Thông tin giá cả thị trường số 42/2017

10:40 AM 31/10/2017 |   Lượt xem: 4082 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Tìm thị trường cho gà đồi Yên Thế

Tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ gà đồi Yên Thế năm 2017. Lần đầu tiên, các sản phẩm được chế biến từ con gà đạt Cúp chứng nhận “Sản phẩm, thực phẩm tốt nhất Đông Nam Á” được giới thiệu tới đông đảo thực khách, đồng thời ký kết 20 biên bản ghi nhớ và hợp đồng tiêu thụ.

Tăng trưởng nhưng chưa ổn định

Ông Vũ Trí Hải – Chủ tịch UBND huyện Yên Thế - vui mừng cho biết, kết thúc năm 2016, tổng đàn gia cầm của huyện đạt 4,5 triệu con, trong đó đàn gà lên tới 4 triệu con. Hiện, số gia cầm thương phẩm của huyện Yên Thế bán ra thị trường từ 12 - 14 triệu con mỗi năm, giá trị sản xuất đạt trên 1.500 tỷ đồng. Số lượng hộ chăn nuôi quy mô lớn ngày càng gia tăng, cá biệt có những hộ nuôi trên 7.000 - 9.000 con/lứa và nhiều lứa/năm. Chăn nuôi gà đồi đã trở thành một nghề đối với nhiều hộ nông dân ở Yên Thế và cho thu nhập ổn định từ 50 - 100 triệu đồng/năm. Những năm thuận lợi một số hộ đã có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, chia sẻ tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ gà đồi Yên Thế năm 2017, nhiều ý kiến cho rằng, cũng như nhiều loại nông sản khác, gà đồi Yên Thế gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ như quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, giá vật tư đầu vào còn cao, chưa có các cơ sở lớn về chế biến tại vùng chăn nuôi; liên kết giữa người chăn nuôi với hợp tác xã, doanh nghiệp còn yếu dẫn đến bị động về giá và tiêu thụ sản phẩm bền vững...

Nhìn nhận về vấn đề này cũng như bàn giải pháp đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ gà đồi Yên Thế, ông Trần Quang Tấn – Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang khẳng định, thời gian qua Bắc Giang đã nỗ lực thúc đẩy tiêu thụ gà đồi Yên Thế, tuy nhiên cũng có thời điểm thị trường cũng như giá sản phẩm gà đồi chưa thực sự ổn định. Vì vậy, ngoài việc phải nhìn thẳng vào sự thật để tìm nguyên nhân thì cần làm tốt công tác thị trường, hướng tới thị trường xuất khẩu lớn như Nhật Bản và EU. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ.

Chuyển đổi mô hình sản xuất theo chuỗi

Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm Gà đồi Yên Thế đã góp phần đưa sản phẩm gà đồi Yên Thế tiêu thụ rộng ở một số địa phương trong cả nước. Song để sản vật của địa phương đi xa và bền vững hơn, nhiều chuyên gia khuyến nghị, Yên Thế cần đẩy mạnh chuyển đổi mô hình sản xuất gà đồi theo chuỗi cũng như gắn tem truy xuất nguồn gốc trước khi đưa vào thị trường. Mỗi con gà được gắn tem và truy xuất nguồn gốc đến tận hộ sản xuất sẽ nâng cao được chất lượng sản phẩm, tạo thêm niềm tin của người tiêu dùng.

