Thông tin giá cả thị trường số 24/2016

10:32 PM 29/09/2016 |   Lượt xem: 3176 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Lào Cai: Gạo Séng Cù “nối tiếp” vụ mùa bội thu

Vào những ngày này, trên các cánh đồng của tỉnh Lào Cai, lúa chín óng vàng. Năm nay, người dân Mường Khương sẽ có thêm một mùa vàng no ấm nhờ cây lúa Séng Cù. Đó cũng là thành quả từ sự nỗ lực của các ngành chức năng và mồ hôi của bà con trên mặt trận sản xuất nông nghiệp.

Năng suất cao, bán được giá

Xã Nấm Lư, một trong những cái nôi của giống lúa Séng Cù đặc sản của huyện vùng cao Mường Khương tại thời điểm này nhiều gia đình hồ hởi chuẩn bị đón một mùa vàng ấm no. Có 115 héc-ta lúa Séng Cù được trên 800 hộ gia đình tại đây gieo cấy trong vụ mùa 2016, đạt năng suất trung bình khoảng 55 tạ/héc-ta. Có kết quả này là do 2 năm gần đây, bà con nhận được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông về các biện pháp kỹ thuật và cách làm phù hợp, nên đã nâng cao hiệu quả sản xuất và nâng cao thu nhập. Lau những giọt mồ hôi ướt đẫm trên trán, anh Lù Trung Thắng ở tổ dân phố Mã Tuyển 1, thị trấn Mường Khương chia sẻ: “Từ khi biết theo cha ra đồng, tôi đã thấy người dân cấy giống lúa này. Cây lúa Séng Cù cho gạo ngon, nên bán được giá cao. Hiện tại trên thị trường gạo Séng Cù được bán với giá từ 32.000 - 36.000 đồng/kg và được người tiêu dùng ưa chuộng”. Hiện nay, giống lúa Séng Cù được nông dân Mường Khương canh tác theo mô hình “cánh đồng một giống”. Nhặt những hạt thóc Séng Cù có phần đuôi nhọn, chị Nông Thị Đại ở thôn Na Cạp, xã Lùng Khấu Nhin - huyện Mường Khương cười giòn tan: “Lúa năm nay lại được mùa, thóc được giá cao, mong rằng một vài năm nữa, cây lúa này sẽ nhân rộng trên các cánh đồng của huyện để hộ nghèo bớt nghèo, hộ khá giàu lên”.

Cùng với Mường Khương, người dân các huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai cũng đã và đang khai thác tốt hơn tiềm năng của giống lúa Séng Cù. Sản xuất đã dần bắt nhịp với nhu cầu của thị trường tiêu dùng bằng việc sản xuất ra gạo Séng Cù chất lượng cao hơn, gạo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Mở rộng diện tích lúa chất lượng cao

Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp”, ngành nông nghiệp Lào Cai đã xây dựng chiến lược, tổ chức các chiến dịch cụ thể, đặc biệt rà soát lại quy hoạch lựa chọn một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của vùng, mang tính đặc sản khu vực. Từ đó, xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, trong đó chú trọng lúa chất lượng cao: Gạo Séng Cù, gạo Bắc Hà, nếp Cẩm Dương… có chất lượng chiếm lĩnh thị trường. Sở NN&PTNT Lào Cai cũng đã chỉ đạo bà con nông dân tập trung thâm canh tăng năng suất, đồng thời phòng trừ dịch bệnh, vận động tuyên truyền giới thiệu liên kết hợp đồng với bà con nông dân ngay từ đầu vụ, sẵn sàng ứng trước giống, phân bón và một phần kinh phí cuối vụ thu mua. Kết quả thu về rất khá. Xã Mường Vi (Bát Xát) và một số xã ở huyện Mường Khương, sau một vài vụ chuyển đổi trồng lúa đặc sản Séng Cù làm hàng hóa đã hạ tỷ lệ nghèo từ trên 30% xuống dưới 10%, không còn hộ đói.

