Thông tin giá cả thị trường số 37/2016

04:07 PM 06/01/2017 |   Lượt xem: 5465 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Thị trường Hồ tiêu: Mừng ít lo nhiều

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2016, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam có thể đạt hơn 1,35 tỷ đô-la Mỹ. Dù vẫn giữ kỷ lục sản xuất và xuất khẩu số một thế giới suốt 14 năm liền nhưng hồ tiêu Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức khi diện tích trồng tiêu đang tăng nóng, khó kiểm soát…

Giá tiêu giảm

Trong quy hoạch phát triển hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000 héc-ta, sản lượng đạt 140.000 tấn/năm. Nhưng năm 2016 cả nước đã có tới 101.000 héc-ta trồng hồ tiêu, cao gấp hơn 2 lần so với quy hoạch. Trong đó, vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ chiếm 93,5% diện tích tiêu cả nước.
Việc người dân các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ đổ xô vào trồng tiêu làm cho diện tích cây tiêu tăng mạnh khiến cho nguồn cung dồi dào nên các nhà đầu cơ, doanh nghiệp ép giá thu mua để kiếm lời. Thực tế, giá thu mua hạt tiêu đen trong nước liên tục giảm trong những tháng vừa qua.

Theo VPA, tại thị trường nội địa, giá thu mua hạt tiêu đen trong tháng 11/2016 tiếp tục giảm so với tháng trước khoảng 10.000 đồng/kg và hiện đang ở mức thấp so với tháng 3 đầu năm nay. Cụ thể, trung bình giá thu mua tiêu đen xô tại Gia Lai là 128.000 đồng/kg, Bà Rịa - Vũng Tàu 132.000 đồng/kg, Đắk Lắk và Đồng Nai cùng ở 129.000 đồng/kg, trong khi vào cao điểm giữa năm 2016 hồ tiêu có giá lên đến 170.000 - 180.000 đồng/kg.

Không chỉ riêng giá nội địa mà giá hồ tiêu xuất khẩu cũng giảm mạnh trong năm nay. Tính trong 10 tháng qua, giá xuất khẩu bình quân tiêu đen chỉ đạt 7.726 đô-la Mỹ/tấn, tiêu trắng đạt 11.329 đô-la Mỹ/tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, giá xuất khẩu tiêu đen giảm 1.232 đô-la Mỹ/tấn, tiêu trắng giảm 1.533 đô-la Mỹ/tấn. Nguyên nhân của việc sụt giảm giá tiêu hiện nay được cho là do tác động của thị trường thế giới khi nhu cầu có phần chững lại, còn nguồn cung lại tăng mạnh.

Bà Nguyễn Mai Oanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VPA cho rằng, giá tiêu tiếp tục giảm vì chất lượng hồ tiêu Việt Nam hiện nay không đảm bảo yêu cầu của một số nước vì chạy theo năng suất mà đang bỏ qua chất lượng và an toàn thực phẩm. Những lô hàng hồ tiêu của Việt Nam trước khi xuất khẩu đều phải trải qua quá trình kiểm định. Nếu chất lượng, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên hạt tiêu không đảm bảo yêu cầu của thị trường nhập khẩu thì doanh nghiệp cũng không xuất đi nữa.

Phát triển cả chất và lượng

Tại diễn đàn “Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên” diễn ra mới đây, ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho hay, hồ tiêu là loại cây công nghiệp chủ lực có hiệu quả kinh tế cao của các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Tuy nhiên để sản xuất tiêu đạt hiệu quả cao, các ngành chức năng và các địa phương cần có quy hoạch tổng thể về diện tích, phân bố vùng trồng; có chính sách hỗ trợ vốn vay; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn liên kết sản xuất, thị trường tiêu thụ cho người sản xuất. Bên cạnh đó, người trồng cũng cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật canh tác, kiểm soát dịch bệnh nhằm tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên được coi là “thủ phủ” hồ tiêu cả nước, cần làm chủ được nguồn giống tốt cho năng suất cao, nghiên cứu chọn lọc giống tiêu. Cục Trồng trọt đang phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát và quản lý phát triển sản xuất cây hồ tiêu, không để người dân tự ý phát triển cây hồ tiêu ngoài vùng quy hoạch. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết để áp dụng tốt các kỹ thuật canh tác tiên tiến, đảm bảo an toàn, truy xuất được nguồn gốc và nâng cao vị thế trong tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu.

