Thông tin giá cả thị trường số 39/2019

03:45 PM 01/10/2019 |   Lượt xem: 3723 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Hậu Giang:

Tìm giải pháp hỗ trợ người trồng mía

Theo lịch thu hoạch dự kiến của ngành nông nghiệp tỉnh, vùng mía Hậu Giang sẽ bắt đầu vào vụ ép từ tháng 9/2019 và kéo dài đến tháng 2/2020. Tuy nhiên, đến nay, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) chỉ mới ký kết hợp đồng bao tiêu mía khoảng 50% tổng diện tích mía của toàn tỉnh.

Giải pháp triển khai trước vụ thu hoạch

Để giảm áp lực cho người trồng mía trước khi vào vụ thu hoạch, đồng thời giữ vững diện tích vùng mía nguyên liệu, ngay từ đầu tháng 8/2019, nhà máy đường và ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã tiến hành triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, Casuco đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ nông dân. Một trong những giải pháp mà Casuco thường xuyên thực hiện trước khi vào vụ sản xuất hàng năm là tiến hành ký kết hợp đồng bao tiêu mía với bà con tại các vùng mía trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giá sàn bảo hiểm mà Casuco ký kết trong vụ mía năm nay là 700 đồng/kg, mía 10 chữ đường tại ruộng. Bên cạnh ký hợp đồng, Casuco còn tiến hành rà soát nhu cầu thuê nhân công thu hoạch mía trong dân để chủ động hợp đồng trước với các tổ nhân công nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân công thu hoạch mía cho bà con, nhất là vào thời gian cao điểm đốn mía. Với cách làm này, Casuco đang nhận được sự đồng tình cao của chính quyền địa phương. Ngoài hỗ trợ nhân công đốn mía thì kể từ vụ sản xuất mía năm nay, Casuco sẽ tự tổ chức phương tiện vận chuyển mía thông qua hình thức đấu thầu vận chuyển và đưa phương tiện xuống nhận mía trực tiếp tại ruộng của bà con chứ không thu mua qua thương lái như đã thực hiện trước đây. Do đó, việc tạm dừng sản xuất tại Xí nghiệp đường Vị Thanh trong vụ ép tới theo lý giải của Casuco sẽ không ảnh hưởng gì đến việc bán mía của bà con. Bởi chi phí vận chuyển mía xa hay gần do Casuco chịu trách nhiệm, từ đó bà con trồng mía có thể an tâm canh tác, nhất là tại vùng mía ở thành phố Vị Thanh.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho doanh nghiệp mía đường, UBND tỉnh sẽ có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nới lỏng tín dụng cho ngành mía đường, đồng thời có mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp mía đường để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn vốn chi trả tiền mía kịp thời cho nông dân. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng sẽ chỉ đạo ngành công thương tỉnh tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường về mặt hàng đường lậu để nâng giá đường trong nước, từ đó có thể nâng giá thu mua mía cho bà con.    

Mới ký hợp đồng bao tiêu mía được 50% diện tích

Bên cạnh triển khai quyết liệt nhiều giải pháp trọng tâm để hỗ trợ người trồng mía thì những vấn đề bất cập đã tồn tại và phát sinh mới cũng đặt ra không ít lo lắng cho ngành chức năng và người trồng mía. Theo đó, vấn đề lo lắng nhất là tình hình tiêu thụ mía khi vào vụ thu hoạch vì khả năng trên địa bàn tỉnh chỉ còn có 1 trong 3 nhà máy đường hoạt động trong vụ ép sắp tới là Nhà máy đường Phụng Hiệp của Casuco.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, niên vụ mía 2019 - 2020 này, nông dân trong tỉnh xuống giống gần 8.400 héc-ta. Hiện phần lớn diện tích mía đã đến thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) chỉ mới ký kết hợp đồng bao tiêu mía cho nông dân trên địa bàn tỉnh được hơn 4.000 héc-ta, chiếm khoảng 50% tổng diện tích mía của tỉnh. Nếu ở những vụ mía trước trên địa bàn tỉnh có đến 3 nhà máy đường cùng hoạt động thì năm nay khả năng chỉ có một Nhà máy đường Phụng Hiệp, thuộc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ sẽ đi vào hoạt động. Việc phần lớn diện tích mía chưa ký được hợp đồng bao tiêu, ít nhà máy đường hoạt động cùng với chính sách thu mua mới của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ là không mua mía trực tiếp qua thương lái như những năm trước, khiến người trồng mía Hậu Giang vô cùng lo lắng cho đầu ra của cây mía trong vụ này. Trong khi đó, theo tính toán của bà con nông dân, năm nay chi phí đầu tư cho cây mía tăng hơn mọi năm, khoảng 10 - 11 triệu đồng/công. Với giá thu mua mà nhà máy đường đưa ra là 700 đồng/kg đối với mía 10 trữ đường thu mua tại rẫy, khi trừ hết chi phí mỗi công mía người dân thua lỗ từ 1 - 2 triệu đồng.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Giá tiêu sẽ tiếp tục giảm

