Thông tin giá cả thị trường số 6/2017

12:00 AM 06/05/2017 |   Lượt xem: 2411 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Quýt đường rớt giá, nhà vườn lao đao

Hiện các nhà vườn đang thu hoạch quýt nghịch mùa. Những trái quýt đã chín vàng nhưng bà con vẫn không thể cắt bán vì giá xuống thấp, không đủ chi phí đầu tư. Thêm vào đó là tình trạng thương lái ép giá khiến nhà vườn lao đao.

Giá quýt đường giảm

Thời điểm hiện tại, nhiều nhà vườn huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp tất bật thu hoạch quýt đường cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, khác với các năm trước, giá quýt đường năm nay giảm mạnh. Hiện quýt đường đang được thương lái thu mua với giá giảm khoảng 10.000 - 11.000 đồng/kg so với các tháng trước. Cụ thể, quýt đường loại 1 giá 19.000 - 20.000 đồng/kg; loại 2 giá 17.000 - 18.000 đồng/kg. Nhiều khả năng giá quýt sẽ tiếp tục giảm do nhu cầu tại các tỉnh miền Đông Nam bộ và miền Bắc đang rất thấp.

Tại xã Tân Thành (tỉnh Bình Phước) và xã Thanh Lương (tỉnh Bình Long), nhà vườn cũng bước vào thu hoạch quýt nghịch mùa năm 2017. Đây là kết quả của việc ứng dụng kỹ thuật rải vụ nhằm cho trái quanh năm. Đồng thời, cũng làm giảm áp lực thu hoạch chính vụ có thể dội chợ, giảm giá. Vì là đợt thu hoạch trái mùa nên đa số nhà vườn đều hy vọng một mùa quýt “ngọt”. Thế nhưng năm nay, không khí tại các vườn trầm lắng hẳn, thương lái liên tục ép giá. Hiện giá quýt tại vườn dao động từ 6.000 - 16.000 đồng/kg. Trong đó, quýt loại 1 (loại to, đẹp, mọng nước) giá chỉ còn 15.000 – 16.000 đồng/kg; quýt loại 2 giá từ 12.000 – 14.000 đồng/kg; quýt nhỏ chỉ bán được 6.000 đồng/kg. Mặc dù giá quýt giảm hơn nửa so với năm trước, nhưng nhà vườn vẫn không tìm được đầu ra. Thậm chí, một số vườn đã quá đợt thu hoạch, chủ vườn đành bán cho thương lái với giá 12.000 đồng/kg.

Theo nhiều hộ trồng quýt tại huyện Lai Vung, vụ quýt trong năm, người dân chủ yếu chọn quýt đường để canh tác, song năm nay, vụ quýt này không mang lại kết quả như mong đợi do nhu cầu tiêu thụ giảm. Ngoài ra, năm nay do mưa nhiều nên năng suất quýt giảm. Với giá bán thấp như hiện tại, người trồng quýt chỉ lấy lại được vốn, nhiều hộ phải chịu lỗ tiền phân, thuốc.

Thương lái ép giá

Tình trạng bị thương lái ép giá cũng xảy ra với các hộ dân trồng quýt đường xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện thương lái vào vườn chỉ đưa ra giá 15.000 - 16.000 đồng/kg. Với giá thu mua thấp như thế này, các nhà vườn họ không có lợi nhuận. Trong khi đó, giá phân bón ngày càng tăng, tình hình dịch bệnh trên cây quýt ngày một nhiều, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn. Do đó, giá thu mua phải ở mức 20.000 đồng/kg thì nông dân mới hòa vốn đầu tư chứ chưa có lãi.

Ngoài bị ép giá, năm nay còn xuất hiện tình trạng thương lái mua theo hình thức lựa trái quýt, nghĩa là chỉ đồng ý mua những trái quýt loại 1 chứ không mua xô như trước kia. Cách mua này đã gây nhiều bức xúc cho người dân. Bởi mọi năm, thị trường đầu ra của trái quýt rất thuận lợi. Quýt chín bao nhiêu đều có thương lái mua xô hết bấy nhiêu, không có tình trạng chỉ chọn mua trái to, trái đẹp như hiện nay. Đặc biệt, nếu như mọi năm, thương lái vào tận vườn cạnh tranh mua quýt với thương lái địa phương thì năm nay, chỉ có thương lái địa phương nên không tránh khỏi tình trạng nhà vườn bị ép giá trong quá trình thu mua.