Ông Đỗ Hà Nam cảnh báo, nếu thời gian tới, chất lượng hạt tiêu không được cải thiện thì sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ đi xuống, đặc biệt là khi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chuẩn bị ban hành một số quy định mới về tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá nông sản vào Mỹ, trong đó có hồ tiêu Việt Nam. Lúc đó, với diện tích mở rộng ồ ạt lại thiếu kiểm soát chất lượng như hiện nay, nguồn cung hồ tiêu của nước ta sẽ dư thừa, gây rủi ro lớn cho hàng ngàn hộ nông dân trồng hồ tiêu. Trong khi, Mỹ đang là thị trường nhập khẩu hồ tiêu chính của Việt Nam, chiếm tới 23% tổng lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam.

Các địa phương cần quy hoạch lại diện tích hồ tiêu để phát triển bền vững

Ðồng Tháp: Giá ếch giống giảm mạnh

Các hộ nuôi ếch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang gặp nhiều khó khăn khi giá ếch thịt liên tục sụt giảm mạnh, người nuôi thua lỗ nhưng vẫn không bán được. Hiện, giá ếch thịt được thu mua với giá 21.000 - 23.000 đồng/kg (loại 3 - 5 con/kg), giảm hơn 30.000 đồng/kg so trước. Với giá bán này trung bình người nuôi bị lỗ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Giá ếch thịt giảm kéo theo giá ếch giống cũng giảm 1.000 - 2.000 đồng/con so thời điểm trước. Mặt khác, giá thức ăn tăng, tình hình dịch bệnh xuất hiện nhiều làm tăng chi phí đầu tư chăn nuôi. Hiện, có hơn 800 hộ nuôi ếch ở các huyện Hồng Ngự, Tháp Mười, Lấp Vò với 3 triệu con ếch các loại. Việc chăn nuôi không theo quy hoạch và không có định hướng đầu ra dẫn đến tình trạng bị ép giá và quá lứa khó tiêu thụ.

Ðắk Lắk: Thu lợi nhuận cao từ khoai lang ruột vàng Nhật Bản

Thời gian gần đây, nông dân xã Cư Đliê M’nông, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đã thu lợi nhuận cao từ việc đưa giống khoai lang ruột vàng Nhật Bản vào trồng thử nghiệm trong vườn cà phê tái canh. Vỏ củ khoai lang phát triển dày, trong quá trình thu hoạch, vận chuyển tránh được tình trạng trầy xước nên giá thành thu mua luôn đạt cao. Trên địa bàn xã Cư Đliê M’nông hiện có trên 130 héc-ta khoai lang ruột vàng Nhật Bản, tập trung chủ yếu tại buôn H’đing và buôn Đrao, bước đầu đã cho nông dân nhu nhập khá cao. Trồng khoai lang ruột vàng còn tạo công ăn việc làm cho các công nhân tại địa phương trong mùa chăm sóc cũng như thu hoạch. Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng khoai lang ruột vàng Nhật Bản, hiện nay nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi nhiều diện tích cây cao su, cà phê già cỗi kém năng suất sang trồng khoai lang trong thời gian chờ đất nghỉ để tái canh. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để khoai lang ra nhiều củ và chất lượng, đòi hỏi người trồng phải thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện và phòng trừ các loại bệnh thường gặp và phải thu hoạch đúng thời vụ. Đồng thời, chính quyền địa phương cần có quy hoạch, kiểm soát các loại cây trồng và giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để cây khoai lang có hướng phát triển bền vững.

