Thông tin giá cả thị trường số 34/2019

08:20 AM 28/08/2019 |   Lượt xem: 4641 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Lào Cai:

Bà con gặp khó khăn do giá ngô hạt giảm

Đối với bà con thuộc các huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, ngô là cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá ngô hạt đột ngột giảm mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của bà con.

Trong những năm qua, nhiều hộ đồng bào ở các huyện: Bát Xát,  Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa, Si Ma Cai đã phát triển mạnh ngô hàng hóa. Tận dụng diện tích đất trồng lúa 1 vụ, bà con đã đưa vào gieo trồng các giống ngô cho năng suất cao, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Cây ngô phủ xanh trên các nương đồi cho thấy sự thay đổi trong tập quán canh tác của bà con. Tuy nhiên, hiện nay, giá ngô hạt khô giảm xuống thấp, dao động khoảng 3.500 - 3.800 đồng/kg tùy thuộc vào chất lượng. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, mỗi năm tỉnh Lào Cai trồng gần 37.000 héc-ta ngô, năng suất bình quân đạt 4,7 tấn/héc-ta, sản lượng đạt hơn 175 nghìn tấn. Như vậy, việc giá ngô hạt khô giảm mạnh có thể gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Nguyên nhân chính khiến giá ngô hạt khô giảm mạnh trong thời gian vừa qua là do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Khi một lượng lớn đàn lợn của người dân ở các tỉnh, thành phố trong cả nước bị chết hoặc phải tiêu hủy, các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc không bán được hàng, dẫn tới nhu cầu thu mua ngô hạt khô giảm theo. Bên cạnh đó, nhiều hộ trong tỉnh không còn lợn để chăn nuôi, việc tái đàn gặp khó khăn nên tồn đọng lượng lớn ngô hạt khô. Lượng cung cấp ngô hạt ra thị trường tăng mạnh, trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm kéo theo giá bán giảm. Ngoài ra, vụ ngô này nhiều diện tích ngô bị sâu bệnh, đặc biệt là sâu keo nên năng suất giảm. Ngô vừa giảm năng suất vừa mất giá khiến nhiều hộ gia đình thiệt hại hàng chục triệu đồng, gần như không được đồng công nào. Điển hình là ở thôn Tả Pa Cheo, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, năm nay bà con trồng khoảng 220 héc-ta ngô, ước tính sản lượng gần 1.000 tấn. Thời gian qua, giá ngô hạt giảm mạnh đã ảnh hưởng đến thu nhập của hàng trăm hộ trên địa bàn xã, nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo. Xã đang tuyên truyền, vận động người dân tranh thủ thời tiết nắng ráo, phơi ngô thật khô để bảo quản, chờ khi nào giá tăng sẽ bán.

Bên cạnh việc giảm giá, tiêu thụ ngô vụ này cũng khó khăn. Trước đây, cứ vài ngày lại có người đánh xe tải vào các thôn, bản để thu mua ngô hạt nhưng nay chờ mãi mà không thấy tư thương đến.

Trước tình hình này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện vùng cao đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách bảo quản ngô hạt để không ảnh hưởng đến chất lượng. Đồng thời, vận động người dân ở các địa phương có thể tái đàn, tiếp tục đầu tư chăn nuôi lợn. Huyện cũng khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những loại cây phù hợp với đồng đất ở từng địa phương vào thay thế cây ngô nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Sau cây lúa, cây ngô tiếp tục được ngành nông nghiệp Lào Cai lựa chọn là cây lương thực trọng điểm. Chính vì vậy, chủ trương chung là duy trì diện tích đất trồng ngô, tiếp tục tăng vụ ngô trên đất nương đồi, đảm bảo quy mô cây ngô gieo trồng hàng năm đạt 36.000 héc-ta. Đồng thời, hình thành các vùng hàng hóa tập trung quy mô lớn, thuận lợi cho chế biến, tiêu thụ; chuyển đổi mạnh cơ cấu giống ngô, nâng cao tỷ lệ các giống cao sản, áp dụng giống ngô biến đổi gen…

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Sơn La:

Liên kết tiêu thụ na VietGAP

Nếu như trước đây, người dân huyện Mai Sơn (Sơn La) trồng na theo kiểu mạnh ai nấy trồng, được mùa rớt giá… thì nay, khi tham gia các hợp tác xã, được hướng dẫn sản xuất theo quy trình VietGAP, quả na bán được giá gấp đôi, đời sống bà con đổi thay rõ rệt.

