Thông tin giá cả thị trường số 23/2018

10:16 AM 08/06/2018 |   Lượt xem: 4425 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Hưng Yên: Mùa thu hoạch vải VietGAP

Nông dân huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đang bước vào mùa thu hoạch vải. Sản lượng quả ước đạt trên 8.000 tấn, giá trị đạt hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng mừng nhất là chất lượng quả vải cao, thương lái đến thu mua nhiều.

Diện tích vải thu hoạch tập trung chủ yếu tại các xã Tam Đa, Minh Tiến, Tiên Tiến và Tống Trân. Các giống quả cho thu hoạch là vải lai u chín sớm và vải lai trứng chín sớm. Do trồng giống chín sớm, quả cho thu hoạch sớm, nên vải ở đây thường bán được giá cao gấp 2 - 3 lần so với các vùng trồng vải khác. Tại thời điểm này, các nhà vườn đang xuất bán cho thương lái với giá từ 18.000 – 20.000 đồng/kg. Thời vụ thu hoạch sẽ kéo dài tới cuối tháng 6.

Chất lượng vải Phù Cừ năm nay cũng tốt hơn nhiều so với các năm trước. Quả vải cơ bản không còn tồn dư nấm bệnh hại, mã quả sáng đẹp hơn, ăn thơm ngọt hơn, đặc biệt là không bị sâu đầu (đây là đối tượng thường hay gặp ở các mùa vải nhiều năm trước, làm giảm chất lượng và sản lượng quả). Có được kết quả này là do sự phối hợp chặt chẽ giữa các cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân. Thời gian qua, theo quy trình trồng vải VietGAP, các cán bộ luôn sát cánh cùng bà con, đến tận vườn hướng dẫn cách chăm sóc, cách nhận biết sâu bệnh hại, phun phòng trừ hiệu quả, đảm bảo an toàn thực phẩm… Tại các mô hình trồng vải VietGAP, bà con nông dân đều có nhật ký canh tác, ghi chép khá đầy đủ: Ngày, tháng bón phân, tưới nước, loại phân sử dụng, tên thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh. Trong đó, chủ yếu là dùng các thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc được phép sử dụng trên rau quả an toàn... Sở Khoa học Công nghệ đã phối hợp với Viện Bảo vệ Thực vật chuyển giao kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM trên cây vải cho các địa phương trong huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hợp tác với Viện Nghiên cứu Rau quả chuyển giao quy trình thâm canh vải chín sớm xuống địa bàn. Các đơn vị chuyên môn khác như Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chi cục Bảo vệ thực vật đều có các mô hình trình diễn tiến bộ kỹ thuật canh tác vải.

Đặc biệt, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã hỗ trợ xã Tam Đa thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Thắng Lợi, hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới. Bước đầu, hợp tác xã  đã thu hút được gần 400 hộ nông dân tham gia, quy mô diện tích 50 héc-ta chuyên canh vải VietGAP tập trung, gọn vùng, liền thửa, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Riêng sản lượng vải VietGAP của hợp tác xã năm nay ước đạt 700 tấn quả, đã được Công ty Phát triển Nông nghiệp cuộc sống xanh T&T đến khảo sát chất lượng, thu mua. Ngoài ra, ngày nào cũng có 3 - 5 ô tô của thương lái đến chờ đầu ruộng, sẵn sàng thu mua hết lượng vải chín của xã viên.

Hiện nay, để tránh rủi ro thất thoát không đáng có, Hợp tác xã Thắng Lợi đã hướng dẫn bà con nông dân tranh thủ thời tiết nắng ráo và thị trường còn chưa nhiều vải quả, tiến hành thu tỉa nhanh, triệt để các cành/chùm vải, khi vỏ quả chuyển từ màu vàng hanh sang đốm đỏ, sơ chế bao gói theo quy định, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và cung ứng thị trường. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Thừa Thiên Huế:

