, trên cơ sở thống kê, báo cáo về tình hình thiệt hại cụ thể ở từng địa phương, cần có thêm các giải pháp hỗ trợ tích cực, lâu dài cho cho bà con sau lũ.

“Những chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại do mưa lũ phải thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch trên tinh thần mức hỗ trợ của tỉnh là mức tối đa, công bằng, hiệu quả” - Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh - Nguyễn Văn Đọc nhấn mạnh.

Tại Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La... cũng đã quyết định hỗ trợ những vùng thiệt hại nặng nhất để khắc phục hậu quả. Đặc biệt, khẩn trương hỗ trợ cây, con giống cho bà con bị thiệt hại do mưa lũ để sớm khắc phục hậu quả do hoa màu bị úng ngập. Đồng thời sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng để có thể lập tức đáp ứng yêu cầu đi lại và giao lưu kinh tế của bà con khi bắt tay vào khôi phục lại sản xuất.

Box: Những trận mưa liên tiếp đổ xuống khiến bà con khó càng thêm khó. Nhiều gia đình vừa dọn dẹp nhà cửa sau ngập lụt lại bị ngập tiếp. Nhiều hộ vẫn phải tạm trú tại nhà văn hóa, trạm y tế, trường học hoặc ở nhờ người thân. Có những hộ bỗng trở nên trắng tay, tài sản hư hỏng theo dòng nước. Hơn ai hết lúc này, người dân và nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng bị thiên tai mưa lũ cần sự sẻ chia, động viên, giúp đỡ kịp thời nhất của cộng đồng, để vượt qua mất mát, khó khăn trước mắt và lâu dài.

MUA GÌ

Nghệ An: Dưa hấu ế vì mưa lũ

Trong vụ dưa năm nay, xã Nghi Long (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) có gần 40 héc-ta trồng dưa hấu và dưa lê. Vào thời điểm đầu vụ dưa hấu được người dân bán với giá 6.500 đồng/kg, dưa lê 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời điểm đó dưa mới chỉ chín bói số lượng thu hoạch chưa được nhiều. Đến thời điểm hiện nay, vào chính vụ thu hoạch mặc dù đã bị các tư thương ép xuống mức giá dưới 5.000 đồng/kg, dưa lê xuống mức 13.000 đồng/kg người nông dân vẫn không thể bán được dưa. Nguyên nhân do thị trường tiêu thụ chính của người dân xã Nghi Long là các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng mấy tuần nay tình hình mưa lũ kéo dài tại các tỉnh phía Bắc khiến xe không lên được các cửa khẩu để xuất khẩu sang Trung Quốc. Cùng với đó, mưa nhiều khiến lượng tiêu thụ dưa tại các tỉnh phía Bắc giảm mạnh, các thương lái không dám mua. Nông dân xã Nghi Long hiện chỉ mới bán được 1/3 sản lượng dưa hấu, dưa lê trồng được. Đến thời điểm hiện tại cả xã Nghi Long vẫn còn tồn đọng hàng trăm tấn.

Miền Tây: Ổi lê tăng giá cao

Nhiều nhà vườn trồng ổi (giống ổi lê) ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) và huyện Châu Thành A (Hậu Giang) đang tất bật chăm sóc và thu hoạch ổi bán tại chỗ cho thương lái với giá từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, tăng gấp 10 lần sau khi giá rớt thê thảm chỉ còn 500 - 600 đồng/kg hồi tháng 4, tháng 5 vừa qua. Với giá bán như hiện tại, nhà vườn sẽ có lời khoảng 3.000 đồng/kg sau khi trừ các chi phí như nhân công, phân bón. Khi thu mua ổi của nhà vườn, các thương lái bán lẻ dọc các tuyến đường hoặc tại các chợ với giá từ 8.000 - 12.000 đồng/kg.

Bến Tre: Giá dừa khô giảm mạnh

Giá dừa khô ở tỉnh Bến Tre hiện giảm bình quân khoảng 5.000 - 10.000 đồng/chục (12 trái) so với cách nay hơn 2 tuần. Nhiều cơ sở và nhà máy chế biến dừa xuất khẩu trong tỉnh thu mua xô dừa khô ở mức 44.000 - 45.000 đồng/chục. Hiện giá dừa khô được nhiều hộ dân bán tại vườn cho thương lái chỉ còn ở mức 35.000 - 40.000 đồng/chục (đối với dừa đã bẻ sẵn) và khoảng 30.000 đồng/chục đối với dừa mua dạng xô, thương lái tự bẻ dừa. Theo nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh dừa tại tỉnh Bến Tre, giá dừa khô giảm mạnh do gần đây đầu ra các sản phẩm dừa xuất khẩu có phần chậm và chịu sức ép giảm do nhiều nước xuất khẩu dừa trong khu vực và trên thế giới đã hạ giá bán để thu hút khách hàng. Trong khi đó, việc xuất khẩu các sản phẩm dừa của nước ta còn phụ thuộc nhiều vào một vài thị trường lớn, nhất là thị trường Trung Quốc nên dễ bị tư thương nước ngoài ép giá. Dừa khô lột bỏ vỏ hiện được nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh dừa trong tỉnh bán ra chỉ còn ở mức 5.000 đồng/trái (loại 1,1 kg/trái trở lên); cơm dừa mới qua sơ chế có giá khoảng 10.000 đồng/kg; chỉ xơ dừa tươi 2.700 - 3.500 đồng/kg.

