Thông tin giá cả thị trường số 21/2017

02:22 PM 06/06/2017 |   Lượt xem: 3471 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Hà Tĩnh: 9 tỷ đồng hỗ trợ cơ sở chăn nuôi lợn nái

Nhằm kịp thời động viên, chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho các cơ sở chăn nuôi lợn nái trên địa bàn tỉnh, Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh đã đề xuất hỗ trợ đối với các cơ sở chăn nuôi lợn nái có quy mô 300 con trở lên với tổng kinh phí dự kiến là 8.906 triệu đồng.

Đối tượng được hỗ trợ là 25 cơ sở chăn nuôi nái quy mô 300 con trở lên thuộc các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình và các công ty trách nhiệm hữu hạn quy mô nhỏ. 25 cơ sở chăn nuôi này sẽ được hỗ trợ về: tiền điện, hóa chất tiêu độc khử trùng, vắc-xin tiêm phòng dịch lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng và dịch tai xanh.

Cơ sở chăn nuôi lợn nái quy mô từ 300 con đến dưới 500 con sẽ được hỗ trợ 100% chi phí tiền điện từ tháng 5 đến tháng 10/2017 (6 tháng), tối đa không quá 240 triệu đồng/cơ sở. Cơ sở chăn nuôi lợn nái quy mô 500 con trở lên hỗ trợ 100% chi phí tiền điện từ tháng 5 đến tháng 10/2017 (6 tháng) tối đa không quá 360 triệu đồng/cơ sở.

Ngoài ra, các cơ sở được hỗ trợ hóa chất tiêu độc khử trùng từ tháng 5 đến tháng 10/2017, tối đa không quá 240 lít/cơ sở. Đối với vắc-xin tiêm phòng dịch lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng và dịch tai xanh, sẽ hỗ trợ 1 liều/cơ sở đối với mỗi loại vắc-xin.

Hình thức hỗ trợ, đối với hỗ trợ tiền điện sẽ cấp hỗ trợ qua ngân sách cấp huyện để Ủy ban Nhân dân huyện tổ chức thực hiện. Hóa chất, vắc-xin sẽ cấp qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để tổ chức thực hiện.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 37 cơ sở chăn nuôi lợn nái, với quy mô 300 con nái trở lên. Những tháng đầu năm 2017, thị trường tiêu thụ lợn thịt khó khăn, giá lợn hơi xuất chuồng giảm thấp, các cơ sở chăn nuôi lợn thịt cắt giảm quy mô hoặc không tiếp tục thả nuôi. Do đó, các cơ sở chăn nuôi lợn nái không bán được lợn giống thương phẩm, rơi vào tình trạng khó khăn, thua lỗ.

Để duy trì hoạt động, các cơ sở chăn nuôi lợn nái quy mô từ 300 con trở lên đang phải chịu lỗ từ 300 - 600 triệu đồng/tháng nên hết sức khó khăn.

Trong khi chờ chính sách hỗ trợ của Trung ương, việc tỉnh Hà Tĩnh thực hiện các chính sách hỗ trợ để kịp thời động viên, chia sẻ, góp phần giảm bớt khó khăn cho các cơ sở chăn nuôi lợn nái trên địa bàn tại thời điểm này là hết sức cần thiết.

 

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Trứng gia cầm - cung vượt cầu

Thời gian gần đây, việc tiêu thụ trứng gia cầm gặp khó khăn. Đặc biệt, ở các tỉnh phía Bắc đang ứ đọng một lượng trứng gia cầm không nhỏ. Điều này khiến người chăn nuôi lo lắng bởi từ trước đến nay, giá trứng gia cầm tương đối ổn định.

