Thông tin giá cả thị trường số 37/2017

02:47 PM 26/09/2017 |   Lượt xem: 3667 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Bình Định: Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao

Bình Định là một trong những địa phương có đàn bò thịt lớn ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phát triển đàn bò thịt chất lượng cao nhằm tăng năng lực cạnh tranh, tăng giá trị chăn nuôi.

Từ một mô hình hiệu quả…

Trên thực tế, nghề chăn nuôi bò thịt đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần giải quyết việc làm ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, đàn bò trên địa bàn tỉnh chủ yếu là bò cỏ, dáng vóc, trọng lượng nhỏ, sản lượng thịt không cao. Việc phát triển chăn nuôi bò thịt còn nhiều hạn chế và thiếu tính bền vững. Quy mô chăn nuôi còn nhỏ, phân tán, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế… Đặc biệt, bà con nông dân khó tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển chăn nuôi, đầu ra sản phẩm không ổn định…

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao nông hộ giai đoạn 2015 - 2020. Theo đề án, quy mô đàn bò thịt đến năm 2020 tăng lên 520.000 con. Trong đó, đàn bò trong nông hộ 320.000 con và đàn bò của các doanh nghiệp 200.000 con. Tỷ lệ bò lai và bò ngoại thuần đến năm 2020 tăng lên 93,8%; sản lượng thịt bò hơi trong chăn nuôi nông hộ xuất chuồng đạt 48.405 tấn.

Để đạt được mục tiêu nói trên, tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác giống bằng cách lai tạo bò thịt chất lượng cao. Trong đó, đưa các loại giống bò thịt chất lượng cao Red Angus, Blanc Bleu Belge của thế giới để lai tạo trên nền bò cái lai F2 Zebu tại địa phương, tạo bê lai chất lượng cao dùng để nuôi thịt. Hai giống bò trên có trọng lượng lớn, thịt thơm ngon, đầu ra rất thuận lợi. Vì vậy, từ một số mô hình mang lại hiệu quả, đến nay có hàng ngàn nông hộ đầu tư chăn nuôi bò thịt chất lượng cao đã có thu nhập cao. Đây cũng là giải pháp mới và cơ bản để nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò thịt, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Tuy nhiên, để bò thịt tiếp tục trở thành mặt hàng cạnh tranh, cần phải đầu tư củng cố hệ thống thú y cơ sở, ưu tiên đầu tư trang thiết bị, bò đực giống để phục vụ công tác lai tạo; ưu tiên kinh phí khuyến nông, xây dựng mô hình trình diễn về chế biến thức ăn gia súc để chuyển giao cho nông dân.

… đến đẩy mạnh hỗ trợ người dân

Từ nay đến năm 2020, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án phát triển chăn nuôi bò thịt nông hộ chất lượng cao. Trước mắt, hỗ trợ bò giống cho nông dân Tuy Phước, Tây Sơn, Hoài Nhơn, Phù Mỹ xây dựng 11 mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, mỗi mô hình nuôi 10 con bê giống Red Angus và Blanc Bleu Belge theo hướng thâm canh. Đầu tư cho trạm thú y, trạm khuyến nông các địa phương bình chứa ni tơ và các trang thiết bị khác phục vụ công tác lai tạo bò. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng sẽ phát triển mô hình liên kết sản xuất giữa người chăn nuôi bò thịt (tổ hợp tác, nhóm cùng sở thích) với các doanh nghiệp tổ chức chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, liên kết trong phát triển chăn nuôi, trở thành đầu mối tiêu thụ bò thịt, bò giống, cỏ và các loại cây thức ăn khác phục vụ chăn nuôi bò, kết nối với các thị trường lớn trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.   

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Thương lái thu gom cả sầu riêng non

Trước cơn sốt giá sầu riêng tại các tỉnh Tây Nguyên, nhiều tiểu thương sẵn sàng đổ tiền vào các nhà vườn để thu mua sầu riêng non lẫn chín.

Tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, các nông dân đang phấn khởi khi sầu riêng được mùa, cao giá. So với đầu vụ, thời điểm hiện tại, một số loại sầu riêng chất lượng cao được thu mua với giá 54.000 đồng/kg - mức giá kỷ lục nhiều năm. Sầu riêng vụ này cho năng suất cao, quả to nên nông dân lãi lớn. Dự kiến mỗi héc-ta sầu riêng, nông dân có thể thu đến gần tỷ đồng. Thậm chí, nhiều thương lái sẵn sàng đặt cọc hoặc thu mua cả sầu riêng còn non trên cây.

Tại Đắk Nông, hiện nay đã vào cuối vụ thu hoạch sầu riêng. Theo đánh giá của ngành chức năng và nông dân, đây là vụ sầu riêng thắng lợi, với giá bán cao kỷ lục. Mặc dù đã cuối vụ thu hoạch nhưng nhiều điểm thu mua sầu riêng ở huyện Đắk Mil vẫn khá nhộn nhịp. Chủ một đại lý thu mua sầu riêng ở xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil cho biết, đối với sầu riêng truyền thống chỉ có giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg; đây là loại sầu riêng quả nhỏ, hạt to, có màu nâu sậm. Còn với giống sầu riêng ghép, quả to, cơm vàng, hạt lép, giữa vụ giá mua vào khoảng 40.000 đồng/kg, nhưng hiện giá đã lên mức 60.000 đồng/kg. Sầu riêng chủ yếu được thương lái đóng gói để chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ.

Huyện Đắk Mil hiện trồng khoảng 400 héc-ta sầu riêng, chiếm gần một nửa tổng diện tích sầu riêng của tỉnh Đắk Nông. Sầu riêng chủ yếu được nông dân trồng xen trong vườn cà phê. Nếu trồng thuần, bình quân mỗi héc-ta đạt năng suất từ 30 đến 40 tấn thì chỉ với giá bán bình quân 25.000 đồng/kg, mỗi héc-ta sầu riêng đã cho thu nhập cả tỷ đồng.

Đồng Tháp: Thêm 55 hộ được cấp chứng nhận sản xuất trái cây VietGAP

Trung tâm chứng nhận phù hợp Quacert Việt Nam đã cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP cho 55 hộ trồng cây có múi với diện tích 48,6 héc-ta của xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

Như vậy, đến thời điểm này, huyện Lai Vung đã có 3 tổ được cấp chứng nhận sản xuất theo hướng an toàn gồm: Tổ sản xuất quýt hồng xã Long Hậu, Tổ sản xuất cây có múi xã Vĩnh Thới được cấp chứng nhận VietGAP và Tổ sản xuất quýt đường xã Vĩnh Thới được cấp chứng nhận GlobalGAP với tổng số khoảng 75 hộ, diện tích hơn 60 héc-ta.

Hiện các ngành chức năng huyện Lai Vung đang tiếp tục mở 4 lớp tập huấn và huấn luyện sản xuất theo quy trình VietGAP, trong đó 2 lớp trồng cây có múi và 2 lớp trồng thanh long, có trên 100 nhà vườn đang theo học.

Thực tế thời gian qua cho thấy, khó khăn trong liên kết tiêu thụ nông sản địa phương là quy mô sản xuất của hộ nông dân Đồng Tháp còn nhỏ lẻ, không tuân thủ theo quy trình sản xuất của doanh nghiệp yêu cầu, chưa tạo được sự thống nhất giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ trong thực hiện hợp đồng cung ứng sản phẩm… Để tạo đầu ra ổn định cho nông sản, tỉnh Đồng Tháp cần tổ chức quy hoạch lại vùng sản xuất gắn với thị trường, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hỗ trợ kinh phí cho người sản xuất tái chứng nhận các tiêu chuẩn an toàn đảm bảo cho yêu cầu cung ứng xuất khẩu. Bên cạnh đó,  bà con cần nâng cao tính chủ động trong kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ, nâng cao vai trò của kinh tế tập thể trong xây dựng các vùng sản xuất và liên kết tiêu thụ. Các ngành chức năng như: Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần kịp thời có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc, làm tốt vai trò cầu nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương.