Sóc Trăng: Nhãn xuồng được mùa, được giá

Bà con trồng nhãn xuồng ở xứ biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đang phấn khởi vì năm nay trúng mùa và bán được giá khá cao. Tại vườn, thương lái thu mua với giá từ 35.000 - 37.000 đồng/kg, còn tại chợ thị xã Vĩnh Châu đã có giá 45.000 đồng/kg. Nhờ là giống trái to như trái vải, cơm dày nên nhãn xuồng loại 1 chỉ cần khoảng 20 trái sẽ được 1 kg. Có nhiều cây nhãn hàng chục năm tuổi cho thu hoạch trên 100 kg. Với giá bán hiện tại, nhà vườn sẽ thu về trên 500 triệu đồng/héc-ta/năm. Do giá nhãn xuồng đang ở mức cao nên nhiều nhà vườn ở Vĩnh Châu phải dùng lưới bao xung quanh vườn nhãn và dựng lều giữa vườn để canh chừng, phòng ngừa kẻ gian hái nhãn vào ban đêm.

BÁN GÌ

Điện Biên: Đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa cho bà con vùng sâu, vùng xa

Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Điện Biên, tỉnh đã dành 13 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa trong mùa mưa lũ. Trong đó dự trữ trên 110 tấn muối iốt, 33 nghìn thùng mì ăn liền, xăng dầu, cùng nhiều mặt hàng khác. Lượng hàng hóa này đã cung cấp đến các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là các xã, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thậm chí Sở cũng đã có phương án dự phòng để khi có ách tắc giao thông xảy ra vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng và sinh hoạt của bà con. Đặc biệt, trong những ngày mưa lũ vừa qua lượng hàng hóa thiết yếu đó đã được cung ứng kịp thời, không có nhiều biến động lớn về giá cả. Sau Điện Biên, nhiều địa phương trên địa bàn các tỉnh phía Bắc đã có kế hoạch chủ động dự trữ hàng hóa mùa mưa bão.

Lạng Sơn: Na đầu mùa được giá

Hiện nay, bà con các dân tộc huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã bắt đầu thu hoạch na. Giá thu mua na đang đạt mức cao, loại 1 từ 45.000 - 55.000 đồng/kg, loại 2 từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Vì là đầu mùa, sản lượng chưa nhiều nên các thương lái phải lên tận nương để gom hàng. Tuy nhiên, do mới vào đầu vụ nên lượng hàng chưa nhiều, khâu vận chuyển gặp khó khăn do thời tiết mưa bão nên cũng ảnh hưởng đến giá bán của các thương lái. Để hái được na, người dân phải mất hàng giờ leo núi đá. Thời gian này đang là mùa mưa khiến cho việc thu hoạch càng thêm vất vả. Na tại chợ được lái buôn từ khắp các tỉnh miền Bắc về tận nơi thu mua từ từng người bán rồi mang ra điểm tập kết đóng hàng chuyển đi. Quả na sau khi hái chín rất nhanh, có khi chỉ vài giờ đã chín mềm, nên không thể mang đi các tỉnh quá xa. Theo nhận định, năm nay na sai quả và nhìn chung là được mùa.

Đà Lạt - Lâm Đồng: Dâu tây tăng giá

Trong thời gian qua, trên địa bàn TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) mưa lớn kéo dài làm nhiều diện tích dâu tây bị hư hại, khiến cho sản lượng loại đặc sản này giảm mạnh. Do khan hiếm hàng nên đẩy giá dâu tây lên cao gấp 2 - 3 lần. Hiện dâu tây được bán tại chợ Đà Lạt và các vựa dâu trên địa bàn thành phố dao động từ 100.000 - 140.000 đồng/kg tùy loại, đối với dâu tây trồng theo phương pháp thường. So với thời điểm vài tháng trước, giá dâu tây chỉ khoảng 35.000 - 60.000 đồng/kg, như vậy giá đã cao hơn từ 2 - 3 lần. Đối với dâu tây trồng trong nhà kính, áp dụng công nghệ sạch giá cũng đang tăng đáng kể. Hiện tại, mỗi ki-lô-gam dâu tây sạch được các chủ vườn hoặc chủ trang trại bán với giá từ 220.000 - 300.000 đồng, có khi lên đến 320.000 đồng/kg tuỳ theo dâu loại một hoặc loại hai. Mặc dù dâu tây trồng trong nhà kính được bán với giá rất cao nhưng loại trái này vẫn được nhiều người du khách ưa chuộng bởi mức độ an toàn cao, sạch, ngọt và thơm hơn loại dâu trồng ngoài trời theo phương pháp truyền thống. Mặt hàng này hiện đang khan hiếm, dù có giá rất cao nhưng vẫn không có hàng để bán.

