Thông tin giá cả thị trường số 24/2018

09:32 PM 15/06/2018 |   Lượt xem: 4970 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Heo hơi tăng giá:

Người chăn nuôi nhỏ lẻ vừa mừng vừa lo

Tại khu vực miền Nam khoảng một tháng nay, giá heo (lợn) hơi tăng mạnh, nhiều nơi đã tăng tới 50.000 đồng/kg. Đối với người chăn nuôi nhỏ lẻ, heo được giá là niềm vui lớn nhưng không ít người đang lo ngại, nếu tiếp tục nuôi lại rơi vào tình cảnh xuống giá như nhiều năm trước.

Tại khu vực miền núi như huyện Định Quán, Tân Phú của tỉnh Đồng Nai, bà con phấn khởi vì giá heo lên cao, người nuôi thu lời khoảng hơn 1 - 1,5 triệu đồng/con (trọng lượng 100 kg). Ông K’liên Thảo, người dân tộc K’ho ngụ ở xã Phú Hiệp, huyện Định Quán cho biết, lứa heo thịt 8 con thương lái vừa mua với giá 50.000 đồng/kg hơi, lãi hơn chục triệu đồng. “ Người dân ở bản mấy năm qua nuôi heo toàn lỗ vốn vì giá heo xuống thấp. Nay giá heo lên cao nhiều người lại không có hàng để bán vì đa số đã ngừng nuôi ” -  ông K’liên Thảo tiếc rẻ.

Nông dân ở các vùng cao, vùng xa khu vực miền Nam ngoài trồng trọt còn có thêm nghề phụ là chăn nuôi, trong đó heo là đối tượng được chăn nuôi phổ biến. Đa số bà con nuôi heo theo phương thức tiểu nông nên thường bất bênh, lời lỗ luôn phụ thuộc thị trường. Bà Sơn Thị Hảo, người dân tộc Khmer ngụ ở xã Tâp Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh ngoài làm rẫ̃y còn nuôi thêm heo, mỗi lứa 10 - 15 con heo thịt. Vừa rồi, gia đình bà bán 16 con heo thịt. “ Heo bán được giá mình vui lắm nhưng lại lo nếu tiếp tục nuôi, giá heo xuống thấp sẽ mất cả vốn lẫn công nuôi” - bà Hảo nói.

Khoảng một tháng nay, tại khu vực miền Nam, giá heo hơi tăng mạnh, bình quân từ 50.000 đồng/kg. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển thôn tỉnh Tây Ninh, nguyên nhân giá heo hơi gần đây tăng mạnh là do nguồn cung thiếu hụt, do chăn nuôi nhỏ lẻ nhiều năm thua lỗ khiến nhiều hộ gia đình ngừng hoặc giảm nuôi. Bởi trên thực tế, bà con cứ thấy giá lên là thả nuôi, khi heo xuống giá gây lỗ nặng thì “phơi chuồng”, tình cảnh này lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua. Ông Trần Lung, nông dân từng có 20 năm chăn nuôi heo ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai chia sẻ, nhiều nông dân ở huyện Thống Nhất đa phần có kinh nghiệm nuôi heo nhưng lại rất thiếu kinh nghiệm dự báo về thị trường, vì vậy tình trạng “được mùa mất giá” hoặc “được giá mất mùa” thường xuyên xảy ra.

Theo ông Trần Văn Quang Thú y tỉnh Đồng Nai, hiện tại giá heo đang ở mức cao nhưng người chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ không nên vội tái đàn vì giá heo tăng vào thời điểm này chỉ là tạm thời.

Đồng quan điểm, với kinh nghiệm 30 năm chăn nuôi heo,  ông Huỳnh Văn Thuận, ngụ xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai phân tích, người chăn nuôi nhỏ lẻ không nên đầu tư ào ạt vào chăn nuôi heo thời điểm này, do giá heo hơi lên cao kéo theo giá heo giống cũng tăng mạnh. Cụ thể, giá heo giống hậu bị hiện khoảng 7 triệu đồng/con, trong khi chỉ 4 triệu đồng/con vào thời điểm cuối năm 2017. Heo giống loại thương phẩm trên dưới 1 triệu đồng/con nhưng trước đây khoảng nửa năm giá chỉ ở mức 450.000 đồng/con.

Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo, dù hiện tại giá heo hơi ở trong nước cao hơn cả giá heo tại Trung Quốc, Thái Lan nhưng rất khó dự đoán mức giá cao này có được duy trì hay không. Do vậy, người chăn nuôi nhỏ lẻ cần áp dụng biện pháp tăng đàn heo theo tự nhiên, tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng con giống, chăn nuôi heo theo phương tthức khoa học để có năng suất, tránh được dịch bệnh và giảm thiểu rủi ro.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Tiền Giang: Mùa khoai mỡ bội thu

Hiện nay, nông dân trồng khoai mỡ huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi do được mùa, được giá.

Từ đầu vụ đến nay, giá khoai mỡ luôn ở mức cao. Có thời điểm, giá khoai mỡ lên đến trên 20.000 đồng/kg, còn hiện tại ở mức 15.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng khoai mỡ thu được lãi cao bởi giá khoai khoảng 8.000 đồng/kg người trồng đã có lãi. Nguyên nhân là do trước đây, giá khoai mỡ thấp nên nhiều hộ dân đã chuyển sang trồng khóm và các loại cây trồng khác. Điều này dẫn đến diện tích cây khoai mỡ giảm, kéo sản lượng cung ứng cho thị trường giảm theo nên không còn tình trạng cung vượt cầu như trước đây.

Toàn huyện Tân Phước hiện có trên 300 héc-ta trồng cây khoai mỡ, tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ, Phú Mỹ, Hưng Thạnh. Năm nay, nông dân trồng khoai mỡ thu được lãi cao nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh nên khoai mỡ phát triển tốt, năng suất đạt bình quân 15 tấn/héc-ta. Năng suất cao cộng với giá bán cao nên bà con nông dân rất phấn khởi.

Trước tình hình này, dự kiến diện tích trồng khoai mỡ trong thời gian tới trên địa bàn huyện Tân Phước sẽ tăng lên đáng kể.

Khánh Vĩnh (Khánh Hòa): Mất mùa điều

Bà con nông dân huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa đang thu hoạch hạt điều. Giá điều được các thương lái mua vào khoảng 32.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg so vụ trước. Tuy nhiên, do điều già cỗi, thời tiết bất thường khiến điều đậu quả ít. Bà con trồng điều thu nhập không đáng kể.

Những năm trước đây, diện tích điều trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh khoảng 1.300 héc-ta. Tuy nhiên, do cây điều không phát huy hiệu quả kinh tế nên nông dân đã phá bỏ để lấy đất trồng keo, mì và cây hoa màu. Hiện nay, diện tích cây điều chỉ còn khoảng 400 héc-ta, tập trung ở các xã: Cầu Bà, Liên Sang, Khánh Thượng, Khánh Thành, Khánh Hiệp… Trong kế hoạch cơ cấu cây trồng của tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020, những diện tích cây trồng kém hiệu quả sẽ được chuyển đổi. Nhiều năm qua, cây điều không còn mang lại hiệu quả như mong đợi, nhiều diện tích chỉ tồn tại cầm chừng, năng suất bình quân năm 2017 chỉ đạt 9,64 tạ/héc-ta. Vì vậy, chủ trương của tỉnh là chỉ giữ lại những diện tích điều đạt năng suất từ 1,5 tấn/héc-ta/mùa trở lên. Đồng thời, giữ lại diện tích điều ở những vùng đất khô cằn, tầng đất thịt mỏng nhằm hạn chế xói mòn đất, giữ nước, bảo vệ môi trường… Những diện tích điều không thuộc hai đối tượng trên sẽ được khuyến khích chuyển đổi sang loại cây trồng hiệu quả hơn.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Đồng Tháp: Phân rơm khan hiếm, giá tăng cao

Tại làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), giá phân rơm ngày càng có xu hướng tăng cao so với những tháng trước khiến người trồng hoa lo lắng. Cụ thể, giá bán phân rơm tại làng hoa Sa Đéc dao động từ 65.000 - 75.000 đồng/bao, tăng 5.000 đồng/bao so với tháng trước. Nguyên nhân khiến phân rơm khan hiếm và giá tăng cao là do đang vào mùa mưa, rơm không thể phơi nên lượng phân rơm giảm mạnh. Thêm vào đó, vài năm trở lại đây, sau khi thu hoạch lúa, người dân bán rơm cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang nước ngoài hoặc bán cho thương lái làm thức ăn cho trâu, bò. Trong khi đó, thời điểm này cũng là lúc bà con nông dân tập trung cho đợt sản xuất vụ hoa kiểng trong năm nên nhu cầu sử dụng phân rơm tăng cao.