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

Bến Tre: Dừa khô khan hàng

Hiện nay, giá dừa khô ở xứ dừa Bến Tre ở mức từ 120.000 - 140.000 đồng/chục (12 quả). Đây là mức giá cao nhất so với từ trước đến nay. Tuy trái dừa khô giá tăng cao nhưng năng suất giảm nên nhà vườn không đủ hàng để bán cho thương lái.

Nguyên nhân khiến giá dừa tăng cao là do vào thời điểm này, số vườn dừa đến giai đoạn thu hoạch giảm; trong khi nhiều doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu các mặt hàng từ trái dừa khô tăng nên dẫn đến khan hàng, sốt giá. Nhà vườn tỉnh Bến Tre cho biết, thời gian gần đây giá dừa khô ở mức cao nên người dân rất phấn khởi tập trung chăm sóc vườn dừa. Bởi trên thực tế , giá dừa cứ đạt trên 80.000 đồng/chục người dân đã có lãi.

Cần Thơ: Dâu Hạ Châu sẽ còn tăng giá

Hiện đang vào mùa dâu Hạ Châu, loại trái cây đặc sản của huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Ngay từ đầu mùa, giá dâu đã tăng cao từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Hiện dâu Hạ Châu đang được nhiều tiểu thương và vựa thu mua trái cây thu mua với giá 18.000 - 19.000 đồng/kg. Giá dâu Hạ Châu tăng do đầu ra sản phẩm đang khá thuận lợi, được tiêu thụ tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và cả phía Bắc. Đặc biệt, thời điểm này mưa nhiều, trái dâu Hạ Châu có màu sáng đẹp, nhìn bắt mắt và vị thơm ngọt, được nhiều người tiêu dùng chọn mua.

Toàn huyện Phong Điền có gần 800 héc-ta dâu các loại, trong đó có khoảng 600 héc-ta dâu Hạ Châu. Năm nay, năng suất nhiều vườn dâu Hạ Châu giảm khoảng 20 - 30% so với các năm trước do ảnh hưởng của mưa trái mùa và các yếu tố thời tiết bất lợi. Dự báo, giá dâu Hạ Châu có khả năng còn tăng nhẹ và đứng ở mức cao trong thời gian tới.

Bình Định: Cau trái tăng giá, nhà vườn bội thu

Vụ thu hoạch cau năm nay, giá cau tươi trên địa bàn huyện An Lão, tỉnh Bình Định tăng mạnh, các nhà vườn có một vụ mùa bội thu. Hiện thương lái thu mua cau tại vườn với giá từ 22.000 đồng - 23.000 đồng/kg, tăng gấp 2 lần so với cùng thời vụ năm ngoái và đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Nhờ cau tươi có giá, nhiều hộ trồng cau ở các xã: An Trung, An Dũng, An Vinh, An Quang, An Nghĩa… có mức thu nhập đến vài chục triệu đồng/hộ.

Cau trái được mùa nên các lò sấy cau trái ở xã An Hòa, An Tân hoạt động hết công suất để kịp giao hàng cho các thương lái. Trung bình mỗi ngày mỗi lò sấy cau tại địa phương thu mua từ 3 - 4 tấn cau tươi, tạo việc làm cho 20 - 30 lao động nông nhàn tại địa phương, mỗi lao động có mức thu nhập từ vài triệu đồng đến hơn chục triệu/đồng/người/tháng tùy vào vị trí làm việc. Hầu hết cau sau khi sấy khô được xuất bán sang thị trường Trung Quốc.

Khoai lang miền Tây rớt giá

Hiện nay, trên địa bàn miền Tây, bà con nông dân đang bước vào mùa vụ thu hoạch khoai lang nhưng thương lái thu mua với giá khá thấp khiến nông dân bị lỗ.

Tại nhiều tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, Kiên Giang… giá khoai lang vẫn tiếp tục giảm sâu. Hiện tại khoai lang Nhật đang được cái thương lái thu mua tại đồng với giá chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/ kg, khoai lang đỏ 1.500 - 2.500 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng khoai lang đang bị lỗ.

Nhiều hộ trồng khoai lang cho biết, để trồng 1 héc-ta khoai lang phải đầu tư sản xuất từ 12 - 13 triệu đồng, sau 4 tháng cho thu hoạch năng suất từ 27 - 30 tấn/héc-ta. Trung bình giá thành sản xuất 1kg khoai bình quân mất 4.000 - 4.500 đồng, còn giá như thương lái đang mua vào thời điểm này, người trồng bị lỗ từ 2.000 - 2.5000 đồng/ kg.

