Thông tin giá cả thị trường số 38/2017

10:30 AM 04/10/2017 |   Lượt xem: 4603 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Thị trường Tết Trung thu ở miền núi:

Hàng hóa vẫn tập trung ở các trung tâm huyện

Còn cách trung thu (ngày rằm tháng Tám) cả tháng, những chiếc đèn xanh đỏ, réo rắt tiếng nhạc; những chiếc bánh dẻo, bánh nướng bọc giấy bóng kính… đã hối hả theo các xe hàng lên với nhiều tỉnh vùng cao. Không quy mô như ở các thành phố, thị xã lớn nhưng những món quà trung thu cũng phần nào khiến thị trường vùng cao dịp Tết Trung thu thêm hương sắc.

Cùng với sự phát triển của thị trường, giao thông, hàng hóa lên với vùng cao đã nhiều hơn, đa dạng hơn. Nếu như mấy năm trước, đồ chơi trung thu còn xa lạ với nhiều huyện miền núi, thì giờ đây, mỗi dịp Tết Trung thu, nhiều quầy tạp hóa ở các huyện vùng cao đều có thêm các sản phẩm đồ chơi, đèn, bánh kẹo phục vụ cho trẻ em.

Tuy nhiên, do điều kiện còn khó khăn nên chủ yếu hàng phục vụ Tết Trung thu mới về đến các trung tâm huyện, hoặc trung tâm những xã có hạ tầng giao thông phát triển. Trong đó, mặt hàng đồ chơi chủ yếu vẫn là các sản phẩm đồ chơi, đèn nhựa phát sáng có nhạc, xuất xứ Trung Quốc, giá 20.000-30.000 đồng/cái. Mấy năm gần đây, nhiều sản phẩm đèn trung thu của Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất hiện với mẫu mã phong phú, giá bán dao động từ 7.000-25.000 đồng/chiếc. Trong đó, các sản phẩm như đèn ông sao, đèn lồng giấy hình các con thú được các em nhỏ rất yêu thích.

Cùng với đồ chơi, đèn trung thu, 3 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo uy tín cũng tích cực đưa sản phẩm bánh trung thu đến với các tỉnh vùng cao. Trong đó có các công ty lớn như: Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hữu Nghị, Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Hà, Công ty Cổ phần Bánh kẹo Hải Châu… Với giá bán 35.000-50.000 đồng/cái, bánh nướng, bánh dẻo của các công ty này hiện vẫn chủ yếu phục vụ đội ngũ cán bộ, giáo viên hoặc các hộ kinh doanh.

Ngoài bánh trung thu của các doanh nghiệp lớn, mỗi dịp trung thu, tại các chợ huyện cũng bày bán các loại bánh nướng, bánh dẻo của các cơ sở sản xuất thủ công, giá 10.000-20.000 đồng/cái. Hàng chủ yếu được mang lên từ xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội hoặc từ huyện Thổ Tang, tỉnh Vĩnh Phúc. Đa phần bánh nướng, bánh dẻo làm thủ công chỉ được bọc 1 lớp nylon mỏng, nhiều sản phẩm không nhãn mác, không xuất xứ và hạn sử dụng. Theo một người bán hàng ở chợ Mèo Vạc (Hà Giang), bà con DTTS ở các vùng sâu, vùng xa đi chợ rất ít người mua bánh trung thu, đa phần vẫn mua kẹo bánh gói. Mỗi gói chỉ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng, vừa được nhiều vừa dễ chia…

Sự xuất hiện của các sản phẩm phục vụ Tết Trung thu ở các huyện miền núi đang cho thấy, đời sống tiêu dùng ngày càng phát triển, trẻ nhỏ đã được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, có đi sâu vào các thôn, bản mới biết, khác với trẻ em ở thành phố, thị xã, hầu hết trẻ nhỏ ở đây không biết đến Tết Trung thu. Đại đa số các em chưa từng nhìn thấy những chiếc đèn ông sao, hay được thưởng thức những miếng bánh nướng, bánh dẻo ngọt thơm.

Ngay tại xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, khi được hỏi về Tết Trung thu, một phụ huynh người dân tộc Mông lắc đầu không biết; trong khi cô con gái chị cứ tròn xoe mắt, ngạc nhiên thích thú nhìn chiếc đèn ông sao mà lần đầu tiên cô bé nhìn thấy.

Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi với thu nhập chủ yếu từ lúa, ngô…, bỏ vài chục nghìn đồng ra mua 1 món đồ chơi hay 1 chiếc bánh là điều không đơn giản với các hộ gia đình người DTTS. Chưa kể tới việc, chợ ở rất xa, thậm chí có nhiều xã vẫn không có chợ.

Thực tế này cho thấy, để các em bé DTTS sống ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội được biết đến Tết Trung thu, được đón trăng trong không khí vui tươi, đầm ấm… rất cần sự quan tâm hơn nữa của các đoàn thể, xã hội. Trong đó có việc bố trí tổ chức cho em các em vui Tết Trung thu, phá cỗ, trông trăng ngay tại bản, làng. Có như vậy, trẻ em DTTS mới bớt đi những thiệt thòi và có thêm những ký ức tuổi thơ tươi đẹp.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Đồng bằng sông Cửu Long:

Tôm nguyên liệu khan hiếm, giá tăng

Trong tuần qua, giá tôm nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng cao. Tình trạng khan hiếm tôm nguyên liệu khiến các doanh nghiệp phải trì hoãn một số đơn hàng xuất khẩu. 

Nguyên nhân do trời mưa kéo dài làm độ mặn trong nhiều vùng quy hoạch nuôi tôm chưa đạt nên người dân vùng ĐBSCL chưa thả tôm. Mặt khác, mưa nhiều nên năng suất không cao.

Về giá, thương lái thu mua tại ao tôm cho từng loại tôm sú tăng trung bình 20% so với cùng kỳ. Cụ thể: loại 20 con/kg từ 260.000-270.000 đồng/kg, loại 30 con giá từ 215.000-225.000 đồng/kg, loại 40 con từ 170.000-185.000 đồng/kg Tôm thẻ loại 35-40 con giá từ 145.000-150.000 đồng/kg, loại 80-100 con có giá từ 102.000-112.000 đồng/kg. Đặc biệt, loại tôm sú sống chạy ô-xy có giá bán cao hơn tôm ướp đá từ 10.000-30.000 đồng/kg nhưng luôn hút hàng. Bên cạnh đó, giá các loại tôm đất, bạc cũng đứng ở mức cao, nhất là tôm đất sống loại 1 luôn khan khiếm hàng, có giá khoảng 150.000 đồng/kg, tôm bạc dao động từ 60.000- 70.000 đồng/kg loại lớn.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, giá tôm nguyên liệu có chiều hướng tăng gần đây là do nguồn cung thiếu. Hơn nữa, phần lớn diện tích nuôi tôm quảng canh đang vào mùa cải tạo ao đầm, đối với diện tích nuôi tôm công nghiệp thì độ nước mặn trong ao chưa đủ để thả nuôi. Riêng sản lượng tôm khai thác, đánh bắt trên biển không tăng nhiều so với cùng kỳ. Trong khi đó, gần đây các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn đặt hàng mới.

Thực tế cho thấy, mặc dù thời gian qua, giá tôm trên thị trường có chiều hướng tăng ổn định, người dân yên tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nhưng do thời tiết không thuận lợi, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, dịch bệnh chưa kiểm soát tốt… dẫn đến diện tích tôm nuôi thiệt hại cao.

Nuôi gà xương đen trên cao nguyên đá

Gà xương đen là giống gà được đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng nuôi nhiều tại các huyện vùng cao Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ (tỉnh Hà Giang).

Để phát triển giống gà xương đen cũng như tạo nguồn giống giúp đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng phát triển chăn nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác phục hồi và phát triển giống gà xương đen quý hiếm của địa phương. Đến nay đã có nhiều hộ nông dân tại các huyện cao nguyên đá tỉnh Hà Giang đầu tư phát triển chăn nuôi gà xương đen với số lượng lớn trên các đồi rừng của gia đình, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Điểm nổi bật của giống gà xương đen là thịt, da, mào và xương đều có màu đen đậm. Thịt gà săn chắc, thơm ngon, hàm lượng mỡ thấp. Trứng gà xương đen rất giàu dinh dưỡng và có mùi thơm đặc trưng. Ngoài làm thực phẩm, xương và thịt của gà xương đen còn là một vị thuốc quý trong dân gian, nhất là khi hầm gà với tam thất để bồi dưỡng sức khỏe cho người già, phụ nữ sau sinh và trẻ em suy dinh dưỡng. Vì vậy, giá của gà xương đen thường khá cao, từ 200.000-250.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 300.000 đồng/kg.

