Thông tin giá cả thị trường số 51/2018

02:54 PM 18/12/2018 |   Lượt xem: 4478 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Điện Biên: Cà phê Mường Ảng mất mùa, mất giá

Huyện Mường Ảng là vùng cà phê trọng điểm của tỉnh Điện Biên với sản lượng chiếm đến 90%. Nhiều năm qua, cây cà phê được chính quyền địa phương xác định là cây trồng chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo.

Bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2007, đến nay toàn huyện Mường Ảng có hơn 3.300 héc-ta cây cà phê, tập trung ở các xã: Ẳng Cang, Ẳng Nưa, Ẳng Tở, Búng Lao, Mường Đăng, Ngói Cáy và thị trấn Mường Ảng. Thời gian qua, giá cà phê liên tục giảm, đặc biệt là vụ cà phê năm nay mất cả mùa lẫn giá, khiến người dân Mường Ảng lao đao. Hiện giá thu mua cà phê rất thấp, chỉ từ 4.000 - 6.000 đồng/kg quả tươi. Với mức giá này, các hộ dân, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp rất nhiều khó khăn. Một hộ đồng bào dân tộc ở xã Búng Lao, huyện Mường Ảng cho biết, giá cà phê thời gian qua rất bấp bênh. Đầu vụ chỉ có 3.000 – 4.000 đồng/kg, cuối vụ khoảng 6.000 đồng/kg, trong khi trừ công hái cho nhân công mất 2.000 đồng/kg. Ngoài ra còn rất nhiều chi phí khác như phân bón, thuốc trừ sâu… Nếu không tiếp tục trồng cà phê thì không có công ăn việc làm, mà đầu tư sẽ lỗ vốn.

Bên cạnh việc giá thấp, thời tiết năm nay cũng không thuận lợi nên bà con không mặn mà chăm sóc khiến sản lượng cà phê năm nay cũng giảm. Niên vụ 2018, năng suất cà phê ở Mường Ảng chỉ ước đạt 8 tạ/héc-ta, sản lượng cà phê trấu khoảng 2.500 tấn, giảm hơn 3 lần so với niên vụ 2017. Điều này khiến các hộ dân trồng cà phê tại đây càng thêm khó khăn.

Trên thực tế, các hộ trồng cà phê ở Mường Ảng đã phải chịu cảnh lỗ vốn liên tục. Nhiều hộ không chịu được đã phải chuyển đổi sang loại cây trồng khác. Tuy nhiên, hầu hết bà con vẫn cố bám trụ vì cây cà phê đã gắn bó với họ nhiều năm nay và đầu tư vào không ít tiền của, công sức. Bà con mong chính quyền địa phương sớm tìm ra giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm cà phê. Những năm qua, địa phương mới chỉ quan tâm đến vùng nguyên liệu và chất lượng sản phẩm, chưa chú trọng đến thị trường tiêu thụ, phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp bên ngoài khiến người trồng cà phê bị ép giá. Tuy nhiên, chủ trương của huyện vẫn sẽ tiếp tục duy trì ổn định những diện tích cà phê hiện có. Bởi đây vẫn là loại cây trồng mang lại lợi nhuận lớn, giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt, chính quyền huyện Mường Ảng đang tiếp tục đề nghị tỉnh Điện Biên cân nhắc các chính sách hỗ trợ cho người trồng cà phê về vật tư, phân bón. Ngoài ra, đề nghị tỉnh ban hành chính sách trợ giá đối với bà con khi giá cà phê thấp hơn 5.000 đồng/kg quả tươi. Với mức hỗ trợ này, người trồng cà phê ít nhất là hòa vốn, không bị bù lỗ.

Theo định hướng giai đoạn 2018 - 2020, huyện Mường Ảng sẽ giữ vững diện tích cà phê hiện có, phấn đấu đến năm 2020 diện tích cà phê toàn huyện đạt 3.500 héc-ta, sản lượng cà phê trấu đạt trên 8.000 tấn.   

Huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, thích hợp cho việc phát triển cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê. Đây cũng là huyện trọng điểm nằm trong vùng quy hoạch phát triển cà phê của tỉnh Điện Biên. Nhiều năm qua, cà phê luôn là cây trồng được cấp ủy, chính quyền huyện Mường ảng ưu tiên hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

MUA GÌ-BÁN GÌ

Vĩnh Long: Khoai lang tím Nhật tăng giá

Sau thời gian giảm giá liên tục, hiện nay, giá khoai lang tím Nhật trên địa bàn huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đã tăng, dao động từ 500.000 - 600.000 đồng/tạ (60kg). Với mức giá này, bà con nông dân có lãi khá. Bên cạnh khoai lang tím Nhật, các loại khoai khác được trồng tại huyện Bình Tân cũng tăng nhẹ. Cụ thể, khoai trắng sữa có giá bán 400.000 đồng/tạ, tăng 50.000 đồng/tạ so tuần qua; khoai bí đường xanh 350.000 đồng/tạ, tăng 50.000 đồng/tạ; khoai Nhật cao sản 550.000 đồng/tạ, tăng 50.000 đồng/tạ,…

Trong năm 2018, toàn huyện Bình Tân xuống giống trên 13.900 héc-ta khoai lang; trong đó có trên 12.900 héc-ta khoai lang tím Nhật, chiếm trên 92% tổng diện tích xuống giống khoai của toàn huyện.

Bình Thuận: Xoài Mũi Né mất mùa, nông dân lo vụ tết

Nhờ đặc tính đất cát cùng với nguồn nước mạch tốt nên trái xoài ở Mũi Né (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) có vị ngon đặc trưng và được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, năm nay thời tiết không thuận lợi nên hàng loạt diện tích xoài ở Mũi Né không đậu trái khiến bà con lo lắng. Đây là vụ xoài chính trong năm để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán 2019.  Với tình trạng này, vụ xoài tết năm nay coi như mất trắng.

Vào thời điểm Tết Nguyên đán 2018, trái xoài ở Mũi Né được bán với giá rất cao, từ 90.000 – 100.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, tình trạng này đã ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất cũng như đời sống của người nông dân. Hiện ngành chức năng địa phương đang triển khai các giải pháp cần thiết để hỗ trợ người dân sớm phục hồi sản xuất.

Giá thanh long tăng mạnh

Hiện nay, giá thanh long ruột trắng tăng gấp đôi so với 3 tháng trước đó, còn loại ruột đỏ tăng 5 - 6 lần. Thanh long ruột trắng giá dao động từ 18.000 - 20.000 đồng/kg tùy loại. Giá thanh long ruột đỏ tại vườn 25.000 đồng/kg và đang tăng dần lên 30.000 đồng nhưng lượng hàng để bán không nhiều. Nếu các năm trước, thời điểm này giá thanh long chỉ ở mức 10.000 - 12.000 đồng/kg thì nay tăng mạnh. Nguyên nhân là do nghịch mùa, mặt khác, nhu cầu thu mua tăng cao để cung ứng cho dịp Tết tây và Noel. Dự báo, giá thanh long tết năm nay sẽ tăng cao.

Hiện các hộ dân đang tích cực chăm sóc và chong đèn cho thanh long rải vụ. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo, bà con nên triển khai thực hiện tốt chương trình sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh bị trả hàng và thương lái không thu mua. Bên cạnh đó, đối với diện tích thanh long bị ngập lụt do ảnh hưởng bão số 9 vừa qua, bà con nên tăng cường ngay nguồn phân bón, nhất là các loại phân hữu cơ vi sinh để bổ sung kịp thời dinh dưỡng cho cây trồng. Tổ chức sản xuất thanh long theo hướng thâm canh, nâng cao dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho cây trồng.

Giá trứng gia cầm giảm

Thời gian gần đây, giá thịt lợn (heo) và thịt gia cầm có chiều hướng giảm nên giá trứng gà, trứng vịt cũng giảm mạnh. Tại các tỉnh miền núi, giá trứng giảm 600 – 800 đồng/quả so với thời điểm cách đây 1 - 2 tháng. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường tiêu thụ chậm, trong khi nguồn cung khá dồi dào từ các trang trại chăn nuôi. Đây là điểm khác biệt so với mọi năm vì thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11 các cơ sở sản xuất bánh kẹo tết thường nhập lượng lớn trứng để làm nguyên liệu sản xuất. Do vậy, giá trứng thời điểm này thường được đẩy lên rất cao. So với thời điểm 2 tháng trước, hiện mỗi quả trứng bán buôn giảm từ 500 -  600 đồng/quả, nhiều hộ chăn nuôi lỗ vốn. Thậm chí, một số hộ không thể cầm cự nuôi tiếp và không có khả năng tái đàn. Giá xuất buôn cho các thương lái chỉ từ 1.200 - 1.400 đồng/quả trứng loại 1, loại 2 - 3 giá thấp hơn. Với giá trứng như hiện nay, trừ các khoản chi phí cám bã, thuốc men cho gà, tính trung bình mỗi hộ chăn nuôi lỗ cả tiền triệu mỗi ngày.