CHUYỂN ĐỘNG -  THỊ TRƯỜNG

Bến Tre: Nông dân vẫn xuống giống vụ 3 bất chấp khuyến cáo hạn mặn

Mặc dù Bến Tre không chủ trương sản xuất vụ thu đông (lúa vụ 3) nhằm tránh hạn mặn nhưng nhiều người dân vẫn bất chấp rủi ro xuống giống để lấy rơm cho bò.

Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 6.300 héc-ta lúa vụ 3 nông dân đã xuống giống và diện tích này vẫn tiếp tục tăng khi người dân phớt lờ khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Tại hai huyện Ba Tri, Giồng Trôm, nhiều thủa ruộng người dân đã xuống giống vụ thu đông với mục đích chính là để lấy rơm nuôi  bò. Bởi trên thực tế, vào mùa khô rất khan hiếm rơm. Mặc dù biết, nguy cơ lúa có khả năng bị ảnh hưởng nếu mặn xâm nhập nhưng nhiều hộ dân vẫn làm liều. Nếu may mắn thì vừa có lúa vừa không phải đi mua rơm nuôi bò.

Mặc dù ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã có văn bản gửi các địa phương khuyến cáo về tình trạng hạn mặn trong vụ thu đông nhưng người dân vẫn xuống giống. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn khuyến cáo, nếu xảy ra hạn mặn dẫn đến thiệt hại, bà con sẽ không được hỗ trợ như những năm trước.

Nghệ An: Giá muối tăng kỷ lục

Quỳnh Lưu được xem là vựa muối lớn của tỉnh Nghệ An với hơn 600 héc-ta sản xuất, tổng sản lượng muối cung ứng ra thị trường hàng năm đạt khoảng 60.000 tấn. Vụ muối năm nay, hầu hết diêm dân ở đây đều phấn khởi vì giá thu mua tăng từng ngày.

Đặc biệt, từ tháng 7/2017 đến nay, các công ty chế biến muối xuất khẩu ở Hà Nội đã về Quỳnh Lưu ký hợp đồng thu mua muối với giá bán tại kho lên đến 2.300 - 2.500 đồng/kg. Mức giá này cao gần gấp rưỡi năm ngoái nên bà con diêm dân rất phấn khởi. Một trong những lý do khiến giá muối đạt được cao như vậy là do chất lượng muối đã được nâng cao. Hầu hết muối của diêm dân Nghệ An nhập lô chỉ làm sạch rác, xay nhỏ, tưới i-ốt và đóng gói chứ không cần thêm giảm một yếu tố nào. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhờ đầu tư cải tiến ô chạt lọc, sản xuất trên nền ô kết tinh nên chất lượng muối tốt, nhiều thị trường lớn thu mua khiến giá muối tăng kỷ lục. Vì vậy, gần đây, một số thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã thu mua và đánh giá muối Quỳnh Lưu đạt tiêu chuẩn.

Nhờ giá muối tăng mạnh, trên những cánh đồng muối, diêm dân Quỳnh Lưu bám đồng, bám nại, chạy đua với nắng nóng để sản xuất muối kịp bán cho các thương lái vào cuối ngày. Các thương lái cũng huy động mọi lực lượng, xe tải lớn vận chuyển và thu gom hàng. Tuy nhiên, do sức tiêu thụ cao nên nhiều khi không có muối để mua vì hầu hết muối dự trữ đã được thu mua hết sạch từ vài tuần trước.

Với tín hiệu vui này, hiện nay, diêm dân các xã vùng ven biển có truyền thống sản xuất muối của huyện Quỳnh Lưu như Quỳnh Yên, Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa, An Hòa, Quỳnh Thuận, Quỳnh Thọ… đã quay lại sản xuất muối. Địa phương cũng khuyến khích diêm dân khi sản xuất có lợi nhuận lấy vốn quay vòng đầu tư thay thế ô chạt lọc trên nền ô kết tinh để sản xuất muối sạch, đạt tiêu chuẩn đầu vào của các công ty lớn.

