Thông tin giá cả thị trường số 4/2016

11:39 AM 09/06/2016 |   Lượt xem: 3783 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Để rau quả Việt Nam đứng vững trên thị trường

Theo Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại 4 tháng đầu năm 2016 của Bộ Công Thương thì nhập khẩu rau quả tăng tới 37,3% so với cùng kỳ 2015. Điều này cho thấy xuất khẩu rau quả chưa có nhiều khởi sắc, thậm chí đang bị cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Tiềm năng lớn

Theo Cục Trồng trọt, hiện cả nước có khoảng 888.000 héc-ta trồng rau và hơn 35.000 héc-ta sản xuất hoa, cây cảnh. Về thị trường, trái cây Việt Nam đã có mặt ở hơn 50 nước trên thế giới và hầu hết các châu lục; đặc biệt khi các hiệp định FTA và TPP được ký kết, cơ hội mở ra cho rau quả Việt Nam là cực lớn. Về rau, Việt Nam có thể trồng rau ở nhiều vùng và nhiều vụ trong năm. Chúng ta có đầy đủ các chủng loại rau, rau nhiệt đới và rau ôn đới, nhất là các loại rau củ, quả. Các vùng cao nguyên như Đà Lạt, Mộc Châu, Sa Pa, vùng núi Tây Bắc có điều kiện lý tưởng để phát triển rau, hoa ôn đới. Miền Bắc với 2 vụ lúa, 1 vụ đông là một vụ thuận lợi để trồng rau cận ôn đới với các chủng loại rau củ quả, chi phí vừa không cao, sâu bệnh ít và tiêu tốn ít nguồn tài nguyên mà giá trị lại rất cao.

Mặc dù diện tích rau, hoa quả đã tăng nhanh cả về diện tích và giá trị sản lượng. Nhưng hiện nay với tình trạng biến đổi khí hậu và những tác động của nó khiến việc điều tiết thời vụ, năng suất, chất lượng rau hoa, cây cảnh bị ảnh hưởng, rủi ro cao. Trong khi đó thị trường trong nước đã xuất hiện ngày càng nhiều loại rau, hoa quả mang thương hiệu nước ngoài. Chế biến tinh, ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao gần như mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, sản phẩm chủ yếu là xuất tươi, xuất thô, trong khi công nghệ bảo quản, bao gói, công nghệ xử lý sau thu hoạch còn thô sơ, lạc hậu. Do công nghệ sau thu hoạch và bảo quản kém mà chúng ta chưa tạo ra được thương hiệu tầm cỡ quốc tế cho những sản phẩm vốn chỉ có Việt Nam mới có lợi thế.

Giữ thị trường bằng chất lượng

Để khỏi bị thua ngay trên sân nhà, Cục Trồng trọt đã đưa ra các giải pháp phát triển rau trong thời gian tới như tăng cường chỉ đạo tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cập nhật diễn biến tình hình thời tiết sâu bệnh hại cây trồng đến người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất; Rà soát điều chỉnh kế hoạch, quy hoạch vùng gieo trồng rau. Thống kê, cân đối diện tích đất lúa, đất chuyên màu để bố trí cây trồng hợp lý để phát triển cây rau. Kết hợp cải tạo vườn tạp, thâm canh vườn cây hiện có với trồng mới theo hướng sản xuất chuyên canh, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; Đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, hình thành những vùng sản xuất rau tập trung, tạo điều kiện đầu tư áp dụng máy móc, cơ giới hóa, công nghệ, tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất rau; Đảm bảo nguồn vật tư chất lượng (giống, phân bón, thuốc BVTV…) phục vụ sản xuất rau; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra gồm cả kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm trên cây rau; Tuyên truyền, vận động và hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân sản xuất rau trong việc ghi chép, lưu giữ hồ sơ và truy xuất nguồn gốc; Hỗ trợ xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đảm bảo sản xuất rau đạt năng suất cao, giá thành hạ, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP); Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trong đó có các cơ cấu luân canh cây rau để phục vụ nhu cầu rau cho người tiêu dùng và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất rau để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Để rau quả Việt Nam tăng trưởng bền vững, giữ vững thị trường khó tính thì việc đảm bảo ATTP là điều kiện sống còn. Việt Nam cần tăng cường kiểm dịch, kiểm tra chặt 100% lô hàng; ưu tiên phát triển những vùng sản xuất rau quả đạt VietGAP, GlobalGAP; các bộ, ngành chức năng cũng cần phối hợp trong việc xây dựng và thực thi các biện pháp giám sát ATTP rau củ từ khâu sản xuất. Để sản phẩm nông sản thực sự an toàn thì cần thực hiện ngay từ “phần gốc”, từ ý thức, hành vi của doanh nghiệp, của người sản xuất.
Linh Anh

