Thông tin giá cả thị trường số 50/2018

08:46 AM 13/12/2018 |   Lượt xem: 4501 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Hội chợ Kinh tế thương mại biên giới Trung - Việt (Hà Khẩu) lần thứ 18: Đa dạng hàng hóa và kết nối giao thương

Hội chợ Kinh tế thương mại biên giới Trung - Việt (Hà Khẩu) lần thứ 18, năm 2018 đã diễn ra từ ngày 4 - 8/12/2018 tại Trung tâm Hội trợ triển lãm huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) với chủ đề “Thân tình cởi mở - Hợp tác phát triển”.

Năm nay, các ngành hàng tham gia đa dạng và phong phú hơn những kỳ hội chợ trước. Các mặt hàng chủ yếu được trưng bày và trao đổi gồm hàng nông sản, bánh kẹo, cà phê, hàng tiêu dùng, công nghiệp, công nghệ, nông cụ, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng gia dụng, đồ gỗ nội thất, thổ cẩm… Đặc biệt có các mặt hàng nông sản, sản vật của các huyện, địa phương khu vực biên giới hai nước. Hội chợ với quy mô 1.419 gian hàng, trong đó có 835 gian hàng phía Trung Quốc; 385 gian hàng phía Việt Nam và 199 gian hàng quốc tế đến từ các doanh nghiệp của các nước: Thái Lan, Hàn Quốc, Ai Cập, Indonesia...

Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội chợ, ông Lê Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nêu bật: Hội chợ Kinh tế thương mại biên giới Việt - Trung được tổ chức thường niên từ năm 2001 đến nay với quy mô ngày càng mở rộng, chất lượng không ngừng được nâng cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai nước; là điểm nhấn nổi bật trong giao lưu, hợp tác kinh tế giữa hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) nói riêng và hai nước Việt Nam - Trung Quốc nói chung. Đây là kênh quan trọng để các doanh nghiệp hai nước giao lưu, đàm phán và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Thời gian qua, tại các cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới như: Giảm chi phí, thời gian thông quan; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp hai bên… Thời gian tới, hai bên thống nhất xây dựng mô hình cặp cửa khẩu quốc tế kiểu mẫu trên tuyến biên giới Việt - Trung và thiết lập luồng ưu tiên thông quan đối với hàng nông sản để khai thác hiệu quả vị trí “cầu nối” “cửa ngõ” của Lào Cai trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh…

Trong khuôn khổ Hội chợ Kinh tế thương mại quốc tế Trung - Việt (Hà Khẩu) lần thứ 18 năm 2018, Ban tổ chức Hội chợ đã tổ chức Hội nghị giới thiệu các dự án và chính sách kêu gọi đầu tư Trung - Việt và ký kết hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp hai nước. Tại hội nghị, đại diện phía Việt Nam đã thông tin tới doanh nghiệp hai nước về các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam cũng như  tỉnh Lào Cai. Theo đó, để thu hút đầu tư, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo thực hiện xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương 8 chính sách chính: Tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, chuyển lỗ, thuế thu nhập cá nhân, giải phóng mặt bằng, thuế xuất - nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp…

Doanh nghiệp hai bên đã có nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách đầu tư, đặc biệt là chính sách biên mậu: Việc cắt giảm thời gian, thủ tục thông quan tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu; hiện nay để xuất khẩu, doanh nghiệp hai bên đều phải sử dụng xe chung chuyển qua cửa khẩu dẫn đến chi phí rất cao, do đó chính quyền hai bên cần nghiên cứu chính sách để tháo gỡ giúp doanh nghiệp; chính sách thương mại điện tử, thanh toán điện tử xuyên quốc gia giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc... 18 doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc đã ký các hợp đồng kinh tế tại Hội nghị xúc tiền đầu tư với tổng trị giá các hợp đồng là 683 triệu đô-la Mỹ.  

MUA GÌ-BÁN GÌ

Khánh Hòa: Tôm hùm giảm giá mạnh

Tôm hùm ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa chết hàng loạt sau bão số 8, 9 khiến giá rớt thê thảm, chỉ 100.000 - 300.000 đồng/kg. Nhiều hộ gia đình nuôi tôm hùm gần đến ngày thu hoạch nhưng do ảnh hưởng của bão nên tôm chết buộc phải bán tháo. Thông thường loại tôm hùm với trọng lượng 0,3 - 1kg có giá 1 triệu đồng/kg giờ chỉ bán được 100.000 - 200.000 đồng/kg tùy trọng lượng.

