Thông tin giá cả thị trường số 38/2019

10:40 AM 25/09/2019 |   Lượt xem: 3821 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Chủ động phòng cà phê rụng quả trong mùa mưa

Mùa mưa là thời điểm cây cà phê phát triển mạnh, xanh tốt. Song đây cũng là lúc cây rất dễ xảy ra tình trạng rụng quả non sinh lý hoặc do sâu bệnh hại. Vì vậy, cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo nông dân cần áp dụng đồng bộ các giải pháp phòng trừ bệnh rụng quả trên cây cà phê để đảm bảo năng suất.

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 70 héc-ta cà phê có hiện tượng rụng quả, phân bố tại các huyện: Đắk Đoa, Ia Grai… Trong đó, một số diện tích cà phê bị rụng quả theo quy luật tự nhiên. Ở giai đoạn quả cà phê bắt đầu hình thành nhân và tăng mạnh về thể tích, chùm quả bị chèn ép khiến những quả nhỏ, thiếu dinh dưỡng bị thải loại. Một nguyên nhân khác khiến cà phê rụng quả là do người dân bón phân không cân đối, bón nhiều đạm, thiếu trung và vi lượng hoặc do thời tiết mưa kéo dài làm cho cây không hút được dinh dưỡng. Ngoài ra, hiện tượng rụng quả còn do sâu bệnh gây ra ở các vườn mà quá trình vệ sinh, cắt cành tạo tán không được thông thoáng, thiếu ánh sáng, độ ẩm cục bộ cao tạo điều kiện cho nấm thán thư gây hại, hoặc vườn bị rệp sáp, rệp vảy gây hại nặng, vườn bị mọt đục quả.

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, trong tháng 9 này, lượng mưa trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên sẽ cao hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm 10 - 30%, độ ẩm không khí cao. Do đó, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân tiếp tục tập trung chăm sóc và triển khai các biện pháp phòng trừ bệnh cho cây cà phê.  Đặc biệt, các cơ quan liên quan như các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cơ quan chuyên môn cần tăng cường công tác điều tra, dự báo, xác định đúng nguyên nhân để đưa ra giải pháp phòng trừ phù hợp đối với bệnh rụng quả trên cây cà phê. Đối với những vườn rụng quả do thiếu dinh dưỡng, mất cân bằng dinh dưỡng, người trồng cần căn cứ vào định mức phân bón cho cây cà phê của tỉnh làm cơ sở để vận dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế; bón phân kịp thời, đầy đủ, cân đối hàm lượng N-P-K, không nên bón quá nhiều đạm, bổ sung thêm các loại phân trung, vi lượng để cây phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh, hạn chế rụng quả. Đối với những vườn rụng quả do nấm Collectotrichum coffeanum cần xử lý sớm bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Hexaconazole, Azoxystrobin + Difenoconazole, , Metalaxyl + Mancozeb, Mandipropamid + Chlorothalonil... hoặc có thể sử dụng các loại thuốc: Ridomil Gold 68WP, Revus Opti 440EC, Amista Top 325EC. Các cơ quan chuyên môn cũng đưa ra một số biện pháp chăm sóc vườn cà phê trong mùa mưa như sau:

Rong tỉa cây che bóng kịp thời: Ở các vườn cà phê kiến thiết cơ bản cần rong tỉa cây che bóng tạm thời là cây muồng hoa vàng trồng giữa 2 hàng cà phê. Chặt thấp cây muồng hoa vàng ở độ cao 50 - 70cm để cây muồng tái sinh tốt. Trong một mùa mưa, cần rong tỉa hàng muồng hoa vàng này 2 - 3 lần để cà phê không bị cạnh tranh ánh sáng. Cành lá muồng hoa vàng đem tủ vào gốc cây cà phê.

Ở các vườn cà phê kinh doanh có trồng cây che bóng như keo dậu, muồng đen, cần rong tỉa cây bóng kịp thời ngay vào đầu mùa mưa để tăng cường ánh sáng cho vườn cây, giúp cành lá cà phê phát sinh vào đầu mùa mưa được khỏe mạnh, không bị yếu, nhớt. Trong mùa mưa, bà con rong tỉa từ 2 – 3 lần tùy theo tốc độ ra lá cành của cây che bóng, tránh không cho vườn cà phê bị cớm, rợp. Đợt rong tỉa cuối cùng trước khi chấm dứt mưa 1 tháng.

