Thông tin giá cả thị trường số 26/2017

09:55 AM 14/07/2017 |   Lượt xem: 10674 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Mở rộng diện tích lúa nếp: Nhiều rủi ro

Trước tình trạng nông dân một số nơi vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đẩy mạnh xuống giống lúa nếp, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con không nên mở rộng để tránh tình trạng cung vượt cầu. Thực tế là so với cùng kỳ năm 2016, giá lúa nếp hiện đã giảm đáng kể.

Do nhu cầu tiêu thụ lúa nếp cao, giá tăng liên tục nên thời gian qua, nhiều người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chuyển từ trồng lúa thường sang trồng lúa nếp khiến diện tích lúa nếp tăng đột biến. Các địa phương có diện tích trồng lúa nếp tăng cao là An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang… Tuy nhiên, phần lớn nông dân ở địa phương trồng lúa nếp theo phong trào, chưa tính đến yếu tố cung - cầu, việc sản xuất cũng theo tập quán là chính.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, hiện nay, toàn tỉnh có  khoảng 11.000 héc-ta trồng lúa nếp, tập trung ở các huyện Giang Thành và Kiên Lương. Những năm trước, diện tích trồng lúa nếp của tỉnh rất ít nhưng vài năm trở lại đây đã tăng lên nhanh chóng. Vụ đông xuân vừa rồi, diện tích trồng lúa nếp đã tăng đến 11.000 héc-ta còn vụ hè thu này, tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng con số có thể tương đương vụ đông xuân. Nguyên nhân chủ yếu khiến diện tích trồng lúa nếp tăng là do có thị trường tiêu thụ, nhất là phía Trung Quốc. Có thời điểm, giá lúa nếp tăng cao hơn giá lúa thường khoảng 1,2 lần.

Ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, sau nhiều năm phát triển, lúa nếp đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện với tổng diện tích khoảng 20.000 héc-ta. Trong đó, chỉ riêng ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, người dân đang trồng khoảng  100 héc-ta.

Còn ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, vụ hè thu này, toàn huyện đã xuống giống trên 20.000 héc-ta lúa thường và lúa nếp, trong đó diện tích lúa nếp chiếm khoảng 50%. Tương tự, tại huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, vài năm trước đây trong xã chỉ có khoảng 30% hộ nông dân trồng lúa nếp, song đến nay, diện tích trồng lúa nếp đã chiếm trên 95%.

Trước tình trạng này, ngành nông nghiệp cảnh báo, hiện nay, rất ít diện tích lúa nếp có hợp đồng liên kết bao tiêu với công ty, bà con nông dân phần lớn bán qua tay thương lái. Thực tế cho thấy, trồng lúa nếp hiện nay có thể sẽ gặp nhiều rủi ro do phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc. Bên cạnh đó, cây lúa nếp thường bị côn trùng và dịch bệnh tấn công nhiều hơn so với cây lúa thường. Vì vậy, vùng nào không có doanh nghiệp bao tiêu lúa nếp, người dân không nên sản xuất, tránh tình trạng dư thừa.

Theo báo cáo sơ kết sản xuất lúa hè thu năm 2017 vùng Nam bộ của Cục Trồng trọt, cơ cấu giống lúa vẫn tuân thủ theo khuyến cáo, riêng nhóm lúa nếp có tăng hơn cùng kỳ. Hiện người trồng lúa nếp ở Đồng bằng sông Cửu Long đang mong muốn, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quy hoạch cụ thể vùng nào được trồng lúa nếp, vùng nào không được trồng. Từ đó, người dân có cơ sở để mở rộng và phát triển diện tích.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sản lượng lúa nếp xuất khẩu của nước ta trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Cụ thể, năm 2015, sản lượng lúa nếp xuất khẩu đạt khoảng 500.000 tấn nhưng đến năm 2016, sản lượng tăng lên khoảng 1 triệu tấn. Dự kiến, cả năm 2017, diện tích gieo trồng lúa nếp có thể lên đến 356.000 héc-ta và sản lượng xuất khẩu khoảng 1,2 - 1,3 triệu tấn (tăng 20 - 30% so với năm 2016).

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Cao Bằng: Bí hương tiêu thụ mạnh

Bí hương tiếng Tày gọi là Phặc Moong (bí phấn) là đặc sản nổi tiếng của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Thời gian qua, sản phẩm tiêu thụ mạnh nên bà con rất phấn khởi.