Tuần qua, giá hạt tiêu đã giảm mạnh sau một thời gian dài cầm cự ở mức trên 40.000 đồng/kg. Dự báo, giá tiêu sẽ tiếp tục giảm.

Hiện giá tiêu ở Đồng Nai tiếp tục giảm 1.500 đồng/kg, xuống còn 38.000 đồng/kg. Giá tiêu ở các tỉnh khác vẫn ở mức thấp: Bà Rịa - Vũng Tàu 42.500 đồng/kg; Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước, đều có giá ở mức 41.500 đồng/kg; Gia Lai 39.500 đồng/kg.

Giá tiêu giảm xuống dưới 40.000 đồng/kg ở một số địa phương trong mấy ngày qua nằm ngoài dự liệu của nhiều chuyên gia, doanh nhân ngành hồ tiêu, vốn vẫn hy vọng giá tiêu duy trì được ở mức 41.000 - 42.000 đồng/kg. Tuy nhiên, điều quan trọng là khi giá tiêu ở mức dưới 40.000 đồng/kg thì giá thành khi ấy lại thấp hơn. Còn hiện nay, khi giá tiêu đã ở mức trên dưới 40.000 đồng/kg, giá thành bình quân là 49.000 đồng/kg. Tính ra, người trồng tiêu đang lỗ nặng, với mức khoảng trên dưới 10.000 đồng/kg.  

Theo nhận định của một số chuyên gia ngành hồ tiêu, nhiều khả năng giá tiêu sẽ giảm tiếp. Trước hết là do sản lượng hạt tiêu Việt Nam cũng như trên thế giới vẫn còn vượt xa so với nhu cầu. Ở Việt Nam, hiện ước tính có khoảng 100 ngàn héc-ta tiêu đang cho thu hoạch, với năng suất bình quân 2,47 tấn/héc-ta, tương ứng với sản lượng khoảng 247.000 tấn.

Mặt khác, khi giá tiêu tiếp tục xuống thấp, nhiều nông dân sẽ lại trữ tiêu với hy vọng giá sẽ tăng lên. Bởi như thường lệ, vào tháng 10 hàng năm, giá hạt tiêu trên thị trường thế giới cũng như ở Việt Nam thường tăng lên do nguồn cung có phần thiếu hụt vì Việt Nam chuẩn bị bước vào niên vụ mới. Thế nhưng, với sự phát triển mạnh về diện tích cũng như sản lượng tiêu ở Brazil và một số nước khác trong mấy năm qua, vào tháng 10 hàng năm, đã không còn xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung hạt tiêu trên toàn cầu như trước đây. Do đó, việc nhiều nông dân trữ lại hạt tiêu, cộng với sản lượng hạt tiêu mới thu hoạch của niên vụ 2019/2020 là nguyên nhân khiến giá hạt tiêu trong niên vụ tới tiếp tục giảm xuống.

Bình Định:

Vụ muối đạt năng suất cao

Tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước (tỉnh Bình Định) bà con diêm dân đang thu hoạch vụ muối 2019. Vụ muối năm nay đạt năng suất cao nhưng khó tiêu thụ.