Hiện nay, vùng cao như Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát tập trung sản xuất các giống lúa bản địa trong đó có lúa đặc sản Séng Cù, giá trị thu nhập đạt 65 – 70 triệu đồng/héc-ta/vụ. Thương hiệu “Gạo chất lượng cao Séng Cù Lào Cai” đã được bán tại các siêu thị tại Hà Nội như: BigC Thăng Long, Citimart, Vincom… Bản thân, sản phẩm gạo Séng Cù Mường Khương cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Những năm qua, huyện Mường Khương rất quan tâm đến việc phát triển vùng lúa Séng Cù tập trung gắn với bảo quản, chế biến và nâng cao chất lượng, cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Sở NN&PTNT Lào Cai khẳng định, việc xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, trong đó lúa đặc sản Séng Cù tại các địa phương trong tỉnh đã cho thấy kết quả giá trị sử dụng đơn vị diện tích đất canh tác được nâng lên rõ rệt, mở ra triển vọng cho việc hình thành vùng nông nghiệp tập trung và kinh tế cao cho địa phương, từng bước xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, năng suất thấp.

MUA GÌ

Tiền Giang : Sau hạn mặn, giá khóm tăng mạnh

Toàn huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang hiện có gần16.000 héc-ta khóm, dẫn đầu diện tích trong khu vực ĐBSCL. Đây là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao ở vùng Đồng Tháp Mười.

Ở thời điểm này, giá trái khóm loại 1 từ 10.000 - 11.000 đồng/kg, khóm loại 2 từ 7.000 - 9.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ khi nông dân vùng Đồng Tháp Mười trồng loại cây này; một năm cho lãi gần 200 triệu đồng/héc-ta. Nguyên nhân làm giá trái khóm tăng vọt là sau khi hạn mặn, năng suất khóm giảm; nhiều diện tích khóm bị lão hóa nông dân phải phá bỏ trồng lại chưa đến giai đoạn cho trái dẫn đến sản lượng thấp. Trong khi đó, thương lái, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến thu mua để phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu nên “cầu vượt cung”.

Trà Vinh: Nuôi cá lóc thua lỗ

Theo Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hiện nay người nuôi cá lóc trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do giá cá sụt giảm mạnh. Cá lóc thương phẩm loại 1 chỉ còn 26.000 - 27.000 đồng/kg, giảm mạnh so với đầu năm 2016 (giá 35.000 - 40.000 đồng/kg). Trong khi giá thành nuôi 30.000 - 35.000 đồng/kg, tính ra người nuôi thua lỗ 5.000 - 8.000 đồng/kg. Nguyên nhân do đầu vụ ảnh hưởng của nước mặn, nguồn nước nuôi bị ô nhiễm không đảm bảo, phải đóng các cống ngăn mặn làm thiếu nước, người nuôi thả giống trễ vụ và đến nay thu hoạch ồ ạt trong khi sức mua kém. Trà Vinh hiện có gần 2.000 hộ nuôi cá lóc với hơn 260 héc-ta, tăng 81 héc-ta và sản lượng thu hoạch 20.100 tấn, tăng 1.800 tấn so với cùng kỳ.

Nghệ An: Vịt chạy đồng bán được giá

Đã nhiều năm nay, nông dân huyện Yên Thành (Nghệ An) phát triển nghề nuôi vịt chạy đồng theo các vụ lúa trong năm. Thức ăn cho vịt giai đoạn này chủ yếu là cám gạo và cám ngô trộn lẫn với cua, ốc bằm nhỏ, để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Vịt chạy đồng sống trong môi trường tự nhiên nên trong 25 ngày đầu, vịt được tiêm các mũi phòng dịch bệnh. Với giá thị trường hiện nay 35.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư ban đầu, bà con sẽ có lãi cao chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Vịt nuôi chạy đồng thường là giống vịt cỏ địa phương hoặc vịt lai nên có sức đề kháng cao và rất nhanh nhẹn. Do vận động nhiều nên trọng lượng của vịt chạy đồng không lớn như một số giống vịt khác nhưng thịt lại săn chắc, thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng. Vịt chạy đồng là nguồn thực phẩm sạch, hiện rất được thị trường ưa chuộng nên đầu ra luôn ổn định.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Thành, ngoài 200.000 con vịt gốc đang được nuôi nhốt để cung cấp con giống và trứng thương phẩm, mỗi mùa vụ còn có khoảng 400.000 con vịt được nuôi thả trên đồng ruộng. Nhiều hộ có điều kiện kinh tế và lao động thường nuôi từ 3.000 – 4.000 vịt chạy đồng, chủ yếu được cung cấp bằng nhiều nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có trên đồng ruộng nên vịt nhanh lớn, chỉ sau 2 tháng vịt sẽ đủ tiêu chuẩn để xuất bán, giảm được nhiều chi phí đối với người chăn nuôi.

