Thông tin giá cả thị trường số 31/2017

12:00 AM 20/08/2017 |   Lượt xem: 10868 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Bội thu ở vùng quả ngọt

Trong lúc câu chuyện “giải cứu nông sản” vẫn xảy ra với không ít loại nông sản trên các vùng miền, thì ở Bắc Giang, trái vải thiều của nông dân ở huyện miền núi Lục Ngạn lại có một vụ mùa bội thu. Đạt được kết quả này không thể không nhắc đến vai trò của chính quyền tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn.

Làm giàu từ cây vải

Lục Ngạn là huyện miền núi và là huyện có diện tích lớn nhất của tỉnh Bắc Giang. Người Kinh ở Lục Ngạn chiếm 53%, còn lại là các dân tộc khác như: Sán Dìu, Nùng, Cao Lan, Hoa. Nếu như trước đây, người Lục Ngạn vẫn thường than vì “đi mãi không hết huyện”; thì giờ đây, diện tích đất rộng lớn ở Lục Ngạn đã trở thành thế mạnh để người dân Lục Ngạn làm giàu với các loại cây ăn trái như: Vải thiều, hồng, na, cam, bưởi…

Trong số các loại cây ăn quả đang làm nên tên tuổi của Lục Ngạn, vải thiều là loại trái cây lâu đời nhất với diện tích toàn huyện hiện lên tới 16.293 héc-ta. Thực tế, vải thiều vốn là loại trái cây có tính mùa vụ cao, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, dễ mất mùa. Thêm vào đó, trái vải lại khó bảo quản được lâu, dễ xuống mã… Đây chính là những yếu tố khiến trái vải thiều Lục Ngạn “quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày” luôn rơi vào tình trạnh bấp bênh khi tiêu thụ…

Vậy nhưng, đó là câu chuyện của vài năm về trước. Mấy năm trở lại đây, trong lúc nhiều loại nông sản dư thừa, ùn ứ, mất giá… thì người trồng vải thiều Lục Ngạn năm sau vui hơn năm trước. Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở Lục Ngạn không chỉ biết trồng vải cho năng suất cao mà còn đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Số hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng trở lên từ vải thiều ngày càng nhiều. Đặc biệt, năm 2017, lần đầu tiên trái vải thiều Lục Ngạn đã tạo sự  đột phá về giá. Với giá bán bình quân 40.000 đồng/kg quả tươi, có thời điểm giá đạt đỉnh lên tới 83.000 đồng/kg, đưa tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 2.204 tỷ đồng. Trong đó, tổng sản lượng xuất khẩu khoảng 25.840 tấn – chiếm tới 47,6% tổng sản lượng vải của Lục Ngạn.

Lãnh đạo “xắn tay” đi bán vải

Để trái vải thiều “rộng đường” đến với các thị trường trong nước và quốc tế là câu chuyện dài của Lục Ngạn nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung. Trong đó, một trong những yếu tố quan trọng là sự vào cuộc của chính quyền tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn. Trong hành trình tìm đường tiêu thụ cho trái vải, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã chủ động “xắn tay” đi bán vải thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, hội thảo. Đặc biệt, năm 2017, lần đầu tiên, Bắc Giang chủ động tổ chức xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Bằng Tường, Trung Quốc, thu hút hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tham gia. Cũng trong vụ vải năm nay, khoảng 10.000 khách Trung Quốc đã đến tận các vườn vải thiều ở Bắc Giang tham quan và kết nối giao thương. 

Về phía huyện Lục Ngạn, xác định kinh tế của huyện chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên lãnh đạo huyện đặc biệt dành sự quan tâm cho vấn đề sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó có trái vải thiều. Bắt đầu vào vụ vải năm 2017, UBND huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo Trạm khuyến nông tổ chức 247 lớp tập huấn cho 11.138 lượt người tham dự, để phổ biến kỹ thuật sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap. Đồng thời, cấp giấy chứng nhận sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap cho trên 40.000 hộ với diện tích 10.700 héc-ta.

