Thông tin giá cả thị trường số 6/2016

08:24 AM 10/06/2016 |   Lượt xem: 3511 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Còn nhiều thách thức

Trong bối cảnh người tiêu dùng đang rất lo ngại về thực phẩm không an toàn thì việc phát triển nông nghiệp hữu cơ là bước đi cần thiết và kịp thời cho nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam hiện vẫn chỉ là những bước đầu với quy mô và phạm vi chưa lớn.
Tháo gỡ nhiều vướng mắc

Thông tin này được đưa ra tại hội thảo “Nhận diện sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - xu hướng phát triển và xúc tiến liên kết sản xuất tiêu thụ”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 12/5/2016. Theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nông nghiệp hữu cơ làm tăng năng suất, tăng thu nhập, giảm khí nhà kính, giảm ô nhiễm hóa chất… Tuy nhiên, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện còn khiêm tốn. Đại diện Cục Trồng trọt cho biết, việc mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn gặp nhiều thách thức, như hiện nay nước ta vẫn chưa có tổ chức nào cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ. Các sản phẩm xuất khẩu được chứng nhận hữu cơ lại dựa vào tổ chức nước ngoài như Control Union, IMO, JAS… Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ hầu như vẫn chưa có.

Về phía doanh nghiệp, ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất Viễn Phú, cho biết thách thức lớn nhất khi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất hữu cơ là chính sách. Hiện nay, các chính sách để phát triển canh tác hữu cơ, thân thiện môi trường ở nước ta chưa được minh bạch. Bên cạnh đó, các quy định về tiêu chuẩn sản xuất sạch, chứng nhận sản phẩm cũng chưa được đặt ra một cách rõ ràng.

Để phát triển nông nghiệp bền vững, ông Khải cho rằng, nhà nước cần có những chính sách cụ thể mang tính đột phá nhằm mục đích chuyển đổi dần từ canh tác hóa học sang nền sản xuất thân thiện với môi trường để đáp ứng xu thế hội nhập, cạnh tranh với thế giới cũng như cải thiện sức khỏe cộng đồng. Chính sách cần làm rõ sự khác biệt trong việc khuyến khích ưu đãi cho đối tượng từ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, nhà đầu tư thấy được sự rõ ràng trong việc sản xuất, đầu tư giữa hai xu hướng nông nghiệp hóa học và nông nghiệp thân thiện môi trường.
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Đối với thị trường trong nước, chúng ta đang đương đầu với những thách thức lớn như tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng, hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm và có thương hiệu uy tín trên thị trường.

Trước tình thế đó, việc phát triển nông nghiệp sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm theo hướng VietGAP, GlobalGAP hay phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang được nhiều doanh nghiệp hướng tới. Ông Lê Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Organic Life cho biết, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mang lại giá trị cao hơn nhiều so với các sản phẩm thông thường. Tuy nhiên, cái khó của nông nghiệp hữu cơ hiện nay là vấn đề thương hiệu, giá thành cao và lòng tin của người tiêu dùng. Theo ông Thành, phải mất khoảng vài năm, doanh nghiệp mới chuyển từ sản xuất nông nghiệp theo cách thông thường lên nông nghiệp hữu cơ, điều này đòi hỏi người sản xuất phải rất kiên định. Để giải quyết những khó khăn nêu trên, doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh tuyên truyền về các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị các bộ, ngành liên quan cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để người dân yên tâm tiêu dùng sản phẩm.

Cùng với đó, các địa phương cần rà soát lại đất nông nghiệp, có chính sách ưu tiên đất nông nghiệp hướng tới phát triển nông nghiệp hữu cơ, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp. Đặc biệt cần kết nối các DN sản xuất nông nghiệp hữu cơ lại, tìm các nhà đầu tư và các nhà phân phối lớn để ổn định đầu ra cho sản phẩm.

BÁN GÌ

Bắc Giang: Vải thiều đầu vụ đắt khách

Năm 2016, dự kiến thời gian thu hoạch vải thiều của Việt Nam muộn hơn so với các năm trước. Theo đó, vụ sớm sẽ khoảng từ ngày 5/6 - 20/6 và vụ chính từ ngày 20/6 - 25/7; tổng sản lượng tại các địa phương trồng vải thiều trọng điểm trong nước ước khoảng 200.000 tấn.