MUA GÌ

Lâm Đồng: Dâu tây Đà Lạt từng bước nâng cao uy tín

Trồng dâu tây sạch trong nhà kính

Hiện trung bình mỗi năm Đà Lạt có khoảng 120 héc-ta dâu tây các loại, đó là chưa kể một diện tích dâu tây rất lớn được trồng tại huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng). Những năm gần đây, một số doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã tới Đà Lạt đầu tư trồng dâu tây theo ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên theo đánh giá chung, hiện nay, việc canh tác dâu tây trong nhà kính chưa được nông dân Đà Lạt áp dụng đại trà, chỉ mới phát triển trên diện tích nhỏ khoảng chục héc-ta. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung; sản xuất chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật chưa đồng bộ… Ưu thế về năng suất, chất lượng và thị trường tiêu thụ ổn định vẫn thuộc về những diện tích dâu tây trồng trong nhà kính; còn lại hầu hết diện tích sản xuất ngoài trời vì không có thương hiệu bảo hộ độc quyền, chưa xây dựng thành chuỗi sản phẩm liên kết nên tình trạng được mùa, mất giá vẫn xảy ra. Mặt khác, phần lớn sản phẩm dâu tây ngoài trời Đà Lạt khi đưa ra thị trường tiêu thụ không thông qua quy trình kiểm định chất lượng, lại chịu ảnh hưởng trước tình trạng giả mạo, lạm dụng địa danh Đà Lạt của các mặt hàng dâu tây từ nơi khác đưa về nên ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, tên tuổi. Là người có nhiều kinh nghiệm trồng dâu trong nhà kính, ông Vương Đình Phi ở đường Thánh Mẫu, Đà Lạt cho biết ông chọn các giống dâu tây Nhật trồng trên giàn giá thể xơ dừa, trấu... cách mặt đất gần 1 mét, diện tích ổn định với 3.000 mét vuông. Toàn bộ quy trình tưới nước, bón phân hữu cơ đều tự động hóa nhỏ giọt. Vườn dâu của ông đón khách du lịch khắp nơi vào tham quan, chụp hình lưu niệm và trực tiếp hái chọn dâu tây Nhật ăn tươi tại chỗ hoặc mua về làm quà với giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg. Như vậy, với hàng chục cân dâu tây tươi nhà kính của ông Phi bán ra mỗi ngày, giá mỗi cân cao hơn từ 5 - 6 lần so với giá dâu tây Mỹ đá, Mỹ thơm trồng ngoài trời ở Đà Lạt và các vùng phụ cận.

Xây dựng thương hiệu “Dâu tây Đà Lạt”

Theo UBND TP. Đà Lạt, nhiều năm qua, mỗi khi dâu tây Đà Lạt có giá cao, không ít thương lái đã nhập dâu Trung Quốc về bán tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Đà Lạt, với mác “Dâu tây Đà Lạt”. Điều này đã ảnh hưởng xấu rất lớn đến uy tín, chất lượng và thương hiệu dâu tây được trồng tại Đà Lạt. Để nâng cao uy tín của sản phẩm dâu tây Đà Lạt trên thị trường trong và ngoài nước, Phòng Kinh tế TP. Đà Lạt đang phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng thực hiện quy trình xây dựng nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ độc quyền. Khi nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận (sau khoảng 12 tháng thẩm định hồ sơ), người sản xuất sẽ được gắn nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt” trên sản phẩm của mình, nếu hội đủ các tiêu chí an toàn về nguồn giống, môi trường sinh thái, quy trình canh tác, hình thức và chất lượng sản phẩm thu hoạch…