Để giúp nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều được thuận lợi, UBND huyện Lục Ngạn đã thành lập Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Cùng với đó, in và cấp nhãn đề can hàng hóa “vải thiều Lục Ngạn”, túi nylon, túi lưới, đĩa DVD cho các HTX và các tổ, đội để quảng bá giới thiệu sản phẩm vải thiều. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành liên quan tạo điều kiện tốt nhất để người dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vải.

Và câu chuyện thành công của trái vải thiều Lục Ngạn đang cho thấy, khi chính quyền vào cuộc một cách tâm huyết, quyết liệt… con đường vươn xa của các loại nông sản chất lượng sẽ luôn rộng mở.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Quảng Bình: Thu mua và tiêu thụ sim rừng cho nông dân

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án phát triển bền vững vì người nghèo Quảng Bình và Công ty TNHH Sim Sơn (Phú Quốc, Kiên Giang) ký kết hỗ trợ kỹ thuật và thu mua quả sim trên địa bàn. Đây là lần đầu tiên, quả sim rừng được bao tiêu, thu mua với số lượng lớn tại Quảng Bình.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, cây sim hiện đang là đối tượng khoanh, nuôi trồng có tiềm năng và mang lại hiệu quả kinh tế cao ở vùng gò đồi các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch và Tuyên Hóa. Trên địa bàn hiện có 8 tổ hợp tác trồng, khoanh nuôi chăm sóc cây sim tự nhiên với khoảng 100 héc-ta, sản lượng đạt 3 tấn/héc-ta/năm.

Nhận thấy tiềm năng to lớn của loại cây tự nhiên này, Công ty TNHH Sim Sơn đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác liên kết khoanh nuôi, khai thác và tiêu thụ sản phẩm sim quả với các tổ hợp tác trồng sim trong thời gian 3 năm. Theo đó, công ty sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, cử cán bộ giám sát quá trình sản xuất, khai thác sim theo quy trình. Đồng thời, thu mua 100% sản lượng sim trong năm thứ nhất và ổn định trong các năm tiếp theo với giá cam kết bằng hoặc cao hơn giá thị trường.

Các tổ hợp tác trồng sim cũng cam kết không sử dụng các loại thuốc hóa học trong sản xuất, khai thác và bảo quản sản phẩm; thực hiện đúng quy trình trồng, khoanh nuôi, khai thác và bảo quản bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về chất lượng của doanh nghiệp thu mua.

Hiện người dân các xã trong huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã chuyển sang trồng sim bởi loại cây trồng này đạt hiệu quả kinh tế cao hơn trồng keo. Theo tính toán, mỗi héc-ta keo bán ra thu được 100 triệu đồng sau 5 năm, còn sim thì sau 1 năm đã có thể thu lời. Tính chi phí thì 1 héc-ta sim cho thu nhập gấp khoảng 5 lần so với trồng keo.

Quảng Trị: Giá chuối mật mốc giảm mạnh

Những ngày qua, nông dân trồng chuối mật mốc ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đứng ngồi không yên vì giá chuối giảm mạnh.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sức mua chuối mật mốc của thị trường Trung Quốc chững lại và thị trường Thái Lan giảm giá xuống chưa đến 1.000 đồng/kg. Đặc biệt, do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều khiến quả chuối bị xạm đen, xấu mã. Bên cạnh đó, đường xá vận chuyển khó khăn, giá giảm thấp nên dù có thu hoạch, vận chuyển về thì tiền bán thu được không đủ tiền công bỏ ra, bà con để mặc chuối chín trên cây.

Theo nhiều tiểu thương kinh doanh chuối trên địa bàn huyện Hướng Hóa, thời điểm này, buồng chuối mật mốc đẹp nhất cũng chỉ đạt giá 2.000 - 2.500 đồng/kg, loại trung bình được thu mua với giá từ 800 - 1.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Vì vậy, nhiều người dân đã dừng việc thu hoạch chuối vì tiền thu không đủ công sức bỏ ra. Trước đây, mỗi ngày có 5 - 10 xe thu mua chuối mật mốc, nhưng giờ chỉ còn 2 - 3 xe và thu mua thất thường.