Bí hương được gần 100 hộ dân người dân tộc Tày, Nùng thuộc 2 xóm Nà Sloỏng và Lũng Buốt, xã Lê Lai, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng trồng trên vùng đất có độ cao trung bình khoảng 800 mét so với mực nước biển với khí hậu mát mẻ quanh năm. Khác với giống bí đao thông thường, quả bí hương Cao Bằng nhỏ, thon, dài, toàn bộ thân, hoa, lá có mùi thơm đặc trưng.

Bà con thu hoạch bí hương đến đâu có thương lái thu mua ngay sản phẩm đến đó. Đặc biệt, năm ngoái, bí hương Cao Bằng đã có mặt tại một số cửa hàng nông sản an toàn và siêu thị lớn tại Hà Nội. Sản phẩm đảm bảo an toàn, hương vị đặc trưng và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng (truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng điện tử có mã truy xuất QR code, giúp người tiêu dùng có thể sử dụng smartphone chụp lại tem truy xuất và có thể biết mọi thông tin về sản phẩm).

Với thị trường tiêu thụ ổn định như hiện nay, bà con nông dân đang mở rộng diện tích trồng bí hương. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng sản phẩm rất cần sự hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, bảo quản, xây dựng thương hiệu sản phẩm …

Làng đảo Vân Nghệ (Hưng Yên):  Chế biến tinh dầu húng quế

Thôn Vân Nghệ, xã Mai Động, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên là một thôn nằm biệt lập giữa bãi bồi sông Hồng. Để nâng cao thu nhập, thời gian gần đây, nhiều người dân đã đưa cây húng quế vào trồng trên đồng đất làng đảo.

Ngay từ vụ đầu tiên cây húng quế đã bộc lộ nhiều ưu điểm phù hợp với đồng đất nơi đây, cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao nên được người dân trong thôn nhân rộng. Hiện nay, toàn thôn Vân Nghệ có trên 11 héc-ta đất canh tác thì có trên 4 héc-ta diện tích trồng cây húng quế. Hiện có tới 80% số hộ trong thôn trồng loại cây này.

Khác với nhiều địa phương khác trồng cây húng quế để phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày, những người dân làng đảo Vân Nghệ trồng cây húng quế để sản xuất tinh dầu. Hầu hết các hộ trồng rau húng quế đều đầu tư xây lò chưng cất, chiết xuất tinh dầu trực tiếp cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, để có những ruộng rau húng quế cho sản lượng tinh dầu cao, ngoài việc chú trọng đến khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, người dân còn đặc biệt quan tâm đến thời điểm “vàng” để thu hoạch.

Theo kinh nghiệm của những người trồng húng quế, 1 sào rau húng quế trung bình sẽ cho thu hoạch trong 6 tháng, với khoảng 6 kg tinh dầu. Để chất lượng tinh dầu đạt hiệu quả cao, sau khi chiết xuất cần phải chọn đúng thời điểm để thu hoạch. Đó là khi ngồng hoa húng quế đạt độ dài tối đa từ 5 - 7 cm, màu tím đậm và có mùi thơm đặc trưng thì khi ấy rau húng quế mới có thể cho lượng tinh dầu cao nhất. Với giá bán hiện nay khoảng 700.000 đồng/kg cho đến 1 triệu đồng/kg tinh dầu húng quế, mang lại nguồn thu nhập 4 - 5 triệu đồng/sào/vụ.

Việc trồng và chiết xuất tinh dầu húng quế tại thôn Vân Nghệ hiện nay đã góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho nhiều người dân trong thôn. Tuy nhiên, các hộ trồng cây húng quế nơi đây vẫn phải tự tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm, giá bán phụ thuộc nhiều vào thị trường. Thời gian tới, để tạo điều kiện cho các hộ dân trên địa bàn thôn mở rộng diện tích trồng cây húng quế cần có sự quan tâm hơn nữa của các ngành, cơ quan chuyên môn để cây húng quế tiếp tục là cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân làng đảo.

MUA GÌ? - BÁN GÌ?