Táo Ninh Thuận chuẩn VietGAP ra thị trường
Từ giữa tháng 9/2016, 3 cơ sở kinh doanh táo ở Ninh Thuận là Hoàng Dãi (xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước), Hồng Hà (xã An Hải, huyện Ninh Phước), Cù Quăng Trừ (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) tung ra thị trường sản phẩm sạch, với logo “Táo Ninh Thuận”. Theo Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, để được cấp bộ sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Táo Ninh Thuận”, các cơ sở kinh doanh nêu trên phải ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm của hơn 100 hộ nông dân chuyên canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP trong tỉnh. Sản phẩm táo đóng gói trước khi đưa ra thị trường phải được cơ quan chức năng ở Ninh Thuận chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Ninh Thuận có hơn1.000 héc-ta trồng táo nhưng chỉ có gần 50 héc-ta được nông dân đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, với sự hướng dẫn kỹ thuật canh tác của Trung tâm Khuyến nông và Hội Nông dân tỉnh.

BÁN GÌ

Giá đường tăng 1.000 đồng/kg

Giá đường thế giới lập kỷ lục cao nhất trong vòng 4 năm qua dự báo sẽ tác động tiêu cực đến thị trường đường trong nước. Ngay sau khi kết thúc phiên giao dịch tuần trước, giá bán buôn tất cả các loại đường trong nước đã nhích lên khoảng 1.000 đồng/kg, ở mức trên 16.000 đồng/kg. Hiện các nhà máy đường trong nước đang vào giai đoạn “giáp hạt”, đã bán hết lượng đường trong kho. Một số nhà máy khoảng tháng 10 mới hoạt động trở lại. Trong khi đó, một vài doanh nghiệp nhân cơ hội này đã găm hàng, đẩy giá tăng cao. Giá đường tăng cao đúng vào thời điểm các doanh nghiệp đang bắt đầu bước vào mùa sản xuất hàng Tết đã có những tác động tiêu cực đến thị trường đường trong 1 tháng tới. Đường tăng giá sẽ tác động đến giá thành sản phẩm, đặc biệt các mặt hàng bánh kẹo, nước ngọt, nước giải khát. Tuy nhiên, giá đường tăng cũng tạo điều kiện để các nhà máy mua mía giá cao, chia sẻ lợi nhuận cho nông dân.

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá chuối liên tục tăng

Thời gian gần đây, giá chuối cao, chuối già, chuối xiêm… ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng, cung không đủ cầu. Tại thị trường Đồng Tháp, chuối xiêm có giá từ 16.000 - 18.000 đồng/nải, chuối cao từ 17.000 - 20.000 đồng/nải, chuối già từ 14.000 - 17.000 đồng/nải… Đây là mức giá rất cao trong vài năm trở lại đây. Mặc dù giá cao nhưng nhiều thương lái vẫn không gom đủ số lượng chuối để tiêu thụ nội địa và cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Giới thương lái nhận định, năm nay do một số nước như Philippines, Lào, Myanmar, Trung Quốc… khan hiếm chuối. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ chuối ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu tăng, từ đó giá chuối được đẩy lên cao. Thậm chí ở Long An, Cần Thơ, nhiều hộ gia đình đã thành lập trang trại trồng chuối sạch, chuối cấy mô đạt chất lượng cao, để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông. Đây được xem là hướng đi mới giúp nông dân Đồng bằng sông Cửu Long làm giàu từ mô hình trồng chuối.

An Giang : Giá lúa ở mức cao

Tại An Giang, nông dân đang thu hoạch lúa Hè Thu cuối vụ. Giá lúa thu mua trên thị trường đứng ở mức khá cao. Cụ thể, thương lái thu mua lúa bằng giống lúa thường IR50404, lúa còn tươi giá từ 4.400 - 4.500 đồng/kg; giống lúa chất lượng cao còn tươi giá từ 4.700 - 4.800 đồng/kg; lúa chất lượng cao đã phơi khô được mua với giá bình quân là 5.900 đồng/kg; lúa nếp còn tươi giá mua từ 4.900 - 5.050 đồng/kg; gạo thường có giá trên thị trường hiện khoảng 9.500 - 10.000 đồng/kg; giá gạo giống Jasmine bình quân là 13.500 đồng/kg.