Hà Tĩnh: Ðược mùa sò lông

Tuần qua, tại biển Thạch Hải (Thạch Hà, Hà Tĩnh) rất nhiều tấn sò lông xô dạt vào bờ biển dày đặc, số lượng ước tính lên tới hàng chục tấn. Trên thực tế, sò trôi dạt vào bờ biển không phải là hiện tượng lạ. Thường lệ, cứ vào tháng 11 âm lịch hàng năm, mỗi khi biển động, sò lông thường bị sóng cuốn vào bờ. Nhưng thời điểm này sò dạt vào bờ nhiều và còn sống nên người dân hồ hởi ra vớt về bán, kiếm thêm thu nhập. Trung bình mỗi hộ gia đình mỗi ngày được 5 - 7 tạ sò lông, sau đó đưa lên rửa sạch và sơ chế ngay tại bãi biển bán cho các nhà hàng. Giá sò lông bán ra thị trường dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Theo phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Thạch Hà, để an toàn cho người sử dụng phòng sẽ phối hợp với cơ quan y tế xuống lấy mẫu kiểm tra nhằm giúp người dân yên tâm sử dụng.

Ðồng bằng sông Cửu Long: Giá tôm nguyên liệu tăng

Những ngày gần đây, giá tôm nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng lên mức kỷ lục so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, giá tôm sú loại 20 con/kg được doanh nghiệp thu mua với giá 330.000 đồng/kg, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôm thẻ chân trắng loại 40 con/kg cũng tăng khoảng 15%, lên mức 160.000 đồng/kg. Tại Kiên Giang, giá tôm sú nguyên liệu ở mức 195.000 đồng/kg (loại 30 con)/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 10. Còn tại Bạc Liêu, giá tôm sú đã ở mức 215.000 đồng/kg (loại 30 con), tăng 15.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù giá tôm tăng cao nhưng hiện người nuôi gần như không còn tôm để bán. Điều này đã khiến các nhà máy thiếu nguyên liệu trầm trọng và gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi doanh nghiệp đang phải hoàn tất việc giao hàng xuất khẩu cho kịp Tết Dương lịch 2017. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một thời gian dài giá tôm xuống thấp, người nuôi tôm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giảm sản lượng khiến lượng cung hiện không đủ cầu cho các nhà máy, vì vậy giá tôm đã tăng vọt lên.

BÁN GÌ

Miền Tây: Hàng khô thiếu nguyên liệu

Nhiều cơ sở chế biến khô hải sản các tỉnh ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, đang tăng mức thu mua nguyên liệu từ giữa tháng 10 âm lịch để chuẩn bị hàng bán tết. Tuy nhiên, đến thời điểm này các mặt hàng tôm, cá, mực khô… đã tăng giá mạnh vì khan hàng. Các địa lý đã đăng ký đặt hàng từ cả tháng trước nhưng đến thời điểm này lượng thu mua được không nhiều. Thất mùa, sản lượng đánh bắt cá lù đù, cá khoai, cá đuối, mực… đều giảm. Vì vậy, các mặt hàng khô đều có xu hướng tăng giá. Cụ thể: Tôm khô loại 1 giá 1,2 - 1,3 triệu đồng/kg; tôm loại 2 tăng lên mức 1 triệu đồng/kg, tăng 10 - 15% so cùng kỳ. Loại khô cá khoai hàng tuyển lựa con lớn, ngon, chế biến thành phẩm giá 400.000 đồng/kg; khô mực loại 1 ra chợ giá 900.000 đồng/kg, loại 2 giá 800.000 đồng/kg, tăng bình quân so năm trước 100.000 đồng/kg.

Sơn La: Quýt Chiềng Cọ mang lại hiệu quả cao

Sơn La là vùng có khí hậu đặc trưng rất thích hợp cho cây quýt sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, do không chú trọng khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nên giống quýt này bị lai tạp, khiến năng suất và chất lượng không ổn định, dẫn đến chưa có sức cạnh tranh trên thị trường. Trong vài năm trở lại đây, chính quyền và người dân trong xã đã cùng cải tạo lại vườn quýt, bước đầu cho kết quả khả quan. Thậm chí, cán bộ khuyến nông địa phương đã hướng dẫn bà con tỉa cành, tạo tán, bón phân, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh hại... nhằm đạt năng suất cao. Hiện nay, với giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, mỗi hộ gia đình có thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/năm.

