Thông tin giá cả thị trường số 44/2019

01:56 PM 07/11/2019 |   Lượt xem: 3952 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Bình Định: Diện tích trồng mì vượt quy hoạch

Theo quy hoạch phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020 định hướng đến 2030, diện tích trồng mì (sắn) trên địa bàn tỉnh Bình Định sẽ ổn định ở mức 11.000 héc-ta. Tuy nhiên, tính đến năm 2019, diện tích trồng mì đã vượt trên 13.800 héc-ta.

Sau khi tính toán nhu cầu về nguyên liệu cho những nhà máy chế biến tinh bột mì trên địa bàn, Bình Định đã quy hoạch đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, diện tích mì trên địa bàn sẽ dừng lại và duy trì ổn định ở mức 11.000 héc-ta. Trong đó, huyện Phù Cát và Vân Canh mỗi huyện có 2.000 héc-ta, huyện Phù Mỹ và Tây Sơn mỗi huyện 1.800 héc-ta, huyện Vĩnh Thạnh 1.250 héc-ta, huyện Hoài Nhơn 1.000 héc-ta, huyện An Lão 650 héc-ta và huyện Hoài Ân 500 héc-ta. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng hướng dẫn nông dân phương pháp thâm canh, đưa các giống mì mới có tiềm năng, năng suất cao vào sản xuất để đảm bảo đến năm 2020 năng suất mì đạt bình quân 304 tạ/héc-ta.

Tính toán là vậy nhưng những năm qua, diện tích mì trên địa bàn Bình Định phát triển tự phát, vượt quá tầm kiểm soát của ngành chức năng. Qua các số liệu sơ bộ, có thể khẳng định, phần lớn diện tích mì phát triển tại các địa phương đều nằm ngoài quy hoạch. Ví như tại các huyện Phù Cát, Vĩnh Thạnh và An Lão, những địa phương bị khống chế tăng trưởng diện tích mì thì cây mì lại đang phát triển ồ ạt. Riêng tại huyện Phù Cát, vụ đông xuân 2018 - 2019 nông dân đã trồng đến 2.300 héc-ta mì, dự kiến sẽ tăng thêm 300 héc-ta trong vụ hè thu tới. Theo chia sẻ của bà con nông dân, đất đai, khí hậu ở Phù Cát phù hợp cho cây mì phát triển. Chi phí đầu tư trồng mì không cao, đầu ra sản phẩm khá thuận lợi. Ở nhiều địa phương, bà con đã kết hợp trồng đậu phụng xen mì và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, những năm qua, diện tích mì ở Phù Cát không ngừng tăng trưởng. Tuy nhiên, cũng như các huyện miền núi khác, hiện Phù Cát đang gặp khó khăn do giá mì giảm mạnh. Đặc biệt, hiện nay, tuy mới vào vụ thu hoạch nhưng giá mì đã giảm gần một nửa so với năm ngoái. Cụ thể, giá mì bán tại ruộng chỉ đạt 1.000 đồng/kg trong khi năm ngoái dao động từ 1.800 - 2.100 đồng/kg. Giá mì giảm vào đúng vụ thu hoạch khiến bà con nông dân gặp khó khăn vì đã đầu tư công chăm sóc, vật tư phân bón…

Một hệ lụy của việc tăng trưởng không theo quy hoạch chính là khi diện tích mì tăng thì diện tích rừng và đất lâm nghiệp ít đi bởi nạn phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để trồng mì. Nhất là ở những vùng miền núi, nạn lấn chiếm đất lâm nghiệp và phá rừng để trồng mì diễn ra trên diện rộng nên quy hoạch cây mì bị phá vỡ. Trên thực tế, mì là loại cây trồng có sức hủy hoại dinh dưỡng trong đất rất cao, khiến cho đất bị thoái hóa nhanh, rất khó cải tạo để trồng các loại cây trồng khác. Hơn nữa, phát triển cây mì không theo quy hoạch dễ dẫn đến tình trạng chặt phá cây lâm nghiệp, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để trồng mì, tác động xấu đến môi trường sinh thái. Nhằm khắc phục tình trạng này, Bình Định đã chỉ đạo các ngành chuyên môn lưu tâm hỗ trợ nông dân triển khai thực hiện tốt các biện pháp canh tác hợp lý, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất cây mì. Công tác nghiên cứu, khảo nghiệm, nhân các giống mì mới cũng phải được quan tâm hơn. Đồng thời, vận động người dân chuyển đổi các diện tích đất trồng mì trên nương rẫy, đất có độ dốc trên 150 độ sang trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp hoặc trồng rừng nhằm tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Sơn La:

Thương lái vào tận bản thu mua cà phê

Bà con huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đang vào vụ thu hoạch cà phê. Xe ô tô vận tải của thương lái vào tận nơi để thu mua sản phẩm báo hiệu một vụ mùa thuận lợi.