Theo thống kê, TP. Cam Ranh có chừng 35.000 lồng nuôi tôm hùm, thiệt hại tập trung ở các phường nuôi ở vịnh Cam Ranh. Sau mưa bão, tôm chết vẫn đang tiếp diễn nhưng do các hộ có tôm chết nằm rải rác nên chưa thể thống kê được số lượng thiệt hại.

Bình Thuận: Chuẩn bị mùa kiệu tết

Thời điểm này, bà con nông dân trồng kiệu thuộc địa bàn xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đang tất bật với các công đoạn chăm sóc cho mùa kiệu tết 2019. Năm nay, dù thời tiết không mấy thuận lợi nhưng nông dân trồng kiệu vẫn hy vọng vào một vụ mùa bội thu. Chuẩn bị củ kiệu phục vụ thị trường tết 2019, ngay từ giữa tháng 8 âm lịch, bà con nông dân ở xã Sơn Mỹ đã xuống giống trên những chân đất vườn với tổng diện tích gần 120 héc-ta, tăng hơn 70 héc-ta so cùng kỳ. Trước đây, chỉ có trên địa bàn thôn 3 trồng kiệu nay đã mở rộng diện tích trên toàn địa bàn xã. Nếu chăm sóc tốt thì 1 héc-ta kiệu có thể mang về lợi nhuận trên 200 triệu đồng.

So với các địa phương khác, Sơn Mỹ là xã có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây kiệu với lợi thế chất đất cát pha, khí hậu thích hợp nên kiệu Sơn Mỹ được đánh giá là ngon, củ trắng, giòn, thu hút nhiều thương lái TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu đến đặt hàng. Nhiều năm nay, bà con nông dân ở Sơn Mỹ đều có khoản thu nhập ổn định từ trồng kiệu tết.

Gia Lai: Bí rớt giá, người trồng lao đao

Nông dân ở khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai đang lao đao vì giá bí đỏ giảm 3 - 4 lần so với năm trước, giá bí đao cũng rẻ như bèo nhưng rất ít người mua. Hiện giá bí đao là 1.500 đồng/kg, bí đỏ là 3.000 đồng/kg hàng tuyển. Tuy giá giảm mạnh nhưng rất ít thương lái đến thu mua. Thậm chí, các thương lái chỉ chọn mua những quả loại 1, loại 2, 3 bà con đành bỏ thối ngoài đồng. Trong khi đó, những năm trước, bí đỏ hạt đậu có giá trên 10.000 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân khiến bí giảm giá mạnh, một thương lái cho biết, năm nay, thời tiết thuận lợi nên các vùng rau được mùa. Hiện nay, các tỉnh trồng bí nhiều như Quảng Nam, Quảng Ngãi hay các tỉnh phía Bắc cũng đang vào mùa thu hoạch. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường ngày càng thấp. Mặc dù các công ty, doanh nghiệp đã chuẩn bị nhập hàng để làm mứt tết những lượng nhập giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, các thương lái cũng chỉ thu mua cầm chừng chứ không dám ôm hàng.

Trà Vinh: Giá cua biển tăng cao

Vào những ngày đầu tháng 12/2018, nông dân ở các vùng ven biển tỉnh Trà Vinh phấn khởi vì đã bước vào vụ thu hoạch cua biển cuối năm và giá cua biển thương phẩm đã tăng  20.000 - 30.000 đồng/kg. Cụ thể, cua gạch và cua thịt loại I (2 - 4 con/kg) được thương lái thu mua với giá 300.000 - 320.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg; cua xô 5 - 6 con/kg giá thu mua 170.000 - 180.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg; cua cái so và cua thịt loại II (3- 4 con/kg) có giá 220.000 - 230.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg.

Nhiều năm nay, nông dân ở các vùng ven biển tỉnh Trà Vinh đã phát triển nghề nuôi của biển. Nhiều nhất là mô hình nuôi cua biển trong ao nuôi tôm sú để thay thế cho một vụ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nhằm hạn chế sự rủi ro việc nuôi tôm thẻ chân trắng 3 vụ trong năm. Năm nay, giá cua biển ổn định ở mức cao nên người nuôi cua biển thu lợi nhuận bình quân khoảng 80 triệu đồng/héc-ta/vụ.

CƠ HỘI-GIAO THƯƠNG

Bình Phước: Cam kết tiêu thụ hồ tiêu

Đầu tháng 12, tỉnh Bình Phước đã làm việc với đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam về tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hồ tiêu của tỉnh.