Thực hiện Chương trình liên kết sản xuất trên cánh đồng lớn vụ Hè Thu 2016, đã có 16 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh An Giang ký hợp đồng liên kết sản xuất với nông dân tại 11 huyện, thị, thành trong tỉnh, với diện tích thực hiện hơn 18.264 héc-ta, đạt tỷ lệ trên 91,5% kế hoạch. Trong đó, có 10/16 doanh nghiệp thực hiện kế hoạch thu mua lúa cho nông dân với diện tích là 4.935 héc-ta, đạt tỷ lệ trên 27,2% diện tích. Do thời tiết diễn biến bất thường nên thời điểm thu hoạch đại trà lúa Hè Thu đã gặp phải nhiều cơn mưa lớn. Tuy nhiên, bà con nông dân đã nỗ lực khắc phục khó khăn, thu hoạch trọn vẹn diện tích lúa, màu, không để bị thất thoát.

Bình Phước: Giá gà giống tăng mạnh

Thời điểm này, giá gà giống tại thị xã Bình Long (Bình Phước) bắt đầu tăng mạnh. Giá gà giống (gà con 1 ngày tuổi) tăng trung bình 3.000 - 7.000 đồng/con so với cách đây nửa tháng. Cụ thể: Giá gà Minh Dư 23.000 đồng/con, gà Phùng dầu sơn 22.500 đồng/con, gà Cao Khanh 19.000 đồng/con… Mặc dù giá gà giống khá cao, các hộ chăn nuôi đặt mua nhiều nhưng các công ty vẫn không đủ giống để đáp ứng nhu cầu của bà con chăn nuôi. Trong khi đó, giá gà thịt hiện nay vẫn chỉ dao động trung bình 57.000 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá gà giống tăng mạnh là do bà con chăn nuôi chuẩn bị nguồn hàng để cung cấp cho thị trường vào dịp cuối năm 2016 và Tết Nguyên đán 2017. Dự báo, thời gian tới giá gà giống vẫn tiếp tục tăng. Đặc biệt, việc chăn nuôi một cách ồ ạt, khó kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gà giống. Vì vậy, bà con chăn nuôi nên cân nhắc, nắm bắt thông tin kịp thời để tránh rủi ro sau này.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Vĩnh Châu (Sóc Trăng): Hành tím “nỗ lực” tìm đầu ra

Hành tím là cây nông nghiệp chủ lực của bà con Khmer, Hoa tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Đây cũng là nông phẩm đặc sản được thị trường nhiều nơi ưa chuộng. Tuy nhiên, tình trạng giá cả bấp bênh, thị trường đầu ra không ổn định... khiến người trồng lao đao.

Vướng trong khâu tiêu thụ

Trước những bất lợi về giá bán và tiêu thụ gặp khó khăn trong mấy năm gần đây, năm nay, ngành nông nghiệp Vĩnh Châu chỉ đặt chỉ tiêu sản xuất khoảng 5.000 héc-ta diện tích hành chính vụ. Diện tích này giảm khoảng 30% so với các năm trước nhằm đảm bảo sự cân bằng cho thị trường, tránh được tình trạng vào cuối vụ thu hoạch rộ, dẫn đến hành giảm giá và nông dân phải bán tháo. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế bởi nhiều diện tích hành đã được bà con xuống giống nhưng không nằm trong quy hoạch của địa phương.

Vụ hành năm ngoái, người trồng hành xứ biển Vĩnh Châu luôn thấp thỏm, lo âu trước những biến động bất lợi của thị trường. Giá hành có thời điểm giảm xuống dưới 6.000 đồng/kg khiến nhiều hộ lỗ vốn nhưng vẫn phải bán đổ, bán tháo vì không có kho chứa, phương tiện và kỹ thuật bảo quản. Theo tính toán của Phòng Kinh tế Hạ tầng thị xã Vĩnh Châu, giá hành phải đạt từ 7.000 – 9.000 đồng/kg thì bà con mới huề vốn hoặc lời chút đỉnh nhưng vẫn không đủ để bà con trang trải cuộc sống hay thu hồi vốn để đầu tư sản xuất cho vụ sau.