Thiết nghĩ, trong thời gian đón chờ nhãn hiệu “Dâu tây Đà Lạt” chính thức được công nhận sử dụng, ngành nông nghiệp Đà Lạt cần phối hợp với các cơ quan chuyên ngành tích cực hỗ trợ nông dân triển khai những giải pháp về lựa chọn, cải tạo các loại giống dâu tây đạt năng suất, chất lượng cao để xây dựng các vườn thực nghiệm đầu dòng. Đồng thời tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề trồng và chăm sóc dâu tây; vận động nông dân sản xuất dâu tây tập trung theo mô hình liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Đặc biệt, khuyến khích phát triển ngày càng nhiều mô hình trồng dâu tây kết hợp với du lịch sinh thái tại các doanh nghiệp, hộ gia đình, qua đó có thêm cơ hội quảng bá rộng rãi thương hiệu “Dâu tây Đà Lạt”.

BÁN GÌ

Nghĩa Lộ (yên bái): Tập trung thu hoạch lúa đông xuân

Thời điểm này, tranh thủ thời tiết thuận lợi nông dân thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) đã bắt đầu ra đồng thu hoạch diện tích lúa đông xuân, giải phóng một phần diện tích đất gieo cấy vụ mùa 2016.

Năm nay, tuy đầu vụ có rét đậm, rét hại, nắng nóng nhiều ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa nhưng do chủ động về nguồn giống, tuân thủ nghiêm khung lịch gieo cấy, tích cực chăm sóc phòng trừ sâu bệnh nên lúa đông xuân của các hộ gia đình vẫn đạt năng suất cao hơn 60 tạ/héc-ta. Ngay sau khi thu hoạch xong, nhiều hộ gia đình đã bắt tay ngay vào làm đất, gieo mạ, phục vụ sản xuất lúa vụ mùa theo đúng khung lịch phường, thị xã chỉ đạo. Tính đến nay, nông dân thị xã đã thu hoạch được hơn 60 héc-ta lúa đông xuân, chủ yếu là 2 giống lúa Nghi Hương 305 và Séng Cù. Dự kiến toàn bộ diện tích lúa đông xuân của thị xã sẽ thu hoạch xong trước 7/6/2016. Thị xã tiếp tục chỉ đạo với quan điểm “Xanh nhà hơn già đồng”, tranh thủ thời tiết thuận lợi để thu hoạch tránh mưa bão, tập trung phơi bảo quản thóc lúa, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ mùa.

Vụ mùa năm 2016 được dự báo sẽ diễn ra trong điều kiện thời tiết nóng, từ tháng 6 – 8/2016, do đó, thị xã Nghĩa Lộ yêu cầu trong tổ chức chỉ đạo sản xuất vụ mùa các xã, phường cần chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện nghiêm túc khung lịch gieo cấy đã chỉ đạo, sử dụng cơ cấu giống lúa theo hướng dẫn, hạn chế thấp nhất việc đưa các giống không nằm trong cơ cấu vào sản xuất. Khống chế tối đa không quá 1% diện tích giống khác trên đất 2 vụ lúa của các đơn vị. Đối với các giống lúa thuần đề nghị các xã, phường, đơn vị cung ứng giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng hạn chế sử dụng giống xác nhận, giống các hộ tự để giống để đảm bảo năng suất. Ngoài chú trọng đưa các giống lúa có năng suất chất lượng cao vào gieo cấy. Thị xã sẽ thực hiện chuyển đổi 30 héc-ta lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu, ngô đặc sản chuyên canh tại 7/7 xã, phường.