Sơn La có gần 18.000 héc-ta cà phê, được trồng trên các sườn dốc, chỏm đồi ở độ cao 600 – 1.200 m so với mặt nước biển. Đây là một trong những cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng ngàn người nông dân. Sản lượng cà phê ước đạt hơn 60.000 tấn, trồng tập trung chủ yếu ở các huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố Sơn La… Trong đó, Thuận Châu là một trong những huyện lựa chọn đưa cây cà phê vào canh tác, thay thế các loại cây ngắn ngày trên nương kém hiệu quả. Bà con trồng cà phê không những xóa được đói, giảm được nghèo, mà còn vươn lên làm giàu chính đáng, nhiều hộ có thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm. So với các loại cây trồng ngắn ngày trên nương, cây cà phê đem lại hiệu quả hơn hẳn, nhờ thế mà cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên.

Để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, Thuận Châu tích cực tuyên truyền, vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Cán bộ khuyến nông huyện thường xuyên hướng dẫn nhân dân trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây cà phê... Năm nay, do ít bị ảnh hưởng của thời tiết nên cà phê được mùa, sai quả và chín đều hơn so với vụ năm ngoái. Hiện mới bước vào thu hoạch nhưng các thương lái đã đến thu mua tận vườn với giá gần 6.000 đồng/kg.

Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa thu hoạch cà phê, nhiều lao động nông nhàn ở một số địa phương đổ về thu hái thuê cà phê cho các chủ vườn để kiếm thêm thu nhập.

Na Rì - Bắc Cạn:

Thống nhất giá thu mua dong riềng vụ 2019

Để ổn định giá thu mua và giúp người dân tiêu thụ củ dong riềng, huyện Na Rì đã họp thống nhất giá thu mua củ dong riềng năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020.

Theo đó, giá thu mua củ dong riềng tại vườn được thống nhất là 1.600 đồng/kg và 1.800 đồng/kg tại xưởng chế biến. Lãnh đạo huyện Na Rì đề nghị các xã tuyên truyền, thông báo đến người dân về giá thu mua; chỉ đạo tránh tình trạng ép giá, cạnh tranh không lành mạnh về giá; quan tâm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường trong chế biến tinh bột dong riềng...

Năm 2019, Na Rì trồng hơn 240 héc-ta dong riềng, trong đó có hơn 65 héc-ta trồng lên luống cao tại các xã như: Côn Minh, Hảo Nghĩa, Đổng Xá, Dương Sơn. Hầu hết diện tích dong riềng được các cơ sở chế biến tinh bột, miến ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân. Toàn huyện hiện có hơn 100 HTX, cơ sở sản xuất, chế biến củ dong riềng. Năm 2020, Na Rì phấn đấu trồng 250 héc-ta dong riềng, rải vụ từ tháng 12/2019 đến 3/2020. Để đạt được mục tiêu này, huyện đang khuyến khích bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không chủ động nước, kém hiệu quả sang trồng cây dong riềng. Tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật trồng dong riềng lên luống cao để tăng năng suất, sản lượng và giảm công lao động; tận dụng phân chuồng, bã dong riềng làm phân bón hữu cơ; luân chuyển những diện tích đất đã canh tác dong riềng trên 3 năm để đảm bảo năng suất. Đối với việc tiêu thụ, huyện yêu cầu các cơ sở chế biến, các doanh nghiệp thu mua thực hiện nghiêm nội dung hợp đồng thu mua đã ký kết với người dân; quan tâm thu mua tại các diện tích dong riềng chưa được ký kết; có phương án, kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để tiếp cận các thị trường lớn và ổn định, như: Hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng...

