Thông tin giá cả thị trường số 39/2017

09:41 AM 10/10/2017 |   Lượt xem: 3748 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Mù Cang Chải (Yên Bái): Sơn tra mất mùa, được giá

Do thời tiết diễn biến bất lợi vào đúng dịp cây sơn tra (táo mèo) ở Mù Cang Chải đang ra hoa nên năm nay, sản lượng sơn tra của huyện vùng cao này ước chỉ bằng 50% so với năm 2016. Do sản lượng giảm nên giá bán sơn tra đầu vụ ổn định ở mức cao.

Nhộn nhịp vào mùa

Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10, đến với huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái có thể bắt gặp cảnh mua bán sơn tra ở khá nhiều nơi. Từ ngã ba Kim đầu huyện đến trung tâm huyện, rồi trung tâm các xã có trồng nhiều táo mèo như: Nậm Khắt, Nậm Có, Lao Chải… người mua, kẻ bán sơn tra nhộn nhịp.

Từ các bản trên núi cao, những bao tải sơn tra được đồng bào Mông chất sau xe máy, chở xuống huyện bán. Những bao sơn tra căng ních với những trái sơn tra mới bắt đầu ngả sang màu vàng, mùi thơm nồng được những thương lái tiếp cận và ngã giá ngay khi xuống đến trung tâm huyện.

Theo anh Sùng A Sáu xuống từ xã Nậm Khắt: “Năm nay, sơn tra đậu quả ít lắm. Vừa vào mùa thu hoạch nhưng những cây ở vị trí dễ hái đều đã hái hết quả, giờ chỉ còn diện tích sơn tra ở trên cao và ở xa là chưa thu hái vì bà con vẫn đang đợi xem giá cuối vụ có tăng không”.

Hiện sơn tra bán xô tại vườn là 20.000 đồng/kg; loại chọn, quả to, ngon giá 35.000 - 40.000 đồng/kg. Ngoài một số hộ không có phương tiện vận chuyển nên bán sơn tra tại vườn, còn lại đa số đồng bào Mông ở Mù Cang Chải đều chở sơn tra xuống huyện bán, vừa để được thêm vài nghìn đồng/kg, vừa tranh thủ đi chơi, mua sắm ở trung tâm huyện.

Sơn tra sau khi được các thương lái thu gom, nhanh chóng được vận chuyển theo xe khách, xe tải đi các tỉnh. Theo một hộ kinh doanh sơn tra đã nhiều năm ở Trung tâm huyện Mù Cang Chải, sơn tra có đúng vào dịp lúa chín, nên số lượng bán cho du khách có ngày lên tới vài chục tạ, giá bán cũng có cao hơn so với bán buôn vài nghìn đồng/kg.

Do sơn tra ở Mù Cang Chải năm nay mất mùa nên nhiều người dân ở xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) – địa phương giáp với huyện Mù Cang Chải – tranh thủ vận chuyển sơn tra từ Sơn La sang Mù Cang Chải bán. Tại đây, sơn tra tiêu thụ tốt, giá lại cao hơn so với bán ở Sơn La.

Đã có nhãn hiệu chứng nhận “Sơn tra Mù Cang Chải” 

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Mù Cang Chải, hiện toàn huyện Mù Cang Chải có 13 xã trồng sơn tra với diện tích khoảng 2.442 héc-ta, tập trung nhiều ở các huyện như: Nậm Có, Lao Chải, Nậm Khắt. Trong đó có 1.600 héc-ta đang cho thu hoạch, sản lượng khoảng 1.700 tấn/vụ.

Năm 2016, sơn tra được mùa, giá bán trung bình là 15.000 đồng/kg, năm nay, do sản lượng sơn tra giảm mạnh (chỉ còn xấp xỉ 1.000 tấn) nên giá bán trung bình đạt 25.000 đồng/kg. Nhiều hộ trồng sơn tra ở Mù Cang Chải đang hy vọng, giá sơn tra sẽ giữ ổn định hoặc tiếp tục tăng để bù đắp được khoản thu nhập bị hụt do sản lượng giảm mạnh.

Thực tế, cây sơn tra không mất quá nhiều công chăm sóc và không tốn tiền mua phân bón. Vì vậy, đây được xem là loại cây giảm nghèo cho nhiều hộ đồng bào Mông ở Mù Cang Chải. Hộ nào có vài ba héc-ta sơn tra, mỗi năm cũng có một khoản kha khá để trang trải sinh hoạt.