Doanh nghiệp tập trung thu mua ớt cho bà con

Hiện nay, tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, bà con các xã Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hương đã ra ruộng, tranh thủ tiết trời mát mẻ thu hoạch ớt.  Nhiều bao tải được đóng ven chân ruộng để đựng ớt chờ các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thu mua. Tại một số ruộng ớt, người dân tập trung thu hoạch số diện tích chín đỏ, có khả năng bị hư hỏng nếu tiếp tục để trên ruộng, đóng vào bao. Đây là số ớt của hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Phong Điền ký hợp đồng trồng ớt xuất khẩu với Công ty CP Đầu tư Quốc tế Thiên An từ đầu năm 2018. Công ty ký hợp đồng cam kết thu mua với giá 5.500 đồng/kg ớt tươi. Tuy nhiên, sau vài đợt thu mua đầu tiên, đến nay công ty này đã ngừng thu mua khiến các hộ trồng ớt rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Trước tình hình này, các ban, ngành của huyện Phong Điền đã xúc tiến kết nối với một số doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi để giúp người dân thu mua ớt với giá cả hợp lý. Trong đó, huyện đã liên lạc với Công ty An Thuận Phát (Quảng Ngãi) và hiện công ty đang thương thảo giá cả để thu mua cho người dân với giá từ 4.000 – 5.000 đồng/kg ớt tươi. Một vài doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng đã có kế hoạch tiếp tục thu mua ớt cho bà con.

Viễn Sơn (Yên Bái): Nâng cao giá trị cây quế

Viễn Sơn là một trong những xã có diện tích quế lớn nhất của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Trên 75% dân số xã là đồng bào Dao đã nhiều đời gắn bó với cây quế. Đây cũng là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế ở Viễn Sơn.

Nằm trong vùng quy hoạch nguyên liệu quế của huyện Văn Yên, những năm qua, xã Viễn Sơn luôn chú trọng phát triển vùng nguyên liệu. Đặc biệt, khuyến khích bà con giữ vùng nguyên liệu để không ngừng nâng cao giá trị kinh tế từ cây quế. Cùng với 8 xã trong vùng quy hoạch nguyên liệu quế của huyện, cây quế ở Viễn Sơn đã khẳng định được vị thế, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng, trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.

Xác định quế là cây kinh tế chủ lực, mũi nhọn trong xóa đói, giảm nghèo và làm giàu của bà con dân tộc Dao, xã Văn Yên luôn khuyến khích người dân mở rộng diện tích quế cũng như giữ vững, bảo tồn giống quế của địa phương. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn cây giống. Để bảo tồn giống quế, xã quy hoạch diện tích 4 héc-ta những cây quế có đường kính từ 30 cm, cao từ 15 m trở lên và 30 cây trội làm giống. Hàng năm, xã đều vận động bà con tập trung đưa giống quế bản địa vào trồng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ phát triển cây quế, tỷ lệ hộ nghèo trong xã đã giảm xuống còn dưới 30%, trên 40% số hộ đã vươn lên thoát nghèo, khoảng 20% số hộ có kinh tế khá, giàu.

So với các loại cây lâm nghiệp khác, cây quế có giá trị hơn rất nhiều, chỉ 3 năm là có thể tỉa thưa những diện tích trồng dày để bán cho các cơ sở chế biến tinh dầu quế, những cây còn lại chịu khó chăm sóc thì 8 năm là có thể thu hoạch được.

Trước những giá trị kinh tế lớn mà cây quế đem lại, xã Vĩnh Sơn xác định, trong giai đoạn tới tiếp tục nâng cao vị thế cây quế nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho bà con. Đẩy mạnh tuyên truyền áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và khai thác có hiệu quả, đầu tư thâm canh mở rộng diện tích quế để ổn định vùng nguyên liệu.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Được mùa măng cụt Lái Thiêu

Vườn cây Lái Thiêu (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) đang vào mùa trái chín. Các nhà vườn vui mừng vì năm nay măng cục, sầu riêng, chôm chôm… được mùa lại được giá. Đặc biệt là măng cụt được các thương lái tới tận vườn thu mua. Giá bán sỉ măng cụt xuất đi các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung hiện nay dao động trong khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg. Giá bán lẻ măng cụt khá cao, chừng 80.000 - 120.000 đồng/kg. Để tăng thêm thu nhập, năm nay nhiều nhà vườn chọn cách bán thẳng cho khách hàng. không bán qua thương lái trung gian. Lý do măng cụt Lái Thiêu được giá là nhờ vị thanh ngọt, không chát, ít mủ và tỉnh Bình Dương đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho nhãn hiệu măng cụt Lái Thiêu.

