Thông tin giá cả thị trường số 22/2019

09:53 AM 06/06/2019 |   Lượt xem: 4330 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Hồ tiêu chịu áp lực giảm giá

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), từ năm 2015 đến nay, nguồn cung hồ tiêu trên thế giới tăng từ 8 - 10%, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng 2%, dẫn tới cung vượt cầu. Dự báo, trong năm 2019, giá tiêu khó có khả năng tăng.

Giá tiêu biến động khó lường

Tại “Hội nghị tổng kết niên vụ hồ tiêu 2018, phương hướng kế hoạch nhiệm vụ 2019”, VPA cho biết, thị trường hồ tiêu Việt Nam năm 2018 biến động khó lường dù vẫn sôi động. Đầu vụ thu hoạch (tháng 3/2018), giá tiêu đen tại các địa phương xuống mức 55.000 – 60.000 đồng/kg. Giữa năm 2018, có thời điểm bật lên 60.000 đồng/kg nhưng lại giảm còn quanh mức 50.000 đồng/kg vào thời điểm cuối năm. Hiện giá tiêu ở các vùng nguyên liệu dao động từ 43.000 – 44.000 đồng/kg.

Giá biến động khó lường khiến cả chuỗi cung ứng hồ tiêu năm 2018 gặp nhiều bất ổn. Các thương lái, nhà cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu không dám giao dịch mạnh. Có nhiều thời điểm trong năm, nông dân thấy giá tiêu quá thấp đã giảm bán ra khiến doanh nghiệp phải nhập tiêu từ Campuchia, Brazil, Indonesia khi giá các nước đó thấp hơn trong nước, chất lượng lại ổn định hơn. Năm 2018, Việt Nam đạt mức xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay về sản lượng nhưng giá trị giảm tới 30,8% so với năm trước, do nguồn cung toàn cầu tăng quá mạnh, chủ yếu từ Brazil, Campuchia và Việt Nam.

Những biến động khó lường này khiến người trồng tiêu trong nước rơi vào khủng hoảng giá, chỉ những hộ trồng tiêu tự thu hoạch mới có lời đôi chút, còn thuê nhân công thu hoạch coi như lỗ. Theo ý kiến của các doanh nghiệp hồ tiêu, nhằm khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp cần liên kết với nhau, đồng thời liên kết với nông dân để tạo ra vùng sản xuất hồ tiêu sạch, thậm chí phải sản xuất hữu cơ để xuất khẩu với giá cao. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực chế biến, gắn liền với phát triển thị trường; tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững... Kiểm soát chặt chẽ quá trình chế biến, bảo quản; đổi mới công nghệ sản xuất, nâng tỷ lệ tiêu trắng xuất khẩu lên 30 - 40%, đa dạng hóa sản phẩm (tiêu hữu cơ, tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu)...

… và sẽ không khởi sắc trong 2019

Năm 2019, diện tích tiêu ở nước ta bắt đầu có xu hướng giảm. bà con các vùng trồng tiêu đang tập trung nâng cao chất lượng hơn là số lượng. Trong đó, chú trọng đến các giải pháp trồng tiêu an toàn, giảm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, tăng sử dụng các chế phẩm sinh học và cố gắng phát triển các trang trại tiêu hữu cơ có chứng nhận an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, nếu giá tiêu vẫn duy trì ở mức thấp như hiện nay, Việt Nam cần giảm được diện tích ở một số vùng trồng không hiệu quả. Trường hợp xấu nhất, giá tiêu giảm xuống dưới giá thành, nông dân sẽ không bán ra. Tuy nhiên, hiện nay, giá thành sản xuất tiêu của Việt Nam được cho là thấp so với các nước khác.

Thời gian qua, giá tiêu giảm mạnh nên một số nước như Sri Lanka, Indonesia bắt đầu giảm diện tích, Việt Nam cũng đang giảm. Với đà giảm này, diễn biến giá hồ tiêu thế giới sẽ có thay đổi trong thời gian tới nhưng trong năm 2019, bà con nông dân vẫn phải chịu mức giá thấp như hiện nay.