Giá thành thu mua của quýt đường giảm như hiện nay khiến cho các hộ nông dân lo lắng cho việc đầu tư trong thời gian tiếp theo. Bên cạnh đó, tình trạng cây quýt đường liên tục bị nhiễm bệnh chết khiến nông dân gặp không ít khó khăn. Thậm chí nhiều hộ nông dân đã mất dần niềm tin vào việc phát triển cây quýt đường.

Để người dân có thể yên tâm, mạnh dạn đầu tư vào loại cây trồng này, các ngành chức năng, nhất là ngành nông nghiệp tỉnh cần quan tâm hướng dẫn về khoa học kỹ thuật, cũng như tìm lời giải về đầu ra ổn định cho sản phẩm để giúp nông dân yên tâm sản xuất và phát triển vùng quýt.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Nghệ An: Phát triển cây chanh leo trên vùng đất khó

Từ khi các tuyến đường ở các huyện miền núi vùng 30a của NghệAn được thông tuyến đã mở ra bao cơ hội thoát nghèo. Bà con nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Là một xã rẻo cao, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn có khí hậu mát mẻ lại không hề bị ảnh hưởng của gió Lào nên phù hợp với giống cây chanh leo. Huyện Kỳ Sơn đã đầu tư trồng thử nghiệm mô hình trồng chanh leo tại hai hộ dân ở bản Mường Lống 1 với diện tích 2 héc-ta. Là một trong hai hộ dân được chọn trồng thử nghiệm mô hình này với 600 gốc cây chanh 1héc-ta, ông Vừ Tồng Pó, bản Mường Lống 1, xã Mường Lống ban đầu không khỏi băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, được cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật cùng với sự hỗ trợ chi phí ban đầu của huyện Kỳ Sơn, ông đã mạnh dạn thực hiện mô hình này.

Một héc-ta cây chanh leo, phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng, bao gồm tiền giống, cọc bê tông, thép làm dàn và phân bón. Bù lại cây chanh leo lưu gốc được khoảng 5 năm mới phải trồng lại nên hiệu quả mang lại cao hơn nhiều loại cây công nghiệp hiện đang gieo trồng tại Nghệ An. Qua thử nghiệm trồng tại các hộ dân ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, quan sát trên từng cành cho thấy, ngay cả khi quả ra lứa đầu chín, trên cành vẫn đơm hoa, kết trái nên sẽ hứa hẹn cho năng suất cao từ 20 - 24 tấn/héc-ta. Trong khi đó, sản phẩm quả chanh leo để được lâu tới hàng chục ngày, rất dễ tiêu thụ.

Hiện nay, xã Mường Lống tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của bà con. Xã cũng tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn, hội thảo theo hình thức cầm tay chỉ việc. Ðồng thời bồi dưỡng kiến thức giúp người nghèo thay đổi nhận thức và phong tục tập quán canh tác lạc hậu, xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình…

Xác định điều trăn trở nhất của người dân là thiếu vốn, chính quyền địa phương mong muốn các ngân hàng tạo điều kiện cho bà con vay vốn sản xuất để họ sử dụng nguồn vốn vay nhân rộng mô hình kinh tế mà họ học tập được.

Thái Nguyên: Thoát nghèo từ cây ớt giống mới

Đại Từ là huyện miền núi thuộc tỉnh Thái Nguyên với trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số sinh sống bằng nghề nông nghiệp. Để hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, giúp xóa đói, giảm nghèo, mô hình trồng ớt cao sản đã được chính quyền sớm đưa vào thử nghiệm và mang lại thành công bước đầu.