Tuy được mùa muối nhưng diêm dân vẫn lo lắng bởi  giá muối so với năm ngoái thấp hơn nhiều. Năm ngoái, giá muối trải bạt có lúc lên tới 1.600 - 1.800 đồng/kg, nhưng năm nay có 900 - 1.100 đồng/kg, thậm chí có thời điểm không ai mua, diêm dân phải tự đi bán.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bình Định, vụ muối này cả tỉnh làm 173 héc-ta muối, trong đó 125 héc-ta muối đất (phương pháp truyền thống), 34,7 héc-ta muối trải bạt và 13,5 héc-ta muối công nghiệp; đạt hơn 25.000 tấn muối, tăng gần 17% so với năm 2018. Tuy nhiên, do giá muối thấp, mới tiêu thụ được hơn 18.780 tấn, còn tồn đọng trên 6.270 tấn. Năm nay, thời tiết thuận lợi, nắng kéo dài nên hầu hết các tỉnh miền Trung đều trúng muối, sản lượng tăng rất cao. Trong khi đó, các nhà máy chế biến muối không thu mua hết lượng muối của diêm dân, muối bị tồn đọng lớn. Cung vượt cầu, khiến giá muối giảm.

Để từng bước ổn định đời sống của diêm dân, trong quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Bình Định đẩy mạnh làm muối công nghiệp và muối trải bạt ô kết tinh, giảm dần muối đất. Theo đó, đến năm 2020, diện tích đồng muối của Bình Định là 186 héc-ta, năng suất muối đạt 171,4 tấn/héc-ta, sản lượng 31.873 tấn. Đến năm 2030, Bình Định vẫn ổn định diện tích muối là 186 héc-ta, năng suất muối phấn đấu đạt 193 tấn/héc-ta và sản lượng muối toàn tỉnh đạt 35.845 tấn. Đặc biệt, Bình Định sẽ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng muối. Cụ thể, đến năm 2020 Bình Định sẽ tiến hành nâng cấp hệ thống đê bao ngăn triều, hệ thống kênh mương nội đồng, xây dựng mới 2 tuyến kênh mương nội đồng… Ngoài ra, xây dựng kho chứa muối tập trung có mái che, nền lát xi măng, để đảm bảo chất lượng của muối sau thu hoạch, tránh hao hụt, tổn thất.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Vĩnh Long:

Chôm chôm rải vụ giá cao

Vào thời điểm này, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long có khoảng 100 héc-ta chôm chôm đang cho thu hoạch với giá bán tương đối cao, nông dân phấn khởi. Chôm chôm thu hoạch vào thời điểm này được nông dân áp dụng kỹ thuật cho trái rải vụ. Nhiều nhà vườn cho biết, đây là thời điểm cuối vụ thuận đầu vụ nghịch, lượng chôm chôm còn lại trong vườn không nhiều nên giá bán khá cao. Chôm chôm Java giá 15.000 - 16.300 đồng/kg, chôm chôm Thái và chôm chôm đường 25.000 - 27.000 đồng/kg. Năm nay, chôm chôm rải vụ được mùa, mỗi công chôm chôm nhà vườn thu lời hơn 40 triệu đồng.

Giá bò hơi trong nước tăng 10 - 30%

Dịch tả heo châu Phi hoành hành tại 63 tỉnh thành khiến người tiêu dùng giảm sử dụng thịt heo, chuyển sang bò, gà. Do đó, giá bò hơi nhập khẩu và trong nước đồng loạt tăng cao. Tại các tỉnh Bến Tre, An Giang giá bò hơi đang ở mức 78.000 - 85.000 đồng một kg, tăng 10 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái (60.000 - 65.000 đồng). Đây cũng là mức giá cao nhất trong 5 năm qua. Thông thường với mức giá hơi 70.000 đồng/kg, mỗi con bò nông dân đã có lãi vài triệu đồng sau một năm nuôi. Dự báo giá còn tăng khi lượng tiêu thụ thịt bò cao. Nguyên nhân khiến giá bò hơi tăng là vì nguồn cung ít trong khi nhu cầu thay thế thịt heo tăng cao. Dù giá bò tăng cao nhưng các ngành chức năng cũng cảnh báo bà con nên tính toán kỹ khi tái đàn vì nếu nuôi ồ ạt nguy cơ giá sẽ giảm mạnh.

