Thông tin giá cả thị trường số 46/2018

08:25 AM 15/11/2018 |   Lượt xem: 4056 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Đồng bằng sông Cửu Long: Vật tư nông nghiệp bất ngờ tăng giá

Giá bán nhiều mặt hàng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bất ngờ tăng từ 15 - 25%. Việc tăng giá đúng vào thời điểm nông dân đang gieo sạ lúa đông xuân khiến bà con lo lắng.

Vụ lúa đông xuân 2018 - 2019, các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch xuống giống 1,57 triệu héc-ta. Dự báo, hạn, mặn sẽ xảy vào cuối vụ nên bà con nông dân tập trung xuống giống sớm, khoảng 420.000 héc-ta trong tháng 10. Đến thời điểm hiện nay, nhiều nơi lúa đã xanh đồng, đang rất cần bón thúc để đẻ nhánh, nở bụi. Ngoài ra, vụ lúa đông xuân là vụ chính trong năm, nông dân sử dụng lượng phân bón và thuốc BVTV rất lớn. Giá lúa hiện đang ở mức cao cũng là một trong những yếu tố khiến bà con nông dân mạnh dạn đầu tư phân bón, thuốc BVTV nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp ở Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang…, nhiều loại phân bón có giá bán khá cao, dao động từ 350.000 - 740.000 đồng/bao, loại 50kg. Nếu so với cách đây khoảng 2 tháng, giá đã tăng thêm từ 50.000 - 100.000 đồng/bao, trong đó tăng mạnh nhất là mặt hàng phân đạm. Cụ thể, phân DAP đen hiện đã lên đến 650.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 đặc biệt 650.000 đồng/bao; NPK 16-16-8 đặc biệt 520.000 đồng/bao; DAP Hồng Hà (Trung Quốc) 660.000 đồng/bao; urê từ 440.000 - 470.000 đồng/bao (tùy nơi sản xuất); kali miểng 400.000 đồng/bao; kali silic 350.000 đồng/bao; DAP Hàn Quốc 740.000 đồng/bao. Đặc biệt, mặt hàng urê đang rất sốt hàng vì thiếu nguồn cung. Urê Cà Mau giá 470.000 đồng/bao, tăng gần 50.000 đồng/bao so với lúc bón đợt đầu chỉ cách hơn chục ngày.

Cùng với giá phân bón, mặt hàng thuốc BVTV cũng tăng giá bán từ 20 - 30%. Thời điểm hiện tại, giá bán ra của các loại thuốc BVTV cụ thể như sau: Kasumin 0,5L giá 56.500 đồng/chai; Conphai 10WP giá 14.700 đồng/gói; Tasieu giá 71.000 đồng/chai; Antracol 1kg giá 197.000 đồng/gói... 

Mặc dù giá tăng nhưng lượng cung các mặt hàng phân bón, thuốc BVTV ở các cửa hàng, đại lý khá dồi dào. Thậm chí, nhiều đại lý sẵn sàng cho bà con nông dân mua chịu với số lượng lớn. Phần lớn nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay vẫn có thói quen mua vật tư nông nghiệp ghi nợ đến cuối vụ thu hoạch xong mới thanh toán.

Một đại lý bán phân bón có uy tín ở huyện An Phú, tỉnh An Giang nhận định, nguyên nhân giá phân bón tăng mạnh như hiện nay một phần là do những nước sản xuất nông nghiệp lớn trong khu vực bắt đầu vào vụ nên nhu cầu tăng mạnh. Đồng thời, giá nhập khẩu nguyên liệu cũng như phân bón thành phẩm tăng. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình này để nâng giá. Đặc biệt, đại lý phân bón nhiều cấp (trên cả cấp 3) đã đẩy giá phân bón lên cao. Chính vì vậy, thời gian qua, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị, cần có hệ thống phân phối phân bón nhất quán, đi theo các cấp thôn xóm, xã phường, quận huyện, tỉnh/thành... với bảo đảm chiết khấu một giá để bà con nông dân có thể mua được phân bón với mức giá thấp nhất, ổn định nhất.

Theo tính toán, đối với vùng thâm canh lúa, phân bón chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất, còn thuốc BVTV chiếm khoảng 40% hoặc cao hơn tùy vào tình hình dịch bệnh. Vì vậy, nếu giá 2 mặt hàng vật tư quan trọng này tăng mạnh thì chắc chắn sẽ kéo giá thành tăng theo. Để đảm bảo một vụ mùa bội thu, bà con nông dân rất cần sự ổn định giá của các mặt hàng này.

