Thông tin giá cả thị trường số 35/2016

04:08 PM 20/12/2016 |   Lượt xem: 5078 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Lục Ngạn (Bắc Giang): Cây cam “bội thu” trên “đất vải”
 
Lục Ngạn là vùng được mệnh danh là “đất vải” từ rất lâu, tuy nhiên bằng sự sáng tạo và không ngừng học hỏi, nhiều hộ dân tại Lục Ngạn đã mạnh dạn chuyển dịch diện tích trồng vải sang trồng cam. Thổ nhưỡng phù hợp khiến giống cây trồng này sinh trưởng, phát triển tốt, cho sản lượng, năng xuất và chất lượng cao, rất được ưa chuộng trên thị trường hiện nay.
 
Ðược mùa, được giá

Trên khắp các nhà vườn, người nông dân đang tất bật hái những quả cam chín vàng mọng nước. Năm nay, cam đầu vụ được mùa, được giá, hứa hẹn một “mùa vàng” với người trồng cam Lục Ngạn. Trang trại cam đầu tiên chúng tôi vào thăm là của gia đình anh Bùi Đình Hậu (xã Tân Mộc). Với diện tích vườn rộng gần 4 héc-ta, anh Hậu quy hoạch trồng hai loại cây ăn quả chính là cam Vinh và cam đường Canh, ngoài ra một phần anh trồng khảo nghiệm bưởi da xanh, cam V2. Nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt nên 5 năm gần đây, vườn cam của gia đình anh luôn được mùa cho thu hoạch từ 50 - 65 tấn quả/vụ, giá trị đạt từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/năm. Riêng vụ cam năm 2016 này, anh Hậu ước thu hoạch khoảng 70 tấn quả. Hiện tiểu thương ở Hà Nội đã đến thăm đặt mua cả vườn cam Vinh với giá 30.000 đồng/kg.

Tại vườn cam Vinh của gia đình ông Nguyễn Văn Chính, thôn Nhất Thành, xã Quý Sơn cây nào cây ấy trĩu quả. Vào đầu vụ, ông hái tỉa bán gần  một tấn quả với giá bình quân 30.000 nghìn đồng/kg, thương nhân đến tận vườn thu mua. Năm ngoái, gia đình ông thu nhập từ 2 đến 3 tỷ đồng từ cam, năm nay cam được giá hơn báo hiệu một vụ mùa bội thu.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Từ hiệu quả kinh tế cao, mấy năm nay, diện tích, năng suất, chất lượng, sản lượng cam các loại ở Lục Ngạn không ngừng tăng. Hiện diện tích cam đường Canh của huyện 1.191 héc-ta, năm nay sản lượng ước đạt 9.718 tấn; cam Vinh có 920 héc-ta, ước sản lượng 6.350 tấn; cam V2 diện tích 205 héc-ta, ước sản lượng 751 tấn. Trung bình mỗi sào cam cho năng suất từ 6 – 8 tạ quả, thậm chí có nhà vườn chăm sóc tốt đạt khoảng 10 tạ quả/sào. Với giá bán tại vườn từ 30.000 – 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi sào cam vinh cho thu lãi từ 16 – 20 triệu đồng”.
 
Hướng tới đầu ra ổn định

Để giúp người dân Lục Ngạn có niềm vui trọn vẹn với mùa quả mới, cơ quan chuyên môn của huyện cử cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc. Chính quyền sở tại tạo điều kiện thuận lợi cùng với chất lượng nông sản nức tiếng đã khiến hầu hết các vườn quả đều có khách hàng tìm đến tận nơi.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu các cơ quan chức năng quan tâm xây dựng Chỉ dẫn địa lý và thương hiệu cam Lục Ngạn thì chắc chắn giá trị của loại cây này sẽ được nâng lên, trở thành một trong những cây trồng chủ lực của nông dân trong huyện.

Xung quanh vấn đề tìm đầu ra ổn định cho cây cam Lục Ngạn, ông Lê Bá Thành cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lục Ngạn nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định, phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả; phấn đấu đưa Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm cấp quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020 diện tích cây có múi đạt khoảng 2.000 héc-ta. Để đạt được mục tiêu này, huyện tập trung thực hiện các giải pháp như: Chỉ đạo các xã rà soát chuyển một phần diện tích cây vải, hồng kém hiệu quả sang trồng cam Đường Canh, cam Vinh, cam V2 tại các xã trọng điểm Hồng Giang, Quý Sơn, Trù Hựu, Thanh Hải, Tân Mộc, Tân Quang, Giáp Sơn, Phì Điền.