Sản lượng giảm nhưng chất lượng cao hơn

Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang, thời tiết năm nay không thuận lợi nên việc sản xuất vải thiều gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm mưa, ấm khiến nhiều cây ra lộc; rét đậm, rét hại kéo dài, mưa phùn, nồm, ẩm liên tục ảnh hưởng đến quá trình ra hoa, đậu quả. Vì vậy sản lượng vải thiều dự kiến thấp hơn năm trước. Tổng diện tích vải thiều năm 2016 toàn tỉnh Bắc Giang là 30.000 héc-ta, giảm 1.000 héc-ta so với năm 2015, do chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh ước đạt 130.000 tấn, giảm 65.000 tấn so với năm 2015. Sản lượng vải chín sớm ước đạt khoảng 23.000 tấn, chiếm 17,7%; vải thiều chính vụ là 107.000 tấn, chiếm 82,3%. Sản lượng vải thiều tập trung ở các huyện Lục Ngạn ước đạt 70.000 tấn, Lục Nam 28.000 tấn, Tân Yên 8.000 tấn, Lạng Giang 6.500 tấn, Yên Thế 12.000 tấn và Sơn Động 5.700 tấn. Chất lượng vải thiều cao hơn những năm trước. Tính riêng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP là 12.560 héc-ta, sản lượng dự kiến đạt khoảng 53.000 tấn, đáp ứng được nhu cầu sử dụng quả vải chất lượng cao. Trong đó, huyện Lục Ngạn được Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải cho hơn 200 hộ dân với 158 héc-ta theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Vải được trồng tại đây có chất lượng đặc biệt, được chăm sóc dưới sự giám sát nghiêm ngặt về quy trình sản xuất của các cơ quan chức năng. Sản lượng dự kiến khoảng 1.000 tấn, đảm bảo điều kiện xuất sang Mỹ, Úc, EU... Riêng vải thiều chế biến gồm: Đông lạnh, đóng hộp, sấy khô thì ngoài Trung Quốc, Lào, một số doanh nghiệp (DN) đang tiếp cận thị trường Trung Đông để tiêu thụ sản phẩm này.
Thương lái đặt hàng sớm

Ông Chu Văn Báo – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết: “So với vụ vải năm 2015, vụ vải năm nay bị mất mùa khiến sản lượng vải của huyện đạt khoảng 70.000 tấn, giảm trên dưới 40% so với năm 2015. Đến thời điểm này đang có khá nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến vùng vải của huyện khảo sát, trong đó nhiều nhất là các thương lái Trung Quốc. Theo dự đoán của tôi, do vải mất mùa nên giá bán vải năm nay sẽ cao hơn nhiều so với năm 2015, dù giá cao nhưng cũng không đủ hàng để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước”. Theo các chủ đầu mối thu gom vải xuất đi Trung Quốc thì năm nay vụ vải ở Trung Quốc mất mùa lớn khiến nhu cầu nhập khẩu vải thiều của Việt Nam tăng đột biến. Chưa vào chính vụ nên lái buôn rất khó đặt hàng, dù đã trả giá cao, đặt tiền trước cho bà con nhưng cũng chưa có ai muốn bán cả. Đơn cử như hộ anh Nguyễn Văn Minh ở xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã liên tục có khách đến khảo sát, đặt hàng. Anh Minh cho biết: “Nhiều thương lái Trung Quốc đến vườn nhà đặt tiền trước. Tôi chưa dám nhận mà chờ đến gần thu xem sản lượng, giá cả thị trường chắc chắn mới bán”. Công ty liên doanh xuất nhập khẩu rau quả Teanda (TP. Hồ Chí Minh) cũng vừa ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ 5 héc-ta vải thiều GlobalGAP của nông dân thôn Kép 1, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Vùng vải này đã được cấp chứng nhận bảo đảm tiêu chuẩn GlobalGAP từ năm 2015. Theo cam kết, Công ty sẽ mua sản phẩm với giá cao hơn 20% so với giá thị trường ở cùng thời điểm để xuất khẩu sang Mỹ và một số nước châu Âu.

