Thông tin giá cả thị trường số 13/2018

02:38 PM 26/03/2018 |   Lượt xem: 4174 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Đắk Lắk: Chủ động nguồn nước tưới cho cà phê

Mùa khô ở Tây Nguyên năm nay được đánh giá là khá thuận lợi về nguồn nước tưới cho cây trồng so với những năm trước do mưa nhiều hơn và chưa xảy ra hiện tượng nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, đối với những loại cây trồng cần nhiều nước như cà phê thì người dân vẫn chưa hết lo.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi, trên địa bàn Đắk Lắk hiện có 771 công trình thủy lợi, gồm 600 hồ chứa, 117 đập dâng, 54 trạm bơm. Tổng diện tích cây trồng được tưới hơn 245.440 héc-ta, chiếm 76,7% diện tích cây trồng chính có nhu cầu nước tưới. Trong đó, diện tích tưới trực tiếp từ công trình thủy lợi đạt khoảng 43% (gồm 54.163 héc-ta cà phê, trên 81.000 héc-ta lúa 2 vụ, 2.804 héc-ta cây trồng khác); diện tích còn lại (trong đó có 89.753 héc-ta cà phê) được tưới từ việc tạo nguồn hỗ trợ và các hình thức công trình khai thác nước từ các nguồn nước mặt sông, suối, nước ngầm. Những con số nêu trên cho thấy, diện tích cà phê khó khăn về nguồn nước vẫn còn lớn, khoảng 59.441 héc-ta.

Chính vì vậy, năm nay, mặc dù được đánh giá là khá thuận lợi về nguồn nước tưới hơn năm trước nhưng nhiều vùng cà phê ở các huyện: Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Búk… người dân vẫn đang thấp thỏm lo âu vì mới tưới đợt 1, 2 mà nguồn nước đã có dấu hiệu khô cạn. Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar cho biết, năm nay nếu không mưa sớm chắc chắn là thiếu nước vì nhiều nơi người dân mới tưới đợt 1 bằng nước giếng đã phải chờ nước. Toàn huyện hiện có 66 công trình thủy lợi, diện tích cà phê được tưới từ công trình khoảng dưới 10.000 héc-ta, trong khi tổng diện tích cà phê là 36.000 héc-ta. Những diện tích nằm ngoài thiết kế tưới của các công trình thủy lợi đa phần đều phải sử dụng nước ngầm để tưới vào mùa khô.

Theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Chi nhánh huyện Cư M’gar, công ty quản lý 34 công trình thủy lợi (gồm 25 hồ chứa, 9 đập dâng), hiện đa số các hồ vẫn đang còn nước, nhưng một số hồ ở xã Ea Kuêh, Ea Tul, Ea M’droh mực nước đã xuống dưới 50%. Riêng hồ Buôn Jun (xã Ea Kuêh) đã gần cạn. Dự báo, nếu cuối tháng 3/2018 vẫn chưa có mưa thì nhiều diện tích cà phê trên địa bàn huyện sẽ bị khô hạn.

Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh Đắk Lắk cho biết, với tình hình nguồn nước như hiện nay, ở các công trình do công ty quản lý sẽ cố gắng bảo đảm được nguồn nước tưới trong thời gian tới. Tuy nhiên, ở một số địa bàn như Ea H’leo, Krông Búk, Cư M’gar nhiều hồ chứa do diện tích lưu vực nhỏ, nguồn nước đến không có nên thường bị thiếu nước về cuối vụ. Công ty sẽ chỉ đạo các đơn vị thực hiện tưới tiết kiệm, đồng thời thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết và nguồn nước đến tại các hồ chứa để xây dựng phương án phòng chống hạn về cuối vụ.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, mùa mưa trên địa bàn tỉnh thường kết thúc sớm hơn so với quy luật, cùng với tập quán sản xuất nông nghiệp của người dân còn lãng phí nguồn nước đã dẫn đến tình trạng hạn hán thường xuyên xảy ra. Do vậy, việc xây dựng các mô hình nhằm chủ động nguồn nước tưới là hết sức cần thiết. Để giúp người dân tiếp cận các mô hình này, địa phương cần tuyên truyền sâu rộng đến người dân, đồng thời có chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay…Có như vậy các mô hình mới được nhân rộng, tăng hiệu quả sản xuất, đối phó với tình trạng hạn hán.