Sau hơn 3 năm triển khai chủ trương chuyển đổi, bộ mặt kinh tế của huyện Mai Sơn có nhiều biến chuyển. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 100 hợp tác xã (HTX). Mỗi khu vực HTX được quy hoạch thành vùng trồng riêng, sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng của loại cây đó. Ví dụ, đối với cây na, để hỗ trợ cho các hộ dân, huyện đã cung ứng phân bón, mở các lớp tư vấn và nâng cao kỹ thuật cho các hội viên HTX. Khi cây na đã cho sản lượng lớn, vấn đề đầu ra của sản phẩm cũng là nỗi lo của toàn huyện. Trước khó khăn này, Mai Sơn đã nhanh chóng kiến nghị tỉnh Sơn La liên kết với các nhà máy, doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Trong năm 2019, huyện đã cho thí điểm 5 mô hình sản xuất thuộc 5 HTX theo tiêu chuẩn hữu cơ, với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/héc-ta. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại cho quả na nói riêng, cây ăn quả nói chung. Đặc biệt, các mô hình hợp tác xã liên kết với người dân trong tiêu thụ sản phẩm đã mang lại hiệu quả thiết thực. Khi tham gia vào HTX, các hộ dân được hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái… một cách toàn diện. Nhờ đó, cây na tạo hiệu quả và chất lượng cao hơn. Thu nhập của người dân từ đó được nâng cao. Trước đây, khi chưa có sự góp mặt của HTX, người dân thường xuyên bị o ép về giá, không quá 20.000 đồng/kg. Nhưng tới nay, na được thu mua tại vườn luôn cao hơn 35.0000 đồng/kg. Ngoài ra, nhờ có chứng nhận và tem, giá na xuất bán cao hơn so với sản phẩm không tem nhãn. Thời điểm này, HTX xuất bán na với giá 50.000 đồng/kg tại vườn. Bình quân 1 héc-ta na cho thu hoạch 14 – 20 tấn quả, doanh thu 700 – 900 triệu đồng, cho lợi nhuận 400 – 500 triệu đồng.

Lâm Đồng:

Phát triển vùng cà phê bền vững

Sau 3 năm triển khai, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tại Lâm Đồng đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho các hộ nông dân trồng cà phê, thay đổi nhận thức về sản xuất cà phê bền vững.

Tiếp tục các hoạt động hỗ trợ nông dân sản xuất cà phê bền vững, năm 2019, VnSAT Lâm Đồng cùng các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống - Vật tư nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Phát triển nông thôn…) xây dựng 100 mô hình sản xuất và tái canh bền vững, tổ chức gần 100 lớp tập huấn FFS (tại vườn), 35 lớp về phân tích chẩn đoán dinh dưỡng, giám sát quản lý bệnh, hướng dẫn bà con nông dân nắm vững kiến thức và thực hành tốt quy trình canh tác cây cà phê theo hướng bền vững - trồng, chăm sóc, thu hái chất lượng, hiệu quả. Dự án cũng hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với mức đầu tư 50% cho các mô hình sản xuất và tái canh bền vững.

Cùng đó, VnSAT tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng người đứng đầu tổ, nhóm sản xuất, nhằm nâng cao năng lực quản lý và tổ chức sản xuất; nắm vững các chính sách của nhà nước đối với các tổ chức nông dân; thông tin thị trường… Đây là những kiến thức cần thiết trong xu hướng liên kết, phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Trong 3 năm qua, dự án VnSAT đã phối hợp với các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật tổ chức đào tạo, tập huấn canh tác cà phê cho hàng chục ngàn lượt hộ nông dân; xây dựng nhiều mô hình tái canh và sản xuất cà phê bền vững; củng cố, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản...

Thông qua việc tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất của VnSAT, nhiều hộ nông dân nhận thức tốt hơn về sản xuất bền vững và thực hành có hiệu quả trên diện tích canh tác của gia đình.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Bình Phước:

Bàn giao cây giống điều mới cho đồng bào dân tộc

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Riềng đã tổ chức bàn giao hỗ trợ giống điều mới cho 46 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của xã Long Tân. Đây là chương trình thuộc kế hoạch của Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh về hỗ trợ giống điều mới cho đồng bào DTTS ở các xã nông thôn mới. Theo đó, 2.150 cây giống điều mới được bàn giao cho 46 hộ đồng bào DTTS xã Long Tân. Toàn huyện Phú Riềng sẽ được hỗ trợ 5.000 cây giống điều mới.

