Thông tin giá cả thị trường số 32/2019

10:49 AM 13/08/2019 |   Lượt xem: 4294 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Nhãn lồng Hưng Yên đưa lên các chuyến bay của Vietnam Airlines:

Cơ hội quảng bá đặc sản vùng miền

Kể từ ngày 01/8 đến 15/8/2019, hành khách có cơ hội thưởng thức đặc sản nhãn lồng Hưng Yên trên chuyến bay của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam phục vụ cho hành khách hạng Thương gia trên đường bay giữa Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh và các đường bay quốc tế xuất phát từ hai thành phố này.

Đây là kết quả của Biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ nông sản giữa Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và Hợp tác xã Nễ Châu - một trong những doanh nghiệp đạt chứng chỉ VietGAP cho trái nhãn tại Hưng Yên. Trước đó, vào tháng 8/2018, Vietnam Airlines cũng đã giới thiệu đặc sản nhãn lồng Hưng Yên đến gần 60.000 lượt hành khách hạng Thương gia. Trong vòng một tháng mùa nhãn, hãng đã góp phần tiêu thụ 5 tấn nhãn của tỉnh Hưng Yên trên các chuyến bay giữa Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh và các chuyến bay quốc tế. Việc đưa nhãn lồng lên chuyến bay là một trong những nội dung nằm trong chương trình dài hạn “Bốn mùa cây trái - Bốn mùa yêu thương” và chuỗi chiến dịch “Hành trình tự hào” của Vietnam Airlines. Kể từ khi được triển khai đến nay, chương trình đã đưa nhiều đặc sản trái cây lên chuyến bay như: Vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên, cam Cao Phong - Hòa Bình, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh Tiền Giang, thanh long Bình Thuận...

Không chỉ góp phần tạo đầu ra cho nông sản Việt, chương trình “Bốn mùa cây trái - Bốn mùa yêu thương” đã trở thành cầu nối quảng bá đặc sản trái cây nói riêng và văn hóa địa phương nói chung tới du khách năm châu. Đây là nỗ lực của Vietnam Airlines trong việc phát triển dịch vụ mang đậm bản sắc văn hóa, hướng tới hoàn thiện chất lượng đạt 5 sao theo tiêu chuẩn Skytrax sau năm 2020.

Nhãn lồng tăng giá

Mùa nhãn năm 2019, nhiều nhà vườn nhãn lồng tỉnh Hưng Yên đã mất trắng cả vườn, sản lượng giảm hơn nửa so với năm trước.

Mặc dù đã vào thời điểm cuối tháng 7 nhưng dọc trên những con đường của huyện Khoái Châu - vựa nhãn lồng của tỉnh Hưng Yên chỉ lác đác một số cây đậu quả và rất thưa thớt. Mùa nhãn này, người dân Hưng Yên mất mùa. Hiện chỉ còn một số ít hộ giữ được nhãn với sản lượng chỉ bằng 1/3 năm trước. Năm 2018, giá nhãn đại trà trung bình đạt từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, năm nay giá nhãn đầu vụ tại vườn 40.000 - 45.000 đồng/kg, vào chính vụ giá có thể giảm 35.000 - 40.000 đồng/kg nhưng vẫn gấp 3 giá nhãn năm ngoái. Hy vọng với giá nhãn tăng cao, thu nhập của các hộ trồng nhãn sẽ không giảm nhiều so với năm ngoái.

Tình trạng mất trắng vườn là cục bộ ở một số nơi trong huyện Khoái Châu. Tính chung toàn huyện dự báo sản lượng nhãn năm 2019 được khoảng 9.000 tấn (năm 2018 là 30.000 tấn). Nguyên nhân mất mùa nhãn được nhận định là do thời tiết có diễn biến bất thường vào Tết Nguyên đán khi cây nhãn bắt đầu phân hoá hoa thì trời nắng nóng, tháng 5 có những đợt nắng nóng… Với người trồng nhãn thì canh tác, chăm sóc cây chỉ chiếm 20% còn lại được hay mất mùa 80% phụ thuộc vào thời tiết. Năm nay, diễn biến thời tiết quá bất thường khi đầu hè hoa còn nở, có những vườn giữ được quả đậu rồi nhưng sau đó lại rụng.

Toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 3.820 héc-ta trồng nhãn (huyện Khoái Châu chiếm khoảng 50%) năm 2018 sản lượng đạt trên 48.000 tấn. Năm nay, dù giá nhãn có cao nhưng sản lượng chỉ còn 1/3.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Quảng Nam:

Lá sâm Ngọc Linh bán chạy, giá cao

Đầu tháng 8 là thời điểm các thương lái và doanh nghiệp bắt đầu thu mua lá sâm Ngọc Linh. So với năm ngoái, giá năm nay tăng gần gấp đôi. Theo các công ty thu mua, thương lái đang “thổi giá” lên cao.

Sau khi thu hoạch quả, người trồng sâm Ngọc Linh thường cắt lá để bán nhằm cho cây ngủ đông để nuôi củ. Hiện nay, mặc dù các hộ gia đình chưa tới đợt cắt lá nhưng đã có nhiều thương lái đến hỏi mua với giá tại vườn 9 - 10 triệu đồng/kg. Thậm chí, nhiều thương lái sẵn sàng trả trên 10 triệu đồng/kg nhưng không mua được hàng vì người dân vẫn chưa muốn bán. Nguyên nhân khiến giá lá sâm tăng cao là do nhiều người thu mua nên đẩy giá lên cao. Mặt khác, thay vì dùng để ngâm rượu, nhiều công ty thu mua để làm trà sâm, trà túi lọc.

Không chỉ ở Quảng Nam, tại Kon Tum - thủ phủ của sâm Ngọc Linh, nhiều thương lái cũng săn lùng mua lá. Với những vườn sâm lớn, một vụ thu được khoảng 20 kg, còn khu nhỏ người trồng thu tối thiểu khoảng 2 kg.

Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum cho biết, thông thường sâm sau khi thu hoạch, người trồng cắt lá để nuôi củ cho chúng ngủ đông sớm. Một số vườn khác không cắt lá, sau khi thu hoạch củ, lá tự rụng. Do đó, để tận dụng lá, một số công ty chọn thu mua lá sâm tươi để làm túi lọc cung ứng ra thị trường. Hiện đang là thời điểm đầu mùa, nhu cầu lớn nên giá bị đẩy lên cao. Dự báo, đầu tháng 9 giá sẽ ổn định khi mùa cắt lá nở rộ.

Theo Đông y, lá sâm Ngọc Linh chứa 16 loại saponin dammaran, 17 acid min, 20 chất khoáng vi lượng và hàm lượng tinh dầu là 0,1 %, trong khi sâm Hàn Quốc chứa 24 loại. Vì vậy, lá sâm Ngọc Linh cũng có tác dụng tốt đối với sức khỏe. Người dùng có thể sấy khô lá để hãm trà hoặc ngâm rượu.

Ninh Thuận: Hành tím được mùa, được giá

Hành tím củ của Ninh Thuận đang được thương lái thu mua tại ruộng với giá từ 38.000 - 40.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 50.000 đồng/kg; hành giống từ 65.000 - 70.000 đồng/kg - mức giá cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, bà con trồng hành tím rất phấn khởi với những ruộng hành đang vào mùa thu hoạch. Vụ Hè Thu năm nay, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh, nông dân chủ động được nguồn nước tưới nên hành tím trồng tại Nhơn Hải đạt năng suất cao, bình quân từ 1,8 đến 2 tấn/sào. Khác với tỏi một năm chỉ sản xuất một vụ, hành tím một năm có thể trồng được 5 vụ. Thời gian trồng từ 45 ngày – 60 ngày là bắt đầu thu hoạch được. Chi phí đầu tư giống, vật tư nông nghiệp cho 1 sào hành từ 20 - 25 triệu đồng.