Hiện xã Chiềng Cọ có gần 100 hộ dân có vườn quýt, với tổng diện tích gần 10 héc-ta. Thời gian tới, ngoài đầu tư chăm sóc tốt diện tích hiện có, xã đang có kế hoạch mở rộng diện tích cây quýt để thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả khác.

Giá cá tra tăng mạnh

Những tháng cuối năm 2016, giá cá tra vọt lên từ 22.000 – 23.000 đồng/kg khiến người nuôi phấn khởi. Hiện giá cá quá lứa, từ 2 – 2,5 kg/con bán với giá 21.700 – 22.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo đánh giá của các hộ nuôi với tình hình hiện nay, người nuôi cá tra khéo lắm cũng chỉ lời từ 500 – 1.000 đồng/kg. Nếu thiếu kinh nghiệm chắc chắn phải chịu lỗ hoặc hòa giá. Nguyên nhân chính là do giá thức ăn tăng, con giống, xăng dầu, công lao động cũng tăng mà giá đầu ra thì lại thấp. Theo tính toán, muốn có 100 tấn cá nguyên liệu, người nuôi phải đầu tư gần 2 tỷ đồng. Nếu giá bán dưới 22.000 đồng/kg, người nuôi sẽ không có lời. Do vậy, thời gian qua, nhiều chủ nuôi đành phải treo ao vì thiếu vốn.

Thịt lợn sạch đắt hàng

Để đáp ứng yêu cầu tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo, nhiều chủ trang trại đã đầu tư hệ thống chuồng trại hiện đại hơn, với quy trình chăn nuôi khép kín từ khâu chọn con giống đến thức ăn, đảm bảo vệ sinh chuồng trại… Tại các trang trại và cơ sở giết mổ, quá trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ... đều được kiểm soát và giám sát chặt chẽ. Mặc dù giá heo trên thị trường hiện đang đứng ở mức thấp, chỉ còn 34.000 - 37.000 đồng/kg, nhưng heo được nuôi theo quy trình VietGAP và tham gia chương trình truy xuất được mua với giá cao hơn heo nuôi thông thường, dao động từ 39.000 - 40.000 đồng/kg nên người chăn nuôi cũng an tâm hơn. Nhưng điều mà nhiều người chăn nuôi lo lắng nhất là nguy cơ xảy ra hiện tượng trộn heo không đảm bảo chất lượng với heo nuôi VietGAP trong quá trình vận chuyển, gây ảnh hưởng đến những người chăn nuôi sạch.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Thị trường Hồ tiêu: Mừng ít lo nhiều

Năm 2017, 100% hộ nuôi tôm, cơ sở thu mua và chế biến tôm phải ký cam kết không bơm tạp chất (agar - rau câu) vào trong tôm. Ðây là nội dung chính trong Quyết định 2419/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất có hiệu lực kể từ ngày 13/12/2016.

4 tỉnh trọng điểm ký cam kết

Theo đó, mục tiêu cụ thể là đến hết năm 2016, 4 tỉnh trọng điểm về chế biến, xuất khẩu tôm là: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang tổ chức ký cam kết cho các cơ sở nuôi, cơ sở thu mua, chế biến tôm trên địa bàn không đưa tạp chất vào tôm và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Đến năm 2017, 100% người nuôi tôm ở 4 tỉnh nói trên ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm và không mua, chế biến tôm có tạp chất là agar hay còn gọi là rau câu. Năm 2018, sẽ chấm dứt hoàn toàn tình trạng này trên phạm vi cả nước.

Để làm được việc này, Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh cùng thực hiện. Tuy nhiên, trong quyết định này không đưa ra một mức chế tài hay mức phạt cụ thể, vì thế, Chính phủ giao cho Bộ Công an cùng các bộ liên quan xác định tội danh đối với hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất và ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn theo Luật Hình sự. Trong trường hợp không xác định được tội danh tương ứng trong Bộ luật Hình sự, Bộ Công an phối hợp với các bên để có phương án báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, bổ sung vào tội hình sự.

