Thông tin giá cả thị trường số 15/2019

10:18 AM 17/04/2019 |   Lượt xem: 5398 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Lào Cai: Dứa được mùa, mất giá

Giá giảm sâu, càng bán càng lỗ, bà con nông dân trồng dứa ở Lào Cai đành bỏ mặc dứa chín đỏ trên nương.

Năm 2019, tổng diện tích trồng dứa của Lào Cai là 1.180 héc-ta, được trồng tập trung chủ yếu tại các xã: Bản Lầu, Nậm Chảy, Lùng Vai (huyện Mường Khương), Bản Phiệt, Bản Cầm (huyện Bảo Thắng), Cốc Mỳ (huyện Bát Xát) và một số xã của thành phố Lào Cai. Hiện tại, dứa đã vào vụ thu hoạch, tuy nhiên, người dân ở hầu hết các địa phương trồng dứa không bán được hoặc bỏ mặc trên nương với số lượng lên đến hàng nghìn tấn quả mà không thu hoạch. Trong đó, xã Bản Lầu - thủ phủ dứa của tỉnh Lào Cai đến thời điểm này, lượng dứa tiêu thụ mới dừng lại ở mức 60% sản lượng. Những năm trước, giá dứa thấp nhất ở bản Lầu từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Năm nay, giá dứa xuống quá thấp, tiền bán dứa không đủ để trả tiền thuê nhân công nên bà con nông dân không muốn thu hoạch. Thậm chí thu hái về cũng chẳng bán được vì rất ít người mua. Trong khi đó, theo tính toán của bà con, giá dứa ít nhất cũng phải từ 2.800 – 3.400 đồng/kg mới đủ tiền phân, giống và thuê nhân công. Nhiều năm nay, thị trường chủ yếu vẫn là xuất bán cho tư thương Trung Quốc (chiếm 70% sản lượng) và một số nhà máy chế biến hoa quả trong nước. Tuy nhiên, vụ này, giá dứa bên kia biên giới xuống thấp nên tư thương Trung Quốc cũng hạn chế nhập về. Một số nhà máy chế biến nước hoa quả như ở Đồng Giao (Ninh Bình) hay ở Hưng Yên (Thanh Hóa) cũng có về thu mua nhưng không đáng kể vì sản phẩm dứa quả ở các tỉnh nhà máy đóng chân cũng cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất nên rất khó khăn cho bà con nông dân.

Theo thống kê sơ bộ của huyện Mường Khương, lâu nay, diện tích trồng dứa trên địa bàn xã Bản Lầu chủ yếu bà con trồng tự phát chứ chưa có quy hoạch (10/21 thôn với 460 hộ trồng dứa). Chỉ tính riêng vụ dứa năm nay cũng có trên 50 héc-ta được trồng mới. Trước tình trạng hàng nghìn tấn dứa đang vào thời điểm cho thu hoạch mà không thể tiêu thụ được, xã Bản Lầu đã phải báo cáo UBND huyện Mường Khương liên hệ các nhà máy, cửa hàng siêu thị lớn về thu mua dứa cho bà con. 

Tại huyện Bảo Thắng, tình trạng dứa đến vụ thu hoạch nhưng không bán được cũng đang diễn ra ở 2 xã trọng điểm là Bản Phiệt và Bản Cầm. Trong đó, xã Bản Phiệt có hơn 210 héc-ta dứa, hiện đang đến kỳ cho thu hoạch có sản lượng ước gần 1.000 tấn. Tuy nhiên, đến nay người dân mới bán được hơn nửa, số còn lại chưa có ai thu mua. Nhiều hộ tiếc của đã tự thu hoạch, sau đó mang ra thành phố Lào Cai và ven đường Quốc lộ 70, 4D, 4E để bán lẻ, nhưng lượng tiêu thụ không được nhiều. Đang là thời điểm giữa vụ thu hoạch dứa, nhưng giá dứa chỉ khoảng 1.500 đến 2.500 đồng/kg.

Theo số liệu thống kê, 70% sản lượng dứa của người dân chủ yếu xuất bán sang Trung Quốc, còn lại cung cấp cho các nhà máy trong nước. Năm nay, giá cả bên Trung Quốc xuống thấp, tư thương hạn chế mua về trong khi ở trong nước, mức thu mua không đáng kể. Từ đầu vụ tới nay, tiểu thương mới chỉ thu gom bán cho các siêu thị và chợ đầu mối các tỉnh thành, còn các nhà máy chế biến dứa thì lượng tiêu thụ không lớn do nguồn dứa nhiều nơi chưa đáp ứng được các tiêu chí theo yêu cầu.

