Thông tin giá cả thị trường số 17/2019

10:59 AM 02/05/2019 |   Lượt xem: 4435 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Trái cây xuất sang Trung Quốc:

Phải dung bao bì theo quy định mới

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã có công văn gửi Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Rau quả Việt Nam về thời hạn áp dụng quản lý truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu của Trung Quốc.

Về quản lý truy xuất nguồn gốc

Theo đó, bắt đầu từ 1/1/2019, các loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho Hải quan Trung Quốc. Có 3 điểm cần chú ý trong việc quản lý truy xuất nguồn gốc của Hải quan Trung Quốc. Điểm đầu tiên là dưa hấu Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể sử dụng cách dán tem có mã truy xuất nguồn gốc lên trái dưa hoặc đóng dưa bằng bao bì thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc.

Điểm thứ hai là doanh nghiệp xuất khẩu chủ động lựa chọn sử dụng bao bì thùng giấy hoặc tem nhãn dán lên trái cây; chủ động chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Hiện đã có 41 doanh nghiệp xuất khẩu ký hợp đồng với Tập đoàn Trung Kiểm (CCIC) là đơn vị có năng lực cung cấp lượng lớn tem nhãn cho doanh nghiệp.

Điểm thứ ba là từ 1/5/2019, Hải quan Trung Quốc sẽ thực hiện thêm một số quy định mới đối với một số loại trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể: Ðối với dưa hấu: Không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan, yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái. Đối với mít: Yêu cầu dùng giấy dai Kraft để bọc hoặc dùng bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc. Đối với chuối: Yêu cầu bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc (đều phải in mã và thông tin truy xuất nguồn gốc).

Về tiêu chuẩn chất lượng

Về tiêu chuẩn chất lượng, theo thông lệ quốc tế và tương tự như các thị trường nhập khẩu khác, Trung Quốc cũng có những quy định chi tiết về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung, nông sản và trái cây nói riêng, bao gồm cả dưa hấu. Các lô hàng nông sản, trái cây khi nhập khẩu vào Trung Quốc cũng cần có chứng thư kiểm nghiệm, kiểm dịch do cơ quan quản lý nước xuất khẩu cấp theo mẫu và theo thỏa thuận với phía Trung Quốc.

Liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc, kể từ giữa năm 2018, Trung Quốc đã tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu nói chung và dưa hấu nói riêng thông qua các quy định yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc tiến hành đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại cơ quan Hải quan Trung Quốc và dán tem nhãn này trên các sản phẩm/bao bì trái cây nhập khẩu. Thông tin trên tem nhãn bao gồm thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói… danh sách vườn trồng, doanh nghiệp đóng gói phải được cơ quan quản lý nước xuất khẩu thông báo chính thức cho phía Trung Quốc.

Bộ Công Thương cho biết, đây không phải là quy định mới mà là các quy định đã có từ trước, phù hợp với thông lệ quốc tế, trước đây thực hiện chưa nghiêm. Nhưng nay, trước nhu cầu của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã lưu ý và thực hiện nghiêm túc hơn.

Được biết, các quy định tương tự như của Trung Quốc cũng đã và đang được nhiều nước, trong đó có Việt Nam áp dụng. Tuy nhiên, nhiều thương nhân xuất khẩu nông sản, trái cây Việt Nam (bao gồm cả bạn hàng của họ là các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc) chưa có sự quan tâm đầy đủ để thực hiện.

Để giảm thiểu rủi ro và bảo đảm xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương khuyến nghị các thương nhân sản xuất, xuất khẩu nông sản, trái cây nói chung, dưa hấu nói riêng, chủ động phối hợp với các nhà nhập khẩu Trung Quốc nghiên cứu và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc.

Hiện có 8 loại trái cây của nước ta được phép xuất khẩu vào Trung Quốc là: Thanh long, xoài, chôm chôm, mít, chuối, vải, nhãn và dưa hấu. Đối với dưa hấu, nhãn mác có thể hiện vùng trồng, cơ sở đóng gói phải dán trên từng quả; các loại trái cây khác nhãn mác dán trên thùng đựng.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Vĩnh Long: 1,5 tấn xoài xuất khẩu sang Mỹ

Ngày 19/4/2019, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Vĩnh Long tổ chức lễ công bố lô hàng trái xoài đầu tiên của tỉnh được xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

1,5 tấn xoài đầu tiên này được HTX Xoài cát núm Trung Chánh và HTX Xoài Quới An (Vũng Liêm) thu hoạch và được Công ty TNHH TM DV xuất nhập khẩu Vina T&T (TP. Hồ Chí Minh) thu mua, đóng gói. Giá mua của công ty cao hơn 15% so với thị trường.