Trong vụ đông xuân 2017- 2018, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh đã cung cấp nước tưới cho trên 48.719 héc-ta cây trồng, trong đó có 24.324 héc-ta cà phê. Tính đến đầu tháng 3/2018, trong số 237 hồ chứa công ty đang quản lý có 79 hồ đạt mực nước dâng bình thường, 121 hồ ở mức 70 - 90%, 24 hồ ở mức 50 - 70%, 8 hồ ở mức dưới 50% và 5 hồ cạn nước.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Sóc Trăng: Ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ tôm bền vững

Tổ chức Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam phối hợp Chi cục Thủy sản Sóc Trăng đã ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ tôm bền vững, đáp ứng thực hành nuôi tôm có trách nhiệm theo tiêu chuẩn ASC giữa Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi và Hợp tác xã (HTX) Toàn Thắng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tôm có chứng nhận ASC, Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi và HTX Toàn Thắng đã tiến hành liên kết để thành lập chuỗi nuôi trồng, chế biến xuất khẩu tôm sạch bền vững. Do thị trường tiêu thụ ngày càng khó tính, không chỉ đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng cao, bao bì, mẫu mã bắt mắt mà còn cần đến những sản phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm sạch.

Hiện nay, thị trường nước ngoài đang quan tâm đến 2 chứng nhận là BAP cho thị trường Mỹ và ASC thị trường châu Âu. Đây là 2 chứng nhận mà người tiêu dùng thế giới công nhận, đặc biệt là chứng nhận ASC. Vì vậy, việc liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ tôm ASC sẽ giúp người dân tiêu thụ tốt sản lượng tôm sau thu hoạch. Tham gia liên kết này, các hộ dân hoàn toàn yên tâm về đầu ra cũng như chất lượng sản phẩm.

Ngoài việc ký kết hợp đồng, Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi còn cam kết hỗ trợ toàn bộ chi phí đánh giá chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC cho tất cả thành viên HTX. Đồng thời, thu mua tôm giá cao hơn thị trường 2.500 đồng/kg cũng như hỗ trợ tiền mặt cho HTX 100 triệu đồng/năm để duy trì chứng nhận.

Việc ký kết giữa Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi và HTX Toàn Thắng là bước ngoặt lớn trong chuỗi liên kết sản xuất tôm đạt chất lượng xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Điều này sẽ giúp người nuôi tôm tăng lợi nhuận trên cùng diện tích thả nuôi.

Đức Cơ (Gia Lai): Năng suất điều đạt thấp

Mặc dù hiện nay, giá hạt điều đang tăng cao  nhưng  người trồng điều ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai vẫn không vui vì điều mất mùa.