Về vấn đề này, ông Dương Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, thời gian tới tỉnh Bắc Giang tiếp tục triển khai thực hiện việc chuẩn hóa, thống nhất mẫu mã, hình thức tem nhãn “Gà đồi Yên Thế” để sử dụng cho các lô gà thương phẩm xuất bán đủ tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định. Các điểm bán, quầy lưu động, các xe vận chuyển hàng, lồng nhốt... đều được gắn lôgô thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” trong hoạt động và lưu thông. Đồng thời, tăng cường quản lý thương hiệu hàng hóa, gắn trách nhiệm duy trì, bảo vệ thương hiệu đến từng hộ chăn nuôi; chứng nhận, cấp quyền sử dụng thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” cho các cơ sở đủ điều kiện trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, sẽ tập trung chỉ đạo tái cơ cấu đàn gà và nâng cao chất lượng giống gà đồi; tạo điều kiện thu hút đầu tư, tạo chuỗi liên kết sản phẩm; tạo điều kiện giúp đỡ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tăng cường mối liên kết với các hộ dân trong việc chăn nuôi, thu mua, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở đó tạo chuỗi sản phẩm khép kín…

Chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường lưu ý tỉnh Bắc Giang nói chung, huyện Yên Thế nói riêng, không nhất thiết phải tăng về số lượng nhanh mà đẩy mạnh tăng về chuỗi giá trị. Đồng thời, rà soát lại tái cơ cấu theo xu hướng hội nhập; nỗ lực đưa gà Yên Thế lên tầm cỡ quốc gia, hướng tới xuất khẩu…   

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Thanh long ruột đỏ liên tục tăng giá

Liên tục vài tháng gần đây, giá thanh long ruột đỏ tăng mạnh và đạt mức cao nhất từ trước đến nay khiến người trồng thanh long ở các tỉnh Tiền Giang, Long An rất phấn khởi.

Trong khi giá thanh long ruột trắng dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg thì thanh long ruột đỏ tăng lên đến 55.000 đồng/kg, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, thương lái vào tận vườn đặt cọc 50% để mua trước và trả giá thanh long cao. Cũng vì thị trường xuất khẩu đang có nhu cầu nên vườn nào có bao nhiêu thanh long cũng tiêu thụ hết khiến bà con rất phấn khởi.

Nguyên nhân khiến giá thanh long tăng cao và giữ ổn định trong mấy tháng qua là do nguồn hàng xuất khẩu hiếm trong mùa thuận đã mang lại cho bà con vùng chuyên canh niềm vui được mùa, trúng giá. Trong khi đó, những năm trước đây, giá thanh long mùa thuận đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cũng chỉ bán với giá từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, còn năm nay, giá thanh long ruột trắng và đỏ đều tăng cao gấp cả chục lần. Vì vậy, vừa kết thúc mùa thuận ra hoa tự nhiên, nông dân trồng thanh long ở vùng trồng chuyên canh huyện Châu Thành, tỉnh Long An và Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã bắt đầu vào xông đèn vụ đầu tiên trong năm.

Huyện Chợ Gạo đang trồng 5.430 héc-ta thanh long, trong đó có khoảng 1.200 héc-ta thanh long ruột đỏ. Mỗi năm, vùng chuyên canh này đạt sản lượng khoảng 100.000 tấn cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Bà con nông dân ở đây đang áp dụng kỹ thuật xông đèn, xử lý cho trái rải vụ, mỗi năm thu hoạch từ 3 đến 4 vụ trong đó có 1 vụ thuận, còn lại là các vụ nghịch. Năng suất cả năm đạt trên 30 tấn/héc-ta, thậm chí có những vườn đạt năng suất từ 40 - 60 tấn/héc-ta. Tuy nhiên, để  cây thanh long phát triển bền vững, nâng cao tiềm năng kinh tế cho các xã trong vùng dự án, huyện Chợ Gạo đã tích cực phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng triển khai tập huấn, thực hiện sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 60,8 héc-ta của 110 hộ ở 5 Tổ hợp tác của 4 xã (Mỹ Tịnh An, Trung Hòa, Đăng Hưng Phước, Tân Thuận Bình).

Ninh Hải - Ninh Thuận:

Nông dân trúng mùa ớt sừng trâu

Đến thời điểm này, nông dân huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đang vào cuối vụ thu hoạch ớt. Điều đáng mừng là năm nay giá ớt tăng cao, nhiều nông hộ trồng ớt vui mừng, phấn khởi.