Thực tế cho thấy, khó khăn nhất của hành tím Vĩnh Châu là khâu tiêu thụ. Trước đây, phần lớn sản lượng củ hành được xuất khẩu sang nước ngoài nhưng hiện thị trường này đang “đóng băng” trong khi thị trường nội địa chưa được khai thác đúng mức. Một khó khăn nữa đối với hành tím Vĩnh Châu là phần lớn người dân sản xuất còn manh mún, mỗi gia đình chỉ vài ba nghìn mét vuông đất, do vậy rất khó trong quản lý cũng như khâu tổ chức lại sản xuất.

Ứng dụng công nghệ bảo quản giúp nâng cao giá trị

Trước thực trạng trên, năm 2013, Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng (do Chính phủ Canada tài trợ) đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ đầu tư nâng cao chuỗi giá trị hành tím Vĩnh Châu.

 Qua đó, dự án đã tiến hành đầu tư máy móc, xây dựng kho, bãi. Đồng thời, thành lập Hợp tác xã hành tím Vĩnh Châu nhằm tạo mối liên kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp. Đặc biệt, dự án đã giúp bà con ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản hành tím bằng giải pháp "Ứng dụng công nghệ sấy khô và bảo quản củ hành tím" và thực hiện mô hình "Sơ chế sấy và bảo quản hành tím mi ni". Công nghệ này có thể kéo dài thời gian bảo quản, giúp nông dân tạm trữ hành chờ giá, tránh tình trạng hành bị rớt giá khi thu hoạch rộ, đặc biệt là không sử dụng hoá chất để bảo quản hành tím. Qua kết quả đánh giá cho thấy, phương pháp sấy và bảo quản củ hành tím xét về mặt kỹ thuật và tính năng làm việc thì hệ thống máy được lắp đặt hoạt động đạt yêu cầu. Ngoài hiệu quả về tỷ lệ hao hụt thấp, giữ nguyên được màu sắc hành tím ban đầu, còn thể hiện hiệu quả trong việc phòng trừ sâu đục củ hành (áp dụng biện pháp xông trùng bằng thuốc Phosphine để trừ sâu đục củ, trong suốt quá trình bảo quản chỉ xông trùng một lần và qua kết quả kiểm tra hoàn toàn không còn sâu đục củ xuất hiện). Bảo quản hành tím theo phương pháp này có nhiều ưu điểm so với phương pháp bảo quản truyền thống. Bên cạnh hiệu quả về kéo dài thời gian bảo quản, đảm bảo tỷ lệ hao hụt dưới 15%, còn thể hiện lợi ích về hiệu quả an toàn cho môi trường, sức khoẻ cộng đồng và an toàn sản phẩm.

Trên cơ sở thành công từ mô hình bảo quản hành tím mi ni, dự án đang tiếp tục đầu tư "Nghiên cứu mô hình thử nghiệm với mô đun 20 tấn hành tím để đánh giá tiêu chuẩn đầu vào phục vụ công nghệ bảo quản hành tím". Mô hình đang trong quá trình thử nghiệm và đợi kết quả đánh giá cuối cùng.

Bên cạnh việc áp dụng kỹ thuật vào khâu bảo quản, tỉnh Vĩnh Long đã hướng đến việc tăng cường xúc tiến thương mại một cách bền vững và ổn định đến 2 thị trường lớn trong nước là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt và tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, người trồng hành xứ biển Vĩnh Châu sẽ không còn lo ngại mỗi khi vào mùa thu hoạch tập trung.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Đắk Lắk: Sầu riêng mất mùa, giá cao

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng. Nhiều hộ đồng bào dân tộc ở các xã vùng sâu, vùng xa của các huyện Krông Pắk, Krông Năng, Cư M’gar, Cư Kuin đã có thu nhập khá từ sầu riêng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk, vụ sầu riêng năm nay, do nắng hạn kéo dài nên mất mùa, năng suất giảm mạnh, nhưng bù lại giá thu mua sầu riêng quả khá cao. Thông thường các năm trước, bình quân năng suất 18 tấn quả/héc-ta nhưng năm nay chỉ đạt từ 12 đến 15 tấn quả/héc-ta. Các năm trước, gia đình tự thu hoạch vận chuyển ra các đại lý thu mua để bán, với mức giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Ngược lại, vụ này do khan hàng nên tư thương vào tận vườn để thu mua. Mức giá thu mua đầu vụ cũng khá cao, từ 25.000 - 30.000 đồng/kg loại khá. Riêng sầu riêng loại 1 quả to, đều gai, giá thu mua lên đến 35.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều tư thương còn đặt tiền cọc trước cả tháng cho nhà vườn để giữ hàng. Nhiều đại lý thu mua sầu riêng cho biết, trước đây, vào thời điểm chính vụ thu hoạch, mỗi ngày, các đại lý thu mua cả ngàn tấn sầu riêng nhưng năm nay chỉ thu mua được vài trăm tấn. Do khan hiếm hàng nên các đại lý phải vào tận các vườn để thu mua, đồng thời, đặt hàng (sầu riêng quả) cho năm sau. Mặc dù được giá nhưng do năng suất thấp nên lợi nhuận của nhà vườn cũng chỉ đạt mức khá chứ chưa cho lãi cao.