Với mục tiêu xây dựng sản phẩm sơn tra Mù Cang Chải trở thành thương hiệu có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, chế biến và kinh doanh sơn tra, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn huyện vùng cao Mù Cang Chải… UBND tỉnh Yên Bái đã phê duyệt Dự án “Xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận “Sơn tra Mù Cang Chải” cho sản phẩm sơn tra của huyện Mù Cang Chải.

Hy vọng với nhãn hiệu chứng nhận “Sơn tra Mù Cang Chải”, sản phẩm sơn tra của Mù Cang Chải sẽ được tạo điều kiện phát triển để đảm bảo ổn định về chất lượng, chính xác về nguồn gốc và được pháp luật bảo vệ.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Nghệ An: Thương lái thu mua lá quế

Thời gian gần đây, trên địa bàn Quế Phong, tỉnh Nghệ An, thương lái không chỉ thu mua thân, vỏ cây quế mà thu mua cả lá quế. Mặc dù người trồng quế có thêm thu nhập nhưng cũng không tránh khỏi lo lắng bởi khi hái lá của cây quế quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Quế Phong là huyện trồng quế lớn nhất tỉnh Nghệ An hiện nay. Cả huyện Quế Phong hiện có hơn 30 héc-ta quế phân bổ rải rác ở một số xã như: Châu Kim, Quế Sơn, Hạnh Dịch, Thông Thụ, Đồng Văn...

Lâu nay, người trồng quế ở Quế Phong đang bán cây quế theo hai hình thức. Đó là người trồng quế tự thu hoạch rồi bán vỏ, bán gỗ, hoặc là bán theo từng lô cho các thương lái, sau đó họ tự thuê người vào thu hoạch. Cả hai hình thức trên đều chỉ định giá của cây quế theo số lượng vỏ cây và thân cây. Trung bình, mỗi héc-ta quế, người trồng quế thu lãi chừng 40 đến 70 triệu đồng/10 năm. Tuy nhiên, trong mấy tháng gần đây, người thu mua quế không chỉ mua thân, vỏ mà còn thu mua cả lá của cây quế. Hiện giá lá quế khô đang được thu mua trên địa bàn huyện Quế Phong là 4.500 đồng/kg. Có nhiều gia đình cũng đã có thêm thu nhập từ việc bán loài lá này.

Mặc dù vậy, việc thu mua ồ ạt lá của cây quế cũng đang gây lo ngại cho người trồng quế ở Quế Phong. Khi thu mua lá của cây quế quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của loại cây này, bởi lâu nay người trồng quế không bón phân mà chỉ để cây tự phát triển. Đặc biệt, lá khô của cây quế rụng xuống không chỉ giữ độ ẩm cho những cây quế mà còn cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây phát triển. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp huyện đã cảnh báo người dân và yêu cầu địa phương kiểm soát chặt chẽ. Nếu có hiện tượng thu mua ồ ạt cần triển khai ngay các chính sách hợp lý để người trồng quế được đảm bảo lợi ích tốt nhất.

Hiện huyện Quế Phong cũng đang triển khai đề án bảo tồn và phát triển giống quế địa phương (quế Quỳ) ở một số xã trên địa bàn. Trước đó, huyện đã phát động phong trào trồng và bảo vệ nguồn cây dược liệu bản địa tại xã Hạnh Dịch. Để phát huy đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen của các loại động thực vật quý hiếm, cây quế Quỳ của huyện Quế Phong được chọn để bảo tồn và phát triển. Ngay sau lễ phát động, huyện Quế Phong và Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã nhân giống và cấp phát 120.000 cây quế cho nhân dân các xã: Hạnh Dịch, Đồng Văn, Thông Thụ, Tiền Phong và Châu Kim để trồng. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con và kiểm tra, giám sát thường xuyên để đạt tỷ lệ cây trồng sống cao.

Cau khô tiêu thụ mạnh

Nhiều tháng qua, thương lái tìm đến nhà vườn ở Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ… thu mua cau non tươi với giá 9.000 - 10.000 đồng/kg (tính cả nhánh) về sấy khô xuất sang Trung Quốc với giá từ 100.000 – 130.000 đồng/kg (tùy loại). Nhiều nông dân sau khi làm xong việc đồng áng cũng đi thu mua cau non về bán lại kiếm lời.