Vào mùa thu hoạch ớt, tại xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, không khí phấn khởi lan tỏa từ đồng ruộng đến nhà dân. Đây là giống ớt GS-888 có xuất xứ Thái Lan được đưa vào trồng thử nghiệm qua 2 vụ đã chứng tỏ tính ưu việt cao, không chỉ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu mà cũng rất dễ canh tác.

Ông Trần Văn Vinh (xóm Khâu Giang, xã Bản Ngoại) đang hối hả thu hoạch những lứa ớt cuối cùng trên diện tích hơn 2 sào, vui vẻ cho biết, gia đình ông đã thu hoạch 11 lứa ớt, bán được hơn 20 triệu đồng và hiện vẫn còn thu hoạch được vài lứa nữa. Toàn bộ vốn đầu tư vào trồng ớt, từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chỉ khoảng 700.000 đồng/sào nên so với các loại cây khác ông từng trồng, đây là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.

Trước đó, để giúp đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi thế độc canh cây lúa, đầu năm 2016, UBND xã Bản Ngoại đã liên hệ với Công ty cổ phần Nông nghiệp Ngôi Sao Xanh tại tỉnh Hải Dương để đưa cây ớt vào trồng đại trà trên địa bàn xã. Tiếp đó, công ty đã ký kết hợp đồng với các hộ dân theo phương thức ứng trước cây giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng và bao tiêu sản phẩm.

Sau khi đăng ký, các hộ dân được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng do cán bộ nông nghiệp xã và Công ty Ngôi Sao Xanh trực tiếp hướng dẫn. Để đảm bảo người nông dân có lãi, ngay trong hợp đồng, công ty đã quy định giá thu mua ớt theo giá thị trường nhưng không thấp hơn 8.000 đồng/kg.

Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang trồng ớt. Ngoài ra, UBND xã Bản Ngoại sẽ tiếp tục liên kết chặt chẽ với Công ty cổ phần Nông nghiệp Ngôi Sao Xanh để nâng cao chất lượng, năng suất và mở rộng diện tích gieo trồng ớt lên khoảng 10 héc-ta và giám sát chặt chẽ việc thu mua sản phẩm của bà con.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Lào Cai: Nông dân tập trung thu hoạch cà rốt

Những ngày này, nông dân huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đang tích cực thu hoạch cà rốt để giải phóng đất cho cây trồng vụ xuân. Vụ đông năm nay, toàn huyện trồng trên 15 héc-ta cà rốt, năng suất bình quân đạt 22 tấn/héc-ta. Với giá bán tại ruộng là 1.500 đồng/kg, bà con nông dân vui mừng vì sản lượng đạt khá sau một vụ mùa vất vả.

Mặc dù lần đầu đưa vào trồng thử nghiệm, nhưng chất lượng củ cà rốt được đánh giá đạt yêu cầu. Những củ không đạt tiêu chuẩn được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt, sản phẩm sẽ được Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu Trần Vinh liên kết và thu mua.

Trà Vinh: Giá cua biển thương phẩm tăng mạnh

Hơn tuần nay, giá cua biển thương phẩm tại tỉnh Trà Vinh tăng mạnh so những ngày trước đó, với mức tăng từ 50.000 - 70.000 đồng/kg. Cụ thể, giá cua gạch được thương lái thu mua 350.000 đồng/kg, tăng 70.000 đồng/kg; giá cua thịt loại 1 (3 - 4 con/kg) được thương lái thu mua từ 250.000 - 270.000 đồng/kg, tăng 50.000 - 70.000 đồng/kg so với thời điểm trong và sau Tết Ðinh Dậu.

Nguyên nhân cua tăng giá là do vào thời điểm cuối vụ thu hoạch cua biển nuôi, sản lượng cua thương phẩm không còn nhiều. Mặt khác, thị trường xuất khẩu cua biển sau tết đã hút hàng trở lại, tạo xu hướng tăng giá.