Đồng bằng sông Cửu Long: Bông điên điển giá cao hút hàng

Bông điên điển được xem là loại đặc sản sạch ở đồng bằng sông Cửu Long, được nhiều người ưa thích. Trước đây để thưởng thức các món ăn từ bông điên điển phải đợi đến mùa lũ, nhưng hiện nay người dân đã trồng được điên điển. Sau 3 tháng trồng có thể thu hoạch và kéo dài khoảng 4 - 5 tháng, những lúc thu hoạch rộ đạt từ 4 – 5 kg/ngày. Hiện nay thương lái thu mua điên điển tại ruộng giá 30.000 đồng/kg, giá bán lẻ tại các chợ lên tới 50.000 - 60.000 đồng/kg nhưng vẫn luôn hút hàng. Điên điển là loại dễ trồng, không phân thuốc, không tốn công chăm sóc và cho thu nhập khá nên nhiều người dân trồng trong mùa khô để bán giá cao gấp 3 -4 lần so với mùa lũ (khoảng tháng 9 - 10).

LƯU Ý CẢNH BÁO

Khoai lang bị thương lái ép giá: Bài học từ việc quá lệ thuộc vào một thị trường

Khoai lang là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của một số tỉnh miền Bắc và đồng bằng sông Cửu Long. Tuy diện tích lớn, sản lượng cao nhưng đầu ra của nông sản này không ổn định, chủ yếu lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên giá cả rất bấp bênh.

Giá giảm, năng suất giảm

Hiện nay, giá khoai lang tại các thị trường trong nước giảm 50% khiến bà con nông dân hoang mang. Tại thị trường Vĩnh Long, tháng trước giá khoai lang tím Nhật ở mức 680.000 đồng/tạ thì hiện nay đã giảm 50%. Cụ thể, khoai lang tím Nhật còn 380.000 - 400.000 đồng/tạ, khoai lang trắng giảm 30.000 - 40.000 đồng/kg, còn 270.000 đồng/tạ, khoai lang sữa giảm 60.000 đồng/tạ, còn 190.000 đồng/tạ. Như vậy, giá bán khoai loại một hiện nay thấp bằng một phần mười lúc cao điểm 2 năm trước, khi có giá một triệu đồng một tạ. Trước vụ thu hoạch, tiểu thương đặt tiền với giá mua 1.600 đồng một kg, đến vụ họ không thu mua, đợi khoai già chất lượng kém mới trở lại. Khi đó, sản lượng không đủ, giá giảm mạnh, khoai loại 2 chỉ còn chưa đầy 100 đồng/kg. Chán nản, nông dân thu hoạch về cho trâu bò ăn, hoặc bỏ mặc ngoài ruộng. Không ít hộ lỗ cả trăm triệu cho vụ khoai đã phải bơm nước vào ruộng để chuyển sang trồng lúa.

Khó khăn trong khâu vận chuyển cũng là nguyên nhân khiến giá khoai giảm mạnh. Hiện nay, đường tỉnh 908 đang được thi công nên trọng tải của tuyến đường không đáp ứng được cho phương tiện vận chuyển hàng hóa. Bởi tuyến đường này chỉ có trọng tải 8 tấn, cầu 10 tấn, còn hầu hết xe vận chuyển đều trên 10 tấn. Nếu vận chuyển bằng đường sông ra Bình Minh phải qua 2 lần bốc vác. Lấy lý do khó khăn trong khâu vận chuyển nên thương lái lại có thêm cớ để ép giá bà con nông dân.
Bà con thiếu thông tin thị trường

Thực tế cho thấy, thời gian qua, khoai lang tím Nhật chủ yếu tiêu thụ qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, giá cả đều do thương lái quyết định. Do xuất theo đường tiểu ngạch nên không có hợp đồng chắc chắn và luôn có sự thay đổi về quy cách sản phẩm. Điều đó dẫn đến tình trạng, bà con nông dân luôn bị động, không nắm được yêu cầu của thị trường tiêu thụ và thiếu thông tin về giá cả. Điển hình là vụ khoai năm 2012, khi giá khoai lang tím (giống Nhật) lên đến hơn 1 triệu đồng/100 kg, người dân Vĩnh Long đổ xô trồng khoai lang. Không chỉ triệt để tận dụng diện tích đất ở địa phương để trồng, nhiều hộ còn sang tỉnh khác mướn đất để mở rộng diện tích. Tuy nhiên, chỉ vụ khoai sau, cung vượt cầu, thương lái Trung Quốc không thu mua nên giá giảm mạnh, nhiều người trồng khoai gần như sạt nghiệp. Thế nhưng, chuyện “nhãn tiền” vẫn chưa đủ sức để người trồng khoai cảnh tỉnh và vụ khoai này, bài học chua xót cũ đã lặp lại. Cũng có ý kiến cho rằng, tại năm nay khoai lang được mùa, vì vậy mà giá hạ và khâu tiêu thụ sản phẩm cũng khó khăn. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế thuộc Bộ Công Thương, vấn đề nằm ở khâu tổ chức lưu thông, phân phối sản phẩm. Lâu nay, nhiều người Vĩnh Long vẫn quan niệm, do cách xa các thị trường lớn nên khó tiêu thụ nông sản, vì vậy mà sản phẩm nông nghiệp của Vĩnh Long chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ. Do vậy, nếu chưa tìm ra được mô hình, cách thức tiêu thụ nông sản hợp lý, thì khó mà thoát được cái vòng luẩn quẩn “được mùa, rớt giá”. Có lẽ, các ngành chức năng lẫn người dân địa phương cần phải thay đổi tư duy, tìm các giải pháp xúc tiến thương mại, sự đột phá “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp và quan trọng nhất là tránh phụ thuộc vào một thị trường.