Trung bình mỗi ngày, các cơ sở sấy cau khô ở xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng thu mua từ 3 - 5 tấn cau non các loại như cau kiểng, cau ớt, cau hòn, cau vú bò… về sấy khô. Đây là mặt hàng đang được các thương lái Trung Quốc đặt mua nhiều thay cho mặt hàng cau tươi trước đây.

Do nhu cầu tăng nên giá cau non được các  thương lái thu mua tại vườn trong tuần qua cũng tăng lên 12.000 đồng/kg.  Sau khi nhập cau non về, nhiều đại lý đóng luôn vào bao xuất ra các đại lý ở phía Bắc với giá 20.000 đồng/kg để xuất sang Trung Quốc. Mùa thu mua cau non bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 12.

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

Đồng Tháp: Giá cá lóc tăng mạnh

Trên địa bàn huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, giá cá lóc đang có xu hướng tăng mạnh. Trước tình hình đó, nhiều hộ nuôi cá lóc ồ ạt xuất bán cho thương lái, thu hàng trăm triệu đồng lợi nhuận. Hiện nay, cá lóc được thương lái thu mua với giá từ 33.000 - 34.000 đồng/kg. Với giá bán này người nuôi cá thu lợi nhuận từ 3.000 - 4.000 đồng/kg cá lóc.

Mặt dù giá cá lóc đã tăng mạnh nhưng đến thời điểm này nhiều hộ nuôi vẫn không dám tái đầu tư thả nuôi lại bởi giá cá lóc luôn biến động. Đó là thời điểm cách đây hai tháng, giá cá lóc chỉ đạt 28.000 đồng/kg khiến hầu hết các hộ nuôi thua lỗ nên bà con rất dè chừng.

Đắk Lắk: Sầu riêng cuối vụ tăng giá

Hiện nay, ở Đắk Lắk, sầu riêng đang bước vào cuối vụ thu hoạch nên giá thu mua tăng cao nhất từ trước đến nay. Theo khảo sát, giá sầu riêng với giống DONA cơm vàng hạt lép có giá từ 70.000 - 75.000 đồng/kg, sầu riêng giống Ri6 có giá từ 65.000 - 70.000 đồng/kg, tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg so với tháng trước và tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Các giống sầu riêng thường cũng đều tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Đây cũng là năm sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua cao nhất so với từ trước đến nay.

Đến mùa thu hoạch sầu riêng, thương lái đến tận vườn đặt mua, tự tổ chức thu hái, vận chuyển, chủ vườn chỉ giám sát cân, thu tiền… Nhiều nhà vườn có sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê chín muộn bán được giá cao. Mặt khác, trồng sầu riêng xen trong vườn cà phê không những làm cây che bóng mát, chắn gió, cải tạo môi trường sinh thái mà còn cho thu nhập rất cao trên đơn vị diện tích so với trồng thuần cây cà phê, sầu riêng.

Theo thống kê, tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 4.000 héc-ta sầu riêng, tập trung tại các huyện Krông Pắk, Krông Năng, Krông Búk, Cư M’gar, Cư Kuin và thành phố Buôn Ma Thuột.

Cơ sở chế biến, thu mua thua lỗ vì trữ tiêu

Ngay tuần đầu tháng 10/2017, giá tiêu trên thị trường đã giảm chỉ còn trên dưới 80.000 đồng/kg. Nhiều vựa thu mua, cơ sở chế biến thua lỗ vì trữ tiêu. Chủ một đại lý thu mua và chế biến tiêu sọ cho biết, cơ sở của bà đang lỗ nặng do đầu mùa mạnh tay thu mua tiêu trữ chờ giá tăng. Hiện trong kho vẫn còn tồn vài chục tấn tiêu đen, tiêu sọ. Không chỉ gia đình bà mà nhiều cơ sở thu mua tiêu trong vùng cũng đang lo lắng khi giá tiêu giảm mạnh. Đây cũng là tình cảnh chung tại nhiều vùng trồng tiêu ở miền Đông Nam bộ.