Trước tình trạng này, Lào Cai đang tích cực tuyên truyền, vận động bà con tập trung chăm sóc bền vững đối với diện tích dứa hiện có và không mở rộng thêm. Ngoài ra, các huyện phải có kế hoạch chuyển đổi cây trồng mới có hiệu quả kinh tế và mang tính bền vững hơn như cây lâm nghiệp, cây chè…

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Quảng Ngãi: Dưa hấu chờ “thương lái”

Hơn nửa tháng nay, dưa hấu tại tỉnh Quảng Ngãi đến kỳ thu hoạch rộ. Dưa chín đầy đồng, người bán nhiều, người mua ít, giá dưa liên tục giảm… là những ghi nhận của chúng tôi trên thị trường.

Những năm trước đây, nông dân tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu trồng dưa tròn Hồng Lương, bán cho tư thương xuất đi Trung Quốc. Năm nay, phần lớn nông dân Quảng Ngãi chuyển sang trồng loại dưa dài Hắc Mỹ Nhân vừa bán cho thị trường nội địa, vừa có thể xuất khẩu. Tuy nhiên, cách đây hơn 1 tuần, giá dưa hấu Hắc Mỹ Nhân đang ở mức gần 7.000 đồng/kg đã giảm xuống còn 2.500 đồng/kg. Với giá này, người trồng dưa đa phần thua lỗ. Tuy nhiên, đáng lo ngại là tình hình tiêu thụ dưa rất chậm, thương lái không đến thu mua. Một số vườn nếu mặc cả với tư thương, dưa quá độ chín vài ngày thì người trồng dưa mất cả vốn lẫn lời.

Với sản lượng hơn 40.000 tấn dưa hấu mỗi năm, Quảng Ngãi là một trong những địa phương có sản lượng dưa hấu thuộc tốp đầu của cả nước. Tuy nhiên, đầu ra của dưa hấu phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc nên năm nào cũng có hàng ngàn tấn dưa hấu rơi vào tình cảnh “bán rẻ như cho” khiến người trồng dưa điêu đứng. Mặc dù địa phương đã khuyến cáo bà con không nên đổ xô trồng dưa nhưng nhiều diện tích dưa vẫn được mở rộng, bấp chấp khuyến cáo của các ngành chức năng.

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá cam sành trái vụ giảm

Mặc dù đang vào đỉnh điểm mùa nắng nóng nhưng giá cam sành trái vụ tại Đồng bằng sông Cửu Long lại tiếp tục giảm mạnh.

Thông thường vào thời điểm nắng nóng gay gắt, những loại trái cây có múi như cam sành có giá bán tương đối ổn định. Tuy nhiên, hiện nay mặc dù đang vào đỉnh điểm mùa nắng nóng nhưng giá cam sành trái vụ tại Đồng bằng sông Cửu Long lại giảm mạnh.

Tại tỉnh Hậu Giang, giá cam sành hiện được các thương lái thu mua ở mức 6.000 - 8.000 đồng/kg, tùy chất lượng, giảm 3.000 đồng/kg so với thời điểm này của tuần trước và giảm gần 7.000 - 8.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều nhà vườn cho biết, trước đây, khoảng đầu tháng 3 đến cuối tháng 5 hàng năm, giá cam sành trái vụ rất cao, có thời điểm ở mức 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, giá cam sành trái vụ ngày càng giảm sâu và gặp nhiều khó khăn về đầu ra.

Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 30.000 héc-ta cam sành, tập trung ở các tỉnh như: Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Đồng Tháp. Lâu nay, nhà vườn trồng cam sành tại Đồng bằng sông Cửu Long chưa có đầu mối bao tiêu ổn định, chủ yếu bán cho thương lái. Do sản lượng hiện nay quá nhiều dẫn đến cung vượt cầu nên cam giảm giá. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là các địa phương trong vùng cần phải xem xét để có hướng quy hoạch, chuyển đổi diện tích trồng cam sành cho phù hợp.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Trà Ôn (Vĩnh Long): Nuôi cá lóc, cá tra công nghiệp lãi khá

Mô hình nuôi cá tra công nghiệp ven bãi bồi và cá lóc ao đất vẫn là 2 mô hình nuôi thủy sản chính của huyện Trà Ôn với diện tích đang thả nuôi 35,8 héc-ta, tăng 4,46 héc-ta so cùng kỳ; diện tích thu hoạch 25,4 héc-ta; sản lượng thu hoạch ước đạt trên 7.000 tấn (cá tra 6.030 tấn, cá lóc 1.060 tấn).

