Thông tin giá cả thị trường số 40/2019

08:32 AM 10/10/2019 |   Lượt xem: 3868 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Lào Cai:

Sâm đất bán chạy

Đây là thời điểm mà đồng bào dân tộc ở xã vùng cao Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai thu hoạch củ hoàng sin cô hay còn gọi là sâm đất, khoai sâm đất. Tuy được gọi là sâm nhưng giá lại rẻ như khoai lang nên sâm đất được các bà nội trợ mua nhiều.

Củ sâm đất là loại dược liệu được người dân xã Y Tý trồng thử nghiệm cách đây khoảng 4 năm. Do có vị ngọt mát, dễ ăn, giá rẻ, lại có tác dụng bồi bổ sức khỏe nên được nhiều người tìm mua. Cứ đến mùa thu hoạch, sâm đất được thương lái thu mua ngay lập tức và chuyển về thành phố Lào Cai, Hà Nội và nhiều tỉnh khác. Nhìn hình dáng bên ngoài, những củ sâm đất giống hệt như củ khoai lang. Tuy nhiên, bên trong củ khoai sâm đất có ruột mầu trắng trong hoặc màu vàng nhạt. Đặc biệt, ở những củ khoai sâm này là mùi thơm nhẹ giống như mùi nhân sâm. Khoai sâm đất sau khi được đào lên tại ven đồi có thể được bảo quản rất lâu đến nửa năm nếu ở nơi khô ráo, thoáng.

Sâm đất trồng chủ yếu tại 4 xã của huyện Bát Xát (ALu, Ngải Thầu, Y Tý, Trịnh Tường). Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, nhiều hộ dân người Hà Nhì ở các thôn Ngải Chồ, Lao Chải, Tả Dì Thàng, Choản Thèn, Mò Phú Chải, xã Y Tý đã tập trung trồng loại cây dược liệu này để tăng thu nhập. Theo lãnh đạo xã Y Tý, đa số các hộ dân người Hà Nhì của xã đều trồng sâm đất để phục vụ nhu cầu của gia đình và bán ra thị trường. Diện tích trồng của toàn xã là 16 héc-ta. Năm trước, cây sâm đất phát triển tốt, mỗi gốc có thể cho thu hoạch 1 - 2 kg củ, cả xã thu được 20 tấn củ. Với giá bán 5.000 đồng/kg, vụ năm 2018, toàn xã đã thu trên 100 triệu đồng từ bán củ sâm đất. Dự kiến năm nay được mùa, được giá nên thu nhập có thể tăng cao hơn.

Củ sâm đất chỉ sinh trưởng ở những nơi có khí hậu lạnh và độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, mỗi năm chỉ có một vụ thu hoạch vào độ cuối thu, đầu đông. Đặc biệt, cây này được trồng trên những vùng rất cao, củ được khai thác vào mùa lạnh và đảm bảo sạch tuyệt đối. Thông thường vào đầu vụ, giá bán sâm đất tại các vườn dao động từ 15.000 - 30.000 đồng/kg nhưng giá bán lẻ có thể cao gấp 2 - 3 lần. Các thương lái cho biết, hiện mới chỉ đầu mùa nên giá khoai sâm còn cao, nếu vào rộ vụ thu hoạch giá bán lẻ từ 60.000 đồng/kg sẽ xuống còn 35.000 - 40.000 đồng/kg. Đặc biệt, 2 năm gần đây, sâm đất bán rất chạy, hàng về đến đâu hết đến đó.

Thông thường, vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 10, sâm đất đã được củ, bà con khẩn trương thu hoạch để bán cho thương lái. Tuy nhiên, hiện nay, huyện Bát Xát đã có thông báo yêu cầu các xã trồng sâm đất trên toàn huyện phải thu hoạch đúng tiến độ bởi củ sâm đất chỉ đảm bảo năng suất, chất lượng nếu được thu hoạch đúng thời vụ (khoảng từ 25/9 - 30/10). Thời điểm này, cây sâm đất đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển, tích tụ dưỡng chất trong củ. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, một số hộ dân đã thu non và chọn củ to bán ra thị trường. Trước thực trạng trên, huyện Bát Xát đã có văn bản chỉ đạo các xã: A Lù, Ngải Thầu, Y Tý, Trịnh Tường tuyên truyền, vận động bà con không thu non làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của củ sâm đất và làm giảm giá trị của củ sâm đất trên thị trường.

Cây sâm đất rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của nhiều xã trên địa bàn huyện Bát Xát. Với năng suất khoảng 15 – 20 tấn/héc-ta, đầu ra ổn định, sâm đất mang lại nguồn thu nhập tương đối cho bà con vùng cao. Đáng mừng là củ sâm đất hiện được thương lái đến tận ruộng thu mua đem đi tiêu thụ ở các tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, Công ty TNHH Thạch rau câu Long Hải cũng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm củ sâm đất với số lượng lớn để chế biến thành nước giải khát.