HÀNG VIỆT

Kon Tum: Dấu ấn những phiên chợ hàng Việt về nông thôn, biên giới

Thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thời gian qua, một trong những hoạt động trọng tâm được Sở Công Thương Kon Tum chú trọng triển khai là đưa hàng Việt về nông thôn, vùng biên giới. Các phiên chợ đã tạo nên những dấu ấn đặc biệt khi giúp “phủ sóng” hàng hóa sản xuất trong nước đến với bà con địa phương.

Cuối tháng 7/2017, phiên chợ đưa hàng Việt về huyện miền núi Đắk Tô, tỉnh Kon Tum đã được triển khai với quy mô 80 gian hàng. Phiên chợ có nhiều mặt hàng như: gia dụng, thực phẩm chế biến, điện tử, may mặc… đều là hàng Việt Nam có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Phiên chợ đã thu hút rất đông bà con đến thăm quan, mua sắm hàng hóa. Doanh thu các doanh nghiệp (DN) có được từ phiên chợ cũng rất khả quan.

Phiên chợ đưa hàng Việt về huyện miền núi Đắk Tô là một trong những hoạt động trong chuỗi chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới tỉnh Kon Tum. Trong gần 8 năm triển khai Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, một trong những hoạt động trọng tâm được Sở Công Thương tỉnh Kom Tum triển khai là vận động các DN trong và ngoài tỉnh tham gia chương trình hàng Việt về nông thôn; tham gia hội chợ thương mại tại các tỉnh bạn, hội chợ bán lẻ hàng Việt Nam đến khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh chủ trương đưa hàng Việt về vùng biên giới, tăng thị phần hàng Việt tại vùng biên.

Mỗi năm, tỉnh Kon Tum tổ chức khoảng gần 10 chuyến hàng lưu động, phiên chợ hàng Việt… tới các địa bàn vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Trong 7 tháng đầu năm 2017, tỉnh đã đưa 4 chuyến hàng Việt về nông thôn tại huyện Tu Mơ Rông, huyện Ngọc Hồi, huyện Kon Rẫy, huyện Đắk Tô với gần 3.000 lượt khách tham quan, mua sắm. Qua đó, nhiều mặt hàng sản xuất trong tỉnh, sản phẩm đặc trưng của núi rừng Kon Tum cũng được giới thiệu đến người tiêu dùng.

Điểm đặc biệt trong các chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới tỉnh Kon Tum là qua mỗi chuyến hàng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum đã lồng ghép công tác tuyên truyền giúp bà con hiểu về lợi ích thiết thực khi dùng hàng Việt Nam, tạo sức lan tỏa, nâng cao ý thức của người dân địa phương trong việc sử dụng hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, hàng hóa tại các phiên chợ luôn được bán với giá thấp hơn giá thị trường,  phù hợp với mức thu nhập. Tại các phiên chợ, người dân còn được nhiều DN tư vấn các thông tin cần thiết về cách phân biệt hàng thật - giả, cách sử dụng sản phẩm đúng kỹ thuật. Đây là hoạt động thiết thực bởi bà con các vùng khó khăn của Kon Tum dân trí thấp, không phải ai cũng biết cách phân biệt hàng hóa chính hãng.

Về phía các DN, chương trình đưa hàng Việt về phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới trong tỉnh đã giúp các DN tiếp cận thị trường, tăng thị phần cung cấp hàng hóa, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu, tập quán tiêu dùng. Qua đó, cải tiến mẫu mã, hoàn thiện sản phẩm với giá cả hợp lý phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời, tạo cơ hội cho người dân mua sắm các sản phẩm thiết yếu, từng bước thay đổi nếp nghĩ và tập quán tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất phát triển, cải thiện đời sống của người dân vùng biên.

Như vậy, có thể nói việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt về vùng nông thôn đã mang lại lợi ích kép cho cả DN và người tiêu dùng. Các phiên chợ đã từng bước góp phần làm thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tiêu dùng hàng hoá có chất lượng, có thương hiệu, hàng trong nước của người dân; đồng thời củng cố thêm niềm tin của DN vào thị trường nông thôn, tạo động lực để DN chủ động đưa hàng hoá về vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, xóa đi những “khoảng trắng” về hàng hóa Việt.