Box: Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được 29 mã số với khoảng 300 héc-ta cho vải, phần lớn ở Bắc Giang để phục vụ cho xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

BÁN GÌ

Nghĩa Lộ (yên bái): Tập trung thu hoạch lúa đông xuân

Thời điểm này, tranh thủ thời tiết thuận lợi nông dân thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) đã bắt đầu ra đồng thu hoạch diện tích lúa đông xuân, giải phóng một phần diện tích đất gieo cấy vụ mùa 2016.
Năm nay, tuy đầu vụ có rét đậm, rét hại, nắng nóng nhiều ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa nhưng do chủ động về nguồn giống, tuân thủ nghiêm khung lịch gieo cấy, tích cực chăm sóc phòng trừ sâu bệnh nên lúa đông xuân của các hộ gia đình vẫn đạt năng suất cao hơn 60 tạ/héc-ta. Ngay sau khi thu hoạch xong, nhiều hộ gia đình đã bắt tay ngay vào làm đất, gieo mạ, phục vụ sản xuất lúa vụ mùa theo đúng khung lịch phường, thị xã chỉ đạo. Tính đến nay, nông dân thị xã đã thu hoạch được hơn 60 héc-ta lúa đông xuân, chủ yếu là 2 giống lúa Nghi Hương 305 và Séng Cù. Dự kiến toàn bộ diện tích lúa đông xuân của thị xã sẽ thu hoạch xong trước 7/6/2016. Thị xã tiếp tục chỉ đạo với quan điểm “Xanh nhà hơn già đồng”, tranh thủ thời tiết thuận lợi để thu hoạch tránh mưa bão, tập trung phơi bảo quản thóc lúa, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ mùa.

Vụ mùa năm 2016 được dự báo sẽ diễn ra trong điều kiện thời tiết nóng, từ tháng 6 – 8/2016, do đó, thị xã Nghĩa Lộ yêu cầu trong tổ chức chỉ đạo sản xuất vụ mùa các xã, phường cần chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện nghiêm túc khung lịch gieo cấy đã chỉ đạo, sử dụng cơ cấu giống lúa theo hướng dẫn, hạn chế thấp nhất việc đưa các giống không nằm trong cơ cấu vào sản xuất. Khống chế tối đa không quá 1% diện tích giống khác trên đất 2 vụ lúa của các đơn vị. Đối với các giống lúa thuần đề nghị các xã, phường, đơn vị cung ứng giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng hạn chế sử dụng giống xác nhận, giống các hộ tự để giống để đảm bảo năng suất. Ngoài chú trọng đưa các giống lúa có năng suất chất lượng cao vào gieo cấy. Thị xã sẽ thực hiện chuyển đổi 30 héc-ta lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu, ngô đặc sản chuyên canh tại 7/7 xã, phường.

Miền Tây mất mùa trái cây

Nắng nóng, xâm nhập mặn gay gắt đã làm hàng loạt vườn trái cây ở miền Tây bị thiệt hại, giá nhiều loại tăng cao nhưng bà con không có hàng bán.

Ông Lê Ngọc Quận (ngụ ấp Đông Hưng 2, xã Đông Thành) là một trong những người trồng nhiều cây thanh trà với khoảng 30 công, gồm 2 loại chua và ngọt. “Mấy năm trước, vườn thanh trà nhà tôi thu hoạch gần 50 tấn nhưng năm nay, tới cuối vụ, chắc thu hoạch không hơn 2 tấn trái loại chua. Riêng 200 cây thanh trà ngọt vụ này hái chưa được 1 kg trái” - ông Quận nói. Trong khi đó, người trồng sầu riêng ở xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long đang lâm cảnh khốn đốn bởi hàng loạt cây rụng lá chết hoặc trái teo tóp. Trong diện tích trồng sầu riêng của xã, hiện có gần 280 héc-ta thiệt hại 30% - 70%, hơn 164 héc-ta thiệt hại trên 70%. Năm nay nắng nóng quá, mưa ít, độ mặn cao khiến sầu riêng giảm năng suất đáng kể. Tại tỉnh Trà Vinh, khoảng 276 héc-ta trồng chôm chôm ở cù lao Tân Quy, huyện Cầu Kè đang rụng trái non và chết dần. Đây là nơi trồng chôm chôm lớn nhất tỉnh nhưng do ảnh hưởng của hạn, nhiều nông dân phải trắng tay.