MUA GÌ-BÁN GÌ

Bến Tre: Bội thu củ đậu

Chưa lúc nào người dân xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre lại có được mùa bội thu củ đậu (củ sắn) như năm nay, vừa trúng giá, lại trúng mùa. Trên những con đường huyết mạch hướng ra biển, hàng chục trạm thu mua củ đậu được dựng lên. Nếu như các năm trước thương lái chỉ mua với giá từ 1.700 đến 2.000 đồng/kg thì nay họ đến tận rẫy thu mua với giá từ 4.200 đến 4.400 đồng/kg. Với giá bán như hiện nay, bà con nông dân lãi trên 13 triệu đồng/công. Mặc dù giá thuê nhân công đào củ đậu, phân loại, đóng bao hiện từ 150.000 - 170.000 đồng/người/ngày, tăng từ 30.000 - 50.000 đồng so với cùng kỳ năm 2017 nhưng với giá bán cao như hiện nay, bà con vẫn có lãi khá. Tuy nhiên, việc trồng củ đậu theo hướng tự phát, chưa được tập huấn các biện pháp khoa học về trồng trọt đang là vấn đề đặt ra hiện nay.

Phụng Hiệp (Hậu Giang): Cam sành giảm giá mạnh

Theo thống kê, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang trồng gần 4.000 héc-ta cam sành. Hiện nay, nhiều diện tích đang thu hoạch, năng suất đạt 2 - 2,5 tấn/công, tương đương vụ trước. Tuy nhiên, giá bán chỉ ở mức 3.000 đồng/kg, thấp hơn 7.000 đồng/kg so với năm trước. Với giá bán hiện nay, trừ hết chi phí, mỗi công cam sành nhà vườn lỗ hơn 4 triệu đồng.

Cam sành là loại cây ăn quả có thị trường tiêu thụ lớn, ổn định và cho thu nhập cao. Chính vì vậy, các nhà vườn ở Hậu Giang đã chuyển hàng nghìn héc-ta đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cam sành. Tuy nhiên, do quy hoạch chậm so với sản xuất của người dân, dẫn đến hàng nghìn héc-ta cam sành được trồng ồ ạt, chạy theo phong trào, không đúng kỹ thuật… Đặc biệt, thời gian gần đây, giá cam sành rất bấp bênh cộng với tình trạng dịch bệnh bùng phát đã khiến nhiều nhà vườn chấp nhận “bỏ” vườn vì sợ đầu tư sẽ lỗ.

Bình Định: Vịt giống tăng giá do nhu cầu tái đàn

Thời điểm hiện nay, do nhu cầu tái đàn phục vụ thị trường cuối năm tăng, giá vịt giống đang tăng ở mức 2.000 đồng/con. Hiện giống vịt ta (vịt cỏ) 1 ngày tuổi được các lò ấp nở ở các xã khu Đông Tuy Phước bán với giá 8.000 đồng/con; vịt giống siêu thịt 15.000 đồng/con. Giá vịt giống có sự biến động do nhu cầu chăn nuôi tái đàn cuối năm tăng, nhiều gia trại, hộ gia đình đặt con giống với số lượng khá lớn.

Một số mô hình chăn nuôi vịt giống của các hộ dân trong tỉnh đang được đánh giá cao và là tiền đề nhân rộng toàn tỉnh.

Mường Khương (Lào Cai): Chuối cấy mô được mùa, được giá

Năm nay, người trồng chuối ở huyện Mường Mương, tỉnh Lào Cai phấn khởi khi cây chuối cấy mô được mùa, giá ổn định. Hiện nay, giá chuối quả đang dao động ở mức 15.000 - 16.000 đồng/kg. Đây là mức khá cao trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt cao gấp 6 - 7 lần so với vụ chuối năm 2017. Chuối năm nay được giá do chất lượng, mẫu mã quả đẹp và được thương lái người Trung Quốc tiêu thụ mạnh.