Hành tím Ninh Thuận có màu sắc đẹp, củ to, chắc, thơm nồng, để được lâu nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, theo các hộ trồng hành, những năm trước giá hành rất bấp bênh. Năm 2018, có thời điểm giá hành củ chỉ từ 14.000 đồng/kg trở lại, hành giống từ 10.000 - 12.000 đồng/kg mà nhiều khi còn không có thương lái đến thu mua. Cũng bởi giá cả bấp bênh, sản lượng thu hoạch thấp do hạn hán, thiếu nước tưới nên nhiều hộ ở Nhơn Hải chuyển sang trồng các loại cây khác, diện tích trồng hành theo đó giảm rõ rệt. Từ chỗ thiếu nguồn hàng, trong khi thị trường tiêu thụ tăng mạnh, dẫn đến giá hành tăng cao như hiện nay.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có khoảng 900 héc-ta hành, tỏi, cây gia vị. Hành được trồng chủ yếu tại các huyện: Ninh Hải, Ninh Phước, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Trong đó, huyện Ninh Hải là địa phương có diện tích trồng hành tím lớn nhất của tỉnh Ninh Thuận với trên 470 héc-ta.

Tùy từng mùa vụ, mà bà con Ninh Thuận lựa chọn xuống các giống hành khác nhau. Chủ yếu là giống hành của Việt Nam có khả năng chịu được nắng nóng, chịu được mưa và giống hành Indonesia.

Được biết, với mức giá ổn định 38.000 - 40.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi sào hành người trồng có lãi hàng chục triệu đồng/vụ.      

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Ninh Sơn - Ninh Thuận:

Diện tích mỳ vượt quy hoạch

Niên vụ mỳ 2018 - 2019, toàn huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận trồng 3.540 héc-ta mỳ, tăng hơn 500 héc-ta so với vụ 2017 - 2018. Theo Đề án tổ chức lại sản xuất ngành nông nghiệp của huyện Ninh Sơn giai đoạn 2016 - 2020 thì chỉ quy hoạch ổn định vùng trồng mỳ khoảng 2.450 héc-ta. Như vậy, diện tích thực tế đã vượt quy hoạch hơn 1.000 héc-ta. Diện tích mỳ tăng ồ ạt như vậy dẫn đến nhiều rủi ro cho người trồng vì chưa được nhà máy mỳ trên địa bàn xã bao tiêu đầu ra. 

Một trong những nguyên nhân chính khiến diện tích mỳ tăng nhanh là do những năm gần đây, cây mía không còn đảm bảo thu nhập nên nông dân phải chuyển sang trồng mỳ. Do vậy, vấn đề đặt ra là chính quyền địa phương cần phải có khuyến cáo kịp thời và có định hướng chuyển đổi cây trồng phù hợp để nông dân không bị thiệt thòi.

Lào Cai:

Lê xanh được mùa

Lê xanh ở Lào Cai đang vào vụ chín rộ. Nhiều hộ đồng bào dân tộc đã thu lãi cao nhờ lê được mùa được giá.

Lê xanh là giống cây trồng thành công nhất tại tỉnh Lào Cai trong những năm gần đây. Lê xanh dễ trồng, chi phí chăm sóc thấp và đem lại lợi nhuận tốt. Hiện toàn tỉnh Lào Cai có 4 huyện đang canh tác giống này là: Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa, Si Ma Cai, với tổng diện tích 700 - 800 héc-ta. Trong đó, có khoảng 300 héc-ta đang thu hoạch nhưng sản lượng vẫn chưa đủ cung ứng cho thị trường. Do đó, sắp tới tỉnh sẽ nhân rộng lên khoảng 1.000 héc-ta để cung ứng cho không chỉ miền Bắc, miền Nam mà cả miền Trung.

Năm nay, giá lê tại vườn khá cao, ở mức 45.000 - 50.000 đồng/kg song vẫn thu hút khách mua, nhất là khách du lịch. Đối với các hộ nông dân trồng lê, vụ lê năm nay được mùa, giá cao đã đem lại nguồn thu đáng kể, cải thiện đời sống cho bà con. Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, giá lê dao động quanh mức 60.000 - 70.000 đồng/kg. Với giá bán này, bà con trồng lê xanh ở các huyện: Bắc Hà, Sa Pa, Si Ma Cai thu lãi từ 40 đến 120 triệu đồng cho mùa vụ năm nay.