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Trà Vinh, bình quân mỗi năm, nông dân ở Trà Vinh thả nuôi cua biển từ 11.000 - 13.000 héc-ta, năng suất đạt từ 0,8 - 1,2 tấn/héc-ta, tổng sản lượng thu hoạch đạt trên 1.400 tấn/năm. Với giá cua biển ổn định ở mức cua thịt bán xô từ 200.000 đồng/kg; cua gạch từ 300.000 đồng/kg, người nuôi cua biển thu lợi nhuận 60 - 70 triệu đồng/héc-ta, chưa kể khoản thu nhập từ vụ nuôi tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng.

Đây là năm thứ 5, nông dân ở các vùng ven biển thuộc các huyện, thị trong tỉnh như: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành phát triển mạnh nghề nuôi cua biển. Vụ nuôi này cũng thay thế cho một vụ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng trong năm, nhằm hạn chế rủi ro việc nuôi tôm sú 2 vụ trong năm. 

Kon Tum: Hỗ trợ nuôi cá lồng bè trên hồ Thủy điện Sê San 4

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ 14 hộ dân thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai triển khai mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thuỷ điện Sê San 4 với số lượng 20 lồng. Các loài cá được thả nuôi gồm cá diêu hồng, cá thát lát cườm và cá lăng đuôi đỏ. Trong đó, có 12 lồng nuôi cá diêu hồng với số lượng cá được thả nuôi là 28.800 con giống; 4 lồng nuôi cá thát lát cườm với số lượng cá thả nuôi là 7.200 con giống; 4 lồng nuôi cá lăng đuôi đỏ với số lượng cá thả nuôi là 6.000 con giống. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống, 100% công kỹ thuật, 50% tiền thức ăn; đối ứng 50% tiền thức ăn nuôi cá, 100% công chăm sóc, nuôi dưỡng cá, lồng nuôi, một số trang thiết bị, dụng cụ phục vụ nuôi cá…

Theo đánh giá bước đầu, các loài cá thả nuôi đều phù hợp và thích nghi tốt với điều kiện môi trường của hồ thủy điện Sê San 4, cá sinh trưởng và phát triển tốt. 

Bến Tre: Giá muối tăng khi vào vụ mới

Bà con diêm dân tại huyện Ba Tri (Bến Tre) đang phấn khởi chuẩn bị ruộng vào vụ sản xuất mới khi giá muối tăng trở lại sau thời gian giá xuống thấp. Với giá muối hiện nay từ 900 - 1.000 đồng/kg, diêm dân mới bắt đầu có lãi. Vụ trước, một số hộ diêm dân không làm muối do không có lãi. Đặc biệt, chi phí thuê mướn chuyển muối cao, không có nhà kho để chứa, buộc nhiều hộ phải bán muối sớm với giá rất thấp.

Theo UBND xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, trong năm qua, xã thực hiện thu mua tạm trữ muối được 3,1 nghìn tấn. Toàn xã còn tồn hơn 17 nghìn tấn muối trong dân. Tuy nhiên, do người dân sản xuất theo tập quán cũ nên chất lượng muối chưa cao. Trong thời gian tới, xã sẽ lập kế hoạch triển khai mô hình sản xuất muối sạch kêu gọi người dân tham gia. Bên cạnh đó, xã kiến nghị nâng cấp hạ tầng giao thông để tạo điều kiện vận chuyển muối được thuận lợi. 

Tiền Giang: Dừa tươi tăng giá mạnh

Hiện nay, dừa tươi uống nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tăng giá mạnh mang lại nguồn lợi khá cho nông dân vùng chuyên canh. Dừa tươi được thương lái thu mua tận vườn giá 100.000 đồng/chục (12 trái), bình quân mỗi trái dừa giá khoảng 9.000 đồng, tăng 1.500 - 2.000 đồng/trái so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, để tăng thêm thu nhập, các nhà vườn còn trồng dừa dứa, dừa xiêm dưới dạng chuyên canh. Các giống dừa này cho năng suất cao, chất lượng tốt nên thị trường ưa chuộng.