Thời gian qua, Công ty Nedspise Việt Nam đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất tiêu bền vững tại Bình Phước. Niên vụ 2018, công ty cam kết thu mua hồ tiêu với sản lượng khoảng 10.000 tấn, chiếm 1/3 tổng sản lượng hồ tiêu của tỉnh Bình Phước.

Hiện có 1.500 nhà nông trồng hồ tiêu ở Bình Phước tham gia vào các dự án do Nedspice áp dụng đúng kỹ thuật cho 60 câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu bền vững với tổng diện tích lên đến 2.100 héc-ta. Bà con nông dân tham gia vào dự án sản xuất hồ tiêu đạt theo tiêu chuẩn châu Âu sẽ được thưởng thêm 5.000 đồng/kg và được hưởng một số ưu đãi khác. Sản xuất hồ tiêu bền vững là phải đáp ứng bộ tiêu chí khắt khe như khi tham gia nhà nông được hướng dẫn kỹ thuật ngay tại vườn; xét nghiệm chất lượng hồ tiêu của từng hộ để đánh giá về hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Quy định sản phẩm đạt loại A thường được thu mua với giá cao hơn thị trường và được thưởng thêm tiền.

Trong bối cảnh, hồ tiêu những năm qua gặp biến động lớn do giá cả xuống thấp, dịch bệnh diễn biến phức tạp, các ngành chuyên môn tỉnh Bình Phước khuyến khích nông dân trồng hồ tiêu tăng cường liên kết chuỗi sản xuất, tạo ra sản phẩm đáp ứng cao yêu cầu của đơn vị thu mua tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, để sản xuất hồ tiêu bền vững thì yêu cầu nền sản xuất nông nghiệp của Bình Phước phải đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thay đổi tư duy, nhận thức của người sản xuất; phương thức canh tác; hướng đến canh tác hữu cơ, canh tác theo đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Hiện nay, toàn tỉnh Bình Phước trồng hơn 17.700 héc-ta hồ tiêu, vượt xa quy hoạch hơn 7.000 héc-ta. Sản lượng bình quân hàng năm hơn 30.000 tấn; trong đó có 10.000 tấn được đặt hàng thu mua xuất khẩu; số còn lại do nông dân tự tìm đầu ra trên thị trường.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Cảnh giác với tín dụng đen

Tổ chức tín dụng đen lớn nhất Việt Nam - Công ty Tài chính Nam Long vừa bị triệt phá. Với lãi suất cho vay lên đến 1.000%, tín dụng đen đang khiến nhiều người đi vay rơi vào cảnh cùng quẫn.

Ông Nguyễn Văn Hòa (sống tại Thái Nguyên) cho hay: Khi nhận được tờ rơi quảng cáo cho vay không cần thế chấp của Công ty Tài chính Nam Long, ông đã liên hệ vay 15 triệu đồng. Lãi và gốc được trả theo tháng trong vòng 1 năm. Đến khi trả hết nợ, tính ra ông đã phải trả lãi 20 triệu đồng – nhiều hơn số cả số tiền vay được.

Tuy nhiên, may mắn cho ông Hòa là đã lo trả hết nợ trong thời hạn. Rất nhiều người vì nghe theo lời quảng cáo của Công ty Tài chính Nam Long mà chấp nhận vay tiền theo mức lãi công ty này đưa ra. Đến khi lãi mẹ để lãi con, có những người bán nhà vẫn không đủ trả nợ cho khoản vay vài chục triệu ban đầu.

Được biết, Công ty Tài chính Nam Long bao gồm 26 chi nhánh trải rộng ở 63 tỉnh, thành trên cả nước, kinh doanh cho vay tài chính dưới hình thức cho vay nặng lãi… Sau khi dụ được người muốn vay tiền đồng ý ký hợp đồng vay tiền; công ty này đã đe doạ, dùng bạo lực để trấn áp người vay phải trả tiền, nếu không chúng sẵn sàng ra tay với nhiều thủ đoạn. Theo thống kê ban đầu đã có hơn 200 khách hàng vay lãi nặng của Công ty Tài chính Nam Long, có khách hàng phải chịu lãi suất vay lên đến 1.043%/năm.

Thực tế, Công ty Tài chính Nam Long chỉ là một trong số rất nhiều công ty đang hoạt động theo hình thức tín dụng đen. Với hình thức cho vay được gọi tên là “hỗ trợ tài chính”, rất nhiều người đã trở thành con nợ của nạn tín dụng đen. Mấy năm trở lại đây, tín dụng đen hoạt động ở khắp nơi, nhất là những địa phương bà con ít thông tin, thiếu hiểu biết về pháp luật. Chính vì vậy, bà con cần hết sức lưu ý không tham gia vào các hoạt động cho vay tín dụng đen. Với chính sách hiện hành, bà con hoàn toàn có thể thông qua các tổ chức xã hội trong bản, trong xã để tiếp cận với rất nhiều kênh vay tiền phát triển sản xuất, cho con cái đi học, xây dựng nhà cửa… với lãi suất thấp.