Đồng Tháp: Giá quýt đường tăng

Nông dân trồng quýt tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đang rất phấn khởi vì quýt đường được thương lái thu mua với giá tăng khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể, quýt đường loại 1 hiện có giá từ 26.000 - 27.000 đồng/kg; loại 2 - 3 giá 23.000 - 24.000 đồng/kg. Các thương lái từ nhiều nơi đến tận vườn thu mua. Dự báo, giá quýt sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu thu mua quýt tại các tỉnh miền Đông Nam bộ và miền Bắc đang tăng cao. Nguyên nhân khiến quýt hút hàng, tăng giá là do thời điểm hiện tại, hầu hết diện tích quýt đang trong giai đoạn xử lý ra hoa, nguồn cung ít. Dự đoán, giá quýt sẽ có thay đổi khi bước sang thời điểm tháng 6, tháng 7 âm lịch.

Quýt đường là một trong những mặt hàng hoa quả chủ lực được người dân huyện Lai Vung chọn để canh tác nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá lúa tăng kỷ lục

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa gạo hàng hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang ở mức rất cao. Giá lúa khô loại thường đạt từ 6.600 - 6.700 đồng/kg, lúa khô hạt dài khoảng 6.850 - 6.900 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện đã ở mức 8.600 - 8.700 đồng/kg; gạo nguyên liệu làm gạo 25% tấm dao động từ 8.450 - 8.550 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn tàu đã vượt mốc 10.000 đồng/kg khi ở mức 10.000 - 10.100 đồng/kg, gạo thành phẩm 15% tấm từ 9.700 - 9.800 đồng/kg và gạo 24% tấm từ 9.400 - 9.500 đồng/kg.

Sở dĩ giá lúa lên cao kỷ lục như vậy chủ yếu do vụ đông xuân đã kết thúc thu hoạch, diện tích thu hoạch của vụ hè thu chưa đáng kể. Trong khi đó, những thông tin mở thầu của Philippines cùng những dự báo về nhu cầu tăng cũng tạo hiệu ứng khiến giá lúa tăng cao.

Tây Nguyên: Giá cà phê giảm nhẹ

Thị trường cà phê nhân xô tại Tây Nguyên tiếp tục giảm thêm 200 đồng/kg so với mức giá của tuần trước. Hiện giá cà phê giao dịch ở mức 35.200 - 36.000 đồng/kg. Trong đó, cà phê Lâm Đồng đang có mức giá thấp nhất khi chỉ đạt 35.200 đồng/kg; các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum giá cà phê dao động từ 35.800 - 36.000 đồng/kg.

Giá cà phê trong nước liên tục giảm từ đầu tuần đến nay do thị trường cà phê thế giới không có dấu hiệu sáng sủa. Dự báo, giá cà phê trong tháng 6 vẫn khó khởi sắc do nguồn cung cà phê toàn cầu trong nửa cuối năm nay vẫn dồi dào. Các yếu tố thời tiết có thể đe dọa nguồn cung toàn cầu trong thời gian trung hạn và ngắn hạn nhưng không có tác động nghiêm trọng.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Quảng Bình: Mô hình thâm canh lạc đạt năng suất cao

Ở các huyện miền núi, vùng cao của tỉnh Quảng Bình, lạc là cây trồng quen thuộc của bà con nông dân. Tuy nhiên, tình trạng được mùa, mất giá, năng suất kém vẫn luôn là bài toán không có lời giải.