Cùng với đó hằng năm, UBND huyện bố trí kinh phí hỗ trợ 50 - 60% giá giống cho hộ có nhu cầu; tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật; xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất. Khuyến cáo người dân chỉ tăng diện tích trong điều kiện đầu tư chăm sóc tốt để tránh ảnh hưởng đến vùng sản xuất chung; phối hợp với đơn vị chuyên môn kiểm tra chặt chẽ việc sản xuất và kinh doanh giống trên địa bàn.

MUA GÌ

Ninh Sơn (Khánh Hòa): Bí đỏ giảm giá

Cách đây khoảng 1 tháng, khi vào vụ thu hoạch, giá bí đỏ ở mức 7.000 - 8.000 đồng/kg khiến người trồng phấn khởi, bù lại phần nào thiệt hại do mất mùa. Tuy nhiên, hiện nay giá bí đỏ giảm mạnh, chỉ còn 3.500 - 4.000 đồng/kg. Đặc biệt, năm nay, mưa nhiều khiến cây bí đỏ bị sâu bệnh, trái thủng vỏ hàng loạt nên chỉ đạt 3 - 4 tấn/héc-ta thay vì 5 - 6 tấn/héc-ta như mọi năm. Một thương lái chuyên thu mua bí đỏ ở thị xã Ninh Hòa cho rằng, năm nay, sản lượng bí đỏ trong cả nước tăng mạnh do nhiều người trồng, tiêu thụ không hết. Mặt khác, do phí vận chuyển tăng nên thương lái phải hạ giá mua để bù vào. Hiện nay, nhiều hộ đã ngừng thu hoạch để chờ cận tết, giá tăng mới bán. Bởi trên thực tế, hiện đang thu hoạch chính vụ nên giá giảm chứ không hẳn do thương lái ép giá.

Tây Nguyên: Sản lượng cà phê giảm từ 10 - 30%

Vụ cà phê năm nay, dù giá cà phê cao hơn 10 triệu đồng/tấn so với niên vụ trước nhưng người trồng cà phê Tây Nguyên vẫn không vui vì sản lượng giảm trong khi các chi phí đầu vào đều tăng.

Theo dự báo của ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, sản lượng cà phê niên vụ này giảm từ 10 - 30% tùy khu vực. Ngoài ra, theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), toàn vùng Tây Nguyên có trên dưới 100.000 héc-ta cà phê cần tái canh. Số diện tích này có sản lượng thấp kéo theo sản lượng toàn vùng đi xuống. Đây là niên vụ thứ hai sản lượng cà phê giảm. Chính vì vậy, dù giá có tăng so với niên vụ trước nhưng nông dân không thu lợi được bao nhiêu. Theo tính toán của nhiều nông dân, mỗi héc-ta cà phê nếu chăm sóc tốt sẽ cho sản lượng dao động từ 3 - 6 tấn nhân. Với giá trên mỗi héc-ta thu được từ 160 - 250 triệu đồng. Tổng chi phí tốn chừng 1/3 số tiền thu được. Nhưng đối với niên vụ này, hầu hết bà con nông dân lấy công làm lãi.

Ninh Thuận : Giá củ mì tươi giảm mạnh

Hàng trăm hộ ở 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đang đối mặt với tình trạng giá củ mì tươi giảm mạnh. Theo nhiều nông hộ, mì có lượng bột từ 30% trở lên hiện chỉ khoảng 1.500 đồng/kg, loại dưới 30% còn 1.000 đồng/kg, giảm gần 40% so với mọi năm. Với giá này, người trồng mì chỉ mong hòa vốn. Theo đại diện Nhà máy Chế biến tinh bột mì Fococev - đơn vị duy nhất thu mua mì ở Ninh Thuận - hiện giá bột mì thành phẩm của nhà máy bán ra đã giảm nhiều, buộc phải giảm giá mua nguyên liệu.

Tổng diện tích cây mì ở Ninh Sơn, Bác Ái hiện khoảng 3.700 héc-ta, là cây trồng chủ lực của 2 địa phương này.

