Thông tin giá cả thị trường số 41/2018

10:28 AM 11/10/2018 |   Lượt xem: 4539 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Nghệ An: Nguy cơ khan hiếm thức ăn cho gia súc mùa giáp hạt

Ngô sinh khối là loại cây trồng ngắn ngày, được trồng lấy thân lá, bắp non để làm thức ăn thô xanh cung cấp cho đàn bò. Tại tỉnh Nghệ An, bà con có xu hướng trồng ngô sinh khối do lợi nhuận cao hơn so với trồng ngô lấy hạt.

Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của hai trận lũ vừa qua, vùng bãi trồng ngô ven sông Lam đứng trước nguy cơ chậm mùa vụ do lượng phù sa bồi đắp quá lớn, đến nay chỉ một số ít diện tích bãi cao còn lại nông dân vẫn chưa thể tiến hành sản xuất cây ngô vụ đông. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ khan hiếm nguồn cung cấp thức ăn cho gia súc trong thời kỳ giáp hạt sẽ xảy ra. Đặc biệt là với các trang trại chăn nuôi như TH TrueMilk, Vinamilk… trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Vụ sản xuất ngô chính của Nghệ An là vụ thu đông, vụ đông. Tuy nhiên, đến nay Nghệ An chỉ mới gieo trồng chủ yếu ngô thu đông tại huyện Diễn Châu với hơn 2.000 héc-ta. Diện tích này không đủ cung cấp cho nhu cầu của các trang trại chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Vì vậy, hiện nay, một số thương lái đã có kế hoạch tìm nguồn nguyên liệu ở các địa hương khác.

Tại huyện Anh Sơn, vùng ngô nguyên liệu chính của Nghệ An, diện tích mỗi vụ hơn 2.300 héc-ta. Nông dân sản xuất liên tục, bán cây xong lại quay vòng, có thể sản xuất trên 3 vụ ngô trong đó 2 vụ chính là vụ xuân và vụ đông. Tuy nhiên, vụ đông năm nay sẽ không thể kịp tiến độ. Nguyên nhân do lượng phù sa bồi đắp lớn nên vùng đất bãi vẫn chưa thể tiến hành làm đất gieo trồng. Vụ đông thường xuống giống sau ngày 1/10 dương lịch nhưng với lượng phù sa dày như hiện nay, thời vụ có thể kéo dài đến cuối tháng 10 hoặc sang tháng 11. Chính vì vậy, mùa giáp hạt năm nay nguy cơ khan hiếm nguồn thức ăn cho gia súc rất cao.

Trước tình hình đó, UBND huyện Anh Sơn đã chủ trương đẩy mạnh sản xuất ngô đông trên đất 2 lúa. Vụ xuân vừa qua, toàn huyện có trên 500 héc-ta ngô sinh khối tập trung ở các xã: Tam Sơn, Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn, Thạch Sơn. Hiện nông dân trồng ngô trên địa bàn huyện đều tập trung sử dụng đồng loạt các loại giống ngắn ngày như: CT888, CT919, CP101… Đây là những giống được đông đảo nông dân lựa chọn, bởi có ưu điểm nổi trội là thời gian sinh trưởng ngắn; mật độ cây cao hơn, năng suất sinh khối cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. UBND huyện cũng đã phối hợp với đơn vị thu mua, kết nối đầu ra cho nông dân. Ưu tiên giống ngô cho sinh khối lớn, chất lượng cao. Các đơn vị có trang trại bò lớn ở địa phương như TH True Milk đã cam kết sẽ thu mua toàn bộ ngô cây do bà con gieo trồng.

Trước nguy cơ khan hiếm nguồn thức ăn, các cơ quan chức năng khuyến cáo bà con tranh thủ đẩy nhanh mùa vụ tại các vùng không bị ảnh hưởng bởi các đợt mưa lũ vừa qua, các chân đất hai lúa. Đồng thời, thực hiện tốt các công tác sau: Bố trí mùa vụ thích hợp để tránh thiên tai; các vùng không bị ảnh hưởng bởi các đợt mưa lũ vừa qua, nếu đất đã khô ráo khẩn trương gieo trỉa sớm; đẩy mạnh gieo trồng trên đất hai lúa ít bị úng ngập, tận dụng diện tích đang bỏ trống. Ngoài các kỹ thuật gieo trồng, cần chú ý lên luống cao (vồng, hàng), tạo rãnh thoát nước tốt cho ruộng; lựa chọn các giống ngô chống đổ, chịu úng tốt, sinh khối lớn như NK7328, NK4300, NK6253, PAC339… để gieo trồng.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Quảng bá thanh long Việt Nam ở Ấn Độ