Trong khi đó, các hoạt động xuất khẩu của hợp tác xã đang gặp không ít khó khăn vì gom không đủ tiêu cung cấp cho các đơn hàng xuất khẩu. Tính đến nay, sản lượng tiêu đơn vị thu mua chỉ bằng nửa mọi năm. Ước lượng tiêu còn tồn trong dân phải chiếm 70% trên tổng sản lượng thu hoạch vụ vừa qua.

Thực tế cho thấy, tiêu có lợi thế hơn hẳn nhiều mặt hàng nông sản khác là có thể trữ lại hàng năm trời mà không lo giảm chất lượng nếu bảo quản tốt. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều nông dân, các vựa thu mua, đại lý thu mua chọn giải pháp trữ hàng khi giá giảm.

Hậu Giang: Cam giảm giá

Tại tỉnh Hậu Giang, giá cam đang giảm hơn một nửa so với đầu mùa chỉ còn từ 8.000 - 15.000 đồng/kg. Cụ thể, giá cam xô chỉ còn từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, cam chọn loại 1 giá 12.000 - 15.000 đồng/kg. So với đầu mùa giá cam từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, cam chọn có giá từ 35.000 - 45.000 đồng/kg thì hiện nay chỉ còn chưa đầy một nửa. Với giá này, nhiều nhà vườn rơi vào tình trạng khó khăn bởi vốn đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây cam là rất lớn.

Nhiều thương lái trong vùng cho biết, cam mùa này rẻ do hiện nay tại các tỉnh miền Nam đang là mùa mưa khiến các cây có múi bị nhiều bệnh như nấm hồng, loét quả, thân, đốm quả… khiến chất lượng cam không ngon như đầu vụ. Ngoài ra, nhu cầu giải khát cũng giảm nhiều kéo theo giá cam giảm mạnh.

LƯU Ý - CẢNH BÁO

Nghệ An: Nguy cơ mất mùa nghệ

Khoảng 3 năm trở lại đây, cây nghệ vàng trở thành cây chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế của bà con xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, hiện nay, người trồng nghệ đang rất lo lắng khi cây nghệ xuất hiện bệnh vàng lá, thối rễ. Biểu hiện ban đầu là héo ngọn lá, sau đó lan nhanh xuống cả thân khiến cây nghệ héo úa, củ nghệ đào lên bị thối. Một số hộ đã sử dụng thuốc nấm để phun nhưng không hiệu quả. Từ một đám nghệ bị vàng lá, chỉ trong vòng vài tuần đã lan sang 1/2 diện tích.

Hiện toàn xã Quỳnh Vinh có hơn 200 héc-ta nghệ, được trồng ở đất bãi ngoài đồng và trên núi. Đến thời điểm này, nhiều héc-ta nghệ của bà con đã bị vàng lá, thối củ, có hộ gần như mất trắng. Trong đó, phần lớn những cây nghệ trồng ngoài đồng bị nhiễm bệnh. Theo quan sát, cánh đồng không hề bị ngập nước, bà con vẫn bón phân và chăm sóc như các vụ trước.

Hiện nay, Ủy ban Nhân dân xã Quỳnh Vinh đã phối hợp với Trạm bảo vệ thực vật thị xã lấy mẫu lá, củ đi xét nghiệm. Tuy nhiên vẫn chưa thể tìm ra chính xác bệnh trên cây nghệ. Bà con cũng đã được cung cấp một số loại thuốc chống vàng lá được sử dụng cho các loại cây trồng khác để phun nhưng không đạt kết quả.

Nếu không sớm tìm ra được nguyên nhân để khắc phục tình trạng này, chắc chắn năm nay, năng suất, sản lượng cây nghệ ở xã Quỳnh Vinh sẽ giảm, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của bà con nông dân.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Chi cục QLTT Quảng Nam: Xử lý 101 vụ vi phạm

Trong tháng 8/2017, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Nam đã phát hiện, xử lý 183 vụ việc vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 3,356 tỷ đồng; trong đó, riêng Chi cục Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 101 vụ.

Ngoài ra, lực lượng chức năng đã triển khai tổ chức cho 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không kinh doanh hàng hóa kém phẩm chất, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 Quảng Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tích cực tuyên truyền để người dân hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đặc biệt, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp lưu thông hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được chú trọng.