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá khóm (dứa) tăng trở lại

Từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm là thời điểm nông dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch rộ khóm mùa (khóm chính vụ) nên nguồn cung tăng mạnh. Do vậy, trên thị trường  thường xảy ra tình trạng giá giảm do nguồn cung nhiều. Trong khi đó, do các tỉnh không có nhà máy chế biến công nghiệp nên phần lớn khóm hiện nay chỉ bán phục vụ ăn tươi là chính. Tuy nhiên, hiện khóm đã vào cuối vụ, sản lượng không còn nhiều nên giá tăng trở lại. Với mức giá từ 4.000 – 4.500 đồng/trái, nông dân không còn bị thua lỗ. Hiện tại, giá khóm trái loại I (từ 1 kg/trái) được thương lái thu mua tại các vùng trồng khóm lớn như: Gò Quao (Kiên Giang), Vị Thanh (Hậu Giang) từ 4.000 – 4.500 đồng/trái, tăng gấp đôi so với thời điểm giảm sâu cách đây khoảng nửa tháng. Tuy nhiên, về lâu dài cần có doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua chế biến mới tránh được tình cảnh vào vụ là rớt giá.

Tuy An (Phú Yên): Giá bán nghệ tươi giảm mạnh

Mặc dù đang vào cao điểm mùa thu hoạch nhưng do giá bán quá thấp nên các hộ dân trồng nghệ ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên không còn mặn mà thu hoạch nghệ. Hiện nay, giá bán nghệ tươi ở huyện Tuy An đạt từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/3 so với vụ thu hoạch năm trước. Mặc dù năng suất thu hoạch khá cao, đạt từ 25 - 27 tấn nghệ tươi/héc-ta nhưng phần lớn các hộ đầu tư trồng nghệ ở đây đều không có lãi.

Thực tế cho thấy, do canh tác cây nghệ đơn giản, chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao, nên 2 năm trở lại đây, nhiều hộ sản xuất trong huyện tự phát mở rộng diện tích trồng. Hiện tại Tuy An có khoảng 60 héc-ta diện tích trồng nghệ. Tuy nhiên, do không chủ động được đầu ra nên các hộ trồng nghệ tươi bị thương lái ép giá. Bên cạnh đó, 3 năm trở lại đây, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đã đầu tư mở rộng diện tích loại cây trồng này khiến cung vượt cầu và kéo giá nghệ xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.

An Giang: Tiêu thụ khoai môn gặp khó

Tuần qua, người dân trồng khoai môn tại 3 xã: Tân Trung, Tân Hòa, Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang rất lo lắng do khoai môn đã đến kỳ thu hoạch nhưng doanh nghiệp không đến thu mua. Trước đó, bà con đã ký kết hợp đồng liên kết - tiêu thụ với Cty TNHH Thương mại - Dịch vụ  Huỳnh Phú Nông với tổng diện tích 19,85 héc-ta. Hiện nông dân đã giảm giá xuống gần 40% theo hợp đồng ban đầu (khoai loại I có giá 11.000 đồng/kg giảm còn 7.000 đồng/kg) nhưng doanh nghiệp vẫn không thu mua. Quá bức xúc, nhiều hộ đã nhờ chính quyền can thiệp buộc doanh nghiệp phải thực hiện hợp đồng.

Trước tình hình trên, huyện Phú Tân đã giao Phòng NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Hội Nông dân huyện và Chủ tịch UBND các xã Tân Hòa, Tân Trung, Bình Thạnh Đông trực tiếp đến làm việc với Công ty Phú Nông về hướng xử lý cụ thể trong thực hiện hợp đồng với nông dân, kết quả kịp thời báo cáo UBND huyện.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Bến Tre: Giá dừa bấp bênh

Được xem là thủ phủ dừa của cả nước, diện tích dừa của tỉnh Bến Tre gần 70 ngàn héc-ta. Tuy nhiên, giá dừa thời gian qua luôn trong tình trạng bấp bênh khiến người trồng gặp khó khăn. Thậm chí, nhiều thời điểm, giá giảm xuống quá thấp, thương lái ngưng thu mua khiến bà con hoang mang.