Theo nhận định từ Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, năm 2019 sản lượng hồ tiêu thế giới sẽ tiếp tục tăng, dự kiến đạt khoảng 602.000 tấn, tăng 8,27%, trong đó Brazil tăng 28%, Campuchia tăng 17%. Riêng Việt Nam dự báo sản lượng đạt 240.000 tấn, tăng khoảng 9% do diện tích trồng mới từ năm 2014 - 2016 bắt đầu cho thu hoạch nên giá có khả năng đi xuống.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Lai Châu: Tiêu thụ chuối gặp khó

Đến nay, tỉnh Lai Châu đã phát triển khoảng 3.500 héc-ta chuối, tập trung ở các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Mường Tè. Trong đó, riêng huyện Phong Thổ phát triển khoảng 3.000 héc-ta, tập trung chủ yếu ở các xã biên giới.

Trước kia, sản phẩm chuối chủ yếu được người dân bán cho các thương lái tại địa phương, rồi xuất sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, bà con nông dân đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ do phía cơ quan chức năng Trung Quốc yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Lai Châu, diện tích quy hoạch phát triển khoảng 200 héc-ta chuối. Tuy nhiên, xét trên nhu cầu thực tế của thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, các huyện đã để người dân trồng tự phát và mở rộng trên 3.500 héc-ta. Bên cạnh đó, người dân chưa hình thành liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nên giá cả bấp bênh, thiếu bền vững. Hình thức tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu sản xuất theo mô hình kinh tế hộ, chưa có các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất thị trường. Chính vì vậy, người trồng chuối luôn phải đối mặt với tình trạng được mùa, mất giá. Hiện nay, muốn truy xuất được nguồn gốc để gỡ khó về thị trường cần có tổ chức đứng ra đại diện để thực hiện các quy trình sản xuất. Vì vậy, tỉnh Lai Châu đang định hướng cho bà con thành lập hợp tác xã, các tổ hợp tác thu mua và sản xuất chuối. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng sẽ xét duyệt và cấp giấy chứng nhận theo đúng các thủ tục mà thị trường Trung Quốc yêu cầu.

Tiền Giang: Hình thành vùng chuyên canh thanh long

Hiện nay, tại tỉnh Tiền Giang, thanh long đang có giá, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân vùng chuyên canh.

Huyện Chợ Gạo hiện có gần 6.200 héc-ta thanh long chuyên canh, lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 4.500 héc-ta với sản lượng thu hoạch mỗi năm trên 142.000 tấn cung ứng cho thị trường. Thương lái đang thu mua trên dưới 35.000 đồng/kg giống ruột đỏ, tăng hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5.000 đồng/kg.

Hiện nay, để nâng cao giá trị cây thanh long, nông dân vùng chuyên canh thường xử lý bằng cách xông đèn để cho trái rải vụ, tránh trùng với thời điểm chính vụ bán mất giá. Thanh long mỗi năm xông đèn xử lý cho thu hoạch trung bình 3 đến 4 lần. Ngoài ra, xen kẽ trong đó, bà con còn thu hoạch từ 4 đến 5 lần cây ra trái tự nhiên nhưng sản lượng không nhiều.

Năng suất thanh long đạt khoảng 30 tấn/héc-ta/năm. Với giá bán 35.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi héc-ta thanh long đạt giá trị trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí bà con còn lãi khoảng 50% trở lên. Thông thường, hàng năm, thời điểm vào chính vụ thu hoạch thanh long thường bị mất giá. Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh, kết hợp xử lý rải vụ nên thời gian qua nông dân địa phương đã tránh được tình trạng trúng mùa, mất giá, vừa nâng cao khả năng cạnh tranh của cây trồng đặc sản trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại huyện Tân Phước đã quy hoạch vùng trồng thanh long trọng điểm; trong đó, diện tích thanh long tập trung tại các xã: Tân Lập I, Tân Lập II, Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Thạnh Hòa… Hiện diện tích thanh long chuyên canh của Tân Phước đã mở rộng lên gần 750 héc-ta; trong đó, gần 50% diện tích đang cho thu hoạch với sản lượng trên 7.600 tấn quả/năm. Thanh long phù hợp thổ nhưỡng vùng đất nhiễm phèn nơi đây, dễ trồng, năng suất và sản lượng cao, thuận lợi về đầu ra. Việc áp dụng kỹ thuật xông đèn cho trái rải vụ, mỗi năm, nông dân có thể thu hoạch 8 đợt, tránh tình trạng được mùa, mất giá trước đây. Hiện Tân Phước đang tập trung chuyển giao kỹ thuật thâm canh, khuyến cáo nông dân chọn giống tốt, sạch bệnh, tiến tới áp dụng quy trình canh tác theo hướng GAP để tăng khả năng cạnh tranh của cây trồng đặc sản này.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Hậu Giang: Khóm trái hút hàng, tăng giá

