Thông tin giá cả thị trường số 16/2019

08:33 AM 25/04/2019 |   Lượt xem: 4361 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Tây Nam bộ: Tăng cường kết nối, lưu thông hàng hoá

Nhằm mở rộng thị trường cho sản phẩm nông sản, thủy sản, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản các tỉnh miền Tây Nam bộ vào thị trường tỉnh Quảng Ninh và Trung Quốc.

Thời gian qua, tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, việc triển khai tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết 5 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân, ngân hàng) chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Phần lớn các sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ thông qua mua bán dân gian, hợp đồng miệng là chủ yếu. Thống kê sơ bộ, chỉ khoảng 10% sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ thông qua hợp đồng bằng văn bản nên dễ xảy ra rủi ro, giá trị nông sản, thủy sản bấp bênh. Vì vậy, việc mở rộng thị trường, tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa là rất cần thiết.

Hội nghị lần này chính là diễn đàn tốt nhất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản và các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực phân phối, kinh doanh nông sản trong và ngoài nước trao đổi về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị liên quan đến sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ nông sản, thủy sản. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp chủ động và ổn định thị trường đầu ra, đồng thời nâng cao giá trị cho mặt hàng nông sản, thủy sản của các địa phương đối với thị trường trong và ngoài nước. Từ đó, phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông sản bền vững, hiệu quả. Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng, Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương cho biết: “Để tháo gỡ khó khăn tạo đầu ra ổn định, bền vững, hạn chế tình trạng bấp bênh về giá đối với một số mặt hàng nông sản Việt Nam, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại nhằm tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu, phân phối hàng hóa. Nghiên cứu xây dựng kho ngoại quan tại các nước nhập khẩu nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp”.

Qua hội nghị này, các doanh nghiệp, hợp tác xã… cũng được hướng dẫn về điều kiện, tiêu chuẩn nông sản, thủy sản xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do lãnh đạo Cục Thương vụ và Quản lý cửa khẩu thành phố Đông Hưng tỉnh Quảng Tây phổ biến. Theo Ông Trần Kiến Lâm – Thị trưởng chính quyền nhân dân TP. Đông Hưng, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), thời gian qua, thành phố Móng Cái (Việt Nam) và thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) đã thiết lập nhiều cơ chế tích cực về giao lưu hữu nghị, trao đổi thông tin và hợp tác qua biên giới. Đặc biệt với cơ chế “123” thương mại (Cơ quan thương vụ hai bên gặp nhau 1 tháng 1 lần, Cơ quan quản lý cửa khẩu hai bên 2 tháng gặp nhau 1 lần, Chính quyền hai thành phố 3 tháng gặp nhau 1 lần) hai bên có thể dễ dàng trao đổi, thúc đẩy phát triển thương mại, cùng nhau hình thành cục diện mới, hợp tác mở cửa cùng phát triển, cùng có lợi. Thành phố Đông Hưng với hệ thống chính sách ưu đãi toàn diện, cơ chế kết nối hoàn thiện, điều kiện thông quan tiện lợi đã và đang trở thành khu vực trọng tâm trong việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản của hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Hội nghị cũng chứng kiến việc ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác tiêu thụ nông sản, thủy sản giữa Sở Công thương 7 tỉnh Tây Nam bộ với UBND TP. Móng Cái (Quảng Ninh) và Biên bản giữa các tổ chức cá nhân sản xuất, chế biến nông sản thủy sản với Hiệp hội Doanh nghiệp Móng Cái.

Tây Nam bộ: Tăng cường kết nối, lưu thông hàng hoá

Nhằm mở rộng thị trường cho sản phẩm nông sản, thủy sản, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang và tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản các tỉnh miền Tây Nam bộ vào thị trường tỉnh Quảng Ninh và Trung Quốc.

Thời gian qua, tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, việc triển khai tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết 5 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân, ngân hàng) chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Phần lớn các sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ thông qua mua bán dân gian, hợp đồng miệng là chủ yếu. Thống kê sơ bộ, chỉ khoảng 10% sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ thông qua hợp đồng bằng văn bản nên dễ xảy ra rủi ro, giá trị nông sản, thủy sản bấp bênh. Vì vậy, việc mở rộng thị trường, tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa là rất cần thiết.