Trên địa bàn huyện Bát Xát hiện có gần 200 héc-ta củ sâm đất, tập trung nhiều ở các xã: A Lù, Ngải Thầu, Y Tý, Trịnh Tường…

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Cà Mau: Trái nhàu khó tiêu thụ

Nhiều hộ dân trồng cây nhàu ở Cà Mau đang đứng ngồi không yên vì các cơ sở thu mua ngưng hoặc thu mua cầm chừng do trái nhàu khó tiêu thụ và rớt giá. Thông thường, nhàu được các thương lái thu mua xuất sang Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) để làm thuốc.

Tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, thời gian gần đây, một số cơ sở thu mua trái nhàu trên địa bàn đã ngưng hoạt động hoặc thu mua cầm chừng. Tại khu vực cầu Số 4 (cầu Tân Lộc, thuộc xã Tân Lộc), nơi được xem là “thủ phủ” thu mua trái nhàu trên địa bàn tỉnh Cà Mau, sân phơi của nhiều cơ sở thu mua bỏ không, cỏ hoang mọc um tùm, vắng bóng công nhân… Nguyên nhân do hàng xuất đi không đảm bảo chất lượng nên thường xuyên bị trả về. Do bí đầu ra nên các cơ sở thu mua đành đóng cửa để giảm bớt chi phí cũng như thua lỗ. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là do cách thức kinh doanh của người dân vẫn còn bị động, thiếu liên kết… Trước đây, bà con chỉ cần mua trái nhàu từ thương lái, đem về sân phơi rồi vận chuyển lên TP. Hồ Chí Minh bán lại cho công ty. Tuy nhiên, hiện muốn bán được hàng phải chứng minh được vùng nhàu nguyên liệu an toàn, có giấy chứng nhận hữu cơ (organic). Đây là vấn đề nan giải đối với các cơ sở thu mua trên địa bàn.

Điều này cũng ảnh hưởng đến giá nhàu trên thị trường. Trước đó, trái nhàu được thương lái lùng sục mua với giá cao, từ 15.000 - 17.000 đồng/kg. Giờ chỉ còn 3.000 đồng/kg nhưng chỉ mua 1 lần/tuần hoặc có khi ngưng thu mua. Nhiều hộ dân trồng nhàu ở xã Tân Lộc nói riêng và Cà Mau nói chung lâm vào cảnh ăn ngủ không yên vì trái nhàu đến thời điểm thu hoạch nhưng không có người mua.

Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đang tìm giải pháp giúp bà con tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, khuyến cáo bà con cẩn trọng, không nên ồ ạt xuống giống trồng nhàu để giảm bớt thiệt hại.

Nghệ An: Bà con thu lãi cao từ cây sả

Hiện nay, trên địa bàn xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An có một số vùng đất cao cưỡng trồng lúa năng suất thấp, không mang lại hiệu quả kinh tế.

Để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, chính quyền địa phương đã khuyến khích bà con chuyển đổi sang một số cây rau màu và cây dược liệu, trong đó có cây sả.  Đây là loại cây dược liệu có nhiều công dụng chữa bệnh và là loại cây gia vị trong chế biến thức ăn. Nắm bắt được nhu cầu trên, năm 2019, nông dân xã Nam Xuân đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây sả với quy mô gần 2 héc-ta.

Đến nay, mô hình đã thực sự mang lại hiệu quả, đầu ra rất thuận lợi khi các thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 8.000 - 10.000 đồng/kg. Cây sả rất dễ trồng, dễ chăm sóc, thích nghi với điều kiện khô hạn, không bị dịch bệnh như các loại hoa màu. Đặc biệt, trồng sả bà con ít tốn công chăm sóc, chỉ cần làm cỏ, bón phân là thu hoạch. Theo tính toán sơ bộ của bà con, đầu tư trồng 1 sào (500 m2) sả, giá giống chỉ mất khoảng 300.000 đồng, phân bón rất ít, chăm sóc 3 - 4 tháng là đã bắt đầu cho thu hoạch. Với giá đầu ra ổn định, sau khi trừ chi phí sản xuất, người dân thu lãi từ 60 - 80 triệu đồng/héc-ta/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa. 

Thành công của mô hình là cơ sở để bà con xã Nam Xuân nói riêng và huyện Nam Đàn nói chung xây dựng cơ cấu chuyển đổi cây trồng hàng năm để nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác. Từ đó, phát huy thế mạnh sẵn có của vùng, đặc biệt là giảm được thiệt hại do sâu bệnh, thời tiết….