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Trà Vinh:

Cua biển nuôi giá cao

Hiện nay, nông dân các huyện vùng ven biển trong tỉnh Trà Vinh như: Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành, thị xã Duyên Hải đang bước vào vụ thu hoạch đợt 2 cua biển nuôi trong năm. Giá cua biển thương phẩm từ đầu năm đến nay ổn định ở mức cao nên người nuôi thu lãi ròng được khoảng hơn 50 triệu đồng/héc-ta/vụ. Hiện cua gạch được các đại lý thu mua 350.000 đồng/kg, cua thịt loại 1 (từ 2 - 4 con/kg) giá 300.000 - 310.000 đồng/kg, cua cái so và cua thịt loại 2 (4 - 5 con/kg) có giá 230.000 - 250.000 đồng/kg. Mức giá này đã tăng bình quân khoảng 10.000 đồng/kg so với cách đây một tuần. Nguyên nhân giá tăng là do sản lượng cua trên thị trường chưa nhiều, cung chưa đủ cầu, nhất là để đáp ứng nhu cầu cho thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Đồng bằng sông Cửu Long:

Vú sữa đầu mùa tăng giá gấp đôi

Thông thường, vú sữa vào mùa từ cuối tháng 10 nhưng năm nay muộn hơn. Đây cũng là lý do khiến giá vú sữa tăng cao gấp đôi so với năm ngoái. Tại Cần Thơ, vú sữa tại vườn đang có giá bán 25.000 - 40.000 đồng/kg. Thậm chí đối với hàng loại 1, thương lái thu gom tới 60.000 – 70.000 đồng/kg.

Tại Tiền Giang, năm nay vú sữa lò rèn Vĩnh Kim chín muộn, lượng hàng chưa rộ nên giá cao. Các hộ trồng vú sữa ở Tiền Giang không còn nhiều vì đa phần người dân đốn cây chuyển canh tác cây trồng khác khi những năm qua vú sữa liên tục xuống giá. Tại TP. Hồ Chí Minh, vú sữa bán ở chợ dao động 50.000 - 90.000 đồng/kg. Còn tại một số cửa hàng thực phẩm sạch, giá loại trái cây này lên tới 120.000 đồng/kg.

Thanh Hóa:

Dứa tiêu thụ khó

Những năm qua, diện tích dứa ở các địa phương khác tại Thanh Hóa tăng nhanh trong khi đầu ra không ổn định khiến người trồng dứa lao đao.

Theo thống kê, Thanh Hóa hiện có trên 3,3 nghìn héc-ta dứa, diện tích đang có xu hướng tăng nhưng hiện không có nhà máy chế biến đóng chân trên địa bàn. Do không có mối liên kết bền vững với doanh nghiệp, người trồng dứa Thanh Hóa đang phải đối mặt với quy luật tất yếu của thị trường: Được mùa rớt giá. Mặc dù bà con đã có ý thức trồng rải vụ và thu hoạch cuốn chiếu nhưng thời điểm đầu vụ, tư thương thu mua chưa nhiều nên giá dứa thường thấp. Giá dứa thường cao khi nhu cầu tăng lên, nhất là vào mùa hè. Trước tình hình giá dứa những năm qua xuống thấp, Thanh Hóa đã liên hệ với một số siêu thị, đơn vị thu mua nhưng tình hình cũng không mấy khả quan. Không có mối liên kết ổn định với doanh nghiệp, nông dân chủ yếu bán dứa cho thương lái với giá cả bấp bênh. Tình trạng được mùa mất giá đang khiến nhiều nhà vườn đau đầu.

Hậu Giang:

Giá chanh không hạt giảm

Sau thời gian có mức giá ổn định từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, giá chanh không hạt có xu hướng giảm trong vòng một tháng nay. Hiện chanh không hạt được thương lái thu mua tại vườn chỉ còn từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Các nhà vườn trồng chanh không hạt ở huyện Châu Thành – nơi có diện tích chanh không hạt nhiều nhất nhận định, vào thời điểm này của những năm trước, giá chanh không hạt liên tục giảm đến khoảng tháng 10 âm lịch, do chất lượng không đạt theo yêu cầu. Bên cạnh đó, bước vào vụ thu hoạch rộ, nguồn cung vượt cầu tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh, chủ yếu phụ thuộc vào chợ nhỏ lẻ. Hiện toàn huyện Châu Thành có 1.155 héc-ta chanh không hạt, trong đó có trên 1.000 héc-ta đang cho trái.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Điện Biên:

Bà con vùng cao trồng lúa trà muộn

Thời gian này, khi vùng lòng chảo và một số diện tích lúa trà sớm đã thu hoạch xong, đối với trà muộn ở các xã vùng ngoài như: Mường Phăng, Pá Khoang (huyện điện Biên); Tà Lèng (TP. điện Biên Phủ) và địa bàn các huyện vùng cao: điện Biên đông, Mường Nhé, Nậm Pồ... nông dân mới tập trung thu hoạch lúa vụ mùa.