Box: Theo thông tin mới nhất, hơn 10.000 tấn khoai lang tại Vĩnh Long bị thương lái ép giá 100 đồng/kg đã được Công ty nông sản Đại Việt lên kế hoạch thu mua, phân phối tại các địa phương miền Bắc. Công ty sẽ tiêu thụ khoai lang cho bà con nông dân bằng cách mở lại các điểm bán tại các địa phương như cách làm với dưa hấu và vải thiều trước đó. Trước mắt, Hà Nội sẽ là địa điểm được tiêu thụ đầu tiên. Giá thu mua tại vườn được công ty trả là 3.000 - 5.000 đồng/kg, giá bán lẻ niêm yết là 8.000 đồng/kg.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Quảng Ngãi: Nông sản chưa kết nối với chế biến, tiêu thụ

Từ đầu 2015 đến nay, Sở Công Thương Quảng Ngãi phối hợp với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp tổ chức được khoảng 20 chuyến hàng Việt đưa về các địa bàn nông thôn, miền núi.

Mục tiêu chính của các chuyến hàng chính nhằm giới thiệu hàng Việt Nam chất lượng cao nhưng doanh thu bán hàng từ những phiên chợ, những chuyến hàng lại đạt khá. Điều đó chứng tỏ sức mua tại thị trường nông thôn, miền núi đã cải thiện hơn trước, thu nhập của người dân đã được nâng lên.

Tuy nhiên, hàng Việt từ doanh nghiệp, nhà phân phối đã đến được với người tiêu dùng vùng nông thôn, miền núi. Còn hàng hóa do bà con sản xuất ra lại chưa được quan tâm để đưa đến nhà máy, xí nghiệp, siêu thị trong tỉnh. Tại nhiều siêu thị và trung tâm thương mại ở Quảng Ngãi, các mặt hàng nông sản, nhất là rau xanh dường như vẫn phải nhập từ các nơi khác với giá bán khá cao. Trong khi lượng rau xanh do nông dân trong tỉnh sản xuất ra thì chỉ được tiêu thụ ở chợ với giá bán thấp. Các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị rất muốn nhập hàng là nông sản đặc trưng của miền núi đưa vào siêu thị bán, nhưng cũng vướng do xuất xứ hàng hóa không rõ ràng, nguồn hàng lại không ổn định. Đối với rau xanh thì bà con không có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn.

Các siêu thị và trung tâm thương mại trong tỉnh đều mong muốn chính quyền và ngành chức năng nghiên cứu, hỗ trợ nông dân thực hiện các thủ tục công bố quy chuẩn nông sản làm ra. Khi nông sản của nông dân làm ra hợp quy, hợp chuẩn, thì họ sẵn sàng ưu tiên mua để cung ứng ra thị trường. Khi ấy đầu ra của nông sản sẽ ổn định và giá bán các mặt hàng này cũng giảm hơn so với hàng nhập từ các tỉnh, thành phố khác về.

Xuất khẩu cà phê ở Đồng Nai: Doanh nghiệp nhỏ và thương lái gặp khó

Hiện giá cà phê do thương lái thu mua ở Đồng Nai chỉ còn khoảng 36.500 đồng/kg, mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây. Giá giảm liên tục nên nhiều hộ nông dân còn tồn từ 50 - 60% sản lượng cà phê của niên vụ trước.

Trong khi đó, nhiều nhà vườn, cà phê bắt đầu bói quả chín và chỉ khoảng hơn 1 tháng nữa là vào vụ thu hoạch mới. Bà con đang rất lo lắng vì giá cà phê ở mức thấp kéo dài nhưng chi phí vật tư, công lao động không ngừng tăng cao.

Từ đầu vụ trước, thương lái và doanh nghiệp nhỏ ở Đồng Nai tranh thủ thu mua trữ hàng với giá thấp, mong đợi giá sẽ tăng vào cuối vụ. Nhưng tới nay, hàng tồn còn rất nhiều nhưng giá quá thấp nên không thể bán ra. Các doanh nghiệp lớn thì thường không để hàng dự trữ mà thường bán sang tay ngay nên hoạt động giao dịch, mua bán của thị trường có giai đoạn hầu như đóng băng vì có đơn hàng họ cũng không dám nhận vì giá thấp, e ngại không thu gom không đủ lượng hàng trong một thời gian ngắn và phải đền hợp đồng.