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, mới đây, tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ), Sở Công Thương Bình Thuận đã phối hợp với Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Phòng Thương mại và Công nghiệp các Doanh nghiệp nhập khẩu Ấn Độ, Hội đồng Xúc tiến Thương mại Ấn Độ tổ chức “Chương trình quảng bá thanh long Việt Nam” tại Ấn Độ.

Trong khuôn khổ chương trình này, Hiệp hội Thanh Long Bình Thuận và Phòng Thương mại và Công nghiệp các Doanh nghiệp Nhập khẩu Ấn Độ đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh, quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng thanh long tại Ấn Độ. Việc ký kết này thể hiện mong muốn của tỉnh Bình Thuận về hợp tác, liên kết để quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường xuất khẩu trái thanh long đến các tỉnh, thành phố của Ấn Độ.

Theo biên bản nói trên, hai bên nhất trí thiết lập cơ chế liên lạc thường xuyên, định kỳ cung cấp thông tin cho nhau về nhu cầu xuất nhập khẩu trái cây, hoa quả. Đồng thời, thông tin thị trường, tình hình tiêu thụ, các yêu cầu về kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với sản phẩm để cung cấp cho các doanh nghiệp. Hai bên cũng sẽ cung cấp thông tin, hướng dẫn và hỗ trợ kết nối cho doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, hợp tác kinh doanh trên lĩnh vực xuất nhập khẩu, chế biến và tiêu thụ trái cây, hoa quả phù hợp với nhu cầu và khả năng của doanh nghiệp hai bên.

Với mục tiêu đẩy mạnh thương mại nông sản giữa hai nước, hai bên sẽ lập kế hoạch phối hợp tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội thảo, hội nghị, hội chợ triển lãm chuyên ngành về nông sản và trái cây, hoa quả tổ chức hàng năm tại Việt Nam và Ấn Độ.

Thanh Hóa: Mô hình nuôi bò thịt chất lượng cao

Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Thiệu Hóa xây dựng và triển khai mô hình “Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao” tại xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa.

Mục đích của mô hình là nhằm chuyển giao tiến bộ giống, kỹ thuật mới cho bà con, giúp họ tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa học vào chăn nuôi nhằm tăng năng suất, sản lượng thịt. Đồng thời, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế. Sau gần 1 năm thực hiện, mô hình không chỉ cho kết quả đạt và vượt yêu cầu đề ra mà còn mang lại thu nhập cao cho các hộ tham gia. Mô hình đã thực sự thu hút sự quan tâm của người dân trong thời gian vừa qua.

Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ chi phí mua bò giống, một phần chi phí thức ăn tinh giai đoạn vỗ béo. Còn lại bà con tự đối ứng chi phí làm chuồng trại, mua thức ăn tinh, trồng và chế biến thức ăn thô xanh, nhân công và các loại vật tư thiết bị phục vụ chăn nuôi khác.

Theo thống kê sơ bộ sau khi kết thúc mô hình, xét về mặt giá trị, khi nuôi giống bò này cho hiệu quả cao gấp khoảng 2 lần so với nhóm bò Zêbu. Nếu xét về hiệu quả đầu tư, giống bò này cho hiệu quả cao hơn khoảng 30 - 50% so với chăn nuôi giống bò nhóm Zêbu. Với kết quả trên chắc chắn khi đưa giống này vào chăn nuôi sẽ cho hiệu quả kinh tế cao.

Thực tế, tại thời điểm sau khi mô hình kết thúc, bê lai lứa đầu giữa bò BBB và bò Zêbu tại các địa phương trong và ngoài huyện đã và đang được các thương lái, người chăn nuôi tìm mua với giá rất cao (15 - 18 triệu đồng/con sau cai sữa). Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, việc dùng tinh bò đực BBB để phối giống cho đàn bò cái nền tại địa phương đã và đang được rất nhiều người dân trong xã, trong huyện quan tâm.