Lâm Đồng: Giảm 50% diện tích trồng cà chua

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, từ đầu năm 2017 đến nay, nông dân tại các vùng nông nghiệp trọng điểm ở huyện Đơn Dương và Đức Trọng đã xuống giống trồng gần 1.300 héc-ta cà chua, giảm khoảng 50% diện tích so với cùng kỳ năm 2016. Những diện tích không tiếp tục trồng lứa cà chua mới, nông dân đã chuyển đổi sang canh tác các cây trồng khác như: rau họ thập tự, đậu leo, xà lách và các loại cây họ cà khác như cà tím, ớt cay… theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn thuộc ngành nông nghiệp Lâm Đồng.

Ngoài ra, một số khu vực khác ở 2 huyện nói trên, nông dân trồng các loại rau họ cà đã chuyển đổi diện tích hơn 2.000 héc-ta từ canh tác ngoài trời sang canh tác trong nhà kính và nhà lưới nhằm hạn chế thiệt hại do vi-rút bệnh xoắn lá có thể xảy ra.

Đồng Nai: Giá gà trang trại giảm

Giá gà tại trang trại ở Đồng Nai đang giảm 10.000 đồng/kg xuống mức 22.000 - 24.000 đồng/kg. Theo một số chủ trang trại, nguyên nhân chính là do giá heo giảm mạnh nên nhiều người đã chuyển sang lựa chọn thịt heo khiến lượng gà tiêu thụ giảm. Giá gà giảm khiến nhiều trang trại gà tại Đồng Nai lỗ nặng do giá bán loại gia cầm này thấp hơn chi phí sản xuất. Đặc biệt, giá gà màu đang có xu hướng giảm mạnh, nhất là trong khoảng một tuần trở lại. Cụ thể, giá gà loại 1,5kg/con – loại gà có trọng lượng phổ biến tại trại vào cuối tuần rồi chỉ còn ở mức 24.000 - 26.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất trung bình vào khoảng 33.000 - 35.000 đồng/kg.

Ngoài ra, giá gà giảm cũng do tình trạng cung đã vượt cầu. Hiện nay đã có 19 trại gà ở Đồng Nai và Bình Dương với tổng đàn khoảng 250.000 con.

Hậu Giang: 80% diện tích mía được bao tiêu

Năm nay, toàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang xuống giống gần 7.500 héc-ta mía. Trong đó, giống mía chín sớm như ROC 16 chiếm 54% diện tích, tương đương khoảng 4.000 héc-ta; các giống mía chín trung bình như: ROC 11, ROC 13 chiếm 25%, còn lại là các giống chín muộn. Theo kế hoạch chuẩn bị cho vụ mía mới, các nhà máy đường trong tỉnh đã tiến hành bao tiêu 80% diện tích mía trong toàn huyện, với giá sàn là 900 đồng/kg mía 10 ccs tại cầu cảng.

Năm trước các nhà máy đường công bố giá mía bao tiêu chỉ ở mức 830 đồng/kg mía 10ccs tại cầu cảng nên nông dân lo lắng, không dám đầu tư vì sợ giá mía ở mức thấp sẽ tiếp tục thua lỗ. Nhưng khi vào vụ thu hoạch, giá mía bình quân với mức 1.000 đồng/kg, nông dân đã có lợi nhuận từ cây mía. Còn năm nay, giá bao tiêu đã ở mức 900 đồng/kg nên nông dân an tâm đầu tư.

Khánh Hòa: Khuyến khích đầu tư nuôi tôm thâm canh

Trong những năm tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nuôi tôm thâm canh, đặc biệt là nuôi tôm công nghệ cao để tăng năng suất. Dự kiến, tỉnh sẽ xây dựng vùng nuôi tôm chân trắng công nghệ cao tại thị xã Ninh Hòa với quy mô khoảng 50 héc-ta đến năm 2020, năng suất nuôi bình quân đạt 30 - 50 tấn/héc-ta. Đến năm 2020, nuôi tôm nước lợ tại các địa phương sẽ giảm xuống còn 1.755 héc-ta nuôi ao đìa. Trong đó, diện tích nuôi tôm tại TP. Cam Ranh khoảng 65 héc-ta, thị xã Ninh Hòa khoảng 1.290 héc-ta, huyện Vạn Ninh khoảng 250 héc-ta, huyện Cam Lâm khoảng 150 héc-ta.