Thái Bình : Nông dân ven biển phát triển nghề nuôi ngao

Phát huy lợi thế vùng ven biển, những năm qua, tỉnh Thái Bình đã đầu tư mở rộng vùng nuôi ngao của 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy. Đến nay, tỉnh có tổng diện tích nuôi ngao đạt gần 3.000 héc-ta, tổng sản lượng hàng năm 70 - 100 nghìn tấn. Hiện nay, ngao Thái Bình đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và châu Âu, đóng góp giá trị sản lượng hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

BÁN GÌ

Sơn La : Ngô bán giá rẻ

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La cho biết, diện tích ngô toàn tỉnh Sơn La khoảng 155.000 héc-ta. Năm nay do điều kiện canh tác không thuận lợi, sâu hại tấn công lớn nên năng suất, giá thành đều giảm. Tại một số vùng năng suất khoảng 10 - 11 tấn/ héc-ta nhưng có nơi chỉ đạt 5 - 6 tấn. Tại Chiềng Sung (Mai Sơn, Sơn La) bà con nông dân cho biết, tỷ lệ sâu hại ngô quá lớn, có khu vực lên tới 80 - 90% cây bị hại. Giá ngô hiện nay rớt thê thảm, thậm chí thương lái còn từ chối thu mua. Hiện tại, bắp đẹp chọn ra bán cho thương lái với giá 2.500 đồng/kg. Còn những bắp ngô xấu bị sâu đục, mốc meo thì bà con bán cho các nhà vườn để về làm phân bón với giá 1.000 đồng/kg.

Diện tích ngô bị sâu hại tấn công chỉ diễn ra ở những nương rẫy gieo trồng giống ngô thường còn giống ngô biến đổi gen có tính kháng sâu đục thân, đục bắp nên năng suất vẫn đảm bảo. Hiện tại giống ngô thường là 115.000 - 120.000 đồng/kg, trong khi đó giá ngô giống chuyển gen gần 200.000 đồng. Chính vì thế bà con rất mong muốn được hỗ trợ về giống cũng như đầu ra cho sản phẩm.

Cà Mau: Bà con trồng chuối gặp khó

Tại các vùng ngọt hóa như U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời, cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình, đặc biệt là với những hộ sống trên lâm phần rừng tràm. Thế nhưng, hiện giá chuối đang tuột dốc gần như chạm đáy, thậm chí không có người thu mua. Tại xã Khánh Thuận, huyện U Minh cho biết mới tháng trước giá chuối còn ở mức từ 8.000 - 10.000 đồng một nải, thì nay giảm xuống còn trên dưới 2.000 đồng, có nơi không có thương lái thu gom, nông dân thu hoạch về chất đống. Theo các thương lái, phần lớn chuối trên địa bàn trước đây được thu mua, vận chuyển đến các tỉnh miền ngoài để tiêu thụ, một số xuất bán sang Campuchia, Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, gần đây các mối hàng ngoài nước ngưng nhập khẩu loại nông sản này nên lượng chuối tồn đọng rất lớn, làm giá chuối sụt giảm. Nhiều hộ dân buộc phải dùng chuối làm thức ăn cho cá, heo, gà… hoặc ép phơi khô chờ giá chuối tăng trở lại. Ngành nông nghiệp huyện đang khuyến khích người dân hướng đến trồng chuối cấy mô để đảm bảo đầu ra sản phẩm.

Ðồng bằng sông Cửu Long: Giá thịt lợn giảm mạnh

Với việc thương lái giảm mạnh thu mua lợn thịt để xuất sang Trung Quốc trong thời gian qua đã khiến cho giá lợn tại Đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh. Tại xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, giá lợn đang giảm về sát giá thành sản xuất và chỉ dao động từ 3,8 - 3,9 triệu đồng/tạ. Với mức giá này thì người nuôi hầu như không có lãi, thậm chí thua lỗ. Mặc dù đã bước vào vụ nuôi để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán nhưng nhiều hộ nuôi không tái đàn.

Trái cây miền Tây sản lượng thấp, giá tăng cao

Do thời tiết thất thường nên dự kiến vào Tết Đinh Dậu 2017, sản lượng nhiều loại trái cây sẽ giảm đi, giá tăng cao. Tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, ước tính toàn huyện giảm khoảng 20 - 30% sản lượng trái so với mọi năm và chỉ còn khoảng 1.300 tấn bưởi, trên 500 tấn xoài và trên 1.000 tấn cam sành cung ứng trong dịp Tết.

Quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) cũng là một trong nhiều loại trái cây được người dân chưng trên mâm ngũ quả ngày Tết. Nhưng năm nay mất mùa do đợt hạn hán hồi đầu năm khiến cho quýt bị rụng bông, không đậu trái. Tuy nhà vườn đã xử lý kỹ thuật nhưng sản lượng vẫn sẽ giảm từ 20 - 30% so với mọi năm. Cũng do thời thiết bất lợi, nhiều hợp tác xã không dám ký hợp đồng cung ứng cho khách hàng trong dịp Tết vì sợ không gom đủ sản lượng.