Đánh chồi vượt cho cây cà phê: Chồi vượt phát triển rất nhanh trong mùa mưa, do vậy cần đánh chồi vượt kịp thời. Trung bình 1 tháng đánh chồi vượt 1 lần. Khi đánh chồi vượt bà con chú ý vặt các cành tăm, cành nhớt mọc quá nhiều ở cùng một vị trí đốt cành. Ở mỗi vị trí đốt cành chỉ nên để lại không quá 3 cành dự trữ được phát sinh. Chú ý vặt các cành thứ cấp mọc dày trên đỉnh tán tạo điều kiện để ánh sáng lọt vào bộ tán cà phê.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Gia Lai: Mất mùa bí đỏ

Hiện nay, mặc dù giá bí đỏ cao hơn các năm trước, nhưng do năng suất giảm đến 50% nên nhiều nông dân ở huyện Chư Pưh, Gia Lai vẫn lỗ nặng.

Chư Pưh là một trong những huyện có diện tích bí đỏ lớn của tỉnh, tập trung chủ yếu ở các xã: Ia Phang, Ia Le, Ia Blứ… Trong đó, Ia Phang là xã có diện tích bí đỏ lớn nhất. Những ngày này, người dân xã Ia Phang đang huy động nhân công thu hái bí đỏ rồi chở đến bán cho các đại lý trên địa bàn. Tuy nhiên, vụ bí năm nay, người trồng và người thu mua đều buồn vì mất mùa. Nguyên nhân do nắng hạn nên bí ra ít quả, lại nhỏ. Theo thống kê của UBND xã Ia Phang, năm nay, toàn xã có khoảng 250 héc-ta bí đỏ, sản lượng thu chỉ tầm 50% so với những năm trước. Mặc dù đang chính vụ thu hoạch bí đỏ nhưng nhiều hộ không muốn thu hoạch. Theo phản ánh của người dân thì bí không ra quả là do vừa rồi hạn dài ngày và cũng có một số người trồng phải giống không đảm bảo chất lượng.

Giá bí quá thấp khiến người trồng bí thua lỗ, thậm chí bán không được nên nhiều gia đình có rẫy gần thì thu hoạch bán gỡ gạc lại ít vốn, còn những nhà rẫy xa, khó đi đành bỏ thối trên rẫy vì tiền bán bí không đủ tiền chi phí thu hoạch. Nhiều hộ thậm chí không màng đến chuyện thu hoạch vì tiền bán bí không đủ tiền thuê nhân công và xe chở.

Chủ một đại lý thu mua bí đỏ ở thôn Hòa Lộc cho biết, đầu vụ, giá bí đỏ khoảng 10.000 đồng/kg đối với bí loại đẹp. Đến nay, giá bí rớt xuống còn 6.000 đồng/kg. Dù giá vẫn cao hơn những vụ trước nhưng ít hàng. Từ đầu vụ đến giờ, các đại lý mới chỉ thu mua được bằng 30% năm ngoái.

Những năm trước, toàn huyện Chư Pưh có khoảng 700 héc-ta bí đỏ. Năm nay, diện tích giảm một nửa. Dù giá bí khá cao nhưng người dân vẫn thua lỗ. Nguyên nhân là do đợt nắng hạn xảy ra trên địa bàn huyện vào tháng 7/2019 khiến cây không đậu quả.

Đắk Nông: Sầu riêng giảm giá

Sau một vài vụ tăng giá liên tục, hiện nay, giá sầu riêng chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Tuy giá bán giảm nhưng người dân vẫn tăng diện tích sầu riêng.

Theo các nhà vườn, thời điểm sầu riêng có giá bán thấp nhất là khi nông dân vào thu hoạch chính vụ. Giá bán thấp đã đành, càng vào địa bàn các xã xa trung tâm, sầu riêng càng khó bán vì thương lái không thường xuyên đến mua. Đặc biệt, tại một số xã ở Đắk Glong, Đắk Song, nhiều thương lái dù đã đặt cọc khoảng 50% số tiền để “bao vườn” sầu riêng, nhưng cũng bỏ vườn, không đến thu hoạch. Với giá sầu riêng năm nay, những người đi mua theo kiểu “bao vườn” đều phải chịu lỗ. Nếu đặt cọc trước 50% cũng bỏ vườn vì không bù được chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Năm nay, giá sầu riêng liên tục giảm vào nửa cuối mùa trồng, không ít hộ nông dân vì trót đầu tư nên cũng phải xuống giống. Trong đó, đáng chú ý là diện tích trồng xen canh trong vườn cà phê, hồ tiêu nên khó có thể thống kê chính xác được. Do việc phát triển diện tích mang tính tự phát, chạy theo lợi nhuận, dẫn đến cung vượt cầu nên nguy cơ người trồng sầu riêng gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ có thể xảy ra.

