Thông tin giá cả thị trường số 24/2019

11:06 AM 19/06/2019 |   Lượt xem: 4520 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Tiếp cận thị trường Trung Quốc:

Dẹp bỏ tư duy manh mún, nhỏ lẻ

Từ chỗ được đánh giá là thị trường dễ tính, bắt đầu 1/1/2019, Trung Quốc chính thức áp dụng những rào cản kỹ thuật khắt khe với nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh những thách thức đặt ra, đây có thể xem là cơ hội để bà con thay đổi tư duy, cách làm; hướng tới tổ chức ngành hàng theo quy định của nền thương mại hiện đại.

Thay đổi lớn từ thị trường khổng lồ

Việt Nam hiện là nước xếp thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu nông sản. Trong đó, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Đến nay, mỗi năm có khoảng 81% sản lượng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc với kim ngạch nhập khẩu lên tới 2,53 tỷ đô-la Mỹ.

Từ năm 1990, khi hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra, Trung Quốc luôn được đánh giá là thị trường dễ tính. Nông dân Việt Nam sản xuất cái gì, với chất lượng ra sao đều có thể bán được, thậm chí bán với sản lượng lớn. Đây cũng là nguyên nhân để không ít vùng trồng nông sản Việt Nam nhiều năm nay duy trì thói quen sản xuất đại trà với tư duy manh mún, nhỏ lẻ. Người nông dân mạnh ai nấy làm, hầu như không mấy quan tâm đến những thuật ngữ như: Rào cản kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, thông tin sản xuất…

Đến mùa thu hoạch, từng đoàn xe nối đuôi nhau chở nông sản lên biên giới. Nhiều mặt hàng được nông dân đem đi xuất khẩu với cách thức khá thô sơ: Dưa hấu lót rơm, mít để trần không bao gói, vải để cả chùm, cả lá… May thì hàng đi trót lọt, chuyến nào phía bên kia biên giới từ chối, nông sản đành đổ đi hoặc quay lại thị trường trong nước bán với giá bèo…

Cuối năm 2018, cùng với chiến lược tăng cường sản xuất trong nước; Trung Quốc có thêm những chính sách siết chặt nhập khẩu nông sản, tập trung nhập khẩu chính ngạch. Thị trường này bắt đầu cảnh báo về những rào cản kỹ thuật sẽ áp dụng. Cụ thể như, nông sản phải đăng ký thông tin nhà xưởng, nhà vườn, ghi nhãn bao bì, đóng gói chỉnh chu trước khi xuất khẩu vào thị trường này.

Với những thay đổi mạnh mẽ về chính sách xuất nhập khẩu, Trung Quốc từ một thị trường được cho là dễ tính bỗng trở nên đầy thách thức với nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Biến thách thức thành cơ hội

Theo ông Nguyễn Quý Dương – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam): Ngay khi biết thông tin Trung Quốc sẽ có những thay đổi trong chính sách nhập khẩu, tháng 5/2018, Cục Bảo vệ thực vật đã có thông báo đến các tỉnh có nhiều vùng trồng lớn; yêu cầu các Chi cục bảo vệ thực vật phối hợp cùng người nông dân ghi chép các thông tin về sản lượng, diện tích, loại thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng, thời gian cách ly… Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp hơn 1.200 mã số vùng trồng, trên 1.300 mã số cho cơ sở đóng gói.

Hiện Trung Quốc chưa làm chặt như các thị trường khác, chủ yếu vẫn để Việt Nam tự cấp mã số vùng trồng (địa điểm, diện tích, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, thời gian cách ly) và gửi thông tin sang cho phía bên đơn vị nhập khẩu. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu, chắc chắn thời gian tới, Trung Quốc sẽ cử chuyên gia sang những vùng trồng lớn, kiểm tra xem kết quả có như Việt Nam thông tin? Nói cách khác, để tiếp tục xuất khẩu vào thị trường này, người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản bắt buộc phải đáp ứng được yêu cầu mới của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật.

