Thông tin giá cả thị trường số 37/2018

03:19 PM 12/09/2018 |   Lượt xem: 5704 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Đắk Lắk: Nâng cao chất lượng sầu riêng sau thu hoạch

Đắk Lắk hiện đang bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng. Vụ thu hoạch năm nay, bà con đã chú trọng đến khâu bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 4.000 héc-ta sầu riêng, tập trung ở TP. Buôn Ma Thuột, huyện Krông Năng, Krông Pắc, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ… Hiện tại, giá sầu riêng có giảm so với đầu vụ nhưng vẫn dao động từ 25.000 - 63.000 đồng/kg, trong đó giá sầu riêng óc khỉ, khổ qua 25.000 - 30.000 đồng/kg; chín hóa 30.000 - 40.000 đồng/kg; Ri6 50.000 - 60.000 đồng/kg, Dona 62.000 - 63.000 đồng/kg…

Cùng với sầu riêng địa phương, năm nay các giống sầu riêng chất lượng cao được người tiêu dùng chọn mua nhiều bởi “đẳng cấp” cơm vàng hạt lép. Hiện tại, giá sầu riêng cơm vàng hạt lép Ri6 tuy có giảm so với đầu vụ (tháng 6 là 70.000 - 80.000 đồng/kg) nhưng vẫn cao hơn năm ngoái từ 10.000 - 15.000 đồng/kg và lượng hàng bán rất chạy. Hầu hết các vườn sầu riêng Ri6 và sầu riêng địa phương đều đã được thương lái đặt hàng.

Tại huyện Krông Pắc - vựa sầu riêng của tỉnh với 1.000 héc-ta chủ yếu là giống Dona đang bắt đầu mùa vụ thu hoạch mới. Các thương lái đổ dồn về đây thuê và xây dựng mặt bằng để tiếp nhận, phân loại trước khi vận chuyển sản phẩm đến người tiêu dùng. Năm 2017, người trồng sầu riêng thắng lớn khi được mùa, được giá nên năm nay công tác chăm sóc, thu hoạch được bà con chuẩn bị chu đáo hơn. Đặc biệt, bà con đã biết khai thác vườn cây hợp lý, hạn chế tối đa việc dùng thuốc hóa học, thuốc kích thích, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ để bảo vệ sự bền vững của vườn cây. Ngay từ đầu tháng 5, tháng 6 đã có một số thương lái đến tận vườn khảo sát và đặt cọc cho người dân với giá dao động từ 45.000 - 49.000 đồng/kg, nhưng nhiều nhà vườn vẫn không mấy mặn mà. Hiện tại, giá sầu riêng cắt tại vườn đã lên đến 60.000 - 62.000 đồng/kg, tùy vào khoảng cách từ vườn cây đến điểm tập kết. Để bảo vệ vườn cây mùa trái chín và thực hiện đúng kỹ thuật thu hoạch, các nhà vườn cắt cử người túc trực tại vườn thường xuyên và hỗ trợ thương lái bảo vệ nông sản. Các vựa trái cây cũng tăng cường nhân công tiếp nhận, kiểm tra, phân loại sầu riêng trước khi vận chuyển vào kho. Theo đó, cứ có thương lái mang sầu riêng đến là cơ sở tiếp nhận, phân loại, đóng gói những lô hàng chín sớm vận chuyển đi các tỉnh lân cận tiêu thụ. Riêng sầu riêng giống Dona chủ yếu được xuất khẩu ra nước ngoài.

Một chủ vựa sầu riêng xuất khẩu tại xã Ea Yông cho biết, sầu riêng là trái cây đặc sản, phục vụ khách hàng cao cấp, khó tính. Vì vậy, sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng phải giữ nguyên hương vị, hình thức bên ngoài nên việc phân loại, đóng gói, vận chuyển quyết định đến sự thành công của mỗi lô hàng. Vì vậy, trước khi cho vào container, sầu riêng được vệ sinh sạch sẽ, rải đều trên các giá đỡ và quạt 24/24 giờ bảo đảm sự thông thoáng, ổn định để khi vận chuyển đến tay người tiêu dùng thì quả sầu riêng vừa chín hoặc chỉ một vài ngày sau sẽ chín.