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Xuất khẩu sắn sang Trung Quốc giảm

Theo Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang thị trường Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 1,36 triệu tấn tương đương 530,3 triệu đô-la Mỹ, giảm 7,5% về khối lượng và 3,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Sự suy giảm này một phần bị ảnh hưởng do chính sách giảm lượng ngô tồn kho. Mặt khác, do Trung Quốc tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu sắn. Ngoài ra, nhu cầu mua sắn lát từ các nhà máy cám cá tăng mạnh nên các doanh nghiệp Việt Nam còn hàng cũng không vội ký hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc do giá xuất khẩu đang ở mức thấp.

Dự báo 3 tháng cuối năm 2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc sẽ bị cạnh tranh khốc liệt từ các nước Thái Lan, Campuchia và Lào, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường nhập khẩu sắn từ Lào và Campuchia.

Vĩnh Long: Giá khoai lang tím Nhật giảm

Khoai lang tím Nhật là loại màu chủ lực được bà con huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long tập trung sản xuất với trên 12.000 héc-ta mỗi năm. Đây là loại màu từng mang lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay, do nhiều nguyên nhân mà giá khoai lang tím Nhật sụt giảm liên tục, hiện chỉ dao động từ 150.000 -  200.000 đồng/tạ. So với thời điểm cuối tháng 7, giá khoai lang tím Nhật đã giảm trên 300.000 đồng/tạ. Với mức giá trên, người trồng khoai tím Nhật sẽ thua lỗ nặng, từ 5 - 8 triệu đồng/công tùy năng suất và chất lượng khoai lang khi thu hoạch.

Theo tính toán sơ bộ, chi phí đầu tư sản xuất là trên 12 triệu đồng/công khoai đất nhà và trên 14 triệu đồng/công đất thuê. Trong khi, với mức giá như hiện tại khoai lang tím Nhật chỉ bán được từ 6 - 8 triệu đồng/công.

Bình Định:

Ngư dân Nhơn Lý được mùa cá cơm

Thời điểm cuối tháng 9/2019, trên vùng biển gần bờ xã Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) xuất hiện nhiều đàn cá, gồm cá cơm ba lài, cá cơm mồm, cá lồ ồ. Hàng trăm tàu thuyền xuất bến đánh bắt đạt sản lượng khá, thu nhập ít nhất 10 triệu đồng/chuyến, nhiều lên đến 40 triệu đồng/chuyến.

Cá cơm ba lài vào bờ từ sáng đến trưa được bán với giá 250.000 đồng/két/12 kg (dùng phơi khô), còn cập bến vào buổi chiều giá giảm còn 150.000 đồng/két (chỉ làm nước mắm), cá cơm mồm giá 600.000 đồng đến 1 triệu đồng/két… Lao động làm thuê vận chuyển cá vào bờ và gánh cá cho các cơ sở chế biến cũng có thu nhập từ 200.000 – 400.000 đồng/ngày/người.

An Giang:

Giá cá linh giảm

Do đã vào mùa lũ nên giá cá linh đã giảm mạnh so với đầu mùa. Hiện giá cá linh tại chợ Châu Đốc (TP. Châu Đốc, An Giang) chỉ dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg (đầu mùa giá cá linh tại chợ này luôn trên 200.000 đồng/kg). Nếu cá nguyên con chưa làm ruột, giá bán tại chợ là 120.000 đồng/kg, cá đã làm ruột giá bán là 150.000 đồng/kg. Ngoài bán tại chợ, các tiểu thương cũng nhận chuyển cá tươi ướp đá cho khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh với mức giá từ 170.000 - 220.000 đồng/kg tùy kích cỡ cá.

Trong khi đó ở TP. Hồ Chí Minh, tại các chợ như: Bà Chiểu, Hàng Xanh, Phạm Văn Hai... đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có cá linh bán đồng loạt ở các chợ. Tuy nhiên, một số cửa hàng bán hải sản trực tuyến cho biết đã bán cá linh cho khách hàng song giá vẫn còn khá cao và khách hàng phải đặt trước ít nhất một ngày.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Tiền Giang:

Phát triển ngành hàng ca cao theo hướng bền vững

Hiện nay, nông dân Tiền Giang trồng gần 800 héc-ta ca cao, chủ yếu xen canh dưới tán dừa và các loại cây ăn trái khác, hàng năm đạt sản lượng thu hoạch trên 1.000 tấn hạt.