Nếu các năm trước, giá ớt chỉ dao động từ 12.000 – 15.000 đồng/kg, thì năm nay tăng lên gấp đôi. Điều đáng mừng là ớt thu hoạch đến đâu, thương lái đến thu mua ngay đến đó. Các nhà vườn nhận định, nếu giữ ổn định ở mức giá này thì thu nhập từ cây ớt cao hơn tất cả các loại cây trồng khác trên cùng chân đất.

Huyện Ninh Hải hiện có khoảng 31 héc-ta ớt, chủ yếu giống ớt sừng trâu, tập trung trồng nhiều ở các xã: Nhơn Hải, Thanh Hải và Vĩnh Hải. Mặc dù đã vào cuối vụ, nhưng hoạt động thu hoạch, mua bán diễn ra khá nhộn nhịp. Theo một số thương lái, giá ớt thường tăng mạnh vào mùa mưa vì nhiều nơi không thể trồng được ớt, bên cạnh đó giống ớt sừng trâu có trái to, chất lượng tốt, được ưa chuộng hơn so với các giống ớt khác.

Bên cạnh các diện tích trồng hành tím, tỏi… ớt hiện đang là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Ninh Hải. Tuy nhiên, giá bán lại hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái nên thường dao động, không ổn định. Để cây trồng này phát triển bền vững trong thời gian tới, huyện đang tập trung triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, hướng tới mở rộng diện tích sản xuất. Đồng thời, địa phương cũng liên kết với Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Mộc Thành Quả và Công ty TNHH Chiến Nông ký kết thu mua sản phẩm ớt của nông dân trong thời gian tới, qua đó giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập.

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

Bạc Liêu:

Cá kèo giảm giá

Gần 2 tháng nay, giá cá kèo thương phẩm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giảm và không có dấu hiệu chựng lại. Nhiều hộ nuôi cá đã đến kỳ thu hoạch nhưng không thể xuất bán. Bởi giá cá kèo trên thị trường đang giảm thấp, chỉ dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, giảm gần 40.000 đồng so với đầu vụ. Mặt khác, do dội hàng nên nhiều thương lái chỉ thu mua cầm chừng mỗi ngày khoảng vài tấn cá. Nếu như xuất bán thì người nuôi gần như lỗ vốn. Còn tiếp tục neo cá trong ao chờ giá tăng thì chi phí cũng sẽ tăng theo.

Trong khi đó, tìm mua giống cá kèo rất khó. Hiện nay, cá kèo giống chưa có quy trình lai giống nhân tạo, vì vậy người nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn giống khai thác từ thiên nhiên với giá khá cao từ 270 - 320 đồng/con. Vào những tháng cao điểm thả nuôi (khoảng tháng 5, 6) nguồn con giống rất khan hiếm, người nuôi phải chờ đợi mới mua được cá giống.

Gia Lai:

Bí đỏ được giá

Đến thời điểm này, bà con nông dân huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai đã thu hoạch xong 2/3 diện tích bí đỏ trên địa bàn huyện. Hầu hết bà con đều rất phấn khởi bởi giá bí đang ở mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Hiện giá bí đạt mức cao từ 11.000 - 13.000 đồng/kg. Với mức giá này bà con nông dân trúng lớn.

Hiện bà con nơi đây chủ yếu trồng bí đỏ nhờ nước trời nên chi phí đầu tư khá thấp, chỉ khoảng 30 - 35 triệu đồng/héc-ta. Với năng suất bình quân 15 - 17 tấn/héc-ta, sau khi trừ chi phí, bà con có thể thu lãi từ 80 - 100 triệu đồng/héc-ta. Mặc dù giá bí đỏ đang ở mức cao nhưng các ngành chức năng của huyện vẫn khuyến cáo người dân chỉ trồng bí trong phạm vi diện tích quy hoạch chứ không nên trồng ồ ạt. Khi trồng phải chọn đất phù hợp để giảm thiểu rủi ro. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện cũng tăng cường tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc bí. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới bà con việc ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng bí nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đồng bằng sông Cửu Long:

Doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua lúa gạo

Giá nhiều loại lúa và gạo nguyên liệu xuất khẩu tại nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện tăng từ 100 - 400 đồng/kg. Nguyên nhân dẫn đến giá tăng do tiểu thương, doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, nguồn cung lúa gạo hàng hóa tại nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL giảm so với trước do các địa phương đã thu hoạch gần hết các diện tích lúa thu đông 2017. Theo nhiều doanh nghiệp, gần đây, giá gạo xuất khẩu của nước ta tăng đã góp phần tạo điều kiện cho giá lúa gạo nội địa nhích lên.

Tại Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL như: Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp… nhiều loại lúa tươi hạt dài (như: OM 2514, OM 2517, OM 4218, OM 6976...) đang ở mức: 4.900-5.200 đồng/kg; lúa tươi Jasmine 85 (lúa thơm) giá 5.900 - 6.000 đồng/kg; lúa Nhật 6.700 đồng/kg; lúa tươi IR 50404: 4.800 - 5.000 đồng/kg. Dự báo, giá nhiều loại lúa gạo có khả năng còn tăng và duy trì ở mức cao trong thời gian tới.

Bến Tre:

Giá dừa xiêm xanh giảm

Hơn một tuần qua, giá dừa xiêm xanh ở Bến Tre giảm từ 80.000 đồng/chục (12 trái, loại 1,3 kg/trái) xuống còn dưới 60.000 đồng/chục. Dừa khô cũng giảm khoảng 20.000 đồng/chục, hiện có giá 140.000 đồng/chục. Các loại dừa tươi uống nước khác chỉ còn khoảng 30.000 đồng/chục. Tại một số vườn dừa thuộc các huyện Giồng Trôm, Châu Thành và thành phố Bến Tre… đều rất vắng thương lái. Nhiều chủ vườn cho biết chính họ cũng không hiểu vì sao trong khoảng 1 tháng nay thương lái không quan tâm đến dừa tươi nữa.

Nguyên nhân giá dừa xiêm xanh nói riêng và giá dừa tươi nói chung giảm do thị trường miền Trung, miền Bắc giảm cầu vì thời tiết chuyển lạnh. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc gặp sự cạnh tranh về mẫu mã, trọng lượng, giá cả với dừa xiêm xanh của Thái Lan. Trong khi đó, sản phẩm dừa tươi của tỉnh Bến Tre chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, xuất khẩu còn rất khiêm tốn. Dự báo, giá dừa tươi sẽ còn giảm sâu từ nay đến sau Tết Nguyên đán 2018.

LƯU Ý - CẢNH BÁO

Tiền Giang:

Nhiều nông dân phá bỏ vườn sả

Hiện nay, bà con nông dân ở huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang đang có xu hướng phá bỏ ruộng sả do giá bán ngày càng giảm. Hiện giá sả chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg, giảm mạnh so với giá sàn khoảng 5.000 đồng/kg.

Mặc dù vụ này sả đạt năng suất cao nhưng giá bán quá thấp nên người trồng hầu như không có lãi. Trong khi đó, các thương lái chỉ mua sả cầm chừng. Nhiều nông dân thấy giá sả quá thấp đã bỏ hoang ruộng sả, thậm chí có người đốt bỏ vì thuê nhân công thu hoạch càng lỗ vốn hơn.

Hiện toàn xã Phú Thạnh có gần 450 héc-ta trồng sả và là nơi trồng sả lớn nhất của huyện Tân Phú Đông. Thời gian qua, xã đã khuyến khích nông dân chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, trong đó có cây sả. Chính vì vậy, diện tích cây sả trên địa bàn xã đã liên tục tăng nhanh. Diện tích tăng khiến nguồn cung tăng trong khi đầu ra vẫn chưa ổn định là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá sả giảm thấp như hiện nay.