Cây sầu riêng được xem là loại cây trồng tăng thu nhập cho người nông dân Tây Nguyên. Tại Đắk Lắk, diện tích trồng sầu riêng đang gia tăng theo chiều hướng tích cực, tập trung tại các huyện như: Krông Pắc, Krông Buk, Cư Kuin, Ea Kar, Cư M’gar… Đặc biệt, các vườn sầu riêng trên địa bàn chủ yếu được trồng vào những năm 2004, 2005 nên hiện tại đang trong giai đoạn kinh doanh với gần 700 héc-ta cho sản phẩm, năng suất bình quân 17 - 20 tấn/héc-ta. Đây là một trong những nguồn thu lớn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Để duy trì và khai thác hiệu quả lợi thế đó, huyện đã có khuyến cáo người dân khai thác hợp lý, chú ý chăm sóc vườn cây sau thu hoạch…

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Ninh Thuận: Đồng bào Raglai nâng cao thu nhập từ bưởi da xanh

Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh, nhiều hộ đồng bào Raglai ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận có nguồn thu nhập khá. Bưởi da xanh đang mở ra một hướng đi mới trong tư duy làm kinh tế của đồng bào vùng cao.

Từ chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc do Vườn Quốc gia Phước Bình triển khai và hỗ trợ cây giống, các hộ dân ở xã Phước Bình đã trồng thử nghiệm bưởi da xanh. Sau 5 năm, những cây bưởi đồng loạt cho thu hoạch với mức lãi trung bình 50 - 70 triệu đồng/hộ gia đình. Đặc biệt, bưởi da xanh trồng ở vùng đất Phước Bình được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, thị trường tiêu thụ được mở rộng.

Vài năm trở lại đây, phong trào trồng bưởi da xanh được nhiều hộ đồng bào trong xã mạnh dạn đầu tư phát triển. Qua thực tiễn sản xuất tại các hộ đồng bào cho thấy, cây bưởi da xanh rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Nếu canh tác tốt, giống bưởi da xanh cho trái quanh năm, mỗi năm loại cây này có thể cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/héc-ta. Hiện bưởi da xanh có giá dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg tùy vào chất lượng quả. Theo tính toán, 1 héc-ta bưởi từ sau 5 năm trở đi có thể cho sản lượng khoảng 25 tấn trái.

Trong năm 2018, từ các nguồn vốn của Chương trình 30a, các dự án hỗ trợ tam nông, xã Phước Bình tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ giống bưởi da xanh chất lượng cao cho các hộ có nhu cầu trồng và mở rộng diện tích. Thực tế cho thấy, mô hình chuyển đổi canh tác từ đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, cây công nghiệp đã mở ra một triển vọng mới trong phát triển kinh tế ở xã miền núi của tỉnh Ninh Thuận. Qua đó, làm thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ của đồng bào, từng bước góp phần hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng bền vững.

Hậu Giang: Trầu được mùa, được giá

Những ngày đầu tháng 9/2018, người trồng trầu ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang vui mừng khi trầu được giá. Hiện thương lái thu mua trầu với giá 3.800 đồng/ốp, tăng gấp 2 lần so cùng kỳ năm ngoái.

Làng trầu Vị Thủy hiện được xem là độc nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 250 công (25 héc-ta). Trầu được trồng tập trung chủ yếu ở ấp 5 và ấp 7 xã Vị Thủy. Thời gian qua, giá trầu được thu mua tương đối ổn định và dao động từ 3.500 – 3.800 đồng/ốp (40 lá). Với mức giá này, người trồng trầu sống tốt vì cứ độ 12 - 15 ngày là tới đợt thu hoạch lá trầu.

Theo tính toán của người dân trồng trầu, với giá bán hiện tại, mỗi đợt thu hoạch, sau khi trừ chi phí thì nông dân có lãi khoảng 9 triệu đồng/công (90 triệu đồng/héc-ta). Nếu tính thu hoạch 2 đợt lá trầu trong 1 tháng, trung bình người trồng lãi 18 triệu đồng/công/tháng (180 triệu đồng/héc-ta/tháng).

Nhằm tạo điều kiện cho các hộ tiêu thụ sản phẩm nhanh và gọn, trên địa bàn huyện đã có một vài vựa thu mua ốp trầu để cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Trung Quốc. Vị Thủy cũng đã hình thành Câu lạc bộ Vườn Trầu với nhiều thành viên có vườn trầu đậm nét quê. Cùng với Thiền Viện Trúc Lâm Hậu Giang, khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Làng Trầu Vị Thủy đã kết nối trục du lịch tâm linh gắn với sinh thái của Hậu Giang.