Thực tế, mấy năm trở lại đây, xoài (Sơn La), vải (Bắc Giang)… đã và đang xuất khẩu rất tốt vào Trung Quốc và các thị trường khó tính khác, theo con đường chính ngạch. Đây là minh chứng cho thấy, nếu tích cực thay đổi, tư duy, cách làm… Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu chính ngạch của thị trường có tới 1,4 tỷ dân này.

Về lâu dài, đây còn là hướng đi để Việt Nam tổ chức ngành hàng theo quy định của nền thương mại hiện đại; loại bỏ tư duy manh mún, nhỏ lẻ, tự phát - vừa tốt cho người sản xuất, người tiêu dùng trong nước vì có được quy trình sản xuất an toàn, vừa có được những sản phẩm nông sản chất lượng cao với giá bán tốt nhất.     

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Nậm Tăm: Nguy cơ mất mùa ngô

Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu gồm các dân tộc: Thái, H’Mông, Dao, Lự, Khơ Mú, Lào, Giáy… Nắng nóng, khô hạn kéo dài cộng thêm sâu keo mùa thu gây hại trên diện rộng khiến hàng trăm héc-ta ngô trên địa bàn xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ có nguy cơ mất mùa.

Hơn một tháng qua, trời không mưa khiến hơn 180 héc-ta ngô xuân hè và ngô vùng bán ngập thiếu nước trầm trọng nên chậm phát triển. Đối với diện tích ngô xuân hè hiện đã trỗ bông, tuy nhiên thân cây rất thấp và bắp nhỏ, nguy cơ mất mùa cao. Còn diện tích ngô vùng bán ngập với 80 héc-ta trồng gần 1 tháng nay, cây trong giai đoạn 9 – 11 lá, do không chủ động được nguồn nước cũng còi cọc.

Không chỉ bị ảnh hưởng của khô hạn, diện tích ngô trên địa bàn xã Nậm Tăm còn xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại. Sâu bệnh xuất hiện cách đây hơn 10 ngày tại một số diện tích ngô vùng bán ngập. UBND xã đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện xuống kiểm tra và hướng dẫn bà con phòng trừ. Mặc dù vậy, đến nay diện tích xuất hiện sâu keo mùa thu đã lan rộng tới 30 héc-ta.

Trước tình hình nắng nóng, khô hạn kéo dài và dịch bệnh xuất hiện trên cây ngô, địa phương đã và đang tập trung chỉ đạo bà con tiếp tục làm cỏ, thường xuyên phun các loại thuốc do cơ quan chuyên môn huyện chỉ định để đảm bảo ngăn chặn sâu bệnh hại và tiến hành đồng loạt đảm bảo hiệu quả cao nhất. Đối với diện tích lúa mùa trong khi đang chờ nước, xã đã họp tuyên truyền bà con trước mắt là tổ chức làm đất, đối với diện tích chủ động được nguồn nước khẩn trương gieo cấy để đảm bảo khung thời vụ. Nếu nắng nóng, khô hạn vẫn tiếp tục sẽ chỉ đạo bà con tổ chức gieo lại mạ.

Ninh Thuận:

Nho “ba màu” cung không đủ cầu

Với ưu điểm vượt trội về chất lượng quả, trọng lượng, giống nho mới NH 01 - 152 (còn gọi là nho ba màu) đang được thương lái thu mua tại vườn với giá dao động từ 120.000 - 140.000 đồng/kg, song nhiều nhà vườn ở Ninh Thuận vẫn không đủ hàng để cung cấp cho thị trường.