Box: Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 2.607 héc-ta sầu riêng; trong đó có 1.648 héc-ta cho thu hoạch, diện tích còn lại đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, với sản lượng ước đạt 25.000 tấn quả, giảm 5.647 tấn so với năm ngoái.

Phá rừng để trồng khóm ở Tiền Giang: Hiểm họa khôn lường

Khóm (dứa) là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao ở vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang). Vì vậy, thời gian qua, người dân đã phá bỏ nhiều diện tích rừng để trồng loại cây này.

Do cây tràm và bạch đàn hiệu quả thấp nên hiện nay nông dân vùng Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã ồ ạt phá bỏ diện tích rừng này để chuyển sang trồng cây khóm và thanh long ruột đỏ. Toàn huyện Tân Phước hiện nay chỉ còn dưới 3.000 héc-ta rừng gồm cây tràm và cây bạch đàn. Dù chính quyền và ngành chức năng đã tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ rừng nhưng do vấn đề kinh tế nên chưa thể ngăn chặn tình trạng nông dân phá rừng chuyển đổi sang trồng loại cây khác. Thậm chí, tại khu vực vùng đệm có 82 héc-ta đất đã được người dân lên liếp trồng khóm. Đây là diện tích đã được nhà nước quy hoạch đất thuộc vùng đệm thì việc sản xuất của người dân sẽ không được hỗ trợ.

Nguyên nhân khiến người dân ồ ạt chuyển sang trồng khóm là do lợi nhuận cao, dễ tiêu thụ. Ở thời điểm này, giá trái khóm loại 1 từ 10.000 - 11.000 đồng/kg, khóm loại 2 từ 7.000 - 9.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ khi nông dân vùng Đồng Tháp Mười trồng loại cây này. Theo tính toán của nhà vườn, khi giá trái khóm đạt 11.000 đồng/kg thì người dân thu lợi nhuận khá, mỗi năm cho lãi từ 150 - 200 triệu đồng/héc-ta. Năm nay, sau khi hạn mặn, năng suất khóm giảm, nhiều diện tích khóm bị lão hóa dẫn đến sản lượng thấp. Trong khi đó, thương lái, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh thu mua để phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu nên dẫn đến tình trạng cầu vượt cung.

Box: Toàn huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang hiện có gần 16.000 héc-ta khóm, dẫn đầu diện tích trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dù chính quyền và ngành chức năng đã tuyên truyền, vận động nhưng tình trạng nông dân phá rừng chuyển đổi sang trồng các loại cây khác vẫn tiếp diễn.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Lâm Đồng: Trồng dâu tây theo kỹ thuật mới

Hiện nay, nhiều hộ đồng bào dân tộc ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã tiếp cận kỹ thuật mới để canh tác ngoài trời đối với các giống dâu tây. Kỹ thuật này giúp bà con đạt năng suất và tỷ lệ lợi nhuận vượt trội so với mức vốn đầu tư ban đầu.

Trước đây, bà con xã Đạ Sar chủ yếu trồng luân canh các loại rau bắp sú, cải thảo, khoai tây… Tuy nhiên, do ngày càng xuất hiện nhiều loại sâu bệnh gây hại khó phòng trừ nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và hiệu quả thu hoạch. Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã tư vấn bà con chọn cây trồng mới là dâu tây. Đây là loại cây trồng thích ứng với khí hậu mưa nhiều, nắng ít của cao nguyên Langbiang. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã chuyển giao kỹ thuật trồng giống dâu tây ngoài trời cho bà con. Đất ở đây trồng rau thì luân canh nhiều loại giống khác nhau, cứ 3 - 4 tháng phải cải tạo đất trồng mới trở lại. Còn trồng cây dâu tây ngoài trời nếu chăm sóc tích cực đến hơn 4 năm sau mới xuống giống tái canh.