Huyện Đức Cơ hiện có hơn 4.000 héc-ta điều. Cây điều không chỉ giúp người nông dân nơi đây thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, giá hạt điều luôn ở mức cao đã đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều hộ nông dân. Năm nay, mặc dù đang là cao điểm vụ thu hoạch điều nhưng năng suất giảm mạnh khiến người trồng thất thu. Trong khi đó, giá thuê nhân công thu hoạch điều năm nay lại cao. Nếu theo ngày thì 200.000 đồng/người/ngày, còn theo sản lượng năm trước chỉ 3.000 đồng/kg thì năm nay nâng lên 5.000 đồng/kg.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Cơ, nguyên nhân dẫn đến năng suất cây điều giảm là do thời tiết thất thường. Mọi năm, khoảng thời gian này thường nắng to, điều ra hoa gặp nắng đẹp là đậu quả ngay. Nhưng năm nay liên tiếp có những cơn mưa bất thường, xuất hiện sương muối nên dù điều ra rất nhiều hoa nhưng không đậu trái. Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa chính là người dân bỏ bê không chăm sóc cây điều. Hàng năm, điều phải bón 3 lần phân, khi ra hoa phải phun thuốc kích thích thì mới đạt năng suất cao. Tuy nhiên, hiện nay đa phần người trồng điều thường không chăm bón, hoặc chỉ bón 1 lần phân, rồi đến mùa thu hoạch mới bắt đầu đi dọn cỏ để nhặt quả. Người dân vẫn có tâm lý ỷ lại và cho rằng cây điều không cần chăm sóc như cà phê, hồ tiêu mà vẫn ra quả. Chính vì vậy, trong năm nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thực hiện tái canh cây điều, cải tạo vườn điều theo hướng thâm canh nhằm đạt năng suất tối đa, mang lại giá trị kinh tế cao.

MUA GÌ - BÁN GÌ

An Giang: Đường thốt nốt tăng giá

Khoảng một tuần nay, tại chợ trung tâm thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang cũng như các điểm kinh doanh thuộc khu di tích miếu Bà Chúa xứ núi Sam, giá đường thốt nốt đã lên đến 40.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg so với ngày thường.

Theo các tiểu thương, nguyên nhân giá đường tăng là do đang vào mùa vía Bà, lượng du khách đến thành phố đông, nhu cầu tiêu thụ tăng gấp nhiều lần. Đường thốt nốt là đặc sản có tiếng của tỉnh An Giang được làm từ mật nước của cây thốt nốt, một cây trồng phổ biến vùng Thất Sơn. Mùa nấu đường rơi vào thời điểm Lễ hội vía Bà Chúa xứ núi Sam, hàng triệu du khách từ khắp nơi đổ về vùng Thất Sơn du lịch tâm linh, tìm mua đặc sản, trong đó có đường thốt nốt.

Dưới bóng những cây thốt nốt, hàng trăm lò nấu đường thủ công mọc lên. Nhu cầu tiêu thụ đường thốt nốt ngày càng cao nên thu nhập của đồng bào Khmer nơi đây cũng tăng lên đáng kể.

Giá cá tra nguyên liệu tăng kỷ lục

Theo một số doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, giá cá tra nguyên liệu đang được thu mua ở mức 30.000 - 32.000 đồng/kg (giá cá tra bán lẻ tại các chợ dao động 50.000 - 55.000 đồng/kg). Thậm chí, một số nhà máy thiếu nguyên liệu chế biến phải mua ở mức giá 31.000 - 32.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay.

Nguyên nhân giá tăng do nguồn cá nguyên liệu đang rơi vào cảnh khan hiếm bởi trước đó thiếu cá giống trầm trọng. Hiện cá giống loại 30 con/kg đang có giá khoảng 60.000 đồng/kg (2.000 đồng/con), nhưng nguồn cung cá giống cũng không dễ tìm. Hiện nay, thời gian nuôi cá phải mất từ 6 - 8 tháng mới thu hoạch nhằm đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, xuất khẩu cá tra, riêng tại thị trường Trung Quốc đang có xu hướng tăng, người tiêu dùng đã biết đến cá tra của Việt Nam nhiều hơn.

Quảng Ngãi: Ngư dân được mùa cá cơm, cá nục

Những ngày nắng ấm, thuyền về ắp cá cơm, cá nục… cũng là lúc các lò hấp khô cá bắt đầu vào vụ. Ngay từ sáng sớm, các chủ lò hấp ở Quảng Ngãi đã đổ xô về các cảng cá tranh thủ mua và vận chuyển về lò sấy cá. Cá phơi khô 2 - 3 nắng được xuất bán khắp các tỉnh, thành và xuất khẩu.