Hiện nay, tại thị trường các tỉnh miền Bắc, giá trứng vịt chỉ còn 13.000 - 15.000 đồng/chục, trong khi phải có giá bán từ 18.000 - 20.000 đồng/chục, nông dân mới không bị lỗ. Giá trứng giảm mạnh có nguyên nhân không nhỏ từ việc giá lợn hơi giảm xuống quá thấp và giá gia cầm cũng đã giảm, nhất là gà trắng. Tuy nhiên, điều mà người chăn nuôi lo sợ nhất lại là việc tiêu thụ bởi hiện nay, trứng tiêu thụ rất chậm, tồn kho nhiều.

Theo các chủ trang trại chăn nuôi, giá thịt gà và trứng gia cầm đồng loạt xuống thấp là do thời gian qua, giá thịt lợn giảm mạnh, các hộ gia đình chuyển sang ăn thịt lợn nhiều khiến thịt gà, trứng gà tồn đọng, kéo theo giá giảm đồng loạt. Các cấp ngành, địa phương tập trung giải cứu đàn lợn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thịt lợn nên bỏ quên thịt và trứng gia cầm. Việc tiêu thụ chững lại khiến một số nơi, nhất là các tỉnh khu vực phía Bắc, bị ứ đọng trứng gia cầm, người dân khó tìm đầu ra, giá giảm mạnh.

Như vậy, có thể khẳng định, lý do khiến giá trứng gia cầm giảm mạnh là do cung vượt cầu. Mọi năm, giá trứng gà chỉ giảm vào thời điểm trước và sau Tết âm lịch nửa tháng còn những tháng khác trong năm, giá thường tăng, giảm quanh mức 200 đồng/quả.

Năm nay, đàn gia cầm đẻ trứng tăng chóng mặt. Nếu trước đây, các cơ sở bán giống chỉ bán cho hộ dân với điều kiện phải mua cám của họ, nay điều kiện ràng buộc này đã bỏ. Do vậy, đàn gà đẻ tăng không kiểm soát, dẫn đến nguồn trứng gia cầm lớn, vượt so với nhu cầu.

Đồng Nai: Được mùa bắp lai

Vụ hè thu năm nay, bà con nông dân tỉnh Đồng Nai phấn khởi vì cây bắp lai (ngô) được mùa, mang lại thu nhập khá cho các hộ trồng.

Tại các xã vùng chuyên canh cây bắp lai nổi tiếng ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai như: Lang Minh, Xuân Phú, Xuân Bắc… thời điểm này, bà con đang khẩn trương thu hoạch bắp để phơi cho được nắng, kịp cân bán cho thương lái. Những chuyến xe công nông ngược xuôi chở đầy bao bắp hạt vừa thu hoạch  về sân phơi. Năng suất bắp vụ này khá cao, đạt trên 10 tấn bắp khô/héc-ta. So với trồng lúa thì cây bắp vẫn lời hơn, tính ra trồng 2 vụ lúa mới bằng 1 vụ bắp nên bà con nơi đây xác định bắp là cây trồng chính.

Đặc biệt, chính quyền địa phương luôn quan tâm, ưu tiên cho vùng trồng bắp, đảm bảo đủ nước tưới tiêu trên đồng ruộng. Huyện cũng hỗ trợ nông dân đầu tư máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. Chính vì vậy, những năm gần đây, mùa bắp thường thắng lợi, lợi nhuận tăng so với trồng lúa khiến bà con phấn khởi. Kinh nghiệm từ các xã trồng bắp trọng điểm trên địa bàn huyện cũng cho thấy, tại các chân ruộng cao, thiếu nước, bà con nên trồng bắp thay lúa. Bà con chọn giống bắp lai ở khu vực đảm bảo nguồn nước tưới. Nhờ vậy, từng vụ bà con luôn có sự chủ động trong sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện địa phương đang tiếp tục vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, chuyển đổi một số diện tích lúa chủ động tưới tiêu sang trồng bắp nhằm tăng diện tích gieo trồng và hạn chế phát triển rầy nâu vụ tiếp theo.