Giống nho này có nhiều ưu điểm nổi bật như quả to, trọng lượng đạt từ 0,5 kg đến trên 1,5 kg/chùm. Tùy theo giai đoạn, quả nho có màu vàng nhạt, màu đỏ hồng, khi chín toàn phần trái có màu đỏ vang rất đẹp. Nho NH 01 – 152 có vỏ dày, thịt chắc, giòn, độ ngọt vừa phải, có vị thơm nhẹ rất đặc trưng nên được thị trường rất ưa chuộng. Nho NH 01 – 152 hiện có giá cao gấp nhiều lần so với nho đỏ quả tròn truyền thống. Đây là giống nho do Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (trực thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu, lai tạo thành công. Qua khảo sát, giống nho ăn tươi NH 01 – 152 có thể trồng trên nhiều nền chân đất khác nhau, vào mùa mưa hay thời tiết nắng nóng, cây vẫn đậu được quả, tỷ lệ đậu quả cao, khả năng kháng sâu bệnh tốt. Tùy theo chế độ canh tác, giống nho NH 01 – 152 cho năng suất bình quân từ 15 – 18 tấn/héc-ta/vụ; trong điều kiện thâm canh đạt từ 20 – 25 tấn/héc-ta/vụ, sản xuất được 2 vụ/năm. Giống nho mới này đã được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công nhận là giống sản xuất thử, tiến tới mở rộng sản xuất đại trà nhằm hướng đến thay thế cho một số giống nho cũ đang bị thoái hóa; đồng thời góp phần làm đa dạng hóa các giống nho ăn tươi chất lượng cao của Ninh Thuận.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 7 héc-ta nho giống NH 01 – 152. Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ giống nho mới, UBND tỉnh Ninh Thuận đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành phối hợp đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng diện tích trồng giống nho NH 01 – 152 theo tiêu chuẩn VietGAP tại các địa phương thông qua các dự án hỗ trợ sản xuất, phát triển du lịch sinh thái nhằm giúp người trồng nho gia tăng lợi nhuận trên đơn vị diện tích canh tác.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Hà Tĩnh:

Diện tích đậu hè thu tăng gấp đôi

Nhiều năm lại đây, đậu được xem là cây có tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh, nhất là đối với các địa phương vùng trung du miền núi.

Theo kế hoạch, diện tích sản xuất đậu hè thu trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ đạt 6.535 héc-ta, tăng 2,1 lần so với năm 2018. Trong đó, một số địa phương có diện tích tăng lớn như: Hương Sơn tăng hơn 4 lần; Đức Thọ tăng 5,1 lần; Hương Khê tăng gần 2 lần... Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ thuật chăm sóc nên năng suất, chất lượng của cây đậu xanh cũng tăng lên.

Theo kế hoạch, đậu xanh hè thu 2019 sẽ được tập trung gieo trỉa trước 30/6, sử dụng các loại giống như: VN93-1; VN99-3; DDX11; ĐX 14... Dự kiến, năng suất đậu xanh hè thu 2019 sẽ đạt hơn 9,4 tạ/héc-ta.

Đồng bằng sông Cửu Long:

Xoài giảm giá mạnh

Năm nay, mẫu mã xoài xuống cấp vì sâu bệnh tấn công nhiều khiến năng suất giảm 20% so với năm ngoái. Nếu năm ngoái vào vụ, giá bán tại vườn 15.000-17.000 đồng một kg thì năm nay chỉ 7.000 đồng. Những trái xấu thương lái không thu mua nên bà con thường mang ra chợ bán. Tại vựa xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp), đầu vụ giá xoài cát chu bán ra khá thấp, chỉ dao động quanh 7.000 đồng/kg. Với những hộ có chứng nhận VietGAP và cung ứng cho công ty thì tăng thêm 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này vẫn không giúp nông dân có lời vì chi phí vụ năm nay tăng cao. Đặc biệt, lượng người trồng gia tăng khoảng 5 - 10% khiến sản lượng cung ứng ra thị trường dồi dào.

Nguyên nhân giá xoài đầu vụ năm nay xuống thấp là đang vào thời điểm rộ hàng. Tuy nhiên, vài ngày gần đây, xoài cuối vụ giảm sản lượng nên giá đã nhích lên 20.000 - 40.000 đồng một kg (tùy loại).

Bình Phước:

Giá mít Thái giảm

Sau một thời gian đạt mức giá cao, hiện giá mít giảm mạnh chỉ còn 12.000 đồng/kg. Trong khi đó, thời điểm đầu năm, giá mít trên địa bàn tỉnh Bình Phước tăng đột biến, đỉnh điểm lên đến 70.000 - 80.000 đồng/kg. Đến đầu tháng 6, giá mít có xu hướng giảm xuống còn 30.000 đồng/kg và hiện nay, giá mít Thái mua tại vườn chỉ còn 12.000 - 15.000 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá mít giảm là do thương lái Trung Quốc ngừng mua loại trái cây này. Trong khi đó, các nhà máy chế biến trái cây trong khu vực đã có kế hoạch sản xuất hoặc có vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất nên không mua mít trôi nổi ngoài thị trường.