HÀNG VIỆT 

Cao Lộc - Lạng Sơn: Phục tráng hồng không hạt Bảo Lâm

Năm 2012, sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm trồng tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây, diện tích hồng không hạt ngày càng giảm. Chính vì vậy, huyện Cao Lộc đã và đang đẩy mạnh phục tráng cây hồng không hạt Bảo Lâm và xác định đây là cây trồng chủ lực.

Sản lượng chưa đáp ứng nhu cầu thị trường

Từ những năm 1965, cây hồng không hạt Bảo Lâm đã được bà con các dân tộc Tày, Nùng ở 3 xã gồm: Bảo Lâm, Thạch Đạn và Thanh Lòa nhân giống phát triển trồng tại các vườn cây ăn quả. Thấy giá trị kinh tế cao, đến nay, nhiều xã trong huyện Cao Lộc đã mở rộng diện tích trồng, trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với tổng diện tích hơn 400 héc-ta, năng suất bình quân đạt từ 30 đến 35 tạ/héc-ta. Cây hồng không hạt đã giúp cho bà con nơi đây xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Là loại cây đặc sản có thế mạnh, dễ trồng và dễ bán, nhưng hồng không hạt Bảo Lâm vẫn chưa đáp ứng nguồn cung ra thị trường. Nguyên nhân do phần lớn diện tích hồng vẫn được trồng theo lối quảng canh và manh mún, được mùa, mất mùa phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Đặc biệt, diện tích hồng sau bao năm vẫn chưa được nhân rộng; chưa được trồng tập trung theo vườn, mà lại sống tạp giao trong rừng cùng với các loại cây khác nên gặp khó khăn trong việc chăm sóc. Ngoài ra, một lý do khác khiến hồng không hạt Bảo Lâm khan hiếm, khó mua là do trồng hồng lâu cho thu hoạch, khoảng sau 10 - 12 năm mới được thu hoạch. Khó khăn về kinh tế, nhiều người dân chọn giải pháp trồng cây ngắn ngày cho thu hoạch để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày mà ít chú trọng đến loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao này.

Chuyển giao quy trình công nghệ mới

Tháng 12/2017, UBND huyện Cao Lộc đã phê duyệt dự án cải tạo, phát triển sản xuất hồng không hạt Bảo Lâm theo hướng nâng cao hiệu quả an toàn và bền vững giai đoạn 2017 – 2021. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã khảo sát, đánh giá thực trạng sản xuất và tiêu thụ, xác định nguyên nhân suy giảm năng suất, chất lượng. Đồng thời, phối hợp với UBND các xã rà soát, vận động các hộ đăng ký mở rộng diện tích và cải tạo vườn hồng.

Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn huyện đã trồng mới 35 héc-ta cây hồng không hạt Bảo Lâm có ưu điểm nổi trội (chiết, ghép để tạo ra thế hệ cây con ưu tú). Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng hoàn thiện và chuyển giao 3 quy trình công nghệ mới về sản xuất cây giống, thâm canh, quy trình thu hoạch, bảo quản sản phẩm… cho 9 xã có diện tích trồng hồng; tổ chức 5 khóa chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 200 hộ trồng hồng. Xây dựng mô hình sản xuất cây giống với số lượng 10.000 – 15.000 cây giống/năm. Đặc biệt, với 100 héc-ta cần cải tạo, thâm canh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn nông dân tiến hành biện pháp “rửa cây” nhằm hạn chế tình trạng sâu bệnh và tình trạng rụng quả. Theo đó, sau khi thu hoạch, bà con tiến hành cắt tỉa cành, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun cả vườn; khi cây ra quả tiếp tục xử lý bằng thuốc chống rụng quả. Nhờ đó, đến nay, trên cây hồng hầu như không xuất hiện bệnh thán thư, tình trạng rụng quả được cải thiện rõ rệt.

Thời gian tới, huyện Bảo Lâm phấn đấu trồng mới ít nhất 4,5 héc-ta/năm. Bên cạnh phục tráng, thời gian tới, huyện sẽ tiến hành quảng bá và xây dựng mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm… góp phần nâng cao giá trị quả hồng không hạt Bảo Lâm, giúp nông dân tăng thêm thu nhập.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)