Đặc biệt, ngay đầu tháng 3, ngư dân đã được mùa cá cơm, cá nục. Giá cá bình quân ở mức 30.000 - 50.000 đồng/kg cá. Bình quân 3 kg cá tươi sẽ hấp và phơi khô được 1 kg cá khô với giá bán dao động khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg. Mỗi ngày, các lò hấp có thể phơi khô đến 1 - 2 tấn cá. Những lò hấp cá cũng tạo công ăn việc làm cho các lao động, bình quân mỗi lao động thu nhập 100.000 - 150.000 đồng/ngày, tùy theo số lượng cá về lò.

Nghệ An: Giá cà chua giảm mạnh

Hiện nay, người dân ở xã Quỳnh Thanh - vùng trồng cà chua lớn nhất ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đang điêu đứng bởi cà chua liên tục rớt giá. Hiện cà chua được bán với mức giá không quá 3.000 đồng/kg, thậm chí có những hôm giảm xuống 1.500 đồng/kg. Trong khi đó, mùa cà chua trước, giá đạt trên 10.000 đồng/kg. Bỏ thì tiếc nên nhiều hộ đành thu hoạch cà chua cho heo ăn.

Nguyên nhân giá cà chua giảm do thời tiết thuận lợi,  số lượng cà chua trồng nhiều, sản lượng tăng. Chính vì được mùa nên giá giảm mạnh. Hiện các địa phương đang liên hệ với các siêu thị để tìm cách thu mua cho người dân.

Tại Nghệ An, không chỉ cà chua mà các loại rau khác như bắp cải, ớt cay cũng rớt giá mạnh. Nhiều hộ dân phải nhổ rau cho súc vật, gia cầm ăn hoặc bán tháo bán chạy nhưng vẫn thua lỗ.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Thủy Biều (Thừa Thiên Huế): Mở rộng diện tích cây thanh trà

Là vùng đất nổi tiếng cây đặc sản thanh trà (quả bưởi), song diện tích trồng loại cây này tại miệt vườn Thủy Biều rất ít, nhiều diện tích còn bỏ hoang.

Thanh trà Thủy Biều từng là đặc sản tiến vua, được công nhận là 50 loại đặc sản quả nổi tiếng ở Việt Nam. Thanh trà không chỉ được biết đến là cây xóa đói, giảm nghèo mà còn là cây làm giàu của hàng trăm hộ nông dân nơi đây.

Thanh trà Thủy Biều đã có thương hiệu trên thị trường thông qua hoạt động lễ hội trái cây thanh trà hàng năm. Mỗi năm, trung bình có từ 20 - 25 gian hàng bán trái cây thanh trà thu hút rất nhiều người dân cũng như các siêu thị đến mua. Tổng sản lượng thanh trà bán ra khoảng 450 - 500 tấn, thu nhập từ 20 - 25 tỷ đồng/năm. Đây là nguồn thu nhập rất lớn đối với người dân làm vườn.

Ở Thủy Biều không hiếm những mảnh vườn chuyên canh thanh trà cho thu nhập vài chục triệu đồng cho đến hơn 100 triệu đồng/vườn/năm. Hiệu quả kinh tế mang lại của cây thanh trà đã rõ, song vẫn còn rất nhiều hộ dân chưa chú trọng chuyên canh thanh trà để phát triển kinh tế hộ gia đình. Chính vì vậy, nhiều năm qua, diện tích trồng thanh trà Thủy Biều tăng rất ít. Đến nay, tổng diện tích mới đạt 147 héc-ta - con số quá khiêm tốn so với tiềm năng vốn có.