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

Bến Tre: Năng suất dừa giảm, bà con thất thu

Hiện nay, giá dừa khô ở tỉnh Bến Tre tăng ở mức kỷ lục, giá từ 110.000 - 120.000 đồng/12 quả, tăng gần gấp 2 lần so cùng kỳ năm ngoái. Tuy giá cao nhưng nhà vườn ở xứ dừa lại thất thu vì năng suất cây dừa giảm hơn 60% so với các năm trước. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của hạn mặn từ năm ngoái, một số diện tích vườn dừa còn bị bọ cánh cứng, đuông dừa, bọ vòi voi gây hại nên năng suất giảm.

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 70.000 héc-ta dừa, gần 70% hộ dân nông thôn có thu nhập từ cây dừa. Mặc dù thị trường đang có nhu cầu lớn nhưng sản lượng dừa năm nay giảm nên giá tăng mạnh. Nhiều hộ gia định trước đây thu hoạch mỗi tháng trên 1.000 trái/héc-ta nhưng những tháng gần đây thu hoạch chỉ hơn 200 trái, giảm nhiều so với thời điểm trước.

Sơn La: Giá mận giảm 50% so với đầu vụ

Cây mận trong vài năm gần đây đã trở thành cây mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều hộ dân tại Sơn La. Tuy nhiên, thời điểm này, giá mận đang xuống thấp, giảm một nửa so với thời điểm đầu vụ, khiến người trồng mận lo lắng. Vào đầu vụ thu hoạch, mận được bán với giá 25.000 – 30.000 đồng/kg nhưng hiện nay, giá mận chỉ còn từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.

 Hiện toàn tỉnh Sơn La có hơn 4.000 héc-ta mận với sản lượng thu hoạch ước đạt hơn 40.000 tấn quả tươi mỗi năm. Nhưng thị trường tiêu thụ mận tươi và các sản phẩm chế biến từ mận chưa nhiều. Việc xây dựng thương hiệu và chuỗi tiêu thụ sản phẩm mận phần lớn do tư thương đứng ra tiêu thụ nên giá cả thường xuyên biến động. Bên cạnh đó, thời gian thu hoạch mận chỉ khoảng một tháng nên sức mua của thị trường chưa đáp ứng được.

Thực tế cho thấy, việc hình thành cầu nối tiêu thụ, bình ổn giá cho nông dân vẫn luôn là bài toán khó của ngành nông nghiệp Sơn La không chỉ đối với quả mận mà còn nhiều loại nông sản khác như: cà phê, nhãn, xoài...

Ninh Bình: Dưa lê vùng bãi được giá

Thời điểm đầu tháng 5, nông dân các xã ven biển như: Kim Trung, Kim Hải, Kim Đông (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đã bắt đầu thu hái những lứa dưa lê đầu tiên. Năm nay, thời tiết đầu vụ thất thường nên năng suất giảm nhẹ. Tuy nhiên, giá dưa tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với vụ xuân hè năm trước nên bà con rất phấn khởi.

Thông thường như mọi năm, đầu vụ giá dưa bán được 15.000 – 20.000 đồng/kg, chính vụ giảm xuống chỉ còn 6.000 – 7.000 đồng/kg. Năm nay, dù đã vào đợt thu rộ nhưng giá dưa vẫn cao, khoảng 15.000 – 16.000 đồng/kg, xuất tại ruộng.

Vì đã có thương hiệu nên vào vụ thu hoạch dưa lê, nông dân các xã ven biển huyện Kim Sơn thu hái đến đâu có thương lái mua hết đến đó. Đặc biệt, năm nay, số lượng thương lái đến hỏi mua dưa lê nhiều hơn những năm trước, không chỉ có xe thồ mà cả xe trọng tải lớn, đến từ nhiều tỉnh, thành phố…

Thực tế trong 3 - 4 năm trở lại đây, người dân địa phương trồng dưa lê đạt năng suất khá cao, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.