Nhằm tăng năng suất, chất lượng cho cây lạc, mới đây, Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ và Trung tâm nghiên cứu và phát triển đậu đỗ đã phối hợp với UBND xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình tổ chức hội thảo đầu bờ để đánh giá kết quả thực hiện mô hình thâm canh lạc đạt năng suất cao năm 2018.

Mô hình được thực hiện với diện tích 20 héc-ta, sử dụng giống lạc L20, L27. Trong đó, Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ thực hiện 10 héc-ta, sử dụng giống lạc L20 tại thôn 4 Đức Phú, xã Đức Hóa với quy mô 58 hộ dân tham gia. Trung tâm nghiên cứu và phát triển đậu đỗ thực hiện 10 héc-ta, sử dụng giống lạc L27, tại thôn Đạm Thủy, xã Thạch Hóa với quy mô 111 hộ dân tham gia.

Do áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, đặc biệt diện tích có che phủ nylon giúp giữ nhiệt độ và ẩm độ nên cây lạc sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất ước đạt 4,3 tấn/héc-ta. Theo thống kê sơ bộ, hiệu quả kinh tế của mô hình đạt gần 36,4 triệu đồng/héc-ta, cao hơn so với mô hình sản xuất đại trà đối chứng khoảng 14,7 triệu đồng/héc-ta. Đây là giống lạc mới được công nhận giống quốc gia tháng 7/2017, lần đầu tiên được trồng thử nghiệm đánh giá năng suất tại tỉnh Quảng Bình.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Lâm Đồng: Kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

Lâm Đồng là tỉnh đứng đầu cả nước về kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản. Tiếp tục kết quả đạt được này, năm 2018, Lâm Đồng phấn đấu giảm tỷ lệ mẫu vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật xuống còn 1%.

Lâm Đồng là tỉnh có diện tích sản xuất theo VietGAP đứng đầu cả nước, vì vậy sản phẩm tiêu thụ ngày càng tăng nhanh, nhất là các mặt hàng rau, củ, quả. Chính vì vậy, trong thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm được đẩy mạnh. Hàng năm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đều lấy mẫu giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các loại nông sản chủ lực. Đối với những mẫu không an toàn sẽ cho đơn vị biết để tạm dừng lưu thông lô hàng không an toàn trên và cử cán bộ đến đơn vị và hộ nông dân liên kết để hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng nguyên tắc. Sau đó sẽ lấy mẫu phân tích định tính dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu mẫu đảm bảo chất lượng sẽ thông báo cho đơn vị lưu thông lô hàng trên thị trường. Nếu còn vi phạm Chi cục sẽ xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Nhờ quy trình kiểm soát gắt gao đó mà nhận thức của người trồng trọt cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng rõ rệt. Một số nông sản, thực phẩm chủ lực như rau, quả, cà phê… cơ bản đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm. Điều kiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng đã được cải thiện hơn. Đặc biệt, việc liên kết tiêu thụ nông sản an toàn với thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội… đã mang lại kết quả tốt.

Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho bà con nông dân, cơ sở sản xuất rau, quả, chè an toàn tại các huyện: Bảo Lộc, Đơn Dương, Đức Trọng, Bảo Lâm… về các quy chuẩn kỹ thuật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn.

HÀNG VIỆT 

Giòn, thơm kẹo lạc Đường Lâm

Ghé thăm những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi ở làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), nhiều du khách đã bày tỏ cảm giác thú vị, khi vừa được uống chè xanh, nghe chủ nhà kể chuyện, vừa được thưởng thức những chiếc kẹo giòn tan, thơm mùi lạc, mùi gừng do chính bàn tay người dân nơi đây làm ra.

Người già ở làng cổ Đường Lâm kể rằng, nghề làm kẹo ở Đường Lâm có từ rất lâu rồi, khi bà chúa Mía (một người thiếp của vua Trịnh Tráng) xây dựng ngôi chùa Mía và dạy cho người dân làng Đường Lâm cách trồng mía và làm kẹo.