Đơn cử như gia đình anh L.V.L đã trồng dâu tây trên diện tích 1.000 mét vuông. Tính theo thời giá hiện thời 4.000 đồng/cây giống dâu tây thì diện tích 1.000 mét vuông trồng 4.000 cây với nguồn vốn 16 triệu đồng. Cộng với hơn 14 triệu đồng lắp đặt hệ thống béc tưới được bơm lên từ nguồn nước mạch ngầm trong lòng đất, thành tổng chi phí đầu tư hơn 30 triệu đồng. Với kỹ thuật bón phân và tưới nước cân đối liều lượng, thường xuyên giữ sạch cỏ kết hợp với cắt cành tỉa lá đúng thời điểm, năng suất dâu tây đạt từ 50 - 100 kg/ngày. Với giá 80.000 đồng/kg, một hộ gia đình có thể thu từ 4 - 8 triệu đồng/ngày. Với mức thu này, các hộ gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu tây ngoài trời để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tây Nguyên: Tái canh gần 19.000 héc-ta cà phê

Theo thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, mùa mưa năm nay, các tỉnh Tây Nguyên có kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo mới thêm gần 19.000 héc-ta cà phê đã già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, năng suất kém.

Mùa mưa này, tỉnh Lâm Đồng có kế hoạch trồng mới 7.313 héc-ta cà phê, đưa tổng diện tích trồng tái canh và ghép cải tạo tăng lên 43.625 héc-ta. Kế đến là tỉnh Đắk Lắk có kế hoạch trồng tái canh 3.479 héc-ta, đưa tổng diện tích trồng tái canh vào cuối năm nay tăng lên 19.125 héc-ta. Như vậy, từ năm 2010 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng tái canh và ghép cải tạo được gần 80.000 héc-ta cà phê.

Thời gian qua, các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên đã tiến hành quy hoạch lại diện tích cà phê. Những diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, không nằm trong vùng quy hoạch, các địa phương hướng dẫn cho các nông hộ chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Những diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, nằm trong vùng quy hoạch, hướng dẫn các nông hộ tiến hành trồng tái canh hoặc ghép cải tạo để làm “trẻ hóa” lại vườn cà phê. Các tỉnh cũng đã hướng dẫn các nông hộ sản xuất, kinh doanh cà phê thực hiện nghiêm túc quy trình trồng tái canh và ghép cải tạo. Chú trọng nhổ bỏ cây cà phê già cỗi, sâu bệnh và áp dụng luân canh từ 2 đến 3 năm với các loại cây ngắn ngày.

Các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đã sử dụng các giống cà phê vối mới như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13, hạt lai đa dòng TRS1 để trồng tái canh và ghép cải tạo cho các vườn cà phê. Đây là những giống cà phê vối mới đạt năng suất cao, chất lượng tốt, kháng cao với bệnh gỉ sắt, tăng khả năng cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu trên thị trường thế giới.

Theo đề án tái canh, từ năm 2014 đến năm 2020 các tỉnh Tây Nguyên tái canh 120.000 héc-ta cà phê. Trong đó, trồng tái canh 90.000 héc-ta, ghép cải tạo 30.000 héc-ta.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

“Hô biến” củ rừng thành các vị thuốc quý

Thời gian qua, lợi dụng sự tin tưởng của người tiêu dùng vào một số loại củ quý hiếm, có lợi cho sức khỏe, không ít thương lái đã “hô biến” một số loại củ rừng thành sâm, tam thất và hà thủ ô... để kiếm lời.
Lâu nay, vùng dân tộc miền núi của nước ta vẫn được biết đến với nhiều loại cây củ mọc tự nhiên, có tác dụng chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Vì tính chất quý hiếm và tác dụng đã được dân gian chứng minh, nên giá bán các loại cây củ này khá cao. Đặc biệt khi được vận chuyển về thành phố, giá của các sản phẩm này có thể lên tới vài trăm đến vài chục triệu đồng/kg.