Mô hình thành công không chỉ góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển mà còn tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Đồng bằng sông Cửu Long: Tôm sú tươi sống giảm giá

Tuần đầu tháng 10/2018, giá tôm sú tươi sống bất ngờ giảm mạnh. Loại tôm cỡ lớn 30 con/kg giá từ 210.000 đồng/kg giảm còn 165.000-170.000 đồng/kg; còn tôm tươi ướp đá bán cho các nhà máy chế biến xuất khẩu 150.000 đồng/kg, giảm hơn giá tôm thẻ cùng loại. Nguyên nhân chủ yếu khiến giá tôm sú tăng mạnh là do nguồn cung tại tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau tăng. Đây cũng là 2 địa phương có vùng nuôi quảng canh lớn và theo mô hình lúa - tôm. Ngoài ra, thời điểm này, người thu tôm sú không thể chờ giá khi giữa tháng 10 thời vụ vào mùa gieo cấy lúa.

Cá tra nguyên liệu và cá giống khan hiếm

Giá cá tra nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đạt mức cao kỷ lục 35.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cá có kích cỡ bình thường từ 1,5-2 kg trở lên được các doanh nghiệp đến tận ao thu mua với giá từ 32.000 - 33.000 đồng/kg. Riêng loại có trọng lượng từ 700 g đến hơn 1 kg được mua với giá 35.000 đồng/kg. Tất cả đều được thanh toán bằng tiền mặt một lần vì nếu không sẽ bị doanh nghiệp khác thu mua ngay lập tức. Với giá như trên, nông dân thu lãi từ 9.000 - 10.000 đồng/kg. Giá tăng chủ yếu do nguồn cá nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu bị hạn chế. Trong khi đó, các doanh nghiệp tự thả nuôi có xu hướng thu hẹp nên buộc phải thu mua cá của nông dân. Bên cạnh đó, nguồn cá tra giống hiện nay khan hiếm nên giá rất cao, từ 60.000 - 70.000 đồng/kg. Riêng cá giống loại lớn khoảng 7 con/kg cũng lên mức 40.000 đồng/kg. Bây giờ muốn thả nuôi cũng không được vì không có cá giống.

Tây Ninh: Nông dân chặt bỏ ớt

Tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh giá ớt đang giảm mạnh, chỉ còn 8.000 đồng/kg khiến nhiều người trồng ớt thua lỗ nặng, phải chặt bỏ gốc để trồng cây khác. Trên thực tế, giá ớt từ đầu năm đến nay đã giảm mạnh, lúc cao nhất cũng chỉ hơn 20.000 đồng/kg, trong khi cùng thời điểm năm ngoái, giá ớt lên đến gần 100.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều ruộng ớt còn bị bệnh thối trái khiến người trồng lỗ nặng hơn.

Theo các hộ trồng ớt trên địa bàn xã Ninh Điền, giá ớt phải đạt trên 10.000 đồng/kg, nông dân mới có lãi. Với giá thu mua như hiện nay thì chỉ có chặt bỏ để trồng cây khác, chứ càng để càng lỗ.

Giá nấm rơm ở miền Tây tăng

Tại nhiều địa phương ở miền Tây như: Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang..., giá nấm rơm tăng từ 5.000 - 15.000 đồng/kg, đạt mức cao 60.000 đồng/kg khiến nhiều gia đình làm nghề trồng nấm phấn khởi. Cụ thể, giá nấm rơm tròn được nhiều nông dân bán cho thương lái ở mức 50.000 - 60.000 đồng/kg, còn nấm dài (nấm dù) có giá khoảng 40.000 đồng/kg. Giá nấm rơm tăng chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ tăng và ảnh hưởng bởi các chi phí sản xuất đầu vào tăng như: giá rơm nguyên liệu, giá nhân công tăng…

Nấm rơm sản xuất tại đồng bằng sông Cửu Long không chỉ phục vụ nhu cầu tại chỗ mà còn tiêu thụ tại thị trường TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác trong nước.Ngoài ra, gần đây, nguồn cung nấm rơm tại nhiều địa phương giảm so với trước do nông dân giảm sản xuất nấm rơm vì trước đó giá bán thấp và năng suất nhiều diện tích trồng nấm cũng bị giảm do ảnh hưởng bởi thời tiết mưa nắng thất thường.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Dừa khô bấp bênh đầu ra

Tỉnh Tiền Giang và Bến Tre có vườn dừa chuyên canh gần 100.000 héc-ta, đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, đầu ra của trái dừa khô trong nhiều tháng qua rất khó khăn.