Theo những người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành cà phê, đây đang là giai đoạn sàng lọc các doanh nghiệp nhỏ, yếu sức, nhường sân chơi cho các doanh nghiệp lớn mạnh về nguồn vốn. Thực tế ở Đồng Nai cũng đang diễn ra như vậy, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất cà phê nội đang thua lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không ngừng mở rộng và chiếm lĩnh thị trường. Áp lực cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này ngày càng gay gắt và lợi thế đang nghiêng về các công ty, tập đoàn nước ngoài.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Bán tháo mì non chạy úng

Hiện nay, bà con xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đang thu hoạch mì (miền Bắc gọi là sắn) chưa đúng tuổi thu hoạch. Tuy nhiên, do bị úng nhiều nên chữ bột thấp, thương lái cũng như nông dân đều lâm vào tình trạng thua lỗ.

Mặc dù thời điểm thu hoạch chưa đến nhưng các thương lái và những hộ nông dân chưa bán mì đành phải bán tháo mì non để “chạy úng”. Mì chưa đúng tuổi thu hoạch, lại bị úng nhiều nên chữ bột thấp, thương lái cũng như nông dân đang phải chịu thua lỗ. Đặc biệt, những cây mì bị úng, thối củ không tập trung một chỗ mà xen lẫn với những cây còn khoẻ mạnh trong đám. Điều này gây khó khăn cho người thu hoạch, hoặc phải nhổ hết đám mì hoặc chấp nhận bỏ trắng.

Hiện nay, hầu hết mì loại này chữ bột chỉ đạt khoảng 19 - 20 điểm. Tuỳ theo nhà máy thu mua mà mức trừ phần trăm tạp chất có khác nhau. Nhưng thường có một mức chung như sau: trên 25 điểm trừ 8%, từ 20 đến 25 điểm trừ 10%, dưới 20 điểm trừ trên 10%. Thương lái mua một héc-ta mì giá khoảng 40 triệu đồng nhưng khi gặp tình trạng này, mì có trúng cũng chỉ thu hoạch được 13 - 14 tấn. Như vậy, nếu trừ các khoản chi phí như tiền công, xe vận chuyển, thương lái còn lại khoảng 10 triệu đồng/héc-ta.

Trước tình trạng này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có khuyến cáo bà con nông dân: Trước khi trồng mì nên xử lý đất bằng vôi, khoảng 400 kg/héc-ta, hoặc phun thuốc trừ nấm và vi khuẩn (giải pháp phun thuốc hơi tốn kém). Nếu mì giống đã bị nhiễm dịch thì nên tiêu huỷ, tuyệt đối không làm giống cho vụ sau. Người trồng cũng nên thường xuyên thay đổi giống mì, chịu khó xử lý diệt khuẩn hom giống trước khi trồng; tránh trồng mì ở những nơi trũng thấp, có khả năng bị đọng nước. Không nên trồng quá dày sẽ tạo độ ẩm làm cho nấm và vi khuẩn dễ phát triển. Đất trồng phải thường xuyên luân canh với các loại cây trồng khác như lúa hay mía nhằm cắt dòng đời sâu bệnh.

Đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho bà con vùng lũ

Mấy ngày qua, mưa lớn kéo dài tại các địa phương miền núi phía Bắc đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhiều người dân. Không ít chợ dân sinh bị ngập nước, tiểu thương khá khó khăn trong việc kinh doanh.

Trong đó, rau xanh và thịt lợn là hai mặt hàng có mức tăng 10 - 20% tại các địa phương bị mưa lũ vừa qua. Nguyên nhân giá tăng chủ yếu do khâu vận chuyển từ dưới xuôi lên khó khăn. Tại Lạng Sơn, giá các loại rau xanh tăng giá nhẹ 1.000 - 2.000 đồng, còn lại hầu hết thực phẩm đều ổn định giá. Tại Quảng Ninh, tuần đầu ngay sau mưa bão, giá rau xanh và thịt lợn tăng nhẹ sau đó ổn định dần. Cụ thể, rau cải, rau muống có thời điểm giá lên đến 10.000 đồng một mớ. Trong khi thịt bò, thịt gà giữ giá, riêng thịt lợn giá dao động 90.000 - 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg so với trước đó. Riêng mặt hàng thủy hải sản do các hộ nuôi trồng đều đánh bắt vội để bán nên giá giảm đáng kể. Tại Điện Biên, giá rau xanh và thịt lợn tăng cao 20 - 30% so với trước dù sức mua giảm và nguồn cung không thiếu. Theo các tiểu thương, do phần lớn thực phẩm tươi sống đều nhập từ các đầu mối nên giá nhập vào cao kéo theo giá bán lẻ tăng đáng kể.

Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, trên các địa bàn có mưa lũ như: Bắc Kạn, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang… về cơ bản không có tình trạng đầu cơ tăng giá nhờ việc dự trữ hàng hóa thiết yếu gồm gạo, thịt, tấm lợp... Cùng đó, Bộ Công Thương cũng đã thực hiện các chương trình bình ổn giá với sự tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn để bán hàng theo giá đã cam kết. Nhờ vậy, lượng hàng hóa thiết yếu khá ổn định.