Xoài là loại quả tươi thứ 6 của nước ta được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Xâm nhập được vào thị trường này cho thấy, nông sản Vĩnh Long đã đạt được nhiều tiêu chuẩn đặt ra, ngày càng được công nhận về chất lượng, thương hiệu. Đưa xoài vào thị trường khó tính là tín hiệu vui cho nông sản Vĩnh Long, song đòi hỏi người nông dân phải nâng cao ý thức sản xuất an toàn, uy tín, bền vững, lâu dài; thực hiện theo đúng các cam kết với doanh nghiệp về cách sản xuất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Từ đó, tạo tiền đề để mở rộng xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng nông sản khác.

Vĩnh Long hiện có 5.000 héc-ta xoài. Thời gian qua, ngành hàng xoài cũng được xem là nhóm cây có lợi thế, tiềm năng cao trong đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Vì vậy, Vĩnh Long đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ bằng nhiều chương trình dự án, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, bao trái, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, cấp mã vùng trồng. Đến nay, Vĩnh Long có 2 vùng được cấp mã code, 3 hợp tác xã được chứng nhận VietGAP và nhiều tổ hợp tác được tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn. Những năm qua, bà con nông dân trồng xoài đã quen dần với cách canh tác theo hướng VietGAP, an toàn sinh học. Sau xoài, cây nhãn cũng là một trong những tiềm năng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài khó tính với diện tích hơn 7.000 héc-ta, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Điện Biên: Liên kết trồng mắc ca

Quài Cang là một xã miền núi thuộc huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Trong 2 năm qua, xã đã thực hiện thành công chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, phát triển bền vững.

Đặc biệt, Quài Cang đã phối hợp với Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả trên nương, những nơi đất trống, đồi trọc sang trồng cây mắc ca. Hiện nay, loại cây này đang phát triển tốt, giúp phủ xanh đất trống, đồi trọc. Theo hợp đồng cam kết giữa Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên và hộ dân, nông dân góp đất, doanh nghiệp đầu tư cây giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc, công làm cỏ. Theo đó, 1 héc-ta đất được trả 1 triệu đồng/năm, doanh nghiệp sẽ trả trong 5 năm. Khi thu hoạch mắc ca, người dân góp đất được hưởng 15% lợi nhuận sản phẩm. Người dân góp đất được ưu tiên tuyển dụng làm công nhân, hoặc làm thuê theo thời vụ trong việc làm cỏ, bón phân, bảo vệ mắc ca cho công ty. Hơn 1 năm qua, toàn xã trồng được 800 héc-ta mắc ca, tập trung tại các bản: Phủ, Phung, Kệt, Sái, Cá... Bà con tham gia góp đất với doanh nghiệp trồng cây mắc ca góp phần phủ xanh đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái lại được chia lợi nhuận khi thu hoạch. Ngoài ra, các hộ gia đình sẽ được chi trả dịch vụ môi trường rừng khi cây mắc ca phát triển cao, có độ che phủ như rừng.

Mô hình hợp tác đầu tư giữa nhà nông với doanh nghiệp nhằm chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng mắc ca bước đầu đã thu được kết quả tốt. Vì vậy, hiện Quài Cang đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con học cách làm hay, mô hình mới hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Hậu Giang: Gừng giống giá cao

Do bắt đầu vào vụ trồng mới nên những ngày qua, nhiều hộ dân trồng gừng củ ở địa bàn huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đặt mua gừng giống qua thương lái với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Người dân trồng gừng cho biết với mức giá này, cao hơn từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận gấp đôi so với người bán gừng non.

Thời gian qua, giá gừng luôn ở mức cao cùng với đầu ra thuận lợi nên nhiều hộ dân đã mở rộng diện tích trồng. Ưu điểm của trồng gừng củ là khâu chăm sóc đơn giản, chi phí thấp. Nếu giá ổn định thì mỗi héc-ta gừng sau thu hoạch, bà con thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Lào Cai: Giá dứa cuối vụ tăng trở lại

Cuối tháng 4, sau thời gian dài mất giá, giá dứa bắt đầu tăng trở lại. Tuy nhiên, dứa đã vào cuối vụ, chỉ còn khoảng 10% tổng sản lượng dứa đang chờ được thu hoạch. Theo thống kê sơ bộ, diện tích dứa của tỉnh Lào Cai là hơn 1.100 héc-ta, trong đó khoảng 1.000 héc-ta cho thu hoạch với tổng sản lượng đạt trên 30.000 tấn.