Theo lãnh đạo hợp tác xã Xoài cát Hoà Lộc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), dù nhiều mối ở Đông Nam bộ và Hà Nội đặt hàng chục tấn xoài cát với giá khá cao (gần 120.000 đồng/kg vào dịp Tết) nhưng nơi đây vẫn không dám ký do chưa biết vào dịp Tết có gom đủ số lượng hay không.

Hiện tại, một số loại trái cây đã bắt đầu tăng giá. Giá bưởi loại 1 (đạt trọng lượng 1 kg trở lên) có giá từ 20.000 – 25.000 đồng/kg; bưởi nhì (trọng lượng từ 800g – 1kg) có giá 10.000 đồng/kg; bưởi xô có giá 4.000 đồng/kg. Giá sầu riêng nghịch vụ tại tỉnh Tiền Giang tăng mạnh, dao động từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với thời điểm chính vụ. Nhiều nhà vườn thu về từ 500 - 800 triệu đồng/héc-ta.

LƯU  Ý CẢNH BÁO

Hà Tĩnh: Nghề nuôi ngao trước nguy cơ thua lỗ

Hơn hai tháng qua, khoảng 1.000 tấn ngao nuôi tại vựa ngao Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh không tiêu thụ được. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của hiện tượng hải sản chết bất thường vừa qua khiến người tiêu dùng không dám ăn, thương lái không dám thu mua... Hệ quả là người nuôi ngao đang có nguy cơ vỡ nợ.

Tiêu thụ ngao gặp khó

Vụ ngao năm nay, ngao được mùa nhưng giá bán rất thấp, không tiêu thụ được. Nhiều lứa ngao đã quá thời gian thu hoạch 2 - 3 tháng khiến người nuôi như ngồi trên đống lửa. Nhiều hộ gia đình mỗi hôm thu hoạch về hơn 1 tấn ngao nhưng bán chỉ được vài ki-lô-gam. Một số hộ đã mang ra chợ bán lẻ những cũng không có người mua. Trong khi đó, cùng thời điểm này những năm trước, thương lái đến mua ngay tại bãi. Bà con thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua ngay tại chỗ. Một người dân thôn Mai Lâm cho biết: “Nhiều đợt thu hoạch mà không bán được, gia đình tôi đành phải thả nuôi trở lại. Không chỉ gia đình tôi mà hàng chục hộ dân ở đây như ngồi trên đống lửa, nếu tới đây mưa lũ sẽ trôi mất hết”. Hiện toàn thôn Mai Lâm có 45 hộ gia đình chuyên nuôi ngao thương phẩm. Người dân ở đây chỉ có duy nhất nghề nuôi ngao. Đáng lẽ đến thời điểm này, các hộ nuôi phải bán được 50% sản lượng, nhưng thực tế hiện nay không tiêu thụ được, chưa nói giá ngao quá thấp. Hiện nay, ngao đang ở trong tình trạng quá to, không bán được và ngao sẽ chết theo quy trình lột xác. Người dân đang lâm cảnh đường cùng. Nhưng đáng lo ngại hơn cả là tình trạng người dân không có tiền để trả lãi ngân hàng. Bởi trước mỗi vụ nuôi, người dân đều cầm cố tài sản để vay ngân hàng tiền đầu tư. Sau khi thu hoạch ngao lại đem đi trả, cứ quay vòng như thế... Tuy nhiên, 2 - 3 tháng nay, ngao không tiêu thụ được, chưa nói đến tiền gốc, tiền lãi nhiều hộ cũng không trả được.