Gần đây, giá cá tra và cá lóc tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn ở mức khá cao, đảm bảo người nuôi có lợi nhuận. Cụ thể: Giá cá tra từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ, với mức giá hiện tại các hộ nuôi có lợi nhuận 3.000 - 5.000 đồng/kg. Giá cá lóc từ 32.000 - 33.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ, lợi nhuận 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Thời gian tới, huyện Trà Ôn sẽ tiếp tục vận động các hộ nuôi cá tra thâm canh đăng ký thực hiện nuôi theo quy định về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra.

Bình Thuận: Thanh long chong đèn giảm giá

Giá điện tăng nhưng giá thanh long chong đèn tuột dốc khiến nông dân Bình Thuận đang đối mặt với khó khăn. Canh tác thanh long vụ nghịch không còn hiệu quả như trước. Với giá bán tại vườn chỉ 12.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí phân thuốc và nhất là tiền điện, nhiều hộ gia đình không có lãi. Bởi theo tính toán, giá thanh long phải từ 15.000 đồng/kg trở lên, nông dân mới có lãi.

Hiện giá thanh long ở Bình Thuận liên tục giảm mạnh, từ 18.000 đồng/kg xuống chỉ còn 12.000 đồng/kg. Thanh long xuất khẩu loại đẹp, thương lái cũng chỉ mua với giá không quá 13.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do lượng hàng ở các vựa lớn xuất khẩu đi Trung Quốc tồn kho nhiều, dẫn đến giá thấp. 

Đồng Nai: Giá nghệ tươi giảm

Nghệ vốn là cây gia vị trồng xen canh, không được quy hoạch, thiếu liên kết với doanh nghiệp chế biến nên chủ yếu mua bán qua thương lái. Những thời điểm giá cao, các hộ dân mở rộng diện tích trồng nghệ; đồng thời chuyển đổi một số loại cây mì, mía sang trồng nghệ bất chấp quy hoạch. Cụ thể, thời điểm năm 2017, giá nghệ tươi tăng lên gần 6.000 đồng/kg, nhiều nông dân ở Đồng Nai đua nhau mở rộng diện tích. Đến năm 2018, giá nghệ giảm xuống 3.500 đồng/kg nhưng hiện tại, giá nghệ tiếp tục giảm, chỉ còn dưới 2.000 đồng/kg. Nhiều diện tích đang vào mùa thu hoạch nhưng rất ít thương lái đến hỏi mua. Nhiều nông dân phải luộc nghệ, phơi khô, đem bảo quản để tránh bị hư hỏng. Năm nay, với giá thuê nhân công thu hái, chi phí bảo quản tăng cao trong khi năng suất giảm thấp, người trồng nghệ chỉ có hòa vốn hoặc thua lỗ.

Hậu Giang: Trồng dừa xiêm dứa cho thu nhập cao

Hiện nay, dừa xiêm dứa tươi được thương lái thu mua 18.000 - 20.000 đồng/trái, riêng dừa khô để giống có giá 30.000 - 40.000 đồng/trái. Về hiệu quả, dừa xiêm dứa cho hiệu quả rất cao. Dừa xiêm dứa có vị ngọt thanh và mùi thơm lá dứa nên giá bán luôn cao gấp 3 lần so với dừa xiêm thông thường. Đây là loại cây trồng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông hộ ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Thông thường, dừa xiêm dứa chiếm diện tích không nhiều, tập trung chủ yếu ở các nhà vườn làm du lịch. Dừa dứa có giá trị cao hơn từ 40 - 50% so với dừa xiêm xanh. Để phân biệt giữa dừa xiêm dứa và dừa xiêm thông thường, người tiêu dùng có thể ngắt một góc nhỏ của lá và ngửi, nếu có mùi thơm thì đó chính là dừa dứa.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Tuyên Quang: Trồng lạc che phủ nylon cho lãi cao

Huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho sự phát triển của cây lạc. Cây lạc đã được người dân nơi đây trồng từ nhiều năm nay, tuy nhiên, đa số diện tích lạc được trồng thường theo kiểu rạch hàng, gieo hạt… nên năng suất chưa cao.