Dứa bắt đầu cho thu hoạch từ đầu năm 2019 và thu hoạch rộ trong tháng 3. Tuy nhiên, dứa năm nay mất giá do thị trường tiêu thụ lớn nhất là phía Trung Quốc ngừng thu mua. Giá dứa chỉ đạt khoảng 2.000 đồng/kg, thậm chí nhiều diện tích bỏ không do không có thương lái đến thu mua. Trung tuần tháng 4, khi dứa đã vào cuối vụ, các thương lái Trung Quốc và các tỉnh khác mua hàng trở lại, giá dứa tăng nhanh. Hiện nay, giá dứa bán cho các thương lái đạt 4.000 đồng/kg, giá bán lẻ đạt 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, dứa tại Mường Khương, nơi có sản lượng dứa lớn nhất tỉnh đã vào cuối vụ, hiện chỉ còn khoảng 10% dứa chờ thu hoạch. Các địa phương khác có thời vụ thu hoạch dứa muộn hơn cũng chỉ còn khoảng 20 - 30% tổng sản lượng.

Hỗ trợ thu mua hơn 8 tấn lợn thịt

Nhằm giúp người nuôi lợn bớt khó khăn, thiệt hại do giá thịt lợn giảm, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Tỉnh đoàn Điện Biên tổ chức hỗ trợ thu mua lợn hưởng ứng chương trình “giải cứu đàn lợn” cho người chăn nuôi.

Với số tiền gần 600 triệu đồng do Công đoàn Ngân hàng Bưu điện Liên Việt toàn hệ thống hỗ trợ, trong 2 ngày (25 - 26/5), Ngân hàng sẽ thu mua cho gần 20 hộ nuôi lợn trên địa bàn huyện Điện Biên với số lượng khoảng 8,3 tấn lợn hơi và 60 con lợn giống với giá thu mua 45.000 đồng/kg lợn hơi và 1,2 triệu đồng/con lợn giống. Số lợn thu mua sẽ được giết thịt hoặc tặng nguyên con cho 3 đồn biên phòng: Pa Thơm, Thanh Luông và Tây Trang; Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, 130 hộ nghèo xã Thanh Nưa và trên 360 hộ dân thuộc 7 xã: Sam Mứn, Pom Lót, Noong Hẹt, Noong Luống, Thanh Yên, Thanh Chăn và Thanh Xương.

Nghệ An: Dưa lê thất thu

Đang vào mùa thu hoạch nhưng hàng chục hộ dân trồng dưa lê ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đứng, ngồi không yên bởi nhiều diện tích dưa bị sâu bệnh, quả thối. Dưa hỏng nên người không ăn được, người trồng đành bán cho các hộ nuôi dê với giá 20.000 đồng/10 kg. Với giá này, 1 sào dưa bà con chỉ thu được chừng 1 triệu đồng. Theo các hộ trồng dưa, nếu không bị hư hỏng thì mỗi sào sẽ cho thu hoạch 9 tạ dưa, bán ra được hơn 10 triệu đồng; sau khi trừ chi phí thu lời khoảng 7 triệu đồng. Tuy nhiên, với tình trạng trên, các hộ trồng dưa chưa bù được chi phí bỏ ra.

Diễn Kỷ là xã có truyền thống dưa lê của huyện Diễn Châu. Trong vụ xuân này, toàn xã có 10 héc-ta dưa, trong đó diện tích dưa hỏng chiếm tới 70%.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Trồng tiêu hữu cơ ở Quảng Trị: Hiệu quả khi doanh nghiệp vào cuộc

Bước vào vụ hồ tiêu năm 2019, những hạt hồ tiêu hữu cơ cay nồng trải qua nhiều quy trình sàng lọc nghiêm ngặt, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập, giá cả ổn định cho người dân xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Năm 2018, 18,2 tấn hồ tiêu hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu và Hoa Kỳ được người dân xã Gio An bán cho Công ty Organics More Co.,Ltd để xuất ngoại. Đây là sản phẩm của mô hình trồng hồ tiêu hữu cơ, ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ.