CƠ HỘI-GIAO THƯƠNG

Kiên Giang: Chuối xiêm được mùa, mất giá

Bà con nông dân trồng chuối huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đang đối mặt nguy cơ lỗ nặng vì giá chuối giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

U Minh Thượng có diện tích trồng chuối xiêm nhiều nhất tỉnh Kiên Giang. Toàn huyện U Minh Thượng hiện có gần 3.000 héc-ta diện tích trồng chuối xiêm tập trung ở 2 xã vùng đệm Minh Thuận và An Minh Bắc, tăng gần gấp đôi so với năm 2017. Đây là diện tích chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chuối.

Tuy nhiên, do diện tích tăng nhanh dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, chuối không tiêu thụ được. Đặc biệt, ngay từ đầu vụ, giá chuối đã giảm từ 3.500 - 4.000 đồng/nải xuống còn 2.000 đồng/nải, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Thậm chí, một số hộ gia đình đã thu hoạch xong, vận chuyển sản phẩm ra tận bờ bao nhưng thương lái chỉ mua với giá 2.000 đồng/nải. Nếu trừ chi phí chăm sóc, thuê nhân công thu hoạch, vận chuyển, bà con không còn lãi, thậm chí lỗ. Không chỉ chuối nải rớt giá, bắp chuối cũng rớt theo, trung bình một bắp chuối bán từ 3.000 - 4.000 đồng, thay vì hơn 10.000 đồng/bắp như trước đây.

Theo các thương lái, sở dĩ giá chuối giảm mạnh là đang vào thời kỳ thu hoạch. Bên cạnh đó, chuối U Minh Thượng bị ảnh hưởng mưa bão nên chất lượng và độ đẹp không bằng nơi khác. Trong khi đó, thương lái có xu hướng chỉ chọn mua chuối có độ chín đều và đẹp mắt, còn chuối không đạt chất lượng thì không mua vì bán không được. Có những hộ gia đình thu hoạch 500 - 700 nải, thương lái “ép” trả lại gần 100 nải. Số chuối bị trả lại nông dân cho cá hay lợn ăn, còn không thì bỏ đống chứ không bán cho ai được. Trước tình trạng này, địa phương khuyến cáo bà con chuyển dần diện tích trồng chuối sang trồng các loại cây khác như: Cam, bưởi, xoài hoặc các loại rau màu và hướng tới sẽ thành lập hợp tác xã và ra mắt thương hiệu chuối xiêm U Minh Thượng. Bên cạnh đó, hướng cho nông dân làm chuối khô, kẹo chuối… để đa dạng hóa sản phẩm, tăng thu nhập.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Bộ Công Thương: Mở đợt cao điểm kiểm soát thị trường cuối năm

Thực hiện Kế hoạch số 454/KH-BCĐ389 ngày 30/11/2018 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 30/10/2018 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường tập trung vào các nội dung: Tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, kiểm tra, xử lý hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường..., hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiên thương mại, thương mại điện tử và các hình thức kinh doanh thông qua công nghệ số... không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Kiểm tra kiểm soát chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng đối với các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp tết như thực phẩm; bánh kẹo; mỳ chính (bột ngọt); rượu, bia, nước giải khát; đồ gia dụng; hàng tiêu dùng; các loại hàng hoá giả nguồn gốc xuất xứ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính. Kiểm tra kiểm soát về công tác an toàn thực phẩm, đặc biệt phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh...

Việc kiểm tra kiểm soát trên tinh thần tăng cường quản lý giám sát, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả giải quyết công việc; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

HÀNG VIỆT 

Chuẩn bị hàng tết phục vụ đồng bào miền núi: Hàng Việt chiếm ưu thế

Hiện nay, các đơn vị đã lên kế hoạch dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, chú trọng thị trường khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, năm nay, các mặt hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất chiếm ưu thế.