Giá sầu riêng tăng cao

Hiện nay, giá sầu riêng các giống đang được thị trường ưa chuộng như Thái Lan, Ri6… mua tại vườn có giá 60.000 - 70.000 đồng/kg, giá bán tại chợ Đồng Xoài và các chợ trong tỉnh Bình Phước lên đến 80.000 - 90.000 đồng/kg, tăng 20.000 - 30.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay. Sở dĩ giá sầu riêng năm nay tăng cao kỷ lục do nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc cũng tiêu thụ khá mạnh loại trái cây này nên đẩy giá liên tục tăng. Bên cạnh đó, sầu riêng là loại cây trồng khó tính, kén đất, dày công chăm sóc, lâu cho thu hoạch, mất 8 - 10 năm mới cho thu hoạch nhiều nên nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Phú Yên:

Ngư dân được mùa cá ngừ

Chuyến đánh bắt xa bờ trong tuần đầu tháng 6, ngư dân Phú Yên cập cảng Đông Tác, TP. Tuy Hòa mang đầy ắp cá ngừ đại dương và có lãi khá.

Hàng trăm tàu đánh cá ngừ tại các ngư trường Trường Sa, nhà dàn DK1 trở về cập cảng mang đầy ắp cá. Hiện nay, cá ngừ đại dương xuất hiện khá dày ở ngư trường Trường Sa nên nhiều tàu đánh bắt được sản lượng cao, dao động trên dưới 1,5 tấn. Cá biệt, có tàu trúng đậm từ 2,5 - 3,5 tấn sau hơn 20 ngày bám biển. Các tàu khai thác xa bờ về bến đợt này bình quân câu được từ 25 - 50 con cá ngừ đại dương, sản lượng trung bình khoảng 1,5-1,8 tấn, cá biệt có tàu câu được 50 - 60 con cá ngừ đại dương, sản lượng trên 3 tấn.

Theo ngư dân, mặc dù giá cá ngừ đại dương hiện giảm khoảng 20.000 đồng/kg so với đầu năm, nhưng bù lại chuyến biển đạt sản lượng khá nên các tàu đều có lãi. Từ thắng lợi của chuyến biển này, sau khi đã chuẩn bị nhiên liệu, nhu yếu phẩm cần thiết, các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương ở Phú Yên đang hăng hái trở lại ngư trường. Để giúp ngư dân yên tâm bám biển, Phú Yên đang tiếp tục tháo gỡ những khó khăn mà ngư dân gặp phải hiện nay, đồng thời tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển. Sở NN-PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn tàu cá cập cảng và xuất bến an toàn; lực lượng kiểm tra, kiểm định nguồn gốc xuất xứ hải sản cũng được bố trí ứng trực thường xuyên.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Vi phạm lĩnh vực giống cây trồng, kiểm dịch thực vật, thú y:

Sẽ tăng mức xử phạt

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y.

Thời gian qua, các Nghị định đã góp phần đưa các quy định về quản lý giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y vào cuộc sống; tạo chuyển biến tích cực đối với việc nâng cao nhận thức của bà con; bảo đảm trật tự, kỷ cương trong hoạt động quản lý nhà nước về giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, các Nghị định cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và khắc phục những hạn chế, bất cập.

Trong đó, Bộ đề xuất tăng mức xử phạt một số hành vi vi phạm như: Tăng mức phạt từ 3 – 5 triệu đồng lên mức phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm đưa vào lãnh thổ Việt Nam vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật mà không có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu, trừ trường hợp được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác nhận. Tăng mức phạt tiền từ 30 – 35 triệu đồng lên mức phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền. Đồng thời, điều chỉnh biện pháp khắc phục hậu quả (buộc tiêu huỷ động vật, sản phẩm động vật)…

HÀNG VIỆT

Chiếu trúc sào Cao Bằng

Chiếu trúc Cao Bằng là sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây cũng là sản phẩm được làm từ bàn tay của đồng bào dân tộc thiểu số và nguồn nguyên liệu trúc sào riêng có của tỉnh Cao Bằng.