Hiện chính quyền địa phương đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục đăng ký cho thương hiệu Làng Trầu Vị Thủy. Đồng thời, hướng dẫn người dân trồng trầu theo phương pháp hữu cơ để đảm bảo an toàn và tạo cái nhìn thân thiện về miếng trầu.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Tây Ninh: Giá bí đỏ ổn định

Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, không tốn nhiều công lao động, thời gian thu hoạch ngắn, bí đỏ đã đem lại hiệu quả cao hơn so với các loại cây trồng khác ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Hơn nữa, chi phí đầu tư cho bí đỏ không cao, từ giống, phân bón, công lao động (hái đọt, tỉa bông...) chỉ tốn 40 triệu đồng/héc-ta. Đây là giống cây bò trên mặt đất, người trồng không phải đầu tư làm giàn so với các cây dây leo khác.

Thời gian gần đây, giá bí đỏ luôn ổn định ở mức trên dưới 8.500 đồng/kg nên bà con nông dân rất yên tâm. Thậm chí một số vườn bí đỏ chất lượng tốt đã được thương lái ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ngoài thu hoạch trái, một số gia đình còn tận dụng đọt và bông bí để bán làm rau, sau mỗi vụ thu hoạch thu về hơn 100 triệu đồng/héc-ta.

Hậu Giang: Giá chanh không hạt giảm

Nhà vườn trồng chanh không hạt ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện nay, các vựa, cơ sở thu mua chanh không hạt trên địa bàn huyện với giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Với mức giá này bà con trồng chanh chỉ hòa vốn chứ không có lãi.

Thực tế cho thấy, vào thời điểm này hàng năm, giá chanh không hạt thường giảm do đang vào mùa thu hoạch chanh chính vụ. Mặt khác, nhu cầu sử dụng chanh làm nước giải khát không nhiều khiến giá chanh giảm mạnh. Rút kinh nghiệm các năm trước, nhiều nhà vườn trồng chanh không hạt tại huyện Châu Thành chỉ để cây ra trái tự nhiên với số lượng ít bán trong thời điểm này. Còn lại, bà con xử lý để thu hoạch bán từ tháng 10 (âm lịch) tới đây. Khi đó, giá chanh thường ở mức hơn 15.000 đồng/kg và nguồn thu nhập từ chanh sẽ cao hơn.

Đà Lạt: Đặc sản hồng giòn vào vụ thu hoạch

Đầu tháng 9, đặc sản hồng giòn Đà Lạt và vùng phụ cận đã bắt đầu vào đầu vụ thu hoạch. Tại khu vực trồng hồng lớn nhất tỉnh Lâm Đồng là thị trấn D’ran (huyện Đơn Dương) và khu vực xã Xuân Trường, Xuân Thọ (TP. Đà Lạt) giá hồng trứng lốc (hồng giòn) được thu mua từ nhà vườn khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg. Trong khi đó, một số thương lái bán lẻ hồng giòn dưới chân đèo Prenn hay ngoài chợ Đà Lạt giá lên tới 25.000 đồng/kg, hồng chén (ăn chín) có giá 30.000 đồng/kg. Hiện nay, do vào đầu vụ nên giá thường khá cao do không nhiều nhà vườn có hồng chín. Tuy nhiên, mức giá trên chỉ duy trì được gần 1 tháng. Khi bước vào thu hoạch hồng chính vụ (từ cuối tháng 9 tới hết tháng 10) như mọi năm giá sẽ có xu hướng giảm. Nguyên nhân là trái hồng có đặc điểm chín đồng loạt, có thời gian bảo quản không dài cộng với việc hồng Trung Quốc giá rẻ được nhập về Việt Nam trà trộn với các loại hồng đặc sản Đà Lạt nên nhiều tư thương dễ dàng ép giá các nhà vườn.

Giá thịt lợn tăng nhẹ

Tại các tỉnh miền Bắc, giá thịt lợn tuần đầu tháng 9 có xu hướng tăng nhẹ. Cụ thể: Giá lợn hơi tại Thái Nguyên, Tuyên Quang tăng khoảng 1.000 - 1.500 đồng lên 52.000 - 52.500 đồng/kg. Tại Sơn La, Mai Châu, Điện Biên, giá lợn duy trì ở mức 52.000 - 54.000 đồng/kg.