Do nhiều nhà vườn bị mất mùa, cung không đủ cầu nên giá nhiều loại trái cây tăng cao. Tại chợ Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long), thương lái thu mua bưởi loại từ 1,2 kg trở lên, cành lá đẹp với giá 48.000 đồng/kg, loại từ 900 g đến 1 kg khoảng 36.000 -37.000 đồng/kg, tăng 12.000 - 13.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Nhiều vựa bưởi tại thị xã Bình Minh đã đóng cửa do không còn nguồn cung. Nhiều loại trái cây có múi khác cũng tăng giá mạnh, như quýt, cam… Ngoài hạn, mặn làm thất mùa, thời điểm này nghịch vụ nên sản lượng không nhiều, trong khi thị trường nội địa và xuất khẩu đang có nhu cầu cao khiến giá bị đẩy lên. Theo một tiểu thương buôn bán trái cây trên đường Nguyễn Văn Linh, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, nắng nóng nên ăn trái cây có múi được nhiều người ưa chuộng. Hiện rất nhiều người đặt mua quýt đường với giá 60.000 đồng/kg, trong khi cách đây 3 tháng chỉ 40.000 đồng nhưng người bán vẫn không có đủ hàng để cung cấp vì nhà vườn ở Hậu Giang và Đồng Tháp đã cạn nguồn.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Tây Nguyên: Tìm giải pháp khôi phục diện tích cà phê sau hạn hán

Đợt hạn hán khốc liệt nhất chưa từng có từ trước đến nay đã khiến diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, việc khôi phục lại diện tích cây trồng, đặc biệt là cà phê đang được các địa phương đặc biệt chú trọng.

Khôi phục vườn cà phê sau hạn hán

Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, trong thời gian qua do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất một số cây trồng chủ lực của Tây Nguyên. Hiện các tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp chống hạn để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại và sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả trên địa bàn.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để khôi phục lại sản xuất đối với các diện tích cà phê bị thiệt hại do hạn hán, cần áp dụng cho từng vườn cây cụ thể, căn cứ theo từng mức độ thiệt hại. Đối với diện tích cà phê bị khô chết toàn bộ cành cơ bản: Giải pháp duy nhất là tiến hành cưa đốn phục hồi. Vào đầu mùa mưa, tiến hành cưa bỏ toàn bộ thân cây cách mặt đất từ 30 - 40cm, sau đó nuôi từ 1 - 2 chồi/gốc để thay thế cho thân cũ bị cắt bỏ, hoặc có thể tiến hành ghép bằng các dòng vô tính khác có năng suất, chất lượng tốt hơn nhằm cải tạo lại vườn cây.

Đối với những diện tích cà phê chỉ bị khô chết những cành thứ cấp, nhưng cành cơ bản vẫn còn khả năng tái sinh: Qua khảo sát thực tế cho thấy phần lớn diện tích cà phê thiệt hại nặng do hạn hán kéo dài là những vườn cà phê thuộc dạng này. Do phần lớn những cành thứ cấp mang quả đều bị khô héo, hoặc chết nên sản lượng bị giảm sút nghiêm trọng hoặc không có khả năng cho sản lượng trong vụ tới. Vì vậy, đối với những diện tích cà phê đã có tuổi đời trên 20 năm nên áp dụng biện pháp cưa đốn phục hồi, hoặc cưa ghép cải tạo bằng các dòng cà phê vối mới. Đối với những diện tích cà phê dưới 20 năm tuổi thì sau 1 - 2 cơn mưa đầu lúc đó lá non hoặc chồi non sẽ phát sinh dễ phân biệt các cành bị khô chết và cành còn khả năng tái sinh. Tiến hành cắt bỏ những cành khô, những đoạn cành cơ bản quá già nằm xa thân chính để tái tạo lại bộ tán mới.

Đối với những diện tích cà phê chỉ bị rụng lá, khô quả: Phần lớn những diện tích này chỉ bị thiếu hụt nước tưới vào giai đoạn cuối mùa khô, hoặc ở những vườn cây không có cây che bóng. Do bị quả khô chết nên tại các đốt đó sẽ phát sinh ra nhiều cành thứ cấp vì vậy trong những tháng mùa mưa cần thường xuyên vặt tỉa bớt các cành thứ cấp này. Đặc biệt là những cành trên đỉnh tán, tạo sự thông thoáng cho cây, hạn chế sâu bệnh hại. Ở những vườn không có hoặc thiếu cây che bóng cần trồng bổ sung kịp thời vào đầu mùa mưa.