Dựa vào tình hình địa bàn và nhu cầu thị trường tại các vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, ngành công thương cũng đã có kế hoạch ổn định cung ứng hàng hoá thiết yếu như gạo, mỳ, nước uống. Đồng thời gắn lưu thông hàng trên địa bàn với cam kết của doanh nghiệp, bình ổn giá và đối ứng phân bổ hỗ trợ cho người dẫn vùng lũ đảm bảo giá bán đúng cam kết.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Cẩn thận với hàng Trung Quốc gắn mác “made in Việt Nam”

Người tiêu dùng “tẩy chay” hàng Trung Quốc kém chất lượng, chính vì thế nhiều sản phẩm được “phù phép” thành hàng "made in Việt Nam" để lừa người mua. Do vậy, khi mua hàng bà con cần hết sức cảnh giác với các mặt hàng này.

Những sản phẩm loại này khá đa dạng từ giày dép, túi xách, đồ gia dụng, điện tử, mỹ phẩm. Thậm chí nhiều sản phẩm gắn mác hàng Việt Nam chất lượng cao.

Những lô hàng giả xuất xứ Việt Nam không dừng lại ở việc các đầu nậu, chủ kinh doanh tự ý chuyển đổi xuất xứ mà hàng hóa giả này còn được sản xuất, in ấn, đóng gói trực tiếp từ Trung Quốc, sau đó tuồn sang Việt Nam tiêu thụ.
Cụ thể, mới đây Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.Hồ Chí Minh phát hiện lô hàng hơn 3.000 sản phẩm gồm các loại quần áo, giày, ví da, thiết bị di động... mang các thương hiệu ngoại như Nike, Gucci, Versace... Theo quan sát, mặc dù gắn xuất xứ Việt Nam nhưng trên những sản phẩm loại này vẫn còn các tem nhãn chữ Trung Quốc còn sót lại.

Tương tự, một lô hàng lớn gồm 4 xe tải bị Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) kiểm tra khi đang chuyển hàng từ biên giới phía Bắc vào tiêu thụ.

Hàng hóa trên xe ước tính khoảng 100 tấn gồm nhiều chủng loại như: quần áo, phụ tùng xe máy, xe đạp điện, hàng điện gia dụng… Toàn bộ hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng nhiều sản phẩm gắn mác sản xuất tại Việt Nam. Thậm chí các sản phẩm gia dụng còn ghi rõ sản xuất tại Hà Đông, Hà Nội với hạn bảo hành 1 năm, có chứng nhận hợp quy chuẩn, hàng Việt Nam chất lượng cao.

Theo đại diện Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, khi sản phẩm đưa vào thị trường trót lọt sẽ dễ dàng qua mắt người tiêu dùng bởi bao bì sản phẩm được trang trí rất bắt mắt, in ấn sắc nét.

Phân biệt nồi cơm điện Sharp “xịn” và hàng nhái

Một trong những sản phẩm xuất xứ Trung Quốc được gắn mác hàng “xịn” nhiều nhất và tiêu thụ nhiều tại Việt Nam đó là nồi cơm điện của các hãng lớn như Sharp, Panasonic. Một số đặc điểm sau đây có thể giúp người tiêu dùng phân biệt được mặt hàng nồi cơm điện Sharp chính hãng và hàng nhái.

Trên bao bì sản phẩm nồi cơm điện Sharp chính hãng thì tên sản phẩm luôn có kết thúc bằng chữ V, đồng thời có dòng chữ: Made in Thailand for Sharp Electronics (Vietnam) Co Ltd (Tạm dịch tiếng Việt: Sản xuất tại Thailand, dành riêng cho Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam) trên bao bì sản phẩm. Trong khi đó, nồi cơm điện Sharp nhái, kém chất lượng trên bao bì sản phẩm thường không dòng tên model kết thúc bằng chữ V và trên bao bì có thể chỉ có các ký hiệu, ngôn ngữ của các quốc gia khác, không có dòng chữ: Made in Thailand for Sharp Electronics (Vietnam) Co. Ltd.

Với nồi cơm điện Sharp chính hãng, trên bao bì có dán bảo hành 1 năm sản phẩm và chứng nhận của Công ty GfK – là công ty hàng đầu trên toàn cầu về nghiên cứu thị trường. Tại Việt Nam, GfK đã chứng nhận nồi cơm điện Sharp bán chạy nhất Việt Nam trong 6 năm liền từ 2004 đến 2010. Với sản phẩm là hàng nhái, kém chất lượng thì không có dán tem và chứng nhận GfK trên bao bì. Trên bao bì sản phẩm nồi cơm điện Sharp “xịn” còn có tem phụ ghi rõ ràng địa chỉ nơi sản xuất, nhà phân phối ngoại nhập, thời gian sản xuất, chức năng…

Tên của sản phẩm trên thân nồi cơm điện Sharp chính hãng luôn có kết thúc bằng chữ V. Ví dụ: KS-COM18V, KSH-106V, KP-2402V… Sản phẩm nhái không có kết thúc bằng chữ V. Bên cạnh đó, những sản phẩm nồi cơm điện Sharp trôi nổi trên thị trường sẽ không có tem chống hàng giả, tem bảo hành 1 năm, tem logo GfK và không có sách hướng dẫn bằng tiếng Việt. Trong khi sản phẩm chính hãng có tem in trên thân nồi cơm điện; tem bảo hành 1 năm, chứng nhận logo GfK, tem chống hàng giả và có sách hướng dẫn sử dụng tiếng Việt.