Mong được hỗ trợ lãi suất

Trước tình trạng này, các địa phương đã khuyến cáo người dân thực hiện việc nuôi thả, chăm sóc theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp để có những vụ nuôi thắng lợi. Trong đó, cần chú ý khi chọn địa điểm nuôi: Địa điểm nuôi tốt có nước triều lên xuống êm, thông thoáng, sóng gió nhẹ, đáy là cát bùn (cát 60 - 80%, bùn 20 - 40%), đáy tương đối bằng phẳng, ít dốc, độ sâu vùi của ngao khoảng 4 - 6 cm dưới lớp mặt đáy, độ mặn thích hợp 19 - 26%, thời gian phơi bãi không quá 4 - 5 giờ/ngày, không bị ô nhiễm bởi nguồn chất thải sinh hoạt và các hoạt động kinh tế khác. Bãi nuôi phải có rào chắn bằng các cọc tre, gỗ cách nhau 4 - 6 m, có lưới chắn rải theo các cọc. Lưới vùi sâu dưới bãi khoảng 30 cm, chiều cao chắn lưới khoảng 60 - 70 cm (kích thước mắt lưới 4 - 5 mm). Phải có thời gian phơi bãi sau mỗi vụ nuôi. Trước khi bước vào vụ nuôi mới phải vệ sinh, dọn bãi nuôi đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Về phía người dân, bà con cũng mong muốn huyện, xã chi trả kịp thời chính sách hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng theo Quyết định số 23/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Bởi thời gian qua, người dân phải chờ rất lâu mới được lĩnh phần lãi suất hỗ trợ trong khi tiền lãi tháng họ đóng nộp cho ngân hàng đầy đủ. Nguyên nhân do nguồn tiền này từ trên chuyển về chậm, thậm chí có những hộ đến nay đã quá 6 - 7 tháng tỉnh vẫn chưa phân nguồn hỗ trợ để xã chi trả cho các hộ được hưởng chính sách.

Về lâu dài, địa phương cần có chính sách hỗ trợ bà con về kỹ thuật, lãi suất. Xây dựng chiến lược sản xuất bằng việc quy hoạch vùng ương nuôi, xây dựng thương hiệu, kết nối với những thị trường ổn định, gắn sản xuất với chế biến. Có thể thành lập hiệp hội để thông qua hiệp hội này định hướng trong tổ chức sản xuất, hoạch định kế hoạch cho phát triển nghề nuôi ngao gắn với công nghệ chế biến…

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Bình Phước : Củ đậu mất mùa, mất giá

Năm nay, người dân trồng củ đậu ở các xã An Khương - huyện Hớn Quản và xã Lộc Khánh - huyện Lộc Ninh - tỉnh Bình Phước thất thu bởi củ đậu mất mùa, mất giá. Ðiều đáng nói là hầu hết bà con trồng củ đậu là đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng, nhiều gia đình còn khó khăn.
A
n Khương là xã có nhiều hộ trồng củ đậu nhất huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Vào những ngày này năm trước, người dân phấn khởi bao nhiêu thì nay buồn chán bấy nhiêu. Hàng chục bao củ đậu chất đống vì không bán được. Hàng trăm tấn củ bỏ thối, cho bò ăn, đổ ra đường. Nhiều hộ đang thu hoạch được mấy tấn thì phải ngưng vì thương lái cứ khất lần nhưng không thấy đến mua. Thậm chí, một số hộ chẳng buồn thu hoạch tiếp, cứ để củ đậu khô héo giữa đồng.

Tương tự, tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, hàng trăm tấn củ đậu chất đống không có người mua, những cánh đồng chưa thu hoạch còn bạt ngàn. Hiện nay, giá 1 kg củ đậu chỉ còn khoảng 1.500 đồng/kg, giảm mạnh so với 5.000 - 7.000 đồng/kg thời điểm đầu vụ. Với mức giá này, bà con không đủ trả tiền thuê người thu hoạch. Vì vậy, nhiều ruộng củ đậu đang thu hoạch cũng bỏ vì thương lái trả giá quá thấp.
Nguyên nhân chính khiến giá củ đậu giảm mạnh như hiện nay là do cung lớn hơn cầu. Dù An Khương và Lộc Khánh khác huyện nhưng lại nằm sát nhau, chính vì thế, mấy năm trước người dân An Khương thấy củ đậu được giá nên đổ xô trồng. Trong đó, không ít người mua phải giống kém chất lượng nên năng suất thấp, kéo dài thời gian sinh trưởng, dẫn đến qua thời điểm mùa vụ nên khó bán, bị ép giá. Hiện diện tích củ đậu chưa thu hoạch ở xã An Khương còn khoảng hơn chục héc-ta và khoảng 12 héc-ta trồng mới nữa.
Mai Liên

Lâm Ðồng: Gạo nếp quýt Ðạ Tẻh xuất sang thị trường Mỹ

Nhiều gia đình trồng lúa nếp quýt trên địa bàn huyện Ðạ Tẻh, tỉnh Lâm Ðồng đã đạt được thỏa thuận cung cấp lúa nếp quýt cho một doanh nghiệp xuất sang thị trường Mỹ.