Câu chuyện tôm bơm tạp chất đã tồn tại từ nhiều năm qua nhưng thực tế vẫn không thể kiểm soát được. Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, khi giá tôm nguyên liệu trên thị trường tăng cao, cũng là thời điểm số lượng tôm bơm tạp chất càng tăng. Tạp chất để bơm vào tôm thường là agar hay còn gọi là rau câu. Đây là một hình thức gian lận thương mại, làm cho con tôm nặng lên khi bán cho doanh nghiệp chế biến chứ không ảnh hưởng đến chất lượng thịt tôm.

Ðẩy lùi nạn bơm tạp chất, kiểm soát hóa chất, kháng sinh trong tôm

Với quyết tâm đẩy lùi nạn bơm tạp chất, kiểm soát hóa chất, kháng sinh trong tôm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị “Triển khai đề án kiểm soát, ngăn chặn tạp chất và kế hoạch kiểm soát hóa chất kháng sinh, tạp chất trong tôm”. Báo cáo của tỉnh Cà Mau cho biết, trong năm 2016, các cơ quan chức năng trực thuộc Sở NN&PTNT Cà Mau đã triển khai 64 đợt kiểm tra, phát hiện 57 vụ, với gần 12 tấn tôm nguyên liệu có chứa tạp chất, xử phạt hành chính trên 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra, công an địa phương, Chi cục Quản lý thị trường của tỉnh cũng đã kiểm tra và xử lý thêm 36 vụ vi phạm bơm tạp chất vào hơn 9 tấn tôm nguyên liệu. Tại Bạc Liêu, thống kê trong vòng 3 năm qua, ngành chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra 100 lượt, phát hiện tới 44 trường hợp sai phạm, với số lượng tôm có chứa tạp chất hơn 6,9 tấn, xử phạt hơn 2,1 tỷ đồng. Một số tỉnh khác cũng đã manh nha phát hiện và xử phạt. Tuy nhiên, tình hình bơm tạp chất, lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong tôm vẫn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, Bộ đặt mục tiêu đến năm 2018, cơ bản không còn tình trạng bơm tạp chất vào tôm; đồng thời, đề nghị các địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Quyết định của Trung ương về vấn đề trên. Đối với các địa phương, lãnh đạo đứng đầu từ trưởng thôn, ấp, chủ tịch UBND xã, chủ tịch UBND huyện, tỉnh phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra hiện tượng bơm tiêm tạp chất vào tôm. Đối với Sở NN&PTNT các tỉnh phải nhanh chóng lập danh sách các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ tôm trong tỉnh và phối hợp với công an, quản lý thị trường thanh tra đột xuất. Đối với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cần xác định nhiệm vụ “ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất” là một trong các nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Lâm Ðồng: Khó thu hái cà phê do mưa kéo dài

Hiện đang là thời gian cao điểm thu hoạch cà phê của nông dân tỉnh Lâm Ðồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Tuy nhiên, do diễn biến mưa nắng thất thường, mưa kéo dài đã gây khó khăn cho người dân, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cà phê nhân.

Huyện Di Linh - một vùng chuyên canh cây cà phê nhiều nhất tỉnh Lâm Đồng, nhiều vườn cà phê chín đỏ không có người thu hái. Hiện có khoảng 41.680 héc-ta cà phê tại đây đang cho thu hoạch. Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch khoảng 70% diện tích. Nhưng trong những ngày qua, những cơn mưa kéo dài, xuất hiện liên tục khiến việc thu hoạch cà phê của người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, mưa kéo dài cùng với việc thiếu nhân công lao động nên cà phê đã đến kỳ thu hoạch rụng trái rất nhiều.