Ngay đầu vụ thu hoạch, giá lạc đã tăng nên bà con nông dân phấn khởi. Vụ Đông năm 2018, huyện Chiêm Hóa đã triển khai mô hình trồng lạc che phủ nylon, nhằm từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ bằng biện pháp canh tác tiên tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho nông dân. Các hộ thực hiện được hỗ trợ tiền mua nylon và một phần tiền giống, thuê máy làm đất và được cán bộ kỹ thuật trực tiếp theo dõi, hướng dẫn.

So với trồng lạc theo phương pháp thông thường, trồng lạc che phủ nylon có ưu thế vượt trội như: Tỷ lệ mọc cao, giảm được công làm cỏ, chăm sóc, cây phát triển tốt, củ lạc chắc, không bị thối… nên năng suất cũng cao hơn từ 20 - 30% so với trồng lạc theo cách truyền thống trước đây. Đồng thời, hạn chế được những rủi ro như sâu bệnh nhiều, thối rễ, chết cây do mưa, còn nắng thì làm cây héo rũ, kém phát triển.

Theo tính toán của các hộ tham gia mô hình, vụ lạc này cho năng suất 4 tấn củ tươi/héc-ta. Với giá thu mua của Hợp tác xã Phúc Sơn là 12.000 đồng/kg củ tươi, sau khi trừ chi phí, người trồng lạc lãi trên 30 triệu đồng/héc-ta. Ngay sau khi thu hoạch, huyện Chiêm Hóa tiếp tục hỗ trợ nylon để bà con nông dân mở rộng diện tích trồng lạc che phủ nylon nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thêm thu nhập cho bà con.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Kiểm tra đột suất 48 điểm bán tỏi Lý Sơn

Ngày 4/4/2019, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra đột xuất 48 điểm bán tỏi trên địa bàn xã An Vĩnh. Tại thời điểm kiểm tra, gần 20 điểm bán lẻ tỏi ở khu vực cảng cá Lý Sơn đều không có nhãn mác, bao bì theo quy định.

Việc kiểm tra nhằm chấn chỉnh tình trạng một số cá nhân lợi dụng thương hiệu tỏi Lý Sơn để thu lợi bất chính. Bởi trên thực tế, nhiều điểm bày bán tỏi Ninh Hiển, tỉnh Khánh Hòa để chung quầy với tỏi Lý Sơn nhưng không có bảng chữ phân biệt với tỏi Lý Sơn để người tiêu dùng nhận biết nguồn gốc xuất xứ từng loại tỏi. Hơn 20 điểm còn lại bày bán tỏi cũng trong tình trạng không nhãn mác, không bao bì và không có bảng phân biệt các loại tỏi.

Các ngành chức năng huyện Lý Sơn đã nhắc nhở và yêu cầu các chủ cơ sở bán tỏi ký cam kết không được trộn lẫn tỏi nơi khác với tỏi Lý Sơn để tiêu thụ dưới nhãn mác tỏi Lý Sơn. Nếu chủ cơ sở bán tỏi nơi khác phải có bảng chữ phân biệt đâu là tỏi Lý Sơn, đâu là tỏi địa phương khác để người tiêu dùng biết và có sự lựa chọn sản phẩm. Sau đợt kiểm tra này, huyện sẽ lập đường dây nóng công bố số điện thoại của Lãnh đạo huyện và các phòng chuyên môn, tiếp nhận những thông tin phản ánh của người tiêu dùng.

Bên cạnh việc kiểm tra, giám sát, chính quyền huyện Lý Sơn còn yêu cầu các chủ hộ kinh doanh ngăn chặn tình trạng chuyển tỏi từ nơi khác về đảo tiêu thụ.

Tỏi Lý Sơn thơm ngon hơn tỏi địa phương khác, có giá cao hơn nên một số cá nhân đã lén lút chuyển tỏi nơi khác về đảo trộn lẫn với tỏi Lý Sơn để bán cho người tiêu dùng.

HÀNG VIỆT

Mật ong hoa nhãn

Đến hẹn lại lên, vào thời điểm này, khi hoa nhãn đang bắt đầu nở rộ cũng là lúc báo hiệu vào vụ thu hoạch mật ong từ hoa nhãn. Người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng mật ong hoa nhãn Hưng Yên. Đây cũng là sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ trao giấy chứng nhận bảo hộ.