Để phát triển giống cây đặc sản này, hiện nay, chính quyền địa phương đang vào cuộc một cách quyết liệt nhằm cải tạo lại vườn tạp, sắp xếp lại quỹ đất nông nghiệp… Đồng thời, hướng dẫn bà con nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăm bón thanh trà nhằm tăng năng suất, chất lượng quả. Tiếp tục quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn thông qua các hội chợ, triển lãm…

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Nhận biết đường thốt nốt thật

Đường thốt nốt là đặc sản có tiếng của tỉnh An Giang được làm từ mật nước của cây thốt nốt. Mùa nấu đường rơi vào thời điểm Lễ hội Vía bà Chúa Xứ núi Sam nên lượng người mua hàng rất đông. Nhiều cơ sở đã lợi dụng thời điểm này để bán đường kém chất lượng, đường dởm.

Theo kinh nghiệm của một chủ lò nấu đường thốt nốt tại huyện Tri Tôn, thường  những cơ sở sản xuất đường dởm cho người vào các lò nấu đường thủ công mua vét đường thô. Sau khi có đường thốt nốt thô nguyên chất, các lò nấu đường dởm pha chế lại theo công thức: 1 kg đường thốt nốt nguyên chất, 2 kg đường cát vàng thứ phẩm, 2 kg mật mía. Tất cả nguyên liệu được cho vào chảo lớn, đổ nước lã vào cho tan đường. Sau đó nấu sôi, cô đặc thành từng bánh, đóng bao nylon hoặc quấn lá thốt nốt đóng thành cây là hoàn chỉnh công nghệ sản xuất 5 kg đường thốt nốt dởm. Tổng chi phí để sản xuất một mẻ đường thốt nốt dởm chưa đến 40.000 đồng trong khi đường thốt nốt của các cơ sở sản xuất công nghiệp có giá từ 55.000 - 80.000 đồng/kg.

Ngoài công nghệ sản xuất đường thốt nốt dởm, hiện nay trên thị trường còn xuất hiện mặt hàng đường tán (đường mía thô) đóng gói, dán nhãn đường thốt nốt thô để lừa người tiêu dùng. Loại đường này được bán với giá rất rẻ, chỉ từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Phần lớn loại đường này không được sản xuất tại vùng Thất Sơn mà được làm ở nhiều địa phương khác và bày bán dọc các đường giao thông trong vùng Tri Tôn, Tịnh Biên để đánh lừa khách du lịch.

Các cơ sở sản xuất đường thốt nốt dởm cũng có nhiều cách đối phó rất tinh vi để tránh kiểm tra, kiểm soát, xử phạt, cho người cảnh giới lực lượng kiểm tra. Việc lấy mẫu đường ngẫu nhiên đi kiểm tra cũng không thể xác định được đâu là đường dởm, đâu là đường thật. Người tiêu dùng chỉ có thể phân biệt được nhờ vào kinh nghiệm của các thợ nấu đường kỳ cựu ở vùng Tịnh Biên, Tri Tôn như sau: Đường  thật luôn có màu vàng da bò, có độ dẻo nhất định và mùi thơm đặc trưng của thốt nốt. Còn loại đường có màu trắng ngà và cứng như đá, đập 2 thỏi đường vào nhau nghe chan chát là đường dởm, đường kém chất lượng. Tốt nhất, người tiêu dùng nên mua đường tại các cửa hàng lớn, có bảng hiệu, nhãn hiệu để được đảm bảo.

HÀNG VIỆT 

Đưa hàng Việt về miền núi: Động lực từ các doanh nghiệp tiên phong

Trong 96 doanh nghiệp (DN) vừa được Bộ Công Thương vinh danh Giải thưởng Thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ) lần thứ II có khá nhiều DN tích cực hoạt động tại địa bàn nông thôn, miền núi, cần mẫn đưa những chuyến hàng Việt về với bà con. Đây chính là những hạt nhân quan trọng giúp hàng Việt Nam bám rễ chắc chắn ở khu vực còn nhiều khó khăn này.