Theo thỏa thuận, những hộ ký kết hợp tác với doanh nghiệp này sẽ được thu mua toàn bộ sản phẩm làm ra với giá cao, đảm bảo người trồng có lãi hơn so với cách tiêu thụ hiện nay. Đây là tín hiệu vui cho nông dân trồng lúa nếp quýt tại huyện Đạ Tẻh, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, mở rộng thị trường, thương hiệu.

Theo thống kê, hiện huyện Đạ Tẻh có khoảng 600 héc-ta chuyên canh nếp quýt tại xã An Nhơn và thị trấn Đạ Tẻh. Vào giữa năm 2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận cho huyện Đạ Tẻh xây dựng nhãn hiệu chứng nhập gạo nếp quýt Đạ Tẻh. Địa phương này cũng đã thành lập được Hợp tác xã lúa nếp quýt Đạ Tẻh để tổ chức sản xuất quy mô, bài bản, nâng cao chất lượng sản phẩm. Huyện Đạ Tẻh đang có chủ trương xây dựng vùng chuyên canh nếp quýt với khoảng 1.000 héc-ta tại xã An Nhơn và thị trấn Đạ Tẻh... Trong đó, xã An Nhơn có 7 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 70% và đa phần là người các tỉnh miền núi phía Bắc. Ở đây trồng nếp quýt 1 năm 2 vụ, vụ đông xuân là chính. Sản phẩm gạo nếp quýt được các thương lái thu mua tiêu thụ tại Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh…

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ khai thác hải sản xa bờ

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định cấp hơn 5 tỷ đồng từ vốn ngân sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ. Theo đó, huyện Phú Vang được hỗ trợ 4,758 tỷ đồng, trong đó 4,506 tỷ đồng hỗ trợ tiền nhiên liệu và 252 triệu đồng hỗ trợ mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa. Huyện Phú Lộc được hỗ trợ 250 triệu đồng mua nhiên liệu đánh bắt xa bờ. Tỉnh có chủ trương tập trung khai thác thế mạnh về nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, gắn với đẩy mạnh chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh có gần 2.000 chiếc tàu khai thác thủy sản trên biển, trong đó hơn 200 chiếc tàu công suất từ 90 - 350CV. Hiện sản lượng khai thác hơn 32.500 tấn, tăng bình quân gần 20%/năm.

Thời gian qua, các địa phương vùng ven biển đã thành lập được 330 cơ sở chế biến nước mắm và các loại thủy sản khô. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 1,5 triệu lít nước mắm và hơn 100 tấn thủy sản khô. Ngành thủy sản của tỉnh cũng đã từng bước khôi phục sản xuất, đánh bắt trên biển. Đặc biệt, ngành đã tạo ra một hướng đi trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn vùng ven biển, đầm phá, giải quyết việc làm, góp phần thúc đẩy sự ổn định và nâng cao đời sống cộng đồng dân cư ở vùng đầm phá, ven biển...

Trước đó, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thủy sản Đông Á đã bàn giao tàu cá vỏ thép khai thác nghề lưới rê cho ông Trần Văn Chiến, thường trú tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây chính là một trong 3 ngư dân được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ký quyết định phê duyệt vay vốn tín dụng đóng mới tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Được biết, con tàu vỏ thép này do Nhà máy đóng tàu Phà Rừng đóng với tổng mức đầu tư trên 18 tỷ đồng.

Quảng Ngãi” Người trồng hoa thiệt hại do mưa lũ

Mưa lũ thất thường khiến người trồng hoa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi lâm vào thế khó. Do khan hiếm người, nhiều hộ dân nơi đây phải thuê lao động vận chuyển hoa chạy lũ với giá 150.000 đồng/người/ngày.

Nhiều hộ thiệt hại vài chục đến vài trăm triệu đồng bởi hơn nửa số hoa trồng trong vườn chuẩn bị cung ứng ra thị trường dịp tết bị ngập úng hoàn toàn, gây hư hại nặng. Nặng nhất phải kể đến xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa. Toàn xã có khoảng 300 hộ dân trồng hoa cúc, phân bố ở 3 thôn Phú Mỹ, Bách Mỹ và Mỹ Hòa, trong đó thôn Mỹ Hòa có số hộ trồng cao nhất với hơn 200 hộ. Hiện tại, số chậu cúc bị thiệt hại tính riêng ở xã Mỹ Hòa đã lên tới 10.000 chậu, chiếm 30% tổng lượng cúc mà xã gieo trồng. Lũ kéo về đột ngột đúng vào thời điểm cúc, hồng, vạn thọ bắt đầu trổ bông đều khiến các gia đình không kịp trở tay. Nhiều hộ mất trắng diện tích hoa sau lũ. Mặc dù trước đó, chính quyền đã có thông báo và tuyên truyền cho bà con biết để tiến hành di dời hoa từ khu vực trũng thấp lên khu vực cao hơn. Tuy nhiên, một số hộ do không có địa điểm mới, đành phải để hoa ngâm mình trong nước lũ dẫn đến thiệt hại đáng kể.