Tuy nhiên, hiện nay do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chồng chéo, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý của các ngành, đơn vị. Trong khi đó, thị trường ngày càng diễn biến khó lường, công tác kiểm tra, kiểm soát rất khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị.

HÀNG VIỆT

Bắc Kạn: Tích cực đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa

Nhằm mang hàng hóa Việt đến với người tiêu dùng khu vực nông thôn, miền núi, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức 6 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, 9 hội chợ hàng Việt tại các huyện, trong đó ưu tiên khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa… Các sự kiện đã mang lại hiệu quả cao trong việc đưa hàng Việt về sâu với người dân vùng khó khăn.

Tổ chức các phiên chợ tại các huyện khó khăn

Là địa phương khu vực miền núi, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, thời gian qua, đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động trọng tâm trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn, trong 6 tháng đầu năm nay, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch khảo sát địa điểm để tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt về nông thôn thuộc Đề án Xúc tiến thương mại quốc gia và 2 phiên chợ thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức 9 hội chợ tại các huyện thuộc khu vực khó khăn. Để đảm bảo bà con được sử dụng hàng Việt Nam chính hãng, Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đã chủ động hướng dẫn doanh nghiệp làm cam kết về tỷ lệ hàng hóa là hàng Việt Nam tại hội chợ, phiên chợ này ít nhất là 80%, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Sau 8 năm triển khai CVĐ, các phiên chợ này đã và đang dần trở nên quen thuộc và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng lớn của đông đảo bà con. Sở Công Thương Bắc Kạn đánh giá, nếu như trước đây, bà con chỉ quan tâm đến mẫu mã, tác dụng và giá của các mặt hàng hóa mà ít để ý đến xuất xứ thì nay, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự tuyên truyền, vận động của các cấp, ngành chức năng nên khi mua bất cứ loại hàng hóa nào, bên cạnh những yếu tố kể trên, bà con đã quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, có sự ưu tiên trong lựa chọn sản phẩm cùng loại do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Doanh thu mỗi phiên chợ từ chỗ chưa đáng kể, đến nay đã lên đến con số hàng tỷ đồng. Đây là mức doanh thu lớn đối với một địa phương còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn.

Doanh nghiệp cùng vào cuộc

Không chỉ nhận được sự hưởng ứng của bà con, các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, hội chợ hàng Việt còn là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) giới thiệu hàng hóa. Nhờ sự lan tỏa của CVĐ, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hàng Việt Nam nên nhiều DN cũng tích cực hưởng ứng chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.

Sự chuyển biến từ thực hiện CVĐ dễ nhận thấy nhất là nếu như những năm trước, phần lớn hàng hóa tại các chợ, các cửa hàng kinh doanh hay thậm chí là tại các trung tâm thương mại, các mặt hàng thời trang, giày dép... có xuất xứ Trung Quốc hoặc không có nguồn gốc rõ ràng, thì nay phần lớn là do các DN trong nước sản xuất. Điều này xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng đã tin dùng hàng hóa do các DN trong nước sản xuất, bởi không những chất lượng bảo đảm, mẫu mã ngày càng đa dạng mà giá cả cũng khá phù hợp.

Hỗ trợ thêm cho DN có điều kiện sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa chính hãng, Ban Chỉ đạo CVĐ của tỉnh đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền phối hợp triển khai nhiều hình thức hỗ trợ DN phù hợp với thực tế địa phương như hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng; tạo điều kiện cho các DN, cơ sở kinh doanh mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa; tăng cường công tác quản lý thị trường…

Đặc biệt, đầu năm 2017, tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ, Sở Công Thương Bắc Kạn đã xây dựng Điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” thứ hai tại cửa hàng bách hóa Hạ Thị Huệ thuộc phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, nâng tổng số lên 3 Điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Trong 2 điểm bán này, có 1 điểm thuộc huyện Chợ Đồn, giúp đưa hàng hóa đến với bà con nhanh chóng, hiệu quả hơn, lan rộng những tác động tích cực mà hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn triển khai trong những năm vừa qua.

Không chỉ ở khu vực trung tâm mà tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, không ít sản phẩm được đưa thành công vào hệ thống phân phối như nước mắm, xì dầu, tương ớt của Trung Thành; mỳ tôm, phở của Vina Acecook; bia Hà Nội…

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)