Miền Tây mất mùa trái cây

Nắng nóng, xâm nhập mặn gay gắt đã làm hàng loạt vườn trái cây ở miền Tây bị thiệt hại, giá nhiều loại tăng cao nhưng bà con không có hàng bán.

Ông Lê Ngọc Quận (ngụ ấp Đông Hưng 2, xã Đông Thành) là một trong những người trồng nhiều cây thanh trà với khoảng 30 công, gồm 2 loại chua và ngọt. “Mấy năm trước, vườn thanh trà nhà tôi thu hoạch gần 50 tấn nhưng năm nay, tới cuối vụ, chắc thu hoạch không hơn 2 tấn trái loại chua. Riêng 200 cây thanh trà ngọt vụ này hái chưa được 1 kg trái” - ông Quận nói. Trong khi đó, người trồng sầu riêng ở xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long đang lâm cảnh khốn đốn bởi hàng loạt cây rụng lá chết hoặc trái teo tóp. Trong diện tích trồng sầu riêng của xã, hiện có gần 280 héc-ta thiệt hại 30% - 70%, hơn 164 héc-ta thiệt hại trên 70%. Năm nay nắng nóng quá, mưa ít, độ mặn cao khiến sầu riêng giảm năng suất đáng kể. Tại tỉnh Trà Vinh, khoảng 276 héc-ta trồng chôm chôm ở cù lao Tân Quy, huyện Cầu Kè đang rụng trái non và chết dần. Đây là nơi trồng chôm chôm lớn nhất tỉnh nhưng do ảnh hưởng của hạn, nhiều nông dân phải trắng tay.

Do nhiều nhà vườn bị mất mùa, cung không đủ cầu nên giá nhiều loại trái cây tăng cao. Tại chợ Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long), thương lái thu mua bưởi loại từ 1,2 kg trở lên, cành lá đẹp với giá 48.000 đồng/kg, loại từ 900 g đến 1 kg khoảng 36.000 -37.000 đồng/kg, tăng 12.000 - 13.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Nhiều vựa bưởi tại thị xã Bình Minh đã đóng cửa do không còn nguồn cung. Nhiều loại trái cây có múi khác cũng tăng giá mạnh, như quýt, cam… Ngoài hạn, mặn làm thất mùa, thời điểm này nghịch vụ nên sản lượng không nhiều, trong khi thị trường nội địa và xuất khẩu đang có nhu cầu cao khiến giá bị đẩy lên. Theo một tiểu thương buôn bán trái cây trên đường Nguyễn Văn Linh, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, nắng nóng nên ăn trái cây có múi được nhiều người ưa chuộng. Hiện rất nhiều người đặt mua quýt đường với giá 60.000 đồng/kg, trong khi cách đây 3 tháng chỉ 40.000 đồng nhưng người bán vẫn không có đủ hàng để cung cấp vì nhà vườn ở Hậu Giang và Đồng Tháp đã cạn nguồn.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: Cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền xây dựng các nội dung tuyên truyền phù hợp

Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải được thực hiện thường xuyên dưới nhiều hình thức: Tuyên truyền bằng các thứ tiếng dân tộc thiểu số, phát trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh định kỳ mỗi tuần hoặc mỗi tháng một lần, phát tờ rơi ở các phiên chợ... Xây dựng các nội dung tuyên truyền phù hợp cho các đối tượng, các vùng dân cư khác nhau, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Chú trọng hoạt động truyền thông trực tiếp cho nhân dân, học sinh và giáo viên các trường học để tích cực phòng chống ngộ độc thực phẩm và lây truyền qua thực phẩm.