Vượt khó bám rễ đất nghèo

Rất nhiều lần tiếp cận và phỏng vấn nên tôi không ngạc nhiên khi gặp lại ông Trần Văn Diến - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Diến Hồng tại lễ tôn vinh và trao giải DN Thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng CVĐ lần thứ II ở hạng mục Top 76 DN thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng CVĐ. Lý do là bởi dù hoạt động trên địa bàn huyện Minh Hóa - một huyện biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Bình, gặp rất nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, thông tin sản phẩm, công ty vẫn nỗ lực đưa hàng hóa Việt về với bà con. Đồng thời là điểm phát luồng hàng hóa của bà con ra thị trường.

Cụ thể, ông Diến chia sẻ, năm 2006, Diến Hồng thuê và cải tạo 50 héc-ta đất ở vùng Cầu Roòng, xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa, đồng thời cung cấp cây giống, phân bón và giao cho các hộ nông dân trong vùng đào ao thả cá, nuôi ba ba, trồng cây ăn quả… Sau đó, công ty tiếp tục đứng ra thu mua nông sản, tìm đầu ra ổn định cho bà con bằng cách mở cửa hàng phân phối. Từ những ngày đầu thành lập với 1 cửa hàng nhỏ lẻ, đến nay, công ty đã sở hữu trên 50 cơ sở, cửa hàng giao dịch chính và hàng trăm đại lý trải dài 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh. Trong đó có siêu thị Diến Hồng - một trong những siêu thị lớn của huyện Minh Hóa. Siêu thị Diến Hồng cũng là DN đầu tiên được Sở Công Thương Quảng Bình lựa chọn để xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam. Với không gian rộng rãi, văn minh lịch sự, sản phẩm hàng hóa dồi dào, phong phú và 100% là hàng Việt Nam chất lượng cao, điểm bán hàng đã thu hút đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn huyện đến thăm quan, mua sắm. Bình quân mỗi ngày, Công ty TNHH Diến Hồng thu được khoảng 70 triệu đồng từ điểm bán, gấp 3 lần so với thời điểm trước đây. Mức doanh thu này cho thấy, hàng hóa Việt đã thực sự bước từng bước đầu tiên “bám rễ” khu vực miền núi khó khăn.

Vùng khó khăn cũng phải được dùng sản phẩm tốt

Không chỉ là một trong những DN tiêu biểu của thủ đô, Công ty CP Khóa Việt Tiệp còn được biết đến với vai trò là một trong những thương hiệu được biết đến nhiều nhất ở khu vực nông thôn, miền núi. Với phương châm mang các sản phẩm tốt nhất đến với bà con, DN này không chỉ tích cực tham gia các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi mà còn có chiến lược riêng chiếm lĩnh khu vực này. Ông Lương Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty Khóa Việt Tiệp chia sẻ, công ty luôn có chính sách phân tuyến thị trường, ưu tiên cho thị trường vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, do thị trường nông thôn còn thiếu thông tin nên công ty tăng cường chiến dịch quảng bá, phát tờ rơi, băng rôn, tổ chức các chương trình khuyến mãi, chiết khấu lớn… Nhờ đó, đến nay, công ty đã thiết lập được hệ thống phân phối sản phẩm rộng khắp trên toàn quốc với 2 chi nhánh và trên 200 đại lý. Sản phẩm còn có mặt tại rất nhiều cửa hàng nhỏ ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ông Lương Văn Thắng chia sẻ, hiện nay, 90% sản phẩm của Việt Tiệp đang tiêu thụ tại thị trường trong nước. Dù khó khăn vì cạnh tranh gay gắt, doanh thu của công ty vẫn tăng trưởng đều đặn ở mức 10 - 15%/năm, trong đó một phần khá lớn đến từ khu vực nông thôn, miền núi.

Ông Nguyễn Hữu Quý - Phó trưởng ban Thường trực tổ chức Giải thưởng, Tổng biên tập Báo Công Thương khẳng định, nếu 2 DN có kết quả sản xuất kinh doanh tương đương, có sản phẩm và dịch vụ chất lượng tương đồng thì DN được chọn sẽ là DN ở khu vực vùng sâu, vùng xa.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)