Nên bắt đầu càng sớm càng tốt

Theo TS. Trương Hồng - Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, thời điểm cưa đốn những vườn cây bị ảnh hưởng nặng nên bắt đầu ngay trong tháng 5, cưa càng sớm càng tốt để tranh thủ thời gian dài trong mùa mưa giúp cây sinh trưởng tốt và cây sớm cho quả. Đối với vườn cà phê bị ảnh hưởng của hạn hán ở mức độ nhẹ năng suất có thể bị giảm từ 20 - 50%: Duy trì hệ thống cây bóng, đai rừng (không rong tỉa) và lớp thảm tàn dư thực vật trên lô để giữ ẩm, hạn chế bốc thoát hơi nước. Cắt bỏ các cành khô, cành bị rụng lá, cành vòi voi để giúp cây cà phê tập trung dinh dưỡng nuôi các cành mang quả, hạn chế rụng quả. Lưu ý đánh chồi vượt kịp thời để giúp cây cà phê sinh trưởng khỏe. Trường hợp cây bị khuyết tán, cần tạo hình bổ sung tán. Phun phân bón lá chuyên dùng cho cây (như NUCAFE) trong trường hợp đất không đủ ẩm để bón phân. Nên phun ít nhất 2 lần, cách nhau khoảng 15 - 20 ngày. Nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất…

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Hậu Giang: Trồng mãng cầu gai trên đất phèn

Với vùng đất trũng thấp và quanh năm bạc màu vì phèn, mặn nên không ít hộ dân ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã tìm cách cải tạo ruộng vườn, mở đường phát triển kinh tế gia đình bằng việc trồng mãng cầu gai ghép bình bát cho hiệu quả cao.

Những năm gần đây, mô hình trồng mãng cầu ghép bình bát ở địa phương phát triển mạnh. Đây là loại cây có tiềm năng phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp không ít hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Chính vì thế, địa phương đã tranh thủ mọi nguồn vốn, nhất là từ đề án chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để hỗ trợ người dân tiếp tục phát triển và nhân rộng. Trên cơ sở đó, chọn những vùng thích hợp để quy hoạch trồng mãng cầu theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm để bà con không còn lo chuyện được mùa, mất giá. Theo kinh nghiệm của các hộ dân, để cây mãng cầu phát triển tốt và cho năng suất cao không chỉ cải tạo đất bằng cách dùng vôi và phân hữu cơ, làm giảm nồng độ phèn mà còn áp dụng phương pháp ghép mãng cầu gai với cây bình bát. Bởi cây bình bát sống và thích nghi tốt với mọi loại đất. Đồng thời, để góp phần tăng thu nhập và có trái bán quanh năm thì nhiều nhà vườn còn áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa và tự thụ phấn.

Hiện thương lái vào tận vườn thu mua mãng cầu với giá từ 20.000 - 23.000 đồng/kg. Tuy mức giá hiện nay giảm hơn so với mọi năm nhưng người dân vẫn có lãi vì trồng mãng cầu đầu tư chi phí thấp, trong khi năng suất trái trung bình khoảng 4 tấn/công. Hơn hết, mấy năm gần đây, vào mùa khô cho đến những tháng cận tết nhu cầu mãng cầu tăng mạnh. Thấy được hiệu quả của mô hình mang lại, chính quyền địa phương không ngừng tuyên truyền, vận động người dân cải tạo vườn tạp để phát triển loại cây này.

Cà Mau: Nuôi thủy sản bị ảnh hưởng do thiên tai

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, qua khảo sát, hiện đã có khoảng 52.467 héc-ta tôm nuôi bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn từ tác động của El Nino, chủ yếu trên tôm nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến.

Ngoài ra còn có hàng trăm héc-ta nuôi cá bống tượng, cá chình, cá bổi, sò huyết, nghêu, hàu… cũng bị thiệt hại nặng do hạn hán, xâm nhập mặn.