Hiện nay, tỉnh Cao Bằng có trên 3.500 héc-ta trúc sào, mỗi năm khai thác trên 150 héc-ta. Cây trúc sào được trồng tại các huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thông Nông, Hào An. Trúc sào Cao Bằng có đặc điểm thân thẳng, to, tròn đều, dễ uốn nên được các cơ sở sản xuất ưa chuộng. Thân trúc sào được sử dụng vào rất nhiều việc như: Làm đồ thủ công, mỹ nghệ, làm cần câu, làm giấy, sào nhảy cao, đan mành, làm chiếu, đóng bàn ghế có giá trị… Trong đó, sản phẩm chiếu trúc sào được đánh giá cao về mặt chất lượng cũng như giá trị sử dụng. Chiếu trúc sào có đặc điểm nan chiếu đều, mảnh, dài và còn nguyên chất, không bị mối mọt, tỷ lệ nan chiếu bị khuyết tật nhỏ hơn 0,5%. Mặt trên của chiếu có màu vàng nhạt, bóng; không có mùi mốc, mùi lạ…

Được thiên nhiên ưu đãi, những cây trúc sào trồng trên đất Cao Bằng có màu vàng óng tự nhiên, kết hợp với những kinh nghiệm trong ngâm, sấy, hấp trúc nên sản phẩm chiếu trúc Cao Bằng có màu vàng rơm, trong suốt quá trình sử dụng chiếu luôn thơm và giữ được màu, không bị thâm, không bị mọt và tuyệt đối an toàn cho người sử dụng. Khác với trúc mao của Trung Quốc, trúc sào Cao Bằng không có lông nên khi sản xuất bà con chủ yếu vệ sinh phần vỏ, khéo léo, tỉ mỉ vót đi phần mấu là có những nan trúc hoàn hảo. Do giữ được phần cật tự nhiên nên chiếu nằm rất mát, càng dùng càng bóng.

Để có được sản phẩm chiếu trúc hoàn thiện, người làm chiếu phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Cưa trúc theo yêu cầu sản phẩm, rửa trúc cho sạch, luộc qua nước sôi để loại bỏ đường, sấy, chọn nan xước, nan sâu bỏ đi, tuốt cho nan trúc trơn tru, dệt rồi dùng keo ép… Không chỉ mang lại cho thị trường sản phẩm chiếu trúc bền đẹp, nghề làm chiếu trúc đang tạo việc làm cho nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng. Hiệu quả kinh tế thu được từ việc trồng trúc sào ước tính khoảng 60 - 70 triệu đồng/héc-ta.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chỉ dẫn địa lý cây trúc sào và sản phẩm chiếu trúc sào Cao Bằng được bảo hộ đã khẳng định vị thế và giá trị của trúc sào, chiếu trúc sào trên thị trường Việt Nam và thế giới. Đây cũng là bước khởi đầu cho sự phát triển sản xuất, thương mại sản phẩm gắn với lợi thế vùng miền, địa phương. Chính vì vậy, thời gian qua, Cao Bằng đặc biệt quan tâm và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm trúc sào, chiếu trúc sào trên cơ sở định hướng tổng thể phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đồng thời, tỉnh đã có những hỗ trợ về chính sách, nguồn lực để doanh nghiệp, người dân đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; các giải pháp giới thiệu, quảng bá sản phẩm… Trên thực tế, trúc sào Cao Bằng đã trở thành hình ảnh quen thuộc, là biểu tượng của người dân địa phương. Ngoài giá trị kinh tế, trúc sào còn đóng góp vào bảo vệ môi trường sinh thái, tăng độ che phủ rừng, giữ đất, giữ nước. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen cây bản địa.

Cây trúc sào và chiếu trúc sào là sản phẩm thứ hai của tỉnh Cao Bằng sau hạt dẻ (Trùng Khánh) được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.