Hiện thương lái đang thu mua dừa với giá 3.300 đồng/trái loại to, những trái kích cỡ nhỏ chỉ được mua với giá khoảng 2.300 – 2.500 đồng/trái. Điều này đang tạo áp lực cho người trồng dừa so với một số loại cây trồng khác và cả những hộ sản xuất, kinh doanh từ dừa. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của các nước Hồi giáo nhập khẩu. Thông thường,  từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm là mùa ăn chay của các nước Hồi giáo. Do đó, nhu cầu sản phẩm cơm dừa nạo sấy giảm, trong khi đó, nguồn cung nguyên liệu dừa trái dồi dào do vào mùa thu hoạch dừa của các nước Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Các nguyên nhân nói trên tác động đến giá khiến giá giảm theo quy luật cung cầu. Việc xuất khẩu cơm dừa nạo sấy của các doanh nghiệp trong tỉnh Bến Tre cũng gặp khó khăn.

Trước tình hình giá dừa giảm, các tàu dừa Trung Quốc đã rút khỏi các sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Toàn bộ sản lượng dừa thu hoạch đang đổ dồn vào các nhà máy chế biến trong tỉnh. Các điểm thu mua dừa, sơ chế cơm dừa cho các nhà máy đang rơi vào tình trạng quá tải và các nhà máy nỗ lực chạy hết công suất nhưng vẫn chưa tiêu thụ hết.

Hiện nay, các tổ hợp tác trồng dừa đã ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp đều được thu mua với giá từ 50.000 – 60.000 đồng/chục. Nhìn chung, các doanh nghiệp đã thực hiện đúng cam kết với nông dân về mức giá sàn, cao hơn so với thị trường. Đối với những trường hợp chưa ký kết hợp đồng thì hiện nay, các doanh nghiệp vẫn thu mua cho nông dân với giá 50.000 đồng/chục. Tuy nhiên, nhằm ổn định thị trường dừa về lâu dài vẫn cần triển khai các nhóm giải pháp. Đó là: Xây dựng mô hình phát triển chuỗi giá trị ngành hàng dừa, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm; xây dựng các tổ nhóm liên kết sản xuất - tiêu thụ dừa công nghiệp và dừa uống nước...

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Quản Bạ (Hà Giang): Quan tâm chống hàng giả, hàng kém chất lượng

Nằm ở vị trí cửa ngõ của khu vực cao nguyên đá Đồng Văn (gồm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc), lực lượng chức năng kiểm soát thị trường trên địa bàn huyện Quản Bạ được xác định là “chốt chặn” quan trọng ngăn hàng giả, hàng kém chất lượng lên với các huyện vùng cao phía Bắc của Hà Giang.

Dù là địa bàn vùng cao nhưng những năm trở lại đây, thị trường của 4 huyện vùng cao nguyên đá khá sôi động, đặc biệt là mỗi mùa du lịch, lễ hội hoa tam giác mạch, chợ tình Khâu vai… Nhằm ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, thời gian qua lực lượng quản lý thị trường tỉnh Hà Giang luôn quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Như tại địa bàn huyện Quản Bạ, ông Nguyễn Văn Nam – Phó đội trưởng đội QLTT số 7 cho biết: Do khu vực miền núi địa bàn rộng nên để kiểm soát tốt thị trường, lực lượng QLTT thường xuyên phối hợp với các lực lượng khác như công an, y tế, bảo vệ thực vật mở các đợt kiểm tra theo các chuyên đề như An toàn thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm đóng gói, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đặc biệt, với công tác đảm bảo an an toàn vệ sinh thực phẩm, đội QLTT thường xuyên nắm bắt, kịp thời có phương án, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật. Kiểm tra thường xuyên việc kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm có dấu hiệu vi phạm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong kinh doanh và trong cộng đồng dân cư. Mặc dù không phức tạp nhưng trên địa bàn vẫn diễn ra những vụ vận chuyển động vật (nội tạng) nhỏ lẻ, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng hay kinh doanh dịch vụ ăn uống nhưng chưa được tập huấn…

Nhờ làm tốt công tác kiểm soát thị trường song song với tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đến nay có thể nhận thấy, chất lượng hàng hóa trên khu vực cao nguyên đá nói chung, huyện Quản Bạ nói riêng đã từng bước được nâng cao. Song song với đó, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, các hộ kinh doanh ngày một cải thiện, các hình thức kinh doanh, dịch vụ mới như cửa hàng tự chọn, siêu thị mini cũng đã xuất hiện giúp bức tranh thị trường ở khu vực miền núi ngày một sôi động, văn minh hơn.