Theo thống kê sơ bộ, diện tích gieo cấy lúa trà muộn vụ mùa 2019 của toàn tỉnh là 4.989,62 héc-ta (chiếm 26% tổng diện tích); năng suất bình quân ước đạt 51,45 tạ/héc-ta. Ðối với lúa nương, diện tích gieo cấy trên 25.600 héc-ta (thấp hơn cùng kỳ năm trước 1.224 héc-ta); diện tích thu hoạch đạt trên 10.300 héc-ta, năng suất bình quân đạt 14 tạ/héc-ta, sản lượng ước đạt gần 14.000 tấn. Ðể bảo vệ diện tích lúa mùa trà muộn đang cho thu hoạch và chuẩn bị sản xuất vụ đông, các địa phương đã xây dựng phương án tối ưu để phòng trừ sâu bệnh và chuột hại cuối vụ. Với diện tích lúa trà muộn đã chín, tập trung thu hoạch nhanh, gọn, giải phóng đất và cày lật đất sớm để trồng cây vụ đông. Với diện tích chưa cho thu hoạch, cần kiểm tra, giám sát đồng ruộng, tập trung theo dõi sâu, bệnh hại để có biện pháp phòng, trừ kịp thời.

Nhìn chung, năm nay thời tiết thuận lợi, lúa ít sâu bệnh nên năng suất đạt cao, ước tính 55 tạ/héc-ta. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình cao, khí hậu lạnh nên lúa chín chậm.  Hầu hết các trà lúa muộn tập trung ở 2 bản Kê Nênh và Nà Nghè được người dân gieo cấy trên các chân ruộng bậc thang. Có thể nói, khai hoang ruộng bậc thang là một bước tiến quan trọng trong phương thức canh tác của bà con nơi đây. Từ gieo trồng 1 vụ, bà con đã gieo cấy được 2 vụ lúa trên ruộng bậc thang; xen canh gối vụ trồng ngô, đậu, đỗ; tăng hệ số sử dụng đất lên rất nhiều. Đặc biệt, bà con đã tuân thủ đúng lịch gieo cấy theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, tích cực thăm lúa nên diện tích lúa phát triển tốt. Ðể thu hoạch kịp thời vụ, các hộ đồng bào luân phiên đổi công cho nhau, nhờ đó diện tích lúa của một gia đình chỉ trong 1 ngày là gặt xong.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn qua biên giới

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh đã có văn bản yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới.

Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia có chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh. Bảo đảm sớm chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam. Trường hợp bắt được các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay (trước khi tiêu hủy phải lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh).

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh cũng yêu cầu Ban chỉ đạo 389 cấp tỉnh. Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam. Đặc biệt, các địa phương cần tổ chức vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho vỉệc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn nhập khẩu trái phép ra, vào Việt Nam.

HÀNG VIỆT

Thương hiệu dê núi Hồng Kỳ

Với việc xây dựng thành công thương hiệu “Dê núi Hồng Kỳ”, nhiều hộ đồng bào dân tộc ở xã Hồng Kỳ (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) đang có thêm động lực để phát triển nghề chăn nuôi dê thương phẩm.

Nuôi dê thoát nghèo

Dẫn tôi ra chuồng dê với 20 con dê cái đang nuôi để sinh sản, vợ chồng anh chị Thắng – Thao, người dân tộc Nùng, bản Cầu Tư, xã Hồng Kỳ chia sẻ: Anh chị nuôi dê được 4 năm, ban đầu là nuôi dê đực lấy thịt. Nay nguồn giống khan hiếm, gia đình xoay sang nuôi thử dê cái sinh sản, nếu hiệu quả tốt, sẽ chuyển hắn sang nuôi dê sinh sản.