Để phát triển nuôi tôm thâm canh, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi, nhất là những vùng nuôi tôm siêu thâm canh để tăng năng suất. Diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng sẽ được điều chỉnh theo thị trường và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, môi trường tại các vùng nuôi.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Bến Tre: Xây dựng chuỗi giá trị dừa xiêm xanh

Tỉnh Bến Tre hiện có trên 70.000 héc-ta diện tích trồng dừa, chiếm 40% diện tích dừa cả nước. Trong đó, diện tích dừa xiêm xanh gần 8.000 héc-ta.

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang hình thành chuỗi giá trị dừa xiêm xanh (dừa uống nước) nhằm ổn định vùng nguyên liệu, ổn định giá cả, đầu vào, đầu ra đối với loại trái cây này. Theo đó, các doanh nghiệp đã xây dựng vùng nguyên liệu dừa xiêm xanh ở các xã Thành Triệu, Phú Túc, Phước Thạnh (huyện Châu Thành) và xã Phong Nẫm, xã Phong Mỹ (huyện Giồng Trôm).

Theo một doanh nghiệp chuyên sản xuất, đóng gói, xuất khẩu các mặt hàng dừa uống nước; trong đó dừa xiêm xanh là mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Trung bình mỗi tháng xuất khẩu khoảng 300.000 - 400.000 trái, sang các nước như: Pháp, Mỹ, Nhật, Australia, Canada, Hàn Quốc… Đối tượng khách hàng của công ty phần lớn là những tập đoàn bán lẻ, hệ thống siêu thị và chợ nông sản. Thời gian tới công ty dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 500.000 - 600.000 trái dừa/tháng. Để đảm bảo nguồn hàng ổn định, công ty sẽ xây dựng vùng nguyên liệu ở những nhà vườn trồng chuyên canh dừa xiêm xanh đang cho thu hoạch, diện tích từ 2.000m² trở lên. Giá thu mua theo mặt bằng chung của thị trường tại địa phương. Đảm bảo mức giá thấp nhất là 50.000 đồng/chục (12 trái).

Trên thực tế, thời gian qua, giá dừa xiêm không ổn định, khi thị trường hút hàng thì có lúc giá lên tới 130.000/chục, nhưng cũng có lúc giảm xuống còn 30.000 - 40.000 đồng/chục. Nguyên nhân do dừa xiêm xanh chỉ được tiêu tại thị trường nội địa, thông qua các thương lái mua của nông dân đem tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, chỉ có một ít được xuất khẩu.

Đắk Lắk: Giống mít Thái khan hàng

Hiện nay, Đắk Lắk đang bước vào mùa trồng các loại cây. Vụ mùa cây giống năm nay, giống các loại cây ăn quả bán chạy hơn những năm trước, đặc biệt giống mít Thái siêu sớm đang cháy hàng.

Nguyên nhân chủ yếu khiến giống mít Thái siêu sớm khan hiếm bởi nhu cầu về loại cây giống này đang tăng đột biến. Hiện nay, giá giống mít Thái siêu sớm tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ 40.000 - 45.000 đồng/cây, tăng gấp 3 lần so với những năm trước đây. Mùa vụ 2016, giống mít Thái siêu sớm chỉ có giá từ 12.000 – 15.000 đồng/cây.

Chủ một cơ sở cung cấp cây giống ở đường Phạm Văn Đồng, TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Năm nay do nhu cầu trồng giống mít Thái siêu sớm tăng mạnh nên giá giống tăng cao. Nếu như năm trước, cửa hàng chỉ bán với giá 12.000 đồng/cây thì năm nay phải nhập về với giá 35.000 đồng/cây nên cửa hàng bán ra với giá 45.000 đồng/cây. Vì vậy, đến thời điểm này, nhiều cơ sở kinh doanh không còn loại giống cây này để bán.

Tình trạng khan hiếm giống mít Thái siêu sớm xuất phát từ việc hiện nay, loại mít này đang rất được giá trên thị trường. Hiện thương lái đang thu mua mít Thái giá 30.000 -  35.000 đồng/kg nên bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã và đang đầu tư trồng nhiều.

Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cũng đã cảnh báo nông dân không nên trồng mít Thái siêu sớm theo phong trào, bởi việc đổ xô trồng một loại cây có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu tương tự một số cây trồng khác trước đây, sau đó phải đốn bỏ. Do vậy, người nông dân cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn cơ cấu cây trồng cho mình.