Tại tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh đã ban hành “Kế hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2016”. Theo đó, trong năm 2016, Lào Cai sẽ tập trung vào việc phổ biến Luật An toàn thực phẩm cho người dân, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phổ biến kiến thức đảm bảo chất lượng vệ sinh, an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi sản phẩm nông sản thực phẩm, trong xuất nhập khẩu thực phẩm. Tuyên truyền về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm đối với đời sống xã hội, đến sức khỏe con người, sự phát triển giống nòi và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuyên truyền xây dựng các phong trào thi đua, hưởng ứng và tham gia các mô hình điểm về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, tỉnh đã có sáng kiến đẩy mạnh tuyên truyền về gương người tốt thực hiện an toàn thực phẩm cũng như phản ánh các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng dân cư được biết.

Ngoài ra, tỉnh còn lồng ghép công tác an toàn thực phẩm vào nội dung xây dựng nông thôn mới, nội dung tuyên truyền của Ban tuyên vận. Thường xuyên quán triệt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong các Hội nghị của cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với công tác an toàn thực phẩm cho nhân dân. Tăng cường kiểm soát việc quảng cáo thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức tư vấn, hỗ trợ tư pháp cho các tổ chức, cá nhân khi giải quyết các vướng mắc về điều kiện an toàn thực phẩm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm…

Tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn

Tại Sơn La, với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016 được triển khai từ ngày 15/4 đến ngày 15/5 trên phạm vi toàn tỉnh với các nội dung: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm rau, thịt tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối cung ứng rau, thịt, nông sản. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách sản xuất, chế biến, tiêu dùng rau, thịt an toàn. Nâng cao nhận thức, làm rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, tại Sóc Trăng, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh lại đặt ra những chỉ tiêu cụ thể cho “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”. Đó là 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm. Các hoạt động sẽ được ưu tiên tiến hành trong tháng hành động là: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nói chung, đặc biệt là kinh doanh rau, thịt phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ sở mình, đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền. Chú trọng vào các cơ sở giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm. Phối hợp chặt chẽ công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Lâm Đồng: Trợ giá 11 loại giống cây trồng

UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định trợ giá 11 loại giống cây trồng năm 2016. Trong đó, cây giống dâu tằm (hom S7-CB và cây S7-CB, VA-201) có mức trợ giá thấp nhất (240 đồng/cây); 5 loại cây bơ ghép, sầu riêng (Monthoong, Ri-6, cơm vàng hạt lép), măng cụt, mắc ca ghép, chôm chôm Thái… với mức trợ giá cao nhất (từ 21.000 - 25.600 đồng/cây). 5 loại cây trợ giá còn lại gồm: cà phê (robusta thực sinh, catimor, ghép cao sản), điều cao sản (PN1, AB29, AB0508, MH4/5, MH5/4), chè hạt, mít nghệ cao sản và chuối nhân mô… được trợ giá từ 1.000 - 16.000 đồng/cây. Mức trợ giá được phân bổ nêu trên theo mật độ trồng chuẩn trên mỗi héc-ta tương ứng với 11 loại cây trồng. Giá trên đã bao gồm toàn bộ chi phí vận chuyển, bốc xếp, hao hụt… để giao trực tiếp đến từng hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn xã. Riêng các hộ cận nghèo, hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng trợ giá bằng 100% mức giá bán lẻ tối đa theo quy định.

Vĩnh Long: Giá khoai lang tím tăng

Phòng NN&PTNT huyện Bình Tân (Vĩnh Long) cho biết: Từ đầu tháng 5 đến nay, giá khoai lang tím Nhật tại địa phương đã tăng mạnh từ mức 450.000 đồng/tạ (60kg) lên 980.000 đồng/tạ. Với mức giá này, nhiều nông dân thu hoạch khoai vào thời điểm này sau khi trừ hết chi phí thu lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/héc-ta. Nguyên nhân khoai lang tím Nhật tăng giá đột biến trong những ngày qua là do xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc tăng mạnh. Mặt khác, từ đầu năm đến nay khô hạn kéo dài, thiếu nước tưới nên diện tích trồng mới không nhiều.
Toàn huyện Bình Tân hiện có trên 5.748 héc-ta khoai lang, giảm 1.076 héc-ta so cùng kỳ năm trước. P.V

Khánh Hòa: Tư thương ép giá cá ngừ đại dương

Từ đầu năm đến nay, ngư dân các tỉnh miền Trung liên tiếp chịu nhiều thiệt hại do thiên tai. Bên cạnh đó, tình trạng tư thương bắt tay nhau ép giá, khiến đời sống ngư dân càng thêm khó khăn.