Thời gian qua, bên cạnh cây sắn nguyên liệu, cây chuối mật mốc là loại cây chủ lực giúp người dân huyện Hướng Hóa vươn lên thoát nghèo. Hiện tại, toàn xã có gần 400 héc-ta chuối mật mốc đã thu hoạch và trên 20 héc-ta được trồng mới trong năm nay. Tuy nhiên, tình trạng giá chuối giảm sâu gần 3 tháng nay  khiến người trồng chuối trên địa bàn chịu nhiều thiệt thòi, thu không đủ chi. Trước tình hình này, bên cạnh việc khuyến cáo bà con giữ vườn, địa phương đang cố gắng liên hệ, tìm kiếm đầu ra ổn định cho cây chuối mật mốc để bà con an tâm sản xuất. Đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân tiếp tục chăm sóc đợi giá tăng cao và không nên mở rộng diện tích để tránh tình trạng cung vượt cầu.

Toàn huyện Hướng Hóa có trên 2.000 héc-ta chuối mật mốc, tập trung vào các xã Tân Long, Hướng Lộc… và nhiều diện tích chuối được người dân thuê đất, trồng ở nước bạn Lào.

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

Tây Ninh: Giá nhãn tiêu da bò giảm mạnh

Tuần qua, nhiều nhà vườn trên địa bàn huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh mất ăn mất ngủ vì nhãn tiêu da bò rớt giá thê thảm và có thời điểm không có thương lái đến mua. Hiện tại, nhãn được thương lái đến mua tại vườn với giá 3.500 - 4.000 đồng/kg. Đây là giá thấp nhất so với vài năm trở lại đây. Cách đây 1 tháng giá nhãn vẫn còn 14.000 đồng - 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ hết chi phí, mỗi tấn nhãn chỉ thu được 4 triệu đồng, không đủ trừ vào khoảng chi phí đầu tư ban đầu. Trong khi đó, nhãn đang chín rộ, càng chín càng rụng nhiều, đến khi thương lái đến mua thì sản lượng sẽ giảm đáng kể.

Theo các thương lái, nhãn da bò chủ yếu xuất sang thị trường Campuchia. Năm nay, do bên Campuchia tiêu thụ rất ít nên nhãn bị dội chợ. Hiện thương lái chủ yếu thu mua nhỏ lẻ để bán tại các tỉnh lân cận.

Hậu Giang: Thương lái thu mua mía giá thấp

Hiện nay, nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy - vùng mía nguyên liệu chính của tỉnh Hậu Giang đã bắt đầu thu hoạch mía chục (để ép nước mía giải khát). Tuy nhiên, giá mía chục năm nay thương lái thu mua thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay đầu vụ, thương lái thu mua chỉ 1.500 đồng/kg và hiện nay giảm còn 1.300 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm ngoái ở mức 1.800 – 2.000 đồng/kg. Nguyên nhân do năm nay nhiều nông dân bán mía chục nên nguồn cung nhiều, thời tiết mưa nhiều nên nhu cầu nước mía giải khát không cao.

Thực tế cho thấy, bán mía chục nông dân có lợi là thu hoạch sớm hơn so với bán mía nguyên liệu cho nhà máy từ 2 - 3 tháng, rút ngắn thời gian canh tác nên 2 năm làm được 3 vụ (mía lưu gốc vùng có đê bao). Ngoài ra, bán mía chục thương lái tự đốn nên nông dân không tốn công thu hoạch.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Hậu Giang, đến nay, nông dân đã thu hoạch bán mía chục được khoảng 500/10.800 héc-ta mía nguyên liệu toàn tỉnh, năng suất từ 100 – 110 tấn/héc-ta, trung bình mỗi tuần thu hoạch khoảng gần 50 héc-ta.