Theo Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, huyện Tân Phú Đông sẽ không còn diện tích sản xuất lúa. Huyện đang định hướng và khyến khích nông dân phát triển cho cây sả và mãng cầu xiêm. Thực tế cho thấy, cây sả đã thích ứng và phát triển tốt với điều kiện biến đổi khí hậu ở huyện cù lao Tân Phú Đông. Nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây sả và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây lúa.

Để hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm, trên địa bàn huyện đã có một cơ sở sản xuất tinh dầu sả thủ công với công suất 2 – 2,5 tấn một ngày. Thời gian tới, địa phương sẽ triển khai dự án Nhà máy chiết xuất tinh dầu từ cây sả (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) với công suất 8 - 10 tấn mỗi ngày nhằm tìm đầu ra cho tiêu thụ sản phẩm.               

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Hà Tĩnh:

Chú trọng chống buôn lậu qua cửa khẩu

Theo Ban Chỉ đạo 389 Hà Tĩnh, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái tại Hà Tĩnh trong 3 quý đầu năm 2017 giảm so với cùng kỳ các năm trước.

Nguyên nhân do nhiều hàng hóa thuế suất về 0% theo hội nhập ASEAN, hội nhập các khối kinh tế. Đặc biệt, chính sách đóng cửa rừng của Lào có tác dụng, lượng gỗ nhập về không có nên tình hình buôn lậu và gian lận thương mại trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ giảm. Trên tuyến biển, cửa khẩu cảng biển chủ yếu nhập khẩu máy móc thiết bị, hàng quá cảnh của Lào như quặng, gỗ dăm, các mặt hàng tiêu dùng có thuế suất cao hầu như không có. Tuy nhiên, trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ tình hình buôn bán, vận chuyển ma túy phức tạp hơn. Hà Tĩnh có tuyến đường 1, đường sắt và đường mòn chạy dài suốt địa bàn nên tình hình vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… qua địa bàn còn nhiều phức tạp.

Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới đạt hiệu quả cao, Ban Chỉ đạo 389 Hà Tĩnh đã đôn đốc các ngành chức năng bám sát và thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; thực hiện kế hoạch số 02/KH-BCĐ389 ngày 22/3/2017 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về kế hoạch công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017.

Đặc biệt, các lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng Hà Tĩnh cần chú trọng phối hợp tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tại địa bàn cửa khẩu, đường mòn, lối mở; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh tại cửa khẩu; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các khu vực và địa bàn trọng điểm.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 Hà Tĩnh cũng yêu cầu Thanh tra Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Chi cục Thủy sản tổ chức thanh tra chuyên ngành về: thức ăn, thuốc thú y, chất xử lý, cải tạo môi trường dùng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ và phân bón khác.

HÀNG VIỆT

Thái Nguyên:

Đưa hàng Việt đến gần hơn với bà con miền núi

Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Thái Nguyên đã phối hợp với các huyện như Định Hóa, Phú Lương, Võ Nhai, Phú Bình tổ chức thành công 4 chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi”. Các chuyến hàng này đã tạo điều kiện giúp hàng Việt đến gần hơn với bà con khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Hiệu quả cao

Sở Công Thương Thái Nguyên cho biết, trung bình, mỗi phiên chợ hàng Việt về nông thôn thu hút được khoảng trên 25 doanh nghiệp (DN) tham gia, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân do DN Việt Nam sản xuất, phân phối.

Bà Lê Thanh Thủy - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư - Sở Công Thương Thái Nguyên cho biết, hàng hóa tại tất cả các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đều tập trung vào các mặt thiết yếu như: thực phẩm, quần áo, giày dép, đồ gia dụng, giấy vở học sinh… có nguồn gốc trong nước, xuất xứ rõ ràng, giá bán hợp lý, mẫu mã đa dạng, phù hợp với điều kiện, nhu cầu của người dân vùng nông thôn.