HÀNG VIỆT 

Chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước

Bộ Khoa học & Công nghệ đã tiến hành trao Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “hạt điều Bình Phước” cho UBND tỉnh Bình Phước. Chỉ dẫn địa lý “hạt điều Bình Phước” gồm có hạt điều nguyên liệu, hạt điều nhân và hạt điều rang muối.

Từ cách tiếp cận mới…

Sau 15 năm nỗ lực, đến nay, Bình Phước đã xây dựng được cách tiếp cận mới trong xây dựng chỉ dẫn địa lý Bình Phước cho sản phẩm hạt điều. Chỉ dẫn được xây dựng với 5 quan điểm: Sản phẩm bảo hộ, phương pháp chuyên gia, khu vực địa lý tương ứng, nghiên cứu khu vực bảo hộ, việc khoanh vùng địa lý phải đảm bảo tính khả thi trong quản lý.

Tỉnh Bình Phước cũng đã định hướng xây dựng chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước phù hợp với thực tiễn. Đó là: Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu điều Việt Nam; khai thác tốt các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm điều trong nước và đã xây dựng được hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý hạt điều; hỗ trợ và tăng cường năng lực tổ chức tập thể - nòng cốt trong quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho hạt điều; định hướng một cách có hệ thống nhằm hỗ trợ các tổ chức vận hành hiệu quả hoạt động quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước. Đồng thời, tìm các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngành điều Việt Nam và ngành điều Bình Phước, thúc đẩy quản lý chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước trong bối cảnh hội nhập, chiến lược xúc tiến thương mại cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước...

… đến việc giữ vững thương hiệu

Bình Phước hiện có 91 xã/phường trực thuộc 11 huyện/ thị xã (Bù Gia Mập, Phú Riềng, Phước Long, Bù Đăng, Bù Đốp, Đồng Phú, Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành, Bình Long, Đồng Xoài) là những khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”.

Điều nguyên liệu, điều nhân trắng và điều rang muối là những sản phẩm được nhà nước bảo hộ theo quyết định này. Trong đó, hạt điều được cấp chứng nhận phải đảm bảo các điều kiện: hạt chắc, mẩy, cuống hạt phình to, bề mặt vỏ cứng sáng mịn, lắc hạt không kêu hoặc ít kêu, kích thước bề dày từ 14,5 – 18mm. Tỷ lệ nhân thành phẩm thu hồi không nhỏ hơn 30% tính theo khối lượng, số lượng không lớn hơn 200 hạt/kg. Còn điều rang muối có vỏ lụa hoặc không có vỏ lụa, khi tách đôi nhân hạt điều thấy khe hở nhỏ, không có muối đọng, hàm lượng chất béo không nhỏ hơn 43%, hàm lượng carbohydrat lớn hơn 23%, vị ngọt thơm, béo ngậy.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có hơn 134.000 héc-ta điều, chiếm gần 50% diện tích và 54% sản lượng điều cả nước. Đây là cây trồng chủ lực giúp bà con ổn định cuộc sống và làm giàu cho hơn 71.000 hộ dân, ngành công nghiệp chế biến điều tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động địa phương… Theo Sở Công Thương Bình Phước, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, thời gian tới Sở sẽ xem xét các nguồn cung cấp đầu vào thân thiện với môi trường cho nông dân như: Giống, phân hữu cơ sinh học… Đồng thời, thực hiện các kế hoạch tiếp thị, xúc tiến thương mại, quản lý thương hiệu… Đặc biệt, chú trọng tổ chức và phát huy chuỗi các giá trị trong liên kết sản xuất để ngành điều vượt khó, giữ vững thương hiệu gắn liền với chỉ dẫn địa lý.

Chỉ dẫn địa lý sẽ kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, quảng bá hình ảnh nhằm đảm bảo cho những người sản xuất, kinh doanh, nhất là nông dân trồng điều được hưởng lợi nhiều hơn từ sản phẩm làm ra, đồng thời góp phần nâng cao giá trị hạt điều Việt Nam trên thị trường thế giới. Tỉnh Bình Phước đã được chọn để quy hoạch làm vùng nguyên liệu điều chính của cả nước. Sản phẩm hạt điều Bình Phước cũng đang được định hướng xây dựng trở thành thương hiệu quốc gia.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)