Kiên Giang: Người trồng khóm lỗ nặng

Khoảng 2 tháng nay, giá khóm (dứa) ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang liên tục giảm. Đầu năm 2017, giá khóm đạt khoảng 7.000 đồng/trái, đến gần cuối tháng 7 có lúc chỉ còn 1.800 đồng/trái. Với mức giá hiện nay, người trồng khóm lỗ nặng hoặc chỉ hòa vốn. Theo nhiều nông dân trồng khóm ở huyện Gò Quao, giá khóm xuống thấp thời gian qua là do nguồn cung vượt nhu cầu của thị trường. Vụ khóm ở đây đang thu hoạch rộ nhưng thị trường tiêu thụ quá chậm, người trồng chủ yếu bán lẻ ở chợ hoặc cơ sở chế biến mứt, kẹo.

Toàn huyện Gò Quao hiện có 3.650 héc-ta trồng khóm và dự kiến sẽ tăng lên 3.745 héc-ta vào cuối năm nay. Những vụ trước, trái khóm bán được giá cao nên nhiều nông dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng. Tuy nhiên, cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, cứ được mùa là giá khóm lại giảm. Vì vậy, bà con mong nhà nước có chính sách để nâng giá khóm lên, giúp người trồng có cuộc sống ổn định vì vùng đất này chỉ có thể trồng khóm. Hiện nay, ngành nông nghiệp huyện đã liên hệ với 3 doanh nghiệp để tiến tới liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng khóm trên địa bàn.

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá tôm nguyên liệu tăng cao

Người nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đón nhận tin vui khi vài tuần trở lại đây, giá tôm nguyên liệu có chiều hướng tăng cao. Tăng mạnh nhất là mặt hàng tôm sú với mức tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân khiến tôm nguyên liệu tăng giá vào thời điểm này là do thị trường xuất khẩu đang khởi sắc trở lại. Do đó, các nhà máy chế biến thủy sản trong vùng phải đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Trong khi nguồn tôm nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu nên đẩy giá tăng cao.

Hiện giá tôm sú loại 40 con/kg đang được thương lái thu mua tại ao là hơn 210.000 đồng/kg, tăng khoảng 22.000 đồng. So với cùng kỳ năm ngoái tôm thẻ cũng tăng nhẹ từ 1.000 - 4.000 đồng, dao động ở mức 120.000 - 140.000 đồng/kg tùy loại.

 LƯU Ý -  CẢNH BÁO 

Khuyến cáo không mở rộng diện tích chanh dây

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn Tây Nguyên có trên dưới 5.000 héc-ta chanh dây (chanh leo), tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum.

Giá giảm mạnh

Nếu như những năm trước, giá chanh dây ở Tây Nguyên đạt mức cao, có thời điểm lên đến 40.000 đồng/kg thì đến thời điểm hiện nay loại quả này giá cả chỉ bằng 1/10 so với trước. Theo tính toán sơ bộ, nếu như năm 2016, trung bình 1 héc-ta chanh dây sau khi thu hoạch, trừ hết các khoản chi phí người trồng thu về 350 - 400 triệu đồng bởi giá thời điểm đó lên tới 40.000 đồng/kg, có thời điểm tăng lên đến 56.000 đồng/kg. Thì đến thời điểm đầu năm 2017, giá chanh dây ở Tây Nguyên giảm mạnh chỉ còn 10.000 - 15.000/kg, còn đến thời điểm hiện tại chỉ còn từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Đắk Lắk có khoảng 500 héc-ta chanh dây, tập trung chủ yếu tại các huyện Buôn Đôn, Krông Năng, Krông Pắc… Anh Phạm Văn Dũng, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Năm 2016 thấy nhiều hộ dân trên địa bàn trồng chanh dây thắng lớn, cho hiệu quả kinh tế cao, năm nay tôi đầu tư gần 100 triệu đồng để trồng 0,8 héc-ta chanh dây. Tuy nhiên, thời điểm tôi bắt đầu thu hoạch là lúc giá chanh dây xuống thấp quá. Nếu so với năm trước, thì năm nay tôi thất thu lớn”. Một thương lái thu mua chanh dây ở huyện Krông Pắc cũng cho biết: Những năm trước, giá chanh dây cao nên việc thu mua dễ dàng, người dân cũng phấn khởi. Năm nay, giá thu mua thấp mà rủi do cao nên cánh thương lái  không “ôm” nhiều bởi giá do chủ đại lý thu gom quyết định và lên xuống hàng ngày.