Thời gian qua, Công ty Organics More Co.,Ltd và UBND xã Gio An đã tiến hành thực hiện thí điểm sản xuất và quản lý sản xuất hồ tiêu theo phương pháp hữu cơ tại 134/900 hộ trồng hồ tiêu của xã với tổng diện tích 64 héc-ta. Sau thời gian tập huấn, đánh giá lại, có 62,6 héc-ta được đưa vào quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ… Ngoài xã Gio An, hiện Công ty Organics More Co.,Ltd đang thực hiện việc khảo sát trên diện tích 40 héc-ta (100 hộ trồng hồ tiêu) ở xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Linh) để sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Dự kiến sau 3 năm, nếu tuân thủ đảm bảo các quy trình kỹ thuật, các hộ dân trồng hồ tiêu xã Vĩnh Hòa sẽ có sản phẩm hồ tiêu hữu cơ để xuất bán.

Các hộ dân tham gia sản xuất hồ tiêu hữu cơ phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, khắt khe. Đồng thời được tập huấn, hướng dẫn việc tuân thủ các quy trình như: Không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, các chất biến đổi gien; không sử dụng dụng cụ, bình phun từ canh tác truyền thống cho canh tác hữu cơ; tất cả nông dân phải lưu ý giữ nguyên liệu đầu vào của vườn nhà... Trước khi thu mua, Công ty Organics More Co.,Ltd trực tiếp hướng dẫn, tập huấn cho các hộ nông dân cách phân loại, đóng gói hồ tiêu. Sản phẩm hồ tiêu hữu cơ khi đóng gói phải đảm bảo tuyệt đối an toàn từ các nguy cơ bên ngoài như nhiễm hóa chất từ bao bì đựng hồ tiêu; nhiễm qua tay người thu hái; nhiễm từ các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của người trực tiếp thu hái, đóng gói…

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Phân biệt nồi cơm điện thật – giả

Nhu cầu sử dụng nồi cơm điện tại các khu vực miền núi ngày càng tăng. Tuy nhiên, khi mua hàng, bà con nên lưu ý một số điểm sau để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Phân biệt thông qua tem chống hàng giả và giấy bảo hành

Hiện nay không riêng gì nồi cơm điện mà tất cả các hãng điện tử trên thị trường đều đi kèm với tem chống hàng giả, còn ngược lại những sản phẩm giả, nhái sẽ không có tem chống hàng giả hoặc có thì tem đó cũng bị mờ. Bà con lưu ý, tem dán được dán trên thân của sản phẩm và trên phiếu bảo trì, số seri của 2 vị trí này sẽ trùng với nhau nếu là cùng một sản phẩm. Hơn nữa, hàng giả thường sờ không có cảm giác thật.

Đối với những nồi cơm điện hàng thật sẽ có đầy đủ phụ kiện đi kèm như: Tem bảo hành, thông số kỹ thuật, xuất xứ, phiếu bảo hành, tem năng lượng, sách hướng dẫn, màu sắc mẫu mã bên trong bên ngoài, những chữ trên nồi cơm… Đối với nồi cơm điện hàng giả thì một vài thứ không có như hàng thật, mà hơn nữa những dòng chữ ghi ở nồi cơm sẽ bằng tiếng Trung, tiếng Anh hoặc là nửa Trung, nửa Anh, nửa Việt.

Phân biệt qua hình thức bên ngoài

Bà con cần xem xét kỹ hình thức bên ngoài nồi cơm điện. Thông thường ở hàng thật vỏ hộp giấy đựng và thang ghi trong ruột sẽ có dòng chữ 10 cốc (cups) gạo, còn hàng giả thì ghi ở vỏ sẽ là 17 cốc (cups) gạo còn bên trong sẽ ghi là 10 cốc gạo.

Hàng thật thì hình trên vỏ hộp và nồi đựng bên trong sẽ giống nhau, còn nếu là hàng giả thì vỏ hộp 1 màu và khi mở ra bên trong sẽ có màu khác.

Để ý thêm một chút bên trong, đối với hàng thật, ruột nồi cơm sẽ có một lớp chống dính trơn còn nếu là hàng giả, ruột nồi khi sờ vào sẽ sần sần và lớp sơn sẽ thô và xấu hơn.

Lưu ý, hầu hết các nồi cơm chính hãng sẽ có dòng chữ ghi hãng sản xuất, bên trên thân nồi còn có chứng nhận và dán tem hạn bảo hành và đặc biệt có ghi rõ ngày sản xuất, nơi sản xuất và có những tính năng mà nhà sản xuất cung cấp.