Tổ chức xe bán hàng lưu động ở vùng sâu, vùng xa

Tại Khánh Hòa, từ đầu tháng 11, Trung tâm Dịch vụ Thương mại Khánh Vĩnh đã lên kế hoạch bán hàng lưu động vào các ngày 24, 25, 26 tháng Chạp tại các xã: Khánh Phú, Khánh Nam, Khánh Đông để cung ứng hàng hóa cho người dân ở xa trung tâm. Tùy theo nhu cầu thực tế của người dân, số lượng hàng hóa này sẽ được phân bổ cho 6 điểm bán hàng bình ổn giá tại thị trấn Tô Hạp và các xã: Ba Cụm Nam, Sơn Hiệp, Sơn Bình, Sơn Lâm, Thành Sơn. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ tổ chức xe bán hàng lưu động vào ngày 26 và 27 tháng Chạp tại các khu dân cư ở vùng sâu, vùng xa của các xã: Ba Cụm Nam, Ba Cụm Bắc, Thành Sơn, Sơn Lâm. Dự kiến, đầu tháng 12, trung tâm sẽ làm việc với các nhà phân phối ở Nha Trang và Diên Khánh tổ chức thu mua, phân bổ những mặt hàng thiết yếu và đưa hàng hóa về các cửa hàng. Các trung tâm cũng sẽ tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn tại điểm bán hàng bình ổn giá để người dân biết về chủ trương bán hàng bình ổn giá trước, trong và sau tết.

Khảo sát của Trung tâm Dịch vụ Thương mại Khánh Vĩnh cho thấy, nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết của đồng bào miền núi trong vài năm gần đây thay đổi nhiều. Bà con có xu hướng sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước nhiều hơn bởi sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, mẫu mã đa dạng, phong phú, chất lượng đảm bảo và giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa cũng có thay đổi. Những năm trước, bà con chủ yếu dự trữ gạo các loại. Tuy nhiên, vài năm nay, đường sá thông thương nên việc dự trữ gạo không nhiều, thay vào đó là các nhu yếu phẩm khác như: dầu ăn, bột ngọt, nước mắm, nước ngọt…

Các mặt hàng OCOP được ưa chuộng

Với đặc điểm là tỉnh công nghiệp, du lịch nên sức mua ở Quảng Ninh khá lớn. Để phục vụ cho dịp cao điểm mua sắm nhất trong năm, cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân, địa phương đang nỗ lực chủ động nguồn hàng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng thực phẩm; ngăn chặn, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng thâm nhập vào thị trường...

Đáng chú ý, những năm gần đây, Quảng Ninh đã rất thành công trong việc triển khai Chương trình OCOP. Nhiều mặt hàng mang tính đặc trưng của địa phương, vùng, miền được người dân ưa chuộng trong dịp Tết Nguyên đán. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất đang huy động tối đa nhân lực, hối hả vào guồng sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng. Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã lên kế hoạch chuẩn bị đầy đủ lượng hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt, đầu cơ tích trữ đẩy giá hàng hóa lên cao bất hợp lý. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển thêm điểm bán hàng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các huyện vùng xa nhằm đưa hàng bình ổn giá đến tận tay người tiêu dùng.

Chú trọng bình ổn thị trường tết

Theo dự báo của Sở Công Thương Quảng Ngãi, nhu cầu hàng hóa dịp tết 2019 sẽ tăng khoảng 10% so với cùng kỳ 2018. Các loại thực phẩm tươi sống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản xuất theo phương thức hữu cơ trong nước được dự báo sẽ tiêu thụ mạnh... Tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo công tác bình ổn thị trường tết phải gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Để người dân vùng nông thôn, miền núi, hải đảo mua được hàng chất lượng, đúng giá trong dịp tết này, Sở Công thương và các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tổ chức bán hàng phục vụ tết tại nhiều điểm bán hàng di động, cố định, phiên chợ hàng Việt và hàng chục chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm tươi sống. Đặc biệt, mặt hàng trái cây đã được các siêu thị, quầy sạp lớn ký kết hợp đồng thu mua từ các tỉnh Nam bộ, nhằm đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp phục vụ tết.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)