Tại miền Trung, Tây Nguyên giá lợn hơi trung bình khoảng 49.000 đồng/kg. Như vậy, giá lợn hơi tại các địa phương đang dần thu hẹp khoảng cách, giá tại các tỉnh Bắc Trung bộ dao động trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg. Các tỉnh thuộc Trung và Nam Trung bộ đạt mức 47.000 - 49.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Đắk Lắk, Lâm Đồng vẫn ở mức 50.000 - 52.000 đồng/kg. Nhìn chung toàn miền, giá lợn hơi trung bình tại khu vực vẫn dưới 50.000 đồng/kg.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Sa Thầy (Kon Tum): Nông dân thu hoạch mì non vùng bán ngập

Khác với những vùng đất khác, trên vùng bán ngập của huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, bà con chỉ có thể trồng cây mì. Do có phù sa bồi đắp hàng năm nên mì trồng ở đây cho năng suất, sản lượng cao, nhiều bột, thu hoạch lại dễ dàng. Vụ mì năm nay do ảnh hưởng thời tiết, mưa lớn kéo dài nên diện tích mì trồng trên đất ruộng và đất bán ngập đều chìm trong nước. Tình hình này buộc bà con nông dân phải thu hoạch sớm. Thông thường mọi năm, tháng 11, tháng 12 bà con mới thu hoạch thì củ mì lớn, độ bột cao, năng suất, sản lượng hơn hẳn. Nhổ sớm củ nhỏ, chưa đủ độ bột, dẫn đến năng suất, sản lượng giảm nhưng mì không chịu được nước, ngập úng vài hôm là có dấu hiệu thối. Tuy nhiên, điều an ủi với người dân là thời điểm này giá thu mua mì đã tăng cao, đạt mức 2.300 đồng/kg. Bởi ngay sau khi xảy ra tình trạng mưa lũ gây ngập úng diện tích mì chưa đến kỳ thu hoạch, chính quyền địa phương đã làm việc với nhà máy của Công ty TNHH Tinh bột sắn Kon Tum về kế hoạch thu mua mì giúp bà con. Đồng thời, tổ chức vận động, hướng dẫn bà con thu hoạch mì chạy ngập. Chia sẻ khó khăn với bà con nông dân, nhà máy thuộc Công ty TNHH Tinh bột sắn Kon Tum bắt đầu mở cửa thu mua và vận hành dây chuyền sản xuất từ ngày 22/8/2018. Xe mì của bà con chở đến bao nhiêu, nhà máy thu mua bấy nhiêu với giá thị trường. Đặc biệt, việc trừ tạp chất và tính độ bột đều đảm bảo theo hướng có lợi nhất cho nông dân.

UBND huyện Sa Thầy đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng khó khăn của người dân để ép giá, độc quyền mua bán.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch ASF: Tăng cường chống buôn lậu heo

Ngày 30/8/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã có công điện khẩn gửi Ủy ban Nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bộ, ngành có liên quan phối hợp chỉ đạo triển khai một số nội dung ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi vào Việt Nam.

Theo đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các ban, ngành liên quan tăng cường công tác chống buôn lậu heo và các sản phẩm của heo từ nước ngoài vào Việt Nam; tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển heo và sản phẩm heo bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc qua biên giới, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới.

Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát đàn heo tại địa phương. Nếu phát hiện heo bệnh với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả heo châu Phi; hoặc nghi là heo, sản phẩm heo nhập lậu trái phép, cần lấy mẫu gửi Chi cục Thú y địa phương hoặc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương để chẩn đoán, xét nghiệm.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Cục Thú y thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu và địa bàn có nguy cơ cao. Các Chi cục Kiểm dịch động vật tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn và Quảng Ninh tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển bất hợp pháp heo và các sản phẩm heo vào Việt Nam; theo dõi diễn biến dịch bệnh để kịp thời triển khai giải pháp để ngăn chặn sự xâm nhiễm của bệnh dịch vào Việt Nam.

Thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cho biết, ngày 1/8/2018, bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc. Tính đến ngày 25/8, tổng cộng đã có 4 ổ dịch được Trung Quốc báo cáo cho OIE với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là gần 10.000 con. Vì tình hình dịch bệnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm và hạn chế việc vận chuyển heo liên tỉnh.