Hội nghị lần này chính là diễn đàn tốt nhất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản và các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực phân phối, kinh doanh nông sản trong và ngoài nước trao đổi về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị liên quan đến sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ nông sản, thủy sản. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp chủ động và ổn định thị trường đầu ra, đồng thời nâng cao giá trị cho mặt hàng nông sản, thủy sản của các địa phương đối với thị trường trong và ngoài nước. Từ đó, phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông sản bền vững, hiệu quả. Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng, Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương cho biết: “Để tháo gỡ khó khăn tạo đầu ra ổn định, bền vững, hạn chế tình trạng bấp bênh về giá đối với một số mặt hàng nông sản Việt Nam, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại nhằm tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu, phân phối hàng hóa. Nghiên cứu xây dựng kho ngoại quan tại các nước nhập khẩu nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp”.

Qua hội nghị này, các doanh nghiệp, hợp tác xã… cũng được hướng dẫn về điều kiện, tiêu chuẩn nông sản, thủy sản xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do lãnh đạo Cục Thương vụ và Quản lý cửa khẩu thành phố Đông Hưng tỉnh Quảng Tây phổ biến. Theo Ông Trần Kiến Lâm – Thị trưởng chính quyền nhân dân TP. Đông Hưng, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), thời gian qua, thành phố Móng Cái (Việt Nam) và thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) đã thiết lập nhiều cơ chế tích cực về giao lưu hữu nghị, trao đổi thông tin và hợp tác qua biên giới. Đặc biệt với cơ chế “123” thương mại (Cơ quan thương vụ hai bên gặp nhau 1 tháng 1 lần, Cơ quan quản lý cửa khẩu hai bên 2 tháng gặp nhau 1 lần, Chính quyền hai thành phố 3 tháng gặp nhau 1 lần) hai bên có thể dễ dàng trao đổi, thúc đẩy phát triển thương mại, cùng nhau hình thành cục diện mới, hợp tác mở cửa cùng phát triển, cùng có lợi. Thành phố Đông Hưng với hệ thống chính sách ưu đãi toàn diện, cơ chế kết nối hoàn thiện, điều kiện thông quan tiện lợi đã và đang trở thành khu vực trọng tâm trong việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản của hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Hội nghị cũng chứng kiến việc ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác tiêu thụ nông sản, thủy sản giữa Sở Công thương 7 tỉnh Tây Nam bộ với UBND TP. Móng Cái (Quảng Ninh) và Biên bản giữa các tổ chức cá nhân sản xuất, chế biến nông sản thủy sản với Hiệp hội Doanh nghiệp Móng Cái.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Lâm Đồng: Bà con dân tộc liên kết trồng atisô

Thời gian qua, bà con dân tộc thiểu số ở xã Đạ Sar, Đa Nhim (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã thoát nghèo nhờ trồng atisô bán cho Công ty Cổ phần Dược liệu Ladophar.

Hiện tại, trên địa bàn xã Đạ Sar có 25 hộ dân đã chuyển đổi trồng atisô với diện tích 5 héc-ta, trong đó có 11 hộ tham gia liên kết với công ty Cổ phần Dược liệu Ladophar. Các hộ gia đình đã thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng cà phê già cỗi, dịch bệnh sang trồng atisô. Sau 4 tháng, cây bắt đầu cho thu hoạch lá và được công ty bao tiêu thu mua toàn bộ. Hàng tuần, nhóm nhân viên kỹ thuật của Ladophar đều sát cánh cùng bà con kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn chăm sóc cây. Đồng thời, hỗ trợ phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch. Giá được điều chỉnh theo giá thị trường, thanh toán sòng phẳng nên bà con yên tâm trồng trọt.