Trong khi đó, tại huyện Đức Trọng có hơn 16.000 héc-ta cà phê kinh doanh. Tại các xã Tà Hine, Tà In, Hiệp Thạnh, nhiều vườn cà phê đã chín rộ, có vườn quả đã thâm đen do chưa kịp thu hái dẫn đến rơi, rụng xuống gốc. Do năm nay thời tiết thất thường, người dân thu hoạch cà phê tương đối muộn, tới đầu tháng 12 năm nay sản lượng thu hoạch mới đạt khoảng 40%, trong khi mọi năm đạt từ 60 - 70%.

Nhiều nơi hoa cà phê nở sớm khiến tỷ lệ trái đậu thấp, trong khi bình thường sau khi thu hoạch khoảng 1 tháng cà phê hồi sức mới ra hoa đồng loạt, trái đậu tỷ lệ cao nhất. Hiện nay, theo thói quen hầu hết người dân thấy trời nắng đều xay hạt tươi để phơi, không phơi nguyên trái do thời gian kéo dài gấp 3 lần, giảm đáng kể thời gian phơi phóng. Tuy nhiên, do mưa đột ngột và độ ẩm cao sẽ làm thâm đen nhân khiến chất lượng nhân cà phê bị giảm đáng kể. Ngành nông nghiệp khuyến cáo, với thời tiết hiện nay, người dân cần đặc biệt chú ý đến khâu bảo quản nông sản đã thu hái, tránh để ẩm mốc sẽ dẫn đến đen nhân, làm giảm chất lượng nông sản và giá cả mùa vụ.

Ðồng Nai: Giá chuối xuất khẩu giảm mạnh

Hơn 1 tháng nay, giá chuối xuất khẩu giảm mạnh khiến người trồng ở Ðồng Nai điêu đứng. Tại các xã Xuân Phú, Lang Minh, huyện Xuân Lộc, giống chuối già cấy mô cung cấp cho thị trường xuất khẩu bán ra chưa được 2.000 đồng/kg.

Ngoài việc giá giảm, thương lái cũng không thu mua khiến nhiều nông dân để mặc chuối chín đầy vườn. Nhiều hộ gia đình đã băm chuối làm thức ăn cho heo và cá. Trong khi đó, khoảng 3 năm trở lại đây, người dân ồ ạt chuyển sang trồng chuối già xuất khẩu vì thấy mặt hàng này liên tục đứng ở giá cao, có thời điểm sốt đến 15.000 – 16.000 đồng/kg. Nhiều người thế chấp sổ đỏ, nhà cửa vay vốn ngân hàng để đầu tư.

Khác với các loại chuối cau, chuối sứ, chuối bơm... chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa, mặt hàng chuối già xuất khẩu hiện hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Việc tiêu thụ đều theo hình thức mua đứt bán đoạn, giá biến động theo ngày. Chỉ cần thương lái xuất đi Trung Quốc ngừng hoặc tạm ngưng thu mua, giá chuối ngay lập tức sẽ giảm mạnh. Nhiều thương lái dự báo, năm nay giá chuối già xuất khẩu khó đạt được mức tốt như mọi năm vì sản lượng chuối này đang tăng quá nhanh.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu chuối rất giàu tiềm năng. Ngoài thị trường Trung Quốc, những thị trường khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc... lại yêu cầu cao hơn về chất lượng. Vì vậy, bà con nông dân nên nghĩ theo hướng lâu dài hơn, hợp tác với doanh nghiệp để có đầu ra bền vững, không còn rủi ro như cách chạy theo phong trào hiện nay.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Cà Mau: Giá cá bổi giảm

Mặc dù đã bước vào thời điểm thu hoạch để cung ứng cá bổi thương phẩm cho các cơ sở làm khô kịp phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2017, nhưng bà con huyện Trần Văn Thời và U Minh (Cà Mau) đang lo lắng vì giá cá giảm chỉ còn 20.000 - 23.000 đồng/kg.

Với mức giá này, hầu hết các hộ gia đình nuôi cá bổi đều có xu hướng “treo ao” chờ giá tăng. Một số hộ cho biết, hiện cá đã tới kỳ bán nhưng họ chưa dám thu hoạch vì giá ở mức quá thấp, không đủ chi phí thức ăn. Vụ cá năm ngoái, giá cá bổi loại 8 con/kg từ 50.000 - 52.000 đồng/kg, bây giờ chỉ còn từ 28.000 - 29.000 đồng/kg, giảm gần một nửa.