Mật ong nhãn còn được gọi là mật ong của mùa xuân vì nó được sản xuất chủ yếu vào khoảng tháng 3, tháng 4 dương lịch. Mật ong nhãn là loại mật ong phổ biến ở các tỉnh: Hưng Yên, Sơn La và các tỉnh miền Tây Việt Nam. Đến với Hưng Yên thời điểm này sẽ thấy, trên các cánh đồng, vườn trại chuyên canh nhãn, từng thùng ong xếp thành hàng dài, các đàn ong mật đua nhau bay đi tìm hoa làm mật râm ran cả một khoảng trời.

Không như các loại mật ong được lấy từ các hoa khác, mật ong hoa nhãn luôn vàng óng, sánh quyện và ngát mùi thơm hương hoa nhãn. Đặc biệt, người tiêu dùng có để suốt năm cũng không xuống màu, giảm chất lượng của mật. Bên cạnh đó, mật ong từ hoa nhãn có rất nhiều công dụng, không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn là một trong những nguyên liệu dùng để làm đẹp tự nhiên, hiệu quả. Bởi vậy, giá xuất bán bao giờ cũng ổn định hơn so với các loại mật khác trên thị trường. Các hộ nuôi ong đang đặt thùng nuôi ong trên các vườn nhãn cho biết, hiện nay, hầu hết các đàn ong mới cho thu hoạch được 1 lần lấy mật với giá xuất bán ổn định như những vụ trước: Bán buôn khoảng 80.000 – 90.000đồng/kg, giá bán lẻ khoảng 110.000 - 120.000 đồng/kg đối với ong Ý, với ong ta sẽ có giá xuất bán cao hơn 10.000 - 20.000 đồng/kg. Năm nay, lượng hoa nhãn kém hơn năm ngoái nhưng chất lượng mật vẫn bảo đảm. Nếu thời tiết nắng ráo, 4 - 6 ngày sẽ cho thu một lần mật và trung bình năng suất mỗi một thùng nuôi ong khi quay lấy mật sẽ thu được 2 - 3 kg.

Như hiểu rõ được đặc tính của loài hoa quý này khi chỉ cho khai thác mật trong khoảng 25 - 30 ngày nên những người thợ nuôi ong đang tất bật chuẩn bị máy móc, vật dụng để thu hoạch mật ong. Trên thị trường, nhiều cửa hàng kinh doanh treo biển bán mật ong hoa nhãn. Khách hàng thập phương cũng tìm về tận vườn nhãn để mua những chai mật ong thơm ngon, vàng óng đầu mùa. Thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, lượng khách mua mật ong hoa nhãn tăng gấp 4 - 5 lần.

Cứ đến mỗi vụ hoa nhãn, các vườn nhãn trong tỉnh Hưng Yên đã thu hút trên 10 nghìn đàn ong mật trên khắp cả nước về hội tụ. Các hộ nuôi ong lâu năm làm nghề đều nhận định, không loại hoa nào mà mật đạt năng suất và chất lượng tuyệt vời như hoa nhãn. Bởi vậy, cứ đến mùa mật ong hoa nhãn, khách hàng thường phải liên lạc để đặt trước hoặc đến tận nơi quay mật mua hàng. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, trung bình mỗi hộ nuôi ong phải cắt cử 6 – 8 lao động theo dõi, chăm sóc đàn ong và trực tiếp quay lấy mật ngay tại các vườn nhãn. Như vậy, khách hàng sẽ tin tưởng hơn với chất lượng sản phẩm. Mật ong sau khi thu hoạch được bảo quản cẩn thận, để được lâu, hương vị vẫn giữ được như ban đầu. Không chỉ được tiêu thụ nội địa, mật ong hoa nhãn Hưng Yên còn được xuất khẩu sang nhiều nước, các sản phẩm khác từ ong như sữa ong chúa, phấn hoa… đều được ưa chuộng. Điều này đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi ong.

Với diện tích trồng nhãn tương đối lớn, đầu ra sản phẩm thuận lợi, Hưng Yên có nhiều tiềm năng để mở rộng mô hình nuôi ong lấy mật. Nghề nuôi ong tại Hưng Yên có từ lâu đời và mật ong hoa nhãn cũng trở thành đặc sản của tỉnh. Nhằm nâng cao uy tín của sản phẩm và chiếm lĩnh thị trường, thời gian qua, Hưng Yên đã quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mật ong. Đồng thời, hỗ trợ bà con các giải pháp nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ…

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)