“Nuôi dê tốn ít công chăm sóc hơn các loại gia súc, gia cầm khác. Dê là loài động vật ăn tạp nên ngoài trồng cỏ cho dê ăn, có thể tận dụng thêm nguồn thức ăn phong phú là lá, cỏ quanh nhà. Với khả năng sinh trưởng khá nhanh nên nuôi 1 con dê giống 15 kg - 16 kg thì chỉ sau 3,5 tháng là dê đạt 35 kg - 40 kg, lúc này là có thể xuất chuồng. Mỗi năm gia đình tôi nuôi 3 lứa, mỗi lứa 30 con. Trừ tiền con giống, cũng thu được 80 - 90 triệu đồng/năm” – anh Thắng cho hay.

Cách nhà anh Thắng không xa là gia đình chị Nguyễn Thị Nghề. Chị Nghề tham gia vào công việc nuôi dê đã được 3 năm. Theo chị Nghề, giá dê thương phẩm năm 2018 là 120.000 – 130.000/kg với dê trưởng thành đạt 25kg/con trở lên; năm nay giá đã tăng hơn, hiện các thương lái đang thu mua 150.000 đồng/kg dê cái, 160.000 đồng/kg dê đực. Với giá thu mua như thế này, người nuôi dê lãi khoảng 1,5 triệu đồng/con, sau 3,5 tháng chăm sóc. Gia đình nào chăn nuôi dê với số lượng nhiều, tiền lãi cho một lứa dê không hề nhỏ, hơn hẳn chăn nuôi trâu bò. Như chị Nghề, một năm nếu đàn dê khỏe mạnh, giá cả ổn định, chị cũng thu về được cả trăm triệu đồng sau 3 lứa dê, Hơn thế, chị Nghề còn không phải lo lắng về việc bán dê, bởi có nhu cầu bán là thương lái tới thu mua tận nhà.

Từ việc nuôi dê thương phẩm, gia đình anh Thắng, chị Nghề cùng nhiều hộ đồng bào dân tộc Nùng ở Hồng Kỳ đã thoát nghèo, chất lượng cuộc sống được cải thiện đáng kể.

Tiêu thụ rộng rãi nhờ chất lượng tươi, ngon

Hồng Kỳ là xã miền núi của huyện Yên Thế, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 75%. Năm 2012, những đàn dê đầu tiên xuất hiện ở Hồng Kỳ, với tổng đàn chỉ vài chục con. Sau vài năm, thấy được hiệu quả mà chăn nuôi dê mang lại, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư và nhân rộng mô hình. Năm 2016, Hồng Kỳ đã thành lập Câu lạc bộ nuôi dê, thu hút hơn 50 thành viên tham gia, duy trì tổng đàn dê khoảng 1.300 con, cho thu nhập mỗi năm khoảng 7 tỷ đồng, trừ chi phí, người nông dân thu lãi khoảng từ 2 - 3 tỷ đồng.

Để chủ động đầu ra, bớt lệ thuộc vào thương lái, tháng 5/2019, 30 hộ nuôi dê ở xã Hồng Kỳ đã liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi dê - ong mật Hồng Kỳ. Ông Nông Trần Hiên, Trưởng thôn Trại Hồng, Giám đốc HTX cho biết: “Tham gia HTX, thành viên được trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, nâng cao kiến thức phòng, trị bệnh cho đàn dê, không lo bị thương lái ép giá mỗi khi xuất bán, bởi giá bán được các thành viên trong HTX thông báo theo tuần”.

Vừa chăn nuôi dê, vừa thu mua dê thương phẩm cho nhiều hộ ở Hồng Kỳ, anh Long Văn Hội, người dân tộc Nùng ở thôn Trại Hồng – cũng là thành viên HTX Chăn nuôi dê - ong mật Hồng Kỳ - phấn khởi chia sẻ: Dê Hồng Kỳ chủ yếu là chăn thả tự nhiên với thức ăn là cây cỏ nên chất lượng thịt rất thơm ngon. Chỉ sau vài năm cung cấp ra thị trường, dê Hồng Kỳ đã đến được các thị trường có nhu cầu tiêu thụ thịt dê lớn như: Ninh Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội… với giá bán ổn định.

Cùng với Hồng Kỳ, nghề chăn nuôi dê cũng đã phát triển tại một số xã ở Yên Thế, góp phần cải thiện thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Đây cũng là cơ sở để huyện Yên Thế xây dựng và ban hành Đề án Phát triển chăn nuôi dê thương phẩm, gắn với xây dựng nhãn hiệu chứng nhận dê Yên Thế giai đoạn 2019 - 2020.