Hiện, ngành chức năng tỉnh đang xem xét việc chi hỗ trợ cho người nuôi trồng thủy sản bằng hình thức trao trực tiếp con giống có chất lượng tốt (kích cỡ lớn), nhằm rút ngắn thời gian sản xuất theo kịp lịch thời vụ. Trước đó, Cà Mau cũng đã công bố thiên tai hạn hán cấp độ 1 trên diện tích trồng lúa. Nông dân bị thiệt hại trên toàn tỉnh được hỗ trợ trên 86 tỷ đồng. Ngày 26/5/2016, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã công bố thiên tai gây hại trực tiếp đến nuôi trồng thủy sản ở cấp độ 2. Nhiều dự báo cho rằng, nếu nắng nóng kéo dài đến tháng 6, dự báo diện tích nuôi tôm bị thiệt hại tại Cà Mau sẽ lên hơn 100.000 héc-ta. Vì vậy, UBND tỉnh Cà Mau đã công bố bổ sung thiên tai đối với tôm nuôi, nhằm có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân.

Theo Tổng Cục thủy sản, tính đến trung tuần tháng 5, 8 địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại 81.413 héc-ta tôm nuôi. Nguyên nhân dẫn đến tôm nuôi chết bất thường là do nắng nóng, độ mặn cao.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Gia Lai: Diện tích cây chanh leo phát triển tự phát

Thời gian gần đây, cây chanh leo hay còn gọi là chanh dây đang được nông dân một số địa phương của tỉnh Gia Lai như: Kbang, Mang Yang, Đắk Đoa... lựa chọn là cây trồng thay thế một số cây trồng khác nhờ giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định.

Làm giàu từ chanh leo

Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tính đến nay, cây chanh leo đã có mặt tại một số huyện như: Kbang, Mang Yang, Đắk Pơ, Đắk Đoa, Ia Grai, Chư Prông… với diện tích 251 héc-ta. Trong đó, diện tích trồng mới trong năm 2015 là 107,7 héc-ta và diện tích thu hoạch thường xuyên 143,4 héc-ta. Tại các vùng này, cây chanh leo phát triển tốt, thích ứng với đất đai thổ nhưỡng. Đặc biệt, vốn đầu tư trồng chanh leo không lớn như các loại cây trồng khác nên rất phù hợp với đồng bào dân tộc ở các huyện còn nhiều khó khăn. Đây cũng là một trong những tiêu chí được nông dân lựa chọn khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Theo ước tính, một héc-ta chanh leo hiện nay nếu đầu tư trồng mới có giá cao nhất khoảng 100 triệu đồng tiền giống, phân bón, ống tưới, giàn dây… Trong khi thời gian thu hoạch sớm hơn các cây trồng khác, chỉ sau 5 tháng trồng đã cho thu hoạch. Năng suất bình quân đạt 102,4 tạ/héc-ta, giá bán quả tươi hiện nay 10.000 -15.000 đồng/kg tùy theo quả đẹp hay xấu. Sản phẩm thu hoạch được tư thương tìm đến tận vườn để thu mua rồi sơ chế xuất đi các tỉnh: Bình Định, Đà Nẵng và một số tỉnh lân cận khác… Một hộ gia đình ở thôn Tân Phú, xã Đắk Djrăng, huyện Mang Yang cho biết, với giá bán từ 13.000 - 17.000 đồng/kg, trồng chanh leo lãi hơn các loại cây trồng khác rất nhiều. Tính từ năm ngoái đến năm nay, gia đình anh đã thu về 400 triệu đồng, trong đó lãi năm thứ 2 này khoảng 100 triệu đồng. Với giá bán thuận lợi như hiện nay, thời gian tới gia đình anh sẽ trồng thêm 2 héc-ta nữa. Nhiều hộ gia đình khác cũng cho biết, trồng chanh leo nhàn hơn so với trồng cà phê và hồ tiêu. Cứ 3 - 4 tuần thu hoạch 1 lần, thậm chí thương lái tìm đến tận vườn để thu mua.