Đặc biệt, để các chương trình chắc chắn có được thành công, từng cán bộ trung tâm đã bỏ công sức tìm hiểu, nghiên cứu tập quán sinh hoạt, mua sắm, nhu cầu về hàng hóa và thu nhập của từng vùng, từ đó tiến hành chiêu thương, mời gọi các DN có uy tín, có năng lực sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại, chuẩn bị hàng hóa phù hợp. DN cũng tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi như mua hàng giảm giá hoặc tặng kèm hàng khuyến mãi nên bà con khu vực miền núi rất thích. Phiên chợ cũng có rất nhiều mặt hàng thiết thực với người dân địa phương, như các loại giống cây trồng mới bà con có nhu cầu mà địa phương không có.

Chỉ tính riêng 4 chương trình được tổ chức từ đầu năm đến nay năm đã thu hút được 108 DN tham gia với doanh thu ước đạt 1,7 tỷ đồng. Khách đến tham quan, mua sắm khoảng 22.000 lượt người. Các DN tham gia phiên chợ cũng được hỗ trợ về chi phí đăng ký, lắp đặt gian hàng, vận chuyển hàng hóa, điện nước, vệ sinh, an ninh…

Thành công của việc tổ chức các phiên chợ này không phải chỉ đơn thuần là đạt được doanh số bán hàng như mong đợi mà quan trọng hơn là dần dần làm chuyển biến nhận thức của người tiêu dùng về lựa chọn hàng hóa. Không những thế, người dân khu vực nông thôn còn được tìm hiểu, mua sắm những mặt hàng chất lượng cao do chính các DN trong nước sản xuất. Từ đó có thêm thông tin để so sánh đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với những hàng hóa được bày bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường. Thống kê của Sở Công Thương Thái Nguyên cho biết, sau các phiên chợ, ý thức ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam của bà con ngày càng tăng lên. Đặc biệt, các mặt hàng như rau củ, hàng gia dụng, đồ dùng học tập… của Việt Nam luôn được bà con ưu tiên chọn lựa.

Lực đẩy cho doanh nghiệp sản xuất

Phải khẳng định rằng, các phiên chợ hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa chỉ mang lại những kết quả tức thời, bởi sau khi các DN rời đi, bà con cũng không còn hàng hóa để mua sắm. Do đó, điều quan trọng là DN tự ý thức được tầm quan trọng của thị trường miền núi và xây dựng được các điểm bán hàng để giữ vững được vị trí của mình.

Với mục tiêu này, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi đã tạo điều kiện cho các DN trong nước tiếp cận thị trường nông thôn, giới thiệu thương hiệu và quảng bá sản phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng và sinh hoạt của người dân. Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Dũng Thảo (TP. Thái Nguyên) cho biết, tham gia các phiên chợ hàng Việt về miền núi đã lâu nhưng công ty chưa bao giờ đặt nặng doanh thu, chỉ tận dụng cơ hội để quảng bá, mở rộng, khai thác thị trường. Sau phiên chợ hàng Việt về miền núi, công ty đã có kế hoạch mở thêm một vài đại lý phân phối sản phẩm tại trung tâm các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để phục vụ bà con thường xuyên hơn.

Ngoài ra, Sở Công Thương Thái Nguyên đang xúc tiến các DN trong tỉnh đẩy mạnh việc xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam tại các huyện miền núi, khu vực vùng sâu, vùng xa để tạo cơ sở giúp hàng Việt Nam “bám chặt” hơn khu vực này.

Từ năm 2009 đến năm 2017, Sở Công Thương Thái Nguyên đã phối hợp với các đơn vị, DN trong và ngoài tỉnh tổ chức được 33 chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” tại các địa phương trong tỉnh với sự tham gia của trên 250 đơn vị, DN.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)