Không riêng gì người trồng hoa tết, ngay cả những hộ nông dân trồng hoa màu cũng cùng chung cảnh ngộ. Trong đó, một số hộ trồng ớt, rau màu... cũng mất trắng tiền đầu tư ngay từ đầu vụ do mưa lũ.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Cách nhận biết đồ điện hàng Việt Nam chất lượng cao

Thời gian qua, một số sản phẩm đồ điện gia dụng do các công ty trong nước sản xuất đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng do mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá hợp lý. Vì vậy, trên thị trường một số tỉnh miền núi, vùng cao đã xuất hiện hàng giả, hàng nhái các mặt hàng này. Bắt đầu từ số này, chuyên mục “Chống buôn lậu - Mua bán gian lận” sẽ hướng dẫn bà con cách nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả các mặt hàng này theo tư vấn của các công ty.

Công ty CP Cơ điện Trần Phú đã được nhận danh hiệu “Thương hiệu quốc gia – Vietnam Value 2016”. Vì vậy, thời gian qua đã có nhiều sản phẩm giả, nhái các sản phẩm của công ty. Theo phản ánh của các khách hàng, các sản phẩm giả, nhái này chất lượng rất kém, khi thi công gặp những vấn đề như: Ruột đồng bị đen, sùi nhựa bọc, ruột dính vào vỏ…

Để bảo vệ quyền lợi khách hàng, Công ty CP Cơ điện Trần Phú đã dán tem điện tử phủ cào lên tất cả các cuộn dây để chống hàng giả. Thực tế, công nghệ in ấn cho phép đối tượng làm hàng giả sao chép lại hết sức dễ dàng tem nhãn của dây Trần Phú chính hãng. Tuy nhiên, tem điện tử phủ cào lại không thể sao chép được. Tem kết hợp công nghệ in phủ cào với công nghệ thông tin, khách hàng chỉ cần nhắn tin theo mã trên tem là biết đó có phải là mặt hàng chính hãng hay không. Đồng thời, tiến hành thay đổi hoàn toàn bộ tem nhãn, nhấn mạnh vào logo mới với hai chữ Trần Phú được viết rõ, biểu trưng Vietnam Value - Tự hào Thương hiệu Quốc gia hay xuất xứ hàng chính hãng ở 41 Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội.

Theo đánh giá, việc dán tem phủ cào điện tử là dạng thức truyền thông hai chiều cho phép nhà sản xuất tương tác trực tiếp với khách hàng.

Lập 5 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống buôn lậu

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành Kế hoạch triển khai các Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016.

Theo Kế hoạch, thành lập 5 Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia với thời gian triển khai từ nay đến trước ngày 30/12/2016. Mục đích kiểm tra nhằm đánh giá tình hình, kết quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2016 tại một số đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, kịp thời nắm bắt tình hình, kết quả công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; làm rõ những tồn tại, vướng mắc trong cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức lực lượng, kinh phí, phương tiện nghiệp vụ... Đồng thời, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó, nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương phương án điều chỉnh, kiểm soát đảm bảo phù hợp, chặt chẽ.

HÀNG VIỆT

Nhãn hiệu tập thể Cam Văn Chấn

“Chìa khóa” đưa sản phẩm vươn xa

Ðầu tháng 12 vừa qua, sản phẩm cam Văn Chấn (Yên Bái) đã chính thức được công nhận nhãn hiệu tập thể. Ðây được coi là “chìa khóa” đưa sản phẩm vượt xa ngoài địa bàn tỉnh, khẳng định vị thế trên thị trường.