HÀNG VIỆT

Bắc Kạn: Xây dựng chuỗi sản xuất khép kín cho nông sản

Thu hút đầu tư của doanh nghiệp (DN) để xây dựng các chuỗi sản xuất khép kín nhằm nâng cao sức cạnh tranh và giá trị cho các sản phẩm nông sản địa phương là hướng đi của Bắc Kạn nhằm nâng cao giá trị cho các sản phẩm này.

Huy động sự vào cuộc của DN

Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Bắc Kạn và đại diện một số nhà đầu tư đã ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ phát triển bò thịt chất lượng cao thành hàng hóa theo chuỗi giá trị ở các tỉnh miền núi phía Bắc”. Theo đó, Bộ Khoa học Công nghệ sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tổng hợp Bắc Sông Cầu (Thái Nguyên) thực hiện hoạt động khôi phục và phát triển đàn bò Mông bản địa tại các tỉnh miền núi phía Bắc thành chuỗi sản xuất hàng hóa có giá trị cao trên thị trường, hướng tới xuất khẩu. Ở giai đoạn đầu tiên, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn bắt tay vào việc xây dựng Trung tâm Bảo tồn nguồn gen và Phát triển giống bò Mông tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.

Đó là một trong những hoạt động được Bắc Kạn triển khai để nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản địa phương. Giống như nhiều địa phương miền núi khác, Bắc Kạn có nhiều sản phẩm nông sản có giá trị cao và có tiềm năng phát triển thành sản phẩm hàng hóa như: mơ, chè Shan tuyết, cam quýt, dong riềng, bí xanh thơm, măng khô, bún, phở khô, miến… Chất lượng sản phẩm được đánh giá tốt, điều kiện sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn nhưng sản lượng còn thấp, chưa có bao bì thương hiệu, chủ yếu xuất bán ở dạng thô. Nhiều sản phẩm rau, hoa quả tươi chưa được tiêu thụ tốt ở các thị trường xa do chưa có công nghệ bảo quản tiên tiến.

Bắc Kạn đang nỗ lực hướng tới sản xuất hàng hóa bền vững. Để thực hiện được điều này bắt buộc phải có sự vào cuộc của DN. Tuy nhiên, số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, để thu hút đầu tư vào DN, tỉnh Bắc Kạn đã và đang nỗ lực cải cách hành chính, tạo điều kiện cho DN đầu tư vào nông nghiệp như ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ các DN đầu tư các cơ sở chăn nuôi gia súc; trồng cây dược liệu; trồng rau, củ, quả; hỗ trợ tiền thuê đất…

“Chìa khóa” nâng cao giá trị sản phẩm địa phương

Với các chính sách ưu đãi của tỉnh, một số DN đã bắt đầu tìm tới Bắc Kạn để đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Mới đây Công ty CP Thực phẩm Đồng Giao đã khảo sát và có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu trồng cây chanh leo, rau chân vịt trên địa bàn tỉnh. Với tiềm năng lớn về các loại cây trồng này, dự kiến, dự án sẽ sớm được thực hiện trong năm nay.

Đầu tháng 4/2017, UBND tỉnh Bắc Kạn, Bộ Khoa học và Công nghệ và đại diện nhà đầu tư đã ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ phát triển bò thịt chất lượng cao thành hàng hóa theo chuỗi giá trị ở các tỉnh miền núi phía Bắc” tại huyện Chợ Mới. Dự án giúp ứng dụng các công nghệ mới về giống, chăm sóc, thức ăn, thú y, công nghệ giết mổ, xây dựng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thịt bò Mông. Đồng thời, xúc tiến, hỗ trợ DN liên kết với các hộ nông dân trong vùng miền núi phía Bắc để phát triển nghề nuôi bò thành ngành hàng sản xuất quy mô lớn. Để thực hiện dự án, UBND tỉnh Bắc Kạn đã bố trí 15 héc-ta đất cho DN tham gia dự án để triển khai xây dựng các hạng mục cơ bản.

Ngoài các giải pháp kể trên, tỉnh Bắc Kạn đang tích cực đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp địa phương bằng việc đưa sản phẩm tham gia các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại. Đồng thời, lập hồ sơ xin cấp chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm đặc trưng. Thông qua các chương trình này, nhiều sản phẩm nông nghiệp Bắc Kạn như: quýt, miến, măng khô, thịt bò… đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng các địa phương, tạo điều kiện cho các sản phẩm được tiêu thụ tốt hơn trong thời gian tới.