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, diện tích trồng sầu riêng trên toàn tỉnh những năm vừa qua tăng lên rất nhanh. Năm 2017, diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh là hơn 1.200 héc-ta. Đến năm 2018, toàn tỉnh có trên 2.000 héc-ta sầu riêng, sản lượng đạt trên 8.300 tấn. Còn năm nay, do dư âm của cơn sốt giá của trước đó, nên diện tích trồng mới đã tăng thêm khoảng 300 héc-ta. Do đó, nếu trường hợp giá sầu riêng có phục hồi nhưng với diện tích sầu riêng tăng ồ ạt như hiện nay thì nguy cơ tiềm ẩn rủi ro rất cao.

Trước thực tế thị trường sầu riêng không ổn định, bà con nông dân cần thận trọng khi mở rộng diện tích để tránh gặp bất lợi về đầu ra trong tương lai.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Bạc Liêu: Hàu bán chạy

Hiện nay, người dân sống dọc tuyến ven biển trên địa bàn huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu bước vào vụ thu hoạch hàu nuôi lồng. Hàu thịt được thương lái thu mua tại chỗ với giá từ 18.000 - 25.000 đồng/kg.

Huyện Hòa Bình có hơn 1.200 lồng hàu nuôi trên sông với tổng diện tích mặt nước gần 10 héc-ta. Tập trung chủ yếu ở hai xã ven biển là Vĩnh Hậu và Vĩnh Hậu A. Nuôi hàu cho lợi nhuận cao vì nguồn thức ăn có sẵn trong thiên nhiên. Người nuôi chỉ cần đầu tư con giống (25.000 đồng/kg) và đóng lồng thả xuống sông, sau 8 tháng nuôi thì bắt đầu thu hoạch. Từ nuôi hàu, nhiều hộ lãi hơn 100 triệu đồng/năm.

Phú Yên: Giá tôm hùm bấp bênh

Từ đầu năm đến nay, nhiều người nuôi tôm hùm ở TX. Sông Cầu, tỉnh Phú Yên gặp khó khăn vì giá tôm thương phẩm hạ xuống rất thấp. Giá tôm hùm xanh loại 1 khi xuất bán còn khoảng 500.000 - 550.000 đồng/kg (năm 2018 khoảng 900.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg), còn tôm hùm bông chỉ còn 1 - 1,2 triệu đồng/kg (năm 2018 khoảng 1,4 - 1,6 triệu đồng/kg). Không những giá tôm xuống thấp mà các tư thương chỉ mua những con tôm loại 1. Nhiều hộ nuôi xuất bán khoảng 1.000 con tôm nhưng khi đưa vào đến bờ thì các đầu nậu chỉ lựa mua khoảng 300 - 400 con, còn lại người nuôi phải chuyển ra lồng, bè để thả nuôi lại. Do vận chuyển thời gian dài, nhiều con tôm bị sốc nên khi thả nuôi lại đã bị chết. Người nuôi thiệt hại đủ đường. Thậm chí, nhiều hộ nuôi không xuất bán tôm mà giữ lại nuôi để chờ giá.

Để phát triển ổn định con tôm hùm, giải pháp duy nhất là quản lý được vùng nuôi, số lượng nuôi và hướng đến xuất khẩu theo đường chính ngạch.

Bến Tre: Phân bò Ba Tri tiêu thụ mạnh

Những ngày qua, xe tải liên tục về huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre để chở phân bò đi tiêu thụ ở các tỉnh miền Đông. Nông dân thu gom phân bò tập trung tại các con đường lớn của huyện, được thương lái thu mua với giá từ 5.000 – 6.000 đồng/bao (phân khô, khoảng 5 – 6 kg/bao). Hiện tại, phần lớn nguồn phân bò bán cho thương lái ở các tỉnh miền ngoài.