Hiện nay, để đảm bảo nguồn giống sạch bệnh và nâng cao hàm lượng dược chất của atisô, Ladophar đang triển khai thử nghiệm chuyển đổi từ giống cấy mô đã thoái hóa sang loại gieo hạt. Theo đó, năm 2018, công ty đã nghiên cứu, thử nghiệm giống atisô trồng từ hạt để thay thế cho giống cây truyền thống hiện nay. Bà con nhận giống cây atisô chất lượng được Nhà nước hỗ trợ 70% giá trị cây giống, còn lại người dân tự đối ứng. Nhiều hộ gia đình sau khi tham gia dự án đã có thu nhập cao để cải thiện cuộc sống. Nhằm phát triển diện tích trồng atisô, huyện Lạc Dương khuyến khích các công ty liên kết với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thành lập tổ hợp tác, tạo việc làm cho các hộ này khi tham gia trồng dược liệu. Đó cũng là lý do khi Ladophar đã ký kết hợp tác với hai xã Đạ Sar và Đa Nhim để hình thành vùng nguyên liệu với diện tích 20 héc-ta.

Phát triển vùng nguyên liệu và chế biến các sản phẩm từ cây vả:

Tạo sinh kế bền vững cho bà con

Dự án “Bảo tồn và phát triển nguồn nguyên liệu cây vả và chế biến các sản phẩm từ quả vả, gắn với việc bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế bền vững cho người dân tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế” bắt đầu được khởi động từ tháng 4/2019.

Mục tiêu tổng thể của dự án là thông qua việc phát triển vùng nguyên liệu cây vả và chế biến các sản phẩm từ quả vả hướng tới tạo sinh kế bền vững gắn với việc bảo tồn sinh học cho 235 hộ dân đang sinh sống trong vùng đệm vườn quốc gia Bạch Mã. Ngoài ra, dự án còn bảo tồn, phục tráng số lượng cây vả hiện có trong vườn hộ và tập huấn khai thác bền vững vả trong tự nhiên cho 75 hộ. Đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm từ quả vả. Thành lập các tổ hợp tác, tạo thêm nguồn thu nhập cho các hộ, làm giảm thiểu áp lực vào vườn quốc gia Bạch Mã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học…

Thông qua các hoạt động, tiểu dự án này sẽ góp phần vào mục tiêu nâng cao sinh kế và an sinh xã hội cho cộng đồng dân cư sống tại vùng đệm vườn quốc gia Bạch Mã. Giảm nguy cơ săn bắt động vật hoang dã và khai thác trái phép tài nguyên rừng. Đồng thời, đẩy mạnh việc bảo tồn nguồn gen của cây vả trong tự nhiên và góp phần duy trì đa dạng sinh học cho khu vực vùng đệm.

Các hoạt động của dự án sẽ được triển khai trên địa bàn xã Lộc Trì, Lộc Bình, Xuân Lộc, Lộc Hòa và thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế từ tháng 4/2019 đến tháng 8/2020 với tổng kinh phí 2,25 tỷ đồng. Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Dự án Trường Sơn Xanh. Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với tổng số vốn 24 triệu đô-la Mỹ, khai thác từ năm 2016 - 2020. Đây là dự án trọng điểm về môi trường của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại khu vực Trung Trường Sơn.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Hậu Giang: Trồng dưa gang mùa nắng nóng cho lợi nhuận cao

Hiện đang là cao điểm của mùa nắng nóng nên nhiều loại nông sản giải nhiệt có xu hướng tăng giá mạnh, trong đó có dưa gang, một loại nông sản rất được ưa chuộng. Thời điểm này, thương lái thu mua dưa gang tận ruộng ở mức 4.000 - 4.500 đồng/kg, cao hơn thời điểm đầu năm khoảng 1.000 đồng/kg. Trên thực tế, dưa gang dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, năng suất cao. Theo tính toán của một số hộ gia đình trồng dưa với giá bán hiện nay, trừ hết các khoản đầu tư, mỗi hộ lãi trên dưới 10 triệu đồng/công dưa.