Giá trị kinh tế cao nhưng thức ăn chủ yếu của gà xương đen chỉ là ngô hạt và cám gạo, ngoài ra có thể cho gà ăn thêm rau muống, rau cải, một số loài cỏ và thức ăn đạm động vật như giun quế, các loài cá nhỏ, hoặc ốc bươu vàng… Gà xương đen rất thích hợp với phương thức chăn nuôi bán chăn thả và chăn nuôi hoang dã trên các đồi rừng. Thông thường, sau khi nở khoảng 5 tháng, trọng lượng gà có thể đạt từ 1,8 đến 2,5 kg. Do đó, nếu chăn nuôi gà xương đen với quy mô từ 100 con trở lên có thể đạt doanh thu khoảng 6,5-7 triệu đồng/tháng.

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

Long An:

Giá chanh giảm mạnh

Giá chanh hiện xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua tại tỉnh Long An. Nhà vườn thu hoạch xong phải chở đến các vựa thu mua để bán. Chanh có hạt từ 3.800-4.000 đồng/kg, không hạt 6.800 đồng/kg. Thậm chí, khoảng 2-3 tuần trước, do giá chanh giảm quá sâu, chanh có hạt chỉ 2.500 đồng/kg, không hạt 5.300 đồng/kg nhưng vẫn không tiêu thụ được nên một số nhà vườn đã phải cắt bỏ bớt trái để dưỡng cây.

Bình Thuận:

Giá thanh long cao kỷ lục

Nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận hiện đang thu hoạch lứa cuối vụ và chuẩn bị chuyển sang lứa hàng đầu vụ chong đèn. Tuần qua, giá thanh long tại tỉnh Bình Thuận có lúc lên tới hơn 30.000 đồng/kg, tăng gấp 2-3 lần so với cùng thời điểm này năm ngoái.

Trên thực tế, với giá khoảng 15.000 đồng/kg, người trồng thanh long đã có lãi. Trong vòng nửa tháng qua, giá thu mua loại trái cây này tăng cao, đạt mức trung bình 22.000 đồng/kg. Riêng cuối tuần qua, giá thanh long có lúc tăng lên 30.000-33.000 đồng/kg do nguồn hàng thiếu, trong khi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc đang tăng mạnh. Bởi đây là thời điểm Trung Quốc chuẩn bị đón tết Trung Thu nên  mặt hàng thanh long bán rất chạy. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến giá tăng cao. 

Bình Thuận có khoảng 27.000 héc-ta thanh long, cho sản lượng khoảng nửa triệu tấn một năm. Hơn 80% sản lượng được xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Bên cạnh tìm kiếm thêm thị trường mới, tỉnh Bình Thuận tiếp tục củng cố thị trường truyền thống này thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện giao thương thuận lợi.

Bến Tre:

Sắn mất mùa, giá rẻ

Bà con nông dân trồng sắn ở 2 xã Thạnh Phong, Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) đã bước vào vụ thu hoạch sắn. Theo đánh giá, vụ sắn này mất mùa, người trồng lỗ nặng. Với giá sắn dao động từ 1.800- 2.400 đồng/kg, hầu hết các hộ trồng sắn đều lỗ nặng. Bởi mỗi công sắn phải đầu tư tiền làm đất, phủ bạt, hạt giống, phân và công chăm sóc 6 tháng, với tổng chi phí khoảng 10 triệu đồng. Nếu năng suất chỉ khoảng 2 tấn/công, giá bán trung bình 2.000 đồng/kg, người trồng lỗ hơn 5 triệu đồng/công sắn. Một số hộ dân trồng sắn trên vùng đất thấp, bị ngập nước, củ sượng, nứt nên phải thu hoạch sớm, bán giá chỉ khoảng 1.000 đồng/kg, lỗ nặng hơn.

Trên địa bàn 2 xã Thạnh Phong và Thạnh Hải vụ này xuống giống khoảng 350 héc-ta sắn. Do thời tiết không thuận lợi, năng suất giảm khoảng 50% so với các năm trước. Nguyên nhân dẫn đến giá thấp là do sắn bị sượng, trong khi phần nhiều sắn chưa đến ngày thu hoạch nhưng dây đã héo, phải thu hoạch sớm.