Giá thanh long ruột trắng tăng cao

Hiện nay, giá thanh long ruột trắng ở tỉnh Tiền Giang tăng đến hơn 15.000 đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với tuần trước. Với mức giá này, nhà vườn có lãi hơn 5.000 đồng/kg. Theo các doanh nghiệp kinh doanh trái thanh long, giá thanh long ruột trắng tăng cao là do nhu cầu xuất khẩu trái cây này hút hàng, nhất là thị trường Trung Quốc. Một số tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trái thanh long theo tiêu chuẩn VietGap đã xuất khẩu mạnh sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, EU… Trong khi giá thanh long ruột trắng tăng cao thì thanh long ruột đỏ lại “dậm chân tại chỗ”. Với mức giá khoảng 20.000 đồng/kg, người trồng cây thanh long ruột đỏ không có lãi.

Tỉnh Tiền Giang hiện có gần 8.000 héc-ta cây thanh long; trong đó huyện Chợ Gạo dẫn đầu diện tích cây ăn quả này. Ngoài trái thanh long ruột trắng, ruột đỏ, nông dân địa phương còn nhân rộng diện tích cây thanh long cho trái ruột vàng, ruột tím…

Bình Định:

Cau An Lão khó tiêu thụ

Các xã An Dũng, An Vinh, An Trung, An Hòa (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) là những địa bàn có diện tích cau trồng nhiều nhất. Mấy năm trước đây, giá cau tươi dao động 10.000 - 15.000 đồng/kg; đặc biệt năm 2018 giá cau tăng lên 22.000 - 25.000 đồng/kg. Thế nhưng, năm nay giá cau tươi giảm chỉ còn 2.000 - 4.000 đồng/kg. Với giá này, tiền bán cau thu về không đủ trả công thuê mướn người hái, bà con đành cứ để chín rụng. Thời cây cau có giá, thương lái địa phương vào tận nhà đặt tiền cọc để thu mua, rồi đua nhau mở lò sấy cau để xuất bán đi Trung Quốc. Ở xã An Hòa, An Tân, nhiều lò sấy cau có thể sơ chế vài tấn cau tươi/ngày. Nhưng giờ, nhiều lò sấy cau đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng.

Theo Phòng NN&PTNT huyện An Lão, năm 2018 cả huyện xuất bán khoảng 1.000 tấn cau, thu về hơn 7 tỷ đồng. Còn năm nay, cau tươi bán chẳng ai mua, nhưng người dân vẫn phải bỏ công, tiền của thuê người thu hoạch để dọn vườn, hy vọng mùa sau.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Đông Nam bộ:

Giá gà công nghiệp giảm mạnh

Tại khu vực Đông Nam bộ, hơn 2 tháng qua, giá gà xuống thấp, nhiều trang trại chăn nuôi đang tính chuyện “phơi chuồng” để giảm bớt thiệt hại.

Trước thời điểm tháng 5/2019, giá gà công nghiệp lông trắng còn giữ ở mức trên giá thành, từ tháng 6/2019 đến nay liên tục giảm, chỉ còn 12.000 - 13.000 đồng/kg, giá này chỉ bằng 50% giá thành sản xuất và thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Với mức giá này, người chăn nuôi lỗ nặng và phải tính đến chuyện “gác chuồng” trong nay mai. Không chỉ gà công nghiệp lông trắng, giá gà công nghiệp lông màu (gà Lương Phượng) cũng đang ở mức thấp, chỉ còn 31.000 - 32.000 đồng/kg, mức giá này thấp hơn giá thành chăn nuôi.

Khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng, để bình ổn thị trường, ngành nông nghiệp đã có chủ trương khuyến khích người chăn nuôi chuyển từ nuôi lợn sang nuôi gia cầm, thủy cầm, gia súc. Đây là nguyên nhân khiến tổng đàn gia cầm gia tăng đột biến trong những tháng đầu năm 2019. Như vậy, khi tổng đàn gia cầm tăng, lượng thịt lợn, gà nhập khẩu tăng trong khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường không tăng khiến cho giá gà công nghiệp ngày càng giảm sâu, người chăn nuôi gặp khó khăn kép.

Nhiều chủ trang trại chăn nuôi gà công nghiệp ở khu vực miền Đông Nam bộ cho rằng, thị trường thịt gà hiện nay cung đang vượt cầu, nhu cầu tiêu dùng đối với thịt gà thấp. Nếu nhà nước không có chính sách khuyến khích tiêu thụ thịt gà và hạn chế lượng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu thì khó khăn của ngành chăn nuôi sẽ còn tiếp diễn và khó tránh chuyện “phơi chuồng” để giảm thiểu rủi ro.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Phân biệt tôn Hoa Sen thật - giả

Hiện nay, trên thị trường có một số cơ sở kinh doanh bán mặt hàng tôn giả, tôn nhái thương hiệu tôn Hoa Sen bằng cách nhập tôn không rõ nguồn gốc, tôn kém chất lượng, sau đó sử dụng máy in giả thương hiệu tôn Hoa Sen và bán cho bà con.

Nhằm bảo vệ quyền lợi của bà con, đồng thời cung cấp thêm thông tin để giúp phân biệt giữa sản phẩm tôn Hoa Sen chính hiệu và các sản phẩm tôn giả tôn nhái, Tập đoàn Hoa Sen lưu ý khách hàng 3 vấn đề sau:

Thứ nhất: Khi mua sản phẩm tôn Hoa Sen, bà con nên quan sát kỹ dòng in trên bề mặt của sản phẩm. Nếu là tôn Hoa Sen chính hãng, dòng in thể hiện rất rõ ràng và cụ thể các thông tin về sản phẩm và thông số về tiêu chuẩn chất lượng, VD: Số mét - tôn Hoa Sen - thương hiệu quốc gia - tên sản phẩm - độ mạ - độ dày - ISO - mã số cuộn - ngày giờ sản xuất… Còn hàng giả, hàng nhái, dòng in trên bề mặt tôn sẽ không rõ ràng và đầy đủ thông tin như trên hoặc dòng in mờ, bị tẩy xóa.

Thứ hai: Để kiểm tra độ dày của tôn, bà con có thể dùng thiết bị đo chuyên dụng palmer hoặc sử dụng phương pháp cân tấm tôn. Sau đó, bà con so sánh với các thông số về tiêu chuẩn chất lượng in trên tấm tôn chính hãng. 

Thứ ba: Cách tốt nhất để khách hàng có thể tự bảo vệ mình đó là khi mua tôn tại bất kỳ cơ sở kinh doanh nào, khách hàng nên yêu cầu cơ sở đó xuất hóa đơn giá trị gia tăng, trên hóa đơn phải ghi đầy đủ tên sản phẩm và độ dày. 

Trong trường hợp khách hàng mua nhầm phải tôn giả, tôn nhái thì hóa đơn giá trị gia tăng chính là cơ sở để khách hàng có thể khiếu nại và để các cơ quan chức năng có bằng chứng xử lý vi phạm.

HÀNG VIỆT

Bình Thuận:

Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi

Bình Thuận là một trong những địa phương triển khai hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đặc biệt, tỉnh rất chú trọng các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Tổ chức các phiên chợ hàng Việt

Trong 10 năm qua, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với các địa phương tổ chức 37 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn về các huyện miền núi, hải đảo như: đảo Phú Quý, huyện Đức Linh, huyện Bắc Bình… Hơn 700 lượt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tham gia chương trình với các hoạt động phong phú, thu hút được người dân địa phương và các vùng lân cận tham quan, mua sắm. Tổng doanh số bán hàng trong các chương trình đạt hơn 20 tỷ đồng. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh Bình Thuận là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện hiệu quả chương trình này.