Toàn huyện Mường Khương hiện có khoảng 1.300 héc-ta chuối cấy mô, trong đó trên 700 héc-ta đang cho thu hoạch, với năng suất trung bình đạt 25 tấn/héc-ta. Trước đây, diện tích chuối trồng tập trung tại xã Bản Lầu và Lùng Vai, nhưng nay được mở rộng diện tích trồng tại các xã: Nậm Chảy, Thanh Bình, Bản Xen. Diện tích cây chuối cấy mô được mở rộng trên diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Mường Khương, chuối cấy mô là cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện canh tác của người dân địa phương và có chi phí sản xuất thấp, giá trị kinh tế khá cao. Tuy nhiên, đầu ra của quả chuối phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc nên huyện khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích mà tập trung vào chăm sóc, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm trên diện tích hiện có.

CƠ HỘI-GIAO THƯƠNG

Thừa Thiên Huế: Hiệu quả từ trồng đu đủ Đài Loan

Tại phường Hương Vân (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), bà con nông dân trồng đu đủ xen trong vườn thanh trà. Năm 2018 là niên vụ được mùa nhất của giống đu đủ này, qua đó mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Đu đủ Đài Loan là loại trái cây đang được thị trường rất ưa chuộng do mẫu mã đẹp và giá trị dinh dưỡng cao. Theo thống kê, đến nay, phường Hương Vân có diện tích trồng đu đủ Đài Loan trên 60 sào, với khoảng 60 hộ tham gia canh tác. Theo tính toán của các hộ nông dân, thời gian trồng đến lúc thu hoạch khoảng 7 - 8 tháng với sản lượng 3 tấn/sào. Trừ các khoản chi phí, mỗi héc-ta đu đủ Đài Loan cho thu nhập từ 300 – 350 triệu đồng. Đặc biệt, do trồng xen cây thanh trà nên công chăm sóc ít, chi phí phân bón cũng giảm. Với đặc điểm cho quả đồng đều, đẹp mắt, giống đu đủ này có thị trường đầu ra ổn định, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Thậm chí, tại nhiều nhà vườn, thương lái đến thu mua tận nơi.

Hiện để giúp bàn con nông dân nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc cũng như phương pháp phòng trừ sâu bệnh, các hộ nông dân phường Hương Vân đang phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế, Trạm khuyến nông khuyến ngư thị xã Hương Trà tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Ông Hồ Thái Anh – Chủ tịch Hội Nông dân phường Hương Vân cho biết, Hội Nông dân sẽ trực tiếp liên hệ với Trung tâm khuyến nông tỉnh để mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, là cách phòng trừ sâu bệnh trên cây đu đủ và cách chăm sóc cây đu đủ. “Thời gian tới, bắt đầu vụ mới Hội Nông dân sẽ mời Trung tâm khuyến công tỉnh Thừa Thiên Huế, trạm khuyến nông, công thị xã Hương Trà mở các lớp tập huấn để bà con tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào việc trồng và phát triển cây đu đủ này” - ông Hồ Thái Anh cho biết thêm.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Lào Cai: Ngăn chặn dịch tả lợn ngay từ cửa khẩu

Ngày 5/11/2018, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến kiểm tra thực tế việc ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi trên tuyến biên giới của tỉnh Lào Cai.

Tỉnh Lào Cai có gần 200 km đường biên giới giáp Trung Quốc với 3 cửa khẩu và nhiều lối mở, lối mòn biên giới trên đất liền. Đây cũng là tỉnh gần nhất vùng dịch tả lợn châu Phi ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Do đó, nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi vào nội địa rất cao.

Trước tình hình này, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát vận chuyển hàng hóa qua đường mòn lối mở và cửa khẩu, tổ chức điểm chốt chặn 24/24 giờ qua các lối mở. Tại các cửa khẩu chính, tỉnh tăng cường kiểm soát cả người lẫn hàng hóa, phòng ngừa tình trạng giấu sản phẩm động vật trong hàng hóa khác.

Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã bắt giữ và tiêu hủy hàng trăm con lợn thịt và lợn giống nhập lậu; tiêu hủy hơn 4 tấn thịt và nội tạng động vật không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn lợn; kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn bị bệnh, nghi bị bệnh. Tuân thủ các quy định về quản lý vận chuyển, kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn. Thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, vùng chăn nuôi lợn, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi và vệ sinh cá nhân những người tham gia chăn nuôi.

Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi, các doanh nghiệp, hợp tác xã xác định công tác phòng, chống dịch rất quan trọng. Người chăn nuôi và chính quyền địa phương các cấp khi phát hiện lợn bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh, bị chết cần báo ngay cho thú y xã, cơ quan thú y nơi gần nhất. Việc giấu dịch, giữ lợn bệnh để tự điều trị là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bùng phát, khó khống chế và kiểm soát dịch.