Trên thực tế, vụ cá bổi hằng năm là nguồn thu nhập chính của bà con nông dân để chuẩn bị cho cái tết sung túc, còn năm nay coi như mất tết. Nguyên nhân chính khiến cá bổi mất giá là do thời gian gần đây các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã mở rộng diện tích nuôi cá bổi. Từ đó, cạnh tranh với nguồn cá bổi thương phẩm của tỉnh Cà Mau. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ khô cá bổi không mở rộng trong khi nguồn cung tiếp tục tăng. Hiện nay, ngoài tỉnh Cà Mau, các tỉnh như: Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, TP. Cần Thơ cũng đã có nuôi cá bổi với số lượng lớn.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Cà Mau đã đề nghị đánh giá lại việc sử dụng nhãn hiệu tập thể, khảo sát lại tính hiệu quả của các sản phẩm thủy sản. Trong thời gian tới, các ngành chức năng sẽ tiếp tục kiểm soát chất lượng đầu vào, đầu ra của nhãn hiệu khô cá bổi U Minh. Đồng thời, tổ chức sản xuất lại, hướng dẫn bà con nâng cao hiệu quả sản phẩm nhưng đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, vận động các cơ sở sử dụng nhãn hiệu tập thể khô cá bổi U Minh có ý thức tuân thủ quy trình sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, không làm ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm.

Trà Vinh: Xây dựng cánh đồng lớn được hỗ trợ

Mô hình cánh đồng mẫu lớn” là nền tảng góp phần thực hiện CNH - HĐH nông nghiệp - nông thôn trong việc hướng đến sản xuất hàng hóa mang tính tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng và hạn chế được các rủi ro, dịch bệnh… Đồng thời, mô hình đã giúp cho nông dân từng bước tiếp cận được quy trình sản xuất tiên tiến; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng lúa hàng hóa. Đặc biệt, đối với đồng bào Khmer (chiếm trên 80% số hộ tham gia mô hình) đã có một sự chuyển biến tích cực trong việc tiếp cận với mô hình, đem lại hiệu quả thiết thực.

Trong năm 2017, tỉnh Trà Vinh sẽ hỗ trợ tham gia xây dựng cánh đồng lớn. Theo đó, đối với tổ chức đại diện của nông dân như hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, được hỗ trợ chi phí thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), công lao động, thuê máy để thực hiện dịch vụ BVTV. Các mức hỗ trợ như sau: Đối với cây lúa năm thứ nhất 750.000 đồng/héc-ta/vụ, năm thứ 2: 500.000 đồng/héc-ta/vụ. Cây màu: năm thứ nhất 550.000 đồng/héc-ta/vụ, năm thứ 2: 350.000 đồng/héc-ta/vụ. Cây công nghiệp ngắn ngày năm thứ nhất: 600.000 đồng/héc-ta/vụ, năm thứ 2: 400.000 đồng/héc-ta/vụ. Cây ăn trái, cây dừa năm thứ nhất 750.000 đồng/héc-ta/vụ, năm thứ 2: 500.000 đồng/héc-ta/vụ. Đối với nông dân (hộ gia đình, cá nhân, trang trại) hỗ trợ 30% chi phí mua giống cây giống để gieo trồng vụ đầu tiên trong dự án hoặc phương án cánh đồng lớn; với cây lúa (giống có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận trở lên) 600.000 đồng/héc-ta. Ngoài ra, đối với cây lương thực, cây màu thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái cũng đều có mức hỗ trợ.

Trước đó, tỉnh Trà Vinh cũng đã ban hành quy định tiêu chí quy mô diện tích tối thiểu cánh đồng lớn đối với cây lúa 100 héc-ta, các loại cây ngắn ngày 20 héc-ta, cây màu lương thực 20 héc-ta, màu thực phẩm 10 héc-ta, dừa và cây ăn trái 50 héc-ta...

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)