HÀNG VIỆT

Xây dựng thương hiệu nho Ninh Thuận

Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2019 được tổ chức từ ngày 26/4 đến 2/5/2019 nhằm quảng bá hình ảnh quê hương, con người cũng như sản phẩm đặc thù từ trái nho và rượu vang nho của vùng đất đầy nắng và gió.

Từ lâu, cây nho đã trở thành một trong những cây ăn quả chủ lực, đặc thù, có lợi thế so sánh của tỉnh Ninh Thuận. Không chỉ góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, cây nho còn góp phần quảng bá hình ảnh Ninh Thuận đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Để tôn vinh cây nho, tạo dựng cơ hội giao thương và giới thiệu sản phẩm du lịch độc đáo của vùng đất đầy nắng gió, từ năm 2014, Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận được tổ chức hằng năm. Đến với lễ hội, du khách được trải nghiệm vườn nho, hái nho, ăn nho và khám phá quy trình làm ra những thức uống từ nho... Năm nay, Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận tiếp tục tôn vinh những người nông dân có ý chí bền bỉ, tinh thần chịu thương chịu khó đã gắn bó với nghề trồng nho; miệt mài nghiên cứu, lao động để tạo ra những sản phẩm từ nho, đảm bảo chất lượng, mang thương hiệu của quê hương ra thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, lễ hội cũng là cơ hội để người trồng, chế biến sản phẩm từ nho ở Ninh Thuận gặp gỡ các chuyên gia khoa học, các doanh nghiệp để trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc trồng, chế biến, cách phân biệt sản phẩm nho, vang Ninh Thuận với các loại sản phẩm nho, vang khác, qua đó từng bước xây dựng thương hiệu nho và vang Ninh Thuận.

Theo thống kê, tổng diện tích trồng nho toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 1.220 héc-ta, chủ yếu là nho đỏ và nho xanh. Cây nho tập trung chính ở Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, Phan Rang - Tháp Chàm..., với sản lượng ước đạt 31.310 tấn/năm, mang về khoảng 830 tỷ đồng. Các sản phẩm chế biến sau nho đã mở ra thêm nhiều ngành nghề, dịch vụ, du lịch, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Chính vì vậy, từ năm 2012, Ninh Thuận đã xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý giúp bảo hộ nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm nho. Trong Đề án “Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020”, cây nho vẫn được tiếp tục xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh, với tổng diện tích trồng lên đến 2.553 héc-ta, sản lượng đạt 70.000 tấn vào năm 2020.

Tuy nhiên, thực tế cũng giống như nhiều nông sản khác, thời gian qua, cây nho Ninh Thuận đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, dẫn đến lợi nhuận từ trái nho mang lại chưa tương xứng với tiềm năng. Mặc dù được thị trường biết đến nhiều hơn nhưng nho Ninh Thuận vẫn đang thiếu sức cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu cả về chất lượng lẫn hình thức, sản phẩm chế biến từ nho cũng chưa thật sự đa dạng.

Do đó, để thực hiện tốt mục tiêu đề ra, Ninh Thuận đã tiến hành khảo sát, đánh giá các khu vực đất trồng nho phù hợp để mở rộng diện tích nho trong những năm tới. Tỉnh đã quy hoạch được 3 vùng sản xuất nho chất lượng cao, tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 100 héc-ta, có cơ sở sơ chế ban đầu là phường Văn Hải, xã Nhơn Sơn và thị trấn Khánh Hải. Đồng thời, tăng cường quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, cấp phát tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc nho Ninh Thuận. Vận động, hỗ trợ các cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thật vào sản xuất, áp dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch do Viện Công nghệ sau thu hoạch Hà Nội chuyển giao. Đầu tư hệ thống làm rượu vang, si rô nho, dây chuyền sấy và kho lạnh bảo quản để nâng cao chất lượng, giá trị của trái nho Ninh Thuận.

Bên cạnh việc triển khai các giải pháp đồng bộ thúc đẩy ngành trồng nho và chế biến các sản phẩm từ nho theo hướng hiện đại, bền vững, Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển các tour du lịch đưa khách tham quan và thưởng thức các sản phẩm từ nho ngay tại vườn. Từ đó, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm từ nho cũng như mở ra hướng bán và giới thiệu tại chỗ các sản phẩm đặc thù của địa phương.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)