Giá lợn hơi ở miền Bắc tiếp tục giảm

Trung tuần tháng 4/2019, giá lợn hơi tại miền Bắc tiếp đà giảm trong khi ở khu vực miền Trung và miền Nam vẫn tương đối ổn định. Tại các tỉnh: Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang, giá dao động trong khoảng 40.000 - 41.000 đồng/kg; Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình ở mức 36.000 - 39.000 đồng/kg. Các hộ chăn nuôi lâu năm cho biết, giá giảm nhưng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tại các chợ vẫn tốt. Nguyên nhân chính khiến giá lợn hơi giảm là do người nuôi bán tháo với tâm lý lo ngại dịch có thể bùng phát trở lại.

Trong khi đó, tại miền Nam, giá lợn vẫn đứng ở mức cao so với tuần trước. Chênh lệch giá lợn giữa miền Bắc và miền Nam khoảng 10.000 đồng/kg, nhiều địa phương có giá trên 42.000 đồng/kg. Tại Đồng Nai, giá lợn hơi bán lẻ 47.000 - 48.000 đồng/kg. Các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Long An, Đồng Tháp... giá lợn hơi trong khoảng 45.000 - 49.000 đồng/kg.

Tại miền Trung, Tây Nguyên giá lợn hơi ổn định trong khoảng 40.000 - 46.000 đồng/kg.

Bình Định: Phù Cát trúng mùa đậu phụng

Những ngày này, người trồng đậu phụng ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) rất phấn khởi vì được mùa được giá. Hiện giá đậu phụng đạt 23.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với vụ Đông Xuân năm trước; năng suất đạt 3,9 tấn/héc-ta, tăng 0,8 tạ/héc-ta so vụ trước. Vụ đậu phụng Đông Xuân 2018 - 2019, nông dân Phù Cát đã sản xuất gần 3.740 héc-ta, tăng gần 300 héc-ta so với năm trước. Trong đó, có trên 1.183 héc-ta trồng đậu phụng xen mì. Đây là mô hình đạt hiệu quả kinh tế khá cao, lãi ròng bình quân hơn 80 triệu đồng/héc-ta/năm.

Đậu phụng là loại cây trồng giúp cải tạo đất, giảm chi phí phân bón, tạo nguồn thức ăn cho chăn nuôi gia súc, góp phần tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nên ngày càng có nhiều hộ đầu tư vào cây trồng này. Trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Phù Cát xác định cây đậu phụng là loại cây trồng chủ lực, huyện có kế hoạch vận động nông dân chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả như cây lúa, cây điều, hoặc một số cây trồng tiêu thụ bấp bênh như dưa hấu, ớt, sang trồng đậu phụng xen mì. Phấn đấu trong năm 2019, diện tích đậu phụng sẽ đạt 4.460 héc-ta; góp phần nâng cao cuộc sống cho nông dân.

Vĩnh Long: Giá khoai lang tím Nhật tăng nhẹ

Giá khoai lang tím Nhật tại thị trường Vĩnh Long hiện đang có chiều hướng tăng nhẹ. Hiện giá khoai sữa 300.000 đồng/tạ, khoai trắng giấy 450.000 đồng/tạ, khoai đỏ 500.000 đồng/tạ, khoai Nhật cao sản 680.000 đồng/tạ. Với mức giá này, nông dân trồng khoai lang có lợi nhuận gấp 3 lần trồng lúa vụ Hè Thu. Trước tình hình này, các chuyên gia dự báo, diện tích xuống giống khoai sẽ tăng trong vụ Hè Thu năm nay. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2019, giá khoai lang tím Nhật giảm xuống thấp, thương lái không mặn mà thu mua nên bà con nông dân lơ là khâu chăm sóc. Do vậy, năng suất khoai vụ này không cao, dẫn đến lợi nhuận thấp. Trong đó, một số hộ trồng liên tục 2 vụ khoai lang/năm nên vụ 2 năng suất rất thấp, không có lợi nhuận (do trồng trong mùa mưa bão, năng suất 30 - 35 tạ/héc-ta).