Bình Phước:

Chôm chôm mất mùa

Thời tiết thất thường, mưa nhiều, ruồi vàng tấn công là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất mùa chôm chôm ở Bình Phước. Hầu hết các vườn chôm chôm ở các xã: Tân Hưng, Đồng Tâm, Thuận Phú, Thuận Lợi, huyện Đồng Phú và xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng đều ở trong tình trạng mất mùa. Vì vậy, tuy giá bán cao hơn so với năm trước nhưng người trồng vẫn không có lãi.

Chôm chôm ở Bình Phước thường chín sớm hơn so với các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, do thời tiết thất thường nên đến nay, một số hộ trồng vẫn còn đang thu vét vì trái chín không đều. Giá chôm chôm thường mua tại vườn dao động từ 10.000-12.000 đồng/kg. Chôm chôm nhãn và chôm chôm Thái dao động khoảng 20.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, chôm chôm vừa giảm năng suất lại chín rải rác nên tiền thuê nhân công bị đội lên khá nhiều. Trung bình tiền thuê nhân công 1 ngày 150.000 đồng nhưng chỉ hái được vài ba chục ký chứ không được vài trăm ký như trước. Trong khi đó, 1 héc-ta chôm chôm ở niên vụ trước có thể thu 50-60 tấn nhưng năm nay chỉ 30-40 tấn.

CHUYỂN ĐỘNG -  THỊ TRƯỜNG

Đồng Nai:

Ồ ạt trồng cây gia vị

Thời gian gần đây, bà con nông dân đua nhau trồng cây gia vị, trong đó đứng đầu là cây nghệ. Tuy nhiên, tình trạng phát triển ồ ạt diện tích các loại cây gia vị theo phong trào mà bỏ quên việc tính bài toán thị trường đầu ra đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Theo Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, vụ mùa năm 2017 diện tích một số loại cây gia vị như: nghệ, gừng, sả... tăng đột biến lên gần 2.643 héc-ta, nhiều hơn 1.400 héc-ta so với cùng kỳ năm ngoái. Tại xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, cây sả là một trong những cây trồng phụ nhưng mang lại lợi nhuận cao hơn hẳn so với cây bắp, cây mì. Do đó, Phú Hữu đã hình thành vùng chuyên canh cây sả với diện tích lên đến khoảng 70 héc-ta. Tuy nhiên, địa phương vẫn khuyến cáo nông dân không đua nhau trồng sả theo phong trào mà phải dựa trên nhu cầu thị trường. Địa phương cũng rất quan tâm hỗ trợ bà con trong việc thu hút doanh nghiệp chế biến về đầu tư, liên kết với nông dân xây dựng chuỗi liên kết để có đầu ra bền vững.

Tại huyện Long Thành, những năm trước, cây nghệ chỉ được một số hộ nông dân trồng xen canh với các loại cây trồng khác để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, năm 2016, giá nghệ tươi tăng mạnh nên trồng nghệ đạt lợi nhuận gấp nhiều lần so với cây mì, cây bắp. Vì vậy, niên vụ sản xuất năm 2017, nông dân tại các địa phương ồ ạt chuyển đổi sang trồng cây nghệ, thậm chí nhiều người thuê thêm đất để mở rộng diện tích. Đến nay, diện tích cây trồng này đã tăng đột biến đến 504 héc-ta dù cây nghệ không nằm trong kế hoạch sản xuất của huyện. Tuy nhiên, so với nhiều cây trồng khác, đây vẫn là cây trồng phụ với thị trường tiêu thụ hạn chế. Do vậy, chính quyền địa phương đã nhiều lần khuyến cáo bà con nông dân không nên trồng ồ ạt dẫn đến tình trạng sản phẩm tồn đọng, không có đầu ra như đã từng xảy ra trước đó.

HÀNG VIỆT

Công bố chỉ dẫn địa lý cho hồng không hạt Quản Bạ

Thời điểm cuối tháng 9/2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã tổ chức lễ công bố chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ (Hà Giang). Đây là chỉ dẫn địa lý thứ 3 của Hà Giang sau mật ong Bạc Hà và cam sành Hà Giang.

Cây hồng không hạt đã được bà con dân tộc thiểu số huyện Quản Bạ trồng từ hàng chục năm nay. Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích cây hồng không hạt trên địa bàn huyện Quản Bạ có gần 100 héc-ta. Trong đó, có gần 60 héc-ta đang cho thu hoạch, sản lượng đạt 560 tấn quả/năm. Với nhiều thành phần tốt cho sức khỏe nên hồng không hạt Quản Bạ tiêu thụ ngoài thị trường tương đối ổn định và đem lại giá trị kinh tế cao cho các hộ dân.