Ninh Thuận: Măng tây xanh cho lãi cao

Măng tây xanh là một trong những nông sản đặc thù ở tỉnh Ninh Thuận. Thời gian gần đây, mặt hàng này được tiêu thụ mạnh, người trồng thu lãi khá.

Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có khoảng 250 héc-ta măng tây xanh, năng suất bình quân đạt 12 - 14 tấn/héc-ta/năm nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Hiện măng tây xanh được thương lái thu mua tại chỗ khoảng 50.000 - 55.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng lãi trên dưới 450 triệu đồng/héc-ta/năm, gấp 4 lần so với các loại hoa màu khác.

Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, khí hậu khô hạn của Ninh Thuận rất thích hợp cho cây măng tây xanh phát triển. Vì vậy, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đang tiến hành quy hoạch, khuyến khích nông dân tham gia dự án trồng măng tây xanh công nghệ cao trên diện tích 200 héc-ta tại xã An Hải, huyện Ninh Phước.

LƯU Ý - CẢNH BÁO

Lâm Đồng: Đua nhau trồng chanh dây, nông dân thua lỗ

Chanh dây là loại cây trồng mới, thu hút nhiều nông dân đầu tư trồng bởi thời gian canh tác ngắn nên nhanh thu hồi vốn. Thấy lợi trước mắt, nhiều hộ nông dân ở Lâm Đồng đã chặt bỏ cây cà phê để thay thế bằng cây chanh dây. Diện tích trồng chanh dây ở địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong những năm gần đây tăng liên tục.

Sau nhiều tháng giá chanh dây giữ ở mức ổn định từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, trong những ngày gần đây, giá chanh dây đột ngột giảm mạnh, hiện chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng/kg. Chanh dây giảm giá khiến nông dân bị thua lỗ, khốn đốn. Bên cạnh đó, vì chỉ thấy lợi trước mắt, nông dân đua nhau trồng quá nhiều chanh dây, khiến cung vượt cầu. Nhiều nông dân không có kinh nghiệm trồng chanh dây, không được kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn nên bị sâu bệnh hoành hành, trái không to, giá thu mua bị kéo xuống thấp. Đặc biệt, chanh dây phải thu hoạch ngay khi trái chín, nên người nông dân trồng chanh dây không thể chần chừ đợi giá tăng cao mới thu hoạch để bán.

Trong khi đó, chanh dây không có đầu ra ổn định. Hầu hết là do thương lái Trung Quốc thu mua thông qua trung gian, nên họ dễ dàng thao túng, ép giá. Người nông dân thụ động trong việc tìm kiếm đầu ra, không có sự liên kết với công ty thu mua hay cơ sở chế biến nào. Thương lái đến từng nhà thu mua chanh dây, giá cả hoàn toàn do họ chi phối.

Để khắc phục tình trạng này, chính quyền và ngành nông nghiệp các địa phương cần phổ biến cho nông dân rõ là cây chanh dây chưa nằm trong diện quy hoạch của tỉnh. Vì vậy, bà con nông dân không nên trồng chanh dây tự phát để tránh những rủi ro không đáng có. Tỉnh cũng cần khuyến cáo người dân về việc chặt bỏ nhiều héc-ta cà phê khiến mất cân bằng cây công nghiệp ở địa phương, đồng thời định hướng rõ ràng cho việc trồng loại cây mới ở địa phương, tìm đầu ra ổn định và hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con.  

Phú Yên: Mưa kéo dài, diêm dân trắng tay

Chưa năm nào diêm dân ở thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) khốn khó như năm nay. Do mưa kéo dài, ruộng muối lênh láng nước ngọt nên đến nay, diêm dân chưa thu được hột muối nào.