Hiện nay, giá cá ngừ đại dương được các đầu nậu thu mua tại cảng Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chỉ còn khoảng 90.000 đồng/kg. Mức giá này giảm gần 20% so với đầu năm nay. Mặc dù giá giảm nhưng nhiều chủ tàu vẫn chấp nhận bán vì càng để lâu chất lượng cá càng giảm.

Một chủ Nghiệp đoàn nghề cá ở cảnh Hòn Rớ cho biết, các tàu cá ở Nam Trung bộ đánh cá theo “con trăng”, xuất bến từ ngày 19 đến 22 âm lịch và trở về từ ngày 12 đến 17 âm lịch hàng tháng. Hàng trăm tàu cá cùng trở về, số lượng thương lái thu mua ít, nên việc ép giá là chuyện khó tránh khỏi. Riêng cá ngừ đại dương, có lúc gần 100 tàu cùng cập cảng Hòn Rớ, nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp và một số đầu nậu đứng ra mua cá. Nhiều ngư dân phải bán cá cho đầu nậu với giá cả rất bấp bênh, khó kiểm soát. Hơn nữa, việc đánh giá, phân loại chất lượng cá hoàn toàn do cảm quan, cảm tính của người mua. Vì thế, ngư dân luôn chịu thiệt thòi khi bán cá. Từ mấy năm nay, nhiều ngư dân đã kiến nghị xây dựng Trung tâm đấu giá cá ngừ đại dương để minh bạch thông tin, các doanh nghiệp, thương lái cùng nhau cạnh tranh thu mua. Tuy nhiên đến nay, Trung tâm này vẫn chưa hình thành. Vì vậy, mặc dù sản lượng ngư dân đánh bắt rất cao nhưng lợi nhuận sau khai thác không được nhiều. Điều này khiến cuộc sống của bà con ngư dân càng thêm khó khăn.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Gia Lai: Diện tích cây ớt giảm do hạn hán

Những năm trước, ở các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai: Đắk Pơ, Kông Chro, An Khê, ớt là cây chuyên canh với diện tích lớn. Đây cũng là cây trồng giúp người nông dân thoát nghèo và có thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, năm nay, diện tích cây ớt bị thu hẹp đáng kể bởi nắng hạn kéo dài, thiếu nguồn nước tưới. Mặc dù nhiều hộ gia đình đã đầu tư công sức, tiền của để nạo vét giếng, mua phân bón, thuốc chữa bệnh… nhưng vẫn không cứu được ruộng ớt do khô hạn. Trước tình hình này, giá ớt lại tăng mạnh do thương lái Trung Quốc cho người đến từng điểm thu mua ớt.

Ngược lại, nhiều hộ nông dân các xã, phường như: Tú An, Xuân An, An Tân, An Phước (thị xã An Khê) nhờ nguồn nước đập thủy điện An Khê-Ka Nak nắn dòng sông Ba xuôi về huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) đã chuyển đổi cây mía, cây mì truyền thống sang cây ớt mỗi năm 2 vụ. Việc chuyển đổi này đã tạo thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Đặc biệt, cây ớt rất hợp với đất mới, có độ dốc thấp đã đỡ phân bón, sai quả lại ít sâu bệnh. Đặc biệt, do giá ớt tăng cao nên nông dân rất phấn khởi. Theo tính toán sơ bộ, cứ mỗi sào ớt sau khi trừ chi phí nông dân thu lời 1 triệu đồng/ngày.

Những năm trước đây, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai cũng đã có văn bản khuyến cáo nông dân không nên phá bỏ hàng trăm héc-ta ớt ở các huyện, thị phía Đông tỉnh này vì ớt rớt giá. Đồng thời, hướng dẫn bà con nông dân cách thu hái, phơi khô để chờ giá tăng trở lại. Ngành cũng khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích trồng ớt tràn lan, tránh việc bị ép giá.