Bình Thuận:

Sò điệp được mùa, mất giá

Tuần qua, bà con ngư dân phường Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận) liên tục được mùa sò điệp với sản lượng tăng cao, nhưng giá bán lại quá thấp. Hiện sò điệp có màu đỏ ngói, người dân gọi là điệp xốp, điệp ngói, giá khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg. Riêng sò có vỏ màu trắng ngà điểm màu hồng nhạt, gọi là điệp bay, giá khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg. Sau một đêm khai thác, mỗi tàu đánh bắt từ 1 - 3 tấn sò điệp. Mặc dù sản lượng tăng cao gấp 3 - 5 lần so với chính vụ năm ngoái, nhưng giá bán năm nay giảm 70%. Mặc dù ghe tàu trúng mùa sò điệp, nhưng anh em thuyền viên chỉ kiếm được 500.000 - 700.000 đồng mỗi chuyến biển sau khi trừ chi phí. Sự chênh lệch không đáng kể, so với năm ngoái chỉ đánh bắt được vài tạ, mà giá bán 20.000 - 30.000 đồng/kg sò điệp xốp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chưa có chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến các sản phẩm sò điệp từ nguyên liệu đến tay người tiêu dùng.

An Giang:

Vào mùa thu hoạch măng núi Cấm

Hiện nay, nhà vườn trên núi Cấm (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đang bước vào mùa thu hoạch măng tre mạnh tông. Thời gian trồng tre mạnh tông đến khi thu hoạch măng kéo dài 3 năm. Thường tre vào mùa lấy măng khoảng giữa tháng 5 đến hết tháng 7 (âm lịch). Trồng măng ít tốn công chăm sóc, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu lấy công làm lời. Với giá 10.000 đồng/kg, mỗi hộ trồng tre thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày, sau khi trừ chi phí. Đặc biệt, đang vào mùa thu hoạch nên măng bán rất chạy, bà con thu hoạch đến đâu có thương lái thu mua và vận chuyển đi tiêu thụ ngay.

Tre mạnh tông là loại cây đặc hữu ở núi Cấm. Nhiều năm qua, bà con nơi đây áp dụng mô hình trồng tre mạnh tông xen canh dưới tán rừng cho thu nhập ổn định.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Đắk Lắk:

Krông Bông mùa dứa ngọt

Mặc dù đã gần vào cuối vụ nhưng giá dứa trên địa bàn huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk vẫn duy trì ở mức cao nên bà con rất phấn khởi.

Tại xã Cư Đrăm, một số hộ đồng bào dân tộc đã tận dụng đất đồi cằn cỗi, trồng cà phê kém hiệu quả để chuyển đổi sang trồng dứa. Được đầu tư chăm sóc nên dứa phát triển tốt, chất lượng, năng suất cao, đạt khoảng 1.500 quả/héc-ta. Năm nay, với giá bán đầu vụ từ 12.000 – 20.000 đồng/quả, các hộ thu lãi trên 100 triệu đồng/héc-ta. Đến nay, mặc dù giá dứa cuối vụ đã giảm chỉ còn 5.000 – 7.000 đồng/quả to và 3.000 đồng/quả nhỏ, người dân vẫn có lãi do đầu vụ giá khá cao. Nắm bắt được quy luật giá dứa đầu mùa thường cao, nhiều năm trở lại đây, bà con trồng dứa đã áp dụng phương pháp cho dứa ra trái sớm. Khi thu hoạch xong, cây bắt đầu cho ra từ 35 – 40 lá, người dân sẽ kích thích cho ra trái sớm đúng thời điểm phát triển của cây và 6 tháng sau dứa cho thu hoạch với năng suất và giá bán cao hơn chính vụ. Nhờ vậy, cuối vụ giá dứa có thấp xuống, người dân cũng không mấy lo ngại.