Tem chống hàng giả: Tem dán trên thân sản phẩm và trên phiếu bảo trì, số seri phải trùng nhau. (Loại tem kết hợp giấy vỡ, 3 chiều & mực đổi màu cùng số seri kiểm soát). Tem này được đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mọi thói quen sao chép có khả năng bị xử lý theo pháp luật. Với hàng Sharp nhái, trên cả phiếu bảo hành và sản phẩm đều không có tem chống hàng giả. Đại diện Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam cũng khẳng định, Sharp Việt Nam không chịu trách nhiệm đối với những sản phẩm không do Sharp Việt Nam nhập khẩu và phân phối.

BÀ CON CẦN BIẾT

Lưu ý khi phòng trừ các loại dịch bệnh trên khoai lang

Khoai lang là loại cây lương thực được trồng tại nhiều nước trên thế giới và được trồng phổ biến tại nước ta. Trong đó, khoai lang Hoàng Long là loại cây đặc sản của tỉnh Ninh Bình; khoai lang Lệ Cần là đặc sản của vùng Lệ Cần, xã Tân Bình, Đắk Đoa, Gia Lai; khoai lang tím Nhật Bản hiện được trồng nhiều ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long)...

Thời gian gần đây, do điều kiện thời tiết bất lợi, khoai lang bị các loại sâu bệnh gây hại như: sâu ăn rễ, bọ hà (sùng), sâu keo, sâu cuốn lá, sâu đục củ... ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng và thu nhập của người nông dân. Đối với thời tiết nắng nóng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển, một phần nhỏ diện tích xuống giống sớm đang bị một số đối tượng sâu bệnh gây hại. Các loại sâu bệnh này gây ảnh hưởng làm khoai bị hư củ, thối rễ, hại lá, giảm sinh trưởng...

Đáng lưu ý hơn, các đợt nắng nóng cũng khiến đất trồng bị ảnh hưởng vì thiếu nước. Do vậy, bà con cần chủ động chống bệnh cho khoai lang ngay từ khâu làm đất. Bà con nông dân nên chú ý, đất sau khi thu hoạch vụ khoai đông xuân phải cày, xới và nên có thời gian cách ly giữa vụ nhằm hạn chế nguồn thức ăn cho sâu bệnh. Sau quá trình làm đất có thể bơm nước ngập ruộng nhằm rửa trôi các chất độc hại trên đất và có thể diệt trừ các loại sâu hại. Kết hợp với đó bà con nông dân nên tiến hành dọn sạch cỏ dại, vệ sinh đồng ruộng.

Khi phun các loại thuốc ngừa sâu bệnh, bà con nên sử dụng thuốc đặc trị cho từng loại bệnh và sử dụng liều lượng thuốc hợp lý. Cụ thể: đối với các loại sâu ăn rễ, bà con nên sử dụng các loại thuốc hạt Basudin 10H, Regent 0.3g, Padan 4H; còn với sâu keo, sâu cuốn lá nên sử dụng các loại thuốc hoạt chất sinh học. Bên cạnh đó, khi phát hiện ruộng khoai lang có xuất hiện bọ hà, sâu đục củ, bà con nông dân nên sử dụng các loại thuốc Secbut, Secsaigon, Cyper Alpha...

Để hạn chế thiệt hại do các đối tượng sâu bệnh gây ra, bà con nông dân cần tập trung bơm nước chống hạn, tổ chức chăm sóc, bón phân cân đối (đạm, lân, kali) theo đúng quy trình kỹ thuật. Trước khi thu hoạch, cần ngưng sử dụng các loại thuốc BVTV từ 15 - 20 ngày nhằm hạn chế dư lượng thuốc.

Bà con nông dân nên thường xuyên thăm đồng, nắm rõ diễn biến sinh trưởng của loài bọ hà và các loài dịch hại khác trên ruộng khoai lang để có những biện pháp xử lý kịp thời. Nếu phát hiện sâu keo, sâu cuốn lá gây hại thì phun ngay các loại thuốc phòng trừ. Tuyệt đối không phun ngừa định kỳ khi mật số sâu hại còn thấp. Điều quan trọng trong việc phòng trừ sâu bệnh gây hại là bà con nông dân nên áp dụng tổng hợp các biện pháp IPM, trong đó việc cần thiết là phải sử dụng giống tốt và chăm sóc cho khoai lang sinh trưởng khỏe mạnh làm nền tảng, kết hợp phát hiện, phòng trừ kịp thời khi sâu bệnh phát sinh với các loại thuốc đặc trị thích hợp.