Nghệ An: Hiệu quả từ mô hình trồng rau an toàn

Nhằm giúp đồng bào dân tộc ở các xã vùng sâu, vùng xa và các vùng còn nhiều khó khăn ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng đã được triển khai. Điển hình là mô hình trồng rau sạch thí điểm tại khu vực khe Nhinh, xã Hữu Kiệm.

Mô hình được thực hiện tại thung lũng khe Nhinh thuộc địa bàn xã Hữu Kiệm là nơi có điều kiện khí hậu, quanh năm mát mẻ. Toàn bộ diện tích dùng để trồng rau này là vùng đất được người dân bản Na Lượng 1 khai hoang để trồng lúa nước 1 vụ nên hiệu quả kinh tế mang lại là không cao. Nay được huyện quy hoạch, trở thành vùng chuyên canh rau sạch cho thu nhập cao. Bước đầu, xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn đã thu hút 10 hộ dân của bản Na Lượng 1 tham gia thực hiện, bình quân mỗi hộ được khoán trên dưới 1.000 mét vuông đất để sản xuất rau sạch.

Những hộ tham gia dự án được cán bộ Trạm Khuyến nông - huyện Kỳ Sơn hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và hỗ trợ các loại giống rau. Đồng thời, các cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở, trực tiếp hướng dẫn các hộ thực hiện kỹ thuật làm phân vi sinh và tuân thủ đúng các quy trình, kỹ thuật trong trồng rau an toàn. Đến nay, toàn bộ diện tích rau trồng phát triển tốt và được tiêu thụ tại các thị trường lân cận. Hiện nay các hộ dân tham gia mô hình đang tiếp tục chuẩn bị ươm trồng thêm các loại rau như: cà chua, mồng tơi; rau dền, rau muống… để phục vụ cho mùa hè này.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực: Giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật

Ngày 6/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch vực vật. Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 25/6/2016.

Nghị định quy định hành vi vi phạm hành chính về giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật gồm: Vi phạm quy định về giống cây trồng; vi phạm quy định về bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và thuốc bảo vệ thực vật. Đối với mỗi hành vi vi phạm, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng. Vi phạm quy định về sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, quy định mức phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng…

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật là 1 năm, trừ các trường hợp vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng. Sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, thực vật, sản phẩm thực vật thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau:

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn gồm: Giấy chứng chỉ hành nghề đại diện quyền đối với giống cây trồng; Thẻ giám định viên quyền đối với giống cây trồng; Giấy công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng; Quyết định chỉ định khảo nghiệm giống cây trồng; Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; Thẻ hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; Giấy chứng nhận đủ Điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật; Giấy chứng nhận đủ Điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật; Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật; Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu.

- Đình chỉ hoạt động có thời hạn.

- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

- Khắc phục hậu quả: Ngoài thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định này quy định các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng giống cây trồng; Buộc thực hiện gắn mã hiệu cho nguồn giống; Buộc lập sổ theo dõi tình hình cung cấp vật liệu nhân giống; Buộc thực hiện việc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng; Buộc trả thù lao cho tác giả giống cây trồng theo quy định; Buộc thực hiện đúng nghĩa vụ giúp chủ Bằng bảo hộ duy trì vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ; Buộc tái chế đối với những thuốc bảo vệ thực vật còn có khả năng tái chế là thuốc có hàm lượng hoạt chất đạt từ 70% trở lên so với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; Buộc chấp hành đúng biện pháp chống dịch khi có quyết định công bố dịch hại thực vật; Buộc xử lý bao bì đóng gói bằng gỗ theo quy định; Buộc xử lý triệt để vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật; Buộc hủy bỏ kết quả khảo nghiệm đã thực hiện; Buộc thay nhãn theo đúng quy định…

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)