Chương trình hỗ trợ cây giống là giải pháp trao “cần câu” giúp đồng bào DTTS nghèo nâng cao ý thức trong lao động, sản xuất để cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cần Thơ:

Chanh không hạt được giá

Thời gian qua, bà con trồng chanh không hạt ở Cần Thơ rất phấn khởi do giá bán chanh luôn ở mức cao. Những tháng mùa nắng vào đầu năm nay, trái chanh không hạt được nông dân bán cho tiểu thương và các cơ sở, doanh nghiệp thu mua chanh với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Bước vào mùa mưa, nhu cầu tiêu thụ giảm, giá chanh không hạt có giảm trở lại nhưng vẫn còn ở mức khá cao từ 12.000 - 18.000 đồng/kg. Theo nhiều hộ dân trồng chanh không hạt ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, chanh không hạt khá dễ trồng và cho trái quanh năm. Vườn chanh chăm sóc tốt có thể cho năng suất trái hơn 4 tấn/công. Thời gian qua, nhiều hộ dân trồng chanh có thể đạt lợi nhuận 30 - 40 triệu đồng/công chanh.

Do chanh không hạt dễ trồng và bán được giá nên nông dân tại nhiều địa phương ở TP. Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang phát triển trồng loại cây này. Điều này dễ phát sinh rủi ro về đầu ra trong tương lai nếu nông dân sản xuất tự phát, thiếu hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu của các doanh nghiệp và nhà tiêu thụ. Vì vậy, ngành chức năng cần quan tâm, giúp nông dân nắm bắt cơ hội để nâng cao thu nhập.

Thừa Thiên Huế:

Thanh trà mất mùa, người trồng thất thu

Thời điểm này đang bắt đầu vụ thu hoạch thanh trà, song tại các vùng chuyên canh trồng loại cây này, sản lượng lẫn chất lượng giảm hẳn so với mọi năm. Đặc biệt, thanh trà Thủy Biều vụ này mất mùa, trái nhỏ, thưa thớt và chất lượng thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nắng nóng kéo dài, một số chủ vườn phản ứng chậm nên bị thiệt hại. Mặc dù địa phương đã khuyến cáo người trồng bổ sung nguồn nước và các biện pháp canh tác nhưng tình trạng mất mùa vẫn xảy ra.

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có hơn 800 héc-ta thanh trà, trong đó có nhiều vùng chuyên canh cây thanh trà lớn ở TP. Huế, TX. Hương Trà và huyện Phong Điền. Loại cây này trở thành đặc sản của địa phương, mang lại thu nhập cao cho người dân. Hiện nay, mặc dù đã vào vụ thu hoạch nhưng thanh trà chậm lớn nên nhiều chủ vườn vẫn phải chờ.

Các chuyên gia nông nghiệp cảnh báo, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, người trồng thanh trà cần có sự đầu tư về hệ thống tưới tiêu cũng như áp dụng những biện pháp chăm sóc cây phù hợp trong mùa nắng nóng.

Trà Vinh, Cà Mau:

Cua biển tăng giá mạnh

Sắp đến dịp lễ 2/9 và Trung thu, nhu cầu tiêu thụ cua biển tăng cao nên giá mặt hàng này tại Trà Vinh, Cà Mau liên tục tăng. Tại Trà Vinh, giá cua gạch và cua thịt loại một (2 - 4 con/kg) quanh mức 380.000 - 400.000 đồng/kg; cua thịt loại hai (3 - 4 con/kg) có giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg, tăng bình quân 10.000 - 50.000 đồng/kg so với cách đây 2 tuần. Nguyên nhân do lượng cua cung ứng ra thị trường không nhiều nên giá cao hơn so với năm ngoái. Mặt khác, ảnh hưởng của cơn bão số 3, sản lượng khai thác các loại hải sản từ biển như ghẹ, tôm, mực, cá... hạn chế, nên cua biển nuôi được thị trường tiêu thụ mạnh.