Với những giá trị kinh tế và đặc thù sản phẩm nằm trong vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Hà Giang đã đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ nhận hỗ trợ xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồng không hạt và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ vào tháng 7/2017.  Đây là công cụ hữu hiệu bảo vệ người sản xuất, chống các hành vi gian lận thương mại, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Đồng thời, giúp người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Đây cũng là hướng đi phù hợp với điều kiện sản xuất cụ thể của tỉnh Hà Giang trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để phát triển chỉ dẫn địa lý hồng không hạt Quản Bạ, UBND tỉnh Hà Giang cần xây dựng và hoàn thiện các chính sách, tổ chức bộ máy quản lý nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức và người dân có thể sử dụng chỉ dẫn địa lý một cách hiệu quả. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các nguồn lực để doanh nghiệp, người dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong công đoạn sản xuất và bảo quản. Các tổ chức, cá nhân được sử dụng chỉ dẫn địa lý cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình nhằm duy trì danh tiếng và vị trí của sản phẩm trên thị trường. UBND tỉnh Hà Giang cần phát huy được giá trị sau khi được Nhà nước bảo hộ. Chú trọng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, giữ vững thị trường một cách hiệu quả và bền vững. Đặc biệt, bà con các dân tộc thiểu số huyện Quản Bạ và các huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang thuộc khu vực Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng hồng không hạt để nâng cao giá trị, phát triển bền vững hồng không hạt Quản Bạ mang chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị.

Ông Nguyễn Minh Tiến-Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết, thời gian qua, để xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững cây hồng không hạt đặc sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Quản Bạ cần thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng quản lý hồng không hạt Quản Bạ, nhằm giữ vững chất lượng; đảm bảo mối liên kết chặt chẽ giữa người dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển bền vững. Các sở, ban ngành chuyên môn của tỉnh cần giám sát kỹ quy trình kỹ thuật trồng, quản lý chất lượng hồng không hạt; đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá xúc tiến thương mại sản phẩm hồng không hạt.

Việc công bố chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồng không hạt Quản Bạ đã đưa Hà Giang trở thành một trong những địa phương có nhiều chỉ dẫn địa lý nhất của Việt Nam.

Nhiều sản phẩm đặc sản của Hà Giang đã được bảo hộ thương hiệu như: Mật ong Bạc Hà của Cao nguyên đá Đồng Văn, cam sành Hà Giang, chè Hoàng Su Phì… Các thương hiệu này đã phát huy hiệu quả kinh tế sau khi được bảo hộ, đặc biệt là sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý mật ong Bạc Hà đã đem lại hiệu quả ngoài mong đợi khi giá thành sản phẩm tăng từ 2 - 2,5 lần.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Quảng Bình:

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường sau bão

UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo ngành Công thương, chính quyền các cấp, các ban, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường sau bão. Đặc biệt, không để giá thị trường có biến động lớn, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các Đội quản lý thị trường phân công cán bộ theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, giá cả để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tăng giá. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc theo dõi giá bán các mặt hàng là vật liệu xây dựng phục vụ nhu cầu sửa chữa các công trình của người dân sau bão. Giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng lợi dụng tăng giá, ép dân. Nhất là các công ty, đại lý, cơ sở kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng, tấm lợp… ở địa bàn các huyện miền núi, nơi bà con thường chịu nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.

Tại huyện Minh Hóa, hàng ngàn héc-ta rừng trồng bị gãy đổ. Sau bão, nhân công chặt cây, ngày công bị đẩy lên, từ 300.000 đồng/ngày lên 380.000-400.000 đồng/ngày. Giá ô tô vận chuyển keo tràm cũng theo đó vượt trội, trung bình mỗi chuyến tăng lên 200.000 đồng. Trước thực trạng này, UBND huyện Minh Hóa đã chỉ đạo các ngành khẩn trương có giải pháp để ổn định thị trường. Lực lượng an ninh có nhiệm vụ vận động các chủ xe không được tăng giá. Khối mặt trận, chính quyền thôn, xã, cơ quan quản lý thị trường, đảm nhận việc vận động mọi người có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ bà con bị thiệt hại về rừng trồng với giá nhân công như trước.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của các lực lượng quản lý thị trường, ngay sau bão, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm đã trở lại bình thường.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)