Cần định hướng vùng quy hoạch

Mặc dù việc trồng chanh leo từ trước đến nay đều mang tính tự phát (người dân tự mua giống ở tỉnh khác về trồng rải rác tại hộ gia đình) nhưng với mức giá thu mua như hiện nay đã giúp nông dân có lãi cao hơn so với các loại cây trồng khác. Vì vậy, hiện nay cây chanh leo đang được các cơ quan chuyên môn định hướng đưa vào quy hoạch, phát triển thành vùng nguyên liệu chế biến trong những năm tới. Đặc biệt, mới đây, Công ty cổ phần Nafoods Group, thành phố Vinh (Nghệ An) đã có Công văn số 275/ CV- NFG xin chủ trương phát triển vùng nguyên liệu chanh leo trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo đó, công ty muốn thực hiện quy hoạch tập trung 3.000 - 5.000 héc-ta đất trồng chanh leo gắn với lộ trình xây dựng nhà máy chế biến, bằng các hình thức liên kết với các hộ dân; các công ty cao su trên địa bàn. Trong đó, công ty thuê 500 - 600 héc-ta đất để tự đầu tư trồng chanh leo. Ngoài ra, công ty cam kết sẽ cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật và đặc biệt là bao tiêu toàn bộ sản phẩm trong vùng nguyên liệu.

Trong điều kiện giá cả các mặt hàng nông sản xuống thấp, đầu ra thiếu ổn định, việc nông dân trồng chanh leo mang lại hiệu quả kinh tế cao đang từng bước mở ra hướng đi mới trong việc lựa chọn cây trồng phù hợp với thị trường tiêu thụ hiện nay. Tuy nhiên, ngành chức năng cũng khuyến cáo bà con nên thận trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bởi nhiều hộ dân thấy trồng chanh leo có lợi nhuận cao đã phá bỏ cà phê và các loại cây khác. Điệp khúc chặt - trồng chạy theo cái lợi trước mắt và những bài học kinh nghiệm đã từng xảy ra. Vì trên thực tế, đầu ra của cây chanh leo vẫn chưa ổn định. Nếu chỉ dựa vào thị trường Trung Quốc, đến một lúc nào đó, giá chanh leo sẽ giảm mạnh. Ngoài ra, còn có nhiều nguồn thông tin cho rằng, cây chanh leo sẽ gây thoái hóa đất nghiêm trọng, sau này khó tái trồng cây cà phê. Tuy nhiên, thông tin này chưa được kiểm chứng, chưa có căn cứ, nếu bà con biết cải tạo đất tốt, sau 2 năm tái trồng cây cà phê theo đúng quy trình sẽ không bị ảnh hưởng.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Kiểm tra, xử lý thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu

Hiện nay, tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu từ nước ngoài vào thị trường Việt Nam ngày càng gia tăng, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân.

Các loại thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu bao gồm: Thuốc bảo vệ thực vật có nhãn bằng tiếng nước ngoài, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ở Việt Nam, bao gồm cả các hóa chất bảo quản và kích thích sinh trưởng cây trồng và sản phẩm cây trồng.

Để ngăn chặn triệt để những hành vi trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị số 3606/CT-BNN-BVTV ngày 9/5/2016 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý việc nhập lậu, vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu. Theo đó, Bộ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện ngay một số biện pháp sau:

Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phối hợp với Mặt trận tổ quốc, Hội nông dân, các tổ chức đoàn thể và các cơ quan chức năng (nông nghiệp, truyền thông, báo chí) tuyên truyền, hướng dẫn người dân không mua bán, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu và tác hại của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu. Đồng thời, triển khai chương trình giám sát việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành nông nghiệp, quản lý thị trường, công an, chính quyền địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, kiên quyết tịch thu, tiêu hủy các loại thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Chỉ đạo cơ quan công an, Ban Chỉ đạo 389 địa phương phối hợp với cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật tổ chức điều tra, truy quét xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân nhập lậu, vận chuyển, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu.

Đối với các tỉnh biên giới phía Bắc (gồm các tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu) và Tây Nam bộ (gồm các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Long An) đề nghị Ủy ban nhân dân chỉ đạo các cơ quan làm nhiệm vụ tại cửa khẩu có biện pháp kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn triệt để việc tổ chức, cá nhân nhập lậu, mua bán, vận chuyển qua biên giới thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu. Kiên quyết tịch thu và xử lý thuốc bảo vệ thực vật đưa qua biên giới với bất kỳ khối lượng nào, dù chỉ 1 bao, gói. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam đến vùng sâu, vùng xa biên giới phục vụ đủ cho nhu cầu bảo vệ sản xuất của người dân. Đối với thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu tịch thu được, đề nghị Ủy ban nhân dân chỉ đạo giao cho Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp nhận và xử lý theo quy định hoặc thông báo cho Cục Bảo vệ thực vật theo số điện thoại: 0931.107.128.