CHỐNG BUÔN LẬU GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Nước ngọt có ga siêu rẻ: Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Tại nhiều chợ xã, chợ huyện ở vùng sâu, vùng xa… muốn mua một chai nước ngọt có ga không khó, giá lại chỉ rẻ ngang một chai nước lọc. Chuyện khó tin nhưng có thật.

Tràn lan nước ngọt có ga giá rẻ

Đến với các quầy tạp hóa ở những khu chợ tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Lào Cai, Hà Giang, Sơn La hay Tuyên Quang…, hầu như chỗ nào cũng thấy bày bán nước ngọt có ga. Đa phần là loại chai nhựa dung tích 250ml, 500 ml, 1 lít với 2 vị chủ yếu là cam và dâu, ngoài ra còn có cả các loại nước đề là nước tăng lực với hình ảnh 2 con tê giác đang húc nhau.

Nhìn bề ngoài, mỗi chai nước đều có tem nhãn khá đầy đủ, ghi rõ xuất xứ cũng như chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy, màu nước đỏ, vàng trong chai rõ ràng là màu của phẩm màu công nghiệp. Thậm chí, khi giơ ngược chai lên, trong thành chai vẫn còn đọng chất bẩn chưa được rửa sạch. Đặc biệt, mỗi chai nước, dù ghi là nước ngọt có ga nhưng giá chỉ khoảng vài nghìn đồng/chai (3.000 - 7.000 đồng/chai – tùy chai 250ml, hay 1 lít). Đây là giá bán đến tay người tiêu dùng, còn thực tế, theo một người chuyên đánh hàng lên các chợ miền núi, một chai nước ngọt có ga giao buôn tại nơi sản xuất chỉ khoảng 1.500 đồng – 2.000 đồng/chai 400ml. Đáng ái ngại là, nhiều bà con đi chợ vẫn thường xuyên mua các loại nước ngọt này để uống và cho con, cháu uống.

Hỏi thăm một người bán hàng ở chợ xã Bản Díu, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang xem nguồn gốc các loại nước ngọt có ga này từ đâu ra, chị bán hàng cho hay: Hàng tuần đều có xe tải nhỏ chở hàng lên các chợ giao. Nước ngọt, bánh kẹo, bim bim chủ yếu được lấy từ Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) hoặc xã La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội), xã Dốc Lã (huyện Gia Lâm - Hà Nội).

Sản xuất từ nước giếng khoan

Thực tế, những địa chỉ mà chị bán hàng cho hay đều nổi tiếng vì chuyên làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Riêng với sản phẩm nước ngọt có ga, nhiều lần báo chí, truyền hình đã thông tin về việc phát hiện: Nước ngọt có ga được một số cơ sở sản xuất từ nước giếng khoan, hòa với đường Trung Quốc, hương liệu tạo mùi các loại (cam, chanh, cola), rồi sục qua khí CO2 để tạo ga; hoặc sử dụng đường, muối, bột mốc và Axit Ctric trộn với nước giếng khoan, sau đó đóng chai, dán nhãn mác. Quá trình sản xuất thủ công, tạm bợ và rất mất vệ sinh…

Tuy nhiên, không biết bằng cách nào, trên nhãn mác của các chai nước ngọt này đều có ghi “Cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm”. Đây có lẽ chính là lý do khiến lực lượng quản lý thị trường thường xuyên có mặt ở các phiên chợ xã, huyện… nhưng rất ít khi hỏi đến các sản phẩm này, bởi tem mác, thành phần nguyên liệu, hạn sử dụng trên vỏ chai có in đầy đủ còn về chất lượng thì rõ ràng là đáng ái ngại, nhưng chỉ bằng mắt thường thì không ai dám khẳng định điều gì!

Trong lúc chờ đợi những giải pháp tích cực chống hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng từ phía các cơ quan chức năng; bà con không nên ham rẻ mà chọn mua và sử dụng các loại nước ngọt rẻ tiền này. Bởi lẽ, việc sử dụng loại nước ngọt chất lượng kém, giá rẻ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con, của con cháu; mà hơn thế còn tiếp tay cho những kẻ làm hàng gian, hàng kém chất lượng có cơ hội tiêu thụ sản phẩm mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)