Các hộ trồng khóm ở xã Tân Tiến và Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), rất phấn khởi vì giá khóm trái tăng cao. Thương lái vào tận rẫy đặt mua khóm loại 1 từ 1kg/trái trở lên với giá dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/chục 10 trái. Loại 2 từ 1kg/trái trở xuống thì giá từ 80.000 - 90.000 đồng/chục, cao hơn tuần trước từ 20.000 - 40.000 đồng/chục. Giá khóm bán lẻ tại chợ hiện nay là 14.000 đồng/trái khóm loại 1; loại 2, dưới 1kg/trái là 10.000 - 12.000 đồng/trái, tăng khoảng 3.000 - 5.000 đồng/trái. Nguyên nhân giá khóm tăng là do các nhà máy chế biến cần nguồn nguyên liệu, trong khi nguồn khóm trái tại địa phương đang vào cuối vụ.

Hà Tĩnh: Giá trứng vịt lộn giảm

Từ đầu năm đến nay, giá trứng vịt lộn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giảm xuống ở mức 16.000 – 19.000 đồng/chục, giảm gần 50% so với năm ngoái. Giá trứng thấp cộng với việc tiêu thụ chậm khiến người chăn nuôi điêu đứng vì lỗ triền miên. Trứng vịt lộn của các lò ấp ở Hà Tĩnh chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Lào, Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thị trường ngoại tỉnh thu mua cầm chừng, trứng ấp ra chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh. Trong khi đó, được đà giá cao của năm ngoái, nhiều chủ lò ấp đã đầu tư cho các hộ mở rộng chăn nuôi và cam kết bao tiêu sản phẩm trứng với giá cao. Đặc biệt, với diễn biến giá điện tăng như hiện nay, nếu duy trì lò ấp thường xuyên, các chủ lò sẽ chịu lỗ nặng hơn nữa.

Cà Mau: Tìm đầu ra cho cây đậu xanh

Toàn huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) hiện có hơn 450 héc-ta cây đậu xanh đang trong thời điểm thu hoạch, tập trung ở các xã Khánh Bình Tây, Khánh Hưng, Khánh Bình, Khánh Bình Đông.

Cây đậu xanh trồng khoảng thời gian 60 ngày là thu hoạch, năng suất khoảng 1,2 đến 1,5 tấn/héc-ta. Tuy nhiên, hiện nay, giá đang có chiều hướng giảm do nhiều hộ dân cùng thu hoạch đồng loạt. Hiện tại, giá đậu xanh dao động từ 20.000 – 23.000 đồng/kg. Nếu duy trì được mức giá này sau khi trừ các chi phí khác người trồng đậu xanh sẽ có lời và thu nhập từ 20 triệu đồng/héc-ta trở lên.

Hiện nay, huyện Trần Văn Thời đang tìm kiếm các doanh nghiệp, công ty thu mua và bao tiêu sản phẩm để bà con an tâm sản xuất, phát triển bền vững cây trồng này trong thời gian tới.

Hải Dương: Vải sớm Thanh Bính được mùa, được giá

Mùa vụ năm nay xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, vải được mùa, được giá. Với giá bán vải sớm hiện tại dao động từ 45.000 - 55.000 đồng/kg, ước tính xã Thanh Bính năm nay cho thu khoảng 10 - 12 tỷ đồng từ thu hoạch vải sớm.