Ngoài chức năng đầu tư ứng trước giống, vật tư và bao tiêu sản phẩm nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, trung tâm còn tổ chức bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ bà con thông qua 11 cửa hàng và 3 đại lý trực tiếp đóng chân tại 11 xã vùng cao, xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số. Tại các điểm bán hàng, giá cả được niêm yết công khai, hàng hóa chủ yếu là hàng Việt Nam có thương hiệu, chất lượng, đảm bảo thời hạn sử dụng và an toàn vệ sinh thực phẩm…

Nhiều năm qua, Trung tâm Dịch vụ miền núi luôn tập trung thực hiện hiệu quả chính sách đầu tư ứng trước tại 11 xã thuần và các thôn dân tộc thiểu số xen ghép trên địa bàn tỉnh. Theo đó các loại vật tư, hàng hóa như bắp giống, lúa giống, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật các loại (chủ yếu do doanh nghiệp trong nước sản xuất)… đều được cung ứng kịp thời. Đơn vị này cho biết với số lượng vật tư, hàng hóa có giá trị hơn 15 tỷ đồng/năm đã đáp ứng được nhu cầu, phục vụ đầu tư sản xuất nông nghiệp của đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Cùng với đó là tổ chức thu mua tiêu thụ bắp lai thương phẩm, mủ cao su cho bà con với số lượng trị giá hàng chục tỷ đồng, góp phần đưa tổng doanh thu hàng năm của đơn vị lên hơn 50 tỷ đồng.

Xây dựng kế hoạch bình ổn giá

Vào những dịp lễ tết như: Tết Đầu lúa, Tết Nguyên đán, Trung tâm Dịch vụ miền núi đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai mua sắm các mặt hàng thiết yếu để tham gia bình ổn giá. Chủ yếu là các mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, đường, sữa, muối iốt, dầu ăn, mì tôm, bột ngọt, bánh kẹo… cung ứng xuống các cửa hàng, đại lý bán phục vụ nhu cầu tiêu dùng của đồng bào nơi đây. Bên cạnh điểm bán hàng cố định tại hệ thống các cửa hàng, đại lý nằm ngay trung tâm xã và các thôn dân tộc thiểu số xen ghép, đơn vị cũng đã thực hiện sớm việc bán hàng lưu động phục vụ Tết Đầu lúa cho đồng bào 4 xã vùng cao của huyện Bắc Bình từ giữa tháng Chạp. Tiếp đó tập trung tổ chức các đợt bán hàng lưu động phục vụ Tết Nguyên đán ở các xã thuần vùng cao và các thôn dân tộc thiểu số xen ghép, thời gian triển khai từ ngày 20 tết hàng năm…

Hoạt động đưa hàng Việt về vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Trung tâm Dịch vụ miền núi quan tâm đến chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chủ yếu do doanh nghiệp trong nước sản xuất theo tinh thần cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Vì vậy, hàng hóa có giá bán bằng hoặc thấp hơn giá thị trường tại cùng thời điểm, riêng các mặt hàng bình ổn giá như gạo, dầu ăn, bột ngọt, đường… luôn đảm bảo đủ số lượng cung ứng theo nhu cầu với tổng giá trị trung bình hàng năm khoảng gần 2 tỷ đồng.

Thông qua các hoạt động của Trung tâm Dịch vụ miền núi, đến nay vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã dần chuyển biến về nhận thức và thói quen sử dụng, lựa chọn hàng Việt Nam. Đồng bào nơi đây cũng ngày càng tin tưởng vào chất lượng hàng hóa được sản xuất bởi các doanh nghiệp trong nước với giá cả ổn định, đáp ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu nhất là vào dịp lễ, tết…

Ngoài cung ứng hàng hóa xuống từng đại lý, Trung tâm còn tạm ứng tiền mặt (từ 30 - 50 triệu đồng) để các cửa hàng, đại lý chủ động mua bán các sản phẩm khác phục vụ bà con như: Các mặt hàng tươi sống, quần áo, mỹ phẩm… góp phần phong phú mặt hàng gắn với bình ổn thị trường tại các địa phương.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)