HÀNG VIỆT

Hàng Việt về Lai Châu: Tiếp cận nhu cầu người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa

Sau gần 7 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) được đánh giá là đã tác động tích cực đến nhận thức, hành động của các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng, góp phần hình thành nét đẹp văn hóa trong sản xuất và tiêu dùng hàng Việt trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Cạnh tranh bằng chất lượng

Giống như bất cứ một địa phương miền núi nào trên cả nước, những ngày đầu triển khai trên địa bàn tỉnh Lai Châu, CVĐ đã gặp khó khăn do thị trường tràn ngập các mặt hàng Trung Quốc, đa dạng về chủng loại, giá rẻ. Trong khi đó, đời sống của bà con còn nghèo, nhận thức hạn chế nên quan tâm đến giá cả hơn chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Không nhiều doanh nghiệp Việt Nam mặn mà đưa hàng về bán ở khu vực này do sức mua không cao, vận chuyển khó khăn, thiếu địa điểm bán hàng cố định.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban chỉ đạo CVĐ tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; không mua, sử dụng những hàng ngoại kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó đẩy mạnh quản lý thị trường, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đảm bảo chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp người dân yên tâm, tin tưởng sử dụng hàng Việt. Nhiều chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi Lai Châu cũng được tổ chức nhiều đợt trong năm. Mỗi đợt phân phối khoảng gần 30 gian hàng với 15 doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân trong và ngoài tỉnh tham gia, với các mặt hàng: Điện, điện tử, đồ nhựa, chất tẩy rửa, hàng dệt may, thực phẩm chế biến... Hàng hóa được bày bán tại các phiên chợ đều có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng vùng cao. Nhờ thực hiện nhiều chính sách kích cầu nên mỗi phiên chợ đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia mua sắm… Một số nghề, làng nghề truyền thống cũng được quan tâm phục dựng như nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái phường Đoàn Kết; nghề nấu rượu ngô xã Nậm Loỏng; làm các loại bánh ở xã San Thàng. Các sản phẩm của một số đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn đã tham gia trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm tại các Hội chợ Thương mại quốc tế Lai Châu.

Thêm nhiều chuyến hàng việt về nông thôn, miền núi

Nhờ những giải pháp đó, đến nay, CVĐ đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhận thức, hành động của đại bộ phận người tiêu dùng trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt. Hơn 2.600 hộ kinh doanh cá thể, 487 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ trên địa bàn đã phát huy vai trò trách nhiệm trong việc nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, đưa hàng Việt về các khu dân cư. Ngoài ra, thông qua các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân trong và ngoài tỉnh cũng nghiên cứu, tìm hiểu hàng hóa của địa phương để đưa những sản phẩm phù hợp vào hệ thống kinh doanh của mình; đặc biệt là những mặt hàng điện, vật dụng sinh hoạt gia đình, hàng dệt may và thực phẩm. Khi tham gia chương trình, mỗi doanh nghiệp đều nhận được không ít những ý kiến và mong muốn thiết thực của người tiêu dùng và cũng nắm bắt thêm được nhiều thông tin về nhu cầu, thị hiếu của thị trường…

Để nâng cao hiệu quả CVĐ trong thời gian tới, đặc biệt là các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết, trung tâm đã có kế hoạch tham mưu với Sở Công Thương và UBND tỉnh ban hành xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại địa phương, trên cơ sở đó sẽ tổ chức thêm nhiều đợt đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, tổ chức rà soát, xây dựng các đề án đưa hàng Việt về nông thôn thực hiện trong những năm tiếp theo; tiếp tục mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các thương nhân trên địa bàn tỉnh.

Box: Tại các chợ Đoàn Kết, Tân Phong, Nậm Loỏng, San Thàng, mặt hàng nhựa gia dụng, thực phẩm chế biến sẵn đóng hộp, may mặc Việt Nam đã “lấn át” hàng ngoại. Các mặt hàng nông sản do bà con thành phố Lai Châu, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) bán được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)