Toàn xã Thanh Bính có 268,1 héc-ta trồng vải. Do vải thiều chính vụ chỉ tập trung thu hoạch vào một thời điểm nhất định và phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết nên năm được mùa thường mất giá. Bởi vậy, các cấp đảng bộ và chính quyền nhân dân xã Thanh Bính quán triệt và chỉ đạo người dân cần tập trung cho sản xuất vải sớm. Trong đó, diện tích vải cực sớm như u trứng trắng, u trứng gai, u trứng dây chiếm khoảng 20% diện tích; 60% diện tích u hồng chín sớm; 20% còn lại là tàu lai và vải chính vụ; để vừa đảm bảo không bị mất mùa mà vải sớm bán được giá cao hơn. Nhờ chủ trương và định hướng đúng đắn của chính quyền địa phương mà 3 – 5 năm trở lại đây, nông dân trồng vải trong xã Thanh Bính luôn được mùa, được giá.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Thời tiết nắng nóng bất lợi cho nuôi thuỷ sản

Con tôm là thế mạnh của tỉnh Trà Vinh, nhất là các huyện như Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Tuy nhiên, gần đây do độ mặn biến động, thời tiết nắng nóng thất thường gây bất lợi cho tôm nuôi.

Theo thống kê sơ bộ, những ngày qua, tại tỉnh Trà Vinh đã có 115 triệu con tôm sú chết (chiếm gần 13% diện tích thả nuôi); trong khi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại tới 358 triệu con (chiếm gần 16% diện tích thả nuôi)… Hầu hết tôm chết do bệnh gan tụy và đốm trắng. Các ngành chức năng cũng đang triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại…

Tại Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang… nhiều hộ nuôi tôm cũng lo lắng khi thời tiết thay đổi khiến tôm bị bệnh. Tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, tình trạng tôm bệnh chết làm nhiều hộ thua lỗ. Bên cạnh đó, giá tôm cũng đang giảm nhiều. Hiện thương lái thu mua tôm thẻ loại 50 con/kg với giá 120.000 đồng/kg, loại 60 con/kg giá 110.000 đồng/kg, loại 100 con/kg giá 76.000 đồng/kg, giảm từ 5.000 - 15.000 đồng/kg so cùng kỳ năm ngoái; đối với tôm sú loại 30 con/kg giá cũng giảm xuống mức khoảng 155.000 đồng/kg…

Cùng với con tôm, một số bãi nuôi nghêu ở vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long cũng bị chết. Thống kê mới đây của hợp tác xã nghêu Tiến Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) tỷ lệ nghêu nuôi bị thiệt hại từ 30 - 40% trên diện tích gần 9 héc-ta. Nguyên nhân do nghêu đang vào mùa sinh sản thì gặp điều kiện thời tiết bất lợi khiến nghêu chết hàng loạt.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Lào Cai: Ngăn chặn tôm càng đỏ tại các cửa khẩu

Ngày 21/5/2019, đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành chức năng của tỉnh Lào Cai đã đi kiểm tra khu vực biên giới và bàn giải pháp để kiểm soát, ngăn chặn tôm càng đỏ nhập lậu.

Lào Cai có đường biên giới dài với Trung Quốc, có nhiều đường mòn, lối mở, chợ biên giới cùng với nhận thức của người dân còn hạn chế là những khó khăn trong kiểm soát tôm càng đỏ nhập lậu.

Để ngăn chặn việc tôm càng đỏ xâm nhập, gây hại môi trường, các lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã chủ động phối hợp với các lực lượng biên phòng, hải quan, quản lý thị trường siết chặt việc vận chuyển, buôn bán loại sinh vật ngoại lai này. Cụ thể: Ngày 19/5, tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, tổ công tác của Trạm biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đã phát hiện và thu giữ 75 kg tôm càng đỏ được cất giấu, ngụy trang trong các thùng đồ chơi. Trước đó, ngày 11/5, tại khu vực bờ sông biên giới Nậm Thi, lực lượng chức năng của Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lào Cai cũng phát hiện và thu giữ lô hàng 15 thùng xốp đựng tổng cộng 300kg tôm càng đỏ do một nhóm người vận chuyển. Sau khi được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai xác định đây là động vật ngoại lai nguy hại, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã phối hợp với cơ quan chức năng tiêu hủy toàn bộ lô hàng.

Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôm càng đỏ không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Loài tôm này vừa phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác. Để tránh tác động đến sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn khẩn đề nghị tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật với các trường hợp vi phạm.  Ngay sau đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã có công văn hỏa tốc gửi Cục Quản lý thị trường các địa phương đề nghị tăng cường, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với mặt hàng này.

HÀNG VIỆT

Công bố Chỉ dẫn địa lý sản phẩm:

Thịt bò Vàng Hà Giang

Ngày 18/5/2019, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ công bố Chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” cho sản phẩm thịt bò. Đây là sản phẩm thứ 7 của tỉnh được cấp Chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Giống bò Vàng Hà Giang được phân bố chủ yếu tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá gồm: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ; chiếm 3/4 tổng số đàn bò toàn tỉnh. Giống bò này đang nằm trong danh sách bảo tồn nguồn gen quý do có các đặc điểm chịu được điều kiện khắc nghiệt của vùng cao núi đá như: Khí hậu lạnh giá của mùa đông, địa hình hiểm trở, độ dốc cao, đặc biệt là khan hiếm nước, nhất là vào mùa khô và thiếu thức ăn. Thịt bò Vàng Hà Giang có phẩm chất thịt mềm và thơm ngon hơn so với nhiều loại thịt bò khác, có hàm lượng dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng… Để truy xuất nguồn gốc, nhằm bảo hộ quyền lợi cho người chăn nuôi và người tiêu dùng, đồng thời tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm tham gia thị trường trong nước, cũng như vươn ra thị trường thế giới, Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa tỉnh Hà Giang (CPRP) đã hỗ trợ kinh phí để tỉnh lập hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò Vàng Hà Giang. Ngày 19/4/2019, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học & Công nghệ đã quyết định cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt bò Vàng Hà Giang, phạm vi bảo hộ của chỉ dẫn địa lý tại địa bàn 44 xã thuộc 6 huyện trong tỉnh gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì và Xín Mần.

Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh Hà Giang có 6 sản phẩm đã được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể. Đó là: Cam sành Hà Giang, chè san tuyết Hà Giang, mật ong Bạc hà Mèo Vạc, hồng không hạt Quản Bạ, Na Khê – Yên Minh và Gạo già dui Xín Mần. Trong đó 2 sản phẩm là cam sành và mật ong bạc hà đã có tem truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm được công nhận chỉ dẫn địa lý trong thời gian qua không chỉ giúp các hộ sản xuất tăng lợi nhuận mà còn giúp địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế. Hiện tỉnh đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cho thảo quả và sản phẩm cá bỗng. Dự kiến trình Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận công nhận vào năm nay. Cùng với đó, trong năm 2019, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đơn vị sản xuất kinh doanh về tầm quan trọng của chỉ dẫn địa lý. Đây là niềm tự hào, cũng là trách nhiệm đầy khó khăn, thách thức để giữ gìn, bảo tồn và quảng bá sản phẩm. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần có hoạt động quản lý và khai thác chỉ dẫn địa lý hiệu quả thông qua tuyên truyền, phổ biến, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng số lượng, chất lượng sản phẩm thịt bò Hà Giang. Ban hành các quy trình kỹ thuật từ lựa chọn giống, chăm sóc, chế biến sản phẩm để duy trì chỉ dẫn địa lý, đồng thời bảo hộ quyền lợi chính đáng cho người chăn nuôi và người tiêu dùng. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và người chăn nuôi nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ, phát triển chỉ dẫn địa lý có hiệu quả, từng bước đưa sản phẩm thịt bò Vàng trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường…

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Minh Tiến - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước đột phá, mở ra cơ hội to lớn cho người chăn nuôi; đồng thời góp phần phát triển kinh tế, bảo tồn và phát triển giống bò địa phương, từng bước đưa sản phẩm thịt bò Hà Giang trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và tiếp cận được không chỉ thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)