Huyện Ba Tri có số lượng đàn bò nhiều nhất tỉnh (khoảng 97.000 con). Các xã có số lượng bò nuôi nhiều, như: Mỹ Chánh, Mỹ Hòa, Mỹ Nhơn, Tân Xuân, Phước Tuy, Phú Ngãi... Huyện cung cấp nhiều bò thịt đạt chất lượng cao trên thị trường, cũng là nơi cung cấp nhiều phân bò cho các tỉnh miền Đông. Tại huyện, có một số người làm đại lý phân bò, phơi phân bò, vận chuyển và bốc vác phân bò. Theo tính toán của các hộ dân, tiền bán phân bò bù đắp phân nửa tiền rơm, giúp người chăn nuôi giảm bớt gánh nặng.

Lâm Đồng: Liên kết trồng khoai tây Doobak

Nông dân huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đã liên kết với Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina xuống giống 30 héc-ta khoai tây giống Doobak. Đây là giống khoai tây đến từ Hàn Quốc có đặc tính sinh trưởng tốt, có khả năng kháng bệnh, kháng virus, năng suất cao phù hợp với chế biến thực phẩm như khoai tây chiên. Công ty cung cấp giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật, có cán bộ giám sát quy trình canh tác đồng thời thu mua củ thành phẩm với giá 9.000 đồng/kg. Liên kết trồng khoai tây giữa nông dân huyện Đức Trọng và Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina là một thành công cho mối quan hệ doanh nghiệp - nông dân, đảm bảo an toàn cho đầu ra của nông sản.        

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Quảng Trị:

Trồng lạc thích ứng với biến đổi khí hậu

Vụ hè thu năm nay mặc dù thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài nhưng 15 héc-ta lạc thuộc mô hình sản xuất lạc thích ứng với biến đổi khí hậu tại HTX Quật Xá, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị vẫn cho năng suất vượt trội.

Đây là một trong những hoạt động của mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu thuộc dự án cải thiện nông nghiệp tỉnh Quảng Trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp và bền vững. Theo đó, mô hình được triển khai tại HTX Quật Xá trên diện tích 15 héc-ta với 90 hộ tham gia. Tham gia thực hiện mô hình, các hộ dân được hỗ trợ giống lạc chất lượng cao, chế phẩm vi sinh Tricoderma, các loại vật tư phân bón, máy gieo hạt, hệ thống tưới phục vụ cho ruộng mô hình khi thời tiết khô hạn. Đặc biệt, bà con được hướng dẫn sử dụng máy gieo hạt chứ không gieo bằng tay như trước đây nên giảm được công lao động và đảm bảo được mật độ. Ngoài ra, HTX đã điều hành tốt khâu tưới tiêu, đảm bảo cung cấp đủ độ ẩm cho đất giúp lạc phát triển tốt.

Kết quả, năng suất ở ruộng mô hình đạt trên 24 tạ/héc-ta, cao hơn so với ruộng đại trà 4 tạ/héc-ta. Với giá bán khoảng 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ruộng mô hình mang lại lợi nhuận gần 29,5 triệu đồng/héc-ta, cao hơn so với ruộng đại trà gần 9,2 triệu đồng/héc-ta.

Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân, mô hình còn góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Thông qua mô hình còn trang bị cho người nông dân những kiến thức, kỹ năng mới để áp dụng vào sản xuất; tạo bước đột phá trong quá trình thâm canh sản xuất, thay đổi phương thức canh tác, đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Lâm Đồng:

Công bố 10 loại cây giống đạt tiêu chuẩn xuất vườn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã ban hành tiêu chuẩn xuất vườn ươm đối với 6 loại cây công nghiệp và 4 loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, 6 loại cây công nghiệp là: Điều ghép, ca cao ghép, cà phê ươm hạt, cà phê ghép, chè ươm hạt, chè cành; 4 loại cây ăn quả: Bơ ghép, sầu riêng ghép, măng cụt, chuối La Ba. Trong đó, quy định giống cây công nghiệp lên đến 10 tiêu chuẩn xuất vườn như tuổi cây, chiều cao cây tính từ mặt bầu, số cặp lá mới, đường kính gốc, vết ghép, chiều dài cành ghép, huấn luyện ngoài ánh sáng hoàn toàn, số cặp lá hoàn chỉnh, kích thước bầu đất, sâu bệnh hại.

Giống cây ăn quả phải đạt cao nhất đến 11 tiêu chuẩn xuất vườn gồm: Tuổi cây làm gốc ghép, đường kính gốc ghép (đo phía dưới vết ghép 2 cm), số cành, số tầng lá, chiều cao (đo từ mặt bầu đến đỉnh chồi cao nhất), đường kính cành ghép (đo từ phía trên vết ghép khoảng 2 cm), kích thước bầu đất, vết ghép, vị trí ghép, bộ rễ, huấn luyện ngoài ánh sáng hoàn toàn, sâu bệnh hại.