Tại Cà Mau, giá cua loại này cũng đang được mua giao động từ 290.000 - 350.000 đồng/kg cho cua thịt và 400.000 - 430.000 đồng/kg cua gạch. Sở dĩ giá cua tăng là do nhu cầu tăng cao, đặc biệt, nửa cuối năm nhu cầu cua xuất khẩu lớn nên nguồn cung giảm khiến giá liên tục tăng.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Yên Bái:

Hồng giòn Nhật Bản giúp bà con vùng cao tăng thu nhập

Nằm ở độ cao trên 1.400 mét so với mực nước biển, xã Nậm Khắt, Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái được nhiều người biết đến với những sản vật đặc trưng của địa phương như: Quả sơn tra, mận tam hoa, đào, thảo quả, chè Shan tuyết...

Trong đó, giống hồng giòn không hạt đạt hiệu quả cao trong những năm gần đây. Đây là giống hồng ngọt ăn liền, hái quả trên cây là ăn được ngay, không cần giấm, không cần ngâm, ăn giòn, ngọt không chát, rất ít hạt hoặc không có hạt.

Xuất phát từ mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân theo đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2013 Phòng Trồng trọt Sở NN-PTNT Yên Bái đã xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây hồng giòn trên đất trồng ngô kém hiệu quả. Nhà nước hỗ trợ 100% cây giống, một phần vật tư phân bón, các hộ tham gia đối ứng vật tư phân bón còn lại theo định mức kỹ thuật, đóng góp công lao động, chăm sóc. Trong quá trình thực hiện mô hình, các hộ tham gia được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật trồng, bón phân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại nên tỷ lệ sống sau trồng cao, cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Trước đây khi chưa tham gia mô hình trồng hồng, với điều kiện khí hậu đặc trưng, mỗi năm một hộ gia đình dân tộc chỉ trồng được 1 vụ ngô, năng suất đạt 760 - 800 kg bán với giá 6.000 đồng/kg thì chỉ thu được 4,5 - 4,8 triệu đồng/năm chưa trừ chi phí. Sau khi tham gia mô hình chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng cây hồng giòn, thu nhập của bà con đã tăng. Năng suất trung bình của một cây khoảng 15 – 20 kg quả với giá bán buôn tại vườn là 30.000 đồng/kg, một cây hồng giòn cho thu nhập khoảng 450.000 - 600.000 đồng. Ngoài ra, gia đình vẫn tận dụng được các diện tích đất trống trong vườn hồng để trồng xen các loại cây trồng khác như khoai lang, ngô… để phục vụ chăn nuôi, tăng thu nhập.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Chống buôn lậu đường cát qua biên giới

Từ trước đến nay, hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất đường cát trên các tuyến biên giới diễn ra với số lượng lớn. Trong đó, mặt hàng đường cát diễn biến phức tạp ở địa bàn một số tỉnh trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia và tuyến biên giới Việt Nam - Lào.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự chênh lệch giá giữa đường cát tại Campuchia, Lào với trong nước cao. Ngoài ra, hình thức của đường cát Thái Lan đẹp hơn đường sản xuất trong nước nên phù hợp với thị hiếu của người dân. Hầu hết các đối tượng đều lợi dụng việc khó phân biệt giữa đường nhập lậu và đường được sản xuất trong nước; sử dụng các vỏ bao đường trong nước để đóng thành các bao đựng đường cát nhập lậu, vận chuyển qua biên giới vào Việt Nam. Vì vậy, khi bị phát hiện, bắt giữ các lực lượng chức năng khó xác định được phạm vi của đối tượng. Trong khi đó, các đối tượng mang vác, vận chuyển đường cát qua biên giới chủ yếu là người dân nghèo ở khu vực biên giới, bà con dân tộc… nhận thức còn hạn chế.

Trước tình hình trên, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố tăng cường đấu tranh chống buôn lậu đường cát. Gắn chặt công tác nghiệp vụ cơ bản với tuần tra kiểm soát đường mòn, lối mở, đường qua lại biên giới ở các địa bàn, khu vực trọng điểm. Chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, phát hiện nguồn, lập án đấu tranh, bắt giữ đầu nậu, triệt phá đường dây buôn lậu đường cát số lượng lớn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa BĐBP với các lực lượng chức năng nhất là với công an, hải quan, quản lý thị trường trong trao đổi thông tin, kiểm tra, kiểm soát và phối hợp điều tra, xác minh, xác lập chuyên án chung đối với hoạt động buôn lậu đường.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nhân dân khu vực biên giới không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa.      