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Long An: Chanh tang giá gấp 4 lần

Do thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhu cầu sử dụng các loại trái cây giải nhiệt tăng cao, đặc biệt là chanh. Hiện nay, chanh không hạt được thương lái thu mua tại vườn với giá từ 22.000 - 24.500 đồng/kg, tăng gấp 4 lần so với chính vụ.

Toàn huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An hiện có 343,2 héc-ta chanh, tăng 26,3 héc-ta so với năm 2018. Hầu hết diện tích chanh đều trong giai đoạn thu hoạch, năng suất bình quân từ 18 - 20 tấn/héc-ta/năm. Những năm gần đây, chanh được xem là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Nhờ lợi nhuận từ cây chanh mà đời sống của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, phần lớn người trồng vẫn canh tác theo kiểu truyền thống nên đầu ra của chanh chưa ổn định. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và chính quyền địa phương luôn tích cực tuyên truyền, vận động người trồng chanh thành lập, tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã và thay đổi phương thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Những diện tích trồng chanh theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đều được các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Những năm gần đây, chanh là một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận thu được hàng năm từ 100 - 300 triệu đồng/héc-ta. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu và nắm rõ quy trình cũng như kỹ thuật trồng chanh trước khi tiến hành chuyển đổi. Nhằm hỗ trợ bà con, thời gian tới, Thạnh Hóa sẽ phối hợp ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân về quy trình và kỹ thuật trồng chanh, đặc biệt là chanh không hạt. Tiếp tục làm cầu nối để nông dân và doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, hướng đến xây dựng vùng chanh nguyên liệu, thu mua theo hướng ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Chính thức loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa glyphosate

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký quyết định loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất glyphosate khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, hoạt chất này được sử dụng rộng rãi trên thế giới vì tác dụng diệt cỏ hiệu quả cao. Việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất glyphosate ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật hiện hành, hài hòa với quy định quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tiễn và điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam. Trước khi loại bỏ khỏi danh mục hoạt chất glyphosate, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các giải pháp tổng thể để không ảnh hưởng đến sản xuất của người nông dân và việc tăng năng suất cây trồng. Sau khi cấm glyphosate sẽ có 54 hoạt chất trừ cỏ hiệu quả và an toàn thay thế.

Từ năm 1994, glyphosate đã được đăng ký vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam. Đến nay có 104 tên thương mại chứa glyphosate được đăng ký. Mức độ độc hại của thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất glyphosate cũng đã được cảnh báo từ lâu. Sau này, nếu thế giới chứng minh glyphosate không gây ung thư, Việt Nam sẽ đưa hoạt chất này trở lại vào danh mục. Việc lạm dụng các loại hóa chất diệt cỏ, trừ sâu bệnh trong thời gian dài gây ảnh hưởng đến môi trường và để lại hậu quả nặng nề với sức khỏe người dân thường xuyên tiếp xúc với các loại hoạt chất này và cả người tiêu dùng.

HÀNG VIỆT

Chương trình OCOP Hà Giang: Cơ hội cho các sản phẩm lợi thế

Năm 2018, tỉnh Hà Giang bắt đầu triển khai Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP). Sau hơn 1 năm triển khai, Chương trình OCOP Hà Giang đang tạo ra nhiều kỳ vọng phát triển cho các sản phẩm lợi thế được lựa chọn hỗ trợ.

Niềm vui của những người chủ HTX

Tại Nhà văn hóa thôn Nặm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang), gian hàng giới thiệu và bán các sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) cộng đồng Nặm Đăm thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách. Hầu hết các sản phẩm của HTX đều có bao bì, nhãn mác khá bắt mắt.

Giới thiệu các sản phẩm của HTX như: Cao mạnh gân, trà gừng, thuốc tắm, tinh dầu, thuốc đau răng, xoa bóp..., anh Lý Tà Dèn - Giám đốc HTX cộng đồng Nặm Đăm - chia sẻ: “Đồng bào dân tộc Dao ở Nặm Đăm từ bao đời gìn giữ được nhiều cây thuốc quý với nghề thuốc gia truyền. Nắm bắt được những giá trị đặc trưng văn hóa này, HTX chúng tôi xác định, phát triển sản phẩm dược liệu sẽ là hướng đi chủ đạo”.