Ruộng muối Lệ Uyên (xã Xuân Phương), rộng trên 146 héc-ta, trung bình 1 tháng diêm dân làm ra hàng trăm tấn muối. Tuy nhiên, vụ muối năm nay, đã bước qua tháng 5, mà diêm dân vẫn chưa làm ra được muối để bán. Nguyên nhân là do mưa rải rác kéo dài nhiều tháng qua làm ruộng muối ngập nước ngọt lênh láng, trong ruộng lại sinh ra nhiều rong nhớt, rong giẻ nên phải tốn nhiều công mới cải tạo xong. Dự kiến, nếu nắng gắt trở lại thì phải ít nhất hơn nửa tháng nữa diêm dân mới lấy nước biển vào làm muối đầu vụ được.

Tại vùng muối sản xuất muối Tuyết Diêm (xã Xuân Bình) cũng rơi vào cảnh tương tự. Đến nay, diêm dân vẫn chưa có muối thu hoạch dù đã vào vụ sản xuất muối 5 tháng. Hằng năm, cứ vào tháng Giêng là diêm dân xã Xuân Bình bắt đầu khởi động vụ muối mới bằng cách cuốc lên rồi đầm đất bằng phẳng. Ruộng chứa nước mặn cũng đã được gia cố bờ bao để chuẩn bị kết tinh lứa muối đầu tiên. Tuy nhiên, do mưa liên tiếp, bà con không thể lấy nước mặn vào ruộng vì mưa làm độ mặn của nước giảm xuống, muối không thể kết tinh. Có nơi, diêm dân đã hoàn thành công đoạn cải tạo đất, cho nước mặn lên ruộng, nhưng gặp phải mưa trái mùa đành phải xả nước bỏ và mọi công sức, chi phí đầu tư coi như “muối bỏ bể”.

HÀNG VIỆT

Sơn la: Xoài Yên Châu xuất khẩu sang Australia

Mới đây, 6 tấn xoài Yên Châu đã được Công TNHH Agricare Việt Nam phối hợp cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La thu mua để tiến hành các thủ tục xuất khẩu sang thị trường Australia. Để có được tin vui này là cả quá trình nỗ lực của chính quyền và bà con trong việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Nỗ lực xây dựng thương hiệu

Đã từ lâu, xoài là cây trồng quen thuộc với người dân huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Hiện nay, huyện Yên Châu có 767 héc-ta xoài, trong đó 389 héc-ta đã cho thu hoạch với sản lượng bình quân trên 2.000 tấn quả/năm. Xoài được trồng tập trung ở các xã dọc Quốc lộ 6, gồm: Tú Nang, Chiềng Hặc, Viêng Lán, Sặp Vạt, Chiềng Pằn, Chiềng Sàng, Chiềng Đông. Nhờ vị thơm ngọt đặc biệt, hiện nay, xoài Yên Châu được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy vậy, giống như nhiều loại nông sản khác, xoài Yên Châu cũng từng có thời gian giá cả bấp bênh, được mùa, mất giá.

Xác định nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng giúp sản phẩm tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nhiều năm gần đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức hàng chục lớp tập huấn tự nguyện cho nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây xoài. Đồng thời, phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả Hà Nội xây dựng mô hình ghép cải tạo xoài địa phương, quy mô 1 héc-ta; 1 mô hình thâm canh vườn xoài rộng 1 héc-ta gồm 400 cây; mô hình thâm canh vườn xoài đã được ghép cải tạo rộng 2,5 héc-ta... Bên cạnh đó, một diện tích đáng kể xoài Yên Châu cũng được trồng thử nghiệm theo tiêu chuẩn VietGAP. Huyện Yên Châu cũng nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xoài và đến tháng 5/2016, sản phẩm xoài Yên Châu đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Từ khi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, xoài Yên Châu ngày được người tiêu dùng trong nước biết đến và ưa chuộng. Không chỉ được tiêu thụ tại Sơn La, xoài Yên Châu còn được tiêu thụ tại nhiều địa phương khác trên cả nước, nhất là tại các tỉnh miền Bắc.