Từ chỗ trồng mía kéo mật, nhiều hộ gia đình ở Đường Lâm đã làm kẹo để cải thiện cuộc sống và gắn bó với nghề làm kẹo suốt đời ông, đời cha, rồi đến đời con, đời cháu. Kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng… trở thành những sản phẩm truyền thống của làng cổ Đường Lâm từ lúc nào không ai hay.

Anh Cao Văn Hiền (thôn Đông Sàng) – một trong những chủ cơ sở sản xuất kẹo lâu đời ở Đường Lâm cho biết: Kẹo lạc, kẹo dồi ngon phải có mạch nha, đường mía, lạc rang. Trong đó, khâu chọn và chế biến lạc là quan trọng nhất. Lạc để làm kẹo phải nhỏ, ngon, bùi, chắc hạt, khi rang lạc phải chín đều... Quá trình nấu kẹo đòi hỏi sự chính xác về thời gian và sự phối hợp vừa vặn giữa các nguyên liệu.

Trong nhiều năm tham gia sản xuất kẹo, anh Hiền thường tin tưởng chọn mua nguyên liệu (vừng, lạc) do chính người dân ở địa phương trồng tại các cánh đồng thuộc thôn Cam Lâm (làng Đường Lâm). Với kinh nghiệm do ông cha truyền lại, kẹo do gia đình anh Cao Văn Hiền sản xuất có vị ngọt vừa đủ, giòn lâu và ăn không bị dính răng. Cơ sở sản xuất của anh Hiền cũng tự hào là hộ có sản phẩm kẹo đạt giải Nhất cuộc thi Sản phẩm du lịch làng cổ Đường Lâm và là cơ sở sản xuất có sản phẩm cung cấp cho 4 khách sạn dành cho du khách Nhật Bản.

Nếu như trước kia, kẹo do người dân Đường Lâm làm ra chủ yếu được bán ở chợ làng, quán nước hay các xã lân cận; thì từ khi Đường Lâm được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia (năm 2006), các cơ sở sản xuất kẹo đã có thêm một lượng khách lớn, đó là các du khách đến thăm làng cổ.

Để phục vụ khách du lịch, người làm kẹo ở Đường Lâm đã chủ động cải tiến để sản phẩm có mẫu mã đẹp hơn, chất lượng ngon hơn. Không chỉ điều chỉnh độ ngọt, nhạt, bổ sung vừng đen cho hợp với nhu cầu người ăn, các sản phẩm kẹo của Đường Lâm còn được đóng gói, đóng hộp lịch sự để du khách có thể mua về làm quà. Giá mỗi gói kẹo dao động chỉ từ 10.000 - 20.000 đồng, nên được rất nhiều du khách chọn mua. Nhờ du lịch phát triển, nhiều hộ làm kẹo ở Đường Lâm không chỉ giữ được nghề cha ông để lại mà còn phát triển kinh tế gia đình thông qua việc bán kẹo và tham gia tổ chức cho du khách trải nghiệm nghề truyền thống.

Cũng chính vì phần lớn sản phẩm kẹo làm ra chỉ phục vụ khách du lịch, nên vào mùa hè, khi lượng khách giảm đi trông thấy, các hộ sản xuất kẹo ở Đường Lâm chỉ sản xuất cầm chừng. Điều này đồng nghĩa với việc, thay vì mở rộng sản xuất, người làm kẹo ở Đường Lâm cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm, để kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng của Đường Lâm không chỉ tiếp tục là sự lựa chọn của du khách, mà còn có thể cạnh tranh với nhiều sản phẩm kẹo tương tự đang bán trên thị trường.

Đến với làng cổ Đường Lâm, du khách đừng quên ghé các cơ sở làm kẹo nơi đây để được trải nghiệm quy trình làm ra những chiếc kẹo giòn thơm; cũng là để hiểu hơn về món quà quê dân dã của Đường Lâm và sự cần cù, tần tảo của những người làm kẹo ở ngôi làng cổ.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)