Sản phẩm Việt cho giá trị cao

Ngoài những cây chè cổ thụ Suối Giàng với những búp non tròn mẫm, thấm đẫm cái ngọt ngào say đắm của đất trời; những bãi tắm nước nóng tuyệt đẹp, chinh phục hoàn toàn du khách… những năm gần đây, Yên Bái còn được biết đến với những vườn cam rộng lớn. Cứ khi bắt đầu vào đầu đông, trong các vườn, triền đồi từ Cát Thịnh, thị trấn Trần Phú đến Thượng Bằng La của huyện Văn Chấn lại vàng rực một màu cam chín. Cam Văn Chấn có vỏ ngoài mỏng và đẹp, để được lâu. Quả cam có tỷ lệ sơ thấp, nhiều nước, ít hạt, mùi thơm ngọt. Dù không quá nổi tiếng như càm sành Hà Giang, cam Vinh Nghệ An hay Cao Phong Hòa Bình, nhưng cam Văn Chấn cũng là một trong những loại quả đặc sản được lòng du khách.

Hiện, toàn huyện Văn Chấn có hơn 1.300 héc-ta cam quýt, tập trung chủ yếu ở một số xã, thị trấn vùng ngoài như: Nghĩa Tâm, Minh An, Thượng Bằng La và thị trấn Nông trường Trần Phú, trong đó có trên 800 héc-ta đang cho thu hoạch. Với năng suất trung bình từ 11,5 - 12 tấn/héc-ta, mỗi năm, Văn Chấn xuất ra thị trường hàng nghìn tấn quả. Nhờ lượng tiêu thụ tương đối ổn định nên cam được coi là một trong những cây trồng chủ lực mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình ở huyện Văn Chấn. Vào vụ cam điểm, có nhiều năm, doanh thu từ bán cam của toàn huyện đạt con số hàng tỷ đồng.
Tuy nhiên, giống như nhiều địa phương khác, do việc tiêu thụ sản phẩm còn phụ thuộc chủ yếu vào tư thương nên giá bán thất thường, dễ rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá”. Sản phẩm cam Văn Chấn cũng chưa được nhiều người biết đến do thiếu thương hiệu. Giá trị sản phẩm chưa tương xứng với tiềm năng.

Nâng cao giá trị cho cam Văn Chấn

Nhận thức việc xây dựng vùng cam chất lượng là điều kiện để nâng cao giá trị của quả cam địa phương, tạo hướng phát triển bền vững, chính quyền huyện đã nỗ lực tạo điều kiện, hỗ trợ bà con trồng thử nghiệm các loại cam chất lượng cao như cam Đường Canh, cam Valencia, cam Caracara với diện tích lên tới 140 héc-ta. Đồng thời, nhiều năm nay, huyện Văn Chấn đã xây dựng Dự án Xác lập quyền đối với nhãn hiệu tập thể “cam Văn Chấn” cho sản phẩm cam quả của huyện. Sau nhiều nỗ lực, đầu tháng 12 vừa qua, nhãn hiệu tập thể cam Văn Chấn đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận, tạo cơ hội để sản phẩm vươn xa, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Nhãn hiệu cam Văn Chấn cũng sẽ là cơ sở, công cụ pháp lý hữu hiệu để bà con vùng trồng cam của huyện Văn Chấn sử dụng, khai thác và bảo vệ giá trị sản phẩm của mình.

Có được nhãn hiệu sản phẩm đã khó, giữ gìn và nâng cao giá trị thương hiệu còn khó khăn hơn. Do đó, Văn Chấn đang đặt mục tiêu tiếp tục phát triển diện tích vùng trồng, nâng cao giá trị của trái cam thông qua việc quy hoạch vùng chuyên canh cam chất lượng khoảng 2.500 héc-ta, đa dạng hóa các giống cam để đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị. Đồng thời tăng cường quảng bá hình ảnh, chất lượng sản phẩm cam Văn Chấn ra thị trường trong nước và ngoài nước. Song song với đó, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng cam, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn.

Cam được coi là cây trồng chủ lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là cây trồng có khả năng thích nghi hẹp, lại dễ bị sâu bệnh. Do vậy, để phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền thị trấn nông trường Trần Phú đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể theo hướng tích cực chuyển đổi giống, mở rộng diện tích, tăng sản lượng và tăng thu nhập cho người dân, đồng thời phối hợp với các ban, ngành đoàn thể của huyện quảng bá, đăng ký nhãn nhiệu sản phẩm cam
Phương lan

Việc được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể sẽ giúp cho sản phẩm cam Văn Chấn trở thành một nông sản có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong phát triển sản xuất và kinh doanh cam, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Sản phẩm cũng sẽ được đảm bảo ổn định về chất lượng, chính xác về nguồn gốc và được pháp luật bảo vệ.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)