Hội Nông dân xã Cư Đrăm cho biết, nhiều năm nay, dứa là cây trồng giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Nhờ giá tương đối ổn định nên diện tích dứa không ngừng tăng lên. Nhiều diện tích trồng cà phê, tiêu, sắn kém hiệu quả được bà con chuyển đổi sang trồng dứa. Đến nay, xã đã có hơn 400 héc-ta đất trồng dứa, trong đó riêng 6 tháng đầu năm nay đã tăng thêm 219 héc-ta.

Hiện nay, huyện Krông Bông cũng đã chọn cây dứa là một trong những cây trồng hiệu quả để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương và có kế hoạch quy hoạch thành vùng chuyên canh cây dứa ở các xã: Yang Mao, Cư Đrăm, Cư Pui… Địa phương cũng đang liên kết với các công ty, doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định cho quả dứa trong thời gian tới.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Bắc Giang:

Xử lý phân bón kém chất lượng

Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát hàng trăm vụ liên quan đến vận chuyển, kinh doanh trái phép hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Trong đó có không ít mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng bị phát hiện…

6 tháng đầu năm 2019, QLTT tỉnh Bắc Giang phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra 850 vụ, trong đó xử lý 554 vụ liên quan đến vận chuyển, kinh doanh trái phép, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc và chứa chất độc hại… Trong đó, phát hiện và xử lý nhiều mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng.

Ông Diệp Văn Nguyên – Đội trưởng đội QLTT số 5 trên địa bàn huyện miền núi Lục Ngạn cho biết: Mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, trồng cấy của người dân nên bà con rất quan tâm. Như huyện Lục Ngạn, địa phương có diện tích lớn nhất Bắc Giang, nông nghiệp phát triển, đặc biệt là diện tích vải lớn… nên tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân huyện, nhiều ý kiến cử tri phản ánh, yêu cầu xử lý nghiêm mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng để bảo vệ sản xuất của người dân. Chính vì vậy, cùng với kiểm tra, xử lý, lực lượng QLTT thường xuyên tuyên truyền, yêu cầu người kinh doanh ký cam kết không kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Mặc dù vậy, do lợi nhuận, vẫn có hiện tượng một số cơ sở sản xuất, kinh doanh cố tình đưa hàng kém chất lượng ra bán. Từ năm 2016 đến nay, QLTT Lục Ngạn đã kiểm tra 127 vụ việc, xử phạt 99 vụ liên quan đến phân bón. Trong đó, các vi phạm chủ yếu với thuốc bảo vệ thực vật là hết hạn sử dụng, hàng không có tên trong danh mục, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Với mặt hàng phân bón, vi phạm chủ yếu là không niêm yết giá, không đủ điều kiện kinh doanh và số ít có phát hiện phân bón giả…

Thời gian tới, QLTT Lục Ngạn sẽ tăng cường quản lý mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, sẽ phối hợp tốt với các lực lượng chức năng khác, dựa vào nguồn tin của người dân để đấu tranh hiệu quả, loại bỏ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, bảo vệ sản xuất của bà con.

HÀNG VIỆT

Bộ Công Thương:

Kết nối cung cầu, hỗ trợ mở rộng thị trường

Bằng cách phối hợp với các đơn vị xây dựng mô hình sản xuất - tiêu thụ, tổ chức tuần hàng nông sản… Bộ Công Thương đã và đang thực hiện hiệu quả vai trò kết nối cung - cầu cho hàng Việt; nâng cao vị thế, giá trị nhiều sản phẩm vùng DTTS và miền núi.

Những mô hình 3 bên hiệu quả

Trong nhiều mặt hàng nông sản có sản lượng, giá trị cao, An Giang đã chọn 2 sản phẩm chiến lược là lúa và cá tra để đưa vào xây dựng mô hình thí điểm “Doanh nghiệp - Hợp tác xã (HTX) - Hộ nông dân ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung”. Với sản phẩm lúa, một doanh nghiệp đủ tiềm lực đã ký hợp đồng với 26 hộ nông dân, tổng diện tích bao tiêu là 75 héc-ta. Với mặt hàng cá tra, một doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với 8 hộ, có tổng diện tích mặt nước nuôi cá là 83 héc-ta. Kết quả, các hộ trồng lúa đạt năng suất trung bình là 6,1 tấn/ héc-ta, trong khi các hộ ngoài mô hình chỉ đạt năng suất trung bình 5,7 tấn/héc-ta; các hộ nuôi cá tra đạt lợi nhuận 3.190 đồng/kg, cao hơn lợi nhuận của các hộ ngoài mô hình (3.150 đồng/kg).