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có trên 16.000 héc-ta dừa, tập trung ở các huyện phía Đông: Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông… Dừa tươi bán được giá đã khuyến khích nông dân thâm canh cây trồng chủ lực để đạt năng suất, sản lượng cao hoặc trồng dừa lồng ghép trong các mô hình kinh tế tổng hợp để làm giàu.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Kon Tum: Nhân rộng mô hình khuyến nông cây khoai tây

Trong các loại cây trồng như: rau hoa, củ quả có nguồn gốc xứ lạnh ở Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), khoai tây là cây trồng phù hợp và có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, tỉnh đang hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình khuyến nông cây khoai tây trên diện rộng, trong đó ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại vùng đất được huyện Kon Plông quy hoạch cho các hộ phát triển rau, hoa, củ quả có nguồn gốc xứ lạnh ở thôn Măng Đen, xã Măng Cành, những vườn khoai tây, bắp sú, su hào mọc lên xanh tốt. Đây là vườn khoai tây mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chuyển giao kỹ thuật. Do được các cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng nên khoai tây phát triển tốt, cho năng suất cao.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum, muốn khoai tây cho năng suất cao, các hộ dân phải làm theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Bởi thực tế, khoai tây hay mắc bệnh nấm làm rũ lá, vàng lá, chết héo xanh do lượng mưa ở đây nhiều, độ ẩm cao nên cây dễ bị bệnh thối rễ. Để phòng ngừa, cần xử lý đất trộn vôi, Trichoderma. Khi cây bị bệnh cần phun ngay thuốc Tilt Super để tạo thông thoáng cho đất, giúp khoai phát triển. Trước khi trồng, bà con phải xới xáo đất thật kỹ càng, bón vôi nhiều để sát khuẩn, đất khỏi chua. Khi trồng, bón nhiều phân chuồng hoai mục để đất tơi xốp.

Đến nay, mô hình trồng khoai tây khuyến nông ở huyện Kon Plông được đánh giá khá thành công. Trừ hết chi phí, các hộ lãi khoảng 22 triệu đồng/sào. Từ kết quả sản xuất trên, các hộ dân đang đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình trên diện rộng, đặc biệt ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Quảng Trị: Trồng xà lách xoong cho thu nhập ổn định

Trong những năm qua, các hộ dân xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã phát triển kinh tế hộ gia đình chủ yếu nhờ vào diện tích trồng xà lách xoong (cải xoong) trên địa bàn.

Nhờ vào nguồn nước thiên nhiên của 14 giếng đá cổ của người Chăm có niên đại trên 500 năm về trước, hơn 200 hộ dân của 6/8 thôn trong xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã khai hoang khoảng 10 héc-ta diện tích ruộng nước để trồng xà lách xoong. Thời gian qua, cây xà lách xoong là cây trồng siêu lợi nhuận, một vốn bốn lời của người dân trong xã. Với 10 héc-ta xà lách xoong, mỗi năm, các hộ dân trong xã đạt doanh thu từ 3 đến 5 tỷ đồng. Bình quân mỗi héc-ta đạt doanh thu từ 300 đến 500 triệu đồng/năm. Điểm đặc biệt là do được trồng sạch nên thương lái đến tận chân ruộng thu mua rau. Để khách tin đây là nguồn rau sạch 100%, người trồng sẵn sàng ăn rau ngay trên ruộng mà không cần phải rửa hoặc ngâm với nước muối trước khi chế biến như các loại rau khác mua trên thị trường.

Một hộ dân ở thôn Hảo Sơn, địa phương có diện tích trồng xà lách xoong lớn nhất xã Gio An cho biết, mùa xà lách xoong từ khoảng tháng 11 đến tháng 3 âm lịch, thời gian thường có mưa phùn và sương. Cây xà lách xoong phải được trồng trong những ruộng đá cuội không có rêu bám, có nguồn nước sạch chảy liên tục từ các giếng đá ra. Đặc biệt, cây chỉ sinh sống bằng nguồn khoáng chất có trong nguồn nước từ các giếng đá chảy ra, không được bón bất cứ loại phân gì.