Ở các vùng nông thôn tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, trái dừa khô nằm ngổn ngang ngoài lề đường, sân nhà của nông dân. Đầu ra của trái dừa khô bấp bênh cộng với tình trạng giá giảm đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nông dân trồng dừa.

Giá dừa khô hiện nay đang thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Các nhà vườn bán  quả dừa khô chỉ được giá từ 25.000 - 30.000 đồng/chục (12 quả), thậm chí ở vùng hẻo lánh không có thương lái đến thu mua. Do đó, nhiều nhà vườn dự trữ lại dừa khô để chờ giá lên, không ít quả dừa đã nảy mầm phải vứt bỏ. Trong khi đó, một cây dừa thu hoạch tiền công gần 20.000 đồng. Nguyên nhân giá giảm là do các nước có diện tích vườn dừa lớn trên thế giới như: Ấn Độ, Malaysia, Philippines cũng đang vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do khâu liên kết với doanh nghiệp chưa mạnh nên khi dừa sụt giá thì ảnh hưởng  ngay đến đời sống của người trồng. Do đó, để trái dừa khô có đầu ra ổn định thì việc liên kết với doanh nghiệp  trong trồng và tiêu thụ dừa cần được tiếp tục nhân rộng. Đơn cử tại tỉnh Bến Tre, khi nhà vườn có liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh thì nhà vườn bán sản phẩm với giá khoảng 50.000 đồng/chục, cao 30% so với giá dừa trên thị trường. Để đảm bảo thu nhập ổn định, bà con trồng dừa nên hợp tác với các doanh nghiệp để có mối liên kết với nhau trong vấn đề tiêu thụ. Ngoài ra, nhà vườn cần đầu tư, chăm sóc vườn dừa đạt năng suất cao, chất lượng trái tốt; áp dụng các mô hình trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa để giảm chí phí sản xuất, tăng thu nhập cộng hưởng. Về phía chính quyền địa phương nên kêu gọi đầu tư, xây dựng thêm các nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái dừa để tiêu thụ nguồn nguyên liệu tại chỗ.

 

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Vĩnh Long: Tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long cho biết Chi cục vừa tiến hành tiêu hủy lượng hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng trị giá gần 300 triệu đồng.

Lượng hàng hóa tiêu hủy chủ yếu gồm 4 tấn phân bón giả, phân bón kém chất lượng, 4.000 nón bảo hiểm giả không có dấu hợp quy, một số nguyên liệu sản xuất nón bảo hiểm giả, 160 kg cà phê kém chất lượng...

Tuy không phải là địa bàn biên giới nhưng tình hình vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng qua địa bàn Vĩnh Long từ đầu năm đến nay diễn biến phức tạp. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 1.112 vụ, lập biên bản  vi phạm 772 vụ, chiếm tỷ lệ 69% số vụ kiểm tra, tổng số tiền xử phạt trên 5,5 tỷ đồng. Nhận định tình hình vi phạm về sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng cao, ngay từ đầu năm, Chi cục Quản lý thị trường Vĩnh Long đã triển khai kế hoạch tăng cường kiểm tra về hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp… Qua đó, phát hiện và xử lý 43 vụ vi phạm chủ yếu là nhóm hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi... Vi phạm sản xuất kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp chủ yếu... xử phạt hành chính trên 564 triệu đồng.

Riêng Đoàn kiểm tra liên ngành 389 đã kiểm tra 116 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, lấy 90 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm, qua kết quả của 39 mẫu có 6 mẫu không đạt chất lượng, xử phạt hành chính trên 63 triệu đồng. Cùng với tăng cường lực lượng kiểm tra, tỉnh Vĩnh Long cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người tiêu dùng nhận biệt, phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đồng thời, tổ chức công khai danh sách các cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm nhằm mục đích răn đe và góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

HÀNG VIỆT 

Măng khô Mai Lạp

Mai Lạp là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Tại đây, nghề làm măng nứa tép theo phương pháp truyền thống đã được duy trì và mở ra hướng mới trong phát triển kinh tế.