HÀNG VIỆT

Ninh Thuận:

Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi

6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức 5 phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” tại các huyện:  Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn, Bác Ái và Thuận Bắc. Các phiên chợ đã thu hút đông đảo bà con tham gia. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đây là một trong những chương trình hoạt động hiệu quả của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Ninh Thuận trong thời gian qua. Các phiên chợ đã đưa lượng hàng hóa phong phú, giá bán hợp lý và ưu tiên giới thiệu các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp địa phương tới người tiêu dùng. Giá cả các mặt hàng phù hợp với điều kiện kinh tế của các gia đình ở nông thôn, chất lượng tương xứng. Đặc biệt, trước thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bán trà trộn trên thị trường như hiện nay, việc tổ chức phiên chợ đã giúp người dân vùng nông thôn có cơ hội tiếp cận những mặt hàng đảm bảo chất lượng, xuất xứ và giá cả hợp lý. Nhờ vậy, nhận thức về tiêu dùng hàng Việt của bà con được tăng lên. Về phía nhà sản xuất, đây là dịp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng. Đồng thời, qua đó tìm hiểu phân khúc thị trường tại vùng nông thôn, miền núi, nhằm đưa ra phương án kinh doanh hợp lý. Không chỉ kích thích tiêu dùng, các hoạt động này trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp, nhà sản xuất với khách hàng.

Mặc dù đã đạt được một số hiệu quả nhất định nhưng từ thực tế của tỉnh Ninh Thuận có thể thấy, việc tổ chức các phiên chợ còn gặp một số trở ngại, dẫn đến hiệu quả chương trình chưa được như kỳ vọng. Thứ nhất, theo quy định, địa điểm tổ chức các phiên chợ phải đảm bảo sự thông thoáng, sạch sẽ, có điện, nước, gần khu dân cư đông đúc. Đáp ứng được các tiêu chí này, thời gian qua, các phiên chợ thường được tổ chức tại các xã gần trung tâm huyện như Lợi Hải, Phước Đại, Lương Sơn, Phước Nam, Phước Thái. Trong khi đó, cư dân tại một số vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh sống khá phân tán, việc tổ chức các phiên chợ gặp khó khăn, nên người dân các xã vùng sâu, vùng xa như Phước Hà, Phước Vinh, Ma Nới, Phước Bình, Phước Chiến… ít có cơ hội tiếp cận hàng Việt giá rẻ. Thứ hai, mặc dù tham gia các phiên chợ được hỗ trợ chi phí mặt bằng, điện, nước, an ninh trật tự, chi phí vận chuyển, nhưng một số doanh nghiệp, nhà sản xuất không mặn mà vì lợi nhuận thấp nên số doanh nghiệp, gian hàng tham gia các phiên chợ giảm dần. Nếu như đợt tổ chức vào năm 2011, mỗi phiên chợ thu hút khoảng 25 đơn vị tham gia với 40 gian hàng, thì từ năm 2016 đến nay, mỗi phiên chợ chỉ đạt quy mô khoảng 10 đến 12 hoặc chỉ là 15 doanh nghiệp, nhà sản xuất tham gia với khoảng 25 đến 27 gian hàng, giảm gần một nửa. Thứ ba, phần lớn các đơn vị tham gia phiên chợ là những hộ sản xuất cá thể, doanh nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, chỉ tập trung sản xuất duy nhất một mặt hàng, ít có sự thay đổi về mẫu mã. Đó cũng là nguyên nhân lý giải vì sao các phiên chợ hiện nay khá đơn điệu về nhóm hàng, mặt hàng và cả mẫu mã.

Nhằm khắp phục tình trạng này, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia nhằm làm phong phú hơn số lượng sản phẩm hàng hóa ở mỗi phiên chợ. Đồng thời, tiến hành xây dựng một số điểm bán hàng cố định tại các xã vùng sâu, vùng xa để tăng cơ hội tiếp cận hàng Việt cho người dân nông thôn, miền núi và khắc phục tình trạng “buôn phiên, bán chuyến” như hiện nay. Qua đó, góp phần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con sử dụng các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng, loại bỏ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)