Để các chuyến hàng Việt về nông thôn, biên giới Kon Tum được thực hiện hiệu quả hơn, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt kinh phí xúc tiến thương mại địa phương là 405 triệu đồng (trong đó chưa cấp kinh phí tổ chức phiên chợ biên giới) gồm các đề án: Đưa hàng Việt về nông thôn các huyện, hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ năm 2017 và tổ chức hội chợ thương mại biên giới 2017, hỗ trợ xây dựng thương hiệu; tổ chức phiên chợ bán hàng Việt đến huyện biên giới.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Lào Cai ứng dụng công nghệ thông tin: Người tiêu dùng chủ động truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, thời gian tới, chỉ với thiết bị di động thông minh, người tiêu dùng đã có thể truy xuất nguồn gốc các loại đặc sản của tỉnh một cách dễ dàng.

Trước mắt, hơn 100 dòng sản phẩm của 16 doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu của tỉnh đã được dán tem điện tử để phục vụ tra cứu truy xuất. Các sản phẩm đầu tiên này chủ yếu là mặt hàng nông sản sạch gắn với các thương hiệu nổi tiếng của địa phương như: cá nước lạnh và nấm hương Sa Pa, thịt trâu sấy Bảo Yên, lợn đen Bắc Hà, gạo Séng Cù, tương ớt Mường Khương, miến đao Bát Xát…

Lào Cai là địa phương thứ 4 trong cả nước (sau Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng) triển khai ứng dụng hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản.

Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm có thể thực hiện nhanh chóng thông qua phần mềm quét mã QR code cài đặt trên thiết bị di động có gắn camera. Sau khi quét, trên màn hình thiết bị sẽ hiển thị đầy đủ các thông tin chi tiết liên quan đến sản phẩm, bao gồm nơi sản xuất, giấy chứng nhận, kênh phân phối, cơ sở sản xuất…

Trong thời gian tới, các dòng sản phẩm được dán tem điện tử sẽ tiếp tục được mở rộng. Đồng thời, địa phương sẽ tổ chức các đợt tuyên truyền, tập huấn cho người tiêu dùng về cách sử dụng điện thoại để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm hướng tới thay đổi nhận thức trong thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân.

Nghệ An: Tiến tới dán nhãn cho cam Vinh

Cam là sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh Nghệ An. Thời gian qua, cam Vinh đã khẳng định được vị trí và thương hiệu của mình trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng chọn mua.

Năm 2007, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố vùng chỉ dẫn địa lý “cam Vinh” bao gồm cam trồng tại 12 xã của 5 huyện ở Nghệ An với diện tích gần 2.000 héc-ta cam. Tỉnh Nghệ An cũng đã quy hoạch vùng trồng cam đến năm 2020 là hơn 8.000 héc-ta.

Về giống, cam Vinh bao gồm: xã Đoài 1 (cam xã Đoài trồng tại xã Đoài, huyện Nghi Lộc, Nghệ An); xã Đoài 2 (cam xã Đoài trồng ở vùng khác); Vân Du và Sông Con.

Tuy nhiên, những năm gần đây, chính sự nổi tiếng của cam Vinh nên nhiều loại cam nhái đã đội lốt cam Vinh khiến người tiêu dùng khó phân biệt được thật - giả. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ sớm hoàn thiện quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vinh” đối với sản phẩm cam quả của tỉnh. Trong đó, chú trọng không để xảy ra tình trạng lạm dụng tem chỉ dẫn, làm mất uy tín thương hiệu. Số lượng tem, logo được cấp phải căn cứ trên số lượng cam thực tế sản xuất được của nhà vườn. Đặc biệt, việc dán tem không phải do người kinh doanh dán mà được dán từ người sản xuất. Đây cũng là giải pháp để người tiêu dùng nhận biết, phân biệt cam Vinh với các sản phẩm khác. Đồng thời cũng là cơ để xử lý các hành vi buôn bán cam nhái nhãn hiệu cam Vinh.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)