Là người nông dân sống ở vùng cao bắt tay vào làm thương mại, với anh Dèn, khó khăn nhất khi phát triển HTX là xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. “May mắn là HTX thành lập chưa được bao lâu thì tháng 3/2018, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai ở Hà Giang. Bên cạnh việc tạo điều kiện của chính quyền địa phương, tham gia Chương trình OCOP, một số sản phẩm của HTX đã được chọn là sản phẩm lợi thế để chương trình hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm... Điều này tạo thêm nhiều cơ hội cho các sản phẩm của HTX ngày càng phát triển” – anh Dèn phấn khởi.

Giống như anh Dèn, anh Hoàng A Páo - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng (xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc, Hà Giang) rất vui mừng khi 2 sản phẩm mật ong bạc hà và rượu ngô men lá Chí Sán của HTX được lựa chọn vào danh sách các sản phẩm được thực hiện theo chương trình OCOP. “Với sự hỗ trợ của chương trình, chúng tôi đã xây dựng phương án sản xuất, đóng gói bao bì, quảng bá rộng rãi sản phẩm trên thị trường; liên kết sản xuất với người dân, các HTX, doanh nghiệp; cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm”...

OCOP và triển vọng gia tăng chất lượng, giá trị hàng hóa

Kết quả 1 năm triển khai Chương trình OCOP của tỉnh Hà Giang cho thấy, để thực hiện chương trình OCOP, Hà Giang đã tổ chức nhiều hội nghị cấp tỉnh triển khai với các sở, ngành và các huyện, thành phố; mời chuyên gia tư vấn cấp Trung ương về tư vấn cho 3 huyện Quản Bạ, Xín Mần, Hoàng Su Phì; đề nghị các huyện lựa chọn sản phẩm, nhóm sản phẩm thế mạnh để nâng cấp, phát triển. Đồng thời, cử đoàn tham gia Hội chợ OCOP Quảng Ninh hè 2018, giới thiệu 49 sản phẩm tiêu biểu của 6 hợp tác xã, như: Mật ong bạc hà, dược liệu, trà Phìn Hồ, tinh bột nghệ, rượu thóc Nàng Đôn…

Ông Nguyễn Đức Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang cho biết: Hiện nay, hàng hóa giả, kém chất lượng trà trộn đang ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu, chất lượng sản phẩm của nhiều mặt hàng do đồng bào Hà Giang sản xuất. Chính vì vậy, chương trình OCOP sẽ tạo ra những bước đi vững chắc để hàng hóa của Hà Giang gia tăng chất lượng và giá trị.

Nói về quá trình triển khai chương trình OCOP, ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng, Hà Giang còn gặp một số khó khăn, hạn chế, như: Người dân, cán bộ còn thiếu kinh nghiệm trong tổ chức triển khai; sản phẩm chưa qua chế biến, chất lượng còn thấp, chưa có tem, nhãn mác, xuất xứ, nguồn gốc; thiếu nguồn nhân lực có chất lượng; nguồn kinh phí địa phương còn hạn chế… Để tháo gỡ những khó khăn này, tỉnh Hà Giang mong muốn, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương tiếp tục hỗ trợ tỉnh Hà Giang trong quá trình triển khai chương trình OCOP để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm thế mạnh.

Được biết, riêng với huyện Quản Bạ - huyện triển khai mô hình thí điểm của Hà Giang trong chương trình OCOP – năm 2019, sẽ có 16 sản phẩm được lựa chọn để hỗ trợ, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực còn yếu và thiếu như: Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ công nghệ, xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ đăng ký an toàn thực phẩm, chứng nhận y tế… Với kinh phí hỗ trợ từ 100 - 550 triệu đồng/cơ sở, HTX, tổ hợp tác, đây có thể xem là tin vui để các cơ sở, HTX và tổ hợp tác vững tin hơn trên hành trình đưa các sản phẩm lợi thế của địa phương giới thiệu đến người tiêu dùng cả nước.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)