Cùng với mô hình này, tại tỉnh Bắc Giang, 430 hộ nông dân và một số hộ kinh doanh tham gia trồng dưa chuột bao tử cho doanh thu tăng 38% - lợi nhuận tăng gấp 2 lần; trồng cà chua, doanh thu tăng 34% và lợi nhuận đạt gấp đôi so với trồng các loại rau màu khác.

Mô hình ở An Giang và Bắc Giang là 2 trong số những mô hình “Doanh nghiệp - HTX - Hộ nông dân ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung” và “Doanh nghiệp - Hộ kinh doanh - Hộ nông dân” áp dụng ở vùng sản xuất phân tán đã được Bộ Công Thương triển khai từ năm 2010 tại 12 tỉnh trên cả nước. Trong đó có một số tỉnh có đông đồng bào DTTS tham gia sản xuất như: Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp.

Với mô hình này, doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, quy trình kỹ thuật và nêu rõ yêu cầu chất lượng nông sản đối với các HTX, sau đó các HTX chuyển giao lại cho xã viên thực hiện. Khi sản phẩm hoàn thành, các xã viên có trách nhiệm chuyển lại cho HTX để HTX chuyển giao cho doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm. Kết quả cho thấy, các hộ, HTX tham gia mô hình đều có sản phẩm năng suất, chất lượng và giá bán cao hơn hẳn.

Tạo cầu nối tiêu thụ

Không dừng lại ở việc triển khai mô hình sản xuất - tiêu thụ, Bộ Công Thương còn tổ chức kết nối doanh nghiệp tham gia mô hình với các siêu thị (CoopMart, Hapro, Big C, Intimex...), để tạo cầu nối tiêu thụ trực tiếp nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân. Đặc biệt, giới thiệu đến người tiêu dùng cả nước những sản phẩm là kết tinh từ sức lao động và đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao…

Có thể kể đến Tuần lễ Cá sông Đà - Đặc sản tỉnh Hòa Bình, Sơn La, được giới thiệu quảng bá tại 15 siêu thị Big C, góp phần tăng độ nhận diện thương hiệu cá sông Đà có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có chứng nhận về chất lượng an toàn thực phẩm; Tuần lễ Nhãn và Nông sản an toàn tỉnh Sơn La, góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh Sơn La đạt Chứng nhận VietGAP, GobalGAP, như: Xoài, bơ sáp, chuối tây nhãn, bí xanh, thanh long ruột đỏ, đậu Hà Lan, cải bắp Mộc Châu,… Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang, không chỉ tiêu thụ số lượng lớn trong siêu thị Big C Việt Nam, mà còn góp phần quảng bá, đưa thương hiệu trái vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang đến với người tiêu dùng Việt Nam trên khắp cả nước; Tuần lễ Dâu tây và Nông sản an toàn tỉnh Sơn La quảng bá, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm dâu tây của tỉnh Sơn La nói riêng, nông sản an toàn tỉnh Sơn La nói chung; Tuần lễ đặc sản Tây Bắc và các tỉnh miền núi phía Bắc, tạo điều kiện để người dân Thành phố Hồ Chí Minh được tiếp cận với đặc sản an toàn vùng Tây Bắc như: măng Kim Bôi, thịt trâu gác bếp Yên Bái, thịt chua Phú Thọ, tương ớt Điện Biên…

Từ sự chỉ đạo, điều hành, phối hợp rất tích cực của Bộ Công Thương, đến nay, nhiều mặt hàng nông sản của đồng bào vùng cao đã có thị trường tiêu thụ ổn định trong nước và từng bước xây dựng thương hiệu.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)