Nhờ có nguồn thu ổn định và sự đồng lòng, hưởng ứng của các hộ dân nên mặc dù là địa phương bán trung du nhiều đồi núi, nhưng hiện nay, nhiều hộ dân xã Gio An đã đổi đời nhờ đầu tư trồng xà lách xoong. Bên cạnh những cây trồng chủ lực của địa phương như: hồ tiêu, cao su, nghệ, xà lách xoong cũng được xác định là cây trồng giúp bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

HÀNG VIỆT

Sơn la: Điểm bán hàng Việt Nam thu hút người tiêu dùng

Là địa phương miền núi, đời sống bà con còn nhiều khó khăn nên nhu cầu mua sắm hàng Việt có chất lượng trên địa bàn tỉnh Sơn La là rất lớn. Đến nay, Sở Công Thương tỉnh Sơn La đã mở được 7 Điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Hàng hóa hấp dẫn bà con

Không có nhiều dịp lên thành phố nên ông Mai Văn Tuấn (dân tộc Thái - phường Chiềng Mung, huyện Mai Sơn) luôn tranh thủ mỗi dịp lên đây để mua sắm hàng Việt chính hãng, có chất lượng. Ông cho hay, ông thích mua sắm các mặt hàng như: hàng gia dụng, bánh kẹo, văn phòng phẩm… tại các Điểm bán hàng Việt Nam vì vừa đẹp, vừa bền.

Giống như ông Mai Văn Tuấn, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La đều muốn mua sắm và sử dụng hàng Việt Nam. Đặc biệt, ông Nguyễn Duy Nhượng – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho hay, người dân Sơn La hầu như không thích sử dụng hàng Trung Quốc. Do đó, nhằm đáp ứng nhu cầu của bà con, những năm gần đây, tỉnh Sơn La đã bắt đầu triển khai mô hình Điểm bán hàng Việt Nam cố định. Đến hết năm 2016, Sơn La đã xây dựng thành công 7 mô hình.

Các Điểm bán hàng Việt Nam cố định được ưu tiên đầu tư xây dựng tại các khu vực mà hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu còn mỏng, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng sản xuất trong nước có chất lượng tốt với giá cạnh tranh. 100% hàng hóa được bày bán là hàng được sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm. Sau khi các mô hình này đi vào hoạt động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng. Các điểm bán thu hút đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, bước đầu đã tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm nội địa.

Ông Nguyễn Văn Trâm – chủ Điểm bán hàng Việt Nam tại cửa hàng Trâm Nhung (thị trấn Cò Nòi, huyện Mai Sơn) cho biết, Sở Công Thương tỉnh Sơn La đã lựa chọn cửa hàng Trâm Nhung để triển khai mô hình Điểm bán hàng Việt Nam cố định từ tháng 1/2016 và chính thức đưa vào khai trương từ đầu tháng 10/2016. Đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam của cửa hàng đã tăng lên khoảng 97%. Đặc biệt, dịp Tết Đinh Dậu 2017 vừa qua, lượng hàng hóa tiêu thụ đã tăng 20% so với tết năm ngoái. Không những không tăng giá so với ngày thường, cửa hàng còn triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để đảm bảo hàng hóa đến với người dân có giá cả phù hợp, kích thích được nhiều người tiêu dùng đến mua hàng.

Điểm phát luồng hàng hóa

Ngoài hàng tiêu dùng phục vụ cho bà con, Điểm bán hàng Việt Nam còn trở thành điểm phát luồng hàng hóa của Sơn La đi các địa phương khác. Bày bán nhiều sản phẩm đặc sản của Sơn La như: chè Phiêng Cầm, chè Thuận Châu, rượu Bắc Yên, đường Sơn La… phục vụ người tiêu dùng Sơn La và khách vãng lai. Các sản phẩm này có tốc độ tiêu thụ khá tốt.