Hiện sản phẩm măng khô Mai Lạp được cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch khắp miền Bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên… Sản phẩm đã được lựa chọn tham gia cuộc thi sáng kiến giảm nghèo bền vững do Bộ Lao động thương binh và xã hội tổ chức năm 2016.

Cũng là sản phẩm măng nứa tép khô song nếu được ăn thử một lần sản phẩm măng của Mai Lạp, người tiêu dùng sẽ bị hấp dẫn ngay bởi sự thơm ngon đặc trưng mà không loại măng nào có được. Với ưu điểm sợi măng non, nhỏ, sản xuất thủ công, không sử dụng chất bảo quản, chất cấm trong thực phẩm, sau khi phơi sấy và chế biến vẫn giữ được màu vàng và mùi thơm tự nhiên của măng, măng khô Mai Lạp là sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn nhiều. Thông qua các hội chợ, triển lãm, thương hiệu măng khô Mai Lạp cũng khẳng định được giá trị trên thị trường nông sản. Nhiều tổ hợp tác xã sản xuất, chế biến măng khô đã được thành lập và thu hút đông lao động là chị em dân tộc thiểu số.

Thông thường, mùa măng được thu hoạch vào tháng 7, tháng 8 hàng năm. Cứ đến thời gian này, bà con lại tất bật thu gom măng nứa tép tươi, sơ chế, luộc, cắt và phơi sấy, đảo lật… cuối cùng ra được thành phẩm là sản phẩm măng khô thơm ngon, an toàn, không tẩm ướp hóa chất trong quá trình chế biến cũng như bảo quản. Công việc tuy tỉ mỉ, vất vả song nghề làm măng nơi đây đã gắn bó với bà con, trở thành một trong những nguồn thu nhập chính trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhiều hộ gia đình đã có nguồn thu tương đối ổn định, cải thiện cuộc sống.

Nhằm góp phần tích cực vào việc phát huy nghề làm măng khô đặc sản truyền thống của địa phương, lãnh đạo xã Mai Lạp luôn quan tâm đến vấn đề liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Tuyên truyền, vận động bà con sản xuất, chế biến măng theo hướng an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, địa phương vẫn chưa tìm được hướng phát triển ổn định và bền vững cho nghề truyền thống này. Bởi quá trình khai thác của bà con chủ yếu vẫn theo phương thức truyền thống và chưa có những biện pháp tác động tích cực trong việc trả lại dinh dưỡng cho rừng. Nếu kéo dài có thể sẽ làm cạn kiệt nguồn măng nguyên liệu tại địa phương. Vì vậy, trong thời gian tới, xã mong muốn được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, nhân giống, mở rộng vùng sản xuất.

Cà Mau: Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận gạo đặc sản

Sở Khoa học - Công nghệ Cà Mau và Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức nghiệm thu dự án Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo đặc sản lúa mùa Một bụi lùn, Tài nguyên đục và Tép hành - Cà Mau”.

Một bụi lùn, Tài nguyên đục và Tép hành là những giống lúa được nông dân Cà Mau chọn canh tác rất lâu đời và được xem như là giống lúa đặc trưng của tỉnh. Ba giống lúa này cũng đã được thu thập và phục tráng bởi Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long và trường Đại học Cần Thơ trong những năm gần đây. Đó là lý do chúng rất phù hợp cho việc lựa chọn và xây dựng những nhãn hiệu chứng nhận gạo đặc sản đầu tiên của tỉnh Cà Mau.

Tại buổi nghiệm thu, dự án được đánh giá hoàn thành tốt các nội dung và tiến độ đề ra, thể hiện tính hiệu quả và bền vững cao. Dự án đã đăng ký được 3 nhãn hiệu chứng nhận do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp cho 3 loại gạo đặc sản lúa mùa, gồm: Một bụi lùn - Cà Mau, Tài nguyên đục - Cà Mau và Tép hành - Cà Mau.

Việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận giúp gia tăng giá trị hạt gạo và khẳng định thương hiệu gạo đặc sản của Cà Mau trên thị trường lúa gạo trong nước và xuất khẩu.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)