HÀNG VIỆT 

Thanh trà - Hương vị xứ Huế

Từ 31/8 đến 2/9/2018, lễ hội Thanh trà lần thứ 6 năm 2018 đã được tổ chức với chủ đề “Thanh trà - Hương vị xứ Huế”. Lễ hội thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan và mua sắm.

Tìm kiếm cơ hội ký kết hợp đồng

Tại lễ hội, có hơn 60 gian hàng trưng bày của các địa phương trồng bưởi thanh trà như: Thủy Biều (thành phố Huế), Phong Thu (huyện Phong Điền), Hương Vân (thị xã Hương Trà), Dương Hòa (thị xã Hương Thủy). Mỗi trái thanh trà ở các địa phương đều có hương vị đặc trưng riêng và nay được nâng tầm lên thành thương hiệu “Thanh trà Huế”. Lễ hội có nhiều hoạt động nhằm quảng bá, mở rộng thị trường phân phối sản phẩm quả thanh trà đến nhiều địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó còn có những hoạt động hưởng ứng trong khuôn khổ lễ hội như: Hội thi “Tiếng hót chim chào mào lần thứ 3 năm 2018”; không gian hàng “Nông sản – Thủ công - Ẩm thực”; các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian. Đặc biệt, trong năm nay, du khách tham gia lễ hội còn có cơ hội tham quan thực tế tại các vườn thanh trà và các điểm du lịch nổi tiếng bằng xe điện.

Lễ hội Thanh trà lần thứ 6 năm 2018 được địa phương đầu tư có quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm giới thiệu đến du khách tham gia và thưởng thức “Thanh trà Huế” và sản phẩm đặc sản Huế. Đây cũng là dịp để địa phương tìm kiếm cơ hội ký kết với các đối tác trong việc phân phối sản phẩm quả thanh trà, quả bưởi và các nông sản, thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng.

Trồng bưởi thanh trà kiểu mới

Trước đó, nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm bưởi thanh trà, Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên - Huế đã xây dựng mô hình “Thâm canh bưởi thanh trà đảm bảo an toàn thực phẩm”. Mô hình bước đầu đã khẳng định hiệu quả, năng suất quả trên các vườn tham gia mô hình, mẫu mã quả đẹp hơn, quả không nhiễm sâu bệnh. Mặc dù chưa tới thời kỳ thu hoạch nhưng hiện đã có các đơn vị tiêu thụ đặt mua sản phẩm thanh trà tham gia mô hình với giá cao. Tham gia mô hình, nhà vườn được hỗ trợ một phần vật tư như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, túi bao trái và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân từ đầu vụ nên vườn thanh trà cho năng suất khá cao. Đặc biệt, do quả được bao từ khi còn nhỏ nên ít nhiễm sâu bệnh, không tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật, mẫu mã quả đẹp. Trước thu hoạch 2 tháng, các nhà vườn đều không sử dụng bất kỳ loại phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật nào. Theo đánh giá của các hộ tham gia mô hình, thâm canh bưởi thanh trà đảm bảo an toàn thực phẩm là hướng đi mới nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chính sách ưu tiên để phát triển thanh trà Huế như: Triển khai quy hoạch vùng trồng bưởi thanh trà; hỗ trợ các mô hình khuyến nông để phát triển sản xuất; nghiên cứu về tình hình sâu bệnh gây hại để có biện pháp phòng trừ; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường… Đến nay, toàn tỉnh phát triển diện tích trồng cây thanh trà lên 1.100 héc-ta, tập trung nhiều tại các vùng đất phù sa bồi dọc theo sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu…

Ngoài việc mở rộng diện tích trồng bưởi thanh trà, người dân mong muốn các ban, ngành liên quan của tỉnh tiếp tục chú trọng việc nghiên cứu để cung cấp nguồn cây giống có chất lượng cao; mở các lớp nâng cao kỹ thuật trồng bưởi và thường xuyên hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu thanh trà Huế...

Bưởi thanh trà là một trong những cây ăn quả đặc sản nổi tiếng, chất lượng thơm ngon đã tồn tại và phát triển từ lâu đời và được trồng ở Huế. Những năm qua, thanh trà Huế đã có thương hiệu, trở thành trái cây quý để phục vụ khách du lịch, đồng thời là món ăn biểu trưng của văn hoá ẩm thực cố đô. Thanh trà Huế đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa vào năm 2008.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)