HÀNG VIỆT 

Cấp nhãn hiệu bảo hộ  “Nghệ Chí Tân - Khoái Châu”

Sản phẩm nghệ Chí Tân của huyện Khoái Châu (Hưng Yên) vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng nhãn hiệu “Nghệ Chí Tân - Khoái Châu”.

Khoái Châu là một huyện nổi tiếng của tỉnh Hưng Yên với những đặc sản như: Nhãn lồng, gà Đông Tảo và củ nghệ vàng. Cây nghệ được trồng ở một số xã thuộc huyện, nhưng tập trung nhiều nhất ở xã Chí Tân và đã hình thành vùng chuyên canh khoảng 124 héc-ta. Hiện nay, cây nghệ được xem là cây xóa đói, giảm nghèo cho bà con vùng đất bãi ven sông. Đây là sản phẩm thứ 13 của tỉnh Hưng Yên và cũng là sản phẩm thứ 3 của huyện Khoái Châu (sau gà Đông Tảo và chuối tiêu hồng) được cấp nhãn hiệu bảo hộ. Với mục tiêu xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin với người tiêu dùng, đây là bước tiến mới để sản phẩm nghệ Khoái Châu khẳng định vị thế trên thị trường.

Đặc biệt, dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển chứng nhận nghệ Chí Tân cho sản phẩm nghệ của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên” được triển khai thực hiện từ năm 2017 với các mục tiêu: Tạo lập nhãn hiệu chứng nhận nghệ Chí Tân cho sản phẩm nghệ của huyện Khoái Châu, thực hiện các nội dung quản lý nhãn hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng cường năng lực cho người sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, lập bản đồ vùng, xây dựng quy trình cấp và thu hồi nhãn hiệu, quy chế sử dụng tem nhãn bao bì, quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm, quy trình hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, xây dựng mô hình tổ chức quản lý nhãn hiệu chứng nhận…

Hiện nay, trên địa bàn huyện Khoái Châu có gần 300 héc-ta trồng nghệ tại 7 xã. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở Chí Tân với hơn 130 héc-ta; các diện tích còn lại thuộc các xã: Đại Hưng, Thuần Hưng, Nhuế Dương, Thành Công, Đại Tập, Liên Khê. Theo thống kê sơ bộ, trồng nghệ chi phí thấp, dễ chăm sóc, thu lãi ổn định, mỗi héc-ta đạt sản lượng 30 tấn, cho lãi 150 triệu đồng, hiệu quả gấp 4 lần cấy lúa. Nghệ tươi sau khi thu hoạch được thái lát, sấy khô và xay làm tinh bột rồi chế biến thành các dạng sản phẩm như: Viên nghệ tẩm mật ong, tinh bột nghệ... Các sản phẩm này được bán cho cơ sở đông y trong cả nước và các cơ sở chế biến gia vị… Nhờ cây nghệ, mỗi năm, các hộ gia đình gia đình nơi đây đã có nguồn thu nhập ổn định.

Khoái Châu hiện đã có hơn 20 cơ sở thu mua, sản xuất, sơ chế, bảo quản, kinh doanh nghệ. Trong đó có nhiều cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, các cơ sở này quy mô còn nhỏ, cơ sở vật chất còn hạn chế. Do vậy, các cơ sở, doanh nghiệp địa phương rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền để nâng cao năng lực sản xuất, chế biến nhằm nâng tầm chất lượng và giá thành sản phẩm.

Nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, huyện Khoái Châu cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã quy hoạch vùng sản xuất, phát triển các cơ sở kinh doanh, chế biến. Chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ và quảng bá thương hiệu Nghệ Khoái Châu đến khắp các thị trường trong và ngoài nước, tổ chức các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại, hướng đến xuất khẩu. Huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên, Công ty Phát triển tài sản trí tuệ Việt tập huấn, hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng cho từng công đoạn, hình thành chuỗi mô hình sản xuất nghệ an toàn cho các hộ dân, tăng cường cơ chế chính sách hỗ trợ cho người dân, quy hoạch vùng chuyên canh tập trung để nghệ trở thành cây trồng chủ lực. Đồng thời, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa theo hướng VietGap nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo uy tín với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)