Vươn ra xuất khẩu

Không chỉ được tiêu thụ trong nước, tin vui tiếp tục đến với xoài Yên Châu khi vào đầu tháng 5 vừa qua, hơn 1 tấn xoài da xanh của huyện Yên Châu đã được chuyển về Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội để tiến hành chiếu xạ, lập bản đồ gen gửi sang các cơ quan chức năng Autraslia xem xét và kiểm định. Đến giữa tháng 5/2017, Công TNHH Agricare Việt Nam tiếp tục phối hợp cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thu mua 5 tấn xoài da xanh tại xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu để tiến hành các thủ tục xuất khẩu sang thị trường Australia. Loại xoài mà doanh nghiệp sẽ thu mua tại Sơn La là xoài xanh, thuộc các giống lai như GL3; GL4, xoài Thái Lan, kích cỡ trung bình từ 7 - 9 lạng/quả.

Việc được Australia cấp phép nhập khẩu là tin vui đặc biệt với xoài Yên Châu bởi Australia nổi tiếng là thị trường có đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, Australia là quốc gia sẵn sàng trả giá cao để có được các sản phẩm chất lượng. Vào được Australia, xoài Yên Châu sẽ có cơ hội đến nhiều thị trường khác. Xoài được các doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu cũng có giá cao hơn thị trường tự do từ 10 - 20%. Thực tế, toàn bộ số xoài được huyện thu mua để làm mẫu kiểm định xuất khẩu vừa qua đều được mua với giá 25.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá cao so với những năm trước. Cho nên, nếu được cấp phép xuất khẩu chính thức, xoài Yên Châu sẽ có giá trị cao hơn nữa trong tương lai.

Với trên 4.000 héc-ta, Sơn La hiện là tỉnh có diện tích xoài rất lớn, trong đó có nhiều vùng trồng tập trung, đã được triển khai theo quy trình VietGAP với diện tích hàng trăm héc-ta. Đây là điều kiện rất thuận lợi để thực hiện cấp mã số vùng trồng xoài phục vụ xuất khẩu. Ngoài Yên Châu, thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ và hướng dẫn tỉnh Sơn La xây dựng và cấp mã số cho vùng trồng xoài tại huyện Mai Sơn.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Mua hạt giống trôi nổi: Nhiều rủi ro

Thay vì thu hái, rồi để giống như trước kia, giờ đây, thóc giống, hạt rau củ quả giống được bán khá phổ biến, đa dạng các chủng loại. Tại các chợ vùng cao, các loại giống đóng gói sẵn cũng được rất nhiều đồng bào dân tộc tìm mua.

Đa dạng sản phẩm hạt giống

Tại chợ phiên huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Từ đầu chợ đến cuối chợ, đếm sơ sơ cũng có tới gần chục hàng bán hạt giống do Việt Nam và Trung Quốc sản xuất. Trong đó, giống do Trung Quốc sản xuất chiếm số lượng lớn.

Hỏi chuyện ông Min Phà Dù khi ông đang chọn mua thóc giống về gieo vụ hè thu, ông cho biết: Bà con ở xã Túng Sáng nơi ông sinh sống, mấy năm nay đều mua thóc giống về để trồng cấy. Chọn giống nào là do bà con tự mách nhau thôi. Vụ này trồng tốt thì vụ sau lại mua loại đó về trồng…

Người đi chợ ngày một đông, cả đống túi hạt giống cao ngất ngưởng nhanh chóng được chọn mua gần hết. Giá mỗi túi giao động từ 120.000 – 160.000 đồng/kg. Bên cạnh những túi hạt giống do Việt Nam sản xuất, hạt giống của Trung Quốc cũng được bà con chọn mua khá nhiều. Tuy nhiên, điều đáng lo là, ngoài những túi hạt giống Trung Quốc không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, hướng dẫn cách thức sử dụng - nhiều gói hạt giống in hoàn toàn chữ Trung Quốc. Hỏi bà con đang chọn mua là có biết chữ trên bao bì viết gì không, bà con đều lắc đầu. “Thế không biết chữ, không hiểu họ viết gì, thì về sử dụng ra sao?”. “Cứ gieo như bình thường thôi”. “Đã khi nào thóc trồng rồi, lúc thu hoạch lại không cho nhiều hạt không?”. “Có chứ, có vụ thu được ít lắm”… Nghe mà không khỏi ái ngại vì cách thức sản xuất đầy may – rủi của bà con.