Hạn chế mở rộng diện tích

Thực tế thời gian qua cho thấy, ở các tỉnh Tây Nguyên, việc trồng chanh dây chủ yếu do người dân tự phát, trồng theo phong trào nên rủi ro cao về giá. Do vậy ngoài việc khuyến cáo, tuyên truyền cho người dân không phát triển chanh dây một cách ồ ạt, bản thân người nông dân cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đổ xô vào trồng các loại cây theo phong trào.

Riêng tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh đã có công văn đề nghị các huyện thị khuyến cáo người dân hạn chế mở rộng diện tích, chạy theo phong trào trồng chanh dây nhằm tránh rủi ro, thiệt hại về kinh tế. Bởi theo số liệu thống kê của tỉnh Gia Lai, cuối năm 2015, diện tích chanh dây chỉ là 300 héc-ta nhưng do thời điểm này giá chanh dây tăng cao khoảng 40.000 – 45.000 đồng/kg. Với lợi nhuận cao, các hộ dân đã đua nhau phá bỏ các cây trồng truyền thống như cà phê, tiêu để mở rộng chanh dây. Đến nay, diện tích chanh dây của tỉnh đã tăng lên 3.000 héc-ta. Đáng nói, sản phẩm sản xuất quá lớn đã vượt khả năng thu mua của các doanh nghiệp dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu khiến giá giảm sâu, hiện chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng/kg.

Tỉnh Gia Lai cũng đề nghị người dân cảnh giác trước tình trạng có nhiều doanh nghiệp thu mua chanh dây nhưng thực chất chỉ là lợi dụng bán giống, bán phân chứ không chủ động liên kết, tiêu thụ giúp nông dân. Do vậy, để tránh chạy theo phong trào gây thiệt hại về kinh tế, tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân hạn chế mở rộng diện tích, nghiêm cấm chặt phá các cây cao su, cà phê, điều để chuyển sang trồng chanh dây.

HÀNG VIỆT

Phát triển thương hiệu nhãn Sông Mã

Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã tổ chức Chương trình đón nhận Nhãn hiệu chứng nhận “nhãn Sông Mã” gắn với Ngày hội nhãn Sông Mã năm 2017 nhằm quảng bá, giới thiệu thương hiệu này đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Giới thiệu hình ảnh, quảng bá thương hiệu

Đây sẽ là tiền đề phát triển thương hiệu nhãn Sông Mã thành một thương hiệu mạnh của địa phương. Đồng thời, tạo cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực này. Quan trọng hơn cả, việc cấp chứng nhận sẽ giúp người dân Sông Mã, đặc biệt là đồng bào dân tộc làm giàu trên chính quê hương mình và góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Khi thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về điều chỉnh một phần nhân lực miền xuôi lên xây dựng kinh tế ở miền núi, cây nhãn đã được nhân dân huyện Sông Mã mang từ tỉnh Hưng Yên về trồng từ năm 1961. Lúc đầu, cây nhãn được trồng chủ yếu hai bên bờ sông Mã thuộc các xã: Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong, về sau mở rộng dần ra địa bàn toàn huyện.

Hiện nay, toàn huyện Sông Mã có gần 32.000 hộ dân tại 19 xã, thị trấn trồng nhãn với diện tích gần 5.500 héc-ta, chiếm trên 80% diện tích cây ăn quả của huyện. Càng ngày, cây nhãn càng khẳng định rõ hiệu quả kinh tế đối với người dân huyện biên giới Sông Mã. Nhiều hộ trồng nhãn đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, thậm chí một số hộ có thu nhập hàng tỷ đồng/năm từ trồng nhãn.

Theo kế hoạch, tới năm 2020, toàn huyện Sông Mã phấn đấu có trên 6.300 héc-ta nhãn, sản lượng quả tươi đạt 50.745 tấn.