Ông Nguyễn Văn Trâm cho hay, do cửa hàng được đặt ở khu vực lưu lượng người tiêu dùng đi lại khá đông nên các sản phẩm đặc sản địa phương được du khách lựa chọn nhiều. Riêng với người dân tỉnh Sơn La, những mặt hàng của các địa phương khác như: gạo tám thơm, chè Mộc Châu… cũng được bà con ưa chuộng. Do đó, bên cạnh các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, cửa hàng có một gian hàng riêng cho các sản phẩm vùng miền. Sắp tới, dựa theo nhu cầu của người tiêu dùng, cửa hàng sẽ đầu tư quầy hàng nông sản sạch do bà con Sơn La tự sản xuất để phục vụ khách du lịch cũng như người dân khu vực thành phố - nơi có nhu cầu khá lớn về thực phẩm an toàn.

Để bà con được sử dụng nhiều hàng hóa có chất lượng, các Điểm bán hàng Việt Nam thực hiện ký hợp đồng với các doanh nghiệp sản xuất để lấy hàng với giá gốc. Từ đó, hàng hóa luôn được bán với giá thấp hơn thị trường từ 5 - 10%/sản phẩm. Đây là yếu tố quan trọng để kích thích bà con Sơn La - vốn có thu nhập không cao đến với các Điểm bán hàng Việt Nam.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Đẩy mạnh chống buôn lậu thuốc lá

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam vừa kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan một số vấn đề nhằm đẩy mạnh chống buôn lậu thuốc lá trong năm 2017.

Theo số liệu của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, năm 2016, tình hình buôn lậu thuốc lá gia tăng trở lại với diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều thủ đoạn tinh vi. Trong khi đó, công tác chống buôn lậu thuốc lá chưa triệt để, lượng thuốc lá bị bắt giữ và tiêu hủy giảm. Đặc biệt, việc xét xử theo tội buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới rất ít khi thực hiện được do đường biên giới Việt Nam tiếp giáp với các nước láng giềng như: Campuchia, Lào và Trung Quốc rất dài, rất khó có bằng chứng chứng minh đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển “qua biên giới”.

Nhằm khắc phục tình trạng này và đẩy mạnh chống buôn lậu thuốc lá trong năm 2017, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan một số vấn đề. Thứ nhất, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương, các lực lượng chức năng Trung ương, địa phương triển khai quyết liệt Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, phối hợp đề ra chương trình hành động tại các vùng trọng điểm buôn lậu thuốc lá. Trong đó, Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Quản lý thị trường và các chi cục quản lý thị trường địa phương kiên quyết đấu tranh, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu. Đặc biệt là việc bày, bán thuốc lá lậu tại các tủ, quầy, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn…

Thứ hai, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cho phép chuyển việc quản lý Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá về Bộ Tài chính để phù hợp với chức năng quản lý chuyên môn. Đồng thời, trích 50% quỹ cho công tác đấu tranh phòng chống thuốc lá nhập lậu; hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị phương tiện, biên chế cho các lực lượng trực tiếp thi hành công tác chống buôn lậu thuốc lá.

Thứ ba, Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Bộ Luật hình sự 100/2015/QH13, không áp dụng giá trị hàng phạm pháp tối thiểu làm căn cứ để định tội và định khung đối với các tội danh liên quan đến hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu mà xử lý hình sự đối với các hành vi kể trên dựa trên cơ sở số lượng từ 500 bao trở lên, thống nhất với quy định tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiêu hủy toàn bộ thuốc lá nhập lậu bị tịch thu nhằm chống tái thẩm lậu. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét tăng biên chế và công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an, biên phòng, hải quan và quản lý thị trường; hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị phương tiện, biên chế cho các lực lượng trực tiếp kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu thuốc lá.

Ngoài ra, Hiệp hội còn kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng lò tiêu hủy thuốc lá lậu tập trung (do Hiệp hội xây dựng phương án) nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Đối với Bộ Tài chính, Hiệp hội kiến nghị không thu tiền tem thuế thuốc lá bao của doanh nghiệp vì bản chất của việc dán tem là để phục vụ cho việc quản lý thuế của Nhà nước.

Từ ngày 1/1/2017, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã nâng mức hỗ trợ tiêu hủy thuốc lá nhập lậu từ 3.500 đồng/bao lên 4.500 đồng/bao theo Thông tư 306/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 19/2015 về mức hỗ trợ này.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)