Cách chợ phiên Hoàng Su Phì không xa, Chi nhánh Công ty Cổ phần vật tư nông lâm nghiệp Hà Giang tại thị trấn Hoàng Su Phì cũng có nhiều bà con đến mua bán nhân dịp đi chợ phiên. Nhân viên bán hàng tại đây cho biết: 100% giống được bán tại cửa hàng đều là giống của Việt Nam và các loại giống nhập khẩu từ Trung Quốc. Bao gồm: giống lúa Nhị ưu 838, Việt lai 20, Thiên ưu...; dòng ngô lai NK, NVL 885. Trong đó, giống của Trung Quốc đều đã qua khảo nghiệm, cam kết có chất lượng đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn… Mỗi ki-lô-gam giống đều được đóng gói cẩn thận, in kèm nhãn bằng tiếng Việt để bà con dễ dàng sử dụng. Nhiều bà con dân tộc đã là khách quen của chi nhánh nhiều năm nay. “Mua 1 lần thấy tốt, lần sau lại mua. Mua cả lúa cả ngô, cả phân bón nữa” – vừa nhanh nhẹn buộc gần chục ki-lô-gam giống vào sau xe, anh Thào Seo Chính vừa cho biết.

Nói “không” với hạt giống trôi nổi

Rõ ràng, thị trường hạt giống đóng gói đang ngày càng phát triển. Ngay cả đồng bào vùng sâu, vùng xa cũng không xa lạ với các loại giống này. Và việc tự ý mua giống mà không để ý đến xuất xứ, kết quả thu hoạch phụ thuộc vào may – rủi cũng đang là thực tế khá phổ biến ở nhiều bản làng vùng cao. Câu chuyện chanh dây, ớt, bí trồng không ra quả thời gian vừa qua là những ví dụ điển hình.

Theo nhân viên Chi nhánh Công ty Cổ phần vật tư nông lâm nghiệp Hà Giang tại thị trấn Hoàng Su Phì, bên cạnh một số ít bà con không hiểu biết nên gặp giống gì mua giống đó, nhiều bà con vì ham rẻ mà sẵn sàng mua giống rao bán trôi nổi. Mặc dù cán bộ nông nghiệp huyện, xã và nhân viên bán hàng của công ty thường xuyên khuyến cáo bà con nên mua các loại giống nhập khẩu được bán bởi các công ty có uy tín để đảm bảo cây sinh trưởng tốt nhưng nhiều bà con vẫn chủ quan, gặp đâu mua đấy. Nếu may mắn kết quả thu hoạch tốt thì không sao; không may cây sinh trưởng chậm, năng suất thấp… thì chỉ khổ bà con, vì khi đó không biết kêu ai.

Thực tế, tại các phiên chợ vùng cao, đội quản lý thị trường của các huyện đi kiểm tra khá thường xuyên, các trường hợp bán hạt giống không có nhãn phụ đều bị xử lý bằng cách thu hồi, cảnh cáo. Tuy nhiên, vì hám lợi, nhiều người bán hàng vẫn lén lút bán các loại hạt giống không đảm bảo quy định.

Để hạn chế những rủi ro, bà con không nên mua các sản phẩm không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có tên đơn vị nhập khẩu và cách hướng dẫn sử dụng. Bởi đây thực chất là các sản phẩm nhập lậu, trôi nổi, chưa đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng. Sử dụng những loại hạt giống này, nguy cơ mất mùa, năng suất thấp là hoàn toàn có thể xảy ra.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)