Có 5 biện pháp cơ bản cần quan tâm khi áp dụng IPM là: Biện pháp canh tác kỹ thuật, sử dụng vốn, đấu tranh sinh học và cách phòng trừ sinh học, biện pháp điều hòa và sử dụng hóa chất khi cần thiết và hợp lý.

HÀNG VIỆT

Chè Mộc Châu: Chinh phục thị trường nội địa

Nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam với độ cao 1.070 mét so với mặt nước biển, thảo nguyên Mộc Châu, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông, Thái... có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng rất thích hợp cho cây chè sinh trưởng và phát triển. Mộc Châu sẽ trở thành vùng chè tập trung rộng lớn, chất lượng cao và có tính đặc trưng nhất của Việt Nam.

Đưa thương hiệu chè Việt vươn xa

Là đơn vị sản xuất chè lớn nhất Mộc Châu, Công ty Chè Mộc Châu có vườn chè tập trung, chuyên canh với quy mô trên 1.000 héc-ta. Hiện tại công ty có nhiều giống chè chất lượng cao được chăm sóc theo quy trình riêng biệt như: Shan tuyết, Kim Huyên, Ngọc Thúy, Bát Tiên… Sản phẩm chính của công ty là các loại chè xanh, chè Ô long, Pouchung; các loại chè thành phẩm đóng gói, hộp với các nhãn mác Shan Tuyết, Vân Sơn, Chè Thế kỷ 21, Thanh Long, Tùng Hạc, Châu Mộc... Với sự nỗ lực không ngừng của những cán bộ có tâm, có tình yêu với các sản phẩm chè Việt, Công ty Chè Mộc Châu đã xây dựng thành công thương hiệu chè Mộc Châu. Công ty cũng là doanh nghiệp chè đầu tiên của Việt Nam được cấp Chứng chỉ xuất xứ cho sản phẩm chè Shan Tuyết; được cấp chứng chỉ ISO 9001:2000 cho công tác quản lý chất lượng và Hacaap về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Duy Chánh – Giám đốc Công ty cho biết, dù sản phẩm của công ty hiện nay đã là một thương hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến nhưng trong thời gian tới công ty vẫn cần triển khai mạnh mẽ hơn việc áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình canh tác và chế biến ra những sản phẩm chè chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước. Đồng thời, đẩy mạnh và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới. Hiện tại chè xuất khẩu của công ty chiếm khoảng 90% lượng chè sản xuất. Thị trường xuất khẩu chính là châu Âu, Trung Đông, Đài Loan, Pakistan... Năm 2014, sản lượng chè xuất khẩu của công ty đạt 2.500 tấn, tăng hơn 500 tấn so với năm 2013.

Đầu tư vùng nguyên liệu sạch, an toàn


Để hướng tới các thị trường lớn hơn trong tương lai, phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững, công ty đang đầu tư 600 héc-ta vùng nguyên liệu sạch, an toàn, trong đó có 150 héc-ta chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Không những xuất khẩu tốt, các sản phẩm chè mang thương hiệu Mộc Châu cũng bước đầu được thị trường nội địa biết đến. Với hàng loạt những giải thưởng lớn như giải Vàng chất lượng Việt Nam, 8 Huy chương Vàng tại các triển lãm trong nước và quốc tế, giải thưởng Sao vàng Đất Việt, cúp Cành chè Vàng Việt Nam… cùng những đóng góp thiết thực cho Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tại giải thưởng “Sản phẩm, Dịch vụ, Thương hiệu Việt tiêu biểu được tổ chức lần đầu tiên năm 2014”, Công ty Chè Mộc Châu đã vinh dự lọt Top 80 sản phẩm Thương hiệu Việt tiêu biểu.

Trong thời gian tới, giải pháp được công ty đề ra là đẩy mạnh các hoạt động marketting, quảng bá thương hiệu để giới thiệu sản phẩm chè Mộc Châu đến với nhiều người tiêu dùng hơn nữa. Đồng thời, ông Chánh cũng kiến nghị Nhà nước nên ban hành thêm nhiều chính sách, hành lang pháp lý để bảo vệ thương hiệu chè Mộc Châu vì hiện nay, nhiều hãng trôi nổi trên thị trường đã làm nhái theo thương hiệu Mộc Châu.

BOX: Ông Nguyễn Duy Chánh – Giám đốc Công ty Chè Mộc Châu: Nhận thức rằng để sản phẩm của mình chiếm lĩnh tốt cả thị trường trong nước và xuất khẩu, chất lượng sản phẩm chính là yếu tố quyết định. Do đó, bên cạnh việc đầu tư 600 héc-ta vùng nguyên liệu sạch, an toàn, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trong đó có 150 héc-ta chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Công ty Chè Mộc Châu còn đẩy mạnh việc marketting, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình. Nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu chính là hướng đi duy nhất và đúng đắn nhất, giúp DN giữ vững vị thế ở thị trường trong nước và tăng cường thị phần xuất khẩu.

Nam Sơn (Báo Công thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)