Do giá cao nên ngày càng có nhiều người vào rừng khai thác các loại cây củ quý này, trong khi diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp. Chính vì vậy, các loại củ này ngày một hiếm hoi. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều thương lái vô lương tâm đã "hô biến" nhiều loại củ không có giá trị bổ dưỡng (thậm chí còn độc hại) thành các loại củ quý hiếm và bán với giá trên trời, bất chấp những tác hại có thể xảy ra với người sử dụng.

Sâm Ngọc Linh làm từ củ gáy

Sâm Ngọc Linh là một ví dụ. Loại củ này được dùng như nhân sâm, giúp tăng lực, chống suy nhược và hồi phục sức khỏe, tăng sức chịu đựng, giải độc và bảo vệ gan... Với tác dụng tốt cho sức khoẻ như vậy nên thời gian qua, nhiều người đã lùng mua sâm Ngọc Linh về sử dụng. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, một số thương lái đã phù phép củ gáy – loại củ mọc tự nhiên, có chức năng chữa mụn nhọt, ghẻ - trở thành “sâm Ngọc Linh hảo hạng” và bán với giá vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng/kg. Củ gáy sau khi mua về, sẽ được luộc từ 3 - 5 lần cho hết độc, sau đó ngâm trong cortiod (một chất kháng viêm), rồi ngâm với "nước cốt" hồng đẳng sâm phơi khô…, thực hiện lại vài lượt thì củ gáy có màu y như sâm thật. Nếu sử dụng những loại sâm Ngọc Linh giả này lâu, người dùng có thể bị ung thư và mục xương do chất cortiod thẩm thấu vào bên trong cơ thể.

Củ nâu đội lốt hà thủ ô

Một loại củ khác cũng hay bị làm giả là hà thủ ô – loại củ có công dụng làm đen tóc, bổ máu, an thần, dưỡng can, ích thận, nhuận tràng, chữa sốt rét. Bằng mắt thường, củ hà thủ ô đỏ có dạng gần giống củ khoai lang với mặt ngoài màu nâu đỏ có nhiều chỗ lồi lõm. Vì hình thức của hà thủ ô khá giống củ nâu nên lâu nay có khá nhiều nơi đã sử dụng củ nâu để làm giả hà thủ ô. Thực tế, củ nâu có hàm lượng tanin rất cao, muốn ăn phải gọt bỏ vỏ rồi đem ngâm ở suối nhiều ngày mới có thể dùng được. Khi dùng củ nâu để thay thế hà thủ ô đỏ, ngoài việc không đạt hiệu quả như mong muốn có thể gây độc cho cơ thể nếu dùng lâu ngày. Chính vì lo ngại bởi những tác hại của hà thủ ô giả nên nhiều lương y cho biết, họ không bao giờ dám dùng hà thủ ô hiện bán ở thị trường, vì chúng thật - giả lẫn lộn và không thể đảm bảo chất lượng.

Nhuộm màu củ rừng làm giả tam thất bắc

Cũng rơi vào ma trận, thật – giả khó lường là củ tam thất bắc – loại củ được biết đến với tác dụng chính là cầm máu và bổ dương, dùng chữa các chứng xuất huyết, u bướu, huyết ứ, bế kinh, thống kinh, sản hậu huyết hư gây đau bụng…

Với công dụng trên, tam thất bắc là loại thuốc có giá không hề rẻ và bị làm giả khá nhiều. Để tránh mua phải tam thất bắc giả, người tiêu dùng có thể phân biệt như sau: Tam thất bắc thật có độ dài trung bình là khoảng 3cm, đường kính trung bình 1.5cm. Phần lớn củ tam thất đều có hình con quay hay hình thoi. Phần vỏ có nhiều vằn dọc theo hết củ, nhìn bằng mắt thường có màu xám vàng hoặc xám nâu. Cắt ngang củ tam thất bắc thì thấy phần thịt màu xám xanh. Khi nếm sẽ có cảm giác vị đắng hơi ngọt kèm theo một ít mùi thơm. Trong khi đó, tam thất giả được làm từ một số loại củ có hình dáng bên ngoài hơi giống với tam thất bắc, nhưng không có tác dụng chữa bệnh như tam thất bắc. Thậm chí, để người tiêu dùng tin tưởng, một số người đã sử dụng bột chì (phấn chì) rắc vào khiến những củ này trở nên đen bóng như tam thất thật. Người mua nên kiểm tra kỹ, nếu thấy củ tam thất có chất bóng, mịn dính vào tay thì không được sử dụng vì bột chì cực độc đối với sức khỏe.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)