Ca cao là cây trồng mới nên thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã có nhiều chính sách thiết thực nhằm tạo điều kiện phổ cập rộng rãi kỹ thuật và mô hình canh tác ca cao xen vườn dừa cho bà con như: Chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh, mở rộng mạng lưới thu mua, tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân, xây dựng những câu lạc bộ và tổ, nhóm trồng và chuyển giao kỹ thuật thâm canh ca cao…

Từ năm 2010, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai Dự án ca cao hữu cơ với kết quả có gần 600 héc-ta được cấp chứng nhận đạt chuẩn UTZ. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 41 điểm thu mua, 31 điểm sơ chế, 40 cơ sở chế biến lên men ca cao… góp phần quan trọng trong việc giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa. Hiện Tiền Giang đang tập trung khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật thâm canh ca cao, giúp nông dân áp dụng đúng các biện pháp canh tác, sơ chế và lên men đúng quy trình kỹ thuật. Mặt khác, hỗ trợ tích cực các câu lạc bộ, tổ, nhóm trong chuỗi giá trị “nông dân - điểm sơ chế - doanh nghiệp” để tiếp cận thông tin kinh tế, kỹ thuật và các nguồn lực phát triển khác. Trước mắt, tỉnh tập trung kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ca cao; củng cố và nâng chất các câu lạc bộ, tổ, nhóm trồng ca cao; hỗ trợ bà con về kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, phòng chống các đối tượng dịch hại tấn công cây ca cao gây thiệt hại cho nông dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm gần đây, giá ca cao luôn ở mức cao, trung bình khoảng 65.000 đồng/kg hạt khô và từ 5.500 - 6.000 đồng/kg trái tươi nên thu nhập bình quân trên mỗi héc-ta ca cao xen dưới tán vườn đạt gần 50 triệu đồng/năm.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Đồng Tháp:

Phát hiện cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Đồng Tháp đã kiểm tra phát hiện 1 vụ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả, trị giá tang vật gần 230 triệu đồng.

Thực hiện kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng cuối năm 2019, trong tháng 9, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Đồng Tháp do Đội QLTT số 5 (Cục QLTT Đồng Tháp) chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đồng Tháp, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp Năm Phướng tại xã Phú Thọ, huyện Tam Nông.

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện 45 thùng thuốc trừ sâu (thuốc đặc trị rầy) nhãn hiệu Schesyntop 500WG là hàng giả không có giá trị sử dụng với tổng trị giá hàng hóa gần 230 triệu đồng. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp Năm Phướng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật quá hạn; phân bón vi lượng có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ theo quy định về nhãn hàng hóa; phân bón ghi trên nhãn hàng hóa không đúng sự thật... với tổng trị giá tang vật khoảng gần 100 triệu đồng.

HÀNG VIỆT

Yên Bái:

Triển khai sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quả sơn tra

Nhằm nâng cao thương hiệu, uy tín của sản phẩm quả sơn tra trên thị trường, vừa qua, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã tổ chức Hội nghị triển khai sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quả sơn tra Mù Cang Chải.

Hiện trên địa bàn huyện Mù Cang Chải có tổng diện tích 4.182,9 héc-ta cây sơn tra. Trong đó, diện tích cho sản phẩm ước khoảng 2.500 héc-ta với tổng sản lượng 3.000 tấn quả/năm cùng với các tiêu chí chứng nhận về quả sơn tra như: Hình thức bên ngoài, thành phần sinh hóa, hàm lượng các chất, nước, vitamin, đường...

Với việc đáp ứng các yêu cầu đề ra, quả sơn tra hay còn gọi táo mèo đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu” năm 2016 với tên gọi sơn tra Mù Cang Chải. Huyện Mù Cang Chải đã xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Trong đó, quy định cụ thể tổ chức cá nhân, điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu, trách nhiệm của người sử dụng nhãn hiệu, phí sử dụng... Hiện tại, huyện mới chỉ cấp sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quả sơn tra cho 2 cơ sở kinh doanh. Thời gian tới, huyện tiếp tục giao chỉ tiêu để cấp phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho từ 12 đến 19 cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời, cấp khoảng 13.000 đến 19.000 tem, túi lưới, bao bì cho các cơ sở để kinh doanh quả sơn tra. Việc triển khai, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quả sơn tra Mù Cang Chải thể hiện niềm tin cũng như lợi thế của địa phương, tạo sự tin tưởng hơn đối với người tiêu dùng với quả sơn tra. Đồng thời, nâng cao thương hiệu, uy tín của sản phẩm quả sơn tra trên thị trường trong và ngoài nước.

Bình Thuận:

5 ngành hàng, sản phẩm cần ưu tiên hỗ trợ

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận, có 5 ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết, gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, gồm các ngành hàng, sản phẩm: Thanh long; lúa gạo; điều; chăn nuôi bò thịt; chế biến thủy sản…

Cụ thể là chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo chuỗi giá trị giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp; hỗ trợ người nông dân trong sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, mở rộng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Dự án thực hiện liên kết phải có quy mô từ 10 thành viên trở lên hoặc có diện tích cây trồng tối thiểu 20 héc-ta. Qua đó, nhằm đảm bảo tính ổn định trong liên kết, thực hiện đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô diện tích vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Cũng theo dự thảo, chủ trì liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng/1 dự án. Dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…

Trên thực tế, chính sách hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn, bền vững, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp theo hướng an toàn thực phẩm.