Việc công bố rõ ràng các tiêu chuẩn này nhằm bảo vệ bà con, tránh tình trạng lộn xộn của thị trường cây giống như trong thời gian qua.

HÀNG VIỆT

Trao nhãn hiệu tập thể Mãng cầu Hậu Giang

Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang đã tổ chức lễ công bố, trao chứng nhận Nhãn hiệu tập thể “Mãng cầu Hậu Giang”. Đây là cơ hội để nâng cao uy tín cũng như vị thế cho sản phẩm đặc sản này.

Hậu Giang có hơn 900 héc-ta trồng mãng cầu, tập trung ở huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, Long Mỹ, thị xã Ngã Bảy. Riêng 3 hợp tác được cấp quyết định sử dụng nhãn hiệu hiện đang trồng mãng cầu với diện tích gần 100 héc-ta. Đó là: Hợp tác xã (HTX) mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp; HTX nông nghiệp và thương mại dịch vụ mãng cầu Thuận Hòa; HTX mãng cầu Thuận Hòa, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ.

Nhãn hiệu tập thể Mãng cầu Hậu Giang có hình ảnh biểu trưng với đặc điểm riêng biệt gồm: Logo được thể hiện là hình tròn, hình ảnh chính là trái mãng cầu nguyên và một phần trái mãng cầu bổ dọc với một phần trái mãng cầu bổ ngang. Nội dung thể hiện tên gọi là “Mãng cầu Hậu Giang” viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh chữ màu đen trên nền trắng. Màu sắc nhận biết là màu tone xanh lá cây phù hợp với màu sắc của sản phẩm.

Không chỉ vậy, dự án còn hoàn thành những nội dung cần thiết như: Mẫu logo nhãn hiệu, tờ rơi, poster quảng cáo; xây dựng mẫu sổ ghi chú, đồng phục văn phòng, đồng phục bảo hộ, tem treo và tem truy xuất nguồn gốc, túi thiếc đựng trà mãng cầu, mẫu hộp thủy tinh, thùng carton đựng túi thiếc, túi giấy, biển hiệu, mẫu xe bán hàng lưu động, mẫu biển quảng cáo. Bên cạnh đó, trang website mang tên mangcauhaugiang.com đã được hoàn thiện, vận hành. Trên trang website có nhiều hình ảnh, địa chỉ cũng như sản phẩm của các HTX sản xuất đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Mãng cầu Hậu Giang”.

Thành công của dự án sẽ góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng. Từ đó, uy tín hàng hóa sản xuất ngày càng tăng, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân tỉnh Hậu Giang. Với nhãn hiệu đã được khẳng định, hy vọng mãng cầu Hậu Giang sẽ không chỉ có mặt trên các quầy hàng của các cửa hàng, siêu thị lớn mà còn có thể vươn xa ra thị trường quốc tế.

Tuyên Quang:

Dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm lê Hồng Thái

Đây được xem là công cụ hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ 2 hợp tác xã Tân Hợp và Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang 20.000 tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm lê Hồng Thái. Hiện xã Hồng Thái có 49 héc-ta lê, năng suất đạt 4,7 tấn/héc-ta. Toàn tỉnh có 35 nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Cây lê ở đất Hồng Thái là sản phẩm đặc thù của địa phương. Nơi đây nằm trên độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển cộng chất đất khá phù hợp cho cây lê có vị chát ngọt phát triển. Để quả lê trở thành sản phẩm OCOP, chính quyền đã hỗ trợ người dân địa phương thực hiện trồng theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm, thiết kế mẫu mã, đóng gói bắt mắt. Sau khi tham gia các lớp tập huấn kiến thức làm OCOP, bà con hiểu ra nhiều điều, nhất là những kiến thức làm nông sản sạch rất bổ ích. Vừa rồi được hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, bà con đồng thuận hưởng ứng. Vì lê có thương hiệu, được giá người được hưởng lợi đầu tiên chính là bà con.

Sản phẩm lê Hồng Thái cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu hàng hóa, có truy xuất nguồn gốc. Cùng với cây lê, xã Hồng Thái đang mở rộng phát triển vùng rau an toàn với quy mô khoảng 30 héc-ta; gần 100 héc-ta chè đặc sản.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)