Hội thi nhãn ngon, an toàn

Trước đó, ngày 1/8/2017, huyện Sông Mã đã tổ chức Hội thi nhãn ngon, an toàn năm 2017 nhằm giới thiệu hình ảnh, quảng bá thương hiệu nhãn Sông Mã; hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, tiếp thị sản phẩm trái cây; góp phần xây dựng vị thế vững chắc cho sản phẩm nhãn Sông Mã trên thị trường. Hội thi còn là dịp để những người trồng nhãn giao lưu, học hỏi, tìm hiểu, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc, trồng trọt để tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị cao.

Ngoài ra, Ngày hội nhãn Sông Mã năm nay còn có 30 gian hàng tham gia trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm nhãn của 14 hợp tác xã và 16 xã trên địa bàn huyện. Các gian hàng đã đem đến những sản phẩm nhãn chất lượng tốt nhất để giới thiệu, quảng bá tới các du khách và doanh nghiệp tham quan.

Xác định được vị trí, tầm quan trọng của cây nhãn, trong những năm qua, huyện Sông Mã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, vườn nhãn. Đến nay, sản phẩm nhãn Sông Mã đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận “nhãn Sông Mã”. Tại chương trình, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ đã công bố và trao quyết định văn bằng Nhãn hiệu chứng nhận “nhãn Sông Mã” cho lãnh đạo UBND huyện Sông Mã; Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao quyết định cấp mã vùng trồng nhãn xuất khẩu cho các hợp tác xã của huyện Sông Mã gồm: Hoàng Tuấn, Bảo Minh, An Thịnh…

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Đắk Lắk: Mạnh tay xử phạt thuốc lá điếu nhập lậu

Thuốc lá điếu vẫn là mặt hàng buôn lậu trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và có sức tiêu thụ lớn. Đáng nói hơn, số vụ vận chuyển thuốc lá lậu không xác định được chủ sở hữu ngày càng gia tăng.

Chi cục Quản lý Thị trường Đắk Lắk cho biết, sau một thời gian thuyên giảm, gần đây, tình hình buôn lậu thuốc lá trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng trở lại. Lợi nhuận cao khiến nhiều đối tượng kinh doanh mặt hàng này bất chấp mọi thủ đoạn để vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu. Đặc biệt, do mức xử phạt cao nên gian thương thường chia nhỏ ra để vận chuyển, trà trộn với hàng hóa hợp pháp khác. Khi bị phát hiện, đối tượng thường không thừa nhận hoặc bỏ lại tang vật để chạy trốn.

Qua các đợt kiểm tra, kiểm soát cho thấy, thuốc lá lậu được đưa ra thị trường, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh thông qua các xe khách, xe hàng với các thủ đoạn che giấu ngày càng tinh vi. Trên kênh phân phối lẻ, thuốc lá điếu nhập lậu chủ yếu được bày bán tại các cửa hàng tạp hóa, nhà hàng ăn uống, quán cà phê… Trước sự kiểm tra gắt gao của lực lượng chức năng, gần đây, nhiều điểm bán lẻ không bày bán công khai như trước mà chỉ bán cho khách quen hoặc chỉ để số lượng rất ít trên quầy, khi khách có nhu cầu mới hẹn chỗ để giao hàng nên việc kiểm tra, phát hiện gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã tăng cường xử phạt những người bán lẻ thuốc lá lậu, tịch thu hàng. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng siết chặt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn ký cam kết không kinh doanh, buôn bán, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu, nhất là đối với các điểm buôn bán thuốc lá nhỏ lẻ. Nếu như trước đây, các vụ vi phạm mua bán lẻ thuốc lá lậu một vài gói chỉ bị nhắc nhở, còn hiện nay, vi phạm mua bán lẻ thuốc lá lậu dù một vài gói cũng bị phạt hành chính. Theo đó, nếu kinh doanh dưới 10 gói thuốc lá lậu sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng/lần, nếu tái phạm dù số lượng ít cũng bị xử lý hình sự tội mua bán hàng cấm.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)